Bài 7: Đi ra khỏi phòng

Đã đọc: 2606           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

I. Nguyên tác và phiên âm

出堂
從舍出時,
當願眾生,
深入佛智,
永出三界。
 Xuất đường
Tùng xá xuất thời, 
Đương nguyện chúng sinh, 
Thâm nhập Phật trí, 
Vĩnh xuất tam giới.

II. Dịch nghĩa: Đi ra khỏi phòng 

Từng bước chân đi khỏi phòng,
Cầu cho tất cả chúng sinh,
Thấm nhuần trí Phật thậm thâm,
Vẫy chào ba cõi trầm luân.

III. Chú thích từ ngữ

Xuất (出): Đi ra, đi khỏi, rời khỏi. Đối lập với “nhập” (入). Bước ra khỏi phòng, đi ra khỏi Chùa vì Phật sự… đều được gọi chung là “xuất đường”. Xuất còn có nghĩa là thoát ra khỏi, không còn bị hệ lụy bởi, như trong thuật ngữ ‘xuất tam giới”, tức không còn bị tái sinh trong ba cõi trầm luân.

Đường (堂): Ngôi nhà, tòa nhà như trai đường. Nơi tu tập của Tăng sĩ như Tăng đường, tăng xá. “Xuất đường” có nghĩa là “đi ra khỏi nhà” hay “bước ra khỏi chùa”.

(舍): Nhà, chỗ nghỉ ngơi. Tăng xá (= Tăng đường) hay Ni xá (= Ni đường) là nhà ở của Tăng sĩ Phật giáo.

Nhập (入): Đi vào, bước vào. Đối lập với “xuất” (出). Đi vào phòng, vào chùa, vào điện Phật đều được gọi là “nhập đường”. Về nghĩa bóng, “nhập” còn được hiểu là sự thâm nhập, sự thấu tỏ, như “thâm nhập kinh tạng” tức thấu tỏ ba tạng kinh Phật, hoặc sự nhận chân, chứng đắc, như “nhập Phật trí”.

Phật trí (佛智, S. buddha-jñāna): Còn gọi là Phật huệ (佛慧, S. buddhājñā), nhất thiết trí (S. sarvajñatā) nhất thiết chủng trí (S. sarvajña-jñāna). Trí tuệ của đức Phật (佛陀的智慧) gồm có hai loại: a) Vô thượng chính trí (無上正智, S. anuttara-samyak-sambodhi) và b) Nhất thiết chủng trí (一切種智). Đây là trí tuệ cao nhất, thẩm thấu bản chất các sự vật hiện tượng như chúng đang là, soi sáng đạo đức và lối sống cao vĩ của bậc giác ngộ toàn mãn.

Tam giới (三界, S. Trailokya, triloka, tridhātu): Còn gọi là tam hữu (三有, S. tri-bhava), có nghĩa là ba thế giới, ba cảnh giới, ba hiện hữu, gồm dục giới, sắc giới, vô sắc giới. Dục giới (欲界, S. Kāmadhātu): Cảnh giới bị chi phối bởi hưởng thụ thực phẩm (食), sắc dục (淫), tính dục. Sắc giới (色界, S. Rūpadhātu): Cảnh giới hình tướng, thân tướng, cảnh trí, cung điện, đền đài, phố xá sang trọng, tuyệt hảo. Vô sắc giới (無色界, S. Arūpadhātu): Cảnh giới không hình tướng, siêu việt vật lý, thuần túy tinh thần, thuần tưởng.

Cõi dục có 11 cảnh giới gồm: a) Sáu trời: Tha hóa tự tại, Tha hóa lạc, Đâu-suất-đà, Diệm-ma, Đao-lợi và Tứ thiên vương (Trì Quốc, Tăng Trưởng, Quảng Mục, Đa Văn), và b) Năm đường: A-tu-la, người, súc sanh, ngạ quỷ, địa ngục.

Cõi sắc gồm có 20 cảnh giới hóa sinh, tương ứng với năm loại thiền định như: a) Sơ thiền gồm có 4: Phạm thân thiên, Phạm chúng thiên, Phạm phụ thiên và Đại phạm thiên, b) Nhị thiền gồm có 3: Thiểu Quang thiên, Vô lượng quang thiên và Quang âm thiên, c) Tam thiền gồm có 3: Thiểu tịnh thiên, Vô lượng tịnh thiên, Biến tịnh thiên, d) Tứ thiền gồm có 3: Vô vân thiên, Phước sinh thiên, Quảng quả thiên, e) Tịnh Phạm thiên có 7: Vô tưởng thiên, Vô phiền thiên, Vô nhiệt thiên, Thiện kiến thiên, Sắc cứu cánh thiên, Hòa âm thiên và Đại tự tại thiên.
Cõi vô sắc gồm có tứ không thiên: Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ và Phi tưởng phi phi tưởng xứ.

Nhận thức rõ rằng “ba cõi không an, cũng như nhà lửa”, các vị xuất gia theo tinh thần Đại thừa phát tâm vô thượng bồ-đề, không cầu quả phước trời người, nỗ lực chuyển hóa tham ái, sân hận, si mê, chấp thủ nên giải thoát sinh tử, thoát ra khỏi ba cõi.

IV. Giải thích gợi ý

Bài thiền kệ này là nhằm thực tập chính niệm khi rời khỏi phòng. Rời khỏi phòng đang ở, hoặc ra khỏi cổng chùa, ta đều thực tập thiền kệ này. Trong chốn thiền môn, từ việc nấu bếp ở nhà trù, tiếp khách trong phòng tiếp thân, giảng kinh, học Phật, làm công quả, làm các Phật sự được phân công v.v... người xuất gia phải làm trong sự hoan hỷ và chính niệm. Các việc làm lớn nhỏ đều liên hệ đến những bước chân đi của ta trên mặt đất.

Thông thường, buổi sáng mở ra một ngày mới. Thực tập thiền kệ này để bước chân xuất hành của người xuất gia đều thấm nhuần trí tuệ của Phật. Đi trên đất mềm, đất cát, đất sình, đất bùn dấu ấn của bàn chân để lại rõ ràng. Tương tự, mỗi bước chân chính niệm đều để lại một dấu ấn an lạc trên mặt đất.

Trong thiền kệ Tìm trâu (tầm ngưu), các thiền sư dạy chúng ta hãy nhận dạng các dấu chân của trâu. Tìm được dấu chân trâu thì việc xác định con trâu đang ở chỗ nào là không khó. Đối với con đường tâm linh, đi tìm sự giác ngộ và tỉnh thức, phải tìm ở sự vô chấp, tức ngược lại hoàn toàn với việc tìm dấu chân trâu. Trong tu tập, đạt được sự vô chấp, ta dễ dàng đạt được giác ngộ.

Đối với người xuất gia, khi đi thì dấu ấn của từng bước chân đi phải để lại chất Phật. Để mỗi bước chân hoằng hóa của ta để lại chất Phật trong tâm người nghe, ta cần lão thông kinh điển Phật dạy, để mọi người dễ dàng chấp nhận lời dạy của ta. Ứng dụng Tứ diệu đế trong cuộc sống là cách tốt nhất để kết thúc khổ đau. Trước nhất, ta cần nhận diện được nỗi khổ niềm đau, truy tìm nguyên nhân (tham ái, sân hận, si mê), trải nghiệm hạnh phúc cao nhất là niết-bàn, thực tập Bát Chính Đạo, con đường giải quyết các vấn nạn khổ đau, từ chính trị, tôn giáo, văn hóa, kinh tế, giáo dục, gia đình, xã hội, cá nhân... Không phương pháp nào có thể sâu sắc hơn Tứ diệu đế.

Để thấm nhuần Phật trí, việc thực tập Tứ diệu đế là điều kiện không thể thiếu. Nhờ thực tập tứ đế, người xuất gia dần dà thoát khỏi cõi dục, cõi sắc và cõi vô sắc. Tam giới này không nhất thiết là ba hành tinh khác nhau, cũng có thể là ba trạng thái tâm thức. Người sống ở cõi dục thiên nặng về tính dục và hưởng thụ khoái lạc giác quan, dễ dàng bị chìm đắm trong nỗi khổ niềm đau. Người tại gia có thể đánh mất chính mình trong sự hưởng thụ tính dục do không chung thủy một vợ một chồng, dẫn đến nhiều bất hạnh cho người khác. Hậu quả khó thể tránh khỏi từ lối sống này là bị truyền nhiễm bệnh qua đường máu và tình dục. Người xuất gia thấy được hậu quả của dục lạc là khổ nhiều vui ít, nên quyết chí chuyển hóa tính dục, phát triển lòng từ bi, tu tập tinh tấn, cứu giúp mọi người.

Sắc giới là cảnh giới thiên nặng về hình thái, hình thức của con người và sự vật, nhờ đó, như một sự thay thế đối tượng nhận thức của tâm, giảm bớt đi phần chú tâm về ái dục. Những người sống với trạng thái sắc giới có thể hoạt động xã hội tốt hơn những người vướng lụy vào dục lạc thấp kém của dục giới. Người ở sắc giới, nhờ phát triển ý thức, họ có những khám phá và đóng góp cho xã hội. Vì vẫn còn sử dụng ý thức nhị nguyên nên sự vướng dính trong phản ứng tham ái và sân hận đối với sắc giới là điều khó có thể tránh khỏi.

Cõi Vô sắc đặt nặng về đời sống nội tâm; yếu tố tưởng và quán chiếu trở thành sức mạnh của họ. Những người ở cõi vô sắc có năng lực sáng tạo tốt. Họ có thể trở thành các chuyên gia đầu ngành, các khoa học gia, các nhà bác học, đóng góp cho xã hội nhiều bằng phát minh, sáng kiến và sáng tạo, vì mục đích phục vụ nhân sinh.

Kinh điển Pali không bắt buộc người tu thiền phải trải qua bốn thiền sắc giới: Không vô biên xứ, thức vô biên xứ, vô sở hữu xứ, phi tưởng phi phi tưởng xứ. Sau khi chứng đạt được tứ thiền (ly dục sinh hỷ lạc, định sinh hỷ lạc, ly hỷ diệu lạc, xả niệm thanh tịnh), hành giả hướng tâm về tam minh, để chứng đắc quả A-la-hán.

Khi “Phật trí thấm nhuần”, ta sẽ tuần tự đạt được ba tuệ giác lớn là túc mệnh minh (thấu rõ quá khứ), thiên nhãn minh (thấu rõ tương lai) và lậu tận minh (thấu rõ kết thúc khổ đua hiện tại). Khi đã mở mắt tuệ giác, ta vẫy tay chào sinh tử, luân hồi trong ba cõi (cõi dục, cõi sắc, cõi vô sắc).

Tóm lại, khi mở mắt khỏi các giấc mộng, thực tập dộng chuông để tạo ra sự tỉnh thức; nghe chuông để trút bỏ các não phiền; mặc áo vào, bước chân xuống giường, đi ra khỏi phòng… đều thực hiện trong chính niệm. Những bước đi của người xuất gia phải thể hiện tinh thần phụng sự nhân sinh. Các vận động như đi, đứng, nằm, ngồi đều phải có đủ chính niệm, mang lại lợi lạc cho mình, cho người, cho đạo pháp và cho chúng sinh.

Đi trong chính niệm, mỗi ngày trôi qua là một ngày an lành, mỗi buổi sáng hết đi là mỗi buổi sáng được lợi lạc. Chính niệm khi đi ra đi vào sẽ đem lại sự an lạc trong từng bước chân.

V. Câu hỏi ôn tập

1. Trình bày ý nghĩa “Phật trí”?
2. Tam giới là gì? Làm thế nào để “xuất ly tam giới”?

***

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập