Quy cách biên soạn "Từ điển Phật giáo Việt Nam"

Đã đọc: 195           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font

 QUY CÁCH BIÊN SOẠN

TỪ ĐIỂN PHẬT GIÁO VIỆT NAM

Thích Nhật Từ

THÔNG TIN VỀ DỰ ÁN BIÊN SOẠN “TỪ ĐIỂN PHẬT GIÁO VIỆT NAM”

1. Tổng Biên tập: Thích Nhật Từ

Chùa Giác Ngộ, 92 Nguyễn Chí Thanh, P.3, Q.10, TP.HCM, Việt Nam

ĐT: +84-908-153-160

Email: tudienphatgiaovietnam@gmail.com

 

2. Các nhóm biên soạn Từ điển Phật giáo Việt Nam

 

3. Thư mời tham gia Ban Biên soạn “Từ điển Phật giáo Việt Nam”

 

4. Đăng ký tham gia diễn đàn Ban Biên soạn Từ điển Phật giáo Việt Nam

https://forms.gle/fytdqFjbV5S4igKJ8

 

5. Quy cách biên soạn “Từ điển Phật giáo Việt Nam”

 

6. Quy cách phiên dịch và biên tập Tam tạng thánh điển

 

7. Một số mục từ gợi ý để tham khảo phong cách biên soạn

8. Các mục từ đã làm xong

 

 

I. PHÂN LOẠI CÁC MỤC TỪ

Từ điển Phật giáo Việt Nam, theo dự kiến, có hơn 10,000 mục từ Phật giáo thông dụng gồm các nhóm: nhân danh, địa danh, tác phẩm, thuật ngữ, lịch sử, mỹ thuật, hội và tổ chức Phật giáo Việt Nam và thế giới.

§1Nhân danh bao gồm thánh hiệu của Phật, Bồ-tát, Thanh Văn, A-la-hán, Duyên Giác, Độc Giác, thánh tăng, tác gia nổi tiếng và tên của Tăng Ni, Phật tử, nhân sĩ trí thức Phật giáo tầm vóc quốc tế và quốc gia.

§2Địa danh bao gồm tên chùa, tháp, đường, xứ, khu vực, xã, huyện, tỉnh, thành phố, nước, thành, các di tích.

§3Tác phẩm bao gồm Kinh, Luật, Luận và các bản sớ giải; các tác phẩm Phật học quan trọng, các nghi thức hành trì; các tác phẩm văn học Phật giáo (văn xuôi, thi kệ, thơ ca, bia ký, sắc dụ, minh), báo chí, tạp chí Phật giáo.

§4Thuật ngữ và thành ngữ bao gồm các từ vựng, thuật ngữ, khái niệm, thành ngữ, phương ngữ, học thuyết, điển cố trong các Kinh, Luật, Luận của Phật giáo Nam tông và Bắc tông. Các thuật ngữ và thành ngữ mới của Phật giáo Việt Nam và các ngành học Phật giáo hiện đại.

§5Lịch sử và mỹ thuật bao gồm Phật giáo ở các quốc gia; các giai đoạn, phong trào phục hưng PG ở các nước; các công trình mỹ thuật kiến trúc; các hang động Phật giáo; các tượng đài quan trọng của PG khắp nơi; các di vật và các di chỉ khảo cổ quan trọng của PG.

§6Hội và tổ chức bao gồm các (lễ) hội, hội đoàn, tổ chức Phật giáo Việt Nam và quốc tế. Các phong trào Phật học, giáo hội Phật giáo, đạo Phật tại các quốc gia  các giai đoạn lịch sử chính của PGVN và thế giới.

 

II. YÊU CẦU CHUNG

§1. Các mục từ được đưa vào Từ điển Phật giáo Việt Nam bao gồm các dụng từ Phật học quan trọng, thông dụng trong văn học viết và các mục từ thuộc phương ngữ Phật học được sử dụng khá phổ biến trong dân gian.

§2. Các mục từ được biên soạn theo phong cách học thuật, tôn trọng tính nghiên cứu nguyên thuỷ và độc lập. Thông tin của các mục từ phải chuẩn xác, có hệ thống, nhất quán và bao quát. Văn phong phải rõ ràng, ngắn gọn, đủ nghĩa và dễ hiểu. Nói chung phải đảm bảo được tính khoa học (trong nghiên cứu), tính tư tưởng (trung thành Phật pháp) và tính tiện dùng (dễ tra khảo).

§3. Việc trích dẫn xuất xứ số tập và trang trong nội dung của các mục từ nên được trình bày dưới dạng viết tắt và đặt trong dấu ngoặc ngay trong văn mạch của mục từ. Ví dụ, A.I. 32; Tăng I.32 (thay vì Kinh bộ Tăng chi, tập I, bản dịch của HT. Thích Minh Châu v.v…).

§4. Toàn bộ Kinh, Luật, Luận trong Tam tạng Kinh điển Phật giáo Nam truyền và Bắc truyền được viết tắt theo thông lệ quốc tế như trong Bảng viết tắt.

§5. Đối với các mục từ mang tính học thuyết và hành trì quan trọng có thể liệt kê vài thư mục tham khảo chính ở cuối mục từ, để độc giả có thể tham khảo và đối chiếu. Ví dụ: Xt. Khởi tín luận, Luận Duy thức tam thập tụng.

§6. Các tác phẩm Bách khoa Phật giáo bằng tiếng nước ngoài và một số sách Phật học quan trọng được trích dẫn nhiều trong danh mục tham khảo của các mục từ thì nên liệt ra theo dạng viết tắt trong bảng viết tắt. Danh sách các tác phẩm viết tắt, dưới sự đề xuất của các soạn giả, sẽ được bổ sung theo nhu cầu biên soạn để tránh rườm rà.

 

III. CHÍNH TẢ, VIẾT HOA, NGHIÊNG VÀ THƯỜNG

§1Trật tự của các mục từ. Tên gọi của các mục từ được sắp xếp theo trật tự ABC của các thành tố cấu tạo đầu mục từ, theo cấu trúc ngữ pháp tiếng Việt. Các vần chữ cái được sắp xếp theo thứ tự sau đây:

a    ă    â   b   c   d   đ   e   ê   f   g   h   i    j    k   l

m   n   o   ô   ơ   p   q   r   s   t   u   ư   v   x   y   z

§2. Các thanh được sắp xếp theo trật tự: không dấu, huyền, hỏi, ngã, sắc, nặng, theo các đầu mục từ.

§3. Đối với các từ nguyên âm đôi, dấu thanh được đặt trên các âm chính của âm tiết. Ví dụ: hoà (không viết hòa), ho hon (không viết ha hòăn), tuấn (không viết túân), thuở (không viết thơ), thuỷ (không viết thy).

§4. Không dùng “i” thay thế “y” ở cuối âm tiết mở như trong sách cải cách. Hai chữ “i” và “y” vẫn được sử dụng theo phong cách tiếng Việt truyền thống và ngữ âm Hán Việt.

§5Viết hoa toàn bộ các thành tố nhân danh và địa danh, ngoại trừ từ chỉ loại hình địa danh.

Ví dụ: Phật Dược Sư, Quan Thế Âm, Địa Tạng, hoà thượng Thánh Nghiêm, thiền sư Lâm Tế; Bành Thành, Lạc Dương, Giao Châu.

§6Viết hoa thành tố đầu, viết thường các thành tố còn lại và giữa chúng có dấu gạch ngang ngắn đối với các nhân danh và địa danh được phiên âm từ tiếng nước ngoài.

Ví dụ: Phật Thích-ca, Bồ-tát Di-lặc, tôn giả A-nan-đa, A-la-hán, Sa-nặc, thành Ba-la-nại, vv…

§7Viết nghiêng toàn bộ và viết hoa các nhân danh và địa danh trong nhan đề tác phẩm, các từ loại còn lại viết thường, theo thông lệ Việt Nam. Các nhan đề tác phẩm tiếng Anh, ngoại trừ các giới từ, mạo từ và liên từ trong tên tác phẩm. Nếu các từ trên đứng đầu tựa sách thì vẫn viết hoa.

Ví dụ: Kinh Phổ Môn, Kinh Dược Sư, Luận duy thức tam thập tụng, Là Phật tử, The Buddha and His Teachings v.v…

§8Viết hoa thành tố đầu, viết thường các thành tố còn lại và giữa chúng có dấu gạch nối ngắn đối với các từ phiên âm từ tiếng nước ngoài trong tựa tác phẩm.

Ví dụ: Kinh A-di-đà, Luận Câu-xáLuật Sa-di.

§9Viết thường toàn bộ các thành tố của các mục từ là thuật ngữ, thành ngữ, phương ngữ, khái niệm, học thuyết; các loại từ chỉ giai vị, địa vị, chức vụ.

Ví dụ: tứ diệu đế, chánh kiến, sơ thiền, phiền não, nghiệp báo, à thượng, thượng toạ, đại đức, sư ông, pháp ấn.

§10In đậm đối với các tiêu đề mục từ trong Từ điển. Dựa vào mặc định nêu trên, ta có cách thể hiện các loại mục từ trong Từ điển như sau:

Phật Thích-ca

Thích Quảng Đức (Bồ-tát)

Bạch Mã (tự)

Thường Chiếu (thiền sư)

Thường Chiếu (thiền viện)

Trung Quán luận

tạp chí Viên Âm

đại lễ Phật đản LHQ

nhất tâm

tứ diệu đế

sư ông

sư thầy

 

IV. SỐ CHỮ CỦA CÁC MỤC TỪ

Các mục từ nhân danh, địa danh, thuật ngữ, tác phẩm và hội đoàn được chia làm 5 nhóm tương ứng với số chữ được mặc định như sau:

§1Nhóm mục từ quan trọng nhất tối đa 1000 chữ: Áp dụng cho các mục từ về Phật giáo từng quốc gia (vd như Phật giáo Việt Nam, PG Trung Quốc…), tông phái Phật giáo (vd như Đại thừa, Nguyên thủy, Thiền tông, Tịnh Độ tông…), tác phẩm lớn (Trường Bộ Kinh, Trung A-hàm, Kinh Pháp Hoa, Kinh Lăng-già, Luận Câu-xá, Luật Tỳ-kheo…), các học thuyết quan trọng (vd như tứ diệu đế, bát chánh đạo, Như Lai tạng, Phật tính, chân như…), các địa danh quan trọng (Bồ-đề Đạo tràng, Lộc uyển…), các nhân vật có nhiều đóng góp (Duy-ma-cật, Lâm Tế, Thích Quảng Đức, Lê Đình Thám…).

§2. Nhóm mục từ quan trọng, khoảng 400-500 chữ. Áp dụng cho các mục từ có tầm quan trọng đứng sau các mục từ thuộc nhóm quan trọng nhất.

§3. Nhóm mục từ thứ yếu, khoảng 300-400 chữ.

§4. Nhóm mục từ thông thường, khoảng 200-300 chữ.

§5. Nhóm mục từ ít thông dụng, khoảng 100-200 chữ.

 

V. VỀ NHÂN DANH

§1. Các nhân danh hoặc tác gia được sử dụng làm mục từ chính thường là tên gọi quen thuộc nhất của nhân danh hay tác gia đó. Tên quen thuộc thường là tên thật, có khi là bút hiệu, bút danh.

Ví dụ: Tăng TriệuNguyễn TrảiTrần Thái Tông (là mục từ chính có giải thích nội dung; ở mục từ phụ chỉ ghi đơn giản: Trần Liễu x. Trần Thái Tông), Trần Nhân Tông (là mục từ chính; mục từ phụ ghi: Trần Khâm x. Trần Nhân Tông), Trần Hưng Đạo(là mục từ chính; mục từ phụ ghi: Trần Quốc Tuấn x. Trần Hưng Đạo), Tuệ Trung thượng sĩ(là mục từ chính; ở mục từ phụ ghi: Tuệ Trung thượng sĩ x. Trần Tung).

§2. Nếu danh nhân hoặc tác gia được biết đến qua biệt hiệu, biệt danh, bút hiệu thì mục từ chính của nhân danh này nên là biệt hiệu, biệt danh, bút hiệu. Tên thật đặt trong dấu ngoặc ngay sau đầu mục từ.

Ví dụ: Thích Quảng Đức (là mục từ chính; tên thật của ngài là mục từ phụ, chỉ cần ghi Lâm Văn Tức x. Thích Quảng Đức).

§3. Nếu nhân vật nào có nhiều tên gọi thông dụng thì chọn tên gọi thông dụng nhất làm mục từ chính, các tên gọi còn lại làm mục từ phụ.

Ví dụ: Trong ba từ Lâm Tế, Nghĩa Huyền và Lâm Tế Nghĩa Huyền thì Lâm Tế Nghĩa Huyền (H. 臨濟義玄, J. rinzai gigen) là thông dụng nhất, được chọn làm mục từ chính. Ở mục từ phụ, chỉ cần ghi: Lâm Tế x. Lâm Tế Nghĩa Huyền và Nghĩa Huyền x. Lâm Tế Nghĩa Huyền.

§4. Nếu nhân danh hoặc tác gia có nguồn gốc tiếng nước ngoài, tên phiên âm thông dụng nhất trong Hán Việt sẽ được sử dụng làm mục từ chính; tên nguyên ngữ được đặt trong dấu ngoặc đi theo sau, với trình tự mặc định như sau: P. (tức tiếng Pali); S. (tức tiếng Sanskrit): H. (tức Hán cổ). Ví dụ:

Mục-kiền-liên (P. Moggallāna hay Mahāmoggallāna; S. Maudgalyayana hay Mahamaudgalyayana; H. 目犍連) một trong mười đệ tử lớn của đức Phật, nổi tiếng nhất về thần thông và hiếu thảo với mẹ.

Xá-lợi-phất (P. sāriputta, S. śāriputra; H. 舍利弗), cg. Xá-lợi tử (舍利), “con trai của bà Xá-lợi (śāri)”, là một trong mười đệ tử lớn của đức Phật, nổi tiếng có trí tuệ đặc biệt.

§5Cách trình bày thông tin

Họ tên thường dùng (tên thật: ……; hiệu/ tk: …….; năm sinh-năm mất), chức danh trong đạo và đời. Giới thiệu bao quát về con người và sự nghiệp, theo các mốc chính trong đời. Nêu bật các đóng góp chính của nhân vật. Điểm qua các tác phẩm tiêu biểu, nếu có.

 

VI. VỀ ĐỊA DANH

§1. Các cụm từ chỉ địa danh như chùa, tự, viện, thiền viện, xứ, thành, khu vực, huyện, tỉnh, thành phố, quốc gia v.v… được sắp xếp theo tên gọi chính, còn từ chỉ loại hình địa danh được đặt trong dấu ngoặc, ngay sau địa danh.

Ví dụ: Kỳ Viên (chùa), Một Cột (chùa), Hà Nội (thành phố), Ma-kiệt-đà (nước) vv…

§2. Nếu các chùa viện có nguồn gốc Trung Quốc, Nhật Bản, Tây Tạng và tiếng nước ngoài được Hán Việt hoá thì từ chỉ loại hình địa danh phải là chữ Hán gốc.

Ví dụ: Kỳ Viên (tự) hoặc Kỳ Viên (tinh xá), Vương-xá (thành).

§3. Cách trình bày nội dung

Địa danh thường dùng (cg. ), mô tả đặc điểm về địa danh như địa lý, lịch sử, kiến trúc, mỹ thuật. Giới thiệu bao quát các quan hệ của địa danh đó với Phật giáo và đất nước, hoặc nơi khai sinh các nhân vật quan trọng trong PG.

 

VII. VỀ TÁC PHẨM

§1. Một tác phẩm có thể có nhiều nhan đề khác nhau. Mục từ chính của tác phẩm thường là tựa đề do chính tác giả đặt. Nếu tác giả không tự đặt tựa đề (chẳng hạn đối với các bài thiền kệ của các thiền sư) thì tựa đề thông dụng trong dân gian được xem là tựa đề chính.

Ví dụ: Lục độ yếu mục (H. 六度要目), Cáo tật thị chúng (H. 誥疾示衆).

§2. Nếu tác phẩm là Kinh, Luật, Luận, Kinh sớ, Luật sớ, Luận sớ thì tựa đề chính của chúng thường được căn cứ theo danh mục Tang tạng Pali, A-hàm và Đại thừa từ trước đến nay. Các nhan đề tắt nào đã được sử dụng quá phổ biến sẽ trở thành mục từ chính, trong khi nhan đề đầy đủ trong nguyên tác trở thành mục từ phụ.

Ví dụ: Pháp hoa kinh (S. saddharmapuṇḍarīka-sūtra; H. 妙法蓮華經) và ở mục từ phụ thuộc tựa đề nguyên tác chỉ cần ghi Diệu pháp liên hoa kinh x. Pháp hoa kinh.

Câu-xá luận (S. kośa-śāstra ; H. 俱舍論) gọi đủ là A-tì-đạt-ma-câu-xá luận (S. abhidharmakośa-śāstra; H. 阿毗達磨俱舍論). Ở mục từ nguyên tác chỉ ghi là: A-tì-đạt-ma-câu-xá luận x. Câu-xá luận.

§3. Nếu tác phẩm bằng chữ Hán đã có bản dịch tiếng Việt thì nhan đề thông dụng của bản dịch tiếng Việt được sử dụng làm mục từ chính:

Ví dụ: bia Linh Ứng (Ngưỡng Sơn Linh Ứng tự bi minh).

§4Cách trình bày nội dung

Tên tác phẩm in nghiêng (cg. —– hay ——–), thể loại, tập, quyển, chương, số câu thơ. Giới thiệu tóm tắt nội dung chính của tác phẩm. Phân tích các giá trị triết lý và nhân văn cũng như những ảnh hưởng của tác phẩm trong lịch sử, văn học và Phật giáo.

 

VIII. VỀ THUẬT NGỮ, KHÁI NIỆM

§1. Các thuật ngữ hay từ vựng có nhiều dịch ngữ và phiên âm khác nhau thì dịch ngữ hay phiên âm thông dụng nhất sẽ là mục từ chính. Các từ vựng còn lại là mục từ phụ.

Ví dụ: Trong các mục từ “pháp, đạt-ma, đa-ma, đam-ma, đàm-vô và đàm” thì pháp là từ dịch nghĩa của chữ “dhamma” (Pali) hay “dharma” (tiếng Sanskrit), còn các chữ còn lại là phiên âm, nên mục từ chính là chữ pháp (P. dhamma; S. dharma; H. ), các từ còn lại là mục từ phụ, có hướng dẫn về mục từ chính.

§2. Các mục từ có nguyên ngữ là Pali, Sanskrit, Tạng ngữ và Hán cổ thì ngay sau mục từ đó, đặt nguyên ngữ trong dấu ngoặc, để tiện bề tham khảo. Trật tự các cổ ngữ Phật giáo được trình bày trong ngoặc đơn như sau: P. (tức tiếng Pali), S. (tức tiếng Sanskrit), H. (tức Hán Việt), T. (tức tiếng Tây Tạng). Tất cả nguyên ngữ được đặt trong dấu ngoặc, ngay sau mục từ và trước phần nội dung của mục từ.

Ví dụ: hòa thượng (P. upajjhāya, S. upādhyāya, H. 和尚) tu sĩ Phật giáo đã thọ giới Tỳ-kheo/ Tỳ-kheo-ni ít nhất mười năm, có thể làm giới sư cho các giới tử Sa-di.

§3. Các mục từ là thuật ngữ được dịch trực tiếp từ tiếng Pali thì không cần chua thêm chữ Hán ngay sau nguyên ngữ Pali.

Ví dụ: Sở hữu biến hành (P. Sabbacittasādhāranā) không cần chua thêm chữ Hán, vì Hán dịch trong trường hợp này là “biến hành tâm sở” (遍行心所) thay vì sở hữu biến hành.

§4. Các pháp số Phật học Hán Việt và cụm từ có cấu trúc Hán Việt được trình bày thành hai mục từ. Mục từ nguyên thuỷ trong cấu trúc Hán Việt là mục từ phụ, mục từ thuần Việt là mục từ chính. Tại mục từ thuần Việt này, nội dung của mục từ sẽ được trình bày chi tiết. Dùng ký tự mặc định “như” ngay sau cụm từ Hán Việt này để dẫn người đọc vào mục từ thuần Việt được dịch sát nghĩa.

Ví dụ: nhất tức nhất thiết như một là tất cả (cả hai nhóm từ in đậm đều là mục từ trong Từ điển, phần nội dung được giải thích ở mục từ thuần Việt); nhị thập nhị căn như hai mươi hai căn; Phật giáo giáo kỳ như cờ Phật giáo;Phật kỳ như cờ Phật giáo.

§5. Giữ nguyên cấu trúc Hán Việt của một mục từ khi cụm từ đó đã được sử dụng Việt hoá. Trong trường hợp này, không dùng cụm từ đã được Việt hoá cho mục từ chính.

Ví dụ: Đại thừa (không dùng “cổ xe lớn”), Nam tông (không dùng “tông phái PG miền Nam Ấn”), Thiền tông (không dùng “tông phái thiền”).

§6. Các dịch ngữ và phiên âm khác nhau từ một mục từ, nếu đã trở nên phổ thông, cũng nên được đặt thành các mục từ độc lập, sau đó, chỉ dẫn tham khảo mục từ chính, mà không cần phải trình bày lại nội dung.

Ví dụ, ngũ ấm như ngũ uẩn; bổ-lặc-già-la x. ngã (vì mục từ này chỉ là một phiên âm của chữ ngã trong nguyên ngữ puggala).

§7. Các mục từ là ngữ danh từ gồm một danh từ chỉ nơi chốn và một danh từ chỉ tên người (như trong cách gọi tên tôn kính của người Trung Quốc) thì giữ nguyên cấu trúc Hán Việt trong nguyên tác, mà không cần dịch nghĩa.

Ví dụ: Tuyết Đậu Trọng Hiển (雪竇重顯 không dùng “thiền sư Trọng Hiển ở Tuyết Đậu).

§8. Các danh từ loại thể như cái, con, cây, cuộc, sự được lược bỏ trong mục từ chính.

Ví dụ: (con) lừa ba cẵng, (cuộc) chiến tranh, (cây) bồ-đề, (con) voi say, (sự) tác ý.

§9. Các mục từ đa nghĩa

Các nghĩa khác nhau của một mục từ có liên hệ nhau về lịch sử (như nghĩa gốc và nghĩa phái sinh), về logic (nghĩa chính và nghĩa phụ hay nghĩa cụ thể và nghĩa trừu tượng) cần được phân định bằng cách sử dụng số á-rập có dấu chấm  (1. 2. 3. ) theo sau các thông tin nội dung, theo thứ tự từ nhỏ đến lớn, viết liền mạch, không cần xuống hàng.

§10. Đồng âm dị tự

Để phân biệt các mục từ đồng âm nhưng có ý nghĩa khác nhau, soạn giả nên sử dụng số á-rập nằm trong vòng tròn jkl cho từng mục từ độc lập để làm rõ sự khác nhau giữa chúng. Cần phân đoạn bằng cách xuống đầu hàng mục từ đồng âm dị tự thứ hai trở đi. Đối với các mục từ không có quá nhiều chữ thì không cần xuống hàng.

§11. Để xác định thể loại các mục từ nào tông phái, thuật ngữ thì nên sử dụng ký hiệu viết tắt in nghiêng ngay sau đầu mục từ.

Ví dụ, Tđt(được hiểu là Tịnh độ tông), Tht. (được hiểu là Thiền tông), Nml. (được hiểu là Nhân minh luận), Pht.(được hiểu là Pháp Hoa tông).

§12Cách trình bày nội dung thuật ngữ

Tên thuật ngữ (nguyên ngữ trong dấu ngoặc, theo thứ tự Pali, Sanskrit, Hán và Tây Tạng), các tên phiên âm Hán Việt; còn gọi. Mô tả nội dung của khái niệm và học thuyết. So sánh với các trường phái triết học Phật giáo khác.

§13. Về giáo hội và tổ chức

Tên thường gọi của hội, hội đoàn, tổ chức, giáo hội Phật giáo. Các tên gọi khác. Thời điểm ra đời, người thành lập, mục đích và hoạt động. Vai trò và các đóng góp của hội đoàn này trong lịch sử Phật giáo.

 

IX. CON SỐ CHỈ THỜI GIAN VÀ SỐ LƯỢNG

§1. Áp dụng số á-rập đối với ngày, tháng, năm sinh và năm mất của nhân danh. Giữa ngày, tháng và năm có dấu gạch ngang ngắn để phân cách. Ví dụ: Ngày 15-4-1963 (không ghi 15/4/1963 hay 15.4.1963).

§2. Ghi tắt phần trùng lập sau đối với các con số chỉ khoảng thời gian nhiều năm trong cùng một thế kỷ hay thiên niên kỷ. Ví dụ: 1930-32 (không ghi 1930-1932). Nếu các con số đó chỉ năm sinh và năm mất của con người thì phải ghi đầy đủ. Ví dụ: Thích Quảng Đức (1897-1963).

§3. Áp dụng số á-rập in đậm, có dấu chấm theo sau (1. 2. 3. ) đối với các mục từ đa nghĩa, để tách lập nội dung của từng lớp ý nghĩa trong một mục từ.

§4. Áp dụng số á-rập nằm trong vòng tròn jkl đối với các mục từ đồng âm dị tự, để phân định nội dung độc lập của các mục từ đồng phiên âm, khác nội dung.

§5. Viết bằng chữ thường các con số chỉ số lượng từ 1 đến 10 và các mục từ là pháp số Phật học. Áp dụng số á-rập đối với các con số chỉ số lượng từ 11 trở lên. Ví dụ: bốn ngày hành thiền (không viết là 4 ngày hành thiền), bốntinh tấn (không viết 4tinh tấn), năm lực (không viết 5 lực), 13 già nạn (không viết mười ba già nạn).

 

X. BẢNG VIẾT TẮT

Trong quá trình biên soạn từ điển, các từ viết tắt sau đây nên được sử dụng thống nhất. Khi từ nào có nhu trích dẫn hoặc tham khảo nhiều một tác phẩm nào đó, quý soạn giả nên đề nghị bổ sung mục từ viết tắt cho tác phẩm đó, để các soạn giả cùng sử dụng thống nhất.

cg.:       còn gọi, cũng gọi: hình thức đồng nghĩa của một mục từ

Dgt.:    Du-già tông

dt.:       Danh từ

đt.:       Động từ

Đt.:      Đại thừa

E.:        English, tiếng Anh

H.:       Hán Việt

Hnt.:    Hoa Nghiêm tông

L.:        Tiếng Latin

Mt.:      Mật tông

như:     mục từ tương đương

Nml.:    Nhân minh luận

P.:        Pali

Pht.:     Pháp Hoa tông

S.:        Sanskrit

STL.:   sau tây lịch

T.:        Tibetan, Tạng ngữ

Tđt.:     Tịnh độ tông

tk.:       tên khác

Tqt.:     Trung Quán tông

tt.:        Tính từ

Tht.:     Thiền tông

Ttb.:     Thượng toạ bộ

TTL.:   trước tây lịch

vd.:      ví dụ

vv.:      vân vân

vt.:       cách viết tắt của một mục từ

x.:        xem

xt.:       xem thêm, tham khảo thêm

 

XI. CÁC BẢNG PHỤ LỤC

Để giúp người sử dụng Từ điển có thể tra khảo nhanh, cuối từ điển sẽ có danh sách các bảng phụ lục, theo mẫu tự ABC cho từng mục lục.

§1. Bảng phụ lục nhân danh Phật giáo.

§2. Bảng phụ lục địa danh Phật giáo.

§3. Bảng phụ lục thuật ngữ, thành ngữ Phật học, chữ viết tắt.

§4. Bảng phụ lục thuật ngữ Pali-Việt và Sanskrit-Việt.

§5. Bảng phụ lục thuật ngữ Hán-Việt.

§6. Bảng phụ lục hội và tổ chức Phật giáo.

 

XII. PHONG CHỮ CHUẨN VÀ PHẦN MỀM ĐÁNH CỔ NGỮ

§1Chọn phong chữ Default. Để tiện việc biên tập và trình bày trong suốt quá trình biên soạn và xuất bản, đề nghị quý soạn giả sử dụng thống nhất phong chữ CN-Times. Có thể download phong chữ này tại địa chỉ sau:

http://www.buddhismtoday.com/software/CN-Times.zip

Sau đó, dùng winzip giải nén ra rồi nạp phong chữ này vào máy vi tính. Để chọn CN-Times làm phông chữ chuẩn (default) trong văn bản MS. Word, sau khi nạp phong chữ vào máy vi tính, vui lòng làm các thao tác sau đây. Ở thanh menu của MS. Word, chọn: Format ¾ Font ¾ Chọn font mang tên CN-Times rồi bấm nút Default).

Đối với các mục từ không có các cổ ngữ Phật giáo như Pali, Sanskrit, Hán và Tạng ngữ thì quý soạn giả nên sử dụng phong chữ Times New Roman.

§2Phần mềm Vietspell Checker đánh chữ Pali, Sanskrit và Tạng ngữ. Quý soạn giả có thể download Vietspell Checkertại địa chỉ:

http://www.buddhismtoday.com/software/Vietspell30.EXE

Sau khi septup phần mềm Vietspell vào máy, để đánh chứ Pali, Sanskrit và Tạng ngữ dạng Latin, quý soạn giả có thể xem hướng dẫn tại địa chỉ sau:

http://www.buddhismtoday.com/huongdan/vietspell_checker_2000.htm

§3. Để đánh chữ Hán, quý soạn giả nên sử dụng thống nhất phần mềm Hanosolf3.0. Có thể download phần mềm này tại địa chỉ sau đây:

http://www.sourceforge.net/projects/hanosoft/

 

XIII. TÁC GIẢ VÀ TÁC QUYỀN

§1. Vì không có nguồn bảo trợ, phát xuất từ thiện chí muốn đóng góp cho tủ sách Phật học Việt Nam công trình có giá trị nghiên cứu lâu dài, tập thể Ban biên tập và các tác giả của bộ Từ điển này hoan hỷ phát tâm tham gia công trình, không nhận tiền nhuận bút.

§2. Tác quyền của quyển từ điển này thuộc tập thể các tác giả tham gia. Tùy theo mức độ đóng góp của các tác giả. Từ điển khi in xong sẽ được gửi tặng đến quý tác giả/ soạn tham gia cộng tác.

§3. Tên của tác giả sẽ được ghi nhận ở hàng cuối cùng của mỗi mục từ trong toàn bộ Từ điển bằng chữ in hoa, để ghi nhận sự đóng góp và trách nhiệm học thuật về những gì mà tác giả đó đã biên soạn. Trước họ của tác giả có dấu hoa thị.

Ví dụ: Pháp chủ (H. 法主) người đứng đầu Hội đồng Chứng minh, lãnh đạo tối cao của GHPGVN, tương đương với chức “Thiền gia pháp chủ” (法主禪家) của Giáo hội Tăng già Bắc Việt và chức “Tăng thống” (僧統) của GHPGVNTN v.v…. (còn tiếp).                                                                           *THÍCH NHẬT TỪ

 

XIII. QUY TRÌNH BIÊN SOẠN VÀ BIÊN TẬP

§1. Ban Biên soạn của bộ Từ điển đề xuất các vị trưởng Ban phụ trách các nhóm chuyên môn. Danh sách này sẽ được điều chỉnh để người chuyên môn có thể có tham gia điều phối công việc thuộc nhóm chuyên môn của mình, một cách nhanh chóng và hiệu quả.

§2. Các vị trưởng Ban và các soạn giả thuộc Ban chuyên môn của bộ Từ điển có thể thỉnh mời bổ sung các nhà nghiên cứu mà mình quen biết tham gia cộng tác các mục từ thuộc nhóm mình.

§3. Các vị trưởng Ban của các nhóm sẽ họp các thành viên trong Ban của mình, lên kế hoạch và phân công việc phác thảo danh sách các mục từ mà nhóm mình phụ trách. Danh sách các mục từ này sẽ được đối chiếu với các nhóm chuyên môn khác để tránh tình trạng soạn trùng các mục từ.

§4. Ban biên soạn bộ Từ điển sẽ nhóm họp ít nhất mỗi tháng một lần để thống nhất các danh sách mục từ, sau đó làm thành tổng mục mục các mục từ của bộ Từ điển, theo mẫu tự ABC của các mục từ.

§5. Các soạn giả, tình nguyện đăng ký hoặc theo sự phân công của nhóm, tiến hành biên soạn các mục từ, sau đó gửi về trưởng Ban của mình để góp ý, trước khi gửi về cho Ban biên soạn.

§6. Sau khi Ban biên tập thống nhất nội dung toàn bộ các mục từ, sẽ tiến hành xin phép và xuất bản Từ điển theo từng tập đã được dự kiến.

§7. Đối với các cá nhân tham gia biên soạn, để tránh biên soạn trùng lập, quy trình gồm các bước như sau:

- Bước 1: Làm danh sách các mục từ do mình phát tâm phụ trách và gửi về Ban biên soạn trong thời gian sớm nhất.

- Bước 2: Ban biên soạn sẽ liệt danh sách này vào tổng mục lục của Từ điển trên trang www.daophatngaynay.com để xác định số tập của các mục từ này.

- Bước 3: Mục từ nào thuộc tập 1 thì ưu tiên làm trước và biên tập trước. Mục từ nào thuộc tập 2 thì làm sau và biên tập sau. Mẫu tự ABC của các đầu mục từ giúp chúng ta xác định được số tập mà chúng trực thuộc.

- Bước 4: Rà soát lại nội dung, thảo luận với soạn giả để biên tập lại (trong một số trường hợp), đưa các mục từ vào từng tập để in theo thứ tự.

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập