Từ điển Phật giáo (50 từ gợi ý trong tổng số 3500 mục từ đã hoàn tất) - Một số mục từ Văn học Phật giáo Việt Nam gợi ý

Đã đọc: 591           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font

TỪ ĐIỂN PHẬT GIÁO

(50 từ gợi ý trong tổng số 3500 mục từ đã hoàn tất)

Thích Nhật Từ

 ấn chuyển pháp luân (S. Dharmachakra Pravartana mudrā): Ấn tướng hai bàn tay đặt trước ngực đức Phật Thích-ca trong tư thế ngồi, tay trái hướng vào thân, tay mặt hướng ra; trong mỗi tay, ngón cái và ngón trỏ tạo thành vòng tròn, ba ngón còn lại song song hơi cong và hai vòng tròn đó chạm nhau. Ban đầu, ấn chuyển pháp luân là biểu tượng của bốn chân lý thánh như giải pháp tốt nhất của các vấn nạn con người, gia đình, cộng đồng, quốc gia và quốc tế: (i) Thừa nhận khổ đau, (ii) Truy tìm nguyên nhân, (iii) Trải nghiệm hạnh phúc, (iv) Thánh đạo tám ngành. Về sau, ấn này tại Nhật Bản trước thế kỷ 9, một số tượng Phật A-di-đà gắn kết với ấn chuyển pháp luân. Ấn chuyển pháp luân rất phổ biến tại Ấn Độ và các nước Phật giáo Nam truyền, đang khi trở nên mờ nhạt trong tại Việt Nam và một số nước Đại thừa khác.

A-xà-lê (P. ācariya, S. ācārya, 阿闍梨): thầy mô phạm về đạo đức (軌範師, quỹ phạm sư), còn gọi là giáo thọ sư (教授师). Đây là vị Tỳ-kheo/ Tỳ-kheo-ni có nhiệm vụ dạy dỗ, dẫn dắt cho các học trò. Có năm loại A-xà-lê: (i) Thầy xuất gia, (ii) Thầy thọ giới, (iii) Thầy truyền dạy giáo pháp, (iv) Thầy dạy kinh điển, (v) Thầy y chỉ. Đồng học (同學), người cùng học, người học cùng lớp. Phẩm Bồ-tát (菩薩品), thuộc Kinh Duy-ma-cật (維摩詰經) ghi: “Vui gần bạn học” (樂近同學, lạc cận đồng học).

ba huyền ba yếu (三玄三要, tam huyền tam yếu): Phương pháp khai ngộ thiền sinh của thiền sư Lâm Tế Nghĩa Huyền (臨濟義玄) nhằm giúp thiền sinh vượt qua các chấp dính nhị nguyên, phát khởi nghi tình. Thiền sư Lâm Tế dạy rằng: “Mỗi câu nói cần có tam huyền môn và mỗi huyền môn phải có tam yếu, đồng thời có quyền và có dụng” (一句語須具三玄門,一玄門須具三要,有權有用). Tam huyền gồm: (i) Thể trung huyền (體中玄): Huyền trong thể tức câu nói không cần trau chuốt mà vẫn thể hiện được chân tướng (真相) và đạo lý (道理) của mọi sự vật; (ii) Cú trung huyền (句中玄): Huyền trong câu nói tức lời chân thực (實語), không dính vào tình thức phân biệt (分別情識) tức không câu nệ ngôn ngữ mà vãn tỏ ngộ được ý nghĩa sâu xa (玄奧), (iii) Huyền trung huyền (玄中玄): Huyền trong huyền, cũng gọi là dụng trung huyền (用中玄) tức câu nói sâu xa (妙句), lìa tất cả đối đãi (相待) và trói buộc của ngữ cú (語句桎梏). Trong tác phẩm Nhân thiên nhãn mục 1(人天眼目卷一), tam yếu bao gồm: (i) Không có sự phân biệt, tạo tác trong ngôn ngữ (言語中無分別造作), (ii) Ngàn thánh hiểu trực tiếp ý nghĩa sâu xa (千聖直入玄奧) và (iii) Dứt đường ngôn ngữ (言語道斷). Tham chiếu: Lâm Tế Nghĩa Huyền thiền sư ngữ lục (臨濟義玄禪師語錄).

ba trăm mười một giới: Tổng số điều khoản giới dành cho Tỳ-kheo-ni trong quyển “Phân tích Giới bổn”(P. suttavibhaṅga, 經分别) thuộc Luật tạng của Thượng bộ gồm bảy nhóm giới sau đây: (i) 8 giới trục xuất (驱摈, pārājika), (ii) 17 giới Tăng tàn (僧残, Saṅghādisesa), (iii) 30 giới xả vật (舍忏, nissaggiya pācittiya), (iv) 166 giới sám hối (忏悔, pācittiya), (v) 8 điều hối quá (悔过, pāṭidesanīya), (vi) 75 điều nên học (众学, sikkhākaraṇīya), (vii) 7 cách dứt tranh luận (灭諍, adhikaraṇa samatha). Xem “ba trăm mười một giới.”

ba-la-di (P=S. pārājika, 波羅夷) thường được dịch là trục xuất (驅擯, khu tẩn, defeat), gồm các nghĩa sau: (i) Tội đọa (đọa tội, 墮罪) nghĩa là người phạm giới này chết đọa vào ba đường ác và các chỗ không như ý, (ii) Tội vứt bỏ (khí tội, 棄罪) nghĩa là người phạm giới này thì tất cả công đức mất hết, mãi không dự được vào dòng Thánh, cũng tức là vĩnh viễn bị loại ra khỏi Phật pháp, (iii) Chỗ để người khác giành phần thắng (他勝處法, tha thắng xứ pháp) nghĩa là người thọ giới này vốn dĩ muốn phá sạch phiền não, đẩy lùi quân Ma. Nay mình phạm giới Bồ-tát này chẳng khác nào cho giặc phiền não, quân Ma vương giành phần thắng lợi, (iv) Điều cực ác (極惡法, cực ác pháp) còn được dịch “chặt đầu” (斷頭, đoạn đầu) hoặc được dịch “chặt đứt lõi cây Đa-la” (斷多羅樹心, đoạn Đa-la thụ tâm) nghĩa là như kim xuyên thủng lỗ mũi, như tảng đá vỡ làm hai v.v… không thể trở lại như ban đầu. Theo Luật Tỳ-kheo, Tăng sĩ vi phạm sẽ bị trục xuất Tăng đoàn trọn đời và không còn cơ hội phục hồi tư cách Tăng sĩ nữa. Bên Tăng có 4 giới, đang khi bên Ni có 8 giới trục xuất, bao gồm: (i) Quan hệ tình dục với người hoặc động vật, (ii) Trộm cắp tài sản, (iii) Giết người, xúi giục, đồng lõa, ủng hộ giết người, (iv) Tuyên bố lừa dối rằng mình là thánh nhân, chứng đắc thiền định, (v) Tiếp xúc cơ thể người nam, (vi) Cho người nam chạm cơ thể, (vii) Che giấu đồng tu phạm tội trục xuất, (viii) Đi theo Tăng/Ni bị tố giác.

Ban liên lạc Phật giáo yêu nước TP.HCM: Thành lập tại Chùa Xá Lợi vào ngày 07/8/1975 trong một Hội nghị Phật giáo với sự tham gia của lãnh đạo 10 tổ chức giáo hội, hệ phái Phật giáo: (i) Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, (ii) Giáo hội Tăng già Khất sĩ Việt Nam, (iii) Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam, (iv) Thiên Thai Thiền Giáo Quán Tông, (v) Hội Phật học Nam Việt, (vi) Gia đình Phật tử Việt Nam, (vii) Ni bộ Bắc tông Việt Nam, (viii) GHPGVN Thống nhất, (ix) Giáo hội Phật giáo Hoa tông tại miền Nam, (x) Giáo hội Phật giáo Mahanikay tại Việt Nam. Ban liên lạc được ra mắt tại Nhà hát lớn thành phố, theo đó, HT. Thích Minh Nguyệt, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận dân tộc giải phóng TP.HCM, làm Chủ tịch; HT. Thích Thiện Hào và HT. Thích Bửu Ý, Viện trưởng Viện Hoằng đạo Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam đồng làm Phó Chủ tịch. HT. Thích Hiển Pháp làm Tổng Thư ký. Trụ sở ban đầu đặt tại chùa Xá Lợi, một năm sau được dời về chùa Vĩnh Nghiêm. Ban Liên lạc đã vận động hiệp thương, đề cao tinh thần đoàn kết giữa các Giáo hội Phật giáo và giữa các Giáo hội, tổ chức Hội, hệ phái để hướng đến việc thống nhất Phật giáo Việt Nam thành một tổ chức duy nhất. Vào ngày 2–2–1980, các vị giáo phẩm lãnh đạo các tổ chức giáo hội, hệ phái Phật giáo đã họp tại Tp. HCM để bàn thảo kế hoạch thống nhất Phật giáo Việt Nam. Nhờ đó, Ban Vận động thống nhất Phật giáo được thành lập, do HT. Thích Đức Nhuận, Quyền Hội trưởng Hội Thống nhất Phật giáo Việt Nam, HT. Thích Đôn Hậu, Chánh Thư ký Viện Tăng thống GHPGVNTN làm Chứng minh; HT. Thích Trí Thủ, Viện trưởng Viện Hóa đạo GHPGVNTN làm Trưởng ban. Sau hơn một năm hoạt động, được sự cho phép của Chính phủ Việt Nam qua công văn số 621 ngày 19– 9–1981, Ban Vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam đã tiến hành Đại hội Đại biểu Phật giáo Việt Nam tại chùa Quán Sứ, Hà Nội, từ ngày 4 – 7–11–1981.

bản tôn (S. yidam, 本尊): Trong Kim cương thừa, bản tôn thường tương ứng với một vị Phật hay Bồ-tát siêu việt, được biểu tượng hóa bằng một pháp khí hay pháp bảo, được triết lý hóa với Phật bộ, phương vị và màu sắc tương ứng. Như Lai Đại Nhật có biểu tượng là pháp luân, có Phật bộ ở trung ương, tương ứng màu trắng. Như Lai A-súc-bệ có biểu tượng là chày kim cương, thuộc kim cương bộ, hướng đông, tương ứng màu xanh dương. Như Lai Bảo Sinh có biểu tượng là ngọc báu, thuộc Bảo sinh bộ, hướng Nam, tương ứng màu vàng. Như Lai A-di-đà có biểu tượng là hoa sen báu, thuộc Liên hoa bộ, hướng tây, tương ứng màu đỏ. Như Lai Bất Không Thành Tựu có biểu tượng là chày kim cương kép, thuộc Nghiệp bộ, hướng bắc, màu xanh lá cây. Như Lai Dược có biểu tượng là bình bát có cây thuốc, thuộc Kim cương bộ, hướng đông, tương ứng màu xanh dương. Phật Vô Lượng thọ có biểu tượng là bình báu, thuộc Liên hoa bộ, hướng tây, tương ứng màu đỏ.Phật mẫu Đỉnh Tôn Thắng có biểu tượng là chày kim cương kép, thuộc Nghiệp bộ, hướng bắc, tương ứng màu trắng. Kim Cương tát-đỏa có biểu tượng là chày kim cương, thuộc Nghiệp bộ, tương ứng màu trắng. Phật Thích-ca tương ứng màu vàng. Bồ-tát Di-lặc tương ứng màu trắng. Bồ-tát Văn Thù có biểu tượng là kiếm, thuộc Phật bộ, hướng trung ương, tương ứng màu cam hoặc trắng. Bồ-tát Phổ Hiền tương ứng màu xanh dương. Bồ-tát Quan Âm bốn tay có biểu tượng là ngọc như ý hoặc chuỗi tràng trắng, thuộc Liên hoa bộ, hướng Tây, tương ứng màu trắng. Bồ-tát Quan Âm mười hai mặt thuộc Liên hoa bộ, hướng Tây.

bánh xe cầu nguyện (Tib. khor lo, 願輪, nguyện luân): Còn gọi là bánh xe Mani (mani-chos-'khor), là bánh xe hình trụ trên một trục chính, được làm bằng kim loại, gỗ, đá, thường đặt cạnh nhau liên tiếp và đặt xung quanh Chánh điện của các chùa Tây Tạng, hoặc xung quanh cây Bồ-tát, hoặc lan can có mái che. Tương truyền bánh xe cầu nguyện có nguồn gốc từ Bồ-tát Long Thọ, biểu tượng cho việc tích lũy trí tuệ và công đức để chuyển hóa các nghiệp xấu, giúp hành giả tiến gần với giác ngộ. Trên bề mặt của bánh xe cầu nguyện thường khắc câu thần chú “Om Mani Padme Hum” bằng chữ Sanskrit của Ấn Độ hay chữ Newari của Nepal. Tại lõi của hình trụ là “cây sự sống” bằng kim loại hoặc bằng gỗ với các câu thần chú quấn xung quanh. Đây là cách sử dụng sức quay của bánh xe nhằm nâng con số trì niệm về câu thần chú tương ứng với số vòng quay.

bát-đa-la (P. patta, S. pātra, 缽多羅): dụng cụ đo lường [sức ăn của người hành khất] (應量器, ứng ượng khí). Khi sử dụng bát cần chú ý 3 điều sau: (i) Về mặt chất liệu, bát chỉ được làm từ sắt hoặc sành, không được dùng bát bằng vàng, bạc, đồng, gỗ v.v… bảy thứ báu, (ii) Về màu sắc, bát được hun từ khói thuốc hoặc dầu mè, (iii) Về thể tích, dựa vào sức ăn của mỗi người mà phân ra ba loại bát: Lớn, vừa, nhỏ. Loại bát lớn nhất không được hơn ba thăng, loại nhỏ nhất không được quá nửa thăng.

biểu tượng Phật giáo (S. pratīka, E. Buddhist symbols): Sử dụng các biểu tượng nhằm thể hiện các phương diện triết lý Phật giáo. Các biểu tượng Phật giáo sớm nhất chủ yếu là pháp luân (Dharmachakra), hoa sen, cây bồ-đề và tam bảo, dấu bàn chân Phật. Về sau Phật giáo giới thiệu thêm các biểu tượng khác gồm chày kim cương (vajra), chữ vạn, võ óc, chuông, ấn tướng, cờ Phật giáo và các vật linh như sư tử, voi, ngựa, rắn, công, chim garuda, chuông, mõ, tám cát tường v.v…

Bhimrao R. Ambedkar (14/4/1891 - 06/12/1956): Còn gọi là tiến sĩBabasaheb Ambedkar, là chính trị gia, Bộ trưởng Luật và Tư pháp độc lập đầu tiên của Ấn Độ, kiến ​​trúc sư của Hiến pháp Ấn Độ, cha đẻ của nước Cộng hòa Ấn Độ và nhà cải cách xã hội người Ấn Độ. Sinh ra trong một gia đình Dalit (không thể chạm tới), ông đậu tiến sĩ ở Anh, trở thành nhà thay đổi xã hội vĩ đại. Ông có công chấn hưng Phật giáo Ấn Độ, khai sinh Phật giáo Tân thừa và truyền cảm hứng cho phong trào Phật giáo Dalit, đề cao công bằng xã hội, xóa bỏ giai cấp, ủng hộ quyền của phụ nữ. Ngày 14/10/1956, ông giúp 600,000 tín đồ Ấn giáo cải đạo sang Phật giáo, nhằm đề cao thân phận của người cùng đinh. Vào năm 1935, ông bắt đầu nghiên cứu Phật giáo, tham dự hội nghị của Hội Liên hữ Phật giáo thế giới. Năm 1956, ông xuất bản tác phẩm cuối cùng của mình, Đức Phật và giáo pháp của ngài. Phật giáo Tân thừa do ông sáng lập là hình thái đạo Phật nhập thế xã hội. Hai mươi hai lời nguyện là quy định bắt buộc đối Phật tử theo Phật giáo Tân thừa. Đối với Phật giáo Tân thừa, ông được xem là Bồ-tát, thậm chí là hiện thân của đức Phật đối với những người cùng đinh.

Book of the Discipline: Luật tạng (Vinaya Piṭaka) bản dịch Anh văn của I.B. Horner năm 1938, gồm có 6 tập. Bố cục nội dung của bản này tương đồng với Đại tạng kinh Nam truyền: Tập I: Phân tích Giới bổn (經分别) (Phân tích giới Tỳ-kheo, 大分别); tập II: Phân tích Giới bổn (經分别) (Phân tích giới Tỳ-kheo, 大分别); tập III: Phân tích Giới bổn (經分别) (Phân tích giới Tỳ-kheo, 大分别) và Phân tích giới Tỳ-kheo-ni, 比丘尼分别); tập IV: Đại phẩm (大品); tập V: Tiểu phẩm (小品); tập VI: Phụ lục (附随).

cầm hoa mỉm cười (拈華微笑): Còn gọi là “Thế Tôn cầm hoa” (世尊拈花, Thế Tôn niêm hoa). Theo Kinh đại phạm thiên vương vấn Phật quyết nghi (大梵天王問佛決疑經), một hôm tại pháp hội Linh sơn, đại Phạm thiên đến núi Linh Thứu cúng hoa Kim-ba-la (金色波羅花), dùng thân làm chỗ ngồi dâng Phật, thỉnh Phật giảng pháp yếu. Đức Phật không nói một lời, chỉ cầm hoa Kim-ba-la (金波羅華), hơn 100 vạn người đều ngơ ngác, im lặng. Chỉ có ngài Đại Ca-diếp (S. Mahākāśyapa, 摩訶迦葉) còn gọi là Đầu-đà Sắc Vàng (金色頭陀) thấu suốt, lặng lẽ mỉm cười. Đức Phật đã truyền cho ngài Ca-diếp làm tổ sư thứ nhất của Thiền tông qua lời tuyên bố: “Ta có kho mắt chánh pháp, tâm niết-bàn mầu nhiệm, thật tướng vốn vô tướng, pháp môn vi diệu, không lập văn tự, truyền ngoài giáo pháp, nay trao cho Đại Ca-diếp (我有正法眼藏、涅槃妙心、實相無相、微妙法門、不立文字,教外別傳, 付囑摩訶迦葉). Từ xưa đến nay, câu này trở thành “khẩu thật” (口實) của thiền tông, nhấn mạnh thủ thuật “lấy tâm truyền tâm” (以心傳心). Từ thời ngài Huệ Năng (慧能) trở đi, Thiền tông Trung Quốc chủ trương “lấy tâm truyền tâm, truyền ngoài kinh sách, chỉ thẳng tâm người, thấy tánh thành Phật” (以心傳心、敎外別傳, 直指人心,見性成佛). Đây là câu chuyện khởi nguyên cho Thiền tông Trung Quốc ra đời và phát triển gồm có 28 tổ sư thiền Ấn Độ (西天二十八祖) và sáu tổ sư thiền Trung Quốc (東土六祖). Tham chiếu: Vạn tục 136, n.221a (卍續一三六‧二二一上); Truyền pháp chánh tông ký 11 (傳法正宗記卷一), Ngũ đăng hội nguyên 1 (五燈會元卷一), Phật tổ thống ký 5 (佛祖統紀卷五), Liên đăng hội yếu (聯燈會要), Nhân thiên nhãn mục (人天眼目), Vô môn quan (無門關), Quảng đăng lục (廣燈錄).

chỉ quán song tu (止觀雙修):Sự tu tập phối hợp thiền chỉ (samatha) và thiền quán (vipassana) để đạt được định (定) và tuệ. Trong AN 4.170, tôn giả  Ānanda trình bày có ba cách tu thiền chỉ và thiền quán như sau: (i) Tu thiền chỉ trước, tu thiền quán sau (P. samatha-pubbangamam vipassanam), (ii) Tu thiền quán trước, tu thiền chỉ sau (P. vipassana-pubbangamam samatham), (iii) Tu thiền chỉ và thiền quán cùng lúc (P. samatha-vipassanam yuganaddham), chẳng hạn khi đạt thiền ( jhāna) thứ nhất, đồng thời thấy rõ tính tổ hợp của ba dấu ấn thực tại (three marks of existence) trước khi nhập vào thiền thứ hai. Luận tạng (Abhidhamma Pitaka) và văn học sớ giải mô tả thiền chỉ và thiền quán là hai kỹ thuật thiền độc lập. Các phong trào thiền Vipassanā ngày nay chỉ chú trọng và đề cao thiền tuệ hơn thiền chỉ nhưng trên thực tế thì hai kỹ thuật thiền này hỗ trợ và bổ túc nhau trong tiến trình thanh tịnh hóa thân và tâm. Trong kinh Pāli, đức Phật không đề cập thiền chỉ (samatha) độc lập với thiền quán (vipassana). Chỉ và quán là hai phẩm chất của tâm, không thể tách rời trong tiến trình tu thiền mà người tu thiền cần đạt được để có định và trí tuệ. “Chỉ” là hạnh phúc an tĩnh (peaceful happiness)  đang khi “quán” là hiểu rõ (clear understanding) bản chất sự vật. Trên thực tế, tu thiền chỉ sẽ tạo tuệ, tu thiền tuệ đạt được sự an chỉ. Trong 4 định của Sắc giới (S. rūpa-dhātu, 色界), thiền quán được chú trọng hơn. Trong 4 định của Vô sắc giới (S. ārūpa-dhātu, 無色界), thiền chỉ được đề cao hơn. Trong thiền vô sắc giới thì thiền quán giảm dần, thiền chỉ mạnh hơn. Trong định phi tưởng phi phi tưởng xứ (S. Naivasaṁjñānā-saṁjñāyatana, 非想非非想處) và diệt tận định thuộc vô sắc giới thì chỉ còn trạng thái vô niệm và vô tưởng. Tại Miến Điện, người chuyên tu thiền chỉ được gọi là “chỉ thừa giả” (P. samatha-yānika, C.止乘者) đang khi người chuyên tu thiền quán được gọi là “thuần quán giả” (P. sukkha-vipassaka, 純觀者, 乾觀者). Tham chiếu: MN 151, vv. 13-19, và AN IV, 125-27.

chín định theo thứ tự (S. navānupūrva-samāpattaya, C. 九次第定): Chín loại thiền định gồm: (i) Bốn thiền (四禪) của Phật giáo, (ii) Bốn định vô sắc (四無色定) của bà-la-môn giáo và (iii) Định diệt thọ tưởng (滅受想定) của Phật giáo. Bốn thiền (四禪) và bốn định vô sắc (四無色定) được gọi là “tứ thiền bát định” (四禪八定). Bốn thiền gồm (i) Thiền thứ nhất (初禪) là trạng thái hỷ lạc do lìa tham ái nên đã hết dục tưởng, (ii) Thiền thứ hai (二禪) là trạng thái hỷ lạc do an trú vào định nên đã hết tầm và tứ, (iii) Thiền thứ ba (三禪) trạng thái diệu lạc do lìa hỷ lạc trong thiền thứ hai nên đã hết hỷ, (v) Thiền thứ tư (四禪) là trạng thái xả niệm thanh tịnh nên đã ngừng ý niệm. Bốn định vô sắc gồm (i) Định không vô biên xứ (空無邊處定) không còn tưởng về sắc, (ii) Định thức vô biên xứ (識無邊處定) không còn tưởng về không vô biên, (iii) Định vô sở hữu xứ (無所有處定) không còn tưởng về thức vô biên, (iv) Định phi tưởng phi phi tưởng (非想非非想處定) không còn tưởng về vô sở hữu xứ. Dù bốn định vô sắc là của Bà-la-môn giáo và không có khả năng dẫn đến giác ngộ, giải thoát, đức Phật khích lệ người tu Phật thực tập các định này vì những lợi ích trị liệu khổ đau của định. Định diệt thọ tưởng là trạng thái định cao nhất, ngưng hoàn toàn các hoạt động tâm thức (止息一切心識), chỉ có các bậc thánh A-na-hàm và A-la-hán mới đạt được. Trong chín loại thiền định theo thứ tự, thiền thứ tư “xả niệm thanh tịnh” là cấp thiền cao nhất của Phật giáo, có khả năng giúp hành giả đạt được trí tuệ vô lậu (無漏智). Xem “thiền”, “bốn thiền”, “bốn định vô sắc” và “định diệt thọ tưởng”.

chủ đề về y công đức (P. Kaṭhinakkhandhaka, 功德衣犍度, công đức y kiền-độ): Một trong mười kiền-độ (P.khandhaka, 犍度) trong Đại phẩm (Mahāvagga, 大品) quy định về việc nhận y Kaṭhina. Về thời gian mặc y công đức, điều 1 xả vật ghi: “Khoảng thời gian mặc y công đức là 5 tháng” hoặc “Cất giữ nhiều vải dư (存放多余布),” trong Phân tích giới Tỳ-kheo (大分别), trong Phân tích Giới bổn (經分别). Luật Ngũ phần ghi rằng lúc mặc y công đức trước mùa an cư ngày 16 tháng 7, kết thúc vào ngày 15 tháng 11; lúc mặc y công đức sau mùa an cư ngày 16 tháng 8, kết thúc vào ngày 15 tháng 12 (Đại 22: 153c). Như vậy, thời gian mặc y công đức gồm có 4 tháng. Cái gọi là năm tháng trong luật Pāli là bao gồm toàn bộ thời gian y công đức của trước và sau mùa an cư, tức kể từ ngày 16 tháng 7 bắt đầu y công đức trước mùa an cư đến ngày 15 tháng 12 kết thúc y công đức sau mùa an cư, vì thế là 5 tháng. Về thời gian tiếp nhận y công đức, Luật ngũ phần 153c ghi rằng: “nhận y Ca-thi-na có 30 ngày, xả lại có 30 ngày hoặc nhận ngày 17 tháng 7 cho đến ngày 15 tháng 8, xả vào ngày 16 tháng 11 cho đến ngày 14 tháng 12 ” (Đại 23: 206c).

chú tiểu: Phương ngữ Phật giáo miền Nam chỉ cho người xuất gia nam ở tuổi mầm non, thiếu nhi, tu học trong chùa thuộc Phật giáo Bắc truyền, tương đương với chú điệu trong các chùa ở Thừa Thiên Huế, Quảng Trị và Quảng bình. Thông thường phía trên trán của các chú tiểu còn chừa một chỏm tóc, tượng trưng cho nghiệp phàm còn sót lại, chưa trọn vẹn thanh tịnh như các vị tăng sĩ đã tiếp nhận giới Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni. Các chú tiểu dù được xuất gia, mặc áo cà-sa nhưng chưa thọ giới Sa-di nên chưa đắp y. Xem “cô tiểu.”

chùa chữ Công: Kiểu kiến trúc chùa có nhà chánh điện (正殿) và bái đường (拜堂) còn gọi là tiền đường (前堂) song song với nhau, tạo thành hình chữ Công (工). Gian nhà nối tiền đường (前堂) và hậu đường (後堂) là nhà Thiêu hương (燒香) tức là nơi làm lễ của Tăng, Ni và Phật tử. Đây là kiểu chùa gỗ thường gặp ở các chùa miền Bắc và Bắc Trung bộ, có bái đường nối thẳng góc với nhà Tiền đường (前堂) ở phía trước và đầu còn lại nối thẳng góc với nhà Hậu đường (後堂) ở phía bàn thờ Phật. Về chiều dài, thông thường, Hậu đường ngắn hơn Tiền đường.

chùa chữ Đinh: Chùa có điện Phật (chánh điện hay thượng điện) có hình chữ đinh (丁), như hình chữ T trong tiếng Việt. Đây là cấu trúc chùa gỗ có hình chữ T thường gặp ở các chùa miền Bắc và Bắc Trung bộ, có bái đường (拜堂) nối thẳng gốc với nhà tiền đường (前堂). Một số chùa tiêu biểu có kiểu kiến trúc chữ Đinh là chùa Hà, chùa Bộc (Hà Nội); chùa Trăm Gian (Hải Dương); chùa Dư Hàng (Hải Phòng) và chùa Nhất Trụ, chùa Bích Động (Ninh Bình).

cờ Phật giáo thế giới (International Buddhist Flag): Lá cờ được Ủy ban Colombo thiết kế lần đầu vào năm 1885 tại Colombo, Tích Lan, nhanh chóng trở thành biểu tượng phổ quát của đạo Phật trên khắp thế giới. Cờ này được treo lần đầu trong ngày Vesak ngày 28/5/1885 tại Dipaduttamarama, Kotahena. Từ lá cờ quá dài, bất tiện cho việc sử dụng, ông  Henry Steel Olcott, chủ tịch đầu tiên của Hội Thông Thiên học, đề xuất điều chỉnh kích thước và hình thù bằng với quốc kỳ. Lá cờ có kích thước mới này được Anagarika Dharmapala và Olcott giới thiệu tại Nhật Bản và Miến Điện. Vào năm 1950, Hiệp hội liên hữu Phật giáo thế giới đã chọn làm lá cờ Phật giáo quốc tế. Cờ có năm màu: (i) Màu xanh dương (P=S. nīla) tượng trưng tâm từ, (ii) Màu vàng (P=S. pīta) tượng trưng trung đạo, (iii) Màu đỏ (P=S. lohitaka) tượng trưng thực hành - thành tựu, trí tuệ, đạo đức, vận mệnh và phẩm giá, (iv) Màu trắng (P. odāta; S. avadāta) tượng trưng thanh tịnh của chánh pháp, hướng đến giải thoát, (v) Màu cam (P. mañjeṭṭha; S. mañjiṣṭhā) tượng trưng trí tuệ của Phật ngôn. Giải màu thứ sáu ở ngoài cùng bao gồm năm sắc màu trên. Về sau, lá cờ Phật giáo thế giới tượng trưng cho năm lực gồm niềm tin, tinh tấn, chánh niệm, chánh định và trí tuệ. Năm 1963, Tổng thống Ngô Đình Diệm theo đạo Công giáo, ra lệnh cấm treo cờ Phật giáo thế giới trong tuần lễ Phật đản, tạo ra pháp nạn kinh hoàng đối với Phật giáo. Xem “pháp nạn.”

công án (公案, Kōan): Là "văn thư của công phủ" (公府之案牘), tức “công văn phán quyết của quan phủ” (官府的判决文書), hay văn thư đặt trên án (案牘) ở công phủ xét duyệt và phê chuẩn, theo đó, mọi người phải tuân thủ tuyệt đối, không được thay đổi hay xê dịch. Nói khác, công án là án tuyên tại tòa án (quan phủ) quyết định tính đúng, sai về một vụ việc một cách công khai. Trong thiền tông, công án được dùng để chỉ cho Phật pháp được các tổ sư khai sáng là chân lý tu hành, phải được người tu thiền tham cứu cho đến lúc được khai ngộ (開悟). Phật giáo thiền Trung Quốc dùng thuật ngữ này chỉ cho phương pháp tu thiền đặc biệt nhằm giải quyết dứt điểm vấn nạn sinh tử của con người. Về bản chất, công án thường là điển tích hay câu chuyện về kinh nghiệm giác ngộ do thiền sư hướng dẫn thiền sinh. Nội dung của công án là một nghịch lý. Thiền sinh không nên dùng lý luận logic để hiểu và lý giải công án, ngược lại phải dùng trực quan vượt lên trên óc nhị nguyên để trải nghiệm thực tại hiện tiền một cách sống động và vô chấp. Công án thiền có mặt từ thời Đường và đến thời Tống mới trở thành pháp tu thiền thịnh hành nhất. Có hai loại công án là: (i) Công án cổ tắc (古則公案) và (ii) công án hiện thành (現成公案). Các vị thiền sư của tông Lâm Tế tại Nhật Bản có công giới thiệu năm loại công án: (i) Công án pháp thân (法身公案): (ii) Công án cơ quan (機關公案), (iii) Công án ngôn thuyên (言詮公案), (iv) Công án nan thấu (zh. 難透公案) và (v) Công án ngũ vị (zh. 五位公案). Xem các mục về công án.

Đại giới đàn (大戒壇): Thuật ngữ Phật giáo Việt Nam tương đương với thuật ngữ Phật giáo Hán truyền “tam đàn đại giới”(三壇大戒) chỉ cho nghi thức truyền trao và tiếp nhận giới của người xuất gia bao gồm: (i) Đàn thứ 1 truyền trao giới Sa-di (沙彌), Sa-di-ni (沙彌尼), (ii) Đàn thứ 2 truyền trao giới Tỳ-kheo (比丘), Tỳ-kheo-ni (比丘尼), (iii) Đàn thứ 3 truyền trao giới Bồ-tát (菩薩戒).

Đại học Vạn Hạnh: Viện Đại học tư thục đầu tiên tại Việt Nam do Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất thành lập năm 1964 tại Sài Gòn trong giai đoạn Việt Nam Cộng hòa và bị giải thể vào năm 1975. Năm 1964, tiền thân là Phật học đường Nam Việt mà về bản chất là Trường Cao đẳng Phật học. Một trong những người sáng lập trường Cao đẳng này là Thiền sư Nhất Hạnh. Vào ngày 17/10/1964, Bộ Giáo Dục Việt Nam Cộng Hòa ký Nghị định số 1805-NĐ/PG/NĐ chính thức thành lập Viện đại học Vạn Hạnh (ĐHVH). Vào ngày 13/11/1964, Viện Hóa đạo GHPGVNTN ký Quyết định số 156-VT/QĐ cử TT. Thích Minh Châu (1918-2012) làm Viện Trưởng, TT. Thích Mãn Giác làm Phó Viện trưởng và ông Đoàn Viết Hoạt làm Phụ tá Viện trưởng. Trụ sở tạm của ĐHVH đặt tại Chùa Pháp Hội và Chùa Xá Lợi ở Saigon. Đến năm 1965, Hồ Hữu Tường được bổ nhiệm làm Phó Viện trưởng. Châm ngôn của ĐHVH là “duy tuệ thị nghiệp.” Một trong các mục tiêu của ĐHVH là “xây dựng nhà giáo dục và làm sống dậy lòng tin của tuổi trẻ.” Niên học đầu tiên 1964-65, ĐHVH chỉ có Phân khoa Phật học và  Phân Khoa Văn Học và Nhân Văn với 696 sinh viên. Năm 1966, ĐHVH khánh thành Tòa nhà 4 lầu làm cơ sở đầu tiên tại 222 Trương Minh Giảng, Saigon gồm có phòng Viện trưởng, các giảng đường, phòng học của sinh viên, Thư viện, Câu lạc bộ, văn phòng các Phân khoa, văn phòng các Nha sở. Niên học 1966-67, mở Trung tâm Ngôn ngữ. Năm 1971, mở Phân khoa giáo dục. Năm 1972, xây dựng tòa nhà C đáp ứng nhu cầu gia tăng của sinh viên. Năm 1974, ĐHVH có cơ sở 2 nhằm đào tạo Phân khoa Khoa học Ứng dụng tại đường Võ Di Nguy, Phú Nhuận (từ năm 1984, đây là Trường Cao cấp Phật học Việt Nam, 760 Nguyễn Kiệm, P.4, quận Phú Nhuận). Niên học 1967-68, ĐHVH mở Phân khoa Khoa học Xã hội. ĐHVH cấp văn bằng cử nhân đầu tiên vào tháng 5/1969. Về sĩ số sinh viên, năm 1970, ĐHVH có 3.210 sinh viên. Năm 1973, có 3.661 sinh viên. Thư viện ĐHVH có 25.000 quyển sách. Năm 1975, cơ sở 1 của ĐHVH ở đường TRương Minh Giảng được sư dụng làm trường Đại học Sư phạm TP.HCM. Năm 1984, HT. Thích Minh Châu thành lập Trường Cao cấp Phật học Việt Nam tại cơ sở 2 của ĐHVH; đến năm 1997, đổi thành Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM.

Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc: Đại hội nhiệm kỳ ở cấp cao nhất của GHPGVN, diễn ra 5 năm 1 lần tại Thủ đô Hà Nội. Chức năng của đại hội này nhằm: (i) Tổng kết các hoạt động của GHPGVN trong nhiệm kỳ cũ, (ii) Đề xuất phương hướng hoạt động của GHPGVN trong nhiệm kỳ mới, (iii) Suy tôn các thành viên Hội đồng Chứng minh, (iv) Bầu chọn các thành viên Hội đồng Trị sự và suy cử Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN, (v) Thông qua dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến chương của GHPGVN, (vi) Thông qua danh sách tấn phong hàng giáo phẩm Hòa thượng, Thượng tọa, Ni trưởng, Ni sư, (vii) Thông qua Nghị quyết Đại hội, (viii) Tuyên dương công đức và khen thưởng các Tôn đức Tăng Ni có công với Phật giáo, đất nước và dân tộc. Đại biểu được quyền tham dự Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc GHPGVN gồm Thành viên Hội đồng Pháp chủ; thành viên Hội đồng Trị sự; các Ban, Viện Trung ương, Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh; các tổ chức của GHPGVN tại nước ngoài, theo sự phân bổ của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN. Các quyết định được thông qua tại Đại hội với đa số Đại biểu có mặt biểu quyết tán thành, trừ trường hợp sửa đổi Hiến chương GHPGVN được quy định ở điều 70 Hiến chương. Chỉ có Đại biểu chính thức của GHPGVN tham gia Đại hội mới được quyền biểu quyết. Đại hội hợp lệ phải có số lượng 2/3 tổng số Đại biểu được triệu tập.

Đại phẩm (Mahāvagga, 大品): Đối ứng với Tiểu phẩm (Cullavagga, 小品), là một trong hai phần chính của Kiền-độ (P.khandhaka, 犍度) gồm có 10 kiền-độ sau đây: (i) Chủ đề lớn (P.Mahākhandhaka, 大犍度), (ii) Chủ đề về tụng giới (P. Uposathakkhandhaka, 诵戒犍度), (iii) Chủ         đề về an           cư        mùa mưa (P. Vassūpanāyikakkhandhaka, 雨安居犍度), (iv) Chủ đề về tự tứ (P. Pavāraṇākkhandhaka, 自恣犍度), (v) Chủ đề về da thuộc (P.Cammakkhandhaka, 皮革犍度), (vi) Chủ đề về thuốc (P. Bhesajjakkhandhaka, 药犍度), (vii) Chủ đề về y công đức (P. Kaṭhinakkhandhaka, 功德衣犍度), (viii) Chủ đề về pháp phục (P. Cīvarakkhandhaka, 衣犍度), (ix) Chủ đề về nước Chiêm-ba (P. Campeyyakkhandhaka, 瞻波犍度), (x) Chủ         đề        về        nước    Kiều-thưởng-di (P. Kosambikkhandhaka, 喬賞彌犍度). Xem từng chủ đề nêu trên trong các mục từ độc lập.

Đại phân tích(大分别, Mahāvibhaṅga): Phần quan trọng trong Luật tạng Thượng tọa bộ, gồm 16 chương với phương thức hỏi đáp, ôn tập về nội dung Phân tích Giới bổn, Phân tích giới Tỳ-kheo. Trong đó từ chương 1-8 giống với chương 9-16: (i) Chương quy định (制定章, paññattivāra), (ii) Chương phạm tội (犯罪章, āpattivāra), (iii) Chương mất hư (失坏章, vipattivāra), (iv) Chương thu nhiếp lấy (摄取章, saṅgahitavāra), (v) Chương đi kèm (伴随章, Samuṭṭhānavāra), (vi) Chương tranh chấp (諍事章, adhikaraṇavāra) giải thích rõ 227 giới Tỳ-kheo, (vii) Chương diệt tránh (灭諍章, samathavāra), (ix) Chương tổng kết (总结章, samuccayavāra).

Đạo dụ số 10: Văn bản pháp quy đượcQuốc trưởng Bảo Đại ban hành ngày 6/8/1950, gồm 5 chương 45 điều, quy định về các tổ chức và thành lập các hiệp hội. Trong đó điều khỏa 44 có quy định “Chế độ đặc biệt dành cho các hội truyền giáo Thiên Chúa giáo và Ki-tô giáo, các Hoa kiều Lý Sự Hội, sẽ được ấn định sau”. Điều này đặt các hôi Truyền giáo Thiên Chúa giáo, Ki-tô giáo, các Hoa kiều Lý Sự hội ra khỏi sự điều chỉnh của đạo dụ này. Đạo dụ số 10 là nguồn gốc của bất bình đẳng tôn giáo, mà chính quyền Ngô Đình Diệm muốn sử dụng như một đặc ân dành cho Thiên Chúa giáo và như một gông cùm đối với Phật giáo và các tôn giáo khác. Chính sách thiên vị Thiên Chúa giáo đã có từ thời Pháp thuộc và thời quốc trưởng Bảo Đại, được Việt Nam Cộng hòa tiếp tục áp dụng có mục đích đàn áp Phật giáo, đề cao Thiên Chúa giáo. Trên nguyên tắc, khi chế độ quốc trưởng Bảo Đại đã bị thay thế bằng chính thể Việt Nam Cộng hòa thì Đạo dụ số 10 không còn hiệu lực pháp lý. Ấy thế mà, từ năm 1954 đến 1963, chính phủ Ngô Đình Diệm dựa vào Đạo dụ số 10, ra tay đàn áp Phật giáo và nỗ lực loại trừ Phật giáo ra khỏi bản đồ văn hóa tôn giáo Việt Nam, nhằm từng bước biến Thiên Chúa giáo thành quốc giáo của Việt Nam. Điều 7 của Đạo dụ số 10 quy định rằng các hội đoàn bao gồm “tôn giáo, chính trị, từ thiện, khoa học, văn học, mỹ nghệ, tiêu khiển, thanh niên, thể thao và đồng nghiệp ái hữu” có thể bị “bác khước không cho phép lập hội mà không cần phải nói rõ lý do.” Đối với các hội đoàn đã cho phép thành lập rồi vẫn có thể bị “bãi đi vì trái điều lệ hay vì lẽ trị an.” Theo điều quy định này, các hội đoàn trong đó có các hội Phật giáo Việt Nam có thể bị bãi miễn bất cứ lúc nào, mà không cần trưng dẫn lý do. Hoặc khi cần trưng dẫn lý do, thì chính quyền có thể viện cớ “vì lẽ trị an”, một khái niệm luật rất mơ hồ, không thể thực thi được công bằng xã hội và tôn giáo, mà trên thực tế đã phá vỡ công bằng xã hội và bình đẳng tôn giáo. Đây là điều mà theo lãnh đạo Phật giáo Việt Nam “Đạo dụ số 10 triệt hạ hết thảy giá trị tôn giáo.” Do vin vào chính sách “vì lẽ trị an” mà chính quyền Ngô Đình Diệm có cớ triệt hạ cờ Phật giáo thế giới vào mùa Phật đản 1963, biểu tượng tâm linh của Phật giáo toàn cầu, nhằm chứng minh Thiên Chúa giáo là “Công giáo” ở Việt Nam, mà trên thực tế chỉ là một tôn giáo thiểu số. Điều 44 của Đạo dụ số 10 quy định về một “chế độ đặc biệt cho các hội truyền giáo Thiên chúa và Gia-tô”. Sự thiên vị được đặt trên “căn bản pháp lý của thực dân pháp.” Theo lãnh đạo Phật giáo Việt Nam năm 1963, các điều 10 và điều 12 đã làm cho các tôn giáo ngoài Thiên Chúa giáo và Ki-tô giáo “bị kiểm soát một cách cực kỳ nghiêm khắc, bởi bất cứ nhân viên nào của Hành chính và Tư pháp.” Việc duy trì và áp dụng Đạo dụ số 10 đã tạo tình trạng thiên vị Thiên Chúa giáo và Gia-tô giáo, đang khi đàn áp Phật giáo, khủng bố Tăng Ni, bắt bớ tín đồ, gây bất ổn tôn giáo, chính trị và xã hội tại miền Nam Việt Nam.

đạo kỳ: Lá cờ Phật giáo. GHPGVN (1981 – nay) và GHPGVNTN (1964 –) cũng như các giáo hội Phật giáo khác của cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại đều sử dụng lá cờ Phật giáo thế giới gồm 05 màu, chia thành 06 ô dọc. Năm ô đầu có các màu theo thứ tự: xanh, vàng, đỏ, trắng, vàng cam. Ô thứ 06 chia thành 05 ô ngang, có 05 màu theo thứ tự: xanh, vàng, đỏ, trắng, vàng cam. Năm màu tượng trưng cho 05 pháp: Niềm tin, tinh tấn, chánh niệm, thiền định, trí tuệ.

Đạo Phật Khất sĩ: Được Tổ sư Minh Đăng Quang thành lập năm 1947 tại Mỹ Tho và lúc đầu hành hóa tại Đồng bằng Sông Cửu Long, về sau phát triển ở nhiều tỉnh thành. Hệ phái Khất sĩ do Tổ sư Minh Đăng Quang thành lập có thể được xem là một hình thái đạo Phật “Dung hợp tinh hoa” của Phật giáo Nam truyền và Bắc truyền tại Việt Nam. Về Nam truyền, Hệ phái Khất sĩ qua việc giữ truyền thống “Tam y, khất thực, không giữ tiền bạc, thực tập thiền quán, không đặt nặng nghi lễ”, đã phát triển nhanh hơn và mạnh hơn Phật giáo Nam truyền tại Việt Nam, nhờ vào tiếp biến văn hóa Việt Nam. Về Bắc truyền, Hệ phái Khất sĩ qua việc tiếp thu “văn hóa ăn chay, tụng kinh sám Đại thừa, không truyền bá mê tín”, đã phát triển vượt trội hơn một số giáo phái Đại thừa tại miền Nam Việt Nam, nhờ vào cách làm đạo thuần Việt, giản dị và dễ hiểu. Nhờ chủ trương hòa hợp, Hệ phái Khất sĩ không chỉ có mặt trong dòng chảy chính thống của Phật giáo Việt Nam, mà còn góp phần tích cực trong việc xây dựng và phát triển Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tổ chức Phật giáo thống nhất các trường phái và hệ phái Phật giáo đúng nghĩa, sau năm 1981. Với hơn 7 thập niên hình thành, tồn tại và phát triển tại Việt Nam và trên thế giới, Hệ phái Khất sĩ với những thành công và hạn chế nhất định đã trở thành mô hình làm đạo đáng tham khảo về phương diện học đạo, tu đạo, hành đạo, phụng sự nhân sinh của các cộng đồng Phật giáo Việt Nam.

đạo sư (S. guru, 導師): Thường phiên âm là “cổ-lỗ” (古魯), có nghĩa là bậc thầy dạy đạo, người thầy giúp tìm ra đạo, hướng đến giải thoát. Từ này chỉ cho bậc thầy có khả năng dẫn dắt sự tu học của đệ tử để đạt được các thành tựu tâm linh. Đức Phật là bậc đạo sư vĩ đại nhất trong các truyền thống tâm linh từ trước đến giờ. Các vị chân sư (真師) ngày nay có giảng kinh, thuyết pháp, tổ chức khóa tu, tháo mở và chuyển hóa các phiền não đều được gọi là đạo sư.

đầu-đà (P=S. Dhūta, 頭陀): Lối sống khổ hạnh về dùng pháp phục, ăn uống và chỗ ở. Hạnh Đầu-đà gồm 12 điều: (i) Lìa xa chỗ ở của người thế tục, sống nơi hoang vắng, yên tĩnh (阿蘭若處, A-la-nhã xứ), (ii) Thường đi khất thực, (iii) Tuần tự khất thực, không phân biệt gia đình giàu nghèo, không cầm bát đứng sát lề cửa của các hộ gia đình, (iv) Chỉ ăn một cử trong ngày, (v) Ăn vừa đủ, không ăn hơn, trong bát chỉ có một nắm cơm, (vi) Không uống nước ép khi qua giờ ngọ, (vii) Mặc y cũ rách, (viii) Chỉ dùng ba y, (ix) Sống ở nghĩa địa, (x) Nghỉ dưới gốc cây, (xi) Ngồi ở đất trống, (xii) Chỉ ngồi không nằm.

điều cần học (P. sikkha-sajiva-samapanno, 學處, học xứ): Những quy định của đức Phật về sinh hoạt tăng doàn mà người xuất gia cần học, ở nghĩa rộng, bao gồm tăng thượng giới học, tăng thượng định học, tăng thượng huệ học. Trong ngữ cảnh giới luật thì “điều cần học” chỉ cho tăng thượng giới học. Trong Luật tạng, ngoại trừ 227 giới Tỳ-kheo ra, còn có  các quy định sinh hoạt trong phần kiền-độ, điều cần học và quy định sinh hoạt mà chỉ trong phần này, không ra từ phạm vi Luật tạng.

do-tuần (S=P. yojana, 由旬): đơn vị đo lộ trình của Ấn-độ. Có những cách đokhác nhau: (i) Tính theo câu-lô-xá: Một do tuần bằng bốn câu-lô-xá theo Phẩm Hiện Nghệ (現藝品), thuộc quyển 4, trong Kinh Phương quảng đại trang nghiêm (方廣大莊嚴經) ghi rằng một do tuần bằng tám câu-lô-xá (theo quyển 21 của Hữu bộ Tỳ-nạida (有部毘奈耶), (ii) Tính theo tổng số dặm của Trung Quốc: Theo quyển 2 của Đại đường Tây vực ký (大唐西域記) thì một do-tuần tương đương 40 dặm Trung Quốc, khoảng 30 dặm Ấn-độ, hay 16 dặm đối với Phật giáo. Theo quyển cuối của Tuệ Uyển âm nghĩa (慧苑音義) thì một do tuần bằng 16 dặm hoặc hơn 17 dặm. Theo chú thích của quyển Hữu bộ bách nhất yết-ma (有部百一羯磨), quyển 3, do Nghĩa Tịnh dịch thì 1 do tuần = 32 dặm (theo Ấn-độ) hay 12 dặm (theo Phật giáo), (iii) Theo J. Flect (富烈特) thì 1 do tuần = 19.5 km, hoặc 14.6 km (Ấn-độ) hoặc là 7.3 km (theo Phật giáo), (iv) Theo Major Vost (弗斯特) thì 1 do tuần = 22.8 km, hay 17 km (theo Ấn-độ) hoặc 8.5 km (theo Phật giáo).

gậy đánh (棒): Gậy được các thiền sư sử dụng đánh nhẹ vào đầu/ thân của thiền sinh nhằm giúp thiền sinh tỉnh ngộ (醒悟). Thiền sư Vô Học Tổ Nguyên (無學祖元) nêu ra 8 loại gậy đánh gồm: gậy thưởng, gậy phạt, gậy tung, gậy đoạt, gậy ngu si, gậy hàng ma, gậy tảo tích, gậy vô tình. Các thiền sư Lâm Tế Nghĩa Huyền (臨濟義玄), thiền sư Hoàng Bá Hy Vận (黃檗希運) và thiền sư Đức Sơn Tuyên Giám (德山宣鑑) là những người nổi tiếng sử dụng gậy thiền để giáo hóa môn đồ. Trong Lâm Tế lục (臨濟錄) có công án sau đây: “Một hôm tại thiền đường, có một vị tăng hỏi: "Thế nào là đại ý Phật Pháp?". Thiền sư Lâm Tế giơ cây phất tử lên. Vị tăng liền hét, sư cũng hét. Vị tăng suy nghĩ, sư liền đánh. Sư nói: "Này mọi người! Phàm là người vì pháp thì không trốn tránh sự tan thân, mất mạng. Lúc ta 25 tuổi ở trong hội của thiền sư Hoàng Bá, khi ba lần hỏi đại ý Phật Pháp thì ba lần ta được ngài Hoàng Bá cho ăn gậy, giống như cây chổi quét vậy. Hôm nay các ông cũng được thưởng gậy, vây ai là người có sở đắc nơi ta?". Lúc đó có vị tăng nói: "Con được". Sư nắm gậy đưa cho vị tăng, tăng định lấy, sư liền đánh.” Sách Thiền lâm loại tập (禪林類集) có công án về cách dùng “gậy đánh” của thiền sư Đức Sơn (德山) như sau: “Đức Sơn bảo đại chúng rằng: Đạo, đạo! Đạo đắc rồi 30 gậy, đạo chưa đắc cũng 30 gậy” (道道!道得也三十棒,道不得也三十棒). Thiền sư Mục Châu (睦州) thấy vị tăng đến liền nói: “công án kiến thành phang cho ông 30 gậy” (見成公案放汝三十棒). Xem “tiếng hét”.

Lời nguyện tâm quyết: Bức thư viết tay của Bồ-tát Thích Quảng Đức nói rõ chủ định và nguyện vọng tự thiêu của ngài để bảo vệ chánh pháp vào lúc 11 giờ ngày 20 tháng 4 (nhuần) Mậu Ngọ (11-6-1963) tại ngã tư Phan Đình Phùng và Lê Văn Duyệt. Toàn văn bức thư này không chứa đựng một mảy may hận thù và tuyệt vọng nào, trái lại, toát lên tinh thần từ bi và hy vọng về tương lai tươi sáng. Nguyên văn như sau: “Tôi pháp danh Thích Quảng Đức, trụ trì chùa Quan Thế Âm, Phú Nhuận, Gia Định. Nhận thấy Phật giáo nước nhà đang lúc nghiêng ngửa, tôi là một tu sĩ mệnh danh là Trưởng tử của Như Lai không lẽ cứ ngồi điềm nhiên tọa thị để cho Phật giáo tiêu vong, nên tôi vui lòng phát nguyện thiêu thân giả tạm này cúng dường chư Phật để hồi hướng công đức bảo tồn Phật giáo. Mong ơn mười phương chư Phật, chư Đại đức, Tăng Ni chứng minh cho tôi đạt thành ý nguyện sau đây: (1) Mong ơn Phật Tổ gia hộ cho Tổng thống Ngô Đình Diệm sáng suốt chấp nhận năm nguyện vọng tối thiểu của Phật giáo Việt nam ghi trong bản tuyên ngôn, (2) Nhờ ơn Phật từ bi gia hộ cho Phật giáo Việt Nam được trường tồn bất diệt, (3) Mong nhờ hồng ân đức Phật gia hộ cho chư Đại đức, Tăng Ni, Phật tử Việt Nam tránh khỏi nạn khủng bố, bắt bớ, giam cầm của kẻ ác gian, (4) Cầu nguyện cho đất nước thanh bình, quốc dân an lạc. Trước khi nhắm mắt về cảnh Phật, tôi trân trọng kính gửi lời cho Tổng thống Ngô Đình Diệm nên lấy lòng bác ái từ bi đối với Quốc dân và thi hành chánh sách bình đẳng tôn giáo để giữ vững nước nhà muôn thuở. Tôi thiết tha kêu gọi chư Đại đức, Tăng Ni, Phật tử nên đoàn kết nhất trí để bảo toàn Phật pháp. Nam mô Đấu Chiến Thắng Phật. Tỳ-kheo Thích Quảng Đức kính bạch.” Lửa rực đỏ từ thân Bồ-tát Thích Quảng Đức suốt 7 phút đã trở thành “lửa từ bi” có khả năng soi sáng lương tâm như ngọn đuốc trí tuệ. Bằng ngọn lửa từ bi, trái tim từ bi của Bồ-tát Thích Quảng Đức trở thành “xá lợi trái tim” đầu tiên và duy nhất về thể loại này, bất diệt với thời gian, biểu tượng của tình thương chiến thắng bạo tàn, trí tuệ chiến thắng gian ngụy.

Quách Thị Trang (04/01/1948 –25/8/1963): Con ông Quách Văn Bội và bà Hà Thị Vân, sinh tại làng huyện Tiên Hưng (nay là xã Phong Châu huyện Đông Hưng), tỉnh Thái Bình. Pháp danh là Diệu Nghiêm, là học sinh Phật tử tham gia với 5.000 sinh viên học sinh trong cuộc biểu tình ở công viên Diên Hồng, trước cổng chính chợ Bến Thành nhằm chống lại quy định ‘thiết quân luật’ của Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, đồng thời, phải đối chính sách bất bình đẳng tôn giáo của tổng thống Ngô Đình Diệm. Chị bị cảnh sát đàn áp biểu tình bắn chết lúc mới 15 tuổi vào ngày 25/8/1963. Vì muốn giấu kín tin tức này, cảnh sát đã đem thi hài chị chôn trong nghĩa trang Tổng tham mưu. Ủy ban chỉ đạo Học sinh liên trường đã tổ chức đám tang lớn cho chị nhằm phản đối hành động của chính quyền. Vào năm 1965, nhằm tôn vinh sự hy sinh cao quý của chị, Viện Hóa đạo GHPGVNTN đặt tên chị cho Cô nhi viện Quách Thị Trang, phía sau Việt Nam Quốc tự, nơi nuôi hơn 7.000 trẻ mồ côi. Năm 1966, phần mộ của chị đã được gia đình và một số Phật tử cải táng đưa về chùa Phổ Quang, Tân Bình. Sau 1975, Chính phủ Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam công nhận Quách Thị Trang là liệt sĩ và nơi chị đã hy sinh được chính thức mang tên quảng trường Quách Thị Trang. Xem Công trường Quách Thị Trang và Cô nhi viện Quách Thị Trang.

Tân thừa (नवयान, Navayāna): Còn gọi là Phật giáo mới (Neo-Buddhism) hay Phật giáo Ambedkar (Ambedkarite Buddhism) là phong trào Phật giáo mới tại Ấn Độ do  Bhimrao Ramji Ambedkar sáng lập vào ngày 13/10/1956, sáu tuần lễ trước khi ông qua đời. Trong phong trào Phật giáo Dalit tại Ấn Độ thì Tân thừa được xem là nhánh mới của Phật giáo, khác với Phật giáo Thượng tọa bộ, Phật giáo Đại thừa và Phật giáo Kim cương thừa. Tân thừa là cách tái giải thích Phật giáo dưới góc độ của đấu tranh giai cấp (class struggle) và bình đẳng xã hội (social equality) nhằm đề cao nhân phẩm của những người Dalit giai cấp thấp trong xã hội Ấn Độ. Học thuyết căn bản của Phật giáo Tân thừa dựa vào quyển “Đức Phật và Phật pháp” (The Buddha and His Dhamma) của TS. Ambedkar, đặc biệt là 22 lời nguyện dành cho Phật tử Tân thừa do ông sáng lập.

Thích Đức Nhuận (1897 – 1993): Cao tăng Phật giáo Việt Nam, pháp hiệu Thanh Thiệu, pháp tự Đức Huy, tục danh (tên thật) là Phạm Đức Hạp, là Pháp chủ đầu tiên (1981-1993) của GHPGVN. Sinh tại thôn Quần Phương (nay là xóm 10 xã Hải Phương, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định). Thân phụ là cụ ông Phạm Công Toán, thân mẫu là cụ bà Lê Thị Vụ. Năm 1912, khi 15 tuổi, Sư xuất gia với đại sư Thích Thanh Nghĩa ở Chùa Đồng Đắc. Năm 1917, Sư thọ giới Cụ túc tại chùa Phúc Nhạc (Già Lê tự), tỉnh Ninh Bình. Từ năm 1940, Sư làm trụ trì chùa Đồng Đắc, thành lập 2 trường Phật học ở chùa Đồng Đắc và chùa Kỳ Lân (Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình). Từ năm 1950, Sư làm Giám luật Phật giáo tỉnh Ninh Bình. Năm 1955, Sư làm trụ trì chùa Quán Sứ. Năm 1956, Sư làm phó Ban Đại diện Phật giáo Thủ đô. Năm 1958-1979, Sư làm Phó hội trưởng Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam (ở miền Bắc). Năm 1969, Sư làm Hiệu trưởng trường Tu học Phật pháp Trung ương. Năm 1979-1981, Sư làm quyền Hội trưởng Hội Phật giáo Thống Nhất Việt Nam. Năm 1980, Sư làm trụ trì chùa Hòe Nhai (chùa Hồng Phúc), chốn Tổ của thiền phái Tào Động, cho đến khi viên tịch. Năm 1980, Sư làm chứng minh Ban Vận động Thống nhất Phật giáo Việt Nam. Tháng 11 năm 1981, khi được 84 tuổi, Sư được suy tôn ngôi vị Pháp chủ Hội đồng Chứng minh GHPGVN cho đến khi qua đời vào lúc 5 giờ 5 phút ngày 23/12/1993 (nhằm 11/11 năm Quý Dậu), thọ 96 tuổi đời, 77 tuổi đạo. Nhục thân của Sư được an táng tại bảo tháp trong chùa Hoằng Ân, Quảng Bá, Hà Nội. Về pháp môn, Sư tu thiền “phản văn văn tự tính” của Bồ-tát Quán Thế Âm. Ngài là cao tăng sáng ngời giới hạnh, có công giúp GHPGVN mở trường Phật học đào tạo tăng tài, nhằm phát triển Phật giáo và phụng sự nhân sinh.

Thích Minh Châu (20/10/1918–2012): Cao tăng Phật giáo Việt Nam thời cận đại, có công phát triển giáo dục Phật giáo ở cấp đại học và giới thiệu Tam tạng Pali cho cộng đồng Việt Nam. Sư là Phó chủ tịch Hội Phật giáo châu Á vì Hòa bình (ABCP) và Chủ tịch Trung tâm Phật giáo châu Á vì Hòa bình Việt Nam (ABCP). Sư là học giả lớn của Phật giáo thế giới và là dịch giả của kinh Tạng Pàli. Thế danh là Đinh Văn Nam, Sư sinh tại làng Kim Thành, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, là con thứ tư trong gia đình có truyền thống khoa bảng với 11 người con. Năm 1946, Sư xuất gia với Đức Tăng thống Thích Tịnh Khiết tại chùa Tường Vân (Huế). Từ năm 1952-1955, Sư du học tại Tích Lan. Năm 1955-1958, Sư du học và đậu các văn bằng cử nhân Pali và Anh văn, đặc biệt lại đỗ thủ khoa M.A (cao học) về Pali và Abhidhamma. Năm 1961, Sư đậu thủ khoa Tiến sĩ Phật học tại Đại học Nalanda (Ấn Độ) với luận án "So sánh Kinh Trung bộ trong Tạng Pàli với Kinh Trung A-hàm trong Tạng A-hàm" (The Chinese Madhyama Agama and the Pàli Majjhima Nikàya: A Comparative Study). Năm 1964-1965, Sư làm Phó Viện trưởng Viện Cao đẳng Phật học Sài Gòn. Năm 1966-1975, Sư đảm trách vai trò Tổng vụ trưởng Tổng vụ giáo dục và Viện trưởng Viện Đại học Vạn Hạnh (1964-1975), chuyên lo sự nghiệp giáo dục và dịch Kinh tạng Pali. Năm 1980, Sư tham gia vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam. Năm 1981, GHPGVN được thành lập, Sư làm Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký GHPGVN suốt ba nhiệm kỳ I, II, III (1981-1997). Năm 1981-2002, Sư làm đại biểu Quốc hội 4 khóa liền (từ khoá VII đến khoá X) và trong thời gian này, Sư được bầu làm Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Xã hội TP.HCM. Năm 1981, Sư làm Hiệu trưởng Trường Cao cấp Phật học Việt Nam, cơ sở I tại Hà Nội. Năm 1984, Sư mở Trường Cao cấp Phật học Việt Nam, cơ sở II tại TP.HCM. Năm 1991, Sư thành lập và làm viện Trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam và Hội đồng Phiên dịch Đại Tạng Kinh Việt Nam. Năm 1997-2002, Sư làm Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN. Năm 2007-2012, Sư được suy tôn lên ngôi vị Phó Pháp chủ GHPGVN cho đến lúc viên tịch vào lúc 9 giờ 5 phút ngày 16 tháng 7 năm Nhâm Thìn (tức 1 tháng 9 năm 2012), thọ 95 tuổi. Lễ tang của Sư được tổ chức ở Thiền viện Vạn Hạnh, TP.HCM. Các dịch phẩm của Sư về Kinh tạng Pali gồm có Kinh Trung bộ, Kinh Trường bộ, Kinh Tăng chi bộ, Kinh Tương ưng bộ, Kinh Tiểu bộ (Kinh Pháp Cú, Kinh Phật tự thuyết, Kinh Phật thuyết như vậy, Kinh tập, Trưởng lão Tăng kệ, Trưởng lão Ni kệ, Bổn sanh)Thắng pháp tập yếu luận. Sách đồng tác giả gồm Phật phápĐường về xứ Phật. Sách trước tác gồm Những ngày và những lời dạy cuối cùng của đức Phật, Sách dạy Pàli (3 tập), Chữ hiếu trong đạo Phật, Hành thiền, Lịch sử đức Phật Thích Ca, Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi, Chánh Pháp và hạnh phúc. Sách dịch có Đại thừa và sự liên hệ với Tiểu thừa. Sách tiếng Anh có H'suan T'sang, The Pilgrim and Scholar (Huyền Trang, Nhà Chiêm bái và Học giả do Thích Nữ Trí Hải dịch), Fa–Hsien, the Unassuming Pilgrim (Pháp Hiển, Nhà Chiêm bái khiêm tốn do Thích Nữ Trí Hải dịch), Milindapanha and Nàgasenabhikhusùtra – A Comparative Study Some Teachings of Lord Buddha on Peace Harmony and Human Dignity.

thiền Tào Khê (曹溪禪): Còn gọi là Nam tông (南宗), một trong các phái thiền của Phật giáo Trung Quốc, do thiền sư Tào Khê Huệ Năng (曹溪惠能) khai sáng vào năm 677. Tổ Huệ Năng được tổ thứ năm Hoằng Nhẫn (弘忍) truyền pháp và được thiền sư Ấn Tông (印宗) chính thức làm lễ xuất gia vào năm 676. Năm 677, tổ Huệ Năng bắt đầu hoằng dương thiền tông ở chùa Bảo Lâm (曹溪宝林寺) ở Tào Khê, nay là Chùa Nam Hoa (南华寺) ở Quảng Đông. Nếu thiền của tổ Thần Tú (神秀) được gọi là Bắc tông (北宗) chủ trương “ngộ theo thứ tự” (漸悟) thì thiền của tổ Huệ Năng là Nam tông (南宗) chủ trương “ngộ tức khắc” (顿悟) theo nghĩa “tánh giác vốn có, phiền não vốn không” (觉性本有,烦恼本无), chỉ cần trực tiếp chứng được tính giác thì được giác ngộ. Phương pháp thiền Tào Khê của Huệ Năng lấy định, tuệ làm gốc (定慧为本), vô niệm làm tông (无念为宗), không phan duyên thiện và ác (不攀缘善恶), không chấp không thủ tịch (不可沉空守寂), cần học rộng nghe nhiều (须广学多闻), nhận biết bản tâm (识自本心), thể hội thiền (体会禅) trong đi, đứng, nằm, ngồi và phải đạt ngộ giải thoát tại thế gian (不离世间觉). Về sau, thiền Tào Khê phân hóa thành hai phái: (i) Tào Khê Nam tông (曹溪南宗), (ii) Tào Khê Bắc tông (曹溪北宗) còn gọi là tông Hà Trạch (荷澤宗). Tào Khê Nam tông phân thành ba tông gồm tông Thạch Đầu (石頭宗), tông Hồng Châu (洪州宗) và tông Bảo Đường (保唐宗). Thiền Tào Khê là khởi nguyên của “ngũ tông thất phái” (五宗七派) hay “ngũ gia thất phái” (五家七派) tức năm tông thiền (五宗) chính ở Trung Quốc gồm: (i) Tông Lâm Tế (臨济宗), (ii) Tông Tào Động (曹洞宗), (iii) Tông Vân Môn (雲門宗), (iv) Tông Pháp Nhãn (法眼宗) và (v) Tông Quy Ngưỡng (溈仰宗). Thuật ngữ “ngũ diệp” (五葉) trong câu nói “Một hoa nở năm cánh, kết quả tự nhiên thành” (一花開五葉,结果自然成) chỉ cho năm tông thiền nêu trên. Về sau, tông Lâm Tế phân thành hai phái chính là phái Hoàng Long (黃龍派) và phái Dương Kỳ (楊岐派). Thiền Tào Khê trở thành dòng thiền chủ lưu từ đời Đường trở về sau. Sau đời Tống, tông Lâm Tế và tông Tào Động là hai tông có ảnh hưởng lớn nhất tại Trung Quốc.

Thượng tọa bộ (上座部): Dịch từ chữ “sthaviravāda” trong Sanskrit, chữ “theravāda” trong Pali, đối lập với Đại chúng bộ (大眾部), học thuyết của các bậc Trưởng lão, là một trong 18 hoặc 20 bộ phái Phật giáo thuộc Phật giáo thời kỳ đầu. Khởi nguyên của Thượng tọa bộ là do các vị trưởng lão trong Tăng đoàn trong thời kỳ biên tập kinh điển lần thứ 2, bảo vệ quan điểm tuân thủ tất cả giới luật do đức Phật chế định, không thêm bớt. Hình thái Phật giáo Thượng tọa bộ Nam truyền (南傳上座部) hiện tại là kế thừa truyền thống của Phân biệt thuyết bộ (分別說部) thuộc Thượng tọa bộ. Nguyên nhân phân phái thành Thượng tọa bộ và Đại chúng bộ là do các bất đồng về giới luật, khi Thượng tọa bộ gồm các thành viên đều là các trưởng lão trong Tăng đoàn (僧團長老) muốn giữ nguyên giới luật Phật chế định; đối lập với Đại chúng bộ tập hợp các Tỳ-kheo trẻ theo phái cách tân (革新派比丘) muốn bỏ đi những giới tiểu tiết. Cụ thể nhất là do bất đồng về năm điều của Đại Thiên (大天五事) mà tách thành hai bộ phái chính. Thượng tọa bộ gốc (根本上座部) gồm có: (1) Thượng tọa bộ trước (先上座部) gồm có (i) Tuyết sơn bộ (雪山部), (ii) Thuyết nhất thiết hữu bộ (說一切有部) tách thành Kinh lượng bộ (經量部) và Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ (根本說一切有部) và (iii) Độc tử bộ (犢子部) tách thành Pháp thượng bộ (法上部), Hiền trụ bộ (賢胄部), Chánh lượng bộ (正量部) và Mật lâm sơn bộ (密林山部); (2) Phân biệt thuyết bộ (分別說部) gồm có (i) Xích đồng diệp bộ (赤銅鍱部) tách thành Đại tự phái (大寺派) và Vô úy sơn phái (無畏山派), (ii) Hóa địa bộ (化地部), (iii) Pháp tạng bộ (法藏部), (iv) Ẩm quang bộ (飲光部) còn gọi là Ca-diếp bộ (迦葉部). Văn hệ chính của Thượng tọa bộ là Pali. Học thuyết quan trọng của Thượng tọa bộ là bốn chân lý thánh, chánh đạo tám ngành, mười hai mắc xích sự sống, vô ngã, vô thường, nghiệp báo, niết-bàn. Quả giác ngộ cao nhất là quả Phật cũng là quả A-la-hán. Ngày nay, Thượng tọa bộ phát triển chính yếu ở các nước Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Lào, campuchia. Xem “Đại chúng bộ”.

tông Luật (律宗, J. Ris-shū): Tông lấy giới luật của đức Phật làm tông chỉ. Một trong mười tông phái Phật giáo Trung Quốc, do luật sư Đạo Tuyên (道宣, 596-667) thành lập ở Trung Quốc vào thế kỷ thứ 7, dựa vào Luật tạng của đức Phật, đề cao sự nghiên cứu và hành trì giới luật làm phương châm giải thoát theo tinh thần của Luật tứ phần (四分律). Tại Trung Quốc, chỉ bốn bộ luật được truyền bá rộng rãi và trở thành bốn tông luật gồm: (i) Luật tứ phần (四分律) của thuộc Pháp Tạng bộ (法藏部), (ii) Luật ngũ phần (五分律) của Hóa Địa bộ (化地部), (iii) Luật thập tụng (十頌律) của Thuyết nhất thiết hữu bộ (说一切有部) và (iv) Luật Tăng-kỳ (摩訶僧祇律) của Đại chúng bộ (大众部). Từ vị trí phát triển mạnh nhất tại Trung Quốc, Luật tứ phần phân thành ba trường phái luật gồm (i) Tông Tướng Bộ (相部宗) do tổ Pháp Lệ (法礪, 560-635) thành lập, (ii) Tông Nam Sơn (南山宗) do tổ Đạo Tuyên (道宣, 596-667) thành lập, (iii) Tông Đông Tháp (東塔宗) do tổ Hoài Tố (懷素, 624-697) thành lập. Tông Luật tại Trung Quốc được luật sư Giám Chân (鑒真, J. Ganjin) truyền vào Nhật Bản năm 745 và nhanh chóng trở thành tông phái lớn ở Nam Đô.

tông Pháp Nhãn (法眼宗): Dòng thiền sớm nhất trong ngũ gia thất tông (五家七宗) tại Trung Quốc, do Pháp Nhãn Văn Ích (法眼文益) khai sáng. Trong thời kỳ Nam Đường (南唐) và Ngô Việt (吳越), tông Pháp Nhãn phát triển mạnh. Thời Tống Sơ (宋初), truyền đến thiền sư Vĩnh Minh Diên Thọ (永明延壽) thì tông Pháp Nhãn phát triển cực thịnh. Tác phẩm Tông kính lục (宗鏡錄, 100 quyển) của thiền sư Vĩnh Minh Diên Thọ (永 明 延 壽) thể hiện tính dung hợp giữa thiền với tịnh độ, đang khi trước đó, quốc sư Thiên Thai Đức Thiều chủ trương dung hợp tư tưởng tông Thiên Thai với thiền tông. Tinh thần dung hợp đã làm cho tông Pháp Nhãn tiếp thu tông chỉ “nhị nhập tứ hạnh” (二入四行) của tổ Bồ-đề Đạt-ma, tinh thần “vô sở trụ” (无所住) của tổ Huệ Năng, chủ trương “uống trà đi” (吃茶去) của thiền sư Triệu Châu, nhìn thấy “tâm tánh bình đẳng” (心性平等), không rơi vào chấp thủ (不落偏执). Tác phẩm đặc sắc của tông Pháp Nhãn là Cảnh Đức truyền đăng lục (景德傳燈錄), 30 quyển, do thiền sư Vĩnh An Đạo Nguyên (永安道原)  biên tập. Chịu ảnh hưởng từ Kinh Hoa Nghiêm (华严经), thiền sư Pháp Nhãn phân tích sự vật qua 6 tướng (六相義) gồm Tổng (總), biệt (別), đồng (同), dị (異), thành (成), hoại (壞), theo đó, hướng dẫn thiền sinh vượt lên trên ngôn thuyết, không kẹt vào sự và lý: “Tuyệt tất cả danh từ, vạn tượng không sự lý”.

trái tim Bồ-tát Thích Quảng Đức: Trái tim của Bồ-tát Thích Quảng Đức vẫn còn nguyên vẹn sau khi tự thiêu khoảng 15 phút bằng lửa xăng vào ngày 11/6/1963 tại ngã tư đường Phan Đình Phùng – Lê Văn Duyệt (ngày nay là ngã tư Nguyễn Đình Chiểu – Cách Mạng Tháng 8, Quận 3, TP.HCM). Bồ-tát Thích Quảng Đức. Sau lễ tự thiêu, phần còn lại của nhục thân Bồ-tát Thích Quảng Đức được thỉnh về Chùa Xá Lợi làm tang lễ. Trái tim của Bồ-tát Thích Quảng Đức được hỏa thiêu lần thứ 2 với độ nóng 4.000 độ C tại Đài hỏa táng An dưỡng địa ở Phú Lâm (Sài Gòn) nhưng vẫn còn nguyên hình trái tim một cách huyền diệu, lạ kỳ. Trái tim Bồ-tát Thích Quảng Đức được giữ gìn tại Chùa Xá Lợi rồi sau đó tại Việt Nam Quốc Tự và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Sau năm 1975, Ngân hàng Nhà nước tiếp quản các ngân hàng ở Sài Gòn, trong đó có việc tiếp nhận và gìn giữ trái tim Bồ-tát Thích Quảng Đức. Đến năm 1991, vào lúc 11:00 ngày 26/4/1991, trái tim bất diệt của Bồ-tát Thích Quảng Đức được HT. Thích Từ Nhơn (lúc đó là Phó Trưởng ban Tăng sự Trung ương), HT. Thiện Hào (lúc đó là Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN, Trưởng ban Trị sự Thành hội Phật giáo TP.HCM), TT. Thích Giác Toàn (lúc đó là Ủy viên Kiểm soát Trung ương GHPGVN) gửi bảo quản trong Ngân hàng Nhà nước, Chi nhánh TP.HCM. Từ đó đến nay, trái tim bất diệt vẫn được lưu giữ trong Kho Lưu trữ đặc biệt của Ngân hàng này.

Tỳ-kheo giới bổn(P. Bhikkhu Pātimokkha, S. Bhikshu Pratimokṣa, 比丘戒本) còn gọi là Kinh giới Tỳ-kheo (比丘戒經, Tỳ-kheo giới kinh) là bản văn gồm 250 giới điều của Tỳ-kheo đối với Luật Tứ phần (Dharmaguptaka vinaya), 227 điều đối với Luật Thượng tọa bộ (Theravāda vinaya), 251 điều đối với Luật Ngũ phần (Mahīśāsakavinaya), 218 điều đối với Luật Tăng-kỳ (Mahāsāṃghika vinaya),263 điều đối với Luật Thập tụng (Sarvāstivāda vinaya) và 249 điều đối với Luật Căn bản thuyết hữu bộ (Mūlasarvāstivāda vinaya).

Tỳ-kheo-ni giới bổn(P. Bhikkhuni Pātimokkha, S. Bhikshuni Pratimokṣa, 比丘尼戒本) còn gọi là Kinh giới Tỳ-kheo-ni (比丘尼戒經) là bản văn có 348 giới điều của Tỳ-kheo-ni theo Luật Tứ phần (Dharmaguptaka vinaya) hoặc 311 giới điều theo Luật Thượng tọa bộ (Theravāda vinaya),380 điều đối với Luật Ngũ phần(Mahīśāsaka vinaya), 290 điều đối với Luật Tăng-kỳ (Mahāsāṃghika vinaya),354 điều đối với Luật Thập tụng (Sarvāstivāda vinaya) và 346 điều đối với Luật Căn bản thuyết hữu bộ (Mūlasarvāstivāda vinaya).

Ủy ban Liên phái bảo vệ Phật giáo: Do HT. Thích Tịnh Khiết, Hội chủ Tổng hội Phật giáo Việt Nam, triệu tập và thành lập vào ngày 25/05/1963 theo cách triệu tập phiên họp khẩn cấp giữa các thành viên Tổng hội Phật giáo Việt Nam và đại diện 11 tổ chức, hệ phái Phật giáo khác để thảo luận về kế hoạch bảo vệ Phật giáo trước sự đàn áp của chính quyền Tổng thống Ngô Đình Diệm. Chủ tịch của Ủy ban là TT. Thích Tâm Châu. Các thành viên gồm có: TT. Thích Thiện Hoa, Trị sự trưởng Giáo hội Tăng già Nam Việt; TT. Bửu Chơn, Tăng thống Giáo hội Phật giáo Nguyên thủy Việt Nam; TT. Lâm Em, Tăng thống Giáo hội Theravada; Cư sĩ Nguyễn Văn Hiếu, Hội trưởng hội Phật giáo Nguyên thủy Việt Nam; Cư sĩ Vũ Bảo Vinh, Hội trưởng Hội Việt Nam Phật giáo (Bắc Việt, tại miền Nam); Cư sĩ Sơn Thái Nguyên, đại diện Phật tử Theraveda (người Việt gốc Miên); Cư sĩ Mai Thọ Truyền, Hội trưởng Hội Phật học Nam Việt. Sau đó, Ủy ban đã ra tuyên ngôn “Ủng hộ toàn diện năm nguyện vọng tối thiểu và thiêng liêng nhất của Phật giáo Việt Nam” ghi trong “Bản Tuyên ngôn của Tăng, tín đồ Phật giáo Việt Nam” ngày 10/05/1963 và cùng tuyên nguyện đoàn kết đến cùng trong cuộc tranh đấu bất bạo động và hợp pháp để thực hiện những nguyện vọng ấy”. Năm nguyện vọng bao gồm: (1) Yêu cầu chỉnh phủ Việt Nam Cộng hòa thu hồi vĩnh viễn công điện triệt giáo kỳ của Phật giáo, (2) Yêu cầu Phật giáo phải được hưởng một chế độ đặc biệt như các Hội truyền giáo Thiên Chúa đã được ghi trong Đạo dụ số 10, (3) Yêu cầu chính phủ chấm dứt tình trạng bắt bớ, khủng bố tín đồ Phật giáo, (4) Yêu cầu cho Tăng, tín đồ Phật giáo được tự do truyền đạo và hành đạo, (5) Yêu cầu chính phủ đền bồi một cách xứng đáng cho những kẻ bị giết oan vô tội và kẻ chủ mưu giết hại phải đền bồi đúng mức.” Vai trò lớn nhất của Ủy ban này là bảo vệ Phật giáo đứng vững trước chính sách bất công tôn giáo, đàn áp Phật giáo của chính quyền tổng thống Ngô Đình Diệm. Sau pháp nạn Phật giáo 1963, Phật giáo Việt Nam tiếp tục phát triển hài hòa và tốt đẹp với chính quyền Đệ nhị Cộng hòa.

uy nghi lớn ( 大威儀): Cử chỉ và phong thái thanh thoát của người xuất gia thể hiện qua sự đi (S=P, gamana, 行) nhẹ nhàng, đứng (S. sthāna, P. thāna, 住) vững vàng, ngồi (S. nisadyā, P. nisajjā,坐) trang nghiêm, nằm (S=P. sayana, 臥) không lăn, trên nền tảng chánh niệm và tỉnh thức, nhờ đó, có thân tướng nhẹ nhàng, đỉnh đạt và thảnh thơi.

uy nghi nhỏ (小威儀): Cử chỉ và phong thái thanh thoát của người xuất gia thể hiện qua sự ăn uống, co duỗi tay chân, mặc áo quần, nói năng hay im lặng, thức và ngủ, trên nền tảng của chính niệm và tỉnh thức.

Việt Nam quốc tự (越南國寺): Tọa lạc tại số 244 đường Ba tháng Hai, quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh Do Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) thành lập năm 1964 trên 4 hectar đất do Chính phủ của quốc trưởng Nguyễn Khánh, chính phủ lâm thời Việt Nam Cộng hòa bấy giờ cấp đất với danh nghĩa “mướn thời hạn 99 năm chỉ với một đồng bạc tượng trưng và được tiếp tục khi hết hạn. Lễ đặt đá xây dựng Việt Nam Quốc tự được cử hành vào lúc 8 giờ ngày 26 tháng 4 năm 1964 dưới sự chứng minh của quý tôn đức Giáo phẩm GHPGVNTN và Quốc trưởng - Thủ tướng Việt Nam Cộng hòa tướng Nguyễn Khánh. Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ là người vẽ đồ án xây dựng, gồm Chánh điện, tháp 7 tầng, tăng xá, Đại học Phương Nam và Cô nhi viện Quách Thị Trang với các cảnh quan mang đậm bản sắc phong cách kiến trúc Việt Nam. Từ năm 1964-1975, Việt Nam quốc tự là trụ sở của Viện Hóa Đạo thuộc GHPGVNTN. Trụ trì đầu tiên là HT. Thích Thiện Hoa. Từ năm 1965-2013, HT. Thích Từ Nhơn làm Trụ trì. Từ năm 1975-2014, toàn bộ khu đất Việt Nam Quốc tự bị chính quyền trưng dụng làm trung tâm vui chơi giải trí của TP.HCM, Khu du lịch Kỳ Hoà và Nhà hát Hòa Bình, chỉ còn lại 3.712 m²  của tháp 7 tầng. Năm 1993, HT. Thích Từ Nhơn trùng tu và tôn tạo, biến ngôi tháp 7 tầng thành chánh điện của Việt Nam Quốc tự. Năm 2015, HT. Thích Trí Quảng với tư cách Trưởng Ban trị sự GHPGVN TP.HCM đã yêu cầu UBND TP.HCM giao trả 7.200 m² cho Việt Nam Quốc Tự xây chánh điện và các hạng mục khác. Ngày 31 tháng 10 năm 2015, GHPGVN TP.HCM tổ chức lễ cầu nguyện rót đồng đúc tượng Đức Phật Bổn sư Thích-ca-mâu-ni (cao 7,5m, nặng 35 tấn) do chủ tịch nước Trần Đại Quang cúng. Ngày ngày 12 tháng 10 năm 2014 khởi công trùng tu mới và ngày 7 tháng 11 năm 2017, Việt Nam Quốc tự được khánh thành. Các hạng mục xây dựng mới gồm thánh tượng Bồ-tát Quan Âm, tòa chánh điện ở tầng 1, tầng trệt làm hội trường khoảng 800m2, tầng 2 là khu văn phòng hành chánh của GHPGVN TP.HCM, tầng hầm rộng gần 8.000 m² dùng làm bãi đỗ xe. Tháp Đa Bảo 13 tầng, cao 63m biểu tượng cho tinh thần phụng sự, thống nhất của 13 tổ chức, tông phái tham gia cuộc tranh đấu bất bạo động của Phật giáo vì hòa bình và bình đẳng tôn giáo tại miền Nam năm 196, là nơi thờ xá lợi trái tim bất diệt của Bồ-tát Thích Quảng Đức. Từ năm 2017, Việt Nam Quốc tự là trụ sở của GHPGVN TP.HCM, cũng là trung tâm văn hóa, tu học, đón nhiều du khách trong nước và nước ngoài tham quan.

xuất gia gieo duyên: Thuật ngữ Phật học Việt Nam chỉ cho sự xuất gia ngắn hạn (短期出家, đoản  kỳ xuất gia) trong 7 ngày, hoặc 10 ngày, 14 ngày tại các nước Phật giáo Bắc truyền, hoặc 1 tháng hay 3 tháng đối với các nước Phật giáo Nam truyền, nhằm trải nghiệm cuộc sống thanh thoát của người xuất gia có lý tưởng cao quý. Người xuất gia gieo duyên ở Việt Nam và các nước Bắc truyền chỉ tiếp nhận giới Sa-di (đối với nam) hoặc Sa-di-ni (đối với nữ), đang khi ở các nước Nam  truyền, có thể tiếp nhận giới Tỳ-kheo hoặc Tỳ-kheo-ni. Chương trình mỗi ngày gồm có tụng kinh mở trí tuệ, ngồi thiền, thiền đi, lạy sám hốinghe pháp thoại, tham dự pháp đàm, ăn cơm chính niệm, làm vườn và những giờ phút tự do cá nhân trong tỉnh thức và thảnh thơi. Xuất gia gieo duyên là cơ hội giúp cho các Phật tử xác định và chăm sóc hạt giống xuất gia của bản thân để mạnh dạn trở thành người xuất gia chân chánh ở kiếp này, hoặc gieo duyên đi tu ở kiếp sau. Lứa tuổi xuất gia gieo duyên tốt nhất là 14-40 tuổi. Sau khi thích ứng với lối sống của người xuất gia trong thời gian ngắn, người xuất gia gieo duyên có thể xin phép đi tu luôn. Người lớn tuổi và có bệnh tật khó có thể thích ứng với lối sống giản dị, ngủ sớm, dậy sớm và vượt qua thói quen đời. Do đó, các thanh thiếu niên nên quản trị thời gian để trải nghiệm việc đi tu trong chùa để mở ra bước ngoặc có ý nghĩa trong đời.

 

 

 

MỘT SỐ MỤC TỪ VĂN HỌC PHẬT GIÁO VIỆT NAM GỢI Ý

Thích Hạnh Tuệ

 

Hải Lượng (tác gia): Thiền sư, tục danh Ngô Thì Nhậm (1746 - 1803), là nhà văn Việt Nam. Ông tên Phó, tự Hy Doãn, hiệu Đạt Hiên, người làng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai, trấn Sơn Nam ( nay là Hà Nội). Cha ông là Ngô Thì Sĩ người viết Việt sử tiêu án khá nổi tiếng. Mười sáu tuổi viết tác phẩm đầu tiên: Nhị thập thất sử toát yếu. Hai mươi hai tuổi soạn: Tứ gia thuyết phả. Hai mươi bốn tuổi được bổ nhiệm chức Hiến sát phó sứ Hải Dương. Trước khi xuất gia tu hành, ông từng làm quan cho vua Lê, chúa Trịnh, sau được Quang Trung Nguyễn Huệ tin dùng kính qua các chức vụ quan trọng như Thị Lang Bộ Lại, Thương Thư Bộ Binh, được phong đến tước Hy Doãn công. Ông am hiểu sâu sắc nhiều lĩnh vực từ quân sự, chính trị, ngoại giao, văn hóa, giáo dục... Riêng về văn học, ông là tác gia lớn của Việt Nam để lại gia tài văn học đồ sộ gồm các tác phẩm chính như Kim mã hành dư, Hàn các anh hoa, xuân thu quản kiến, Bang giao hảo thoại, Yên đài thu vịnh, Cúc Hoa bách vịnh, Ngọc đường xuân khiếu, Thánh triều giảm thư, Thu cận dương ngôn, Hào mân ai lục, đặc biệt là tác phẩm luận thuyết Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh.

văn học Phật giáo Việt Nam: Khái niệm chỉ toàn bộ những tác phẩm văn học Phật giáo viết về đời sống nhân sinh, thế giới mang cảm quan Phật giáo khi phản ánh mọi mặt của cuộc sống hiện thực do người Việt Nam sáng tác trong hai ngàn năm qua.

Trúc Lâm Tông chỉ nguyên thanh (tác phẩm): Đây là một tác phẩm văn học thuộc thể loại luận thuyết triết rất đặc sắc, mang đậm nét áo bí của tư tưởng phương Đông của văn học Việt Nam nói chung, văn học Phật giáo nói riêng. Tác phẩm ra đời năm 1796 tại Thiền viện Trúc Lâm, phường Bích Câu, Hà Nội. Tác phẩm chính là sự kết tinh của tinh hoa trí tuệ của nhiều tác giả xếp vào hàng danh sĩ tiếng tăm bậc nhất trong thời đại đó. Tác phẩm này còn có tên Đại Chân Viên Giác Thanh bởi gọi theo phần chính văn của tác phẩm. Cũng gọi là Nhị thập tứ thanh, Nhị thập tứ chương Kinh vì nội dung chính của tác phẩm gồm hai mươi bốn chương. Hay gọi đơn giản là Kinh Viên Giác. Xét về diện mạo kết cấu và các tác giả của tác phẩm thì Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh có cấu trúc thuộc loại xưa nay hiếm, bởi ngoài phần Trúc Lâm Đại Chân Viên Giác Thanh Tự (bài tựa của Trúc Lâm đại chân viên giác thanh) do Bảo Chân đạo nhân Phan Huy Ích (em rể của Ngô Thì Nhậm) viết thì nội dung gồm các phần: Thanh dẫn, Chính văn, Thanh chú và Thanh tiểu khấu. Thanh dẫn là phần dẫn dắt giới thiệu chung cho mỗi thanh do Hải Huyền Tăng Ngô Thì Hoàng (em trai ruột của Ngô Thì Nhậm) viết. Chính văn là phần cốt lõi của tác phẩm gồm 24 thanh, có tên Đại Chân Viên Giác Thanh, do Hải Lượng Thiền Sư Ngô Thì Nhậm viết. Thanh chú là phần chú thích, giảng giải nội dung các thanh, do Hải Âu Hòa Thượng Vũ Trinh và Hải Hòa Tăng Nguyễn Đăng Sở (hai người bạn của Ngô Thì Nhậm) viết. Thanh tiểu khấu là phần tóm tắt yếu chỉ của các thanh, do Hải Điền Tăng Nguyễn Đàm (cháu ruột của đại thi hào Nguyễn Du) viết. Phần sau tác phẩm còn có Nhị thập tứ thanh phối khí ứng sơn chi đồ (Biểu đồ 24 thanh phối với các tiết trong năm). Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh tông (Đầu mối, điều kiện làm nên Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh) và phần Tam Tổ Hành Trạng (Hành trạng của ba vị tổ Thiền phái Trúc Lâm). Có lẽ do bản thân Hải Lượng Thiền Sư Ngô Thì Nhậm am hiểu, thể nhập sâu sắc và đứng ra đề xướng việc xiển dương tinh thần nhập thế vô ngã của tư tưởng Thiền phái Trúc Lâm cho nên ông được tôn là đệ tứ tổ của Thiền phái Trúc Lâm.

 

 

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập