Bài 1: Thức dậy sớm, mở mắt tuệ giác

Đã đọc: 9027           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

I. Nguyên tác và phiên âm

早覺

睡眠始寤,

當願眾生,

一切智覺,

周顧十方。

 Tảo giác

Thùy miên thỉ ngụ,

Đương nguyện chúng sinh,

Nhất thiết trí giác

Chu cố thập phương.

II. Dịch nghĩa: Thức dậy sớm 

        Sớm khuya ngủ vừa tỉnh giấc,
        Cầu cho tất cả chúng sinh,
        Có được tầm nhìn tuệ giác,
        Thấu soi khắp cả mười phương.

III. Chú thích từ ngữ

Tảo giác (早覺): Thức dậy sớm, thức lúc hừng đông. Trong bối cảnh tu học ở các tự viện tại Việt Nam, “thức sớm” được hiểu là thức lúc 03:30 đến 04:00, chuẩn bị cho thời khóa công phu khuya.

Thùy miên (睡眠): Ngủ nghỉ, ngủ vùi. Tâm thức còn mê muội là “thùy”. Ý thức mờ mịt là “miên”. Không thấy được Phật pháp, con người ngủ vùi trong vô minh và bất hạnh. Người ngủ nhiều ngoài bị bệnh béo phì, dễ phát sinh tâm tham dục. Cần đánh thức tâm dậy, để khỏi bị u mê.

Nguyện (願, S. pranihita; pranidhāna): Chí nguyện, cầu nguyện, thệ nguyện, mong cho, cầu mong, ước nguyện. Nếu đối tượng của cầu nguyện là lợi ích cho chúng sinh thì nguyện đó là nguyện vị tha, nuôi lớn lòng từ bi. Nếu mục đích của nguyện là đạt được giác ngộ thì nguyện đó là chí nguyện ba-la-mật (S. praṇidhāna-pāramitā).

Nguyện có hai loại:

a) Tổng nguyện (總願) chỉ cho bốn thệ nguyện lớn (四弘誓願) của các Bồ-tát và những người tu theo hạnh Bồ-tát,

b) Biệt nguyện (別願) là nguyện riêng của vị Phật hoặc Bồ-tát nào đó, vốn khác với các vị còn lại. Chẳng hạn, Phật A-di-đà có 48 nguyện, Phật Dược Sư có 12 nguyện, Bồ-tát Quan Âm có 12 nguyện v.v…

Đương nguyện chúng sinh (當願眾生): Nguyện Cầu cho tất cả mọi loài có tình thức, bao gồm con người và loài vật. Đây là thực tập mở lòng đại bi, thể hiện sự quan tâm, cam kết mà người xuất gia cần nhập thế để cứu độ muôn loài.

Nhiết thức trí giác (一切智覺): Còn gọi là “nhất thiết trí” (一切智). Đây là trí tuệ có khả năng soi thấu mọi sự việc hiện tượng như chúng đang là. Theo Luận Đại trí độ, “nhất thiết trí” là một trong ba loại trí tuệ, thuộc trí tuệ của thánh Thanh Văn và thánh Duyên Giác. Hai loại trí tuệ còn lại là “Đạo chủng trí” (道種智), trí tuệ của Bồ-tát, và “nhất thiết chủng trí” (一切種智), trí tuệ của Phật.

Chu cố (周顧): Soi thấu, nhìn thấu suốt, nhìn thấy tất cả. Cái nhìn trọn vẹn. Nhờ có “nhất thiết trí” nên người tu có thể nhìn thấu suốt sự vật khắp mười phương.

Thập phương (十方): Gồm đông, tây, nam, bắc, đông nam, tây nam, đông bắc, tây bắc, thượng và hạ.

IV. Giải thích gợi ý

Mỗi buổi sáng, sau khoảng 6 tiếng ngủ ban đêm, với sự trợ giúp của dụng cụ báo thức hay tự nhẩm bằng chính niệm trước khi đi ngủ, chúng ta sẽ mở to mắt, tỉnh dậy và bắt đầu ngày mới vào buổi khuya.

Giờ khuya trong đạo Phật thường được tính từ 3:30 đến 5 giờ sáng. Đó là thời điểm mà các mộng đẹp về cuộc đời và các ác mộng xuất hiện trong bộ não của ta. Do vậy, đánh thức mình bằng nỗ lực chính niệm sẽ làm ta vượt qua khỏi ảo giác. Bằng sự chính niệm và tinh tấn, ta sẽ có giá trị tích cực trong ngày mới.

“Giác” là mở mắt, một động từ rất sâu sắc, kết thúc giấc ngủ của một đêm dài. Theo tâm lý học, trung bình chúng ta có khoảng vài chục các giấc mơ nhỏ, lớn, với độ dài trung bình hay dài trong một đêm ngủ. Vì khả năng ký ức của con người có giới hạn nên ta thường chỉ nhớ những giấc mơ cuối cùng vào đầu hôm hay buổi sớm khuya. Những giấc mơ đó có hai tác dụng, hoặc tạo ra ấn tượng hân hoan, phấn chấn hoặc để lại nỗi ám ảnh, lo sợ. Dù ác mộng hay thiện mộng đều làm ta đánh mất chính niệm ở hiện tại. Chỉ cần “mở mắt” thì nội dung của giấc mộng trong suốt đêm được kết thúc. Giống như cái công tắc, nếu bật vào nó, ánh sáng sẽ tỏa chiếu ra và không cần nỗ lực tiêu diệt, bóng tối cũng đến hồi kết thúc.

Thực tập chính niệm của các hành giả đạo Phật không tạo ra cưỡng lực hay ức chế trong hành vi, không đè nén và gắng gượng, vì làm như vậy, sau một thời gian ta cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi, đừ đẫn, dẫn đến cảm giác chán nản.

Khi mở mắt tỉnh thức, ta thưởng thức không khí trong lành của ngày mới, tâm ta trở nên khoan khoái. Nhân đó, hãy quyết tâm “đánh thức” đức Phật bị ngủ quên trong tâm chúng ta. Việc đánh thức đó đòi hỏi đến những kỹ năng thực tập, bắt đầu bằng việc tin mình có năng lực tuệ giác. Khi ta sở hữu được tuệ giác, an lạc hạnh phúc sẽ có mặt khắp nơi. Nhân động tác mở mắt vào đầu một ngày mới, ta cam kết chuyển hóa tất cả mộng tưởng trong một đêm, đồng thời, ta cầu cho tất cả chúng sinh có được tầm nhìn tuệ giác, thấu soi khắp cả mười phương.

“Tầm nhìn tuệ giác” ngược lại với tâm vô minh, vốn là bản năng mê mờ, tồn tại qua các kiếp sống sinh tử, luân hồi. Tâm vô minh này làm ta rơi vào mê tín dị đoan, tin vào Thượng đế là đấng sáng tạo, tin các thần linh chưởng quản các chức nghiệp và ngành nghề, tin số phận của mình được an bày, tin mọi thứ diễn ra trên cuộc đời là định mệnh. Do vô minh, nhiều người lầm tin rằng ta có nỗ lực cách mấy cũng không qua được “phận Trời đã định”. Tất cả những niềm tin đó được gọi là mê tín, trái hoàn toàn với niềm tin tuệ giác.

Khi mong cầu tất cả chúng sinh, trong đó có mình, mở mắt được tuệ giác, ta sẽ nhìn thế giới và con người bằng học thuyết tương tác, tức là duyên khởi. Tương tác trong vũ trụ diễn ra theo cách thức: “Cái này có tạo điều kiện cho cái khác có. Cái này sinh dẫn đến tình trạng sinh của cái khác. Cái này không dẫn đến cái không của cái kia. Cái này tiêu diệt dẫn đến tình trạng bị tiêu diệt của những cái liên hệ”.

Khi hiểu được bản chất tương tác đa chiều trong mọi sự vật, ta sống có tự tin, tin vào nhân quả, tin đạo đức, tin phước quả, tin kiếp sau, tin chuyển nghiệp và tin rằng nỗ lực chân chính sẽ dẫn đến an vui, hạnh phúc trong cuộc đời. Tất cả những niềm tin đó sẽ giúp ta đạt được tri kiến chân chính (chính tri kiến), bước đầu của đời sống tuệ giác.

Khái niệm “con mắt tuệ giác” được hiểu trong đạo Phật là tầm nhìn không bị chi phối bởi tham, sân, si, phiền não, nghiệp chướng, trần ô, nhờ đó, ta sống hân hoan, an lạc, hạnh phúc. Có được tầm nhìn tuệ giác như mắt Phật, ta nhìn đâu cũng thấy rõ quy luật nhân quả và duyên khởi, nhờ đó, tìm ra được các giải pháp thích hợp cho các vấn nạn mình đang gặp phải. Khi có được con mắt tuệ giác, ta không lo gì cuộc đời này không có được hòa bình, an vui, hạnh phúc, phát triển bền vững. Con mắt tuệ giác giúp ta sống với nhau bằng tinh thần hòa hợp, đoàn kết, thương yêu và giúp đỡ nhau khi gặp các hoạn nạn trọng đời. Chỗ nào có tầm nhìn tuệ giác, chỗ đó có niềm an vui và hạnh phúc. Thực tập “tỉnh thức” trong đầu ngày mới giúp ta nêu quyết tâm để có được tuệ giác trong mọi hành vi và lối sống.

V. Câu hỏi ôn tập

1. Trình bày sự liên hệ giữa nhãn thức với con mắt tuệ giác.
2. Trình bày giá trị của con mắt tuệ giác.

                                                                                   ***

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

3.50

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập