Bài 24: Quán tưởng khi đã múc cơm

Đã đọc: 2082           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

I. Nguyên tác và phiên âm

若見滿鉢, 
當願眾生, 
具足盛滿,
一切善法。
 Nhược kiến mãn bát, 
Đương nguyện chúng sinh, 
Cụ túc thạnh mãn, 
Nhứt thiết thiện pháp”.

II. Dịch nghĩa:

Khi nhìn thấy bát cơm đầy,
Cầu cho tất cả mọi loài
Chứa đủ đức lành phước báu,
Tất cả thiện pháp tràn đầy.

III. Chú thích từ ngữ

Kiến (見): 1) Nhìn thấy, tầm nhìn (darśana), 2) Quan điểm (S. dṛṣṭi). Khi mắt nhìn thấy màu sắc, hãy tư duy như thật (眼見色,如理思惟).

Bát (鉢, S. pātra): Cái bát ăn cơm của Tăng sĩ, có hình tròn, với đường kính khoảng 3 tấc. Còn gọi là “ứng lượng khí” (應量器), tức dụng cụ đo lường sức ăn. Từ “mãn bát” (滿鉢) có nghĩa là cái bát đầy cơm. Từ “không bát” (空鉢) có nghĩa là cái bát trống, cái bái chưa có cơm.

Thiện pháp (善法, P. kuśala-dhamma; S. kuśala-dharma): Các việc làm thiện (善行), lợi ích tha nhân (利他). Hành động lợi lạc, có giá trị cho mình và người, ở hiện tại và tương lai. Thiện pháp gồm có ba là thiện thân (善身), thiện khẩu (善口), thiện tâm (善心) và thiện tâm sở (善心所法). Có hai loại thiện pháp là a) Thế gian thiện pháp (世間善法) tức các việc thiện với quả trổ làm người trong đời sau, gồm năm đạo đức (五戒) và mười thiện (十善), b) Xuất thế gian thiện pháp (出世間善法) tức việc thiện mà quả trổ của chúng giúp người gieo trồng giải thoát sinh tử, như ba vô lậu học (三學) và sáu ba-la-mật (六度).

Cụ túc (具足): Đầy đủ. Viên mãn (圓滿). Ví dụ, “cụ túc công đức” (具足功德) có nghĩa là “đầy đủ công đức”. Từ “Cụ túc giới” (具足戒) có nghĩa là “giới Tỳ-kheo” với 250 giới, hoặc “giới Tỳ-kheo-ni” với 348 giới.

Thạnh mãn (盛滿, S. pūra): Tràn đầy.

V. Giải thích gợi ý

Bài kệ này được áp dụng trong trường hợp: “Cơm và thực phẩm đã được để vào bát”. Lúc đó, ta liên tưởng đến công đức được chất đầy trong thân tâm của ta qua các việc làm lành, tu tập và chuyển hóa. Nghĩ đến hưởng thụ, chất dịch vị sẽ tiết ra qua tuyến nước bọt, làm ta có cảm giác ăn ngon, thậm chí ăn trong ngấu nghiến. Thói quen ăn này làm ta không nghĩ hay nhìn ngó đến những người đang ngồi đối diện hoặc bên cạnh. Ta cố ăn thực phẩm ngon, không chừa gì cho ai. Thật là trơ trẽn.

Khi ăn uống, phải biết quan tâm bạn đồng tu và không nên giành ăn. Nhờ có sự quán tưởng với chính niệm, ta không thể hiện lòng tham trong sự ăn. Đồng thời, cầu mong mọi người chứa đựng được công đức như chén đựng đầy cơm.

Mỗi bát cơm dẻo, thơm ngon, bổ được đong đo tính đếm bằng công sức của những người nông phu lao khó. Có được chén cơm, nhiều người phải trải qua nhiều lao khó. Để có công lành đức tốt trong đời sống, ta không bỏ lỡ cơ hội nào trong việc làm phước.

Nếu phải lựa chọn giữa tốt và xấu, người trí sẵn lòng bỏ cái xấu, lấy cái tốt. Dù không ai biết, những gì không cho thì không đụng đến. Biết giữ mình bằng tâm vô tham, vô chấp, ta không bị nỗi lo chi phối, không bị vướng vào vòng lao lý, ở hiện tại hay trong tương lai.

Nếu phải lựa chọn giữa thiện ít và nhiều, người tu học Phật chọn lấy thiện nhiều. Người an phận thủ thường có cảm giác khỏe, do không làm gì hết. Khi làm Phật sự hoặc thiện sự, ta phải tiếp xúc xã hội, gặp phải hiểu lầm, thị phi, chống đối, thậm chí chấp nhận sự cạnh tranh, để có được công đức lớn. Phải thấy rõ: “Làm Phật sự mà không trở ngại mới là chuyện lạ”. Nói cách khác, gặp nghiệp cảnh trong lúc làm Phật sự, âu cũng là chuyện bình thường thôi. Tương tự, nên tâm niệm: “Làm điều tốt mà không bị chỉ trích mới là chuyện lạ”. Khi làm việc tốt, nếu nghịch cảnh đến, ta sẵn lòng đón nhận, không ngạc nhiên, không chán nản, không bỏ cuộc, không tổn thất bồ đề tâm; đó là cách tốt để ta có cơ hội hoàn thành những việc đáng làm.

Khi chưa có điều kiện để làm việc thiện, hãy nỗ lực tạo ra điều kiện, không ngồi chờ. Tùy duyên trong đạo Phật không phải “ngồi ôm cây đợi thỏ” hay “nằm chờ sung rụng” để ăn mà phải nỗ lực tạo duyên lành và tích cực. Thành ngữ “Muốn ăn phải lăn xuống bếp” có ý nghĩa tạo duyên một cách năng động. Mỗi người hãy nỗ lực tự thân, không đợi người khác làm sẵn. Duyên tự tạo là duyên tốt. Người chủ động tạo duyên lành sẽ thành công với thành quả lớn. Chùa chưa có Phật sự thì phải nghĩ tưởng ra, sáng tạo để có Phật sự mà làm. Đừng tiêu cực nghĩ rằng ta đang sống một mình khỏe re, làm Phật sự chi cho mệt, tốn tiền tốn công sức, mà chưa chắc có được sự tùy hỷ của người khác. Lối suy nghĩ đó sẽ khó làm đạo được. Cần tìm nhiều cách khích lệ để mọi người về chùa tu học, như gọi điện thoại, gởi thông tin, truyền thông, quảng bá nhiều giá trị lợi lạc của việc tu học. Chùa Tịnh Luật cách trung tâm Houstin, Texas, Hoa Kỳ khoảng 90 phút đi xe, quần chúng khó đến được. Phần lớn người đi chùa là những người lớn tuổi, không biết láy xe. Chùa đã tổ chức đưa rước Phật tử tại một điểm đón vào thời điểm báo trước. Những người có tâm thích tu sẽ nhờ con cháu đưa tới địa điểm chờ xe chở đi. Nhờ tổ chức đón rước, quần chúng đến chùa Tịnh Luật vào ngày chủ nhật khá đông. Nếu ngồi chờ người ta đến với mình mà không tạo phương tiện gì thì sẽ khó có Phật tử nhiều như mong đợi.

Ở trong nước, số lượng Phật tử quá đông, các chùa quá nhỏ hẹp, dù chùa không thông báo gì nhưng mỗi ngày tụng kinh vẫn đầy ắp người trên điện Phật, nhờ đó, mọi Phật sự đều hanh thông. Tùy theo hoàn cảnh, ta cố gắng tạo cơ hội tốt nhất để mọi người cùng làm những việc thiện và công đức.

V. Câu hỏi ôn tập

1. Trình bày mối liên hệ giữa “bát đầy” và “cụ túc”?
2. Thế nào là cụ túc và thạnh mãn?

***

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập