Phần 3: Từ bỏ thói đời

Đã đọc: 3121           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font

Giảng tại Chùa Xá Lợi, ngày 20-06-2010 Phiên tả: Lưu Thu Trang

  ***

♦ NÊN BỎ THÓI ĐỜI

    Trong kinh Bát Đại Nhân Giác, điều giác ngộ thứ ba của các bậc đại nhân có tựa đề “Từ bỏ thói đời”. Nguyên văn gồm câu:

                   “Tâm vô yểm túc 

                    Duy đắc đa cầu

                    Tăng trưởng tội ác

                    Bồ tát bất nhĩ

                    Thường niệm tri túc

                    An bần thủ đạo

                    Duy tuệ thị nghiệp”.

    Trong tiếng Việt, nghĩa nôm na là con người có thói quen rong ruổi theo danh lợi không biết nhàm chán, không biết đủ, chỉ mong mỏi ngày càng được nhiều, do đó dễ dàng dính vào con đường tội lỗi. Còn bậc Bồ tát và những người hướng đến sự giác ngộ nói chung, không bao giờ rơi vào hoàn cảnh như thế. Tâm niệm của họ luôn hướng đến sự biết đủ, hoan hỷ với đời sống đơn giản và thanh cao để giữ và hành trì đạo. Vì họ thấy rất rõ trí tuệ mới là sự nghiệp đích thực.

    Cũng cần mở ngoặc đơn về khái niệm thói đời được chúng tôi sử dụng làm chủ đề bài hôm nay. Trong bài nhạc “Thói đời”, thói đời được hiểu là nhân tình thế thái của tương quan xã hội, “Ôi thói đời cười ra nước mắt, khi trắng tay gọi tên bạn hữu, giờ giàu sang quên kẻ tâm giao”. Tính chất không giữ được cái hậu và không biết ơn đền ơn trong tương quan xã hội được gọi là thói xấu của cuộc đời. Và như vậy, ý nghĩa thói đời được giới hạn trong phạm vi rất hạn hẹp nên gọi là thói xấu.

    Đối với thuật ngữ Phật học, thói đời có nội hàm rộng hơn. Những nếp suy nghĩ, hành động, lời nói tương thích, dính líu hoặc đặt trên nền tảng của phàm tục ở nghĩa xấu được gọi là thói quen đời. Hoặc nó có khuynh hướng thuận theo dòng chảy của hưởng thụ vốn được luật pháp bảo hộ và được nâng lên như các hoạt dụng của văn hóa, nhưng có khả năng dẫn đến nỗi khổ niềm đau, được gọi là cộng nghiệp đời. Tính cách tái lập lại nhiều lần về nó sẽ dẫn đến những thói quen mà đôi lúc nó như bản tính, lâu đến độ người ta không thấy nó có vấn đề nữa và xem nó là chuyện bình thường.

    Trong nội dung điều giác ngộ thứ ba này, thói đời được hiểu là những thói quen về hưởng thụ danh lợi như một nhu cầu; thói quen dính đến con đường tội lỗi như một cạm bẫy, thói quen xem tất cả hoạt dụng của thân khẩu ý là bản tính của mình và do vậy càng đi sâu vào nó, càng trải nghiệm trên nó, càng sống với nó nhiều chừng nào thì tâm của đương sự sẽ trở nên nhiễm và vướng vào thế tục. Các bậc Bồ tát thấy rất rõ khuynh hướng vướng dính vào thói đời đó nên khích lệ tinh thần từ bỏ, buông xả và chuyển hóa.

    Nội dung chuyển hóa gồm ba vấn đề chính. Thứ nhất là nỗ lực đi ngược dòng đời, thứ hai là nỗ lực giữ thói quen biết đủ để tâm không trở thành nô lệ của các nhu cầu hưởng thụ, và thứ ba là giữ vững lập trường lý tưởng đạo mà đỉnh cao là tuệ giác, để chúng ta có thể thoát khỏi nghiệp đời, thói quen đời, quán tính đời một cách trọn vẹn. Khi đạt được điều đó, ta trở thành nhân vật bất thối chuyển trong thuận và nghịch với rất nhiều thách đố.

♦ TÂM THAM CẦU KHÔNG ĐÁY (TÂM VÔ YỂM TÚC, DUY ĐẮC ĐA CẦU)

     Khi tên tuổi có chỗ đứng nhất định với tầm ảnh hưởng trong một cộng đồng hay một phạm vi quốc gia thì quyền lợi sau đó được kéo theo. Người có danh càng to thì quyền lợi càng lớn, ngược lại, người có danh ít thì quyền lợi nhỏ. Do đó dính vào danh thì có hệ lụy là vướng vào lợi. Danh lợi là hai thứ dễ làm người ta mờ mắt lao theo. Kinh Di Giáo ví như ta nỗ lực đốt một thẻ hương, khi đạt đến nó thì thẻ hương cũng tàn. Như vậy cái giá mà đương sự nỗ lực đạt được danh lợi đôi lúc là sự kết liễu.

     Người có tu học luôn thấy rõ danh lợi chỉ diễn ra như phản ứng tất yếu của nhân quả. Khi ta làm nhiều việc tốt có giá trị, có ý nghĩa đóng góp thì tự động ta được tán dương, và tán dương là việc của những người biết ơn trong cuộc đời, chứ không phải là mối quan hoài của người làm việc thiện. Bên cạnh lời khen, các bằng công đức, sự tán dương thường mang lại một phần quà xem như tặng phẩm có giá trị tinh thần rất cao. Nếu tất cả những gì ta nỗ lực cho cuộc đời được ghi nhận bằng những giá trị tích cực đó thì việc tiếp nhận chúng là chuyện hiển nhiên. Trong khi đó, có một số tình huống công đức, phước báu, những nỗ lực dấn thân phụng sự của chúng ta không xứng đáng. Vì trên thực tế, nhờ sự sắp xếp hay quen biết mà ta được tôn vinh bằng phần lợi dưỡng cũng như bằng cái danh thì rõ ràng việc tiếp nhận nó làm cho ta sống trong ảo giác về tính giá trị cái tôi, nhưng trên thực tế nó lại thấp hơn rất nhiều.

     Quan lộ nghĩa là con đường chính trị được xem là danh lợi lớn nhất đời người. Nó như một cộng nghiệp của con người. Trên hành tinh này, quốc gia nào, địa phương nào bất hạnh vì thiên tai, những sự không ưu đãi về thiên nhiên gần như là nỗi ám ảnh thì nơi ấy thường xuất hiện nhiều nhân vật có khuynh hướng chính trị, vì đây chính là lối thoát nhanh nhất, dễ dàng nhất để họ có thể thay đổi cuộc đời. Trong những cộng nghiệp của các quốc gia tiên tiến thì ngược lại. Các doanh nghiệp lớn, những người thành công trong các lĩnh vực, tên tuổi của họ được biết đến, tiền rừng biển bạc, và một phần ba cuộc đời còn lại của họ dùng để dấn thân vào chính trị với mục đích đóng góp. Cho nên họ lấy lợi nhuận từ kinh tế đầu tư vào chính trị nhằm đạt cái danh, tức bỏ lợi tìm danh thông qua sự đóng góp chân chính. Còn những nước chậm phát triển thì người ta bám vào chính trị để tìm lợi. Khi có lợi thì danh cũng đi theo và ngược lại. Cho nên hiện tượng tham nhũng báo động đỏ ở những quốc gia chậm phát triển bao giờ cũng là hiện thực. Trong khi đó, ở quốc gia tiên tiến, tình trạng chóp bu tham nhũng, dính líu hay bảo trợ, ủng hộ dưới nhiều hình thức khác nhau về tham nhũng hầu như không có. Như vậy cái nghèo cũng là nguyên nhân dẫn đến lòng tham mà danh và lợi là một bước nhảy. Nó có lực hút rất mạnh để nhiều người hướng đến.

     Trên con đường hoạn lộ, các tranh chấp diễn ra như một trục xoay và giải quyết các tranh chấp đó bao giờ cũng dưới hình thức xung đột hoặc loại trừ một còn một mất. Ở một số quốc gia, việc tranh cử trong đảng phái thường có hai người. Thắng nội bộ đảng trước, sau đó mới đại diện cho đảng ra ứng cử tổng thống với nhiều nhân vật khác ở các đảng đối lập. Vượt qua hai vòng như vậy, người ứng cử mới xứng đáng trở thành nhân vật có tầm vóc ở mức độ tương đối. Trong quá trình tranh cử, nếu chúng ta theo dõi, thì đời tư lối sống cá nhân, những trục trặc về luật, những vấn nạn về đời sống đạo đức của ứng cử viên được phanh phui đến tận gốc rễ. Cho nên nhân vật biểu mẫu của một đảng nào đó được chọn làm ứng cử viên tổng thống hay thủ tướng phải hết sức kỹ lưỡng, gần như không tỳ vết. Có tỳ vết cũng có thể thắng trong nội bộ đảng, nhưng khi đối đầu với các đảng đối lập thì sự thất bại được xem là cơ hội rất cao.

     Do đó cái danh tương thích phải gắn liền với thực chất. Không có thực chất mà chỉ tồn tại hư danh thì hư danh đó không có thời gian lâu dài, trước sau gì cũng bị phát hiện. Không có tài đức mà nắm vai trò quan trọng đồng nghĩa với tự biến mình thành nạn nhân hoặc biến người khác thành nạn nhân hoặc cả hai. Bản chất của cái danh gắn với vai trò và vị thế xã hội không phải là vấn đề. Vấn đề là sử dụng cái danh đó như thế nào để phục vụ cho quyền lợi cá nhân và tập thể thì ta mới định đoạt được giá trị đạo đức tốt hay xấu của nó về phương diện nhân quả.

     Về phương diện phá chấp ngã, tu học theo Phật giáo không có nghĩa là ta không tham gia, không có vai trò gì, không gắn mình vào tổ chức nào theo công thức “ít việc ít phiền não, nhiều việc nhiều phiền não”. Tu như thế không phải là “ít muốn” mà đôi khi là sự chán nản sợ hãi và không đo định được bản lĩnh dấn thân phụng sự của chúng ta. Hưởng thụ danh lợi được xem như một nhu cầu và tiến trình tăng trưởng của nó trở thành quán tính lặp đi lặp lại của những thói quen có định hướng. Tính lệ thuộc của việc tiêu thụ danh lợi và phục vụ cho những nhu cầu của nó sẽ làm cho con người bị thúc bách. Thỏa mãn nó là hạnh phúc nhưng không nuôi dưỡng và chu cấp thực phẩm cho nó thì sẽ bị thách đố. Cho nên dân gian mới có câu “Lỡ leo lưng cọp”, đã bám vào danh lợi thì rất khó xuống, chưa kể nó còn dây mơ rễ má tương quan xã hội giữa mình và người, đến độ có người ở vào tuổi gần đất xa trời nhưng vẫn không muốn rời khỏi, vì cứ nghĩ thiếu vai trò của mình, mọi thứ sẽ bất ổn không đâu vào đâu.

     Thỏa mãn nhu cầu danh lợi trước nhất sẽ làm cho con người mất khả năng làm chủ bản thân; thứ hai tạo ra tính lệ thuộc về sự hưởng thụ, làm cho con người mất tự chủ các giác quan. Ai không làm chủ được các giác quan thì người đó được xem như thất bại trên đường tu. Cho nên tác hại của danh lợi đối với người tu nhiều hơn lợi ích mà nó có thể chu cấp. Trong khi đó đối với người tại gia, danh lợi là mối quan tâm rất lớn. Danh thơm tiếng tốt tạo ra danh dự, uy tín, thiện cảm, sự chấp nhận, tầm ảnh hưởng và những lợi lộc kéo theo. Do đó nó được xem là nhu cầu chính đáng nếu ta dừng lại ở điểm tương thích với luật pháp và phù hợp với quy chuẩn đạo đức, thì danh và lợi như thế là chuyện hết sức thường tình.

     Đạo Phật khuyến khích ta từ bỏ danh lợi, nhưng trong tăng đoàn vẫn có những tầng cấp giúp chúng ta cảm nhận được giá trị tu tập ở mức độ nào. Ví dụ mới bắt đầu xuất gia thì gọi là tập sự, sau khi tiếp nhận giới phẩm cụ túc thì trở thành đại đức tăng hay ni. Lúc đó chúng ta được gọi là một hành giả đã vững chãi trên con đường đạo. Hai mươi năm sau với quá trình nhập hạ và tiến bộ trên con đường tâm linh, vị ấy được gọi là thượng tọa, dịch sát nghĩa là thượng tòa. Thượng tọa là người ngồi trước, căn cứ theo hạ lạp, sự tu tập, kết quả của sự chuyển hóa nội tại và những đóng góp Phật sự cho cuộc đời và cho giáo hội nói chung. Sau đó được gọi là hiền giả, rồi đến tôn giả. Như vậy những danh xưng ở một mức độ tương đối cũng là một cái danh, nhưng đây là cái danh tích cực chứ không phải cái danh theo nghĩa đen của cuộc đời, danh không có thực chất.

     Dĩ nhiên khi ta thiết lập sự mặc định về danh tương thích với nội hàm ẩn chứa, thỉnh thoảng nó vẫn xuất hiện những bất cập, cho nên tính tương thích trong tình huống đó được xem như thất bại. Chẳng hạn tốt nghiệp cử nhân sư phạm, ta đủ tư cách làm giáo viên cấp ba trở xuống; tốt nghiệp thạc sĩ, tiến sĩ, hậu tiến sĩ với kiến thức chuyên môn, ta có thể được thỉnh mời làm giảng viên cho cấp cử nhân; giỏi hơn nữa được làm giảng viên cho cấp học thạc sĩ và tiến sĩ. Không phải bất cứ thầy cô giáo nào dạy cấp một, cấp hai, cấp ba có kiến thức chỉ ngang tầm với phạm vi cấp học đó. Tương tự không phải giáo sư nào giảng dạy thạc sĩ, tiến sĩ, cử nhân đều có tầm kiến thức ngang bằng cấp học mình đào tạo. Nhưng nhìn chung họ vẫn được gọi là thầy cô giáo, giáo sư theo chuẩn mực mà mỗi quốc gia, mỗi trường đại học quy định.     

     Danh và thực tương thích bao giờ cũng chỉ tương đối, nếu không làm bằng chủ nghĩa pháp quyền nghiêm túc thì khoảng cách giữa danh và thực ngày càng nâng cao; lợi dựa trên cơ chế đó sẽ rất khó định đoạt. Ví dụ, mức lương ở một số quốc gia tiên tiến dựa vào bằng cấp ngoài năng lực chuyên môn. Cùng một năng lực chuyên môn nhưng người có bằng cử nhân sẽ hưởng lương thấp hơn người có bằng tiến sĩ. Do vậy tỉ lệ thất nghiệp ở những người có bằng cấp cao là khá nhiều. Bởi vì, các công ty thường ngán ngẩm nếu phải trả lương cao cho người có bằng cấp tiến sĩ mà tuổi tác lại già hơn các kỹ sư cử nhân trẻ trung, sáng tạo, đóng góp không thua kém. Cho nên nếu không có nguyện vọng trở thành giảng viên hay giáo sư trong tương lai thì việc tiếp tục học tiến sĩ một ngành nào đó đối với hải ngoại là điều ít được khích lệ, ngoại trừ một số tình huống quá yêu thích kiến thức.

     Như vậy không phải danh nào cũng kéo theo cái lợi tương thích. Tương tự trong Phật giáo, cùng làm hòa thượng nhưng có vị rất hanh thông Phật sự, không cần thông báo, mọi việc đều xong trong khoảng thời gian rất ngắn; có vị phải mất mười năm, hai ba chục năm, đôi khi vận động không có ai hưởng ứng, mặc dù các ngài tu rất tốt, đạo đức rất thanh cao, nhưng cái phước và duyên về quần chúng lại hoàn toàn khác biệt. Phần lợi như một phản ứng tất yếu của nhân quả đến cũng rất khác biệt. Do đó chúng ta không nên quá bận tâm vì bận tâm là vướng vào chấp pháp. Chấp pháp sẽ tác động trực tiếp vào chấp ngã. Khi chúng ta cảm thấy không có cái tôi đó thì mình sẽ choáng váng, khổ đau, bực tức, khó chịu và nhiều hình thái tâm lý khác.

     Tóm lại, nhu cầu hưởng thụ danh lợi phải được thực hiện ở mức độ vừa phải đối với người tại gia và được chuyển hóa đối với người xuất gia. Khi tham gia vào công việc Phật sự, người xuất gia nên quan niệm đó là một trọng trách cần gánh vác với sự phát tâm thì ý niệm về danh lợi được giảm xuống đáng kể. Còn ngược lại thì cái tôi chấp pháp sẽ có mặt

♦ THAM NHIỀU TỘI NHIỀU (TĂNG TRƯỞNG TỘI ÁC)

     Không phải lợi dưỡng nào cũng xấu nếu nội dung của lợi dưỡng đó đặt trên nhân quả và đạo đức. Tuy nhiên cũng có các hình thái lợi dưỡng mà chúng ta không nắm bắt được nền tảng căn bản của nó thì ta sẽ quên mất sự khởi đầu và bị thôi thúc đưa đẩy theo nghiệp rồi càng lún sâu vào nó. Điều này được kinh Vu Lan miêu tả với tài dịch thuật điêu luyện của Hòa thượng Huệ Đăng, “Tính sao có lợi thì làm, chẳng màng tội lỗi bị giam bị cầm”. Danh lợi như là nhu cầu được hưởng thụ, và khi không thỏa mãn thì người ta vi phạm luật pháp bằng nhiều cách cân đo tính đếm, mưu mô, xảo quyệt, lừa gạt, thậm chí không sợ khung hình phạt của nhà tù hay phải đối diện trước cái chết. Danh lợi mù quáng khiến họ chai lì với các khung hình phạt, còn sống được còn hưởng thụ, bất chấp luật pháp.

     Quán tính của việc hưởng thụ lợi dưỡng phi pháp luôn diễn ra theo cơ chế tư hữu hóa. Vì mục tiêu tích cóp làm giàu đôi lúc chúng ta không muốn dừng vì hấp lực của nó quá lớn. Khi gặp những thách đố trừng phạt của luật thì một số người mới bắt đầu phản tỉnh muốn dừng. Nhưng bấy giờ họ lại khó có thể dừng bởi những tương tác xung quanh, băng nhóm, đường dây, mắt xích, và phải bản lĩnh, sáng suốt lắm, họ mới có thể cắt đứt ra khỏi mắt xích tội lỗi dù đôi lúc phải trả giá khá đắt. “Mua danh ba vạn bán danh ba đồng” là lao theo lợi dưỡng, nghĩ rằng mình có quyền lợi lớn hơn thông qua cái danh, rốt cuộc bị thất bại vì không tôn trọng và tuân thủ theo các nguyên tắc của đời sống đạo đức. Cho nên, hưởng lợi dưỡng phi pháp là một sự lỗ lã về đầu tư. Vi phạm các nguyên tắc của luật pháp để có lợi dưỡng là một sự liều lĩnh, không được khích lệ.

     Khi tiếp xúc với danh lợi, chúng ta phải dùng trí tuệ làm cán cân đánh giá nên hay không, tiếp xúc như thế nào, giải quyết ra sao, và vận dụng nó như một phương tiện thiện xảo để lợi ích cho mình và người mà không có phản ứng phụ tiêu cực. Khi đã thỏa mãn những vấn nạn vừa nêu thì việc ta dấn thân vào công việc liên hệ trực tiếp hay gián tiếp đến danh lợi được hiểu như chiếc muỗng inox nằm trong bát mắm mà không bị thấm mùi xú uế, còn ngược lại sẽ được hiểu như chiếc muỗng gỗ một khi đã vướng mùi sẽ rất khó tẩy rửa.

     Có những thói quen lợi dưỡng gieo thì dễ mà nhổ lại khó vô cùng. Việt Nam hiện nay đang đứng đầu thế giới về số người nghiện vi tính. Hai mươi triệu người sử dụng vi tính trên tám mươi lăm triệu dân, con số không phải nhỏ ở một nước có nền kinh tế và mức sống thấp. Theo thống kê của Bộ Giáo dục Đào tạo báo cáo trong Quốc Hội cách đây một tuần, trên 70% nghiện internet là nghiện game. 75% của game là các trò chơi bạo lực, 15% là tính dục, số còn lại cho các mục đích tốt. Cho nên không quan tâm và có những quy định khắt khe về vấn đề này thì tương lai trẻ em Việt Nam có thể sẽ bị giằng co trước lợi dưỡng và sự kiềm chế để gầy dựng tương lai mình một cách có nguyên tắc. Không phải thanh niên và người lớn nào cũng có thể kiềm chế được bản thân trước thế giới có quá nhiều cám dỗ của internet.

     Cách đây mười ngày tại Hội nghị cấp cao của lãnh tụ các quốc gia phát triển, một nhân vật khá nổi tiếng đã phát biểu, phát minh của internet thời hiện đại bên cạnh tạo ra một cộng nghiệp kiến thức mới nhưng một mặt làm cho con  người trở nên ngu hơn. Câu nói trở nên nổi tiếng khi người ta chỉ mới đánh giá mặt tích cực của internet. “Ngu hơn” là vì nhiều người có cơ hội lấy cắp kiến thức của người khác rồi thay tên mình vào. Thay vì trước đây mình phải tự tìm tòi nghiên cứu và phát minh ra kiến thức mới. Đối với những kiến thức bình dân, chúng ta có thể tiếp cận nhanh chóng nhưng ở mức độ chuyên sâu và nâng cao thì kiến thức của con người có thể bị thụt lùi, và hưởng thụ những thứ này gắn với rất nhiều tội lỗi.

♦ BỒ TÁT KHÔNG CÒN THAM (BỒ TÁT BẤT NHĨ)

     Sau khi thấy nhu cầu lợi dưỡng và những tác hại của nó đem lại thì kinh dạy chúng ta phải nỗ lực đi ngược dòng đời như các vị Bồ tát, nghĩa là không hòa tan với, không tùy thuận theo, không hưởng ứng dưới các hình thức mà nội dung của nó thuộc về thế tục gắn liền với tham sân si gây khổ đau cho mình và người.

     Đi ngược dòng có nghĩa là ta không vướng dính với các phong tục tập quán như dân gian thường nói “nhập gia tùy tục”. Vì hiểu lầm ý nghĩa tích cực của câu nói dân gian này mà rất nhiều lễ hội văn hóa trở nên vô bổ. Quốc hội nước ta trong phiên thảo luận cách đây mười hôm đã thông báo Việt Nam là quốc gia có số lượng lễ hội nhiều nhất hành tinh. Một quốc gia nhỏ nghèo lại tổ chức không biết bao nhiêu lễ hội quanh năm: Lễ hội cấp quốc gia, lễ hội cấp tỉnh, lễ hội dân gian v.v… phần lớn lấy từ ngân sách nhà nước. Như thế, quốc gia làm sao không nghèo. Nhân danh văn hóa nhưng có những lễ hội lợi dưỡng nội dung rất xấu mà vẫn tồn tại. Các đại biểu Quốc hội đưa ra ví dụ, như lễ hội chọi trâu. Để hai con trâu húc nhau tới chết thì có văn hóa gì, có giá trị cho ai, chỉ thêm kích động bạo lực, chấp nhận bạo lực và tìm niềm vui trong thương tổn bạo lực.

     Không nhập theo dòng đời đòi hỏi cán cân của trí tuệ, cái nào nên theo, cái nào nên tùy duyên, cái nào nên phương tiện, và cái nào cần phải giữ vững lập trường. Việc hòa theo một cách không cân nhắc làm chúng ta tan với, và như vậy là đánh mất gốc. Đừng hiểu lý “tùy duyên bất biến” theo nghĩa quá chung chung. Môi trường hoàn cảnh điều kiện tác động đa chiều biến chúng ta trở nên khác với động cơ ban đầu mình dấn thân vào.

     Đi ngược dòng đời với những biệt nghiệp và cộng nghiệp của thế gian không phải là chuyện giản đơn. Ví dụ, các chú sa di tập sự vào chùa phải tập thói quen mới, thức sớm ngủ trễ, một ngày mấy thời kinh, ăn chay trường, làm các Phật sự, hầu thầy học kinh điển, học thêm kiến thức đời. Gần như suốt thời gian của một ngày gắn liền với việc tu học, trong khi trước đó vốn được cha mẹ thương yêu chiều chuộng. Vào chùa, họ không còn được như thế, đó được gọi là đi ngược dòng đời. Lớn thêm vài ba năm thì được huấn luyện nghệ thuật chuyển hóa tính dục, nuôi dưỡng lòng từ bi, dấn thân phụng sự. Đó là chặng đường khó khăn nhất của quá trình ngược lại dòng đời. Rất nhiều người phải bỏ cuộc giữa chừng vì thất bại trong nỗ lực tinh tấn vượt qua.

     Như vậy ngoài bản lĩnh và sự quyết tâm đi ngược dòng đời, chúng ta phải có phương pháp, sự thực tập đúng trình tự. Tiêu chí là đừng bao giờ tạo áp lực trong quá trình nỗ lực đi ngược dòng đời. Rất nhiều người khi mới phát tâm nếu không khéo sẽ tự gây áp lực cho mình, chẳng hạn phát tâm đại Bồ Đề, chỉ mong thành Phật chứ không muốn thành gì khác. Bây giờ chuyển nghiệp đời còn chưa hết, tiếp cận đến sơ quả còn chưa được, đạt bất thối chuyển còn không đơn giản mà cứ mong thành Phật, cho nên lúc nào cũng căng thẳng. Sự căng thẳng đó sau một thời gian rất dễ bị đổ vỡ vì tiếp xúc với bạn đồng tu, những sư huynh, sư chị đi trước, thấy họ tu trước mà sao giải đãi quá. Đó không phải là giải đãi mà do tu lâu nên người ta đi theo tiến độ “marathon”. Còn mới bắt đầu tu, bắt đầu thọ giới mà quyết tâm cao độ hướng về Phật quả như chạy cự ly ngắn thì ta chỉ chạy nhanh được thời gian đầu rồi đuối sức. Cho nên khi tiến bộ đến một mức nào đó thì ta hãy cứ đi tiếp về phía trước với tốc độ bắt đầu đều đều và bình lại.

     Các quốc gia phát triển kinh tế cũng vậy, khi đến trần của sự phát triển thì mỗi năm, họ giữ được phong độ đã là khó, không dễ đạt tốc độ phát triển hơn, chưa kể đến quy luật tác động vô thường. Người mới bắt đầu tập tu hoặc mới dấn thân vào sự nghiệp nào đó phải thấy rõ ta còn con đường dài chứ không phải tu như thể ngày mai mình sẽ chết. Chủ trương “tu mau kẻo trễ” nhằm khích lệ chúng ta cố gắng tu trong mọi thời điểm quan trọng của cuộc đời như thiếu niên, thanh niên, trung niên, lão niên, chứ không có nghĩa khích lệ chúng ta tu gắt, tu dồn dập để cuối cùng chẳng đi đến đâu.

     Olympic 1992 đã để lại ấn tượng đẹp ở giải điền kinh cự ly 400m. Maroc Redmond, người ba lần đoạt giải vô địch thế giới vào những năm 1986, 1987 và 1991. Năm 1992 anh tham gia với lòng quyết tâm sẽ đoạt giải vô địch một lần nữa. Kết quả anh thất bại vì lý do khách quan. Điểm xuất phát trong đoạn video clip cho chúng ta thấy anh lao lên với tốc độ rất nhanh, bỏ xa các bạn đồng đua của mình, nhưng vì nỗ lực quá mức nên mới được nửa đường, anh đã bị vọp bẻ. Anh khựng lại và để bạn đồng đua qua mặt từ từ. Sau đó, anh đứng dậy nhảy cà thọt hướng về đích trong tiếng vỗ tay reo hò tán dương người có tinh thần Olympic, tinh thần thể thao đúng nghĩa. Từ khán đài, một người đàn ông trạc tuổi ngũ tuần lao ra vượt qua tất cả hàng người bảo vệ để chạy song hành với Redmond và dìu Redmond về đến đường ranh cuối cùng. Tiếng vỗ tay hoan hô chưa từng thấy mặc dù Redmond thua cuộc. Ngày lễ bế mạc, Ủy ban tổ chức quốc tế Olympic 1992 đã chọn Redmond làm biểu tượng của Olympic năm đó vì tinh thần không bỏ cuộc đã tôn vinh các giá trị thể thao, chứ không phải sự thắng thua với các huy chương.

     Nỗ lực quá mức và vượt quá sức chịu đựng của thân tâm nếu không tạo ra sự cố theo quá trình nhân quả thì nó cũng gây nhiều áp lực do đó không có độ bền. Con đường tâm linh là cuộc chạy đua marathon bền bỉ và có nghệ thuật, có thứ lớp. Xuất phát phải tốc độ, về đích phải tốc độ, chặng còn lại giữa điểm xuất phát và kết thúc là marathon.

♦ HÀI LÒNG VÀ BIẾT ĐỦ (THƯỜNG NIỆM TRI TÚC)

     Đối tượng tâm niệm của những bậc Bồ tát và những người tu có kinh nghiệm được nêu ra trong kinh này rất khác với pháp môn tịnh độ, đó là “thường niệm tri túc”, xem tri túc là mối quan tâm trong đi đứng nằm ngồi co duỗi, thức tỉnh và trong mọi tương quan xã hội. Ý niệm về sự biết đủ như một người bạn đồng hành nhắc nhở nếu ta khởi những nhu cầu không chính đáng, những đòi hỏi không cần thiết, những bám víu mà việc thỏa mãn nó dẫn đến nhiều hậu quả. Lúc đó bạn đồng hành tri túc này sẽ giúp ta dừng lại.

     Thường niệm được hiểu là cả ngày lẫn đêm, ngay cả trong giấc ngủ. Muốn được như thế, trước khi giấc ngủ diễn ra, ta phải luôn tâm niệm mình là người biết đủ, không có những đòi hỏi quá đáng, không có nhu cầu không cần thiết, không phải thỏa mãn chúng để đạt được khoái lạc giác quan.

     Quan điểm của Nho gia có nội dung tương đương như sau “Tri túc tiện túc đãi túc hà thời túc”, khi biết đủ thì liền đủ, còn chờ đủ thì không biết bao giờ mới đủ; “Tri nhàn tiện nhàn đãi nhàn hà thời nhàn”, cảm thấy mình được an nhàn hạnh phúc thì liền hài lòng với sự an nhàn hạnh phúc đó, chứ chờ đến lúc an nhàn thật sự thì bao giờ mới có. Vế thứ nhất nói đến đối tượng của ước muốn, vế thứ hai nói đến nội dung của ước muốn. Phải xác định cả hai thì chúng ta mới không bị lợi dưỡng và tất cả các hình thái giác quan lôi kéo.

     Tâm niệm khi thực tập sau một thời gian sẽ được nâng lên như một tiến trình của sự quán chiếu, tức là nhìn bằng tuệ giác khác hoàn toàn và vượt lên trên với cái nhìn bằng mắt thịt. Nhìn bằng tuệ giác luôn phù hợp với Tứ diệu đế, giải quyết vấn đề trên nhân quả, duyên khởi hay sự tương tác đa chiều, vô ngã và vô thường để chúng ta không bị luẩn quẩn trong thế giới chấp ngã và chấp pháp. Quán chiếu là tiến trình giúp cho người thực hiện có cơ hội thẩm thấu vào bản chất của thực tại, trải nghiệm trên nó và giác ngộ nó với thế giới thực tại, từ đó có những phán đoán chuẩn xác với khoa học thực nghiệm và khoa học tự nhiên cũng như thực tại tương dung.

     “Thường niệm tri túc” trước nhất ta phải thấy rõ tác hại của những ước muốn không có giá trị tích cực. Khi thấy được mặt mũi dây mơ rễ má thì giả sử có lỡ theo ta cũng sẽ quay về, còn không thấy được tác hại của nó thì ta sẽ không bao giờ biết dừng lại. Bởi vì ý niệm về sự đủ là cán cân khó chuẩn xác. Đối với người nghèo, mức độ đủ của họ là chén cơm manh áo, quạt máy, ti vi, chi phí cho con cháu ăn học. Đối với người trung lưu, mức độ đủ còn phải có xe hơi, những phương tiện thưởng thức thời trang ở mức độ trung bình, v.v... Còn đối với thượng lưu thì cái đủ của họ gấp hai ba chục lần người trung lưu. Cứ như thế, cấp bậc của cái gọi là đủ sẽ không bao giờ giống nhau. Do đó ta phải thấy tác hại thì mới dừng được, bằng không ta sẽ có những lý do, chẳng hạn “tôi với vai trò vị thế xã hội như vậy phải ăn mặc theo kiểu này, sử dụng các mặt hàng này và có mặt ở những nơi này”, cứ như thế ta trở thành kẻ nô lệ cho nhận thức và phán đoán sai lầm.

     Bên cạnh việc thỏa mãn “thường niệm tri túc” còn có một nội dung giúp tâm ta bình yên, dòng cảm xúc được lắng dịu, hành động lời nói việc làm tốt cho mình và người, đó là vui với đạo đức, vui với tâm linh. Khi thấy được giá trị vượt trên giới hạn của những thỏa mãn sai lầm là tích cực, lúc đó việc dừng lại và hài lòng mới thành công. Nó thực chất là sự thay thế cái tiêu cực trong ước muốn không cần thiết bằng niềm vui nội tại sâu lắng hơn, có giá trị hơn, và bền bỉ hơn.

     Ngày nay các Phật tử theo Tịnh độ tông được khích lệ thường niệm danh hiệu Phật qua công thức chấp trì danh hiệu. Ta giữ và tu chuyển hóa bằng cách để tâm mình an trú trên danh hiệu của đức Phật, từ đó tâm sẽ không có cơ hội bám víu vào vọng tưởng vọng trần, và ta có con đường đi tới an vui.

♦ GIỮ TÂM VỚI ĐẠO (AN BẦN THỦ ĐẠO)

     Để giữ được đạo một cách trung thành, cả người xuất gia lẫn tại gia, phải thấy rõ năm đặc tính của chánh pháp.

     Thứ nhất là thiết thực hiện tại, tức là thực tập buổi sáng có an vui buổi sáng, thực tập buổi chiều có an vui buổi chiều, chứ không chờ đến sau khi chết hoặc đến một kiếp sống nào đó.

     Thứ hai là siêu việt thời gian, qua tác dụng thiết thực hiện tại mà việc trải nghiệm pháp làm cho đương sự an vui, họ còn tiếp tục hưởng quả phước đó trong tương lai hoặc đời kiếp sau, cho nên nó không bị lỗi thời và không bị giới hạn trong một khung thời gian nhất định.

     Thứ ba là dựa trên niềm tin. Niềm tin có nhận xét, có phán đoán, có lý trí và có trí tuệ nên đến với đạo để thấy chớ không phải mời gọi đến để tin.

     Thứ tư là được người trí tán thán. Được người bình thường tán dương là chuyện dễ. Có câu “thầy pháp nào âm binh đó”, người xấu thì sẽ có lực lượng xấu đi theo, thậm chí tán dương cái xấu nhiều hơn cái tốt. Thầy pháp ở đây được hiểu như đối tượng xấu, cho nên tín đồ và người đi theo hưởng ứng là âm binh chứ không phải người tốt. Còn “Bồ tát nào thì thiện tri thức đó” thì đối lại. Ai có tâm niệm Bồ tát sẽ có các bậc thiện tri thức đạo đức tâm linh, bậc chân thiện mỹ ngưỡng vọng về, hưởng ứng, đồng tình, giúp đỡ, hỗ trợ để tất cả cùng đạt mục đích chân chính. Cho nên được người trí tán thán là rất khó vì người trí không a dua, không lấy lòng mà nói đúng hiện thực, nói đúng chân lý.

     Thứ năm là khả năng dẫn đến sự giải thoát mọi khổ đau. Đây là yếu tố quan trọng bậc nhất và là đặc tính cuối cùng.

     Đến lúc nào ta thừa nhận và trải nghiệm một trong năm, hay toàn thể năm đặc điểm của chánh pháp thì bấy giờ sự trung thành với lý tưởng Phật của chúng ta mới được thực hiện. Còn không thấy điều đó thì chỉ cần có người rủ rê cải đạo là ta sẽ bị chao đảo theo. Quan niệm rằng đạo nào cũng dạy người lánh ác làm lành, chứng tỏ ta chưa thấy được năm đặc tính vừa nêu. Thậm chí cho rằng các tôn giáo khác hấp dẫn giới trẻ hơn đạo Phật thì làm sao ta giữ được lập trường lý tưởng mà mình đang phát nguyện dấn thân.

     Cho đến thời điểm này, chúng ta phải thấy rõ có rất nhiều tôn giáo tín ngưỡng, rất nhiều hệ thống triết học, rất nhiều con đường chính trị, nhưng một cách khách quan, ta phải tự thừa nhận mà không sợ “mèo khen mèo dài đuôi” rằng đạo Phật là số một về phương diện khoa học, phương diện đạo đức, phương diện tâm linh, xã hội, và về phương diện chuyển hóa. Khi thấy đạo Phật có nhiều ưu điểm hơn, dù gặp áp lực gươm giáo hay phải chọn giữa sống và chết, chúng ta cũng quyết không bỏ đạo. Nguyễn Đình Chiểu phát biểu “thà mù mà giữ đạo nhà”, tức giác ngộ được lý tưởng mà ông đi theo, cụ thể là chủ nghĩa yêu nước, tinh thần dân tộc. Còn với đạo Phật, cho đến lúc nào còn sống, ta vẫn còn tôn vinh và phụng sự.

     Để giữ lý tưởng đạo, chúng ta cần phải hãnh diện mình là Phật tử, đi theo Phật giáo, sống và hãnh diện với tư cách người Phật tử. Nếu trong các cơ quan, việc kê khai mình theo đạo Phật trong sơ yếu lý lịch được xem như chướng ngại trên con đường thăng tiến thì quý vị đừng lo sợ. Luật pháp của chúng ta tôn trọng và khích lệ quyền tự do tôn giáo, cho nên quý vị hãy ghi rõ trong lý lịch rằng mình theo đạo Phật và phải cảm thấy hạnh phúc về điều đó. Không cảm thấy hạnh phúc, hãnh diện về nó thì chỉ cần một áp lực nhỏ hay một thuyết phục nhỏ, chúng ta có thể tình nguyện từ bỏ, và như vậy là chưa có trí tuệ.

     Năm 2006, chị Hướng Dương, một người dấn thân xã hội cho thế giới mù, bản thân chị bị cụt hai chân nhưng có công tạo ra thư viện sách nói rất lớn. Chị được bầu chọn là một trong các nhân vật điển hình của năm và được nhận giải thưởng đặc biệt cấp quốc gia. Khi kê khai tôn giáo, chị ghi “đạo Phật”. Ban tổ chức yêu cầu chị bỏ kê khai mục này thì chị nói “Nếu không cho tôi khai mình là Phật tử thì thà tôi không nhận giải thưởng vì nó không còn cao quý nữa. Là Phật tử rất đáng tự hào, chẳng có gì xấu cả”. Tại sao chúng ta tự hào hãnh diện theo một đoàn thể nào đó, trong khi trở thành Phật tử, người đi trên con đường giác ngộ, hướng đến con đường giác ngộ, phụng sự cuộc đời bằng sự giác ngộ với tinh thần vô ngã vị tha thì lại không dám công khai? Các phương diện đó sẽ giúp chúng ta giữ được đạo.

     Trước nghịch cảnh người thân thương của mình chưa theo Phật thì chúng ta quyết tâm hướng họ từng bước trở thành Phật tử thuần thành. Đó được gọi là thủ đạo. Có thể trong một giai đoạn nào đó, vì những khó khăn khách quan, người ta trù dập mình nhưng rồi mình cũng an vui hạnh phúc. Phải có bản lĩnh mới giữ được đạo, và muốn giữ được đạo thì đừng trở thành thành viên của các tổ chức khác, bởi vì không có gì cao siêu hơn Phật pháp. Ta đứng ngoài các tổ chức đó thì ta mới có cơ hội tư vấn khi có nhu cầu. Còn trở thành một bộ phận, một thành phần trong một tổ chức nào đó thì giá trị tâm linh của Phật pháp dù có cao siêu, được chúng ta phát ngôn một cách trung thực như thế nào đi nữa cũng không đủ hiệu quả.

     Phải học tinh thần của kinh Địa Tạng, mặc dù thần tài thổ địa không có thật nhưng kinh Địa Tạng tạm chấp nhận là có thật. Các vị thổ địa là thần địa phương, được hiểu theo nghĩa bóng là người đứng đầu ở các địa phương theo các cấp độ cao thấp khác nhau. Những vị này theo kinh Địa Tạng đều là đệ tử của Bồ tát Địa Tạng. Các ông thổ địa đó phát nguyện: “Vì nghiệp của chúng con nên chúng con đi đâu cũng thấy người làm lành thì ít mà kẻ làm xấu thì nhiều. Chúng con nguyện sẽ không lui sụt đạo tâm, ngược lại, hướng dẫn họ về Phật pháp”. Tinh thần trong dấn thân tạo ra hình ảnh của Bồ tát Địa Tạng. Chỉ có Địa Tạng mới “gõ đầu” được các ông thần tài, thổ địa vì thần tài ủng hộ thổ địa, kinh tế ủng hộ quan chức.

♦ TRÍ TUỆ LÀ SỰ NGHIỆP (DUY TUỆ THỊ NGHIỆP)

     Một người có nhận thức đúng là người biết từ bỏ các thói quen đời, hành động đời, nghiệp đời, hưởng thụ đời, lợi dưỡng đời. Người ấy biết tìm niềm vui ở chánh pháp, xác lập niềm hạnh phúc trong dấn thân và phụng sự, lúc nào cũng nghĩ đến lý tưởng an lạc nội tại sâu lắng mà đỉnh cao nhất là đạt trí tuệ siêu việt thời gian và không gian. Người lấy trí tuệ làm sự nghiệp sẽ không bám vào danh lợi vì có trí tuệ là có sự nghiệp.

     Ta thử so sánh với câu nói thông thường trong nhân gian, mặc dù không phải của Phật giáo, nhưng bị hiểu lầm là của Phật giáo: “Có thực mới vực được đạo”. Đạo Phật không tuyên bố câu này trong bất kỳ câu kinh nào hoặc bài kinh nào từ Nikaya, tức kinh tạng pali cho đến kinh tạng A Hàm và kinh điển đại thừa. Ý câu này là phải có con đường kinh tế, cơm ăn áo mặc và mọi thứ rồi mới có thể đến với đạo. Trong vấn đề dấn thân phụng sự xã hội, quan điểm đó có thể hữu dụng vì đức Phật dạy phải bố thí trước rồi lợi hành đồng sự theo sau mới có thể ban an vui hạnh phúc đến mọi người. Cho nên chăm lo đời sống của người khác thì thiện chí đó giúp người ta dễ dàng chấp nhận chánh pháp nhiệm màu cao siêu từ tấm lòng quan tâm của chúng ta. Nhưng cho rằng để khởi sự nghiệp, nhất là Phật pháp, thì cần phải có kinh tế đi đầu là sai về phương pháp luận. Phải lấy trí tuệ làm đầu, mà trí tuệ là kết quả tất yếu của đời sống đạo đức và thiền định. Cho nên khi ta trải nghiệm được ba thềm thang đạo đức, trí tuệ và thiền định thì mọi Phật sự đều thành tựu hanh thông, lúc đó quần chúng tự động đến ủng hộ, phát tâm cúng dường, đóng góp.

     Câu nói cửa miệng của một số người tu tàn tàn: “Thuộc kinh Di Đà ăn tới già không hết” là không có chỗ đứng bởi vì người ta cứ nghĩ đọc kinh Di Đà rồi được mời đi tụng đám cầu siêu thì sẽ được gia chủ trả ơn hậu hĩnh. Trong nỗi khổ niềm đau, ta an ủi giúp đỡ cho người rũ bỏ nỗi sợ hãi về mê tín dị đoan, trùng tang, tam tai, ly tán, sát chủ v.v… thì người sẽ tự động biết ơn. Khi biết ơn, họ tất sẽ cúng dường tạ lễ về phương diện vật chất. Nếu ta làm bằng sự phát tâm thì tự động quần chúng sẽ cúng dường. Tuy nhiên, chúng tôi đề nghị trong mấy ngày lễ tang hay trong mấy tuần thất, nếu gia chủ cúng dường thì chúng ta đừng nhận, họ muốn cúng sẽ cúng vào những dịp khác, phát tâm vào những chuyện khác chứ không nên “tiền trao cháo múc”. Khi dịch vụ cầu an cầu siêu được thực hiện, gia chủ phải thù lao bằng tiền hoặc tặng phẩm cúng dường thì cái tình sẽ giảm đi đáng kể. Nếu không khéo, sau một thời gian, các tu sĩ làm trong lĩnh vực này sẽ có thói quen hân hoan đến nơi nào cúng nhiều, và mệt mỏi khi phải đến nơi không cúng, đó đâu còn gọi là Phật sự nữa.

     Đạt trí tuệ sẽ được ăn tới già, ăn đời đời kiếp kiếp không hết là đúng, còn thuộc kinh Di Đà thì không đảm bảo tới già. Nếu chúng ta đến tụng kinh mà không giúp gia chủ vơi đi nỗi đau sinh tử luân hồi, vơi nỗi buồn của vô thường tang tóc; không hướng dẫn họ quay về con đường chánh đạo, biến nỗi đau thành hành động lợi ích cho kẻ còn người mất thì sau bảy tuần thất, người ta sẽ không đến chùa nữa. Như vậy làm sao ăn đến già, mà chỉ ăn được bốn mươi chín ngày là hết.

     Do đó phải lấy trí tuệ làm sự nghiệp. Để đạt được trí tuệ, đạo lý Phật giáo dạy chúng ta trước nhất bằng con đường văn, kế đến là tư và cuối cùng là tu. Văn có nghĩa là học hỏi, học chánh pháp thật vững thông qua nội điển, học theo động cơ để hành trì chứ không học để tích tụ kiến thức tôn vinh cái tôi. Sự học đó sẽ dẫn đến điều thứ hai là tư duy chân chính về nó. Tại sao ta phải trì chánh pháp, sống với chánh pháp; tại sao ta phải từ bỏ cái này sống với cái nọ?. Ta thấy rất rõ nó hoàn toàn có lợi cho bản thân. Cho nên càng suy nghĩ về chánh pháp chừng nào ta càng bị thuyết phục bởi nó, vì nó có sự thôi thúc dẫn chúng ta đến hành động cụ thể. Người chưa biết đạo thường trốn công việc, ai nhờ điều gì thì đưa ngay lý do thoái thác. Còn người đã biết đạo, thấy rõ giá trị của chánh pháp thì tìm công việc để dấn thân phụng sự, làm hoài làm mãi hết thời gian chứ không hết việc, đến lúc nào chết mới thôi; sinh ra ở đời sau vẫn làm tiếp.

     Đức Phật dạy phải tinh tấn chứ không ngồi yên. Người ta nói: “Ăn cơm chúa thì múa tối ngày”, còn ăn cơm Phật thì làm hoài làm mãi. Người làm ăn lương thường lao động có giới hạn, hưởng lương chừng nào, làm chừng đó. Nhưng làm Phật sự, ta hướng đến phụng sự và giá trị lợi lạc của phụng sự là hạnh phúc thì không có lý do gì, mình hạn hẹp nó hay so bì nó. Tu có nghĩa là ứng dụng, mà không có ứng dụng thì không có trí tuệ. Kiến thức về Phật học và trí tuệ do thực tập là hai phương diện khác xa nhau. Để cần có kiến thức về Phật pháp, ta chỉ cần học một khóa học với giảng viên có uy tín, có kinh nghiệm truyền trao không dấu nghề; sau sáu tháng, ta có thể nắm được tinh hoa của Phật pháp, sau bốn năm ta có thể trở thành một kỹ sư tâm linh về phương diện Phật học. Mười năm, ta trở thành chuyên gia về Phật pháp, có thể thuyết giảng thao thao bất tuyệt. Nhưng để có trí tuệ thông qua việc hành trì Phật pháp, đôi lúc đòi hỏi phải vài chục năm. Muốn ngắn gọn, chúng ta phải quyết tâm thực tập đúng phương pháp.

     Đối với đức Phật Thích Ca là bốn mươi chín ngày đêm dưới cội Bồ Đề, đối với một số tổ là mười năm, hai chục năm, ba chục năm. Đối với một số người là giác ngộ từ một câu kinh, bài kinh, còn đối với chúng ta đôi lúc sẽ dài hơn. Vấn đề là đừng bao giờ chán nản bỏ cuộc. Trước sau gì từ kiến thức phù hợp với trí tuệ dẫn đến trải nghiệm và sống với trí tuệ bằng thực chứng, nó được thể hiện qua cả một tiến trình của sự nỗ lực.

     Sau khi ta thấy trí tuệ là sự nghiệp và giá trị giải phóng nỗi khổ niềm đau thì tất cả hàng tăng ni Phật tử cần phải phát tâm phổ biến, truyền bá nó bằng con đường giảng dạy, ấn tống, tặng biếu, khích lệ, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động hoằng pháp và giáo dục Phật pháp được diễn ra. Trong mười ban ngành của giáo hội, theo chúng tôi có hai ban ngành quan trọng nhất. Thứ nhất là ban tăng sự, được xem như xương sống nội lực của Phật giáo mà theo đó sẽ tạo ra các vị thánh tăng có đạo đức, thiền định, trí tuệ để làm thầy của trời và người. Thứ hai là ban hoằng pháp về phương diện Phật tử, và giáo dục về phương diện tăng ni. Hai ban này thực ra là hai phương diện phổ biến của Phật pháp.

     Hoằng pháp đơn giản ở chỗ ta đến các giảng đường không cần tính trình tự từ thấp đến cao, dạy các vấn đề ứng dụng trong đời sống thực tế. Còn giáo dục thì phải có bài khóa, trình tự trường lớp, các cấp học nhằm giúp cho người tu học Phật nắm rõ bản luật Phật pháp. Cho nên có rất nhiều giảng sư nổi tiếng thành công đối với Phật tử tại các giảng đường nhưng không được mời giảng dạy trong các trường lớp Phật học vì nó đòi hỏi đến trình độ nghiêm túc hơn, cao hơn. Tương tự cũng có những tình huống không phải vị pháp sư nào giảng dạy trong các trường Phật học dành cho tăng ni đều có thể giảng thành công cho Phật tử. Hai đối tượng hoàn toàn khác nhau đòi hỏi hai kỹ năng khác nhau, và nội dung Phật pháp cung ứng đến họ cũng hoàn toàn khác. Cho nên ở vai trò nào, vị thế nào, ta cũng cam kết đóng góp nhằm truyền bá Phật pháp và mở mang trí tuệ. Mở mang các trường lớp Phật học, các giảng đường hay ấn tống kinh sách, phổ biến băng đĩa, mở trang web là những phương pháp làm cho Phật giáo được thịnh hành.

     Những câu nói trong các bản kinh Tịnh độ tông “Cho đến thời điểm nào đó, khi không ai còn biết đến Phật pháp nữa, lúc đó người ta chỉ còn biết đến danh hiệu ‘Nam mô A Di Đà Phật’” theo chúng tôi hoàn toàn không có cơ sở Phật học. Khi cộng nghiệp về bùng nổ thông tin, đặc biệt là internet, được thực hiện trong mấy chục năm gần đây thì kiến thức con người có, được lưu trữ một cách rất đặc biệt. Trước đây hỏa hoạn có thể thiêu cháy rụi sách vở như ở đại học Nalanđà, thì ngày nay, đĩa VCD, DVD là hậu thân của video và cassette lại có tuổi thọ tốt hơn. Các ổ đĩa cứng, các trang web có thể dự trữ lâu dài hơn, thậm chí có thể nhân bản thành trăm nghìn vô số, và khi nó có mặt sẽ không mất đi nữa. Do đó Phật pháp sẽ không bao giờ cùng tận, nó ứng với hình ảnh vô tận năng được nêu trong kinh Duy Ma Cật. Chúng ta cần phải có niềm tin vững mạnh này. Giá trị tuệ giác mà đức Phật cung ứng như là mặt trời vốn không bao giờ tắt, cả ngày lẫn đêm. Còn vì tôn vinh pháp môn Tịnh độ, chúng ta phải đề cao niệm danh hiệu đức Phật, mặc dù khích lệ đó có ý nghĩa nhưng về giá trị chân lý thì nó không phải như thế.

     Tứ Diệu Đế một khi được xác lập dưới vườn Nai cho đến nay gần hai mươi sáu thế kỷ chắc chắn sẽ không ai phủ nhận được. Nó sẽ tiếp tục tồn tại mãi với thời gian. Truyền bá một băng giảng hay, ta tốn khoảng hai đến ba nghìn đồng, nhưng nếu ai đó nghe được và thay đổi cuộc đời thì quả thật đó là sự đầu tư lời rất lớn.

     Trong thời gian tám năm qua làm công việc ấn tống, chúng tôi rút ra một số bài học. Nhiều gia đình thích ấn tống quyển “Đức Phật và Phật pháp”, nhưng khích lệ các quyển kinh khác hoặc băng đĩa khác thì họ không làm. Họ nói rằng chỉ tâm đắc tác phẩm này vì nhờ tác phẩm này mà họ biết đến đạo. Có người thì thích ấn tống quyển “Ánh Đạo Vàng” của cư sĩ Võ Duy Cường vì nghe tác phẩm đó, họ thấy đức Phật quả thực siêu việt, từ đó họ bỏ tôn giáo đi theo Phật. Mỗi người có duyên riêng dựa trên biệt nghiệp và cộng nghiệp của người đó, cho nên con đường tiếp cận Phật giáo là hoàn toàn khác nhau.

     Khi ấn tống, ta nên bằng tinh thần rộng mở. Đừng tôn vinh một nhân vật, hay vì nhân vật đó nổi bật qua một vài bài giảng ấn tượng phổ quát đến quần chúng. Còn rất nhiều vị giảng sư, pháp sư nổi tiếng khác có nội dung Phật pháp không thua kém gì. Chúng ta nên ấn tống song song, nhóm Phật tử này có nhiều vị giảng sư này, nhóm Phật tử khác có nhiều vị giảng sư khác. Tính đa dạng phong phú trong ấn tống và truyền bá cũng như phổ biến nó tại các giảng đường là đáng được khích lệ.

     Một số vị giảng sư trẻ cũng như Phật tử khi thấy mỗi người giảng một cách cho nên cảm giác hoang mang và đề nghị Ban Hoằng pháp Trung ương đưa ra quy chuẩn thống nhất, đôi lúc đó chưa phải là ý hay. Các tôn giáo khác vì tính khoa học ít, nên phải đưa ra học thuyết thiên thích luận, nghĩa là giải thích một cách hấp dẫn khéo léo bằng kiến thức của những vị giáo sĩ này để làm cho nó không lỗi thời và để quần chúng dễ dàng tiếp nhận. Còn Phật giáo có những nét đặc biệt, từ tính khoa học, tính đạo đức, tính triết học, xã hội học và nhiều giá trị nhân văn xã hội khác thậm chí nâng con người trở thành một bậc thánh nên ta không thể giới hạn nó theo một quy chuẩn. Kinh điển có nhiều lớp ý nghĩa để hiểu, nghĩa đen khác, nghĩa bóng khác, trong nghĩa bóng với tầm nhìn của nhân thừa ta hiểu khác, thinh văn thừa ta hiểu khác, Bồ tát thừa ta hiểu khác, Phật thừa ta hiểu khác. Đó là chân lý khách quan. Ví như con số thông qua học sinh cấp một hai ba là chuyện bình thường, nhưng đối với các nhà khoa học, nó không còn là cộng trừ nhân chia, mà là nền tảng của vũ trụ luận, của vật lý học và của nhiều ngành học quan trọng khác.

     Trong bối cảnh phước báu cộng nghiệp bùng nổ thông tin, nếu chúng ta không chịu khó học hỏi từ những trang web, từ băng đĩa và sách vở được ấn tống phổ biến thì thật uổng phí. Tuy nhiên nó cũng có những giới hạn. Thường cái gì tặng biếu thì người ta cảm giác không quý, không có nhu cầu nhưng vẫn tiếp nhận. Chúng ta cũng không bao giờ đáp ứng hết vì nhu cầu quá lớn. Cho nên ấn tống nên được thực hiện ở giai đoạn đầu, về sau chúng ta chỉ khích lệ trách nhiệm mua nó với giá vốn hay giá ủng hộ đơn giản. Nền văn hóa phương Tây đã đi đến điều đó từ lâu. Việt Nam và nhiều nước nghèo trên thế giới hiện vẫn còn ấn tống. Nơi nào càng nghèo, người ta càng thích đến bố thí cúng dường.

     Để có cơ hội nghe đức Đạt Lai Lạt Ma thuyết giảng, người ta phải mua vé trước sáu tháng. Những dãy ghế đầu tốn năm sáu trăm đô la, những chỗ ngồi quan trọng phải mất nghìn đô, ấy thế mà người ta vẫn tranh giành nhau mua. Các sân vận động hay các trung tâm hội nghị quốc gia ở những quốc gia lớn có sức chứa năm sáu chục nghìn người, nhưng vé thường bán sạch hai tháng trước khi buổi thuyết giảng của ngài diễn ra. Khi người ta phải bỏ tiền để đến nghe thì người ta sẽ sử dụng xứng đáng với đồng tiền. Họ thường chú tâm từng câu từng chữ và cố gắng học một cái gì đó. Còn chúng ta cho tặng miễn phí, đôi lúc người nhận không thấy quý.

     Các khóa tu ở Việt Nam hiện nay gần như là miễn phí. Nơi nào yêu cầu đóng tiền thì người ta không đến tu, vì quan điểm của người nghèo là mặc cảm về tiền bạc. Hoặc hễ cái gì nhắc đến tiền, người ta liền nghĩ chỗ này làm tiền nên không đến. Thiền sư Nhất Hạnh tổ chức khóa tu bao giờ cũng lấy tiền. Sách đĩa để bán chứ không ấn tống. Nhiều người phê bình chỉ trích từ góc độ ở Việt Nam. Nhưng nếu không làm thế thì làm sao thiền sư có thể nuôi được bốn trăm tăng sĩ trẻ ở Pháp và Mỹ, bốn trăm tăng sĩ trẻ ở Việt Nam suốt gần bốn năm qua. Chưa kể mỗi khi đi làm Phật sự ở cấp độ quốc tế hay quốc gia, thiền sư thường dẫn thêm vài trăm người.

     Vấn đề ta sử dụng đồng tiền đó vào mục đích chân chính hay không, còn bản chất của giá trị lợi nhuận thì không có gì là xấu. Chúng ta cần phải có cái nhìn thoáng hơn. Ở Việt Nam, người ta thích được miễn phí trước. Sau khi tham dự khóa tu, họ cảm thấy học được cái gì hay, mang được lợi lạc rồi mới phát tâm. Họ có thể phát tâm đóng một triệu đến mười triệu, thậm chí một trăm triệu, còn khi quy định đóng một trăm ngàn, người ta chỉ đóng đúng một trăm ngàn, sau đó sẽ không đóng hơn. Do đó văn hóa ở mỗi nơi mỗi khác.

     Các chùa hải ngoại thường gây quỹ bằng cách tổ chức tiệc chay và bán đấu giá các sản phẩm văn hóa Phật giáo bao gồm cả tượng ảnh Phật. Nhưng nếu làm việc này ở Việt Nam sẽ rất ít người hưởng ứng. Cho đến giờ, chưa có một tổ chức nào, ngôi chùa nào hay giáo hội tổ chức tiệc chay gây quỹ. Còn ở nước ngoài mà không làm như thế thì không có tiền xây dựng chùa, trả nợ tiền xây dựng chùa hoặc làm các Phật sự. Vấn đề là làm Phật sự gì với phương pháp nào phục vụ cho truyền bá Phật pháp mà đỉnh cao nhất là mở mang kiến thức và trí tuệ.

     Ngoài đời vẫn xem giáo dục là mũi nhọn của sự phát triển. Giáo dục mà không nâng cao thì đất nước bị nghèo nàn lạc hậu. Phật pháp mà không mở các trường lớp Phật học thì Phật giáo sẽ tận diệt và bị thay thế bởi các tôn giáo khác. Chúng tôi chạnh lòng vì cho đến thời điểm này, vẫn còn một số tu sĩ cho rằng không nên chạy theo bằng cấp ở trường Phật học; ở nhà lo tu, tụng mấy thời kinh là đủ. Tụng mấy thời kinh chỉ đủ nuôi bản thân mỗi ngày chứ làm sao làm đạo được, vì tụng kinh và làm đạo hoàn toàn khác nhau. Người không có trình độ vẫn có thể tụng kinh, nhưng làm đạo, nếu không có trình độ sẽ không đi đến đâu.

     Ta thử so sánh đối chiếu năm anh em Kiều Trần Như được xem là năm vị cao túc đầu tiên, đồng thời là năm vị đại A la hán và ngài Mã Thắng, thầy của Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên. Sau khi vào đạo, vai trò đóng góp của hai vị cao gấp nhiều lần năm anh em Kiều Trần Như. Lý do tại sao? Vì năm anh em Kiều Trần Như chỉ là năm đạo sĩ tu khổ hạnh, kiến thức không nhiều. Các ngài chỉ có đời sống đạo đức là điểm tựa về phương diện hành trì. Còn hai vị Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên là hai nhân tài trẻ trước khi đến với đạo Phật. Cho nên khi giác ngộ chân lý, họ truyền bá tuệ giác rất có chiều sâu. Nhiều bài kinh của Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên sâu sắc đến mức, nếu không suy kỹ thì có thể lầm tưởng là của đức Phật. Do đó bản chất của kiến thức không có gì là xấu.

     Số lượng tăng sĩ hiện nay của Việt Nam khoảng bốn mươi sáu nghìn. Con số này không tăng trưởng thậm chí còn quá ít so với trên dưới tám mươi sáu triệu dân. Nếu bổ đồng, mỗi tu sĩ trụ trì một ngôi chùa thì ta có bốn mươi sáu nghìn ngôi chùa, như thế vẫn còn quá ít. Trên thực tế, ta chỉ có mười sáu nghìn năm trăm mấy chục ngôi chùa, tuy nhiên, nhiều chùa lại có vài trăm tu sĩ ở. Chuyện Phật sự chỉ trong chừng đó, như vậy số lượng còn lại chỉ lo tu và do đó đại đa số quần chúng bị thiệt thòi.

     Muốn làm đạo cần phải có kiến thức Phật học vững. Có tư cách đạo đức đã đành nhưng nếu không có kiến thức Phật học thì không đi đến đâu. Chúng tôi tâm đắc khuynh hướng của đức Phật là truyền bá tuệ giác, khích lệ bác học đa văn và xem đó như một trong bảy tài sản pháp. Trong khi đó các vị tu sĩ của chúng ta lại phê bình chỉ trích điều này rất nặng mà không biết việc phê bình sẽ ngày càng đưa Phật giáo bị tụt hậu. Cho đến hôm nay, trong số bốn mươi sáu nghìn tăng ni, ta có bao nhiêu tăng ni là trí thức, con số đó quá ít mà công tác Phật sự lại quá nhiều. Do đó ai tu để chứng đắc đạo quả giải thoát, làm tổ làm thầy làm Phật để mọi người kính ngưỡng thì cứ nên vì rất xứng đáng, nhưng bên cạnh đó cũng cần phải có những người dấn thân mạnh vào con đường giáo dục và hoằng pháp qua các phương diện văn hóa từ thiện, chứ không nên bắt tất cả mọi thứ đi vào chỉ một phương diện, vì như thế là đi vào cực đoan .

     Tóm lại, “Từ bỏ thói đời” là một phương tiện tốt để chúng ta tiếp xúc với hạnh thánh mà đỉnh cao là trí tuệ. Khi có trí tuệ, mọi thứ sẽ được thành tựu. “Tùy sở trụ xứ thường an lạc” là kết quả của một hành xử có trí tuệ.

***

 

 

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

5.00

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập