Bài 20: Lễ bái Phật

Đã đọc: 6282           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

I. Nguyên tác và phiên âm

禮佛
天上天下無如佛,
十方世界亦無比,
世間所有我盡見,
一切無有如佛者。
普禮真言:
唵,嚩日囉斛
 Lễ Phật 
Thiên thượng thiên hạ vô như Phật, 
Thập phương thế giới diệc vô tỉ, 
Thế gian sở hữu ngã tận kiến, 
Nhứt thiết vô hữu như Phật giả.
Phổ lễ chơn ngôn: 
Án, phộc-nhật-ra, hộc.


II. Dịch nghĩa: Lạy Phật 

Trời đất không ai bằng Phật,
Mười phương không thể sánh bằng.
Thế gian bao người con gặp,
Như Lai là bậc Tối Tôn.
Oṃ vajra hoḥ.

III. Chú thích từ ngữ

Lễ (禮, S. samayaḥ): Lạy, bái lạy, xá lạy, lễ lạy. Còn gọi là “lễ bái” (禮拜) là động tác chấp tay, cúi đầu biểu thị sự cung kính (合掌叩頭表示恭敬). Gieo năm vóc sát đất là lễ bái. Năm vóc gồm trán, hai cùi trỏ và hai đầu gối đều tiếp giáp với đất. Tác lễ (作禮) là thực hiện động tác lễ bái. Lễ bái thuộc thân nghiệp (身業), đang khi, đọc tụng (讀誦), xưng danh (稱名), tán thán (讚歎) thuộc về ý nghiệp (意業). Lễ bái là cách biểu đạt lòng tôn kính (禮拜表達恭敬之意) đối với Phật, Bồ-tát, A-la-hán, Thánh tăng, Hòa thượng, Chùa, Tháp v.v…

Lễ bái Tam Bảo (三寶禮) còn gọi là lễ bái Phật, Pháp, Tăng (禮拜佛法僧). Lạy trong tư thế quỳ gối là “tọa lễ” (坐禮). Nơi lễ bái được gọi là “lễ đường” (禮堂). Nơi lễ bái trong chùa được gọi là “bái điện” (拜殿). Dụng cụ được dùng để lễ bái được gọi là “lễ tịch” (拜席).

Lễ sám (禮懺) còn gọi là “bái sám” (拜懺) là gọi tắt của lễ bái và sám hối (禮拜與懺悔). Đây là cách lễ bái Tam bảo với mục đích sám hối tất cả nghiệp xấu đã tạo trong quá khứ. Các nghi thức lễ sám (懺法) thông dụng gồm có Lương Hoàng Bảo sám (梁皇寶懺), Từ bi thủy sám (慈悲水懺), Dược sư sám (藥師懺), Tịnh độ sám (淨土懺), Kim cương sám (金剛懺).

Theo Luật Phật giáo, lễ bái phải hợp thời. Lúc Hòa thượng đang đi, cạo đầu, thuyết pháp, xỉa răng, súc miệng, ăn, uống v.v… đều không thích hợp cho việc lễ bái. Lễ lạy sai là tà lễ (邪禮), lễ lạy đúng là chân lễ (真禮). Trong các cách lạy, “ngũ thể đầu địa lễ” (五體投地禮) tức động tác lạy, theo đó, trán, hai cùi trỏ và hai đầu gối đều tiếp giáp mặt đất, được xem là động tác lễ đúng, thể hiện lòng tôn kính.

Theo Pháp Uyển Châu Lâm (於法苑珠林), có bảy loại lễ bái (Phật): (i) Ngã mạn kiêu tâm lễ (我慢憍心禮) là thân lễ lạy nhưng tâm cao ngạo, không cung kính, (ii) Xướng hòa cầu danh lễ (唱和求名禮) là lễ lạy vì cầu danh, (iii) Thân tâm cung kính lễ (身心恭敬禮) là lễ lạy với thân tâm cung kính, (iv) Phát trí thanh tịnh lễ (發 智清淨禮) là lễ lạy để phát khởi trí tuệ thanh tịnh, (v) Biến nhập pháp giới lễ (遍入法界禮) là quán tưởng rằng đang lễ một đức Phật (禮一佛) cũng là lúc ta lễ bái tất cả Phật (禮拜諸佛), (vi) Chính quán tu thành lễ (正觀修誠禮) là thông qua lễ Phật, ta lễ Phật tính của bản thân, và (vii) Thật tướng bình đẳng lễ (實相平等禮).

Lễ Phật (禮佛): Lạy Phật, thông thường là lễ lạy Phật Thích-ca (禮拜釋迦). Khi lạy khắp các đức Phật (遍禮一切諸佛), hay lễ bái các đức Phật ở mười phương (禮拜十方諸佛) thì được gọi là “phổ lễ” (普禮). Lễ Phật là hành vi tín ngưỡng phổ biến của người tu học Phật. Lễ Phật có nhiều lợi ích như: a) Sám hối nghiệp chướng, b) Trải nghiệm tỉnh tâm, c) Tăng trưởng sức khỏe do vận động toàn thân.

Thiên thượng thiên hạ (天上天下): Trên trời, dưới đất. Trên đời này. Khắp vũ trụ này. Tương truyền, lúc mới sinh ra, thái tử Tất-đạt-đa tuyên bố “thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn” (天上天下唯我獨尊), có nghĩa là “Trên trời dưới đất, ta là số một”. Thành ngữ “thiên thượng thiên hạ vô như Phật” có nghĩa là “Trên đời này và trên cõi trời, không có ai bằng với Phật” là lời tán dương “đức Phật là bậc tối tôn, vô thượng tôn” (無上尊).

Thế giới (世界, P=S. loka): Cũng gọi là “thế gian” (世間). Gọi tắt là “giới” (界). Thế giới là nơi cư trú của chúng sinh (眾生居住之所依處) gồm hành tinh, quốc độ, núi, sông. “Thế” có nghĩa là “biến lưu” (遷流) và “giới” có nghĩa là “phương vị” (方位). Không gian thì có đông, tây, nam, bắc, thượng, hạ. Thời gian thì có quá khứ, hiện tại và vị lai. Có hai loại thế giới là thế giới hữu vi (有為世界) và thế giới vô vi (無為世界). Thế giới vô vi còn gọi là “thế giới siêu tuyệt” (絕對世界) hay thế giới Liên hoa tạng (蓮華藏世界).

Thập phương thế giới (十方世界): Các thế giới ở mười phương. Ba thế giới bao gồm dục giới, sắc giới, vô sắc giới. Sáu đường bao gồm thiên, a-tu-la, nhân, ngạ quỷ, súc sinh và địa ngục. Mười phương bao gồm đông, tây, nam, bắc, đông nam, tây nam, đông bắc, tây bắc, thượng hạ. Thành ngữ này chỉ cho số nhiều của các thế giới hoặc các cảnh giới sống.
Vô tỷ (無比, S. anūpamaḥ): Không thể so sánh được, không thể ngang bằng. Là số một.

Thế gian (世間, P=S. loka): 1) Cũng gọi là “thế giới” (世界), 2) Còn gọi là thế tục (世俗) hay phàm tục (凡俗). Gọi chung cho thời gian (時間) và không gian (空間). Thế gồm có tam thế (三世) là đời quá khứ, hiện tại và vị lai. Gian là không gian, gồm mười phương: đông, tây, nam, bắc, đông nam, tây nam, đông bắc, tây bắc, thượng và hạ. Thế gian là từ chỉ cho địa cầu với vạn tượng sum la. Siêu việt thế giới (超越世間) thì gọi là xuất thế gian (出世間) hay xuất thế (出世).

Quốc độ được chúng sinh nương vào để sống được gọi là “khí thế gian” (器世間). Thế gian có sinh tử, được mất được gọi là “hữu tình thế gian” (有情世間). Thế gian tam giới (世間三界) là ba cõi thế gian, gồm dục giới, sắc giới và vô sắc giới. Có các loại thế gian khác nhau như: a) Khí thế gian (器世間) còn gọi là quốc độ thế gian (國土世間) tức các địa cầu, quốc độ, b) chúng sinh thế gian (眾生世間) còn gọi là “giả danh thế gian” (假名世間), c) ngũ ấm thế gian (五陰世間) hoặc ngũ uẩn thế gian (五蘊世間) còn gọi là ngũ chúng thế gian (五眾世間) tức thế gian do sắc, thọ, tưởng, hành, thức hình thành, d) trí chính giác thế gian (智正覺世間).

Phổ lễ (普禮): Lễ bái tất cả các đức Phật, hoặc lễ bái các Đức Phật ở mười phương (禮拜十方諸佛). Lạy các Đức Phật trước Đàn tràng thì gọi là “đàn tràng phổ lễ” (壇前普禮), phổ lễ ngay vị trí ngồi thì gọi là “trước tòa phổ lễ” (著座普禮).

Phổ lễ chân ngôn (普禮真言): Chân ngôn được sử dụng trong lúc phổ lễ, tức lễ khắp các Đức Phật (普禮時所誦之真言稱普禮真言). Đây là cách lễ bái Bổn tôn (禮拜本尊) và các tôn đức man-đồ-la (禮拜曼荼羅諸尊) của các hành giả Mật tông tại đạo tràng Mật tông. Khi bắt ấn lễ bái (禮拜印) tức kim cương hiệp chưởng (金剛合掌), hành giả Mật tông thường trì phổ lễ chân ngôn.

Chân ngôn (真言, S. mantra, dhāranī): phiên âm là “man-đản-la” (曼怛羅) hay “man-đồ-la” (曼荼羅). Ngôn ngữ chân thật (真實的言語), ngôn ngữ thần thánh (神聖言語/語句). Ngôn ngữ bí mật (祕密語句). Còn gọi là đà-la-ni (陀羅尼, S. dhāranī), tổng trì (總持), thần chú (神咒), minh chú (明咒), chú (咒), mật ngôn (密言), mật ngữ (密語), mật hiệu (密號). Chân ngôn dài thì gọi là “đà-la-ni” (dhāranī). Phân loại theo người tuyên thuyết thì có hai loại chân ngôn: a) Thánh giả chân ngôn (聖者真言) tức chân ngôn do Phật, Bồ-tát, Thanh Văn, Duyên Giác tuyên thuyết, b) Chư thần chân ngôn (後二種為諸神真言) tức chân ngôn cho các thiện thần tuyên thuyết.

IV. Giải thích gợi ý

Đúc kết lời quán tưởng Phật, người đảnh lễ dùng lời tán dương Đức Phật. Dùng phép so sánh đối chiếu giúp ta thấy được sự vĩ đại của Phật từ chiều rộng sâu, cho đến các đức tính từ bi, trí tuệ, tâm vô ngã, lòng vị tha, không ai trên đời có thể sánh bằng Phật. Bát chính đạo, con đường giác ngộ được Phật khám phá là độc nhất. Bát chính đạo là con đường hành trì không có gì có thể hơn, giúp người thực hành Phật pháp đạt được an lạc ngay trong kiếp sống hiện tại này.

Để thấy sự siêu việt của đức Phật, người tu học Phật được quyền nghiên cứu về triết học Đông Tây, tôn giáo dân gian, tôn giáo quốc gia, tôn giáo thế giới. Càng tham khảo các tôn giáo và triết học khác, chúng ta càng bội phục Đức Phật. Nhiều tôn giáo chỉ dạy mê tín, hoàn toàn không có tâm linh. Một số tôn giáo chuyên làm chính trị và xã hội, không có con đường giải thoát. Vài tôn giáo nỗ lực tìm kiếm giải thoát nhưng do giới hạn của người sáng lập, họ không có lối đi rõ ràng, không có kết quả như ý.

Tháng 5/2011, TT. Chân Tính, TT. Trí Chơn và tôi, cùng với phái đoàn Phật tử Việt Nam thăm quốc hội bang Dresden, Đức quốc. Tiếp đón đoàn, ông Chủ tịch quốc hội của bang này đã thừa nhận rằng ông đã từng đọc kinh Tân Ước của Thiên Chúa giáo, kinh Koran của Hồi giáo, Tứ Thư Ngũ kinh của Nho giáo và kinh điển Pali của Phật. Theo ông này, kinh Thánh của Nho giáo là học thuyết chính trị - xã hội học thuần túy; Kinh thánh Thiên chúa giáo có khuynh hướng tín ngưỡng, đặt nặng niềm tin quá nhiều; Kinh Koran có nhiều điều ngời ngợi; Kinh Phật là đặc biệt hơn hết, bao gồm minh triết và đạo đức thanh cao.

Chân lý và đạo đức của Đức Phật không có tôn giáo nào hơn. Đạo đức học Phật giáo dựa trên động cơ, hành động và kết quả. Xã hội học Phật giáo đề cao công bằng, nhân quyền, dân chủ. Tâm linh học Phật giáo nhấn mạnh sự chuyển hóa nỗi khổ niềm đau, không có tôn giáo nào có thể sánh bằng.

Là người theo Thiên Chúa giáo, ông Chủ tịch Quốc hội bang Dresden đánh giá về Đức Phật và đạo Phật như thế, hẳn không phải lấy lòng Phật giáo. Ông đánh giá đức Phật và đạo Phật một cách khách quan và bằng tâm trong sáng của một tri thức. Liêm khiết tri thức đã buộc ông phải nói thế về đức Phật, không thể nói khác hơn, không thể bóp méo sự thật, không thể phủ định giá trị của Phật giáo trong việc phụng sự nhân sinh.

Trong trời đất bao la, khắp Đông, Tây, Kim, Cổ, không có nhà tôn giáo nào, nhà hiền triết nào có thể sánh bằng Đức Phật. So với các bậc vĩ nhân đừng có mặt trong đời, xưa cũng như nay, đức Phật xứng đáng ngồi riêng một chiếu, đón nhận sự cung kính và quy ngưỡng của những người yêu quý đạo Phật.

Liên Hiệp Quốc vào ngày 15-12-1999 trong phiên họp khoáng đại (không có phiếu chống) đã chính thức thừa nhận Đức Phật là danh nhân văn hóa của nhân loại, đồng thời thừa nhận ngày rằm tháng 4 âm lịch, tức ngày trăng tròn tháng Vesak, kỷ niệm 3 sự kiện trọng đại của Đức Phật là Đản sinh, Thành Đạo và Nhập Niết-bàn tại các trụ sở của Liên Hiệp Quốc ở New York cũng như tại các khu vực. Liên Hiệp Quốc kêu gọi cộng đồng Phật giáo thế giới tổ chức trọng thể Lễ tam hợp nêu trên vào tháng năm dương lịch hằng năm.

Khi đảnh lễ Phật, ta cần thấy rõ sự siêu tuyệt của đức Phật để cảm nhận được hạnh phúc khi được làm đệ tử Phật, khi thực tập Phật pháp dưới sự hướng dẫn của Ngài để trải nghiệm sự giác ngộ và giải thoát ngay trong kiếp sống này.

Sẽ sai lầm nếu ta ỷ lại giáo pháp của Đức Phật cao siêu, mà không nỗ lực làm cho Phật pháp trở nên gần gũi với quần chúng. Theo cách này, đến giai đoạn nào đó, các tôn giáo khác mặc dù triết lý thấp hơn đạo Phật, nhưng nhờ có hệ thống tổ chức tốt, vẫn có thể thành công hơn đạo Phật trong việc phụng sự nhân sinh.

Do đó, khi lạy Phật, ta nêu quyết tâm làm các Phật sự, dấn thân không mệt mỏi, nhằm mang lại lợi lạc cho mình, cho người ở hiện tại và trong tương lai.

V. Câu hỏi ôn tập

1. Tại sao phải quy y Phật?
2. Vì sao kệ này cho rằng trên thế gian này không có ai bằng Phật?

***

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập