Lưỡng nguyệt san Đạo Phật Ngày Nay

Sống vui sống khỏe

Đã đọc: 3830           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Hãy thực tập mỗi ngày soi trước gương để thấy sắc diện tươi hay héo của chính mình...

Điệu hò an vui

Tôi xin chia sẻ với quý bà con nghệ thuật sống vui sống khỏe qua một điều hò trong Phật giáo.

“Ai nói gì thì mình cứ nghe.

Nghe sâu hiểu thấu thương nhiều

Buồn chi mà ba bốn bữa

Để tâm tư héo sầu

Ta cười ta thở thật sâu.

Nỗi buồn tan biến thật mau

Tang tình tang tính tình tang”.

Điệu hò này được Thiền sư Nhất Hạnh cải biên, nhằm hướng dẫn nghệ thuật sống vui sống khỏe qua bốn động tác: nói, nghe, cười và thở, có giá trị mầu nhiệm thay đổi những nỗi buồn đau trong cuộc đời. Dù thuộc bất cứ tôn giáo nào hoặc không có niềm tin về một tương lai hạnh phúc, nhưng cứ thực tập bài ca như vừa nêu thì ai cũng sẽ thấy rằng niềm an vui không phải là cái gì xa lạ tít trên thiên đường, hoặc ở kiếp sau mà nó rất gần gũi trong đời sống sinh hoạt thường nhật của chính mình.

Mỗi động tác trong bài ca đề nghị người thực tập phải thể hiện hết mình với nó. Khi xướng ca, tâm phải liên tưởng đến nội dung và cố gắng thực tập để quá trình thay đổi cấu trúc sinh học trong cơ thể được diễn ra. Y học ngày nay cho biết, mỗi tích tắc trôi qua, con người già đi, các nơron thần kinh cũng trở nên già, máu trở nên đặc hơn và các tế bào trở nên cũ hơn. Nếu không vận hành theo quy luật mà sự nỗ lực có dụng ý làm mới nơron thần kinh, máu và các tế bào thì quá trình sống trải qua năm tháng ngày giờ sẽ làm cho con người thêm già cỗi, nặng ưu phiền, cuối cùng dù sống trên rừng tiền, biển bạc vẫn không có niềm vui.

Các nước phương Tây phát triển đạt đến đỉnh cao của nền kinh tế vật chất thường lầm nhận và đánh đồng tiền bạc của cải với bản chất hạnh phúc, họ đang đối diện trước khủng hoảng rất lớn là nỗi đau tâm lý gặm nhấm hàng ngày hàng giờ.

Sau những lần tham quan và thuyết giảng tại Hoa Kỳ, Úc châu, chúng tôi nhận ra một điều mà tất cả người Việt nơi đây cũng thừa nhận rằng trong mười hai con giáp, dù sinh trong con giáp nào nhưng sống với chế độ kinh tế đang phát triển vượt bực, tất cả đều có chung tuổi con trâu, nghĩa là phải làm việc rất vất vả từ sáng đến tối, ngày lẫn đêm và thỉnh thoảng con người trở thành như cái máy.

Do vậy sức ép của công việc, sức ép của mọi thứ trong xã hội đã làm thay đổi cấu trúc đời sống sinh hoạt gia đình truyền thống mà các sắc dân ở các nơi đã phải đối diện. Việc đạt được giá trị vật chất thì đồng lúc đó đánh mất đi những yếu tố và giá trị của đời sống tinh thần. Đắp đổi, được và mất trong đời sống làm cho trạng thái tinh thần con người trở nên hết sức căng thẳng.

Những nước đang phát triển như Việt Nam, khủng hoảng đời sống tinh thần ít hơn so với các quốc gia phát triển. Thống kê xã hội học của Hoa Kỳ cho biết, hằng năm có hàng ngàn người ở Hoa Kỳ bị chứng bệnh về tâm thần. Bởi vì xã hội này được cấu trúc theo thế hỗ trợ cho sự phát triển tự do cá nhân ở mức độ cao nhất. Khi sự riêng tư được đề cao thì cái tôi của con người sẽ bị cô lập hóa. Cái tôi đó không muốn ai đụng chạm đến, dần dà dẫn đến tinh thần đời sống cộng đồng “Đèn nhà ai nấy tỏ”. Do đó kết quả có nhiều người sống cạnh nhà nhau mấy mươi năm mà không hề biết hàng xóm bên cạnh tên gì. Khi gặp những bế tắc tinh thần, những khó khăn trong tình yêu và hôn nhân, những trục trặc trong mối quan hệ cha mẹ con cái, cộng với sức ép của nghề nghiệp đã làm cho rất nhiều người mất hết hạnh phúc.

Sau mười hoặc hai mươi năm nỗ lực làm ăn một cách có phương pháp, phần lớn có thể mua nhà theo dạng trả góp. Mỗi tháng tùy theo năng lực doanh thu mà việc trả góp được thực hiện theo kế hoạch từng khoảng thời gian, sau đó họ có căn nhà độc lập. Sức ép ở chỗ nếu bị sa thải khỏi công ăn việc làm chỉ chừng hai tháng thì hầu như mọi nỗ lực và ước mơ có một mái ấm gia đình trở thành lục bình trôi nổi trên sông nước. Do vậy căng thẳng tâm lý làm cho nhiều người mất hạnh phúc đặc biệt khi bàn tay của họ gần chạm đến ước mơ về vật chất. Trong nhu cầu tìm kiếm giá trị của đời sống vật chất, người ta thường đánh mất giá trị đời sống tinh thần.

Ai nói gì thì mình cứ nghe

Thực tập hạnh lắng nghe, chúng ta không phản ứng, không nhận xét, không phê bình, chỉ trích và dĩ nhiên không bới móc lỗi lầm trong lời nói của người đối diện đang phát ngôn. Có tai thì cứ nghe nhưng không lưu giữ lại những lời đối thoại của tha nhân có thể gợi lên nỗi buồn và niềm đau cho bản thân. Lời nói luôn có hai chiều hướng, tích cực hoặc tiêu cực. Lời nói có thể làm cho con người phấn chấn vươn lên nhưng cũng có thể làm cho con người cảm thấy chán nản, thất vọng, bỏ cuộc và chìm sâu trong nỗi khổ niềm đau.

Khái niệm và động từ nói ở đây không nhất thiết là có người thật đang nói với chúng ta mà đôi lúc cần quán tưởng mình đang nghe từ đài truyền hình, radio, do đó nghe với tinh thần khách quan và không đặt để mình trong tư thế cuộc đối thoại, tất cả những thứ không đáng lưu giữ trong tâm sẽ dễ dàng được vượt qua. Đây là cách thức thực tập đối với lời nói mang nội dung tiêu cực mà kinh điển nhà Phật thường gọi là chuyển hóa tâm thức.

Nhu cầu của chuyển hóa tâm thức rất cần thiết khi tâm thức chúng ta đang bị ám ảnh, khống chế vì một lời nói tiêu cực nào đó. Động tác nghe trong tình huống này có lực thu hút vào trọng tâm lời nói khiến chúng ta để ý từng câu, từng chữ, ngữ điệu lên xuống trong cách diễn đạt rồi từ chuyện nhỏ xé thành to. Cho nên nghe không lưu giữ lại là một phương pháp.

Hãy hình dung trước mặt mình là quả núi có một cơn gió Xuân đi ngang qua, bốn bề mây đang bao phủ. Gió và mây không bị núi cao sừng sững làm cản trở. Cũng vậy, mọi sự vật hiện tượng, con người trong giao tế ứng xử với chúng ta cũng như gió, mây và núi. Khi có tâm trở ngại thì đối diện trước núi, gió và mây không hài lòng vì nghĩ rằng núi chính là cản lực. Ngược lại núi có thể lo sợ gió thổi tan hết mây và do vậy cảnh vần vũ trên bầu trời khi mây hòa quyện vào núi tạo bức tranh nên thơ sẽ không còn nữa, nghĩ thế, núi có thể cũng không hài lòng với gió.

Khi chúng ta khởi tâm niệm nào trước lời phát biểu dù vô tình hay cố ý của người khác thì dòng cảm xúc cũng sẽ xuất hiện theo thế tương ứng. Thực tập “Ai nói gì thì mình cứ nghe”, chúng ta sẽ học được hai nguyên lý vô ngã của nhà Phật.

- Thứ nhất: Xem dòng cảm xúc, tri giác tâm tư nhận thức này không phải là chính mình và mình không bị lệ thuộc vào những yếu tố tâm lý vừa nêu. Chúng ta thường đánh đồng thân thể vật lý với vóc dáng, tên tuổi, dòng tộc chính là cái tôi. Ai đụng đến cái tôi đó thì dòng cảm xúc chúng ta bị biến dạng. Phản ứng khổ đau, thích thú theo chiều hướng thuận thì kết nối, nghịch thì loại trừ sẽ bắt đầu xuất hiện. Lúc đó chúng ta phân ranh giới giữa mình và người, mọi trở ngại trong cuộc đời cũng phát sinh từ đó. Cho nên thực tập làm sao để tất cả những lời nói không vui của người khác dù họ cố tình vẫn không ảnh hưởng vì thân thể này vốn không phải là tôi. Dòng cảm xúc phản ứng tâm lý đó không phải là tôi nên không có chỗ cho nỗi buồn bám víu. Khi thực tập, cấu trúc dòng cảm xúc nhận thức của chúng ta trở nên trơn tru, không lưu giữ lại gì.

- Thứ hai: Thực tập không có tác giả tạo ra lời nói cố tình dù biết người kia cố tình thật sự. Nếu biết có một tác giả, chúng ta sẽ có phản ứng. Phản ứng dù thuận hay nghịch cũng khiến mình có mối quan hệ lận đận với người kia. Do đó hãy thực tập phản ứng rằng người ta không cố tình, mà chỉ là sơ ý. Không cần bận tâm và lưu giữ trong lòng nếu lời nói đó không có nội dung và giá trị thiết thực.

Như vậy chúng ta đang thực tập quán vô ngã về sự phát biểu của tha nhân. Khi thực tập được, chúng ta sẽ bắt đầu trải qua ba giai đoạn quán chiếu khác có ý nghĩa.

Nghe sâu, hiểu thấu, thương nhiều

Thông thường chúng ta nghe một cách rất hời hợt, vừa nghe lại vừa muốn nói. Cho nên giữa nội dung được nghe và động tác nói lẫn lộn với nhau, cuối cùng nghe không trọn vẹn mà nói cũng không rành rọt. Hãy để người khác nói rành mạch đầu đuôi, sau đó chúng ta mới bắt đầu đối thoại. Sự nói và nghe phải được diễn ra trong thế tôn trọng lẫn nhau. Luôn đặt mình trong vị thế người nghe để người khác nói. Thực tế chúng ta thường rơi vào tình trạng cướp lời làm cho người đối diện cụt hứng. Nói và nghe như thế, cả hai bên trở nên căng thẳng, cho nên nghe sâu là nghe một cách có hiểu, và điều quan trọng là cần phải nói với nhau thay vì nói về nhau.

Giới từ “với” và “về” dựng ra những bối cảnh hoàn toàn khác. Nói về nhau trong trường hợp người đang được nói không có mặt. Lúc đó chúng ta trở thành người bình phẩm tốt, xấu, đúng sai, thuận nghịch đối với người đó. Còn khi nói với nhau là chúng ta đang đối diện trước mặt.

Nền văn hóa ứng xử Việt Nam vốn thấm nhuần chất Phật có câu:

“Lời nói không mất tiền mua

Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.

Hãy cố gắng lựa lời theo mối quan hệ tối thiểu lịch sự, nghiêm chỉnh, chừng mực để hai bên giao tiếp đạt mục đích. Nếu nghe không có niềm vui thì cũng không hề kéo theo bất kỳ một nỗi buồn nào, nhà Phật gọi là ái ngữ. Ái là tình thương, khác với sự thương cảm mang tính tội nghiệp. Ái ngữ mang chất liệu lòng từ bi, bao gồm hai yếu tố: a) Nhổ lên được nỗi đau của người, và b) Mang lại hạnh phúc cho người trong từng động tác của sự phát ngôn.

Khi nghe sâu, chúng ta sẽ thấy rất rõ nghe này là nghe của đối thoại trong sự hiểu biết tương kính giữa mình và người. Nghe sâu để biết nguyên nhân nào người ta phát biểu, nguyên nhân nào người ta trở nên cau có, giận dỗi, nguyên nhân nào người kia không có mối quan hệ thân thích hay thiện cảm với chúng ta. Cách nghe như vậy rất sâu sắc mà thậm chí người lãng tai vẫn có thể nghe sâu, bởi vì động tác của lời nói không nhất thiết bằng miệng mà nó còn thể hiện qua ánh mắt, nụ cười hay toàn bộ ngôn ngữ của cơ thể.

Chẳng hạn một người ngồi ngâm nga bài hát, anh vừa hát hay lại tròn vành rõ chữ. Niềm vui hớn hở, nụ cười ánh mắt anh rực sáng, nhìn vào các biểu hiện của sắc mặt, chúng ta biết anh đang rất vui. Hoặc khi chúng ta đưa tay vẫy chào với ánh mắt trìu mến, điều đó thể hiện sự lưu luyến và truyền thông tin với ngôn ngữ rằng chúng tôi xin chào tạm biệt các vị. Thể hiện của lời nói không nhất thiết bằng miệng do đó dù bị ngọng, câm, người ta vẫn thể hiện lời nói qua ngôn ngữ của cơ thể.

Cũng vậy, khi nghe sâu, không nhất thiết phải nghe bằng tai mà có thể nghe bằng mắt, bằng nhận thức, bằng sự giao tiếp của mình trong thế rất công tâm. Lúc đó chúng ta mới hiểu được người khác một cách rõ ràng, bằng không chúng ta dễ phản ứng mạnh khiến người kia buồn. Nếu rơi vào tình huống nỗi buồn giận trỗi dậy sau khi nghe thì nên thực tập câu thơ sau:

“Một đứa cọc cằn thêm đứa nữa

Thì hai đứa cọc cũng như nhau”.

Nhiều người do vô tình hay cố ý không tạo niềm vui cho sự nghe của tha nhân qua cơ quan phát ngôn của mình. Do vậy thay vì buồn, chúng ta phải biết rằng người đó đang là đối tượng cần được chăm sóc vì họ bị nỗi đau khống chế. Đã hiểu thấu, chúng ta sẽ không còn trách móc hờn dỗi mà thấy rõ người này không phải là kẻ thù của chúng ta, không phải là kẻ mang đến nỗi sầu đau ray rứt, người này cần sự chăm sóc và tháo gỡ gút oan trái.

Biết nhìn rộng dưới cái nhìn tâm lý học trị liệu của Phật giáo, chúng ta sẽ thấy con người không phải là kẻ thù của nhau. Chính nỗi khổ niềm đau, lòng sân, lòng tham, sự mê muội mới là kẻ thù chung mà tất cả những ai muốn đạt được chân hạnh phúc cần nỗ lực kết nối tay nhau vượt qua. Hiểu như thế là hiểu thấu và kết quả là chúng ta có tâm lý phản ứng tích cực, thương nhiều.

Là người lớn tuổi, chúng ta luôn cần có con, cháu cần có người thân, mái ấm hạnh phúc mang lại nụ cười niềm vui, nhưng thỉnh thoảng chúng ta phải nghe lời nói bất kính của thế hệ đi sau, lòng cảm thấy mặc cảm, tủi buồn, đau xót. Hãy nên hiểu rằng những điều đó không đáng lưu giữ trong lòng gây thương tổn trong tâm. Thay vì buồn, hãy thương yêu người bất kính và nỗ lực tìm phương pháp giúp người đó vượt qua thái độ cộc cằn, thiếu lễ độ với chúng ta.

Thương nhiều giúp cho tình thân được nối kết. Kinh Dược Sư được xem là bài kinh chỉ dạy về dược chất tâm linh trong các mối quan hệ, nhất là tìm kiếm những báu vật trong chính bản thân mình. Phần kết thúc bài kệ có câu “Giải kiết, giải kiết, giải oan kiết”,  tức là mở gút, mở gút, mở gút oan. Tại sao bài kinh đề nghị chúng ta phải nỗ lực tháo mở tối thiểu đến ba lần mà trong nhân gian thường nói “nhất hóa tam”? Thực ra nếu là một áng văn xuôi thì động tác mở đây không phải chỉ ba lần mà có thể lên đến hàng trăm lần. Nói chung là nỗ lực mở đến lúc nào gút mắc giữa ta và người trong các mối quan hệ được khai thông không còn trở ngại, bằng không chúng ta vẫn còn trách nhiệm để làm trọn vẹn với người đó.

Mỗi lời phát ngôn có thể để lại gút mắc tạo nên vạn lý trường thành ngăn cách ta và người. Hiểu thương nhiều không chỉ là thương người khác, giúp người khác vượt qua khó khăn mà còn thương chính bản thân mình nếu ứng dụng thành công, bởi vì khi bế tắc diễn ra bằng gút mắc trong mối quan hệ giữa mình và người thì mỗi người trong mối quan hệ đó đang bị ghim vào tâm một mũi tên tẩm độc.

Trong kinh đức Phật nói có nhiều cách ứng xử trước tình huống bị tên bắn. Có người truy nguyên nhân, động cơ và tác giả bắn tên trước khi rút nó ra khỏi cơ thể. Nhưng theo đức Phật, người khôn ngoan sẽ không cần bận tâm đến nguyên nhân và tác giả mà điều quan trọng hàng đầu trong lúc này là làm thế nào để nhổ mũi tên ra một cách an toàn. Đầu mũi tên có hình chữ V ngược, nếu rút tên ra thì chữ V ngược này sẽ làm rách thêm từng làn da thớ thịt, nỗi đau sẽ thấu đến tận xương tủy.

Đức Phật dạy đừng nên rút tên bằng cách đó, mà hãy dùng tất cả sức mạnh, bản lĩnh để bẻ gãy mũi tên, lúc đó chúng ta mới thoát được nỗi khổ niềm đau. Còn sự tìm kiếm truy nguyên tác giả và động cơ sẽ làm cho ta chết trước khi vết thương được chữa trị. Mỗi gút oan trái trong mối quan hệ giữa ta và người cũng như mũi tên tẩm thuốc độc. Hãy cố gắng tháo gỡ nó và muốn như thế thì phải nghe sâu, hiểu thấu, thương nhiều.

Buồn chi mà ba bốn bữa, để tâm tư héo sầu

Thỉnh thoảng giận quá người ta có thể hù dọa, chửi bới hằn học, thề cay rủa độc. Ai cũng có phần tự ái của mình, tuy nhiên cứ khư khư nắm giữ nỗi buồn bực đồng nghĩa chúng ta đang đốt cháy hạnh phúc, chúng ta sẽ không thể thấy được giá trị đích thực của những niềm vui và các mối quan hệ tích cực đang hiện hữu xung quanh. Do đó nỗi buồn chính là đối tượng cần phải được chuyển hóa.

Giận dai, giận dài ắt sẽ giận dở. Nếu không muốn trở thành người giận dở thì đừng giận dai, giận dài. Đừng bận tâm đến phát ngôn, cách thức ứng xử của người khác không làm cho mình vui, hoặc chúng ta có thể hờn dỗi bận lòng nhưng đừng để tâm trạng đó tồn tại quá lâu. Trong kinh đức Phật dạy các bậc xuất gia: “Tăng hận bất quá nhựt”. Nghĩa là nếu chưa chuyển hóa được dòng cảm xúc buồn đau giận dỗi thì cũng chỉ nuôi nó nhiều nhất mười hai giờ. Kéo dài nỗi buồn rất nguy hiểm và “tâm tư héo sầu” sẽ là hệ lụy nối theo sau.

Ta cười ta thở thật sâu

Hãy thực tập mỗi ngày soi trước gương để thấy sắc diện tươi hay héo của chính mình. Từ đó nỗ lực thực tập cười. Với những người đã trải qua thăng trầm vinh nhục, lên voi xuống chó, đối diện với nhân tình thế thái với rất nhiều nỗi đau, không như ý, thì việc thực tập nở nụ cười sẽ hơi khó khăn trong giai đoạn đầu. Nếp nhăn trên trán, sự chồn chân mỏi gối, tất cả mọi nỗ lực không thành tựu, khiến nhiều người không thể cười được nữa, muốn cười cũng cười không ra. Khi thực tập nở nụ cười đừng sợ xấu. Nụ cười xuất hiện giúp tất cả các nơron thần kinh được tươi mát trở lại, quá trình trao đổi chất trong cơ thể và máu cũng được tươi nhuận, sức sống được dâng trào, hệ thống kháng thể sẽ mạnh hơn.

Cười phải có nghệ thuật mới có niềm vui. Còn cười không nên lời không thể làm cho các nơron thần kinh tươi mới một cách trọn vẹn. Phải làm sao để cười thật thoải mái. Người nam có thể cười lớn một cách thoải mái, người nữ có thể cười tươi vui dịu dàng, thư thái thì dù cô độc giữa cuộc đời, dù không có người thân, không có con cháu, không ai chăm sóc, bệnh tật, già nua, chúng ta vẫn có chất liệu an vui và hạnh phúc. Chất liệu chân hạnh phúc chính là nụ cười niềm vui hài lòng chứ không phải nhà cao cửa rộng, vật chất tiện nghi đủ đầy. Nhiều nước phương Tây phát triển đạt đỉnh cao về kinh tế nhưng cũng bị khủng hoảng về mối quan hệ sinh hoạt trong gia đình và xã hội, cho nên phần lớn người phương Tây không có nụ cười, không có niềm vui.

Để nụ cười được tươi mãi, chúng ta cần thực tập thêm phương pháp nhẹ nhàng thư thái của Phật giáo là thở thật sâu. Mỗi hơi thở ra vào thật sâu, chu kỳ trung bình của nó là hai mươi giây. Người bận rộn với nhiều sức ép đôi lúc quên thở hoặc thở hổn hển khoảng vài giây, vì thế không khí trong lành không thể đi vào buồng phổi, thẩm thấu làn da thớ thịt của mình. Do đó họ rất khô cằn.

Hãy kết hợp quán tưởng trong lúc thở sâu. Giá trị và chất lượng của hơi thở lệ thuộc hoàn toàn vào trọng lực của sự quán tưởng. Thở vào thật sâu chúng ta ý thức rằng toàn thân mình đang an lạc; thở ra thật sâu chúng ta ý thức tất cả các trược khí của nỗi buồn niềm đau, bệnh tật được tống khứ ra ngoài. Chỉ cần tâm niệm hai điều đó thì sự an lành sẽ hòa quyện trong cơ thể với hơi thở đi vào, và những điều không như ý ra khỏi cơ thể với hơi thở đi ra. Phải hình dung toàn thân chúng ta được thơ thới nhẹ nhàng sau đó. Cảm nhận và hình dung như vậy thì hơi thở ra vào mới được thoải mái, giấc ngủ mới được ngon lành.

Tâm niệm trong khi thở sâu rằng ta tống khứ chuyện buồn phiền, tống khứ những nỗi lo, căng thẳng, dằn vặt và ta hít thở thật sâu niềm hạnh phúc, những giấc ngủ ngon không mộng mị không có nỗi đau. Những liên tưởng này giúp cấy nạp vào kho tàng tâm thức của chúng ta một lệnh điều khiển tự động. Bản chất cơ thể sinh học của con người có chức năng tự điều chỉnh. Tâm niệm tích cực thì sự mất ngủ sẽ được khắc phục phần nào mà không cần phải uống thuốc ngủ như một giải pháp tạm thời.

Máy trợ thở chỉ là phương tiện trợ giúp nhưng muốn sống khỏe mạnh thì phải thở bằng buồng phổi và trái tim của mình. Cũng vậy, chúng ta phải sống bằng chính những giá trị mình đang có được, chứ không phải là những thứ vay mượn bên ngoài.

Ví dụ, hãy thử nghiệm thực tập bằng cách liên tưởng nhẩm trong đầu rằng mình phải thức dậy lúc bốn giờ sáng mai, nhẩm tới nhẩm lui, nhẩm xuôi nhẩm ngược trước khi đi ngủ cho đến khi nào giấc ngủ diễn ra. Đúng bốn giờ sáng hôm sau, dường như có một cái gì đó đánh thức chúng ta. Hiện tượng này xảy ra bởi vì tối hôm trước, chúng ta đã nạp lệnh điều khiển tự động vào thần kinh trung ương. Lệnh điều khiển này thay thế cho đồng hồ báo thức. Kết quả và xác xuất chuẩn như thế nào lệ thuộc hoàn toàn vào niềm tin và sự tập trung cao độ trước khi đi ngủ.

Tương tự như vậy, chúng ta thực tập hít thở sâu thì nụ cười được giữ sẽ rất đều. Còn thở hổn hển chỉ gây cảm giác bần thần, khó chịu, nhức mỏi vô cùng. Thở sâu còn giúp sức khỏe người bệnh phục hồi ở mức độ nhanh hơn. Đức Phật ngủ nghỉ chỉ hai giờ mỗi ngày, ấy thế mà Ngài vẫn sống thọ đến tám mươi tuổi bởi vì Ngài thở thật sâu, cộng với nụ cười niềm vui an lạc không hề bị tác động chi phối trước mọi biến cố diễn ra xung quanh. Chúng ta cũng có thể thực tập như thế. Vấn đề ở chỗ là chỉ cần để tâm mình tập trung vào hơi thở nụ cười thì sẽ thành công.

Nỗi buồn tan biến thật mau

Đây là kết quả của sự thực tập. Hòa thượng Hư Vân là vị thiền sư thời cận đại. Sau khi Hòa thượng qua đời, toàn bộ cơ thể ngài trở thành nhục thân xá lợi. Đó là dấu chỉ cho thấy sự tu tập đúng phương pháp có kết quả, một minh chứng cho đời sống tâm linh. Lúc còn sống, Hòa thượng dẫn dạy rất nhiều trong đó có câu liên hệ đến hình ảnh con chuột. Hãy bắt chước con chuột khi bị giam nhốt trong cái hòm. Công việc duy nhất và cần thiết lúc bấy giờ là nó phải gặm nhấm vào điểm duy nhất trong ván hòm. Nếu gặm nhấm hai chỗ trở lên, nó sẽ khó có cơ hội thoát ra và sẽ bị chết ngộp.

Bốn vách hòm tượng trưng cho sinh, lão, bệnh, tử. Ai sinh ra cũng mang theo phước báu và nghiệp tạo ở đời quá khứ, lớn lên ai cũng phải già. Khi già, dĩ nhiên cấu trúc sinh học trong cơ thể không còn khỏe mạnh như trước. Bệnh xuất hiện. Nhiều người chưa già đã bệnh và kết quả của những căn bệnh nan y dẫn đến cái chết. Nhiều người khác không chết vì bệnh thì cũng chết vì thiên tai, chết do sự bất cẩn của mình.

Sinh lão bệnh tử tượng trưng cho từng vách hòm, khiến cuộc sống mỏi mệt và trở nên ngắn ngủi. Công việc của chúng ta là tập trung cao độ vào một điểm nào đó để khoét lỗ thoát ra ngoài. Trong Phật học gọi là pháp môn.

Chẳng hạn, thực tập nụ cười hơi thở thật sâu, không giữ lại nỗi buồn, niềm đau là cách thức chúng ta để tâm mình gặm nhấm vào đối tượng nụ cười, niềm vui, an lạc, lúc đó buồn đau bị thay thế một cách có phương pháp và nghệ thuật. Cách thay thế này không dẫn đến tình trạng phản ứng phụ.

Tập trung vào hơi thở nụ cười để thấy rõ từng giây phút, giờ khắc trôi qua, chúng ta hiện hữu trong cuộc đời với hơi thở và nụ cười là một phép mầu, nhẹ nhàng, thư thái, không cần phải mơ tưởng về một cảnh thiên đường nào xa xôi sau khi chết. Sống có ý nghĩa trong hiện tại, chúng ta sẽ vượt qua nỗi đau, còn chạy trốn nó là phương pháp giảm đau tức thời, nhưng sau đó khi gặp lại, nỗi buồn được hâm nóng lần thứ hai.

Bản lĩnh đối diện với nỗi buồn bằng cách chuyển hóa dòng cảm xúc với phản ứng tích cực ngay lúc đó, không nên lưu giữ hay trốn chạy. Mỗi khi cảm thấy tâm không được bình an, chỉ cần hướng tâm quán tưởng trước mặt mình đang có đức Phật, chúng ta niệm Nam mô A Di Đà Phật và dặn lòng không chứa chấp nỗi buồn, không để tâm bị gặm nhấm với những điều không ý nghĩa, nỗi buồn lập tức tan biến mà chúng ta không cần phải cầu nguyện van xin. Đó là sự thay thế, bởi vì trong một tích tắc trôi qua tâm chúng ta có thói quen bám víu vào một đối tượng để tìm vui thì nỗi buồn khống chế sẽ không còn chỗ ngự trị. Liên tưởng đến danh hiệu đức Phật, liên tưởng đến nụ cười, hơi thở chúng ta sẽ vơi đi nỗi buồn.

Tang tình tang tính tình tang

Phép mầu trong sự thực tập chuyển hóa làm cho chúng ta trở nên hân hoan, lạc quan, yêu đời, vĩnh viễn xa rời trạng thái chán chường thất vọng. Dẫu biết rằng sức chịu đựng của con người trước nghịch cảnh luôn có giới hạn, dồn dập nỗi đau quá nhiều dẫn đến bế tắc, căng thẳng và tâm lý muốn quyên sinh, nhưng quan niệm như thế là sai lầm. Người suy nhược thần kinh vì quá đau khổ có thể bị ảo giác khi đứng trước đường rầy xe lửa, nhìn thấy phía trước có người thân đang vẫy tay chào. Càng đi về phía trước xe lửa, cơ hội sống sót càng mong manh.

Hoặc phía trước là một vực thẳm hay một con sông, người đau khổ thường bị ảo giác có người thân đang mời gọi tiến về phía trước. Tất cả những cảnh huống đó làm tâm chúng ta bị bế tắc. Kết quả khi tái sinh, bế tắc này kéo theo bế tắc khác khiến chúng ta không còn vững mạnh để chịu đựng nghịch cảnh vốn như một thách đố cần phải vượt qua.

Theo đạo Phật, chúng ta phải giải quyết nỗi khổ niềm đau ngay chỗ nó có mặt, nó xuất hiện chỗ nào thì nỗ lực tháo gỡ ngay chỗ đó, không cần xóa bỏ mà chỉ cần chuyển đổi. Ví dụ khúc mắc có mặt trong mối quan hệ giữa mình và người thân thì nên ngồi lại nói nhỏ nhẹ, nói đoàn kết, có tính xây dựng, cảm thông, độ lượng thì mối quan hệ đó mới có thể nối kết lại với nhau, làm mới lại đời sống và giá trị hạnh phúc.

Trong nền văn hóa phương Tây, khi cặp vợ chồng kết hôn được mười năm, hai mươi năm, phần lớn là năm mươi năm người ta làm lễ tái hôn để hâm nóng hạnh phúc, sau nhiều năm tháng có thể đã nguội lạnh. Niềm vui sướng hạnh phúc trong cuộc đời có những giá trị chân thật, chúng ta cần lưu giữ và hâm nóng, tìm niềm vui hạnh phúc trong chính mình. Một bài thơ kệ của vị thiền sư Việt Nam có câu rất chí lý:

“Gia trung hữu bảo hưu tầm mích

Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền”.

Trong nhà có báu vật thì không dại gì rong ruổi đi tìm như một kẻ hành khất rày đây mai đó, bữa đói bữa no, khi được khi mất. Có gia tài chân hạnh phúc nhưng lại tưởng nó trên thiên đường, mải mê tìm kiếm cho đến lúc chết đầu thai nhiều kiếp cũng chẳng thấy đâu.

Hạnh phúc nằm ngay hơi thở nụ cười, sống ý nghĩa trên cuộc đời. Hạnh phúc đó thuộc về cảm xúc chứ không thuộc về vật chất, không thuộc về cảnh giới mà thuộc về nhận thức và lối sống của chúng ta. Cho nên giàu hay nghèo không quan trọng mà quan trọng trong cách sống. Thọ hay yểu không quan trọng mà quan trọng sống như thế nào. Dù sống ngắn vẫn là sống rất ý nghĩa.

Thực tập bài hát trên thì phải cố gắng làm sao cho bài hát này trở thành nghệ thuật sống vui. Ca hát vốn có tác dụng vơi đi nỗi buồn, còn ứng dụng nội dung để sống vui, sống khỏe. Sống khỏe là một nhu cầu. Mỗi ngày đi tới đi lui vận động giúp chúng ta tăng cường sức khỏe. Những người lớn tuổi, người bị bệnh tật đau nhức xương khớp, nhu cầu sự đi càng phải nhiều hơn người khỏe mạnh. Dĩ nhiên để đi một cách có ý nghĩa với nụ cười niềm vui, chúng ta phải vượt qua khó khăn trong đau nhức, nhưng nếu không vượt qua đau nhức chúng ta sẽ bị đau nhức nhiều hơn. Tuổi thọ theo đó bị rút ngắn. Cho nên hãy thực tập đi với nụ cười và hơi thở. Đi đứng như thế được gọi là đi kinh hành.

Thực tập đi kinh hành như hành giả tu tập tại chùa. Hiện nay, rất nhiều người giàu có ở phương Tây dù bận rộn nhưng mỗi năm đều dành từ mười đến hai mươi ngày tham gia những khóa tu tập của Phật giáo để thực tập đi có ý thức, với nụ cười và niềm vui. Chúng ta chỉ cần đi thong dong với chánh niệm và tỉnh thức, mỗi ngày từ ba mươi phút đến một giờ thì sức khỏe sẽ gia tăng, bệnh tật được rút ngắn, cuộc sống tích cực lạc quan, yêu đời hơn.

Trong kinh đức Phật dạy tất cả những đệ tử của Ngài sau khi dùng cơm trưa phải đi kinh hành để hệ thống tiêu hóa được lưu thông, cơ bắp khỏe mạnh, tuổi già diễn ra chậm hơn. Do đó chúng ta hãy cố gắng thực tập.

Trường hợp không có khả năng đi lại thì trong lúc ngồi xe lăn, hãy nêu quyết tâm đi một cách khỏe mạnh, đi không cần người dìu đỡ. Cứ nhẩm nhiều lần, tác động tâm lý sẽ khôi phục lại chức năng bị bại liệt. Sự quán tưởng đó rất có kết quả. Các võ sư Thiếu Lâm có những cú chưởng khiến người khác tổn thương nặng, cây bị ngã đổ, đất tung xới lên, gạch có thể bị nát… Bởi vì khi thực tập, ban đầu quán tưởng lực mình có thể phá vỡ khối đá nặng chỉ một cân, sau đó quán tưởng mười cân, một trăm, đến một tấn hoặc hơn.

Tất cả đều lệ thuộc vào sự tập trung quán tưởng. Như vậy nghệ thuật quán tưởng sẽ làm tăng trọng lực cũng như giá trị trị liệu của những gì chúng ta để tâm vào. Thực tập như vậy, chúng ta sẽ có một đời sống rất khỏe và rất mạnh.

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (1 đã gửi)

avatar
Diệu Minh 24/12/2010 05:39:53
Nam Mô A Di Đà Phật. Bài viết rất sâu sắc. Con thành tâm tri ân công đức của Thầy ạ!
tổng số: 1 | đang hiển thị: 1 - 1

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)