Bài 17: Trải tọa cụ, ươm tâm linh

Đã đọc: 3286           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

I. Nguyên tác và phiên âm

臥具
臥具尼師壇,
長養心苗性,
展開登聖地,
奉行如來命。
唵,檀波檀波莎訶。
 Ngọa cụ 
Ngọa cụ ni sư đàn, 
Trưởng dưỡng tâm miêu tánh,
Triển khai đăng thánh địa, 
Phụng hành Như Lai mạng.
Án, đàn-ba, đàn-ba sa-ha.

II. Dịch nghĩa: Dụng cụ ngồi, nằm

Khi dùng vật trải ngồi, nằm,
Ươm mầm nuôi lớn tâm linh
Trải đường đi lên đất Thánh,
Giữ gìn sinh mệnh Như Lai.
Oṃ dāmbha dāmbha.

III. Chú thích từ ngữ

Ngọa cụ (臥具, P. sayanāsana; S. śayanāsana): Cũng gọi là “phu cụ” (敷具). a) Các dụng cụ phục vụ cho việc ngủ nghỉ, gồm giường, chăn, ga, đệm, gối, chiếu, b) Tấm trải để nằm. Theo Luật Phật quy định, Tăng Ni không được sử dụng lụa, lông dê, da thú làm dụng cụ nằm. Dụng cụ ngủ nghỉ phải đơn giản, không xa xí, để tránh đắm nhiễm hưởng thụ; mục đích là điều nhiếp thân (調攝身) trong chính niệm.

Ni-sư-đàn (尼師壇, S. niṣīdana): Phiên âm khác là “ni-sư-đản” (尼師但), viết đủ là “ni-sư-đàn-na” (尼師但那), có nghĩa là: a) Tọa cụ (坐具) là vật lót chỗ ngồi, vật để ngồi, b) Tọa y (坐衣) là vải lót chỗ ngồi, tấm vải lót ngồi. c) Vải lót chân. Về hình thù, tại các chùa tu Tịnh độ, tọa cụ thường là một tấm nệm dày 2-6cm, có hình vuông 9x9 tấc. Tại các chùa tu Thiền, tọa cụ là nệm gối với diện tích dài 4 tấc, rộng 3 tấc, dày 1-2 tấc. Kích thước thật của tọa cụ tùy thuộc vào mục đích sử dụng trong lúc ngồi, thường khác nhau giữa các Chùa. Lúc ngồi, dùng tấm trải này phủ lên đất hoặc sàng để bảo hộ tấm thân. Tọa cụ hoặc tọa y được sử dụng để ngồi thiền, ngồi tụng kinh, ngồi niệm Phật, lễ bái, hầu tránh các cảm giác khó chịu do đau nhức, nhờ đó, người thực tập có thể trải nghiệm chính niệm trong lúc ngồi.

Trưởng dưỡng (長養): Viết tắt là “dưỡng” (養) Sinh trưởng và dưỡng dục (生長養育). Nuôi dưỡng (養育). Theo Luận Câu Xá (俱舍論), có hai loại trưởng dưỡng: sở trưởng dưỡng (所長養) và năng trưởng dưỡng (能長養). Sở trưởng dưỡng bao gồm thức ăn uống (飲食), giấc ngủ (睡眠) và các thuận duyên (勝緣)… giúp cho thân thể tăng trưởng, khỏe mạnh, sống thọ. Năng trưởng dưỡng là đời sống thanh cao (phạm hạnh, 梵行), phát triển tâm từ (慈心), tâm bi (悲心), tâm định (定心), tâm tuệ (慧心), tăng trưởng căn lành (增修善根), giúp cho tâm thanh tịnh.

Tâm (心, P=S. citta): a) Phiên âm là “chất-đa” (質多), có nghĩa là tổ hợp nhận thức (識蘊), nương vào hệ thống thần kinh, tạo ra các hoạt động cảm giác, tri giác, tâm tư và nhận thức đối với thế giới đối tượng. Tâm (mind) có tính cách là chủ thể nhận thức có ba phương diện. Về phương diện “tính chất” thì gọi là tâm, như tâm ác, tâm thiện, tâm phàm, tâm thánh, v.v… Về phương diện nhận biết thì gọi là “thức” (識), như nhãn thức (thị giác), nhĩ thức (thính giác) v.v… Về phương diện “thái độ cái tôi” thì gọi là “ý” (意). Về bản thể, tâm như kho tàng, chứa đựng (積集) các hạt giống kinh nghiệm, thói quen, từ nhiều kiếp sống.

b) Viết tắt của “nhục đoàn tâm” (肉團心), tức trái tim (the heart), tương đương với từ “hrd” hay “hrdaya” trong tiếng Sanskrit. Còn có nghĩa là “tinh túy” hay “tinh hoa” (精要), như trong thuật ngữ “Bát-nhã tâm Kinh” (般若心經), không phải là “Kinh nói về trái tim” mà là “kinh nói về tinh hoa [trí tuệ]”.

Các nhà Phật học Trung Quốc chia làm 6 loại tâm: (i) Nhục đoàn tâm (肉團心, S. hrdaya) tức trái tim của con người, (ii) Tập khởi tâm (集起心, S. citta), tên gọi khác của “thức kho tàng” (ālayavijñāna), (iii) Tư lượng tâm (思量心, S. manas), tâm tư duy và đánh giá (trong quan hệ giữa cái tôi với sự vật), (iv) Duyên lự tâm (緣慮心, S. citta), còn gọi là “liễu biệt tâm” (了別心) hay “lự tri tâm” (慮知心) tức tâm như chủ thể nhận thức, (v) Kiên thật tâm (堅實心, S. bhūtatathatā) tức tâm thường hằng.

Tâm là đối tượng cần tu tập, do đó, tu tập trong Phật giáo, thực ra là “tu tâm” tức chuyển hóa hoặc phát triển các hạt giống tích cực của tâm, để sống an vui và hạnh phúc. Sẽ làm sai lầm khi cho rằng “tu ở tâm” vì tâm không có không gian để tu.

Tính (性): a) Đồng nghĩa với tâm (心), như trong thuật ngữ “tu tâm, dưỡng tánh”, có nghĩa là rèn luyện tâm tính, kết thúc tham ái, sân hận, si mê và chấp thủ, b) Bản chất, tính chất. Ví dụ, “giác tính” có nghĩa là bản chất giác ngộ và “phàm tính” tức tính cách phàm tục, c) Bản tính, tính tình.

Thánh địa (聖地): Đất thánh. Cõi Phật. Nơi bậc Thánh ở.

Phụng hành (奉行): Tiếp nhận, thực hành.

IV. Giải thích gợi ý

Theo quy định của Đức Phật, người xuất gia thường mang theo dụng cụ tùy thân như kim chỉ, đãy lọc nước, tọa cụ để ngồi, ngọa cụ để nằm và một số vật dụng cần thiết khác, để người xuất gia có thể tự lập, không làm phiền ai, sống giản đơn nhưng thanh cao. Lối sống giản đơn và tự chủ sẽ giúp người xuất gia giảm được các duyên tiếp xúc với quần chúng, làm chủ các giác quan, thanh lọc tâm ý để có được kết quả và công đức trong tu tập, hành trì.

Trên điện Phật vào mùa đông ở các quốc gia khí hậu lạnh, gạch lót trên điện sẽ làm người ngồi tụng kinh, ngồi thiền, niệm Phật… lâu sẽ bị tê, nhức mỏi, nên cần sử dụng tọa cụ để ngồi. Tọa cụ có hai loại, loại tròn có đường kính khoảng 8 tấc và loại vuông với diện tích 80x80cm, để khi ngồi lên, thân thể mình được vững, không đau nhức. Để ngồi lâu không bị cảm giác tê, mệt ảnh hưởng đến cơ bắp, tọa cụ dày 3-5cm là tốt, vì độ thụng quá nhiều dễ dẫn đến sự đau nhức. Khi ý thức tập trung vào vị trí bị đau nhức thì chính niệm của ta sẽ bị đánh mất. Người Trung Hoa chế thêm loại tọa cụ tròn, cao trung bình 1 tấc rưỡi và có đường kính khoảng 30cm. Người bị bệnh đau nhức hay thoát vị đĩa đệm ngồi lâu mà không đổi tư thế, không thể nào chịu nổi, bệnh sẽ có khuynh hướng gia tăng.

Khi tọa cụ không thích hợp thì ngồi lâu là trở ngại. Trụ trì các tự viện nên thiết kế tọa cụ có diện tích, độ dày, độ mềm vừa phải, màu sắc thích hợp, để ngồi lâu mà không bị đau nhức. Trong trường hợp bị mắc bệnh thoái hóa xương khớp, thoát vị đĩa đệm, đau thần kinh tọa, không nhất thiết buộc phải ngồi xếp bằng trên tọa cụ. Để tu được tốt, người bị bệnh nêu trên có thể ngồi trên ghế để được thoải mái và đạt được chính niệm.

Dụng cụ nằm thường có chiều dài khoảng 2mx0,9m, giống như tấm drap trải giường, giúp lưng được thoải mái, tâm được tỉnh niệm, tỉnh thức. Khi trải tọa cụ để ngồi trên điện Phật hay trải ngọa cụ để nằm trong phòng ngủ, ta cam kết rằng mục đích là “ươm mầm tâm linh”, chứ không vì mục đích hưởng thụ.

Về phương diện lịch sử, sau khi nhận chân phương pháp khổ hạnh ép xác là sai lầm với 6 năm tu vô ích, đức Phật đã từ bỏ khổ hạnh, hướng về Bồ Đề Đạo Tràng, nơi cách đó khoảng 8 km đường chim bay. Đến làng Sujata, Đức Phật đã ngã quỵ. Nhờ thôn nữ Sujata dâng bát cháo sữa, Đức Phật phục hồi sức. Trước khi lội qua sông Ni-liên-thiền (Nerajara), đức Phật đã nhận bó cỏ Kusha (cỏ lau của Việt Nam, loại Kusa của Ấn Độ ít bị ngứa) của lão già làng. Đức Phật một tay cầm bó cỏ, tay còn lại bởi qua con sông rộng khoảng 1 kilomet. Điều đó cho thấy sức khỏe của Đức Phật rất đặc biệt.

Tìm được cây Bồ-đề thích hợp, Phật đã dùng bó cỏ Kusha lót dưới gốc cây và ngồi thiền bất động suốt 49 ngày đêm. Phật phát hiện ra con đường Trung đạo, tức Bát Chính Đạo, xa lánh hai cực đoan, hưởng thụ khoái lạc và ép xác hành thân. Nhờ tu Bát Chính Đạo, đức Phật đã giác ngộ toàn mãn. Lớp cỏ kusa mà Đức Phật ngồi chỉ dày khoảng 3 cm, đủ để cho 2 mắt cá chân không phải bị đau nhức khi tiếp xúc trực tiếp với mặt đất. Do đó, phải thiết kế các loại tọa cụ thích hợp để ngồi được lâu mà không bị cảm giác đau nhứt làm khó chịu. “An tọa” trong thiền định mới giúp ta “ươm mầm tâm linh” tốt được.

Những người bị bệnh, đi đứng không vững, có thể ngồi trên ghế. Tôn kính Phật nằm ở tâm, chứ không ở hình thức. Để đạt chính niệm, không nhất thiết phải ngồi. Tùy theo sức khỏe, sử dụng các hỗ trợ thích hợp để việc tu có kết quả tốt đẹp. Ở những xứ tuyết quanh năm, nên trải trên điện Phật dụng cụ chống lạnh, thường là tấm mousse hoặc thảm, độ dày khoảng 1-2 cm. Khi cảm giác bị lạnh, bị đau nhức kết thúc thì chính niệm mới có mặt.

Nương vào sự chống lạnh của tọa cụ và ngọa cụ, ta cần nghĩ rằng: “Việc ngồi tĩnh tâm trên điện Phật là đang ươm mầm tâm linh”. Cố gắng tĩnh tọa 30-60 phút để trải nghiệm sự mầu nhiệm của Phật pháp.

Khi trải tọa cụ ngồi thực tập hay trải ngọa cụ để nằm, phải liên tưởng ta đang trải con đường tâm linh trên cuộc đời mình. Làm sao mỗi bước chân đi của ta trên con đường tâm linh đó phải có kết quả, bằng không, nó sẽ rơi vào trạng thái nhàm chán. Người nhàm chán có thể cầm tờ báo đọc, đọc hoài, đọc mãi, mà không biết mình đọc để làm gì. Người đọc báo có mục đích chỉ đọc 30 phút để tiêu thụ thông tin cần thiết. Nhàm chán là cảm giác tiêu cực, không tiến thủ, đánh mất tâm bồ-đề. Tu học có lý tưởng và mục đích cao quý sẽ giúp ta kết thúc tâm lý nhàn chán, trở nên hân hoan đối với các Phật sự và thiện sự.

Nếu tự mình chưa có thể vượt qua được tâm nhàn chán, ta nên tâm sự với các huynh đệ đồng tu, những người tinh tấn hơn, có kinh nghiệm để giúp ta tháo mở, nhờ đó, vượt qua được giãi đãi, nhàm chán, hướng đến tỉnh thức và giải thoát, đỉnh cao nhất là Niết-bàn. Tu học nghiêm túc mới có thể giữ gìn được sinh mệnh Phật pháp.

Không duy trì những thực tập chính niệm hằng ngày mà đòi chứng đắc này, đạt được kết quả nọ chỉ là hư tưởng, không có thật. Thực tập chính niệm hằng ngày rất quan trọng để giữ gìn chính pháp của Như Lai.

Giữ gìn chính pháp bao gồm truyền bá chân lý, tổ chức khóa tu, hướng dẫn quy y, khai tâm điểm trí, làm các Phật sự và phụng sự độ sinh bằng nhiều cách, thích hợp với căn cơ của quần chúng. Giữ gìn sinh mệnh Phật pháp qua việc truyền bá Phật pháp có thể thực hiện bằng nhiều cách: Ấn tống kinh sách, lập website Phật pháp, diễn đàn tu học, âm thanh hóa Kinh điển và sách nói Phật giáo, để mọi người có thể tiếp cận trực tiếp lời Phật dạy.

V. Câu hỏi ôn tập

1. Thế nào là “đăng thánh địa”?
2. Trình bày phương pháp trưởng dưỡng tâm?

***

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập