Bài 9: Rửa sạch

Đã đọc: 2713           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

I. Nguyên tác và phiên âm

洗淨
事訖就水,
當願眾生,
出世法中,
速疾而往。
唵, 室唎婆醯莎訶。
Tẩy tịnh 
Sự ngật tựu thủy, 
Đương nguyện chúng sinh,
Xuất thế pháp trung, 
Tốc tật nhi vãng. 
Án, thất-rị bà-hê sa-ha.

II. Dịch nghĩa: Rửa sạch 

Vệ sinh xong rồi dùng nước,
Cầu cho tất cả chúng sinh,
Thực tập pháp môn siêu xuất,
Cõi lành đến được thật nhanh.
Oṃ śrī vahi svāhā.

III. Chú thích từ ngữ
Sự ngật (事訖): Khi việc đã xong. Trong ngữ cảnh của bài thi kệ này, “sự ngật” có nghĩa bóng là “đi vệ sinh xong” hoặc đi cầu, hay đi tiểu xong.

Tựu thủy (就水): Sử dụng nước. Trong ngữ cảnh của bài thi kệ này, “tựu thủy” có nghĩa bóng là “dùng nước dội cầu” cho nhà vệ sinh và bồn cầu được sạch sẽ, hoặc dùng nước rửa hậu môn và chỗ kín. Nhân việc rửa nhà vệ sinh và rửa chỗ kín, người xuất gia nêu quyết tâm dùng nước Phật pháp, rửa tâm, rửa lời, rửa hành vi, rửa phàm tục, gột rửa sạch sẽ tham ái, sân hận, si mê và chấp thủ.

Xuất thế pháp (出世法): Gọi đủ là “xuất thế gian pháp” (出世間法), tức phương pháp hướng đến giác ngộ và giải thoát khỏi sinh tử, luân hồi trong ba cõi (dục giới, sắc giới và vô sắc giới) và sáu đường (thiên, a-tu-la, nhân, ngạ quỷ, súc sinh, địa ngục). Pháp xuất thế là những điều siêu việt khỏi thế giới phàm tục, bao gồm tứ thánh đế, ba mươi bảy phẩm trợ đạo, sáu ba-la-mật. Người xuất gia được khích lệ hướng tâm về giác ngộ vô thượng, không vướng bận quả phước ở cõi người, quyết tâm chấm dứt tham ái, sân hận, si mê và chấp thủ để chứng quả A-la-hán, Bồ-tát và Phật.

IV. Giải thích gợi ý

Sau khi đi đại tiện, tiểu tiện, tay ta có thể bị dơ. Dù nhà vệ sinh hiện đại có giấy chùi và giấy lót bàn cầu, việc rửa tay sau khi đi cầu là điều cần làm. Liên Hiệp Quốc chọn ngày 15-10 hằng năm làm “Ngày Toàn Cầu Rửa Tay” để kêu gọi ý thức vệ sinh, dùng xà bông và nước rửa tay thật sạch. Thói quen nhỏ, xem có phần đơn giản này lại có giá trị đảm bảo sức khỏe cho con người.

Nhà vệ sinh trong chùa thường là nơi công cộng, mà người xuất gia và người tại gia đều sử dụng chung. Phẩn uế do con người tống khứ ra thường mang theo các loại vi trùng truyền nhiễm. Nếu làm vệ sinh bàn cầu không sạch, sẽ ảnh hưởng đến người sử dụng sau. Do vậy, khi vào nhà vệ sinh, ta phải có ý thức xả bồn vệ sinh thật sạch. Khi sử dụng xong, ta cũng phải xả lại thật sạch, để không ảnh hưởng đến người sử dụng sau. Nếu trên bồn cầu có nước đọng lại, hoặc có những vật dơ, hãy dùng giấy vệ sinh lau sạch, lau cho chính mình và lau cho người khác sử dụng.

Nhiều người có thói quen xấu, vào sử dụng muốn cho thật sạch cho mình, nhưng khi đi xong, không dội nước, thậm chí vứt bỏ giấy vệ sinh tùm lum, để lại cấu uế, mùi xú uế bất tịnh. Hành động đó nếu không để ý và khắc phục, ta đã tạo ra sự tổn phước cho mình rất nhiều. Đang ở trong nhà vệ sinh, ai cũng nhờm gớm các vật dơ thoát ra từ cơ thể mình. Khi ăn uống, cần nấu chín các thực phẩm đã được làm sạch và phải đảm bảo an toàn thực phẩm. Mới đưa vào bao tử mà ói ra liền là đã thấy gớm rồi. Ăn vào vài ba tiếng, mùi của thực phẩm lại khác, khi tống khứ ra bên ngoài, chúng trở thành phẩn uế.

Sau khi đi vệ sinh xong, hãy rửa tay thật sạch, đồng thời, cầu cho tất cả chúng sinh thực tập pháp môn siêu xuất, hiểu Phật pháp mầu nhiệm, để có thể đạt được cảnh giới lành ngay trong hiện tại, và có cảnh giới tái sinh lành sau khi qua đời. Sự tẩy tịnh thân thể giúp ta trở nên sạch sẻ. Sự tẩy tịnh tâm khỏi các vật nhơ tam độc giúp ta sống an vui.

Theo tục lệ của Ấn Độ giáo, những người có tội và bất hạnh, hãy đến sông Hằng trầm mình dưới nước sông, thì mọi nỗi khổ niềm đau được xem là đã rửa sạch.

Mỗi năm, vào mùa tắm sông, khoảng tháng 1 dương lịch, sông Hằng thu hút khoảng 400.000.000 người đến tắm. Vào thời điểm đó, nước sông lạnh khoảng 50C, thế mà người ta vẫn trầm mình dưới sông vì niềm tin rửa tội. Tắm sông Hằng, nếu nước sạch, chỉ mới rửa sạch thân thể, không thể rửa sạch tâm người, đang khi khổ đau và tội lỗi thuộc về tâm. Sông Hằng từ Varanasi đến Allahabad, có nhiều sinh hoạt tín ngưỡng theo Ấn Độ giáo, là quãng sông ô nhiễm nhất, nhì tại Ấn Độ. Toàn bộ chất thải chưa qua xử lý của hàng triệu hộ dân tại thành phố Varanasi tống khứ xuống sông Hằng, làm sông này ngày càng bị ô nhiễm nặng.

Quan niệm mê tín đã làm người ta không còn thấy đâu là sạch, dơ trên sông Hằng. Sông Hằng ở Varanasi có hai địa điểm hỏa thiêu. Mỗi ngày trung bình có vài chục thi thể được thiêu. Trước khi thiêu, người tam trầm thi thể xuống nước sông Hằng để tẩy tịnh. Sau khi thiêu xong, toàn bộ tro, cốt còn lại đều thả xuống sông Hằng. Cách đó chừng vài chục mét, người ta thành tâm tắm sông Hằng, lấy nước uống tại chỗ, hoặc đem nước sông về cúng Phạm thiên.

Quan niệm mê tín về sông Hằng đã làm cho nhiều người bị nhiễm bệnh bởi nước sông Hằng có quá nhiều các vi trùng. Khái niệm Sông Hằng huyền bí thật ra chỉ là một Sông Hằng mê tín. Đức Phật cho rằng nếu thật sự sông Hằng có khả năng tẩy tịnh thì con người không phải là những đối tượng được thanh tịnh đầu tiên, phải nói trước nhất là cá, tôm, cua, ghẹ và những loài thủy tộc phải thanh tịnh trước, vì chúng tiếp xúc và sống dưới nước 24 giờ một ngày, 365 ngày một năm, kiếp này sang kiếp khác. Hàng tích tắc trôi qua, loài thủy tộc không tách rời khỏi nước sông Hằng, trải qua bao nhiêu kiếp, cá, tôm, cua vẫn tiếp tục là cá, tôm, cua; có con nào được thanh tịnh làm con người đâu, đang khi, con người vẫn tiếp tục là con người. Không thể dựa vào hình thức rửa sạch ở sông Hằng mà cho rằng chỉ cần tắm sông Hằng thì tâm thanh tịnh.

Khi dùng nước để rửa sạch phần dơ dáy trên cơ thể, ta mong cho các chúng sinh thực tập pháp môn Bát chính đạo siêu xuất, để thoát khỏi mọi cấu uế của tâm. Theo đức Phật, ngoài Bát chính đạo, không có con đường tâm linh đích thực. Ngoài Bát chính đạo, không có tu sĩ chân chính đích thực. Không thực tập Bát chính đạo thì không có con đường an vui, giải thoát đích thực.

Bát chính đạo được xây dựng trên 3 nền tảng Giới - Định - Tuệ. Giới là đạo đức nhờ sự thực tập chuyển hóa. Định là tu tâm để chuyển thức thành trí, buông xả mọi chấp trước, rũ bỏ mọi nỗi khổ niềm đau. Trí tuệ phát sinh như chiếc chìa khóa vạn năng tháo mở các bế tắc. Giới là nền tảng đạo đức, gồm chính ngữ, chính nghiệp, chính mạng, chính tinh tấn. Định gồm chính niệm và chính định. Tuệ gồm chính kiến và chính tư duy.

Pháp môn Thiền tông của các Tổ Trung Quốc dựa trên hai yếu tố chính niệm và chính định. Pháp môn Mật tông của Phật giáo Tây Tạng và Pháp môn Tịnh Độ tông của Phật giáo Trung Quốc dựa trên chính niệm qua câu thần chú hoặc danh hiệu Phật A-di-đà là chính. Nói cách khác, ba pháp môn Thiền, Mật và Tịnh chỉ dựa vào hai yếu tố chính niệm và chính định trong Bát Chính Đạo. Sáu yếu tố còn lại: Chính tri kiến, chính tư duy, chính ngữ, chính nghiệp, chính mạng và chính tinh tấn, nếu không thực tập rốt ráo, ta không dễ dàng gì đạt được chính niệm và chính định, khi chỉ đơn thuần niệm Phật, trì chú và ngồi thiền, do đó, thực tập trọn vẹn Bát chính đạo bao giờ cũng rất cần thiết cho nền tảng tu học và hành trì, nhờ đó, thân tâm được thanh tịnh.

V. Câu hỏi ôn tập

1. Thế nào là “xuất thế” và “xuất thế pháp”?
2. Trình bày mối liên hệ giữa “nước rửa” và “xuất thế pháp”.

***

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập