Bài 14: Pháp y năm điều

Đã đọc: 8239           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Khi lên điện Phật, những vị chưa thọ giới không đắp y, chỉ mặc chiếc áo tràng nhưng có thể sử dụng bài kệ đắp y.
I. Nguyên tác và phiên âm

五衣
善哉解脫服,
無上福田衣,
我今頂戴受,
世世不捨離。
唵,悉陀耶莎訶。
 Ngũ y 
Thiện tai giải thoát phục, 
Vô thượng phước điền y, 
Ngã kim đảnh đới thọ, 
Thế thế bất xả ly.
Án, tất-đà-da sa-ha.

II. Dịch nghĩa: [Đắp] y năm điều

Lành thay chiếc y giải thoát,
Tượng trưng ruộng phước vô biên.
Nay con đem đầu tiếp nhận,
Đời đời không rời khỏi thân.
Oṃ siddhāya svāhā.

III. Chú thích từ ngữ

Ngũ y (五衣): Y năm điều, y năm sọc (五條衣). Y này nếu tính theo bề ngang từ trái sang phải có 5 sọc. Điều hay sọc là ô chữ nhật dài, theo chiều đứng. Mỗi sọc của y năm điều có 1 ô chữ nhật lớn và 1 ô chữ nhật nhỏ bằng phân nữa 1 ô này. Vị trí của các sọc được sắp so le: Sọc 1, 3, 5 có ô nhỏ ở trên, ô lớn ở dưới; sọc 2, 4 có ô lớn ở trên và ô nhỏ ở dưới. Là một trong ba y của Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni (比丘持三衣), từ lúc lãnh thụ giới Cụ túc cho đến 10 năm sau, các Tăng sĩ thường mặc y này. Trong Phật giáo Trung Quốc, y năm điều còn gọi là y tác vụ, thường được mặc trong những dịp xuất, nhập, vãng, lai, lao vụ, chấp tác, v.v…

Thiện tai (善哉, P=S. sādhu): Lành thay! Quá tốt đẹp! (太好了) Làm tốt quá (作好), thành tựu thiện (善成), thù thắng quá (勝), chân chính quá (正). Tiếng Phạn gọi là sādhu, thường được phiên âm là “sa-độ” (沙度、娑度), hoặc “tát” (薩). Đây là “từ xưng tán”, nói liên tục 2-3 lần, biểu thị sự tán dương, tán thành (贊成), đồng tình ý kiến (贊同意見) với các Phật sự hoặc thiện sự được người khác thực hiện. Từ xưng tán này được sử dụng trong các dịp Phật sự, thiện sự, cúng dường, bố-tát, yết-ma… rất phổ biến trong các cộng đồng Phật giáo Nam truyền.

Giải thoát phục (解脫服): Còn gọi là “giải thoát y” (解脫衣). Y phục giải thoát, y giải thoát, áo giải thoát. Tên gọi chung của áo dành cho Tăng sĩ Phật giáo. Vì áo cà-sa (袈裟) được người có chí cầu giải thoát mặc trên thân, nên áo tu sĩ được xem là biểu tượng của giải thoát.

Vô thượng (無上, S. anuttara): Không có gì cao hơn (最上), không gì vĩ đại hơn (最勝), không gì đáng kính hơn (最尊), số một (第一). Tùy theo danh từ đứng sau, tính từ “vô thượng” sẽ bổ túc nghĩa “số một” cho danh từ đó. Ví dụ, vô thượng phước điền là ruộng phước tuyệt vời, vô thượng sư là bậc thầy bậc nhất (từ chỉ cho đức Phật, vĩ đại hơn các loại thầy), vô thượng y vương là vua thuốc bậc nhất (từ chỉ cho đức Phật về năng lực trị liệu khổ đau)…

Phước điền y (福田衣): Y ruộng phước, y hình ruộng phước. Chỉ chung cho chiếc y của tu sĩ Phật. Vì chiếc y của Tăng sĩ có hình thù các đám ruộng, biểu tượng của phước báu mà người tại gia cần gieo giống phước, qua sự cúng dường cho Tăng đoàn, nên y của tăng sĩ được gọi là y phước điền.

Thế thế (世世): Còn gọi là “thế thế, sinh sinh”, có nghĩa là đời này và kiếp nọ, đời này và đời khác. Theo Phật giáo, chết không phải là dấu chấm cuối cùng của cuộc sống. Sau khi chết, tâm thức tái sinh vào bào thai của người mẹ. Các năng lực kinh nghiệm, thói quen, nghiệp lực của kiếp trược được lưu giữ, góp phần tạo ra tính cách của con người ở kiếp này. Vì nhận thức rõ chết không phải là hết, người tu học Phật ý thức về tính trách nhiệm đối với các hành vi đạo đức của mình hơn.

IV. Giải thích gợi ý

1. Đối với người xuất gia, nhất là những vị xuất gia trẻ, lễ bái liên hệ đến các động tác: Mặc áo tràng, đắp y, lên điện Phật thực tập bài quán tưởng, đảnh lễ Ngài với lòng tôn kính nhất. Thực hiện đúng hết các phương diện vừa nêu, việc lễ bái thể hiện được oai nghi, tế hạnh của một người xuất gia, vừa giúp ta trải nghiệm được lẽ sống tâm linh khi có mặt trên điện Phật.

Với những vị đã thọ giới tỳ kheo và tỳ kheo ni, chiếc y chia làm 3 loại:

Loại thấp nhất 5 điều: Chiều dọc của chiếc y chia làm 5 ô, từng ô dọc lại chia làm 2, một ô lớn và một ô nhỏ. Ô lớn có chiều dài gần bằng 2/3 ô nhỏ. Các ô này được sắp xếp theo trình tự đối nghịch nhau. Ví dụ ở điều đầu tiên, ô lớn trên, ô nhỏ dưới; điều thứ hai, ô nhỏ trên ô lớn dưới và cứ như thế cho cả 5 sọc điều.

Thọ giới tỳ kheo, tỳ-kheo-ni một thời gian, chiếc y sẽ được nâng lên thành 7 điều, mỗi điều gồm 3 ô, sắp xếp trình tự điều thứ nhất 2 ô lớn trên 1 ô nhỏ, điều thứ hai ô nhỏ trên 2 ô lớn bên dưới, điều thứ ba 2 ô lớn trên 1 ô nhỏ dưới và cứ như thế cho 7 điều.

Loại thứ ba gọi là đại y, bắt đầu 9 điều và kết thúc 25 điều. Những vị thọ giới tỳ kheo từ 10 hạ, đủ tư cách làm thầy xuất gia cho một vị sa-di hay sa-di ni thì thường đắp y 9 điều trở lên. Các Hòa thượng, các Ni trưởng thường có thói quen đắp y 21 điều, 23 điều và 25 điều.

Rất nhiều vị thọ giới tỳ kheo và tỳ-kheo-ni 25 tuổi hạ, đã được tấn phong hàng giáo phẩm Thượng tọa, tương đương Ni sư bên ni giới, vì thói quen khiêm tốn vẫn đắp chiếc y ít điều.

Các mặc định về chiếc y chỉ là cơ hội để tính đếm số hạ lạp người đó đã tu học kể từ ngày lãnh thọ giới Cụ túc, trở thành vị thầy hay vị sư cô đúng nghĩa. Điều đó không có nghĩa hễ đắp chiếc y 5 điều là mới thọ giới, 7 điều là tu trong vòng 10 năm, 9 điều là tu 10 năm trở lên... Trải nghiệm sự khiêm tốn như phương tiện rũ bỏ cái tôi, những vị mới xuất gia, mới thọ giới, đắp những chiếc y càng ít điều càng tốt. Sa-di, sa-di ni, thức-xoa-ma-na ni, y đắp chỉ có một điều. Toàn bộ chiều dài chiếc y được chia làm đôi, đường ranh giới của làn đôi đó là một sọc điều duy nhất.

Nguồn gốc chiếc y có các điều là nhân một lần Đức Phật và thầy A-nan cùng nhiều vị đệ tử khác đi ngang những cánh đồng ruộng ở vùng thôn quê Ấn Độ, nhìn sự phân bổ của các ô ruộng, Đức Phật nghĩ tưởng đến việc người xuất gia trở thành ruộng phước của người tại gia thông qua sự tu học, đạo đức, thiền định và tâm linh. Kể từ đó, Ngài chế tác chiếc y quấn trên thân thể người xuất gia, nhằm nhắc nhở những lý tưởng cao đẹp, làm thế nào để mỗi tích tắc trôi qua trong một ngày, phải gieo trồng các phước báu công đức, tu tập giới định tuệ và việc tiếp nhận phẩm vật dâng cúng của đàn-na thí chủ có sự giao hoán bình đẳng, hỗ trợ lẫn nhau. Người xuất gia cung cấp chính pháp và hướng dẫn con đường giải quyết những nỗi khổ niềm đau. Người tại gia phát tâm cúng dường các nhu yếu phẩm, vật dụng cần thiết để người xuất gia an tâm tu học.

2. Người mới xuất gia làm sa-di và sa-di ni, thức-xoa-ma-na ni, khi lên điện Phật mặc áo tràng, đắp ý nên đọc bài thiền kệ này.

Câu đầu xác định giá trị chiếc pháp y mà người xuất gia khoác trên thân tượng trưng cho sự giải thoát. Trong ngữ cảnh này, chiếc y trở thành thông điệp nhắc nhở ta rũ bỏ tất cả nỗi khổ niềm đau của kiếp người.

Trong kinh điển Pali, Đức Phật dạy người xuất gia mỗi ngày nên lấy tay rờ đầu mình, biến cái đầu trọc thành thông điệp: Tôi là hành giả hướng đến con đường giải thoát, do đó, mọi hành động, lời nói của tôi phải mang tính Phật sự, đem lại an lạc và giải thoát cho mình và tha nhân. Người xuất gia sẽ không uổng phí thời gian, lấy sự cạo đầu trọc để nhắc nhở mình tu tốt hơn.

Dân gian có câu: “Chiếc áo không làm nên thầy tu”. Làm người tu mà không có chiếc áo tu sĩ thì khó tu trọn vẹn. Do tác động của thế tục hóa, một số tu sĩ của tôn giáo khác mặc thường phục như thường dân, khi có mặt khắp nơi, khó có thể giữ an toàn chính mình. Khi mặc chiếc áo tăng sĩ vào cơ thể thì sự đi, đứng, nằm, ngồi, người xuất gia cam kết làm sao cho thích hợp với nhân cách người tu, thanh cao, thoát tục, đi vừa phải, nói vừa nghe, từ tốn, không tranh luận, không hơn thua, thể hiện sự thoát tục và hướng đến sự giải thoát.

Các Tổ tại miền Nam Việt Nam đã mặc định sa-di, sa-di ni, thức-xoa-ma-na-ni mặc chiếc áo nhật bình màu lam, tỳ-kheo mặc áo tràng màu vàng, tỳ-kheo-ni mặc áo tràng lam để phân biệt giới tính, đang khi tất cả tăng sĩ, bất luận giới phẩm, đều đắp y màu vàng giống nhau. Chiếc y vàng và áo cà sa của người tu tượng trưng cho sự giải thoát.

Khi có mặt trên điện Phật, người xuất gia và tại gia đều mặc áo tràng. Phật tử miền Nam thường mặc áo tràng màu lam, đang khi Phật tử miền Bắc mặc áo tràng màu nâu. Màu nâu thích hợp với người xuất gia hơn. Chiếc y của tăng sĩ không chỉ là biểu tượng của giải thoát, mà còn tượng trưng cho ruộng phước đức, mà người ta gia cần gieo giống lành.

Mỗi ngày, người xuất gia có tối thiểu hai thời khóa tu tập trên điện Phật. Ngoài hai thời khóa chính, người xuất gia được phân công chấp tác trong ngày, như trực nhật, làm đồng áng, hành đường, làm công quả hoặc các Phật sự được phân công. Dù khác với tụng kinh, lễ bái, thiền hành, nếu trải nghiệm chính niệm đang lúc làm, giá trị an vui vẫn có mặt. Đang khi lao tác, người xuất gia nên trì niệm danh hiệu Đức Phật hoặc giáo pháp, nhờ đó, có được tâm thái an lạc, thảnh thơi trong từng động tác, từng tích tắc của cuộc sống. Đọc bài thiền kệ này giúp ta nhớ đến chức năng gây tạo phước đức cho quần sinh.

Khi đắp chiếc y trên thân, người xuất gia phải thể hiện lòng tôn kính cao nhất: “Con nay đem đầu tiếp nhận”, tức tôn thờ y trên đầu, bộ phận quan trọng nhất của cơ thể người. Đội chiếc y trên đầu, ta thể hiện được lòng tôn kính đối với Phật pháp. Khi đắp y, ta nên phát nguyện “đời đời không rời chiếc y này khỏi thân”. Người tại gia khi gặp tăng ni đắp y thanh tịnh, nên thể hiện lòng tôn kính đối với Tăng bảo.

Đức Phật quy định, người xuất gia khi đi đâu phải mang y trên thân. Nếu đi cách đêm mà không mang chiếc y theo, khi muốn sử dụng lại chiếc y đó phải tác bạch giữa chúng, làm lễ yết-ma để phục y thì chiếc y đó mới được xem là thanh tịnh. Người xuất gia dù đi đâu, ở phố thị, hay nông thôn, làm Phật sự gì đều giữ y bên mình để nhắc nhở rằng: Ta là người khoác y thoát tục, làm Phật sự độ sinh, mang lại lợi lạc cho đời, do đó, tâm hành phải thoát tục và thanh cao. Không tôn trọng chiếc y, sống buông lung, làm quần chúng mất niềm tin vào Tăng bảo, là điều nên tránh.

V. Câu hỏi ôn tập

1. Vì sao chiếc y của tu sĩ được gọi là “giải thoát phục”?
2. Vì sao chiếc pháp y còn được gọi là “y phước điền”?

***

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập