Bài 13: Uống nước từ bi

Đã đọc: 9895           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

I. Nguyên tác và phiên âm

飲水
佛觀一鉢水,
八萬四千蟲,
若不持此呪,
如食眾生肉。
唵,嚩悉波羅摩尼莎訶。
Ẩm thủy
Phật quán nhất bát thủy, 
Bát vạn tứ thiên trùng, 
Nhược bất trì thử chú, 
Như thực chúng sinh nhục. 
Án, phộc-tất ba-ra-ma-ni sa-ha.

II. Dịch nghĩa: Uống nước

Phật thấy trong mỗi ly nước,
Tám vạn bốn ngàn vi trùng.
Uống nước không trì tâm chú,
Như nuốt chúng sinh vào lòng.
Oṃ vaśi pramaṇi svāhā.

III. Chú thích từ ngữ

Ẩm (飲): Uống nước, uống các chất lỏng. Uống nước theo bài thi kệ này ngoài thực tập chính niệm còn là dịp thực tập lòng từ bi. Trong Phật giáo Nam truyền, các Tăng sĩ giữ đúng lời Phật dạy, sau 12 giờ trưa, không ăn, mà chỉ uống, gồm uống sữa, nước trái cây, các loại nước giải khát.

Thủy (水): Nước (water), chất lỏng (liquid). Là một trong bốn yếu tố phổ quát (四大, S. mahā-bhūta), thủy đại (S. ab-dhātu) là chất lỏng, có chức năng lưu hoạt, tẩy rửa, tươi nhuận, tập kết và giữ ẩm. Trung bình mỗi người cần tối thiểu 3 lít nước để uống mỗi ngày, để lưu hoạt cơ thể. Nước đã khử trùng có thể uống. Nước còn lại có thể dùng để tắm, giặt, rửa, tưới cây… Nước cần thiết cho sự sống của con người và vạn vật.

Phật (佛, P=S. buddha, abhisaṃbuddha): Thường được phiên âm là “Phật-đà” (佛陀), Phù-đồ (浮圖), Phù-đà (浮陀), Bột-đà (勃陀), Bộ-đà (部陀) v.v… Quả vị giác ngộ cao nhất trong Phật giáo (P. sammāsambodhi; S. Samyaksaṃbodhi), kết thúc dòng luân hồi (saṃsāra), chứng đắc Niết-bàn, qua đến bờ bên kia, đạt được giác ngộ tuyệt đối. Còn gọi là bậc giác ngộ toàn mãn, bậc giác ngộ vô thượng, bậc giác ngộ tuyệt đối, bậc đại giác, bậc toàn trí, bậc vô sư trí, bậc Thế Tôn… Trong công thức Tam bảo (三寳, S. triratna), Phật bảo chính là đức Phật Thích-ca Mâu-ni (Śākyamuni Buddha), người khai sáng đạo Phật.

Có hai loại Phật: a) Độc giác Phật (P. Paccekabuddha; S. Pratyekabuddha), b) Toàn giác Phật (Sammāsambuddha). Các đức Phật quá khứ, hiện tại và vị lai đều có đủ mười đức hiệu: (1) Bậc Ứng cúng (Arhat), (ii) Bậc Chính đẳng giác (samyaksaṃbuddha), (iii) Bậc minh hạnh túc (vidyācaraṇa-saṃpanna), (iv) Bậc Thiện thệ (sugata), (v) Bậc Thế gian giải (lokavid), (vi) Bậc vô thượng sĩ (anuttara), (vii) Bậc Điều ngự trượng phu (puruṣadamya-sārathi), (viii) Bậc Thiên nhân sư (śāstā devamanuṣyāṇām), (ix) Bậc giác ngộ (Buddha), (x) Thế Tôn (bhagavat).

Quán (觀, S. vipaśyanā): Nhìn bằng tâm một cách tinh tế (tế tư, 細思). Còn gọi là quán sát (觀察), hay quán trí (觀智) tức cái nhìn tỏ ngộ được thật thể của mọi sự vật như chúng đang là.

Bát vạn tứ thiên (84,000): Hình dung từ chỉ số nhiều, thường được sử dụng tại Ấn Độ để chỉ cho số nhiều khó tính đếm được, khó đo lường được, chứ không phải là số thực. Ví dụ, khi diễn tả nhiều phiền não thì nói là 84,000 phiền não, khi diễn tả có nhiều tháp thì nói là 84,000 tháp, khi diễn tả có nhiều cách tu thì nói là 84,000 pháp môn (đúng ra là pháp uẩn, tức chủ đề Phật pháp), khi diễn tả có nhiều tướng đại nhân thì nói là 84,000 tướng hảo. Tương tự, để gây tạo ý thức về thực tập lòng từ bi, thì nói là 84,000 vi trùng trong một bát nước.

Chú (呪, 咒, S. mantra, dhāraṇī): Còn gọi là đà-la-ni (陀羅尼, S. dhāraṇī). Thường dịch là “tổng trì”, tức làm cho tâm được chuyên nhất và gồm thâu, nhờ đó, vọng tâm được dừng lại. Về sau, “tổng trì” được lý giải là “gom tất cả pháp lành” và “giữ gìn các pháp lành”, từ đó, người ta tin rằng thần chú có công năng mầu nhiệm, có thể hóa giải bệnh tật, khổ đau, nghịch duyên.

Có bốn loại đà-la-ni: a) Văn đà-la-ni tức thần chú có khả năng giúp cho ký ức về Phật pháp được bền lâu, b) Nghĩa đà-la-ni tức thần chú có khả năng giúp ta hiểu thấu đáo chân lý Phật dạy, c) Chú đà-la-ni còn gọi là chân ngôn đà-la-ni, tức thần chú khử tà trừ ác, d) Nhẫn đà-la-ni tức thần chú kiên trì, nhận chân được thật tướng của sự vật, hiện tượng.

Trì chú (持呪): Đọc tụng thần chú thầm trong đầu hay thành lời, trong thời Kinh hay trong lúc cầu nguyện. Là cách thiết lập chính niệm, các câu thần chú được sử dụng để cột tâm, nhờ tâm trở nên an định, vô nhiễm.

Chúng sinh nhục (眾生肉): Thịt của chúng sinh, thịt của loài có tình thức (vốn được chế tác thành các thực phẩm mặn). Trong ngữ cảnh của bài thi kệ này, “chúng sinh nhục” được hiểu là “thịt vi trùng”, dù nhỏ nhít không nhìn thấy được, vẫn có mạng sống, cần được bảo hộ bởi lòng từ bi của người uống nước.

Người xuất gia Bắc truyền, vì để phát triển tâm từ bi nên từ bỏ việc ăn thịt chúng sinh. Người xuất gia Nam truyền có thể ăn thực phẩm mặn trong 3 trường hợp “không thấy, không nghe và không nghi” tín chủ giết con vật để phục vụ cho mình ăn.

IV. Giải thích gợi ý

Hai mươi sáu thế kỷ trước, khi khoa học thực nghiệm và khoa học tự nhiên chưa phát triển, bằng thiên nhãn thông, đức Phật nhìn xa thấy rộng, không bị giới hạn bởi biên cương, không gian và thời gian. Đức Phật thấy rõ trong một ly nước có rất nhiều các loại vi trùng. Tương tự, trong không khí đều có nhiều loại vi trùng khác nhau. Đức Phật đã đi trước nhà vi trùng học Pasteur.

Khi tu tập chuyển hóa đúng phương pháp, tuệ giác sẽ phát sinh, giúp ta có được cái thấy, biết sâu xa hơn. Tu tập thiền định, chuyển hóa thân tâm rất cần thiết để tuệ giác phát sinh.

Khi thấy biết rõ rằng trong nước có vi trùng mà không thực tập năng lực bảo hộ với lòng từ bi, người uống nước được xem là đang gieo sát nghiệp dù chỉ vô tình. Nói cách khác, bài thiền kệ này giúp ta chuyển hóa nghiệp sát. Ta không còn sự lựa chọn nào khác, mỗi ngày người tu cũng phải ăn cơm, uống nước, chế biến thực phẩm, sử dụng nước sôi, sử dụng bếp và các nhiên liệu để nấu thực phẩm, nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm. Do vậy, việc ăn uống chay không thể thuần chay 100%, vì khi nấu nướng, nhiều vi trùng đã bị giết chết rồi.

Trong nồi nước nấu canh, trong nồi cơm nóng thơm phức… đã có vô số côn trùng bị giết chết. Khi trồng rau cải xanh tại vườn, sử dụng các loại thuốc trừ sâu đã kết liễu mạng sống của nhiều côn trùng. Khi rửa rau, quả, củ, chén, bát… nhiều vi trùng bị chết. Trong gạo, bột mì, sữa và các thực phẩm khác cũng có nhiều loại vi trùng. Do đó, khi uống nước hay tiêu thụ các thực phẩm, ta phải thực tập từ bi, nhằm truyền năng lượng từ bi đến các loại vi trùng bất hạnh, đang chấp nhận cái chết. Thực tập thiền kệ này sẽ giúp ta chuyển nghiệp, đồng thời, ta nên cầu cho chúng được vãng sanh, làm kiếp người để có cơ hội học Phật pháp, chuyển hóa tâm thức, tu tập đạo đức, để có đời sống an lành.

Dù không tuyệt đối hóa được sự ăn chay, việc chọn thực phẩm chay vẫn là lựa chọn tốt nhất cho sức khỏe và tuổi thọ, góp phần ngăn chặn sự hâm nóng toàn cầu. Ngày nay, các khoa học gia về môi trường cho biết, cứ 1 pound thịt = 454 gam thịt được chế biến cho chúng ta ăn thì bầu khí quyển này được tống khứ vào trung bình khoảng 280-350 gam khí CO2, góp phần phá vỡ tầng Ozon trên bầu khí quyển, gây ra hiệu ứng nhà kính và hâm nóng toàn cầu. Để có số lượng thịt đó, người ta cần phải có mấy mét khối đất để trồng trọt, tạo ra các loại thực phẩm nhằm cung cấp cho chăn nuôi được đảm bảo. Do đó, hoa màu của đất trên một mét khối trung bình là 450g chỉ còn lại 150g, giảm đi 2 phần 3 và tối thiểu 25 galon nước được sử dụng trong quá trình chăn nuôi đã làm cho nước trở thành nước bẩn, ngấm sâu vào trong lòng đất.

Nói cách khác, ăn thịt là góp phần làm ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí, ô nhiễm đất, ô nhiễm nước, gây tạo bệnh tật trên cơ thể con người. Khi thực tập ăn chay, ta phải quán tưởng lòng từ bi đối với mạng sống của chúng sinh.

Nếu bảo hộ được các vi trùng trong lúc uống nước, ăn cơm thì ta sẽ không khó gì trong việc góp phần gây tạo thế giới hòa bình, đất nước thịnh trị, không còn bạo lực, nhờ đó, các mối quan hệ xã hội trở nên hòa thuận, đoàn kết và hạnh phúc.

Sử dụng nước và thực phẩm, đừng vì mục đích hưởng thụ. Mục đích chính của ăn uống đối với tăng sĩ là giữ sức khỏe, để thực tập chính pháp nhiệm mầu, nhờ đó, ta đạt được thành quả trong tu học, đền trả được ơn thí chủ, mang lại lợi lạc cho tha nhân.

Tóm lại, khi vào nhà vệ sinh, trong lúc tắm, rửa tay, rửa mặt và giặt giũ, người xuất gia nêu quyết tâm rửa sạch các bợn nhơ của tâm như tham ái, sân hận, si mê, chấp thủ, sợ hãi, tranh chấp, thị phi... Tất cả những bợn nhơ đó làm mình không thể nào có mặt sâu sắc trong định, không thể nào thực tập có kết quả những pháp môn hành trì chuyển hóa.

V. Câu hỏi ôn tập

1. Trình bày ý nghĩa “84,000 vi trùng” trong bài kệ?
2. Vì sao uống nước mà không đọc bài kệ này thì được xem là đang ăn thịt chúng sinh?

***

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

5.00

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập