Phật Đản Trong Văn Hóa Và Hòa Bình

Với tư duy thiền quán, mình có thể tu tập và quán chiếu rằng trong khổ đau có hạnh phúc, trong phiền não có Bồ-đề - giác ngộ, trong bùn có sen, và trong rác có hoa, trong cõi Ta-bà có cõi tịnh độ, vv... Với tuệ giác, chánh kiến, và chánh tư duy, mình nương vào con người năm uẩn và bốn đại để nhận diện, thanh lọc, chuyển hóa tham, sân, si, và tìm thấy chất an, chất lạc, thảnh thơi, tự tại, chánh niệm, và tĩnh giác trong con người chính nó. Rời xa con người vật lý này ra, thì chúng ta không tìm thấy các chất liệu an vui và hạnh phúc. Lìa bùn ra, mình không thể tìm thấy sen. Lìa phiền não ra, mình không thể tìm thấy giác ngộ và Bồ-đề.
13 câu hỏi và 13 câu trả lời dưới đây rất sâu sắc.
BAN TRUYỀN BÁ PHẬT PHÁP ÂU CHÂU đặt ra.
THẦY THÍCH TRỪNG SỸ trả lời.
Talk show, ngày 19/05/2022
Thượng Tọa Thích Trừng Sỹ
MC: PT. Thiện Thảo
Kỹ thuật viên: Nguyên Mãn
Nam Mô Lâm Tỳ Ni Viên Vô Ưu Thọ Hạ Thị Hiện Đản Sanh Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
1) GIỚI THIỆU ĐÔI NÉT VỀ GIẢNG SƯ:
Con Thiện Thảo cung kính đảnh lễ Chư Tôn Thiền Đức Tăng Ni chứng minh,
Con cung kính đảnh lễ Thượng tọa Thích Trừng Sỹ, vị khách mời đặc biệt cho buổi Talkshow hôm nay, và con cũng xin kính chào quý Đạo hữu Phật tử.
Kính chúc quý vị sức khỏe, trí tuệ và an lạc
Kính bạch Thượng Tọa, chúng con vô cùng tri ân Thầy đã nhận lời mời của ban tổ chức và cung đón Thầy. Lần đầu tiên, Thầy đến với buổi Pháp đàm của Ban Truyền Bá giáo lý Âu Châu.
Sau đây, chúng con xin có đôi lời giới thiệu Thượng Tọa đến với thính chúng.
Thượng Tọa Đạo Hiệu Thích Trừng Sỹ.
Thầy sinh năm 1968 tại Nha Trang, Khánh Hòa, Việt Nam.
Năm 1985, thầy xuất gia tại Chùa Linh Nghĩa, và là đệ tử của Cố Trưởng Lão Hòa thượng Thích Như Tịnh, Viện Chủ khai sơn Chùa Linh Nghĩa, Diên Khánh, Khánh Hòa.
Năm 1988, Thầy thọ giới Sa di.
Năm 1993, Thầy Thọ giới lớn tại Giới Đàn Trí Thủ I tại Chùa Long Sơn, Nha Trang.
Năm 1994, Thầy tốt nghiệp Trung Cấp Phật học tại Nha Trang – khóa I, hạng nhì.
Năm 2001, Thầy tốt nghiệp Cử Nhân Phật học tại Học Viện Phật Giáo Việt Nam – Sài Gòn – khóa IV, hạng ba.
Năm 2004, Thầy tốt nghiệp Thạc Sĩ Phật học tại Đại Học Delhi, Ấn Độ – hạng nhất.
Năm 2005, Thầy tốt nghiệp Phó Tiến Sĩ Phật học tại Đại Học Delhi, hạng nhất.
Năm 2009, Thầy tốt nghiệp Tiến Sĩ Phật học tại Đại Học Delhi, hạng ưu.
Từ năm 2010 đến năm 2012, Thầy đã sống và hoằng Pháp tại Chùa Cổ Lâm, thành phố Seattle, tiểu bang Washington. Nơi đây, Thầy được trường Đại học Seattle, và Hội Giáo Viên Phật tử mời thuyết trình những đề tài Phật giáo nhiều lần.
Từ năm 2012 đến 2014, Thầy làm Giáo thọ tại Chùa Linh Sơn Austin, Leander, Texas.
Cuối năm 2014, Thầy và quý Phật tử có đủ duyên lành mua được mảnh đất và nơi đó Thầy đã thành lập ngôi Chùa Pháp Nhãn ở vùng phụ cận Austin tiểu bang Texas.
Đầu năm 2015, Thầy chính thức trụ trì cho đến ngày hôm nay. Nơi đây Thầy đã hoằng dương Phật Pháp cho những người Phật tử và không phải Phật tử tại Hoa Kỳ.
Năm 2018, Thầy đã thi đậu quốc tịch và chính thức trở thành công dân Hoa Kỳ.
https://phapnhan.org/tv/gioi-thieu-doi-net-ve-thay-thich-trung-sy/
Chúng con thành tâm cung kính giới thiệu đôi nét về Thượng tọa (chắp tay xá).
Kính bạch Thượng tọa, đọc qua tiểu sử của Thầy, chúng con vô cùng kính ngưỡng sự tu học của Thầy.
Trong chí nguyện hoằng Pháp, Thầy đã dành nhiều thời gian nỗ lực cho tự thân, hầu chia sẻ kinh nghiệm của mình, hướng dẫn hàng Phật tử chúng con tu tập Phật Pháp, đạt được an vui và hạnh phúc ngay trong đời sống hiện tại.
Chúng con hôm nay nguyện lắng nghe những lời chỉ dạy của Thầy trong chủ đề “PHẬT ĐẢN TRONG VĂN HÓA VÀ HÒA BÌNH,” hầu noi gương Đức Phật Thích Ca, vững bước trên đường tu tập, nguyện đem lợi lạc cho mình và cho mọi người.
Câu hỏi 1: Kính bạch Thầy, nói đến Phật Đản là nói đến năm sinh của Đức Phật Thích Ca, và con biết là nhiều Phật tử bị nhầm lẫn trong cách tính năm sinh, bởi vì Phật lịch không tính từ ngày Phật đản. Xin Thầy có thể nhắc nhở lại cho chúng con con cách tính năm Phật lịch và năm Phật Đản như thế nào?
Trả lời: Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là Đức Phật lịch sử sinh năm 624 trước công nguyên B.C.E. (Before Christ Era). Mình lấy 624 + 2022 (năm hiện tại) = 2646; 2646 là năm sinh của Đức Phật.
Có hai cách tính Phật lịch:
1. 2646 - 80 (năm Đức Phật nhập diệt) = 2.566; 2.566 là năm Phật lịch tính từ khi Đức Phật nhập Niết-bàn.
2. 624 - 80 = 544; 544 + 2022= 2.566; 2.566 là năm Phật lịch tính từ khi Đức Phật nhập Niết-bàn.
Câu hỏi 2: Kính bạch Thầy, mùa Phật Đản làm chúng con nhớ đến vườn Lâm Tì Ni nơi Phật Đản sanh, hướng Bắc Ấn Độ, thuộc địa phận Nepal ngày nay. Con có thắc mắc, tại sao trong cương vị là một thái tử, nhưng Ngài không được sanh trong cung điện của vua cha, mà lại sinh ra tại vườn Lâm Tỳ Ni cách đó 25 cây số.
Xin Thầy có thể thuật lại bối cảnh Đản sanh ngày đó như thế nào để chúng con có ấn tượng sâu hơn về sự kiện trọng đại này.
Trả lời: A) Trong thời xa xưa, chúng ta biết Nepal thuộc Ấn Độ. Văn hóa Ấn Độ xưa cũng như nay thuộc mẫu hệ, theo mẹ. Khi người phụ nữ có chồng sắp sinh con đầu lòng thì phải về lại cha mẹ ruột của mình để chuẩn bị cho kì sinh nở đầu tiên. Do đó, thánh Mẫu Maya cũng theo tập tục này. Khi biết sắp tới kỳ sinh con, tháp tùng với những người tùy tùng, thánh Mẫu trở về quê cha mẹ của mình cho lần sinh nở đầu tiên, nhưng giữa đường tới vườn Lâm Tỳ Ni, thánh Mẫu Maya đã hạ sinh hoàng nam được đặt tên là Tất-đạt-đa, con người toại nguyện cả đạo đức lẫn trí tuệ. Phương tiện di chuyển chính vào thời đó chỉ có xe ngựa mà thôi. Có vài sự kiện quan trọng gắn liền cuộc đời của Đức Phật:
1. Sinh ra dưới gốc cây Vô Ưu (Ashoka) ở vườn Lâm-tỳ-ni (Lumbini)
2. Thành đạo dưới gốc cây Bồ-đề (Bodhi) ở Bồ-đề-đạo-tràng (Bodhgaya)
3. Nhập diệt dưới gốc cây Ta-la (Sala) ở Câu-thi-na (Kushinagar)
4. Thuyết bài Pháp đầu tiên cho năm người cùng tu ở vườn Nai (Sanarth)
Bốn sự kiện nêu trên của cuộc đời Đức Phật đều gắn liền với môi trường thiên nhiên. Như vậy, từ xưa cho tới nay, đạo Phật luôn đề cao tới môi trường thiên nhiên rất giá trị và hữu hiệu.
B) Trụ đá tại Rummindei của vua A-dục khắc ghi nơi sinh và năm sinh của Đức Phật bằng tiếng Brahmi. Trụ đá ghi rằng: “Lúc Đức Phật ra đời, dân chúng ở Lâm-tỳ-ni vào thời đó chỉ đóng thuế 1/8 mà thôi. Vào tháng 12 năm 1896, tiến sĩ Alois Anton Führer, người Đức khám phá trụ đá này và nhấn mạnh rằng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, con Người lịch sử bằng xương bằng thịt, có thật trong lịch sử loài người, đã đản sinh dưới cây Vô Ưu tại vườn Lâm Tỳ Ni năm 624 trước Công nguyên.’’
Phẩm Một Người trong Kinh Tăng Chi Bộ hoặc Kinh A-hàm ghi như sau: “Một chúng sinh duy nhất, một con người phi thường, xuất hiện trên thế gian này, vì an lạc cho số đông, vì hạnh phúc cho số đông, vì an lạc và hạnh phúc cho chư thiên và loài người, chúng sinh đó chính là con người lịch sử – Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.”
Những Đặc Điểm Trong Thời Kỳ Mang Thánh Thai
Trong thời gian mang thánh thai, thánh Mẫu Maya và Vua Tịnh Phạn cùng thần dân trong hoàng cung đều làm điều lành, nói điều lành, và nghĩ điều lành, cụ thể là phát nguyện ăn chay để nuôi dưỡng và phát triển tâm thức của thánh thai. Thai nhi đã ảnh hưởng trực tiếp 80% tâm thức trong sáng và thánh thiện từ người Mẹ và người Cha chỉ có 20% mà thôi qua cách đi, đứng, nằm, ngồi, ngủ nghỉ, nói năng, hành động, tiêu thụ, ăn uống, suy nghĩ, v.v... Do đó, trong khoảng thời gian mang thai, người mẹ và người cha rất là cẩn thận trong việc chăm sóc thai nhi. Chúng ta biết thai nhi của một con người bình thường ra đời được gọi là thai nhi phàm phu; thai nhi của một đức Phật ra đời được gọi là thánh thai nhi. Thật vậy, nhờ chăm sóc thánh thai nhi rất tận tình và chu đáo, khi Đức Phật sơ sinh ra đời, thánh Mẫu Maya trở thành người Mẹ ruột của Ngài.
Câu hỏi 3: Trong những bài viết mô tả sự kiện Đản sanh của Đức Phật, mang nhiều ngôn ngữ biểu tượng, như hình ảnh con voi trắng sáu ngà nhập vào mẫu thai trong giấc mơ, hình ảnh Đức Phật sơ sinh đi 7 bước, dưới đất vọt lên 7 hoa sen đỡ chân Ngài, và hình ảnh Đức Phật đưa một ngón tay trỏ bên phải chỉ lên trời và một ngón tay trỏ bên trái chỉ xuống đất. Xin Thầy hãy giải thích cho chúng con ý nghĩa của những biểu tượng này, để chúng con thấy rõ hơn phẩm giá về con người Đức Phật mà ngôn ngữ biểu tượng đã cố gắng diễn tả phơi bày.
Trả lời 3: Chúng ta biết rằng, theo văn học Ấn Độ, con số 7 là con số hoàn hảo mang nhiều ý nghĩa triết học, đạo học, văn học, nhạc học, và tâm linh rất thù thắng.
a) Bảy bước chân đi trên 7 hoa sen tượng trưng cho 7 ngày từ thứ Hai tới Chủ Nhật trong một tuần.
b) Bảy bước chân đi trên 7 hoa sen tượng trưng cho 7 tiến trình đạt quả giác ngộ của các bậc Thánh:
1. Tu-đà-hoàn (Sotāpanna)
2. Tư-đà-hàm (Sakadāgāmī)
3. A-na-hàm (Anāgāmī)
4. A-la-hán (Arahant)
5. Duyên-giác (pacceka-buddha)
6. Bồ-tát (Bodhisattva)
7. Đức Phật. (Buddha)
c) Bảy bước chân đi trên 7 hoa sen tượng trưng cho 7 Đức Phật:
1. Đức Phật Tỳ-bà-thi (Vipassī Buddha)
2. Đức Phật Thi-khí (Sikhin Buddha)
3. Đức Phật Tỳ-xá-phù (Visvabhu Buddha)
4. Đức Phật Câu-lưu-tôn (Krakucchanda Buddha)
5. Đức Phật Câu-na-hàm-mâu-ni (Kanakamuni Buddha)
6. Đức Phật Ca-diếp (Kassapa Buddha)
7. Đức Phật Thích-ca-mâu-ni (Sakyamuni Buddha)
d) Bảy bước chân đi trên 7 hoa sen tượng trưng cho 7 yếu tố giác ngộ:
1. Trạch pháp (dhamma vicaya)
2. Tinh tấn (viriya)
3. Hỷ (pīti)
4. Khinh an (passadhi)
5. Niệm (saṭi)
6. Định (samādhi)
7. Xả (upekkhā).
e) Bảy bước chân đi trên 7 hoa sen tượng trưng cho 7 loại tài sản đặc thù của các bậc Thánh; các bậc thánh ở đây được hiểu là chúng ta, các hành giả, đệ tử của Đức Phật.
1. Tín tài (saddhādhana) là tài sản cao quý giúp chúng ta có lòng tin chân chính và sâu sắc nơi Tam Bảo.
2. Giới tài (sīladhana) là tài sản cao quý giúp chúng ta bảo hộ thân, khẩu, và ý thanh tịnh và trong sạch.
3. Tàm tài (hiridhana): Cảm giác hỗ thẹn với chính mình là tài sản cao quý đối với những điều bất thiện mà mình gây ra cho mình.
4. Quý tài (ottappadhana): Cảm giác hỗ thẹn với người khác là tài sản cao quý đối với những điều bất thiện mà mình gây ra cho họ.
5. Văn tài (sutadhana): Sự học nhiều hiểu rộng về Phật Pháp là tài sản cao quý cho những người tu học Phật tinh chuyên và chánh niệm.
6. Thí tài (cāgadhana): Trong các loại bố thí, Pháp thí là tài sản cao quý nhất giúp mọi người hiểu rõ, nhận diện, và chuyển hóa tâm tham lam, bỏn xẻn, và keo kiệt của mình.
7. Tuệ tài (paññādhana): Trí tuệ nghe, trí tuệ tu tập, và trí tuệ tư duy là những tài sản cao quý giúp mọi người hiểu sâu sắc về nhân quả, vô thường, khổ, duyên sinh, duyên khởi, và Bát Thánh Đạo.
f) Bảy bước chân đi trên 7 hoa sen tượng trưng cho nốt nhạc có 7 ký âm:
1. Đô – Mi – Sol (Đô trưởng)
2. Rê – Fa# – La (Rê trưởng)
3. Mi – Sol# – Si (Mi trưởng)
4. Fa – La – Đô (Fa trưởng)
5. Sol – Si – Rê (Sol trưởng)
6. La – Đô# – Mi (La trưởng)
7. Si – Rê# – Fa# (Si trưởng).
g) Bảy bước chân đi trên 7 hoa sen tượng trưng cho thời gian và không gian hiện hữu trong vũ trụ:
Thời gian có 3: Quá khứ, hiện tại, và vị lai.
Không gian có 4: Phương Đông, Phương Tây, Phương Nam, và Phương Bắc.
Xuyên suốt thời gian và không gian hơn 26 thế kỷ qua, vì nguyện lực cứu độ chúng sinh, Đức Phật thị hiện ra đời. Các đặc điểm đặc thù của đạo Phật là không bao giờ có chiến tranh tôn giáo trong khi các tôn giáo thế giới, kể cả tôn giáo phát sinh ở Việt Nam đều đã từng xảy ra chiến tranh tôn giáo.
Đức Phật là vị Vua của hòa bình, các đệ tử của Ngài là những vị sứ giả của hòa bình. Đức Phật và các đệ tử của Ngài đều cùng nhau giảng dạy hòa bình cho thế giới trong tinh thần từ bi và bất bạo động (ahimsa). Trong điều đạo đức thứ nhất, bức thông điệp tuyên ngôn về hòa bình, Đức Phật đã dạy, đừng tự mình giết, đừng bảo người giết, đừng thấy người giết mà mình vui làm theo.
Ý nghĩa đó nói lên tinh từ, bi, trí tuệ, và đặc biệt là tinh thần hòa bình của đạo Phật. Chúng ta biết rằng nội dung chánh Pháp của đạo Phật không bao giờ dung chứa các loại phiền não, tham, sân, si, vô minh, tà kiến, bạo động, và hận thù, kể cả những điều mê tín dị đoan. Ngược lại, chánh Pháp của đạo Phật, con đường hòa bình, tương tức mật thiết với đạo đức, thiền định, và trí tuệ bao gồm cái thấy hòa bình, tư duy hòa bình, lời nói hòa bình, hành động hòa bình, nghề nghiệp mưu sinh hòa bình, nỗ lực hòa bình, nhớ nghĩ hòa bình, và tập trung hòa bình. Như vậy, khi đi đúng con đường hòa bình của đức Thế Tôn đã dạy để cùng nhau áp dụng và thực tập Phật Pháp tinh chuyên vào trong đời sống hằng ngày của mình, thì chúng ta có thể hiến tặng những hoa trái an vui và hạnh phúc đích thực cho thế gian này.
h) Kinh Thái Tử Thụy Ứng Bản Khởi CBETA bản điện tử số 185 ghi như sau:
“Khi ra đời, Đức Phật sơ sinh bước đi bảy bước; ý nghĩa của bảy bước được trình bày như sau:
1. Bước thứ Nhất: Đức Phật nhìn về phương Đông và bảo rằng: “Phương Đông là phương mặt trời mọc, tượng trưng cho ánh sáng trí tuệ phá tan bóng tối vô minh, đưa đường chỉ lối an vui và hạnh phúc cho chúng sinh trong cuộc đời.
2. Bước thứ Hai: Đức Phật nhìn về phương Nam và bảo rằng: “Phương Nam là phương hoằng pháp, duy chuyển theo chiều kim đồng hồ, tượng trưng cho ruộng phước an lành để chúng sinh gieo trồng và gặt hái.
3. Bước thứ Ba: Đức Phật nhìn về phương Tây và bảo rằng: “Phương Tây là phương mặt trời lặn, tượng trưng cho sự an tịnh và chân hạnh phúc. Sự sinh đã tận, hạnh thánh đã thành, những gì làm đã làm xong, không còn trở lui trạng thái sinh tử này nữa.’’
4. Bước thứ tư: Đức Phật nhìn về phương Bắc và bảo rằng: “Phương Bắc là phương thành tựu, đạt thành chánh giác hoàn hảo.’’
5. Bước thứ Năm: Đức Phật nhìn lên phương Trên và bảo rằng: “Phương Trên là phương hướng thượng, vươn lên, thăng tiến, đạt được, và thành tựu các việc lành để giáo hóa chúng sanh, chuyển hóa mọi phiền não mê lầm, cùng đi trên đường chánh, làm lợi lạc quần sanh.’’
6. Bước thứ Sáu: Đức Phật nhìn xuống phương Dưới và bảo rằng: “Phương Dưới là phương đi vào cuộc đời, thực hành Bồ-tát hạnh, Bồ-tát nguyện, và Bồ-tát đạo, hòa nhập vào đời để cứu độ chúng sinh, chuyển hóa, và thanh lọc các phiền não tham, sân, si, v.v...’’
7. Cuối cùng, bước thứ Bảy: Bằng hình ảnh rõ ràng và dễ thấy, khi ra đời, Đức Phật sơ sinh chỉ một ngón tay trỏ bên phải lên trời và một ngón tay trỏ bên trái xuống đất, Ngài tuyên bố rằng: “Trong cõi nhân gian này, con người là tôn quý. Trải qua nhiều lần sinh tử, Ta đạt giác ngộ viên mãn và thành Phật, đây là kiếp sống cuối cùng của ta.’’
Qua ý nghĩa này, chúng ta biết tất cả các tôn giáo đa thần và tôn giáo nhất thần đều cho rằng: “Thượng Đế hay Phạm Thiên là là trên hết.’’ Con người trong các tôn giáo đó ở vị trí thứ yếu và thấp kém trong khi đó con người trong đạo Phật được đề cao là trên hết, là tối thắng. Theo sự tưởng tượng và nắn tạo do con người đặt ra, mọi người đều biết “Thượng đế chưa từng có thật trong lịch sử con người ở thế gian này.’’
Theo sự tương tức, duyên khởi, và duyên sinh, con người năm uẩn và bốn đại là có thật. Nương vào con người bằng xương bằng thịt này để tu tập, để hướng thượng và hướng thiện. Lìa con người này, chúng ta không bao giờ tìm ra sự giác ngộ trong con người chính nó.
Thật vậy, bằng tư duy thiền quán, chúng ta biết rằng trong con người phàm có con người thánh, trong bùn có sen, trong phiền não có Bồ-đề, trong khổ đau có hạnh phúc. Nhận diện con người thánh trong con người phàm, nhận diện sen trong bùn, Bồ-đề trong phiền não, và hạnh phúc trong khổ đau, con người khéo tu tập Phật Pháp thuần thục có khả năng đạt tới giác ngộ và giải thoát ngay trong hiện đời. Như vậy, ở điểm này, đạo Phật nhấn mạnh rằng: “Con người tỉnh thức và giác ngộ hoàn hảo là con người tối thắng.’’
Mặc khác, hình ảnh ngón tay trỏ bên phải của Đức Phật chỉ lên trời và hình ảnh ngón tay trỏ bên trái của Ngài chỉ xuống đất có ý nghĩa tổng quát là hướng bên Trên thì Đức Phật thành tựu được những điều tốt đẹp trong cuộc đời và hướng bên Dưới thì Ngài có tinh thân dấn thân và phụng sự nhân sinh bằng cách áp dụng và thực hành những điều tốt đẹp để làm lợi ích cho tự thân và cho tha nhân ngay trong đời sống hiện tại.
1. Ngón tay trỏ bên phải chỉ lên trời có nghĩa là hướng thuận duyên, sau khi Đức Phật thị hiên sinh ra trong đời, lớn lên trong đời, và thành tựu trong cuộc đời, Ngài đều phải trải nghiệm qua nhiều thời gian, không gian, nơi chốn khác nhau một cách siêng năng, tinh tấn, và chánh niệm để nỗ lực tu học tới nơi tới chốn, có tinh thần vươn lên, hướng thượng và hướng thiện, và thành tựu tốt đẹp những gì Ngài mong muốn.
Thật vậy, Bồ-tát Tất-đạt -đa, sinh ra ở dưới gốc cây Vô-ưu tại vườn Lâm-tỳ-ni, lớn lên, sống đời sống hoàng cung ở Ca-tỳ-la-vệ, từ giả đời sống hoàng cung để tìm cầu chân lý. Cuối cùng, Ngài đã giác ngộ viên mãn và thành Phật hiệu là Thích Ca Mâu Ni dưới cội Bồ-đề ở Bồ-đề-đạo-tràng.
2. Ngón tay trỏ bên trái chỉ xuống đất có nghĩa là hướng nhập thế, sau khi Đức Phật sơ sinh thị hiện sinh ra trong đời, lớn lên trong đời, và thành tựu trong cuộc đời, Ngài đều phải trải nghiệm qua các thời gian, không gian, và nơi chốn khác nhau một cách siêng năng, tinh tấn, và chánh niệm để nỗ lực tu học tới nơi tới chốn, có tinh thần phụng sự, dấn thân, đem đạo vào đời để giúp đời thêm vui bớt khổ.
Sau khi giác ngộ viên mãn, Đức Phật quyết định đi tới Vườn Nai, Sarnath để nói Pháp cho nhóm 5 người tu sĩ, bao gồm Añña Koṇḍañña, nói Pháp cho 55 vị thương gia giàu có, bao gồm Ông Da-xá, gia đình Da-xá, và bạn bè Ông Da-xá, nói Pháp cho 3 anh em Kassapa, những vị giáo chủ của đạo thờ lửa, bao gồm khoảng 1.200 vị đệ tử của họ, và sau đó, Đức Phật nói Pháp cho vua Bimbisara, vua Pasenadi, vua Ajatasattu, v.vv... Họ là những nhà thương gia, những nhà tôn giáo học, những nhà triết học, những nhà chính trị, v.vv... Tất cả đều trở thành đệ tử của Đức Thế Tôn.
Như vậy, chúng ta thấy con đường hoằng Pháp của Đức Phật rất là hiệu quả và thiết thực bởi vì muốn được nhiều thành phần khác nhau trong xã hội quan tâm tới Phật Pháp, trước hết Đức Phật, nhà hoằng Pháp rất tuệ giác, khéo léo, và tuyệt vời, luôn quan tâm tới các thành phần có nhiều vị trí quan trọng trong xã hội. Thật vậy, chỉ cần chúng ta hướng dẫn thành công một trong những hạng người có vị trí cao trong xã hội, thì chúng ta có thể hướng dẫn hàng ngàn, hàng triệu người có vị trí thấp trong xã hội.
Chúng ta biết rằng các nhóm những nhà hoằng Pháp là những giáo viên và giảng viên chăm lo giáo dục và hướng dẫn cho quần chúng. Các nhóm những nhà thương gia là những người chăm lo cái bao tử của xã hội. Các nhóm những nhà lãnh đạo tôn giáo là những người chăm lo đời sống tinh thần cho xã hội. Các nhóm những nhà lãnh đạo chính trị là những người chăm lo hòa bình cho đất nước. Các nhóm những nhà làm truyền thông, truyền hình, và báo chí thông qua Youtube, Facebook, Twitter, Zoom, v.v..., là những người chăm lo đưa tin nhanh và rộng rãi đến quần chúng trong xã hội.
Như vậy, cách giáo dục và hoằng Pháp của Đức Phật rất khéo léo và tài tình. Ngài giáo hóa và giảng dạy những người có vị trí cao trong xã hội rất là thành công. Sau đó, Ngài tiếp tục giáo hóa những người bình dân trong xã hội. Ngày nay, chúng ta chỉ cần làm theo một phần nhỏ của con đường hoằng Pháp của Đức Phật, thì chúng ta sẽ thành công góp phần đưa đạo Phật đi vào đời một cách hiệu quả. Nếu chúng ta chỉ quan tâm tới việc hướng dẫn những người già, người bệnh, người chết, và những người tu khép kín và đóng khung, vv... thì Phật Pháp sẽ không dễ hòa nhập vào xã hội quần chúng. Tuy nhiên, những hạng người này, chúng ta vẫn nên quan tâm và không bỏ họ.
Thật vậy, con đường hoằng dương chánh Pháp và cứu độ chúng sinh trong suốt 45 năm, Đức Phật, vị Vua chánh Pháp, thuyết giảng chân lý khổ đau, phương pháp tu tập và chuyển hóa khổ đau, con đường hòa bình, và giúp con người hiểu rõ các gốc rễ và nguyên nhân chiến tranh xảy ra là do chính lòng tham lam, sân giận, hận thù, vô minh, ghi kỵ, và tà kiến của con người gây ra. Là Nhà giáo dục, Nhà xã hội học, Nhà triết học, Nhà khai sáng đạo Phật, Đức Phật rất thành công trong công việc xây dựng trật tự an lạc cho gia đình, học đường, xã hội, quốc gia, và thế giới.
Như vậy, ý nghĩa ngón tay trỏ bên trái chỉ xuống đất của Đức Phật nói lên tinh thần nhập thế của Ngài rất thành công trong nhiều lãnh vực khác nhau trong xã hội. Đem đạo vào đời và hòa nhập vào đời để giúp đời thêm vui bớt khổ, nhưng Ngài không bị dòng đời làm chi phối và ô nhiễm. Như sen mọc trong bùn nhơ và nước đục, nhưng sen vẫn mọc vươn lên tươi tốt và không bị bùn nhơ và nước đục làm ô nhiễm. Đó là những điểm đặc thù trong tinh thần nhập thế của Đức Thế Tôn và các vị đệ tử khéo tu, khéo học, và khéo thực hành của Ngài.
Câu hỏi 4: Kính bạch Thầy, theo lịch sử Phật giáo, thì đức Phật hạ sanh tại vườn Lâm Tỳ Ni, nhưng theo tôn giáo thì Ngài hạ sanh ở cõi Ta Bà, như vậy xin Thầy giúp chúng con hiểu hơn về thế giới Ta Bà này, khác với những thế giới được nói đến trong đạo Phật như thế nào? Người sống trong cõi Ta Bà này, có nhiều thuận duyên hơn hay nhiều nghịch duyên hơn trong việc tu tập giác ngộ?
Trả lời: Khi đề cập tới một nơi chốn cụ thể và riêng biệt, chúng ta có thể hiểu Đức Phật ra đời ở tại vườn Lumbini. Khi đề cập tới nơi chốn chung chung, thì chúng ta có thể hiểu Đức Phật thị hiện ở cõi Ta-bà; Cõi Ta-bà là cõi chúng ta đang sống không những bao gồm muôn sự muôn vật, mà còn bao gồm nhiều biến động và hỗn loạn theo nghiệp lực của chúng sinh biểu hiện qua 5 loại trược khác nhau:
a. Kiếp trược (S. Kalpa kasayah)
b. Kiến trược (drsti kasayah)
c. Phiền não trược. (asyus kasayah)
d. Chúng sanh trược (klesa kasayah)
e. Mạng trược. (sattva kasayah)
a/ Kiếp trược (S. kalpa kasayah) có nghĩa là trong khoảng thời gian con người đang sống có nhiều biến động và hỗn loạn liên tục không dừng, như chiến tranh, thiên tai, bạo động, nạn đói, v.v...
b/ Kiến trược (drsti kasayah) có nghĩa là cái thấy sai lầm và cái hiểu sai lầm dẫn tới sự tư duy sai lầm, lời nói sai lầm, hành động sai lầm, v.vv... Cho rằng thân này là khỏe mãi, trẻ mãi, mạnh mãi, không già, v.vv... Từ cái thấy sai lầm, cái hiểu sai lầm, lời nói sai lầm, ý nghĩ sai lầm, và hành động sai lầm, con người đưa tới khổ mình và khổ người khác.
c/ Phiền não trược (klesa kasayah) có nghĩa là sống trong cõi Ta-bà này, con người tràn ngập các loại phiền não tham, sân, si, tà kiến, vô minh, v.vv... Vì họ không tu tập, không nhận diện chánh Pháp, nên các loại phiền não này dễ dàng đưa họ tới bất hạnh, hận thù, bạo động, khổ đau, và chiến tranh.
d. Chúng sinh trược (sattva kasayah) có nghĩa là con người do bốn đại và năm uẩn hình thành trải qua các chu kỳ vô thường, biến đổi, sanh, già, bệnh, chết, chất chứa nhiều ô uế, bất tịnh, và phiền não cho thân tâm.
e. Mạng trược (Asyus kasayah) có nghĩa là đời sống của con người ngắn ngủi, và vô thường tích chứa các loại bất tịnh, ô uế, và phiền não do thân nghiệp, khẩu nghiệp, và ý nghiệp của họ tạo tác và gây ra.
Thuận duyên là hoàn cảnh thuận lợi và may mắn cho mình phát triển và vươn lên. Tuy nhiên, mình đừng tự mãn và ngăn bước tiến bộ của chính mình.
Ví dụ, về khía cạnh thuận duyên, khi thái tử Tất-đạt-đa từ bỏ đời sống hoàng gia đi tu và trở thành một ẩn sĩ không nhà, công chúa Da-du-đà-ra, hiền thê của ngài, ủng hộ ngài hết lòng. Do đó, việc từ giã hoàng gia đi tu của thái tử đã thành tựu tốt đẹp.
Nghịch duyên trong trường hợp này có nghĩa là nếu không có sự ủng hộ hết lòng của công chúa Da-du-đà-ra, thì việc đi tu của thái tử chắc chắn sẽ không thành tựu. Sau ba lần thái tử nhìn vợ và con lần chót, lúc đó, Công chúa chỉ cần nhéo đứa con La-hầu-la, thì thái tử sẽ bị bắt liền.
Mặc khác, nghịch duyên là hoàn cảnh thiếu thuận lợi và thiếu may mắn cho mình phát triển và vươn lên. Tuy nhiên, nếu mình quyết tâm, siêng năng, và tinh tấn tu học Phật Pháp, thì mình sẽ thành công.
Ví dụ, về khía cạnh nghịch duyên, mặc dù vua cha Tịnh-phạn không cho phép thái tử đi tu, nhưng với tâm nguyện cứu đời, đi tu để thành Phật, và đi tu để đạt thành chánh giác, và để cứu độ chúng sinh, cuối cùng, thái tử quyết tâm đi tu, đạt thành giác ngộ viên mãn.
Thực vậy, ở đời cũng như ở đạo, thuận duyên chúng ta chưa vội là mừng, và nghịch duyên chúng ta chưa vội là buồn. Miễn là chúng ta biết cách vận dụng mọi việc một cách thông minh, uyển chuyển, và khéo léo, thì chúng ta sẽ thành công trong nhiều lãnh vực khác nhau của cuộc đời. Mặc dầu sống trong cõi Ta-bà này có nhiều khổ đau và bất hạnh do con người tạo tác và gây ra; tuy nhiên, con người ở cõi này dễ tu tập hơn con người sống ở cõi chư thiên; con người ở cõi chư thiên sung sướng hưởng thụ dục lạc thì rất là khó tu.
Tuy nhiên, sống ở bất cứ nơi nào, các vấn đề thuận duyên hay nghịch duyên là do chính mình tạo tác và gây ra, không có một đấng thần linh tối cao nào có thể thay thế được chính mình. Kinh Pháp Cú, kệ số 165, Đức Phật dạy rằng:
"Tự mình, làm điều ác,
Tự mình, làm nhiễm ô,
Tự mình, ác không làm,
Tự mình, làm thanh tịnh.
Thanh tịnh, không thanh tịnh
đều do tự chính mình,
Không ai thanh tịnh ai."
Trong lộ trình tu học, khi gặp thuận duyên là rất tốt cho hành giả; tuy nhiên, chúng ta đừng ỷ lại, tự mãn, và cho rằng ta là số một, những người chung quanh ta không giỏi bằng ta. Những ai nghĩ như vậy là dễ bị gãy gánh giữa đường. Mặc khác, khi gặp nghịch duyên, chúng ta đừng vội nãn chí bỏ cuộc giữa chừng, hãy xem nghịch duyên là bàn đạp vững chắc cho ta thăng tiến. Tùy theo sự ứng dụng và sử lý thuận duyên và nghịch duyên một cách khéo léo và uyển chuyển thì chúng ta sẽ thành công trong cuộc sống hằng ngày.
Câu hỏi 5: Kính bạch Thầy, con hơi có một chút ganh tị với người Ấn Độ, con thường hỏi rằng, tại sao Đức Phật không hạ sanh tại Việt Nam, hay nước khác mà lại chọn Ấn Độ hạ sanh. Thầy từng du học tại Ấn Độ, nên con xin thỉnh Thầy chia sẻ cái nhìn của Thầy về nhân duyên nào mà Đức Phật chọn hạ sanh tại Ấn Độ?
Trả lời: Kinh Hy Hữu Vị Tằng Hữu Pháp (Kinh Dạy về Các Pháp Hy Hữu và Vi Diệu - Acchariya Abbhùtadhamma Sutta) thuộc Kinh Trung Bộ (Majjhima Nikaya) số 123 ghi rằng: “Khi xét thấy đầy đủ nhân duyên, từ cõi trời Đao-lợi (Tusita), Bồ-tát Tất-đạt-đa ra đời dưới cây Vô-Ưu tại vườn Lâm-tỳ-ni, một phần của nước Nepal ngày nay. Ngài là con của vua Tịnh Phạn và Thánh mẫu Maya không chỉ một đời, mà còn nhiều đời khác nhau tại đất nước Ấn Độ.’’
Chúng ta biết rằng từ thời xa xưa, Lâm-tỳ-ni thuộc nước Ấn Độ cổ đại. Ấn Độ có lịch sử rất lâu dài. Trong thời Phật, có khoảng 96 tôn giáo khác nhau, đa dạng, và phức tạp. Ấn Độ cũng là nơi có nhiều vị Thánh nhân ra đời, như là trong Phật giáo có Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, các đệ tử của Đức Phật gồm có Xá-lợi-Phất (Sāriputta), Mục-kiền-liên (Moggallāna), A-nan, Bồ-tát Long-thọ (Nāgārjuna), Bồ-tát Bhimrao Ramji Ambedkar, vv...; trong đạo Kỳ-na giáo, có Ông Mahavira, trong thời Ấn Độ giáo cận đại có thánh Mahatma Gandhi, v.vv...
Có sự khác biệt giữa sự ra đời của các chúng sinh và các vị thánh nhân như sau: Chúng sinh ra đời là vì nghiệp lực trong khi đó Đức Phật ra đời là vì nguyện lực. Vì nguyện lực, Đức Phật ra đời để cứu độ chúng sinh. Vì nghiệp lực, chúng sinh ra đời để gánh chịu những hậu quả quá khứ mà họ tạo tác và gây ra trong nhiều đời trước.
Ví dụ cụ thể, vì nghiệp lực, con người sanh ra ở đất nước Somali không đủ thức ăn, thức uống, và các phương tiên vật chất khác trong khi đó vì nguyện lực, những người tình nguyện từ các quốc gia khác đi tới Somali để cứu trợ, họ ở khách sạn, họ không bị đói khát như những người dân Somali.
Câu hỏi 6: Bây giờ, con xin đi vào một vài hình thức tín ngưỡng tại Việt Nam nhân mùa Phật Đản. Con thấy ở Huế, rất nhiều Chùa lớn tổ chức “Diễu hành xe hoa kính mừng Phật Đản,’’ chở tượng Phật Đản sanh đi khắp phố phường. Xin Thầy có thể cho chúng con biết thêm nguồn gốc của nghi thức này từ đâu mà có và hình thức này mang ý nghĩa gì?
Trả lời: Nguồn gốc của nghi thức đón mừng Phật Đản có nguồn gốc từ khi thánh Mẫu Mayadevi sinh ra thái tử Tất-đạt-đa dưới gốc cây Vô Ưu, ở vườn Lumbini, Nepal, năm 624 trước công nguyên. Để làm rõ điển tích này, trụ đá Rummindei của vua A-dục khắc ghi: “Khi Bồ-tát Tất-đạt-đa ra đời, vị vua Devànampiya Piyadasi ở xứ Lumbini chỉ lấy thuế 1/8 cho dân chúng.’’
Tất cả các nước theo đạo Phật đều tổ chức kính mừng Đại Lễ Phật Đản, bên cạnh đại Lễ Phật Đản, còn có đại lễ Phật thành đạo và đại lễ Phật nhập Niết-bàn, gồm ba sự kiện quan trọng của Phật giáo được tổ chức hằng năm ở các nơi khác nhau trên thế giới. Khi đại lễ Phật Đản hay những đại lễ khác của Phật giáo được tổ chức trang nghiêm và long trọng, chúng ta phải tùy thuộc vào đất nước có hòa bình, có nền kinh tế, giáo dục, và xã hội bền vững và ổn định. Bất cứ nơi nào, quốc gia nào không có hòa bình, không có nền kinh tế, giáo dục, và xã hội ổn định, thì các lễ hội của Phật giáo nói riêng và các lễ hội dân tộc ở nơi đó nói chung sẽ không bao giờ tổ chức long trọng và hoành tráng.
Trước đây, đạo Phật Việt Nam tổ chức đại lễ Phật Đản vào ngày Mùng 8 tháng tư âm lịch, sau đó, tổ chức đại lễ Phật Đản vào ngày Rằm tháng tư. Đạo Phật ngày nay ở Việt Nam tổ chức Phật Đản từ ngày Mùng 8 tháng 4 tới ngày Rằm tháng tư âm lịch, ta gọi là tuần lễ Phật Đản.
Ở các nước Phương Tây nói chung, và ở Hòa Kỳ nói riêng, ta gọi là mùa kính mừng Đại Lễ Phật Đản. Các Chùa và Đạo tràng khác nhau tuần tự tổ chức đại lễ Phật Đản ở những ngày cuối tuần khác nhau. Nếu mọi người cùng nhau tổ chức đại lễ Phật Đản vào ngày Rằm trăng tròn tháng Vesak, tương đương ngày Rằm trăn tròn tháng Năm dương lịch, thì sẽ không có nhiều quý Phật tử đồng hương tham dự.
Ngày đại lễ Tam Hợp Vesak lần thứ 23 được Đại Hội Đồng Liên Hợp Quốc hoan hỷ chấp nhận vào ngày 15 tháng 12 năm 1999. Ta lấy năm nay 2022 – 1999 = 23 năm. Ngày đại lễ Tam Hợp Vesak được xem như lễ hội Văn Hóa tâm linh toàn cầu. Trong Đại Hội Đồng Liên Hợp Quốc, có hàng trăm quốc gia, văn hóa, tôn giáo khác nhau, nhưng khi họ đề cập tới Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, vị Vua hòa bình, Người sáng lập ra đạo Phật, con đường hòa bình, thì tất cả mọi người trong đó có các nhà chính trị toàn cầu đều đồng ý và bầu chọn lễ hội Vesak của Phật giáo là một lễ hội văn hóa tâm linh toàn cầu.
Thật vậy, xưa và nay, các tôn giáo khác nhau trên thế giới, kể cả các tôn giáo địa phương ở Việt Nam, đều có sự xung đột và chiến tranh tôn giáo. Nhưng đạo Phật không bao giờ gây ra một chiến tranh tôn giáo. Đây là những điểm đặc thù của đạo Phật, tôn giáo hòa bình, mà các tôn giáo khác không có. Chính vì ý nghĩa vừa nêu, đạo Phật được chọn là tôn giáo hòa bình có đại lễ Vesak, lễ hội văn hóa tâm linh thế giới được Đại Hội Đồng Liên Hợp Quốc chấp nhận và thông qua ngày 15 tháng 12 năm 1999.
Nghi thức và hình thức tắm Phật sơ sinh đều có ý nghĩa và nhắc nhủ cho mình biết rằng: “Trọn ngày, trọn tuần, trọn tháng, trọn năm, và trọn cả đời, mình nguyện không làm điều ác, nguyện làm các việc lành, nguyện giữ thân tâm trong sạch qua việc thực tập và áp dụng đạo đức, thiền định, và trí tuệ để đem lại lợi ích cho tự thân và cho tha nhân ngay trong cuộc sống hiện tại.’’
Câu hỏi 7: Kính bạch Thầy, con nghĩ rằng Đức Phật tượng trưng cho sự thanh tịnh, như vậy Ngài đâu cần nước của thế gian tắm gội lên Ngài nhân ngày Phật Đản. Nhưng nghi thức tắm Phật rất phổ biến tại các chùa, xin Thầy có thể giải thích lý do, và hàng Phật tử chúng con, khi múc gáo nước tắm Phật sơ sinh, chúng con nên có tâm niệm như thế nào cho đúng? và có những điều gì kiêng cử cần chú ý hay không?
Trả lời: Kinh Đại bổn (mahàpadàna Sutta) thuộc Kinh Trường Bộ 14, Kinh Hy Hữu Vị Tằng Hữu Pháp (acchariya-abbhùtadhamma Sutta) thuộc Kinh Trung Bộ 123, và Bộ Đại sự (mahāvastu) ghi rằng: “Khi Đức Phật sơ sinh ra đời, có hai dòng nước ấm và nước mát từ trên không trung rưới xuống để tắm cho Ngài.’’
Thật vậy, Đức Phật, con người toàn hảo, trong sạch, và thanh tịnh không cần ai tắm. Tuy nhiên, theo ý nghĩa biểu tượng, có hai dòng nước mát và nước ấm tắm cho đức Phật sơ sinh. Chúng ta biết hai dòng nước tượng trưng cho thuận duyên và nghịch duyên của cuộc đời. Con người sinh ra trong đời, lớn lên trong đời, và thành tựu trong cuộc đời đều phải trải qua hai dòng nghịch duyên và thuận duyên của cuộc đời.
Khi gặp nghịch cảnh, ta không thoái lui, khi gặp thuận cảnh, ta không tự mãn và ỷ lại. Khéo làm chủ cả thuận cảnh và nghịch cảnh, hành giả sẽ thăng tiến, thành tựu, và vươn lên vững chãi trong cuộc đời. Như hoa sen trong bùn nhơ và nước đục, nhưng sen từ từ vươn lên khỏi bùn, trong nước, ngang mặt nước, và ra khỏi mặt nước, nó từ từ nở hoa tươi mát. Cũng vậy, Bồ-tát Tất-đạt-đa sống trong đời, nhưng Ngài không bị đời chế ngự và chi phối, và cuối cùng, Ngài trở thành con người giác ngộ hoàn hảo và viên mãn. Đức Phật, con Người tỉnh thức, giác ngộ viên mãn, hoàn toàn thanh tịnh, và đoạn tận các phiền não tham, sân, si, vv...
Mặt khác, liên tưởng tới con người phàm phu đầy dẫy tham, sân, si, vv..., lễ tắm Phật sơ sinh tượng trưng cho việc tắm rửa và thanh lọc thân và tâm của chính mình. Khi tắm Phật, múc gáo nước thứ nhất, mình thầm đọc và nguyện không làm các việc ác, múc gáo nước thứ hai, mình thầm đọc và nguyện làm các việc lành, múc gáo nước thứ ba, mình thầm đọc và nguyện thanh lọc thân tâm mình trong sạch.
Tuy nhiên, trong buổi lễ tắm Phật nếu có đông người, để rút ngắn thời gian cho mọi người, mỗi người chúng ta có thể múc một gáo nước tắm Phật sơ sinh một lần và thầm đọc ba lời nguyện trên đều mang đầy đủ ý nghĩa.
Trong mùa đại lễ Phật Đản, những điều cấm kỳ của mình là ý thức không được sát sinh, không được lấy của không cho, không được sống tà hạnh và ngoại tình, không được xâm phạm tình dục của trẻ em, không được nói dối, không được uống các chất say, và đặc biệt là không được sử dụng các xì ke ma túy.
Câu hỏi 8 :Bạch Thầy, nhân mùa Phật Đản, nhiều Phật tử phát tâm tu tập, tụng kinh, niệm Phật, phóng sanh, ăn chay, làm từ thiện, bố thí, và cúng dường. Xin Thầy chỉ dạy chúng con, nên đón mừng ngày Phật Đản như thế nào, để không chỉ hội đủ những yếu tố tôn giáo và tín ngưỡng thông thường, mà còn mang ý nghĩa văn hóa và tâm linh toàn cầu, nghĩa là việc làm tương ưng chí nguyện giác ngộ, hay nói khác hơn là Bồ Đề Tâm.
Trả lời: Ý thức rằng đại lễ Phật Đản nói riêng, và các lễ hội khác của Phật giáo nói chung, không bao giờ giết hại chúng sinh trong khi đó các lễ hội của các tôn giáo khác có hàng ngàn và hàng triệu con gà tây và con thú gia cầm bị giết. Để nuôi dưỡng và phát triển tâm từ bi, trong các lễ hội văn hóa Phật giáo, học và thực hành theo hạnh từ bi của Đức Phật, chúng ta đừng có ý niệm sát hại chúng sinh. Trong điều đạo đức thứ nhất, Đức Phật dạy các đệ tử rất rõ, không tự mình giết, không bảo người giết chúng sinh, và không thấy người giết chúng sinh mà mình vui mừng theo.
Với những ý nghĩa nêu trên, để giữ gìn và bảo vệ sức khỏe cho tự thân và cho tha nhân, trong mùa đại lễ Phật Đản và các mùa lễ hội khác của Phật giáo, mình có thể phát nguyện ăn chay một tuần, một tháng, hoặc một năm. Đó là cách phóng sanh tốt nhất của những người con Phật. Bên cạnh các việc vừa được nêu trên, mình có thể tham gia các việc làm thiết thực, như giúp những gia đình khó khăn, những sinh viên khó khăn học giỏi, và ủng hộ những Tăng Ni sinh viên đang tu học trong nước hay ở nước ngoài, v.vv...
Câu hỏi 9: Kính bạch Thầy, trong lịch sử của Đức Phật, những lúc Ngài chứng kiến cảnh khổ chính là lúc ngài nhận ra sự thật cuộc đời, rồi phát chí nguyện xuất gia. Khi còn nhỏ Ngài từng chứng kiến cảnh khốn khổ côn trùng trong lễ hội cày cấy (gọi là lễ Hạ Điền), đến khi trưởng thành, ngài chứng kiến các cảnh người già - bệnh - chết.
Bạch Thầy, có phải KHỔ là yếu tố cần thiết để giúp mình phát tâm tu tập giải thoát. Thầy nghĩ sao, chúng con cần hằng ngày quán tưởng sự thật về khổ trong cuộc đời như Thái tử Tất Đạt Đa đã trải qua?
Trả lời: Trong cuộc đời, chúng ta biết rằng khổ là một sự thật, con người đều phải trải qua. Chân lý về khổ bao gồm khổ thân và khổ tâm; khổ thân gồm có sinh, già, bệnh, và chết; khổ tâm gồm có tham, sân, si, sầu, bi, vô minh, tà kiến, vv... Đó là bản chất sự thật của con người.
Muốn nhận diện khổ và chuyển hóa khổ thì chúng ta phải áp dụng và thực tập con đường chân chánh có tám phương pháp tu tập rất thiết thực hiện tại, có giá trị vượt thoát thời gian, có khả năng chuyển hóa thân tâm, có khả năng chuyển hóa các phiền não, và có khả năng đưa tới an lạc và hạnh phúc ngay bây giờ và ở đây trong cuộc sống hiện tại. Trong cuộc sống hàng ngày, Đức Phật dạy cho chúng ta quán chiếu con người thật của chính mình như sau:
“Con thế nào cũng phải già nua, con không thể nào tránh khỏi sự già nua này.
Con thế nào cũng phải bệnh, con không thể nào tránh khỏi cái bệnh này.
Con thế nào cũng phải chết, con không thể nào tránh khỏi cái chết này.”
Thật vậy, Đức Phật, vị bác Sĩ tài năng, có khả năng nhận diện khổ đau, tìm ra nguyên nhân khổ đau, đưa ra phương pháp để trị liệu khổ đau, và con đường đưa tới chuyển hóa khổ đau bằng sự trải nghiệm tâm linh tu học và thực chứng của Ngài. Cũng vậy, vị Bác sĩ giỏi có thể chẩn đoán được bệnh, tìm ra nguyên nhân của bệnh, đưa ra toa để trị bệnh, và bệnh nhân chính họ uống thuốc theo toa của Bác sĩ, thì bệnh nhân mới nhanh chóng lành bệnh.
Với tư duy thiền quán, mình có thể tu tập và quán chiếu rằng trong khổ đau có hạnh phúc, trong phiền não có Bồ-đề - giác ngộ, trong bùn có sen, và trong rác có hoa, trong cõi Ta-bà có cõi tịnh độ, vv... Với tuệ giác, chánh kiến, và chánh tư duy, mình nương vào con người năm uẩn và bốn đại để nhận diện, thanh lọc, chuyển hóa tham, sân, si, và tìm thấy chất an, chất lạc, thảnh thơi, tự tại, chánh niệm, và tĩnh giác trong con người chính nó. Rời xa con người vật lý này ra, thì chúng ta không tìm thấy các chất liệu an vui và hạnh phúc. Lìa bùn ra, mình không thể tìm thấy sen. Lìa phiền não ra, mình không thể tìm thấy giác ngộ và Bồ-đề.
Qua quá trình tu tập, thanh lọc, và chuyển hóa phiền não, với con đường Trung Đạo có khả năng xa lìa tham đắm dục lạc và khổ hạnh ép xác, nương vào con người vật lý này, Bồ-tát Tất-đạt-đa đã đạt thành giác ngộ viên mãn. Thật vậy, nương vào con người năm uẩn và bốn đại để tu tập và làm lợi ích cho tự thân và cho tha nhân, chúng ta phải làm theo đúng quy trình, nguyện thực hành con đường chánh có tám phương pháp đúng gồm có đạo đức, thiền định, và trí tuệ tương tức mật thiết với chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, và chánh định ngay bây giờ và ở đây trong cuộc sống hiện tại.
Câu hỏi 10: Kính bạch Thầy, trong kinh Pháp Hoa có nói rằng Đức Phật Thích Ca đã thành Phật từ lâu rồi, việc đức Phật thị hiện ở cõi Ta Bà chỉ là hoá thân và hiện thân để cứu độ chúng sanh? Nhưng cũng có các tài liệu Kinh điển cho rằng, trước khi hạ sanh cõi trần, Ngài là một vị Bồ Tát. Nhờ tu tập thiền định đúng đắn ở cõi này, nên Ngài thành Phật viên mãn. Xin Thầy cho chúng con hiểu thêm về 2 cái nhìn này?
Trả lời: Ví dụ, hiện tại, bạn là hiệu trưởng của trường đại học JOHN ở Đức. Bạn có đủ duyên lành được vị hiệu trưởng của trường đại học DAVID ở Mỹ mời bạn giảng dạy môn tâm lý học ứng dụng cho các vị sinh viên. Khi bạn tới trường đại học DAVID ở Mỹ, bạn chỉ là một vị giáo Sư thỉnh giảng mà thôi, bạn không thể nào trở thành vị hiệu trưởng trường đại học DAVID ở Mỹ. Nếu bạn muốn trở thành hiệu trưởng trường đại học DAVID ở Mỹ, bạn phải trải qua quá trình sống ở Mỹ, nỗ lực làm giấy tờ để lấy thẻ xanh, thi đậu quốc tịch Hoa Kỳ, học thêm vài khóa chuyên nghành, và thi đạt điểm cao. Làm giáo sư vài năm ở đó, thì sau này, bạn mới hy vọng trở thành vị hiệu trưởng hợp pháp của trường đại học DAVID ở Hoa Kỳ. Nếu bạn chưa có đủ các tiêu chuẩn kia, thì bạn chỉ là giáo sư thỉnh giảng của trường đại học đó mà thôi.
Cũng vậy, mặc dù Kinh Pháp Hoa ghi rằng: “Đức Phật thành Phật đã lâu, nhưng từ cung trời Đâu-xuất tới cõi Ta-bà này, Bồ-tát Tất-đạt-đa vẫn hiện thân là con người bằng xương bằng thịt bao gồm năm uẩn và bốn đại như những con người vật lý khác. Con người này phải trải qua bốn loại sự thật khác nhau của cuộc đời, đó là sinh, già, bệnh, và chết. Nhận diện bốn loại sự thật này, Bồ-tát quyết tâm từ bỏ gia đình hoàng cung sống đời sống không gia đình. Với nỗ lực chọn phương pháp đúng để tu tập thiền định đúng, và cuối cùng, Ngài thành Phật hiệu là Thích Ca Mâu Ni ở dưới cội cây Bồ-đề ở Bodhgaya năm 589 (624-35 = 589) năm trước công nguyên.’’
Từ khi thành Phật ở tuổi 35, hoằng dương chánh Pháp suốt 45 năm, Đức Phật thuyết giảng hơn 30 ngàn bài Kinh; mỗi bài Kinh bao gồm nhiều phương pháp trị bệnh rất hữu hiệu và thiết thực. Những ai dành cho mình thời gian thích hợp đọc, tụng, tư duy, quán chiếu, áp dụng, và thực hành nhiều bài Kinh của Đức Phật dạy vào trong đời sống hàng ngày, thì chính họ có thể thưởng thức được các hoa trái của Pháp học, Pháp hành, Pháp hiểu, Pháp hỷ, và Pháp lạc ngay bây giờ và ở đây trong cuộc sống hiện tại.
Ở điểm này, đúng như câu đọc tụng hằng ngày, con về nương tựa chánh Pháp, con có thể thâm nhập Kinh tạng, trí tuệ của con được ví rộng sâu như biển cả. Do đó, hàng ngày và hàng tuần, chúng ta phải đọc tụng và thấu hiểu nhiều bài Kinh, thì chúng ta mới có đầy đủ tuệ giác của Phật. Ngược lại, hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng, và hàng năm, chúng ta chỉ đọc tụng một vài bài Kinh, thì Pháp học và Pháp hành của chúng ta chắn chắn sẽ không đủ tuệ giác Phật Pháp để đáp ứng cho giới trí thức ngày nay.
Câu hỏi 11: Theo truyền thống Phật giáo Tây Tạng, vị hoá thân của Bồ Tát Quán Thế Âm là ngài Đạt Lai Lạt Ma đã tái sanh 14 lần để độ sinh từ năm 1477 đến nay. Tại sao đức Phật không trở lại cõi Ta bà này để tiếp tục cứu độ chúng sinh theo hạnh nguyện của Ngài, mà Ngài chỉ tuyên bố rằng thời mạt pháp sẽ đến, chúng sanh chịu nhiều đau khổ cho đến ngày đức Phật Di Lặc đản sanh. Xin Thầy có thể giúp chúng con hiểu được sự hành hoạt của Đức Phật Thích Ca, nhân duyên nào thì Ngài mới thị hiện trở lại?
Trả lời: Thứ nhất, theo văn hóa Phật giáo Tây Tạng, người Tây Tạng luôn nhấn mạnh và coi trọng việc tái sinh lên hàng đầu. Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn tờ báo Đức Welt am Sonntag tháng 9.2014, Đạt-lai Lạt-ma thứ 14 tuyên bố rằng, Ngài có thể sẽ không tái sinh và chấm dứt thiết chế Đạt-lai Lạt-ma để “dân chủ hóa và tránh gây ảnh hưởng xấu về sau.”
Thứ hai, dựa vào câu hỏi nêu trên, chúng ta biết rằng chánh Pháp không bao giờ mạt và không bao giờ kết thúc, chánh Pháp của Phật có giá trị vượt thoát thời gian. Chỉ có tà pháp mới mạt và mới chấm dứt sớm, nó chỉ tồn tại trong thời gian nhất định mà thôi. Thật vậy, Phật Pháp tồn tại dài hay ngắn là tùy thuộc vào Pháp học và Pháp hành của các đệ tử của Đức Thế Tôn. Do đó, chúng ta tu học và thực hành Phật Pháp khéo léo, uyển chuyển, thông minh, tinh chuyên, và thích hợp đúng nơi, đúng lúc, và đúng đối tượng, thì Phật Pháp sẽ tồn tại lâu dài ở thế gian này.
Thứ ba, khi giác ngộ viên mãn rồi, Đức Phật vẫn tiếp tục tu tập thiền định và hướng dẫn mọi người đang ở cõi Phật. Mình đừng nghĩ rằng khi thành Phật rồi, Đức Phật không tiếp tục tu tập con đường hoằng Pháp để cứu độ sinh. Điều đó không thể xảy ra. Do vậy, Đức Phật vẫn tiếp tục tinh tấn để giáo hóa chúng sinh.
Chương 18, Phẩm Tùy Hỷ Công Đức trong Kinh Pháp Hoa, Kinh Thuyết Bổn 66 trong Trung A Hàm 13, Phẩm Đáo Bỉ Ngạn trong Kinh Tập đều ghi rằng: “Người kế thừa và tiếp nối Đức Phật Thích Ca Mâu Ni trong đời sau này chính là Đức Phật Di Lặc.’’
Thứ tư, sau khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nhập diệt, sự tiếp nối tốt nhất của các vị đệ tử Phật là sự tiếp nối chánh Pháp. Những vị đệ tử của Đức Phật tiếp nối chánh Pháp, tu học chánh Pháp, thực hành chánh Pháp, và áp dụng chánh Pháp vào trong đời sống hàng ngày để làm lợi lạc cho tự thân và cho tha nhân ngay trong đời sống hiện tại. Do đó, chánh Pháp phải có người tiếp nối và kế thừa; người tiếp nối và kế thừa chánh Pháp trong hiện tại chính là chúng ta.
Kinh Di Giáo và Kinh Đại-bát Niết-bàn thuộc Trường Bộ số 16 ghi rằng, sau khi đức Phật nhập diệt, các đệ tử của Ngài nương tựa vào chánh Pháp, đừng nương tựa vào tà pháp; nương tựa vững chãi vào chánh Pháp là bậc thầy cao cả cho các vị; các vị là những vị tiếp nối và kế thừa Phật Pháp để phát nguyện giúp đời thêm vui và bớt khổ. Do vậy, chúng ta là những đệ tử của Đức Phật, hãy ý thức thực hành và nương tựa chánh Pháp, đừng nương tựa tài vật và tà pháp, điều này được ghi rõ trong Kinh Thừa Tự Chánh Pháp, Trung Bộ số 3.
Thứ năm, chúng ta biết rằng mặc dầu Đức Phật giác ngộ viên mãn, nhưng thân vật lý của Ngài vẫn phải chịu già, bệnh, và vô thường chi phối. Mặc dầu thân vật lý của Ngài có giới hạn thời gian và chỉ trụ thế 80 năm ở đời, nhưng Pháp thân của Ngài không bao giờ giới hạn và không bao giờ chấm dứt.
Như vậy, ở điểm này, nhân duyên đầy đủ để Đức Phật trở lại cõi đời này có nghĩa là các đệ tử của Ngài hãy cùng nhau phát nguyện tiếp nối, kế thừa, tu học, áp dụng, và thực hành Phật Pháp tinh chuyên và tốt đẹp vào trong đời sống hàng ngày để làm lợi ích cho tự thân và cho tha nhân ngay trong cuộc sống hiện tại.
Câu hỏi 12: Kính bạch Thầy, từ năm 2000 Liên Hiệp Quốc đã đứng ra tổ chức Ngày Phật Đản chung cho toàn thế giới, và sau đó các nước Phật giáo thay phiên đăng cai tổ chức. Mỗi năm như vậy, ngày Phật Đản Quốc Tế phổ biến thông điệp từ bi, hòa bình, và bất bạo động cho mọi người.
Năm nay, António Guterres, vị Tổng Thư Ký thứ chín của Liên Hợp Quốc, gửi thông điệp, “Quyết tâm xây dựng cuộc sống hòa bình cho tất cả mọi người trên một hành tinh lành mạnh.’’ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Âu Châu cũng gửi thông điệp Phật Đản 2022. “Tâm Bình Thế giới bình“. Nhân đây, chúng con cũng xin Thầy gửi thông điệp Phật Đản đến cho toàn thể Phật Tử nhân mùa Phật Đản năm nay.
Trả lời: Tất cả mọi người an trú ở các nơi khác nhau trên quả địa cầu này, dù nhân danh là cá nhân hay tập thể, họ đều có chung tâm niệm lành mong muốn mọi người, mọi nhà, mọi nơi, và mọi thứ đều được hòa bình, an vui, và hạnh phúc. Thật vậy, dù chúng ta mang màu sắc nào, chủng tộc nào, giai cấp nào, dù chúng ta là Phật tử hay không phải Phật tử, dù chúng ta là công nhân, viên chức, hay nhà giáo, dù chúng ta sống ở Chùa, ở nhà, hay làm việc ở nơi công sở, khi mùa đại lễ Vesak hàng năm trở về, chúng ta cùng nhau ý thức tổ chức tu học Phật pháp, ôn lại cuộc đời của Đức Phật và những lời dạy ý nghĩa, giá trị, hữu ích, và thiết thực của Ngài để giúp chúng ta sống cuộc sống hòa bình, an vui, và hạnh phúc đích thực cho số đông ngay trong cuộc sống hiện tại.
Là những người đệ tử của Đức Thế Tôn, chúng ta cùng nhau phát nguyện vững chãi vào việc học Pháp, hiểu Pháp, hành Pháp, hoằng Pháp, và hộ trì chánh Pháp để góp phần đem lại lợi ích, an lạc, hạnh phúc, và hòa bình cho thế gian này.
Câu hỏi 13: Liên Hiệp Quốc đã tổ chức Phật Đản vì “cầu nguyện" hoà bình cho thế giới, vậy thầy nghĩ, nhân ngày Phật Đản năm nay Liên Hiệp Quốc có thái độ nào đối với chiến tranh đang xảy ra giữa Nga và Ukraine hay không?
Trả lời: Thái độ của những người con Phật là phải tu học chánh Pháp và thực hành chánh Pháp ngay từ khi chưa có chiến tranh xảy ra. Đừng đợi có chiến tranh xảy ra rồi, lúc đó, chúng ta mới bắt đầu tu học Phật. Chúng ta ý thức rằng trái đất này là ngôi nhà chung của chúng ta. Chúng ta phải có trách nhiệm bảo vệ và gìn giữ trái đất này một cách hòa bình và tốt đẹp.
Chỉ cần áp dụng và thực hành đầy đủ Năm Điều Đạo Đức của Đức Phật dạy vào trong đời sống hàng ngày là đã giúp chúng ta bảo vệ trái đất tốt đẹp. Thật vậy, Năm Điều Đạo Đức này vượt lên trên ý nghĩa thế học, triết học, và đạo học. Những ai tinh chuyên tu, học, thực hành, và áp dụng Năm Điều Đạo Đức hàng ngày, thì họ có thể giúp cho chính họ và thế giới này thêm bình và bớt khổ ngay bây giờ và ở đây trong đời sống hiện tại. Thật vậy, thân tâm có hòa bình khi mình khéo áp dụng và thực hành chánh Pháp vào trong đời sống hàng ngày, thì thế giới sẽ có ngày hòa bình. Ngược lại, thân và tâm không có hòa bình khi mình không khéo áp dụng và thực hành chánh Pháp, thì thế giới sẽ không dễ có ngày hòa bình.
Xem tin tức thế giới vừa qua, chúng ta biết có khoảng 193 quốc gia tham dự các hội nghị thường niên của Liên Hợp Quốc ở New York, Hoa Kỳ. Từ khi chiến tranh xảy ra giữa Ukraine và Nga, các nước đã nhiều lần tham gia bỏ phiếu và thảo luận tình hình bất ổn của hai quốc gia này. Các vị nguyên thủ quốc gia gồm có Hoa Kỳ, Pháp, Đức, vv..., và vị Tổng Thư Ký Liên Hợp Quốc António Guterres (UN Secretary-General António Guterres) đều đã trực tiếp làm những vị xứ giả hòa bình, họ đích thân tới Nga gặp Tổng thống Putin và đi tới Ukraine gặp Tổng thống Volodymyr Zelensky để thảo luận và tìm ra giải pháp hòa bình sớm nhất cho dân chúng của hai nước nói riêng, và ổn định trật tự thế giới nói chung. Nhưng kết quả của các cuộc thảo luận của các nhà chính trị khác nhau đưa tới hòa bình cho hai quốc đó hiện tại chưa đạt tới sự tiến bộ khả quan tốt đẹp bởi vì tự thân của họ chưa có khả năng kiểm soát, chế ngự, nhận diện, và nhiếp phục tâm nghi kỵ, độc tài, tham lam, giận dữ, hận thù, và nghi kỵ lẫn nhau.
Là những xứ giả hòa bình đích thực của đạo Phật, để đóng góp hòa bình thiết thực cho số đông, chúng ta quyết tâm tinh tấn tu học và thực hành chân lý Phật và tuệ giác Phật, cụ thể là đạo đức, thiền định, và trí tuệ tương tức mật thiết với cái thấy hòa bình, tư duy hòa bình, lời nói hòa bình, việc làm hòa bình, nghề nghiệp mưu sinh hòa bình, nỗ lực hòa bình, nhớ nghĩ hòa bình, tập trung và dừng lại hòa bình. Bằng ý nghĩ, lời nói, và việc làm cụ thể, chánh niệm, hạnh phúc, và rõ ràng, chúng ta nguyện không làm các điều ác, nguyện làm các việc lành, nguyện giữ thân tâm trong sạch để làm lợi ích cho tự thân và cho tha nhân ngay bây giờ và ở đây trong cuộc sống hiện tại.
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT
Kính chúc quý vị an trú và thấm nhuần chánh Pháp của Đức Thế Tôn.
https://phapnhan.org/tv/phat-dan-trong-van-hoa-va-hoa-binh/
THE BUDDHA VESAK IN CULTURE AND PEACE
13 questions and 13 answers below are very insightful.
Questioned by the Commission of Spreading the Dharma in Europe
Answered By Venerable Thích Trừng Sỹ
Talk Show on May 19, 2022
Senior Venerable Thích Trừng Sỹ
MC: Sister Thiện Thảo
Technician: Brother Nguyên Mãn
Pay homage to Lumbini Garden, where Sakyamuni Buddha appearing under the Sorrowless Tree.
1) Brief Introduction to Dharma Preacher:
I, Thiện Thảo, would like to respectfully pay homage to Monastic people and your presence
I would like to respectfully pay homage to Senior Venerable Thích Trừng Sỹ, a special guest for today’s Talk show, and I also welcome Buddhist friends.
We wish you all good health, wisdom, and peacefulness.
Dear the Venerable, we are extremely grateful to you accepting the invitation of the Organizing Committee and warmly welcome you. For the first time, you come to the Dharma discussion of the European Dharma Spreading Commission.
Next, we would like to have a few words to introduce the Venerable to the audience.
Senior Venerable Dharma name is Thích Trừng Sỹ
Thầy was born in 1968 in Nha Trang City, Khánh Hòa Province, Vietnam.
In 1985, Thầy has left home for monastic life at Linh Nghĩa Temple, and is an official disciple of the Most Late Venerable Master Thích Như Tịnh, the Head Monk, who founded the Linh Nghia Temple in Diên Khánh District, Khánh Hòa Province.
In 1993, Thầy was legally ordained and received higher Ordination as a Bhikkhu on the Great Precepts Transmission Ceremony of Trí Thủ I at Long Sơn Temple in Nha Trang City, Khánh Hòa Province.
In 1994, Thầy graduated with an Intermediate Buddhist Studies diploma in Nha Trang City, Khánh Hòa Province, Course I, the Second Class.
In 2001, Thầy graduated from Vietnam Buddhist University with a Bachelor’s Degree in Buddhist Studies in Sài Gòn City – Course IV, the Third Class.
In 2004, Thầy graduated from Delhi University, India, with the Master of Arts’ Degree in Buddhist Studies, the First Class.
In 2005, Thầy graduated from Delhi University, India, with a Master of Philosophy Degree in Buddhist Studies, the First Class.
In 2009, Thầy graduated from Delhi University, India, in an excellent position with a Doctor of Philosophy Degree in Buddhist Studies.
In 2012 – 2014, Thầy worked as the Dharma Teacher at Linh Sơn Temples in Austin and Leander, Texas.
At the end of 2014, Thầy and Buddhist devotees had enough good conditions to buy the land with a single home and Thầy founded and established Pháp Nhãn Temple in the vicinity of Austin, Texas.
At the beginning of 2015, Thầy has been the legal Abbot until today. There he propagated the Buddha Dharma to Buddhists and non-Buddhists in the United States of America.
In 2018, Thầy passed his citizenship exam and officially became a US citizen.
https://phapnhan.org/en/brief-introduction-about-venerable-thay-thich-trung-sy/
We would like to respectfully introduce a few brief words to the Venerable. (Bow)
Dear the Venerable, reading through your biography, we deeply respect your Dharma learning and Dharma practice.
In your will and vow of propagating the Dharma, you spent a lot of time making your own great effort, in order to share his experiences and guide us Buddhists to practice the Buddha Dharma and achieve peacefulness and happiness right in the present life.
Today, we vow to listen to your teachings on the topic “THE BUDDHA VESAK IN CULTURE AND PEACE,” in order to follow the perfect example of Sakyamuni Buddha, stably step on the path of cultivation, and vow to benefit ourselves and other people.
Question 1: Dear Thầy, referring to the Buddha’s Birthday is referring to the birth year of Sakyamuni Buddha, and I know that many Buddhists are confused in the calculation of the year of his birth, because the Buddhist calendar does not count from the Buddha's birthday. Can you remind us how to calculate the year of Buddha's birthday and the year of Buddha's passing away?
Answer: Sakyamuni Buddha was the historical Buddha born in 624 B.C.E. (Before Christ Era). We take 624 + 2022 (the current year) = 2646; 2646 is the birth year of the Buddha.
There are two ways to calculate the Buddhist calendar:
1. 2646 - 80 (the year the Buddha passed away) = 2,566; 2,566 is the year of the Buddhist calendar since the Buddha entered Nirvana.
2. 624 - 80 = 544; 544 + 2022 = 2,566; 2,566 is the year of the Buddhist calendar being calculated since the Buddha entered Nirvana.
Question 2: Dear Thầy, the Buddha’s Birthday season reminds us of Lumbini garden, where the Buddha was born, the North of India, in a part of today’s Nepal. I have a question, why in the position was he a prince, but he was not born in the palace of his father, but he was born in Lumbini garden from 25 kilometers away.
Please narrate the scene of his birth at that day so that we have a deeper impression on this great event.
Answer: A) In ancient times, we know Nepal is in India. Indian culture in the past as well as today is matrilineal, according to the mother. When a married woman is about to give birth to her first child, she must return to her biological parents to prepare for the first birth. Therefore, Holy Mother Maya also followed this custom. When she knew that the time to give her birth was coming, accompanying her entourage, the Holy Mother returned to her parents' hometown for her first birth, but on the way to Lumbini garden, the Holy Mother Maya gave birth to a son named Siddhartha, who is fully satisfied with both virtue and wisdom. The main means of transportation at that time was only horse-drawn carriages. There are a few important events associated with the Buddha’s life:
1. Being born under the Sorrowless Tree (Ashoka) in Lumbini garden
2. Obtaining perfect enlightenment under the Bodhi tree in Bodhgaya
3. Passing away under the Sala tree (Sala) in Kushinagar
4. Giving the first Dharma Sermon to a five-monk group at the Deer Park (Sanarth)
The above four events of the Buddha’s life are associated with the natural environment.
Thus, from the past to the present day, Buddhism has always promoted the natural environment very valuably and effectively.
B) The stone pillar at King Ashoka‘s Rummindei was inscribed with the birthplace and year of the Buddha‘s birth in Brahmi. The stone pillar was inscribed: “When the Buddha was born, people in Lumbini at that time only paid 1/8 tax. In December 1896, Dr. Alois Anton Führer, a German, discovered this stone pillar and emphasized that Sakyamuni Buddha, the historical person in the flesh and bone, was real in the human history, was born under the Sorrowless tree in Lumbini garden in 624 B.C.E.
Ekapuggalavagga of Angutara Nikaya or Agama Sutta states as follows: “A unique being, an extraordinary person, appears in this world, out of peace for the many, out of happiness for the many, out of welfare and benefit for gods and human beings, it is the historical person - Sakyamuni Buddha.’’
Characteristics of the Holy Pregnant Period
During the holy pregnant time, holy Mother Mayadevi and King Suddhodana along with the people in the palace all did good things, said good things, and thought of good things, specifically vowed to have vegetarian food to nourish and develop the mind of the holy fetus. The fetus directly influenced 80% the pure and holy consciousness from the mother, and the father only 20% through the ways of walking, standing, lying, sitting, sleeping, talking, acting, consuming, eating, thinking, etc. Therefore, during pregnancy, the mother and father are very careful about taking care of the fetus. We know that the fetus of a normal human born in the world is called the secular fetus; The fetus of a Buddha born in the world is called the holy fetus. Indeed, thanks to taking care of the holy fetus very devotedly and thoughtfully, when the newborn Buddha was born, Mother Maya became his biological mother.
Question 3: In the articles describing the event of the Buddha’s birth, there are many symbolic languages, such as the image of a six-tusked white elephant entering the mother's womb in a dream, the image of the newborn Buddha walking 7 steps, on the ground rising seven lotuses to support his feet, and the image of the Buddha raised one right hand index finger pointing up to the sky and one left hand index finger pointing down to the ground. Please explain to us the meaning of these symbols, so that we can see more clearly the dignity of the person of the Buddha that the symbolic language has tried to express.
Answer: We know according to Indian literature, the number 7 is the perfect number with many great philosophical, religious, literary, musical, and spiritual meanings.
a) Seven steps walking on 7 lotus flowers represent 7 days from Monday to Sunday in a week.
b) Seven steps walking on the 7 lotus flowers represent the 7 stages of enlightenment of holy people
1. Stream Enterers (Sotāpanna)
2. Once Returner (Sakadāgāmī)
3. Non Returner (Anāgāmī)
4. Arahant
5. Solitary Buddha (pacceka-buddha)
6. Bodhisattva
7. Buddha.
c) Seven steps walking on the 7 lotus flowers represent the 7 Buddhas:
1. Vipassi Buddha
2. Sikhin Buddha
3. Visvabhu Buddha
4. Krakucchanda Buddha
5. Kanakamuni Buddha
6. Kassapa Buddha
7. Sakyamuni Buddha.
d) Seven steps walking on the 7 lotuses represent the 7 factors of enlightenment:
1. Dharma Investigation (dhamma vicaya)
2. Effort (viriya)
3. Joy (pīti)
4. Tranquility (passadhi)
5. Mindfulness (saṭi)
6. Concentration (samādhi)
7. Equanimity (upekkhā).
e) Seven steps walking on the 7 lotuses represent the 7 types of specific wealth of holy people; the holy people here are understood as us, the practitioners, the disciples of the Buddha.
1. The Wealth of Confidence (saddhādhana) is the noble treasure that helps us to have the right and profound confidence in the Three Jewels.
2. The Wealth of Virtue (sīladhana) is the noble treasure that helps us protect the body, speech, and mind of purity and cleanness.
3. The Wealth of Sense of Shame with oneself (hiridhana): Feeling ashamed of oneself is the noble treasure for the unwholesome things that one cause to oneself.
4. The Wealth of Sense of Shame with other people (ottappadhana): Feeling ashamed of other people is the noble treasure for the unwholesome things that we cause to other people.
5. The Wealth of Hearing (sutadhana): Extensively learing and widely understanding the Dharma are the noble treasures for those who practice Buddhist studies diligently and mindfully.
6. The Wealth of Giving (cāgadhana): In all kinds of almsgivings, Dharma giving is the noblest treasure that help people clearly understand, recognize, and transform their greed, avarice, and stinginess.
7. The Wealth of Wisdom (paññādhana): Wisdom of Dharma hearing, wisdom of Dharma practice, and wisdom of Dharma thinking are the noble treasures that help people understand deeply about cause and effect, impermanence, suffering, interdependent arising, interdependent origination, and the Noble Eightfold Path.
f) Seven steps walking on 7 lotuses represent musical notes with the 7 syllables:
1. Do – Mi – Sol (D major)
2. Rê – Fa# – La (R major)
3. Mi – Sol# – Si (M major)
4. Fa – La – Do (Fa major)
5. Sol – Si – Re (Sol major)
6. La – Do# – Mi (La major)
7. Si – Re# – Fa# (Si major)
g) Seven steps walking on the 7 lotus flowers represent time and space existing in the universe:
The time has 3: The Past, the present, and the future.
The space has 4: The East, the West, the South, and the North.
Throughout the time and space for more than 26 centuries, for the powerful vow of saving sentient beings, the Buddha appeared to be born in the world. The characteristics of Buddhism has never been a religious war while world religions, including religions born in Vietnam had ever had religious wars.
The Buddha is the King of peace, his disciples are the messengers of peace. The Buddha and his disciples all together taught peace to the world in the spirit of compassion and non-violence (ahimsa). In the first ethical trainings, the message of declaration of peace, the Buddha has taught, do not kill oneself, do not tell others to kill living beings, and do not see people kill living beings that we gladly follow.
That meaning speaks of loving-kindness, compassion, wisdom, and especially the peace spirit of Buddhism. We know that the content of the right Dharma of Buddhism never contains all kinds of afflictions, greed, anger, delusion, ignorance, wrong views, violence, and hatred, including superstitions. In contrast, the right Dharma of Buddhism, the path of peace, is interrelated very closely with virtue, meditative concentration, and wisdom including peaceful views, peaceful thoughts, peaceful words, peaceful actions, peaceful livelihood, peaceful effort, peaceful mindfulness, and peaceful concentration.
h) 《太子瑞應本起經》CBETA 電子版 No. 185 states as follows:
“At birth, the newborn Buddha walks the seven steps; The meaning of the seven steps is presented as follows:
1. The First step: The Buddha looked to the East and said: “The East is the direction of the rising sun, representing the light of wisdom, dispelling the darkness of ignorance, and showing the way of peacefulness and happiness to sentient beings in life.’’
2. The Second step: The Buddha looked to the South and said: “The South is the direction of spreading the Dharma, moving clockwise, symbolizing the field of blessings for sentient beings to plant and reap.’’
3. The Third step: The Buddha looked to the West and said: “The West is the direction of the setting sun, symbolizing peace and true happiness. Birth has ended, holy conduct has been accomplished, what has been done is done, there is no more going back to this samsara state.’’
4. The Fourth step: The Buddha looked to the North and said: “The North is the direction of achievement, reaching the perfect enlightenment.’’
5. The Fifth step: The Buddha looked up to the direction Above and said: “The direction Above is the upper direction, rising, promoting, achieving, and accomplishing good deeds to teach sentient beings, transform all delusional afflictions, jointly traveling on the right path to benefit living things and living beings.’’
6. The Sixth step: The Buddha looked down to the direction Below and said: “The direction Below is the direction to go into life, practice the conduct of Bodhisattva, the vow of Bodhisattva, and the path of Bodhisattva, integrate into life to save sentient beings, transform, and purify afflictions of greed, anger, delusion, etc.’’
7. Finally, the Seventh step: With the clear and visible image, when born, the newborn Buddha pointed one right hand index finger up to the sky and one left hand index finger down to the ground, the Buddha said: “In the realm of this world, human beings are noble. Experiencing many lives and deaths, I attain the perfect enlightenment and become the Buddha, this is my last life.’’
Through this meaning, we know that all polytheistic and monotheistic religions think: “God or Brahma is above all.” People in those religions are in the secondary and inferior position while people in Buddhism are promoted as being above all, being supreme. According to the imagination and shaping created by a person, everyone knows that “God has never been real in human history in this world.” According to inter-being, interdependent arising, and interdependent origination, people of five aggregates and four elements are real. Relying on people in the flesh and bone to practice, to direct to the upper direction and good direction, leaving these people, we never find enlightenment in the people themselves.
Indeed, by the thinking of contemplative meditation, we know that in secular people with holy people, in the mud with lotus, in defilement with Bodhi, in suffering with happiness. Recognizing holy people in secular people, recognizing the lotus in the mud, Bodhi in affliction, and happiness in suffering, well-trained people, who practice the Buddha Dharma maturely, have the ability to achieve enlightenment and liberation right in the present life. Thus, at this point, Buddhism emphasizes: “The fully awakened and enlightened people are supreme human beings.’’
On the other hand, the image of the Buddha’s right hand index finger pointing up to the sky and the image of his left hand index finger pointing down to the ground have the general meaning that the direction Above, he achieved good things in life, and the direction Below, he had the engaged spirit and served human beings by applying and practicing good things to benefit oneself and other people right in the present life.
1. The right hand index finger pointing up to the sky means the direction of favorable condition, after the Buddha, who appeared to be born in the world, grew up in the world, and achieved in the world, had to go through many different times, spaces, and places diligently, effortfully, and mindfully to strive to study completely, to have the spirit of rising up, the upper and good direction, and to achieve very well what he desired.
Indeed, Prince Siddhartha, who was born under the Sorrowless (Ashoka) Tree in Lumbini garden, grew up to live a royal life in Kapilavatva, renounced the royal life to seek the truth. Finally, he attained the perfect enlightenment and became the Buddha titled Sakyamuni under the Bodhi tree in Bodhgaya.
2. The left hand index finger pointing down to the ground means the direction of entering life, after the Buddha, who apeared to be born in this world, grew up in the world, and achieved in the world, had to go through different times, spaces, and different places diligently, effortfully, and mindfully to strive to cultivate and study completely, to have the engaged spirit of serving human beings, and bring the Dharma into life to help life add more joy and less suffering.
After his full enlightenment, the Buddha decided to walk to Deer Park, Sarnath to speak the Dharma to a group of five monks, including Añña Koṇḍañña, to speak the Dharma to the fifty five wealthy merchants, including Mr. Yasa, whose family and friends, to speak the Dharma to the three Kassapa brothers, the religious leaders of the fire worshipers, including about 1,200 of their disciples, and then the Buddha spoke the Dharma to King Bimbisara, King Pasenadi, King Ajatasattu, etc. They were merchants, religionists, philosophers, politicians, etc. All became disciples of the World-Honored One.
Thus, we see that the Buddha's way of spreading the Dharma is very effective and practical because in order to want many different sections of society to pay attention to the Buddha's teachings, first of all, the Buddha, the Dharma Preacher, who is very skillful and wonderful, always cares about people with many important positions in society. Indeed, as long as we successfully guide one of the high-ranking people in society, we can guide thousands and millions of low-ranking people in society.
We know that the groups of Dharma propagating preachers are teachers and lecturers who take care of educating and guiding the many. The groups of merchant people are those who take care of the stomachs of society. The groups of religious leaders are those who take care of the spiritual life for the society. The groups of political leaders are those who take care of the peace for the country. The groups of people who do media, television, and journalism through Youtube, Facebook, Twitter, Zoom, etc. are those who take care of spreading news quickly and widely to many people in society.
Thus, the way the Buddha taught and propagated the Dharma was very skillful and ingenious. He educated and taught high-ranking people in society very successfully. After that, he continued to educate ordinary people in society. Today, we only need to follow a small part of the Buddha's way of propagating the Dharma, we will successfully contribute to bringing Buddhism into life effectively. If we only care about guiding the elderly, the sick, the dead, and those who are closed and framed cultivators, etc., the Buddha Dharma will not easily be integrated into society of people. However, these types of people, we should still care about and do not leave them.
Indeed, the path of propagating the Dharma and saving sentient beings for 45 years, the Buddha is the right Dharma King who preaches the truth of suffering, the methods of cultivation and transformation of suffering, the path of peace, and helps people clearly understand that the root and cause of war is created by human greed, anger, hatred, ignorance, jealousy, and wrong views. As an Educator, Sociologist, Philosopher, Founder of Buddhism, the Buddha is very successful in the work of building the peaceful order for the family, school, society, the country, and the world.
Thus, the meaning of Buddha's left hand index finger pointing down to the ground shows that his engaged spirit is very successful in many different areas of society. Bringing the Dharma into life and integrating it into life to help life to be more joyful and less miserable, but he is not dominated and polluted by the currents of life. Just as the lotus grows in the mud and the muddy water, but the lotus grows up healthily and unpolluted by the mud and the muddy water. Those are the characteristics of the Buddha's engaged spirit and his skiffully well-cultivated, well-learned, and well-practiced disciples.
Question 4: Dear Thầy, according to the history of Buddhism, the Buddha was born in Lumbini garden, but according to religion, he was born in the Saha world, so please help us understand more clearly about this Saha world, how is it different from the worlds mentioned in Buddhism? Do people living in this Saha realm have more favorable conditions or more adverse conditions in the practice of enlightenment?
Answer: When referring to a specific and particular place, we can understand that the Buddha was born in Lumbini garden. When referring to general places, we can understand that the Buddha appears in the Saha realm; The Saha world is the realm where we live in includes not only all living things and living beings, but also many fluctuations and chaos according to the karmic force of sentient beings manifested through the five different kinds of defilements:
a. Defilement of the period by wars, famines, violence, etc., (S. kalpa kasayah)
b. Defilement of views (drsti kasayah)
c. Defilement of afflictions (klesa kasayah)
d. Defilement of sentient beings (sattva kasayah)
e. Defilement of life (asyus kasayah)
a/ Defilement of the period by wars, famines, violence, etc, (S. kalpa kasayah) means that during the period in which people are living, there are many fluctuations and chaos that are continuous and non-stop, such as wars, natural disasters, violence, famines, etc.
b/ Defilement of views (drsti kasayah) means wrong view and wrong understanding leading to wrong thinking, wrong speech, wrong action, etc. Assuming that this body is forever healthy, forever young, forever strong, not old, etc. From wrong view, wrong understanding, wrong speech, wrong thoughts, and wrong actions, people lead to suffering for themselves and for other people.
c/ Defilement of afflictions (klesa kasayah) means living in this Saha realm, people are filled with the kinds of afflictions of greed, anger, delusion, wrong view, ignorance, etc. Because they do not practice and do not recognize the right Dharma, these types of afflictions easily lead them to unhappiness, hatred, violence, suffering, and war.
d. Defilement of sentient beings (sattva kasayah) means that people formed by the four elements and five aggregates undergo the cycles of impermanence, changing, birth, aging, illness, death, which contain many pollutions, impurities, and afflictions for the body and mind.
e/ Defilement of life (asyus kasayah) means that people's lives are short and impermanent, containing all kinds of impurities, uncleanness, and afflictions created and caused by their bodily actions, verbal actions, and mental actions.
Favorable condition is a lucky and favorable circumstance for oneself to develop and advance. However, one should not be complacent and stop one's own progress.
For example, in terms of aspects of favorable condition, when Prince Siddhartha renounced the royal life to become a familyless hermit, princess Yasodharā, his wife, supported him wholeheartedly. Thus, renunciation of the prince's royal life for his monastic life achieved satisfactorily.
Unfavorable condition of this care means that if there were not the whole support of princess Yasodharā, the prince's renunciation of the royal life will certainly not achieve. After three times the prince looked at his wife and child for the last time, at that time, the princess only needed to pinch the child Rahula, the Prince will be detected immediately.
On the other hand, the adverse condition is the circumstance of lacking convenience and luck for ourselves to develop and advance. However, if we are determined, industrious, and diligent in Dharma learning and practice, we will succeed.
For example, on the aspect of unfavorable condition, although his father, King Suddhodana, did not allow the prince to become a monk, with the mind of vowing to save lives, he left his secular life for monastic life to become a Buddha, fully enlightened One, to save sentient beings, finally, the prince was determined to be a monk and achieve the perfect enlightenment. Indeed, in the world as well as in religion, favorable conditions we do not hurry to be happy yet, and unfavorable conditions we do not hurrry to be sad yet. As long as we know how to use things intelligently, flexibly, and skillfully, we will succeed in many different areas of life. Although living in this Saha realm has many sufferings and unhappiness caused by people; nevertheless, people in this realm are easier to cultivate than people living in the heavenly realms; people in the heavenly realms are happy to enjoy sensual pleasures and are very difficult to cultivate.
However, wherever we live, the problems of favorable or unfavorable conditions are created and caused by ourselves, and no supreme god can replace ourselves. The Dhammapada Sutta, Verse 165, the Buddha has taught:
By oneself the evil is done,
by oneself one suffers;
by oneself evil is left undone,
by oneself one is purified.
Purity and impurity belong to oneself,
no one can purify another.
On the way of learning and practice, when meeting favorable condition is very good for practitioners; however, we should not rely on it, be complacent, and think that we are number one, the people around us are not as good as us. Those who think so are easily broken in the middle of the way. On the other hand, when facing unfavorable condition, we should not be discouraged to give up halfway, consider unfavorable condition as a solid springboard for us to advance. Depending on the application and handling of favorable and unfavorable conditions skillfully and flexibly, we will succeed in the daily life.
Question 5: Dear Thầy, I have a little bit of jealousy of Indian people, I often ask why the Buddha was not born in Vietnam or another country but chose India to be born. You used to study in India, so I would like to ask you to share your view of which cause and condition that Buddha chose to be born in India?
Answer: Discourse on Incredible and marvellous Dharmas (Acchariya Abbhùtadhamma Sutta) of Majhima Nikaya 123 states: “When considering the full causes and conditions, from Tusita heavenly realm, Bodhisattva Siddhartha was born under the Sorrowless tree (Ashoka) in Lumbini garden, a part of Nepal today. He is the son of holy Mother Mayadevi and King Suddhodana not only one life, but also many different lives in India.’’
We know from ancient times, Lumbini belongs to ancient India. India has a long history. In the Buddha's time, there were about 96 different, diverse, and complicated religions. India is also the place where many holy people were born, such as in Buddhism, there are Sakyamuni Buddha, whose disciples including the Honored One Sāriputta, the Honored One Moggallāna, the Honored One Ananda, Bodhisattva Nāgārjuna , Bodhisattva Bhimrao Ramji Ambedkar, etc. .; In Jainism, there was Mr. Mahavira, in the time of recently modern Hinduism, there was St. Mahatma Gandhi, etc.
There are the differences between the births of sentient beings and holy people as follows: Beings born in the world are because of karmic power while the Buddha born in the world is because of the powerful vow. Because of the powerful vow, the Buddha was born to save sentient beings. Because of karmic power, sentient beings were born to suffer the past consequences they created and caused in many previous lives.
For example, because of karmic power, people born in Somali do not have enough food, drinks, and other material means, while because of the powerful vow, volunteers from other countries go to Somali for relief, they stay at the hotel, they are not hungry and thirsty like the Somali people.
Question 6: Now, I would like to go into some forms of beliefs in Vietnam in the Buddha's Birthday season. I saw that in Hue, many big Temples organized the “parades of the flower vehicles to celebrate the Buddha's Birthday,’’ carrying the newborn baby Buddhas' statues going around the streets. Could you please let us know more about where the origin of this ritual comes from and what does this mean?
Answer: The origin of the ritual to celebrate Buddha's Birthday has originated from since holy Mother Mayadevi gave birth to Prince Siddhartha under the Sorrowless tree, in Lumbini garden, Nepal, in 624 B.C.E. To clarify this historical place, the Rummmindei stone of King Ashoka was engraved: “When Bodhisattva Siddhartha was born, King Devànampiya Piyadasi in Lumbini only took 1/8 tax for the people.’’
All Buddhist countries hold the great Buddha's Birthday Celebration, besides the Great Ceremony of the Buddha's Birthday, there are also the Great Ceremony of the Buddha's enlightenment and the Great Ceremony of the Buddha's passing away, including three important events of Buddhism organized annually in different places in the world. When the great ceremony of the Buddha Vesak celebration or other Buddhist ceremonies are solemnly and dignifiedly organized, we must depend on the country with peace, economy, education, and sustainable and stable society. Anywhere, any country has no peace, no stable economy, education, and society, the festivals of Buddhism in particular, and national festivals there in general will have never been held dignifiedly and monumentally.
Previously, Vietnamese Buddhism held the Buddha's Birthday Celebration on the 8th of lunar April, then organized the Buddha's Birthday Celebration on the Full Moon Day of lunar April. Buddhism today in Vietnam organizes the Buddha's Birthday Celebration from the 8th to the Full Moon Day of lunar April, we call the week of the Buddha's Birthday Celebration. In Western countries in general, and in the United States of America in particular, we call the season of the Buddha's Birthday Celebration. Different Temples and Dharma centers have sequentially organized the Buddha's birthday on different weekends. If everyone celebrates the Buddha's birthday together on the Full Moon Day of the Vesak month, equivalent to the Full Moon Day of May, there will not be many Buddhists to attend.
The great Triple anniversary Day of the 23rd Vesak was happily accepted by the United Nations General Assembly on December 15, 1999. We took this year 2022 - 1999 = 23 years. The great Triple anniversary Day of the Vesak is considered as the global spiritual cultural festival. In the United Nations General Assembly, there are hundreds of different countries, cultures and religions, but when they mention Sakyamuni Buddha, the peace King, the Founder of Buddhism, the path of peace, all people, including global politicians, agreed and voted the Vesak festival of Buddhism as the global spiritual cultural festival.
Indeed, in the past and in the present, different religions in the world, including local religions in Vietnam, have conflicts and religious wars. But Buddhism has never caused a religious war. These are the specific features of Buddhism, peace religion, which other religions do not have. It is because of the meaning just mentioned, Buddhism has been chosen as the peace religion with the great ceremony of the Vesak, the world spiritual cultural festival was accepted by the United Nations General Assembly and passed on December 15, 1999.
The ritual and form of bathing the newborn Buddha statue have the meaning and remind us to know that: “The whole day, the whole week, the whole month, the whole year, and the whole life, we vow not to do evil, vow to do good, vow to keep the body and mind purified through the practice and application of virtue, meditation, and wisdom to benefit ourselves and other people right in the present life."
Question 7: Dear Thầy, I think the Buddha symbolizes the purity, so he does not need the water of the world to bathe him on the occasion of the Buddha's Birthday. But the ritual of bathing the newborn Buddha is very popular at the Temples, please explain the reason, and we, Buddhists, when taking a ladle of water to bathe the newborn Buddha statue, how should we have the right mind? And are there any abstinence to pay attention?
Answer: Mahàpadana Sutta belongs to Digha Nikaya 14, Acchariya-Abbhùtadhamma Sutta belongs to Majjhima Nikāya 123, and Mahāvastu state that: “When the newborn Buddha was born, there were two streams of warm water and cool water from the air sprinkling down to bathe him.’’
Indeed, the Buddha, the perfect, pure, and purified Person, no one needs to bathe him. However, in the symbolic sense, there are two streams of cool water and warm water bathing the newborn Buddha. We know the two streams of water symbolize the favorable conditions and unfavorable conditions of life. People born in the world, grow up in the world, and achieve in the world must go through two streams of favorable conditions and unfavorable conditions of life.
When facing adversity, we do not retreat, when facing favorable circumstance, we are not complacent and dependent on it. Skillfully mastering both favorable and unfavorable circumstances, the practitioners will advance, achieve, and rise stably in life. Like the lotus in the mud and the muddy water , but it slowly rises out of the mud, in the water, across the water, and out of the water, it slowly blooms with freshness. In the same way, Bodhisattva Siddhartha lived in the world, but he was not dominated and controlled by the world, and finally, he became the perfectly and fully enlightened One. The Buddha, the perfectly awakened One, is fully enlightened, completely purified, and has eradicated the afflictions of greed, hatred, delusion, etc.
On the other hand, associated with secular people full of greed, anger, delusion, etc..., the newborn Buddha bathing ceremony symbolizes the bathing and purifying of our own bodies and minds. When bathing the Buddha, we take the first ladle of water, we silently read and vow not to do evil, take the second ladle of water, we silently read and vow to do good, take the third ladle of water, we silently read and vow to keep our bodies and minds purified.
However, during the newborn Buddha bathing ceremony if there are many people, to shorten the time for everyone, we each can take a ladle of water to bathe the newborn Buddha once and silently recite the above three vows, all of which are meaningful.
During the Buddha's birthday season, our abstentions are aware not to kill living lives, not to take what is not given, not to do sexual misconduct amd adultery, not to commit children's sexuality, not to tell lies, not to drink intoxicants, and especially not to use drugs.
Question 8: Dear Thầy, on the occasion of the Buddha's Birthday season, many Buddhists develop their minds to practice, chant, recite the Buddha's names, release living beings, become vegetarians, do charity, give alms, and make offerings. Please teach us how to celebrate Buddha's Birthday, so that it is not only full of the factors of religion and usual beliefs, but it is also full of global spiritual and cultural significance, that is, the action that corresponds to the aspiration for enlightenment, or in other words, Bodhicitta.
Answer: Be aware that the great ceremony of the Buddha's Birthday in particular, and other Buddhist festivals in general, never kill living beings while other religions have thousands and millions of turkeys and poultry animals killed. To cultivate and develop loving-kidness and compassion, in Buddhist cultural festivals, learn and practice the virtues of the Buddha's compassion, we should not have the thought of killing sentient beings. In the first moral trainings, the Buddha has taught his disciples very clearly, do not kill oneself, do not tell others to kill living beings, and not to see people kill living beings that we gladly follow.
With the above meanings, in order to maintain and protect the health of ourselves and other people, during the Buddha's Birthday season and other Buddhist festivals, we can make the vow to eat vegetarian food for one week, one month, or one year. That is the best way for the Buddha's children to release animals. Besides the above-mentioned things, we can participate in practical activities, such as helping needy families, needy students studying well, and supporting student monks and nuns studying at home or abroad, etc.
Question 9: Dear Thầy, in the history of the Buddha, when he witnessed suffering, it was when he realized the truth of life, and then, he made the vow to renounce secular life for monastic life. When he was a child, he witnessed the misery of insects in the plowing and cultivating festival (called the Field Festival), and when he became an adult, he witnessed scenes of the old, the sick, the dead. Dear Thầy, is Suffering a necessary factor to help us develop the mind to practice liberation. What do you think, we need to daily visualize the truth about suffering in life as Prince Siddhartha experienced?
Answer: In life, we know suffering is the truth, all human beings have to go through it. The truth about suffering includes physical suffering and mental suffering; bodily suffering includes birth, aging, illness, and death; mental suffering includes greed, anger, delusion, sadness, grief, ignorance, wrong views, etc... That is the true nature of human beings.
Wanting to regconize suffering and transform suffering, we have to apply and practice the right path with the eight very practical cultivation methods, value beyond time, the ability to transform the body and mind, the ability to transform afflictions, and with the ability to lead us to peacefulness and happiness right here and right now in the present life. In everyday life, the Buddha has taught us to contemplate our own true self as follows:
“I am sure to be old, I cannot escape aging.
I am sure to be sick, I cannot escape sickness.
I am sure to die, I cannot escape death.’’
We know the Buddha, the talented doctor, is capable of regconizing suffering, finding out the cause of suffering, offering methods to treat suffering, and the path leading to transforming suffering by his spiritual experience of cultivation and realization. In the same way, a good Doctor can diagnose the disease, find out the cause of the disease, give prescriptions to treat the disease, and patients themselves take the medicine prescribed by the Doctor, then the patients will quickly recover from the disease.
With contemplative meditation thinking, we can practice and contemplate that in suffering there is happiness, in affliction there is Bodhi and enlightenment, in the mud there is the lotus, in the garbage there are flowers, in the Saha realm there is pure land, etc. With wisdom, right view, and right thought, we rely on people of the five aggregates and four great elements to regconize, purify, transform greed, anger, delusion, and find peacefulness, happiness, relaxation, freedom, mindfulness, and awareness in the person itself. Leaving far away from these physical people, we do not find the substances of peacefulness and happiness. Leaving far away from the mud, we cannot find the lotus. Leaving far away from defilements, we cannot find enlightenment and Bodhi.
Through the process of cultivation, purification, and transformation of defilements, with the Middle Way capable of abandoning sensual pleasures and self-mortification, relying on this physical person, Bodhisattva Siddhartha attained the full enlightenment. Indeed, depending on people of the five aggregates and four great elements to practice and benefit ourselves and other people, we must follow the correct process, vow to practice the right path with the eight correct methods including virtue, meditation, and wisdom that are interrelated closely with right view, right thought, right speech, right action, right livelihood, right effort, right mindfulness, and right concentration right here and right now in the present life.
Question 10: Dear Thầy, in the Lotus Sutra it is said that Sakyamuni Buddha has become a Buddha for a long time, the Buddha's appearance in the Saha realm is just an incarnation and embodiment to save sentient beings? But there are also Sutra documents that say that, before he was born in the physical world, he was a bodhisattva. Thanks to proper meditation practice in this realm, he became the perfect Buddha. Could you please tell us more about these two views?
Answer: For example. At present, you are the principal of a John University in Germany. You have enough wholesome conditions to be invited by the principal of a David University in the US to teach students applied psychology. When you go to David University in the US, you are just a visiting professor, you cannot become the principal of David University in the US. If you want to become the principal of David University in the US, you have to go through the process of living in the US, trying to make legal papers to get a green card, passing the US citizenship exam, studying a few more specialized courses, and passing the high score. Being a professor for a few years there, later, you hope to become the legal principal of David University in the United States. If you do not have all those standards, then you are just the visiting professor of that university.
Likewise, although the Lotus Sutra states that: “The Buddha has been a Buddha for a long time, from the Tusita heaven to the Saha realm, Bodhisattva Siddhartha still embodies a person in the flesh and bone, including the five aggregates and four great elements as other physical people. This person must go through the four different truths of life, that is, birth, aging, sickness, and death. Recognizing these four types of truths, Bodhisattva is determined to renounce his royal family to live a familyless life. With efforts to choose the right method to practice right meditation, and finally, he has become the Buddha titled Sakyamuni under the Bodhi tree in Bodhgaya in 589 (624-35 = 589) B.C.E.’’
Since becoming the Buddha at the age of 35, propagting the Dharma for 45 years, the Buddha has preached more than 30,000 Sutras; Each Sutta includes many very effective and practical treatments. Those who give themselves the appropriate time to read, chant, think, contemplate, apply, and practice many Sutras that the Buddha taught in daily life, they can enjoy the flowers and fruits of Dharma learning, Dharma practice, Dharma understanding, Dharma joy, and Dharma happiness right now and right here in the present life.
At this point, exactly like the daily chanting sentence, we take refuge in the right Dharma, we can penetrate Sutta Pitaka, the Basket of Scriptures, our wisdom is as immense and deep as the ocean. Therefore, daily and weekly, we must recite and thoroughly understand many Sutras, then we have the full wisdom of the Buddha. On the contrary, daily, weekly, monthly, and yearly, we only recite a few Sutras, our Dharma learning and Dharma practice will certainly not be enough Buddha Dharma wisdom to respond to today's intellectuals.
Question 11: According to Tibetan Buddhist tradition, a person who incarnates Bodhisattva Avalokiteshvara is Dalai Lama has been reborn 14 times from his 1477 birth year until the present year. Why did the Buddha not return to this Saha realm to continue saving sentient beings according to his virtue and vow, but he only stated that the time of Dharma reducing will come, sentient beings will be subjected to much suffering until the day of the birth of Maitreya Buddha. Please help us to understand Sakyamuni Buddha's activities, which cause and condition will he appear again?
Answer: First, according to Tibetan Buddhist culture, Tibetans always emphasize and consider the rebirth as the top. However, in an interview with the German newspaper Welt Am Sonntag in September 2014, the 14th Dalai Lama stated that he might not be reborn and ended Dalai Lama's institution to "democratize and avoid causing bad influence later."
Second, based on the above question, we know that the right Dharma never ends, never stops, the Dharma of the Buddha has the value beyond time. Only the wrong dharma will end and stop soon, it only exists in a certain time. Indeed, the Buddha Dharma exists long or short depending on Dharma learning and Dharma practice of the World-Honored One's disciples. Therefore, we cultivate, learn, and practice the Buddha Dharma skillfully, flexibly, inteligently, diligently, and properly at the right place, at the right time, and the right object, the Buddha Dharma will last longer in the world.
Third, when having attained perfect enlightenment, the Buddha still continues to practice meditation and guide people in the Buddha realm. We do not think that when having already become the Buddha, the Buddha does not continue to practice the path of Dharma propagation to save sentient beings. That cannot happen. Therefore, the Buddha still keeps being diligent to teach sentient beings.
Chapter XVII. Description of Merits of the Lotus Sutra, Thuyết Bản Sutra of Madhyamãgama 13, and Parayana Vagga of Sutta Nipāta state that: "The successor and inheritor of Sakyamuni Buddha in the future is Maitreya Buddha."
Fourth, after Sakyamuni Buddha's passing away, the best continuation of his disciples was the continuation of the Dharma. The disciples of the Buddha follow the Dharma, study the Dharma, practice the Dharma, and apply the Dharma into the daily life to benefit themselves and other people right in the present life. Therefore, the right Dharma must have people to follow and inherit; Those who follow and inherit the right Dharma in the present are us.
The Bequeathed Teachings Sutra and Mahaparinibba Sutta of Digha Nikaya 16 state: “After the Buddha's passing away, his disciples take refuge in the right Dharma, do not take refuge in the wrong dharma; Stably taking refuge in the right Dharma is the noble Master for you; You are the followers and inheritors of the Buddha Dharma to help life more joy and less suffering.’’ Therefore, we are the disciples of the Buddha, be aware to practice and take refuge in the right Dharma, not to take refuge in material wealth and the wrong dharma, this is clearly stated in Dhammadàyàda Sutta of Majjhima Nikaya No. 3.
Fifth, we know that although the Buddha attains the perfect enlightenment, his physical body must still be old, sick, and impermanent. Although his physical body has a limited time and only lives in the world for 80 years, his bodily dharma never limits and never ends. Thus, at this point, the full causes and conditions for the Buddha to return to this world mean that all his disciples will make the vow to become those who follow, inherit, practice, and apply the Buddha Dharma diligently and well into the daily life to benefit the many right in the present life.
Question 12: Dear Thầy, since the year of 2000, the United Nations has organized a global Buddha's Birthday for the whole world, and then Buddhist countries take turns to host the organization. Each year, the International Buddha's Day disseminates the mesage of compassion, peace, and non-violence to everyone. This year, António Guterres, the ninth Secretary-General of the United Nations, sent the message, “Determined to build the peaceful life for all people on the healthy planet.” The European Unified Vietnamese Buddhist Congregation also sent the message of the Buddha's Birthday 2022, "Peace in oneself is peace in the world." On this occasion, we would like to also request you to send the Buddha's Birthday message to all Buddhists on the occasion of this year's Vesak season.
Answer: All people live in different places on this globe, whether in the name of the collective or individual, they have the same wholesome mind to want everyone, every family, everywhere, and everything to be all peaceful, joyful, and happy. Indeed, no matter what color we carry, which race, which caste, whether we are Buddhists or not Buddhists, whether we are workers, officials, or teachers, whether we live in Pagoda, at home, or work in the company or in office, when the Buddha Vesak season comes back every year, we are aware to jointly organize the Retreats of Dharma learning, review the Buddha's life, and his valuable, useful, and practical teachings to help us live our lives of authentic peace, joy, and happiness for the majority right in the present life.
As the disciples of the World-Honored One, we make the stable vow to study the Dharma, understand the Dharma, practice the Dharma, propagate the Dharma, and maintain the Dharma to contribute to benefiting peace, joy, and happiness for this world.
Question 13: The United Nations organized the Buddha Vesak Day for "praying" peace for the world, so do you think, on this year's Buddha's birthday, do the United Nations have any attitude towards the war between Russia and Ukraine?
Answer: The attitude of the Buddha's children is to learn the Dharma and practice the Dharma right from there is no a war happening yet. Do not wait for the war to happen, at that time, we can start studying the Buddha Dharma. We are aware that this earth is our common home. We must have the responsibility to protect and defend the earth peacefully and beautifully.
Only needing to practice the full Five Ethical Trainings taught by the Buddha has helped us protect the earth well. Indeed, these Five Ethical Trainings surpassed the meaning of secular studies, philosophy, and religious studies. Those who diligently cultivate, learn, practice, and apply the Five Ethical Trainings daily, can help themseves and this world to be more peaceful and less miserable right here and right now in the present life. Indeed, the body and mind have peace when we skillfully apply and practice the Dharma in everyday life, the world will have days of peace. In contrast, the body and mind have no peace when we unskillfully apply and practice the right Dharma, then the world will not easily have a day of peace.
Watching the recent world news, we know about 193 countries attending United Nations annual conferences in New York, the United States of America. We know that since the war happened between Ukraine and Russia, countries have repeatedly participated in the vote and discussed the unstable situation of these two countries. The heads of countries including the United States, France, Germany, etc., and the United Nations Secretary General António Guterres have directly made the messengers of peace, they in person came to Russia to meet President Putin and went to Ukraine to meet President Volodymyr Zelensky to discuss and find the earliest peace solution for the people of the two countries in particular, and stabilize the world order in general. But the results of the discussions of different politicians leading to peace for those two nations currently have not yet made good positive progress because they themselves are not yet capable of controlling, recognizing, overcoming, and subduing suspicion, dictatorship, greed, anger, hatred, and mutual suspicion.
As the authentic peace messengers of Buddhism, in order to contribute practical peace to the majority, we are determined to diligently study and practice the truth of Buddha and the wisdom of Buddha, namely virtue, meditation, and wisdom interrelated closely with peaceful understanding, peaceful thought, peaceful speech, peaceful action, peaceful livelihood, peaceful effort, peaceful mindfulness, and peaceful concentration. With specific, mindful, happy, and clear thoughts, words, and deeds, we vow not to do evil, vow to do good, and vow to keep the body and mind purified to benefit ourselves and other people right here and right now in the present life.
NAMO THE ORIGINAL MASTER SAKYAMUNI BUDDHAYA
We wish you all to be happily imbued with the Dharma of the World-Honored One.
https://phapnhan.org/en/the-buddha-vesak-in-culture-and-peace/
PHẬT ĐẢN TRONG VĂN HÓA VÀ HÒA BÌNH
13 câu hỏi và 13 câu trả lời dưới đây rất sâu sắc.
Ban Truyền Bá Phật Pháp Âu Châu đặt ra.
Thầy Thích Trừng Sỹ trả lời.
Talk show, ngày 19/05/2022
Thượng Tọa – Thích Trừng Sỹ
MC: PT. Thiện Thảo
Kỹ thuật viên: Nguyên Mãn
Nam Mô Lâm Tỳ Ni Viên Vô Ưu Thọ Hạ Thị Hiện Đản Sanh Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
1) GIỚI THIỆU ĐÔI NÉT VỀ GIẢNG SƯ:
Con Thiện Thảo cung kính đảnh lễ Chư Tôn Thiền Đức Tăng Ni chứng minh,
Con cung kính đảnh lễ Thượng tọa Thích Trừng Sỹ, vị khách mời đặc biệt cho buổi Talkshow hôm nay, và con cũng xin kính chào quý Đạo hữu Phật tử.
Kính chúc quý vị sức khỏe, trí tuệ và an lạc.
Kính bạch Thượng Tọa, chúng con vô cùng tri ân Thầy đã nhận lời mời của ban tổ chức và cung đón Thầy. Lần đầu tiên, Thầy đến với buổi Pháp đàm của Ban Truyền Bá giáo lý Âu Châu.
Sau đây, chúng con xin có đôi lời giới thiệu Thượng Tọa đến với thính chúng.
Thượng Tọa Đạo Hiệu Thích Trừng Sỹ.
Thầy sinh năm 1968 tại Nha Trang, Khánh Hòa, Việt Nam.
Năm 1985, thầy xuất gia tại Chùa Linh Nghĩa, và là đệ tử của Cố Trưởng Lão Hòa thượng Thích Như Tịnh, Viện Chủ khai sơn Chùa Linh Nghĩa, Diên Khánh, Khánh Hòa.
Năm 1988, Thầy thọ giới Sa di.
Năm 1993, Thầy Thọ giới lớn tại Giới Đàn Trí Thủ I tại Chùa Long Sơn, Nha Trang.
Năm 1994, Thầy tốt nghiệp Trung Cấp Phật học tại Nha Trang – khóa I, hạng nhì.
Năm 2001, Thầy tốt nghiệp Cử Nhân Phật học tại Học Viện Phật Giáo Việt Nam – Sài Gòn – khóa IV, hạng ba.
Năm 2004, Thầy tốt nghiệp Thạc Sĩ Phật học tại Đại Học Delhi, Ấn Độ – hạng nhất.
Năm 2005, Thầy tốt nghiệp Phó Tiến Sĩ Phật học tại Đại Học Delhi, hạng nhất.
Năm 2009, Thầy tốt nghiệp Tiến Sĩ Phật học tại Đại Học Delhi, hạng ưu.
Từ năm 2010 đến năm 2012, Thầy đã sống và hoằng Pháp tại Chùa Cổ Lâm, thành phố Seattle, tiểu bang Washington. Nơi đây, Thầy được trường Đại học Seattle, và Hội Giáo Viên Phật tử mời thuyết trình những đề tài Phật giáo nhiều lần.
Từ năm 2012 đến 2014, Thầy làm Giáo thọ tại Chùa Linh Sơn Austin, Leander, Texas.
Cuối năm 2014, Thầy và quý Phật tử có đủ duyên lành mua được mảnh đất và nơi đó Thầy đã thành lập ngôi Chùa Pháp Nhãn ở vùng phụ cận Austin tiểu bang Texas.
Đầu năm 2015, Thầy chính thức trụ trì cho đến ngày hôm nay. Nơi đây Thầy đã hoằng dương Phật Pháp cho những người Phật tử và không phải Phật tử tại Hoa Kỳ.
Năm 2018, Thầy đã thi đậu quốc tịch và chính thức trở thành công dân Hoa Kỳ.
Chúng con thành tâm cung kính giới thiệu đôi nét về Thượng tọa (chắp tay xá).
Kính bạch Thượng tọa, đọc qua tiểu sử của Thầy, chúng con vô cùng kính ngưỡng sự tu học của Thầy.
Trong chí nguyện hoằng Pháp, Thầy đã dành nhiều thời gian nỗ lực cho tự thân, hầu chia sẻ kinh nghiệm của mình, hướng dẫn hàng Phật tử chúng con tu tập Phật Pháp, đạt được an vui và hạnh phúc ngay trong đời sống hiện tại.
Chúng con hôm nay nguyện lắng nghe những lời chỉ dạy của Thầy trong chủ đề “PHẬT ĐẢN TRONG VĂN HÓA VÀ HÒA BÌNH,” hầu noi gương Đức Phật Thích Ca, vững bước trên đường tu tập, nguyện đem lợi lạc cho mình và cho mọi người.
THE BUDDHA VESAK IN CULTURE AND PEACE
13 questions and 13 answers below are very insightful.
Questioned by the Commission of Spreading the Dharma in Europe
Answered By Venerable Thích Trừng Sỹ
Talk Show on May 19, 2022
Senior Venerable Thích Trừng Sỹ
MC: Sister Thiện Thảo
Technician: Brother Nguyên Mãn
Pay homage to Lumbini Garden, where Sakyamuni Buddha appearing under the Sorrowless Tree.
1) Brief Introduction to Dharma Preacher:
I, Thiện Thảo, would like to respectfully pay homage to Monastic people and your presence
I would like to respectfully pay homage to Senior Venerable Thích Trừng Sỹ, a special guest for today’s Talk show, and I also welcome Buddhist friends.
We wish you all good health, wisdom, and peacefulness.
Dear the Venerable, we are extremely grateful to you accepting the invitation of the Organizing Committee and warmly welcome you. For the first time, you come to the Dharma discussion of the European Dharma Spreading Commission.
Next, we would like to have a few words to introduce the Venerable to the audience.
Senior Venerable Dharma name is Thích Trừng Sỹ
Thầy was born in 1968 in Nha Trang City, Khánh Hòa Province, Vietnam.
In 1985, Thầy has left home for monastic life at Linh Nghĩa Temple, and is an official disciple of the Most Late Venerable Master Thích Như Tịnh, the Head Monk, who founded the Linh Nghia Temple in Diên Khánh District, Khánh Hòa Province.
In 1993, Thầy was legally ordained and received higher Ordination as a Bhikkhu on the Great Precepts Transmission Ceremony of Trí Thủ I at Long Sơn Temple in Nha Trang City, Khánh Hòa Province.
In 1994, Thầy graduated with an Intermediate Buddhist Studies diploma in Nha Trang City, Khánh Hòa Province, Course I, the Second Class.
In 2001, Thầy graduated from Vietnam Buddhist University with a Bachelor’s Degree in Buddhist Studies in Sài Gòn City – Course IV, the Third Class.
In 2004, Thầy graduated from Delhi University, India, with the Master of Arts’ Degree in Buddhist Studies, the First Class.
In 2005, Thầy graduated from Delhi University, India, with a Master of Philosophy Degree in Buddhist Studies, the First Class.
In 2009, Thầy graduated from Delhi University, India, in an excellent position with a Doctor of Philosophy Degree in Buddhist Studies.
In 2012 – 2014, Thầy worked as the Dharma Teacher at Linh Sơn Temples in Austin and Leander, Texas.
At the end of 2014, Thầy and Buddhist devotees had enough good conditions to buy the land with a single home and Thầy founded and established Pháp Nhãn Temple in the vicinity of Austin, Texas.
At the beginning of 2015, Thầy has been the legal Abbot until today. There he propagated the Buddha Dharma to Buddhists and non-Buddhists in the United States of America.
In 2018, Thầy passed his citizenship exam and officially became a US citizen.
We would like to respectfully introduce a few brief words to the Venerable. (Bow)
Dear the Venerable, reading through your biography, we deeply respect your Dharma learning and Dharma practice.
In your will and vow of propagating the Dharma, you spent a lot of time making your own great effort, in order to share his experiences and guide us Buddhists to practice the Buddha Dharma and achieve peacefulness and happiness right in the present life.
Today, we vow to listen to your teachings on the topic “THE BUDDHA VESAK IN CULTURE AND PEACE,” in order to follow the perfect example of Sakyamuni Buddha, stably step on the path of cultivation, and vow to benefit ourselves and other people.
Câu hỏi 1: Kính bạch Thầy, nói đến Phật Đản là nói đến năm sinh của Đức Phật Thích Ca, và con biết là nhiều Phật tử bị nhầm lẫn trong cách tính năm sinh, bởi vì Phật lịch không tính từ ngày Phật đản. Xin Thầy có thể nhắc nhở lại cho chúng con con cách tính năm Phật lịch và năm Phật Đản như thế nào?
Trả lời: Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là Đức Phật lịch sử sinh năm 624 trước công nguyên B.C.E. (Before Christ Era). Mình lấy 624 + 2022 (năm hiện tại) = 2646; 2646 là năm sinh của Đức Phật.
Có hai cách tính Phật lịch:
1. 2646 - 80 (năm Đức Phật nhập diệt) = 2.566; 2.566 là năm Phật lịch tính từ khi Đức Phật nhập Niết-bàn.
2. 624 - 80 = 544; 544 + 2022= 2.566; 2.566 là năm Phật lịch tính từ khi Đức Phật nhập Niết-bàn.
Question 1: Dear Thầy, referring to the Buddha’s Birthday is referring to the birth year of Sakyamuni Buddha, and I know that many Buddhists are confused in the calculation of the year of his birth, because the Buddhist calendar does not count from the Buddha's birthday. Can you remind us how to calculate the year of Buddha's birthday and the year of Buddha's passing away?
Answer: Sakyamuni Buddha was the historical Buddha born in 624 B.C.E. (Before Christ Era). We take 624 + 2022 (the current year) = 2646; 2646 is the birth year of the Buddha.
There are two ways to calculate the Buddhist calendar:
1. 2646 - 80 (the year the Buddha passed away) = 2,566; 2,566 is the year of the Buddhist calendar since the Buddha entered Nirvana.
2. 624 - 80 = 544; 544 + 2022 = 2,566; 2,566 is the year of the Buddhist calendar being calculated since the Buddha entered Nirvana.
Câu hỏi 2: Kính bạch Thầy, mùa Phật Đản làm chúng con nhớ đến vườn Lâm Tì Ni nơi Phật Đản sanh, hướng Bắc Ấn Độ, thuộc địa phận Nepal ngày nay. Con có thắc mắc, tại sao trong cương vị là một thái tử, nhưng Ngài không được sanh trong cung điện của vua cha, mà lại sinh ra tại vườn Lâm Tỳ Ni cách đó 25 cây số.
Xin Thầy có thể thuật lại bối cảnh Đản sanh ngày đó như thế nào để chúng con có ấn tượng sâu hơn về sự kiện trọng đại này.
Question 2: Dear Thầy, the Buddha’s Birthday season reminds us of Lumbini garden, where the Buddha was born, the North of India, in a part of today’s Nepal. I have a question, why in the position was he a prince, but he was not born in the palace of his father, but he was born in Lumbini garden from 25 kilometers away.
Please narrate the scene of his birth at that day so that we have a deeper impression on this great event.
Trả lời: A) Trong thời xa xưa, chúng ta biết Nepal thuộc Ấn Độ. Văn hóa Ấn Độ xưa cũng như nay thuộc mẫu hệ, theo mẹ. Khi người phụ nữ có chồng sắp sinh con đầu lòng thì phải về lại cha mẹ ruột của mình để chuẩn bị cho kì sinh nở đầu tiên. Do đó, thánh Mẫu Maya cũng theo tập tục này. Khi biết sắp tới kỳ sinh con, tháp tùng với những người tùy tùng, thánh Mẫu trở về quê cha mẹ của mình cho lần sinh nở đầu tiên, nhưng giữa đường tới vườn Lâm Tỳ Ni, thánh Mẫu Maya đã hạ sinh hoàng nam được đặt tên là Tất-đạt-đa, con người toại nguyện cả đạo đức lẫn trí tuệ. Phương tiện di chuyển chính vào thời đó chỉ có xe ngựa mà thôi. Có vài sự kiện quan trọng gắn liền cuộc đời của Đức Phật:
1. Sinh ra dưới gốc cây Vô Ưu (Ashoka) ở vườn Lâm-tỳ-ni (Lumbini)
2. Thành đạo dưới gốc cây Bồ-đề (Bodhi) ở Bồ-đề-đạo-tràng (Bodhgaya)
3. Nhập diệt dưới gốc cây Ta-la (Sala) ở Câu-thi-na (Kushinagar)
4. Thuyết bài Pháp đầu tiên cho năm người cùng tu ở vườn Nai (Sanarth)
Bốn sự kiện nêu trên của cuộc đời Đức Phật đều gắn liền với môi trường thiên nhiên. Như vậy, từ xưa cho tới nay, đạo Phật luôn đề cao tới môi trường thiên nhiên rất giá trị và hữu hiệu.
Answer: A) In ancient times, we know Nepal is in India. Indian culture in the past as well as today is matrilineal, according to the mother. When a married woman is about to give birth to her first child, she must return to her biological parents to prepare for the first birth. Therefore, Holy Mother Maya also followed this custom. When she knew that the time to give her birth was coming, accompanying her entourage, the Holy Mother returned to her parents' hometown for her first birth, but on the way to Lumbini garden, the Holy Mother Maya gave birth to a son named Siddhartha, who is fully satisfied with both virtue and wisdom. The main means of transportation at that time was only horse-drawn carriages. There are a few important events associated with the Buddha’s life:
1. Being born under the Sorrowless Tree (Ashoka) in Lumbini garden
2. Obtaining perfect enlightenment under the Bodhi tree in Bodhgaya
3. Passing away under the Sala tree (Sala) in Kushinagar
4. Giving the first Dharma Sermon to a five-monk group at the Deer Park (Sanarth)
The above four events of the Buddha’s life are associated with the natural environment.
Thus, from the past to the present day, Buddhism has always promoted the natural environment very valuably and effectively.
B) Trụ đá tại Rummindei của vua A-dục khắc ghi nơi sinh và năm sinh của Đức Phật bằng tiếng Brahmi. Trụ đá ghi rằng: “Lúc Đức Phật ra đời, dân chúng ở Lâm-tỳ-ni vào thời đó chỉ đóng thuế 1/8 mà thôi. Vào tháng 12 năm 1896, tiến sĩ Alois Anton Führer, người Đức khám phá trụ đá này và nhấn mạnh rằng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, con Người lịch sử bằng xương bằng thịt, có thật trong lịch sử loài người, đã đản sinh dưới cây Vô Ưu tại vườn Lâm Tỳ Ni năm 624 trước Công nguyên.’’
Phẩm Một Người trong Kinh Tăng Chi Bộ hoặc Kinh A-hàm ghi như sau: “Một chúng sinh duy nhất, một con người phi thường, xuất hiện trên thế gian này, vì an lạc cho số đông, vì hạnh phúc cho số đông, vì an lạc và hạnh phúc cho chư thiên và loài người, chúng sinh đó chính là con người lịch sử – Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.”
B) The stone pillar at King Ashoka‘s Rummindei was inscribed with the birthplace and year of the Buddha‘s birth in Brahmi. The stone pillar was inscribed: “When the Buddha was born, people in Lumbini at that time only paid 1/8 tax. In December 1896, Dr. Alois Anton Führer, a German, discovered this stone pillar and emphasized that Sakyamuni Buddha, the historical person in the flesh and bone, was real in the human history, was born under the Sorrowless tree in Lumbini garden in 624 B.C.E.
Ekapuggalavagga of Angutara Nikaya or Agama Sutta states as follows: “A unique being, an extraordinary person, appears in this world, out of peace for the many, out of happiness for the many, out of welfare and benefit for gods and human beings, it is the historical person - Sakyamuni Buddha.’’
Những Đặc Điểm Trong Thời Kỳ Mang Thánh Thai
Trong thời gian mang thánh thai, thánh Mẫu Maya và Vua Tịnh Phạn cùng thần dân trong hoàng cung đều làm điều lành, nói điều lành, và nghĩ điều lành, cụ thể là phát nguyện ăn chay để nuôi dưỡng và phát triển tâm thức của thánh thai. Thai nhi đã ảnh hưởng trực tiếp 80% tâm thức trong sáng và thánh thiện từ người Mẹ và người Cha chỉ có 20% mà thôi qua cách đi, đứng, nằm, ngồi, ngủ nghỉ, nói năng, hành động, tiêu thụ, ăn uống, suy nghĩ, v.v... Do đó, trong khoảng thời gian mang thai, người mẹ và người cha rất là cẩn thận trong việc chăm sóc thai nhi. Chúng ta biết thai nhi của một con người bình thường ra đời được gọi là thai nhi phàm phu; thai nhi của một đức Phật ra đời được gọi là thánh thai nhi. Thật vậy, nhờ chăm sóc thánh thai nhi rất tận tình và chu đáo, khi Đức Phật sơ sinh ra đời, thánh Mẫu Maya trở thành người Mẹ ruột của Ngài.
Characteristics of the Holy Pregnant Period
During the holy pregnant time, holy Mother Mayadevi and King Suddhodana along with the people in the palace all did good things, said good things, and thought of good things, specifically vowed to have vegetarian food to nourish and develop the mind of the holy fetus. The fetus directly influenced 80% the pure and holy consciousness from the mother, and the father only 20% through the ways of walking, standing, lying, sitting, sleeping, talking, acting, consuming, eating, thinking, etc. Therefore, during pregnancy, the mother and father are very careful about taking care of the fetus. We know that the fetus of a normal human born in the world is called the secular fetus; The fetus of a Buddha born in the world is called the holy fetus. Indeed, thanks to taking care of the holy fetus very devotedly and thoughtfully, when the newborn Buddha was born, Mother Maya became his biological mother.
Câu hỏi 3: Trong những bài viết mô tả sự kiện Đản sanh của Đức Phật, mang nhiều ngôn ngữ biểu tượng, như hình ảnh con voi trắng sáu ngà nhập vào mẫu thai trong giấc mơ, hình ảnh Đức Phật sơ sinh đi 7 bước, dưới đất vọt lên 7 hoa sen đỡ chân Ngài, và hình ảnh Đức Phật đưa một ngón tay trỏ bên phải chỉ lên trời và một ngón tay trỏ bên trái chỉ xuống đất. Xin Thầy hãy giải thích cho chúng con ý nghĩa của những biểu tượng này, để chúng con thấy rõ hơn phẩm giá về con người Đức Phật mà ngôn ngữ biểu tượng đã cố gắng diễn tả phơi bày.
Question 3: In the articles describing the event of the Buddha’s birth, there are many symbolic languages, such as the image of a six-tusked white elephant entering the mother's womb in a dream, the image of the newborn Buddha walking 7 steps, on the ground rising seven lotuses to support his feet, and the image of the Buddha raised one right hand index finger pointing up to the sky and one left hand index finger pointing down to the ground. Please explain to us the meaning of these symbols, so that we can see more clearly the dignity of the person of the Buddha that the symbolic language has tried to express.
Trả lời 3: Chúng ta biết rằng, theo văn học Ấn Độ, con số 7 là con số hoàn hảo mang nhiều ý nghĩa triết học, đạo học, văn học, nhạc học, và tâm linh rất thù thắng.
a) Bảy bước chân đi trên 7 hoa sen tượng trưng cho 7 ngày từ thứ Hai tới Chủ Nhật trong một tuần.
Answer: We know according to Indian literature, the number 7 is the perfect number with many great philosophical, religious, literary, musical, and spiritual meanings.
a) Seven steps walking on 7 lotus flowers represent 7 days from Monday to Sunday in a week.
b) Bảy bước chân đi trên 7 hoa sen tượng trưng cho 7 tiến trình đạt quả giác ngộ của các bậc Thánh:
1. Tu-đà-hoàn (Sotāpanna)
2. Tư-đà-hàm (Sakadāgāmī)
3. A-na-hàm (Anāgāmī)
4. A-la-hán (Arahant)
5. Duyên-giác (pacceka-buddha)
6. Bồ-tát (Bodhisattva)
7. Đức Phật. (Buddha)
b) Seven steps walking on the 7 lotus flowers represent the 7 stages of enlightenment of holy people
1. Stream Enterers (Sotāpanna)
2. Once Returner (Sakadāgāmī)
3. Non Returner (Anāgāmī)
4. Arahant
5. Solitary Buddha (pacceka-buddha)
6. Bodhisattva
7. Buddha.
c) Bảy bước chân đi trên 7 hoa sen tượng trưng cho 7 Đức Phật:
1. Đức Phật Tỳ-bà-thi (Vipassī Buddha)
2. Đức Phật Thi-khí (Sikhin Buddha)
3. Đức Phật Tỳ-xá-phù (Visvabhu Buddha)
4. Đức Phật Câu-lưu-tôn (Krakucchanda Buddha)
5. Đức Phật Câu-na-hàm-mâu-ni (Kanakamuni Buddha)
6. Đức Phật Ca-diếp (Kassapa Buddha)
7. Đức Phật Thích-ca-mâu-ni (Sakyamuni Buddha)
c) Seven steps walking on the 7 lotus flowers represent the 7 Buddhas:
1. Vipassi Buddha
2. Sikhin Buddha
3. Visvabhu Buddha
4. Krakucchanda Buddha
5. Kanakamuni Buddha
6. Kassapa Buddha
7. Sakyamuni Buddha.
d) Bảy bước chân đi trên 7 hoa sen tượng trưng cho 7 yếu tố giác ngộ:
1. Trạch pháp (dhamma vicaya)
2. Tinh tấn (viriya)
3. Hỷ (pīti)
4. Khinh an (passadhi)
5. Niệm (saṭi)
6. Định (samādhi)
7. Xả (upekkhā).
d) Seven steps walking on the 7 lotuses represent the 7 factors of enlightenment:
1. Dharma Investigation (dhamma vicaya)
2. Effort (viriya)
3. Joy (pīti)
4. Tranquility (passadhi)
5. Mindfulness (saṭi)
6. Concentration (samādhi)
7. Equanimity (upekkhā).
e) Bảy bước chân đi trên 7 hoa sen tượng trưng cho 7 loại tài sản đặc thù của các bậc Thánh; các bậc thánh ở đây được hiểu là chúng ta, các hành giả, đệ tử của Đức Phật.
1. Tín tài (saddhādhana) là tài sản cao quý giúp chúng ta có lòng tin chân chính và sâu sắc nơi Tam Bảo.
2. Giới tài (sīladhana) là tài sản cao quý giúp chúng ta bảo hộ thân, khẩu, và ý thanh tịnh và trong sạch.
3. Tàm tài (hiridhana): Cảm giác hỗ thẹn với chính mình là tài sản cao quý đối với những điều bất thiện mà mình gây ra cho mình.
4. Quý tài (ottappadhana): Cảm giác hỗ thẹn với người khác là tài sản cao quý đối với những điều bất thiện mà mình gây ra cho họ.
5. Văn tài (sutadhana): Sự học nhiều hiểu rộng về Phật Pháp là tài sản cao quý cho những người tu học Phật tinh chuyên và chánh niệm.
6. Thí tài (cāgadhana): Trong các loại bố thí, Pháp thí là tài sản cao quý nhất giúp mọi người hiểu rõ, nhận diện, và chuyển hóa tâm tham lam, bỏn xẻn, và keo kiệt của mình.
7. Tuệ tài (paññādhana): Trí tuệ nghe, trí tuệ tu tập, và trí tuệ tư duy là tài sản cao quý giúp mọi người hiểu sâu sắc về nhân quả, vô thường, khổ, duyên sinh, duyên khởi, và Bát Thánh Đạo.
e) Seven steps walking on the 7 lotuses represent the 7 types of specific wealth of holy people; the holy people here are understood as us, the practitioners, the disciples of the Buddha.
1. The Wealth of Confidence (saddhādhana) is the noble treasure that helps us to have the right and profound confidence in the Three Jewels.
2. The Wealth of Virtue (sīladhana) is the noble treasure that helps us protect the body, speech, and mind of purity and cleanness.
3. The Wealth of Sense of Shame with oneself (hiridhana): Feeling ashamed of oneself is the noble treasure for the unwholesome things that one cause to oneself.
4. The Wealth of Sense of Shame with other people (ottappadhana): Feeling ashamed of other people is the noble treasure for the unwholesome things that we cause to other people.
5. The Wealth of Hearing (sutadhana): Extensively learing and widely understanding the Dharma are the noble treasures for those who practice Buddhist studies diligently and mindfully.
6. The Wealth of Giving (cāgadhana): In all kinds of almsgivings, Dharma giving is the noblest treasure that help people clearly understand, recognize, and transform their greed, avarice, and stinginess.
7. The Wealth of Wisdom (paññādhana): Wisdom of Dharma hearing, wisdom of Dharma practice, and wisdom of Dharma thinking are the noble treasures that help people understand deeply about cause and effect, impermanence, suffering, interdependent arising, interdependent origination, and the Noble Eightfold Path.
f) Bảy bước chân đi trên 7 hoa sen tượng trưng cho nốt nhạc có 7 ký âm:
1. Đô – Mi – Sol (Đô trưởng)
2. Rê – Fa# – La (Rê trưởng)
3. Mi – Sol# – Si (Mi trưởng)
4. Fa – La – Đô (Fa trưởng)
5. Sol – Si – Rê (Sol trưởng)
6. La – Đô# – Mi (La trưởng)
7. Si – Rê# – Fa# (Si trưởng).
f) Seven steps walking on 7 lotuses represent musical notes with the 7 syllables:
1. Do – Mi – Sol (D major)
2. Rê – Fa# – La (R major)
3. Mi – Sol# – Si (M major)
4. Fa – La – Do (Fa major)
5. Sol – Si – Re (Sol major)
6. La – Do# – Mi (La major)
7. Si – Re# – Fa# (Si major)
g) Bảy bước chân đi trên 7 hoa sen tượng trưng cho thời gian và không gian hiện hữu trong vũ trụ:
Thời gian có 3: Quá khứ, hiện tại, và vị lai.
Không gian có 4: Phương Đông, Phương Tây, Phương Nam, và Phương Bắc.
g) Seven steps walking on the 7 lotus flowers represent time and space existing in the universe:
The time has 3: The Past, the present, and the future.
The space has 4: The East, the West, the South, and the North.
Xuyên suốt thời gian và không gian hơn 26 thế kỷ qua, vì nguyện lực cứu độ chúng sinh, Đức Phật thị hiện ra đời. Các đặc điểm đặc thù của đạo Phật là không bao giờ có chiến tranh tôn giáo trong khi các tôn giáo thế giới, kể cả tôn giáo phát sinh ở Việt Nam đều đã từng xảy ra chiến tranh tôn giáo.
Đức Phật là vị Vua của hòa bình, các đệ tử của Ngài là những vị sứ giả của hòa bình. Đức Phật và các đệ tử của Ngài đều cùng nhau giảng dạy hòa bình cho thế giới trong tinh thần từ bi và bất bạo động (ahimsa). Trong điều đạo đức thứ nhất, bức thông điệp tuyên ngôn về hòa bình, Đức Phật đã dạy, đừng tự mình giết, đừng bảo người giết, đừng thấy người giết mà mình vui làm theo.
Ý nghĩa đó nói lên tinh từ, bi, trí tuệ, và đặc biệt là tinh thần hòa bình của đạo Phật. Chúng ta biết rằng nội dung chánh Pháp của đạo Phật không bao giờ dung chứa các loại phiền não, tham, sân, si, vô minh, tà kiến, bạo động, và hận thù, kể cả những điều mê tín dị đoan. Ngược lại, chánh Pháp của đạo Phật, con đường hòa bình, tương tức mật thiết với đạo đức, thiền định, và trí tuệ bao gồm cái thấy hòa bình, tư duy hòa bình, lời nói hòa bình, hành động hòa bình, nghề nghiệp mưu sinh hòa bình, nỗ lực hòa bình, nhớ nghĩ hòa bình, và tập trung hòa bình. Như vậy, khi đi đúng con đường hòa bình của đức Thế Tôn đã dạy để cùng nhau áp dụng và thực tập Phật Pháp tinh chuyên vào trong đời sống hằng ngày của mình, thì chúng ta có thể hiến tặng những hoa trái an vui và hạnh phúc đích thực cho thế gian này.
Throughout the time and space for more than 26 centuries, for the powerful vow of saving sentient beings, the Buddha appeared to be born in the world. The characteristics of Buddhism has never been a religious war while world religions, including religions born in Vietnam had ever had religious wars.
The Buddha is the King of peace, his disciples are the messengers of peace. The Buddha and his disciples all together taught peace to the world in the spirit of compassion and non-violence (ahimsa). In the first ethical trainings, the message of declaration of peace, the Buddha has taught, do not kill oneself, do not tell others to kill living beings, and do not see people kill living beings that we gladly follow.
That meaning speaks of loving-kindness, compassion, wisdom, and especially the peace spirit of Buddhism. We know that the content of the right Dharma of Buddhism never contains all kinds of afflictions, greed, anger, delusion, ignorance, wrong views, violence, and hatred, including superstitions. In contrast, the right Dharma of Buddhism, the path of peace, is interrelated very closely with virtue, meditative concentration, and wisdom including peaceful views, peaceful thoughts, peaceful words, peaceful actions, peaceful livelihood, peaceful effort, peaceful mindfulness, and peaceful concentration.
h) Kinh Thái Tử Thụy Ứng Bản Khởi CBETA bản điện tử số 185 ghi như sau:
“Khi ra đời, Đức Phật sơ sinh bước đi bảy bước; ý nghĩa của bảy bước được trình bày như sau:
h) 《太子瑞應本起經》CBETA 電子版 No. 185 states as follows:
“At birth, the newborn Buddha walks the seven steps; The meaning of the seven steps is presented as follows:
1. Bước thứ Nhất: Đức Phật nhìn về phương Đông và bảo rằng: “Phương Đông là phương mặt trời mọc, tượng trưng cho ánh sáng trí tuệ phá tan bóng tối vô minh, đưa đường chỉ lối an vui và hạnh phúc cho chúng sinh trong cuộc đời.
2. Bước thứ Hai: Đức Phật nhìn về phương Nam và bảo rằng: “Phương Nam là phương hoằng pháp, duy chuyển theo chiều kim đồng hồ, tượng trưng cho ruộng phước an lành để chúng sinh gieo trồng và gặt hái.
1. The First step: The Buddha looked to the East and said: “The East is the direction of the rising sun, representing the light of wisdom, dispelling the darkness of ignorance, and showing the way of peacefulness and happiness to sentient beings in life.’’
2. The Second step: The Buddha looked to the South and said: “The South is the direction of spreading the Dharma, moving clockwise, symbolizing the field of blessings for sentient beings to plant and reap.’’
3. Bước thứ Ba: Đức Phật nhìn về phương Tây và bảo rằng: “Phương Tây là phương mặt trời lặn, tượng trưng cho sự an tịnh và chân hạnh phúc. Sự sinh đã tận, hạnh thánh đã thành, những gì làm đã làm xong, không còn trở lui trạng thái sinh tử này nữa.’’
4. Bước thứ tư: Đức Phật nhìn về phương Bắc và bảo rằng: “Phương Bắc là phương thành tựu, đạt thành chánh giác hoàn hảo.’’
3. The Third step: The Buddha looked to the West and said: “The West is the direction of the setting sun, symbolizing peace and true happiness. Birth has ended, holy conduct has been accomplished, what has been done is done, there is no more going back to this samsara state.’’
4. The Fourth step: The Buddha looked to the North and said: “The North is the direction of achievement, reaching the perfect enlightenment.’’
5. Bước thứ Năm: Đức Phật nhìn lên phương Trên và bảo rằng: “Phương Trên là phương hướng thượng, vươn lên, thăng tiến, đạt được, và thành tựu các việc lành để giáo hóa chúng sanh, chuyển hóa mọi phiền não mê lầm, cùng đi trên đường chánh, làm lợi lạc quần sanh.’’
6. Bước thứ Sáu: Đức Phật nhìn xuống phương Dưới và bảo rằng: “Phương Dưới là phương đi vào cuộc đời, thực hành Bồ-tát hạnh, Bồ-tát nguyện, và Bồ-tát đạo, hòa nhập vào đời để cứu độ chúng sinh, chuyển hóa, và thanh lọc các phiền não tham, sân, si, v.v...’’
5. The Fifth step: The Buddha looked up to the direction Above and said: “The direction Above is the upper direction, rising, promoting, achieving, and accomplishing good deeds to teach sentient beings, transform all delusional afflictions, jointly traveling on the right path to benefit living things and living beings.’’
6. The Sixth step: The Buddha looked down to the direction Below and said: “The direction Below is the direction to go into life, practice the conduct of Bodhisattva, the vow of Bodhisattva, and the path of Bodhisattva, integrate into life to save sentient beings, transform, and purify afflictions of greed, anger, delusion, etc.’’
7. Cuối cùng, bước thứ Bảy: Bằng hình ảnh rõ ràng và dễ thấy, khi ra đời, Đức Phật sơ sinh chỉ một ngón tay trỏ bên phải lên trời và một ngón tay trỏ bên trái xuống đất, Ngài tuyên bố rằng: “Trong cõi nhân gian này, con người là tôn quý. Trải qua nhiều lần sinh tử, Ta đạt giác ngộ viên mãn và thành Phật, đây là kiếp sống cuối cùng của ta.’’
Qua ý nghĩa này, chúng ta biết tất cả các tôn giáo đa thần và tôn giáo nhất thần đều cho rằng: “Thượng Đế hay Phạm Thiên là là trên hết.’’ Con người trong các tôn giáo đó ở vị trí thứ yếu và thấp kém trong khi đó con người trong đạo Phật được đề cao là trên hết, là tối thắng. Theo sự tưởng tượng và nắn tạo do con người đặt ra, mọi người đều biết “Thượng đế chưa từng có thật trong lịch sử con người ở thế gian này.’’
Theo sự tương tức, duyên khởi, và duyên sinh, con người năm uẩn và bốn đại là có thật. Nương vào con người bằng xương bằng thịt này để tu tập, để hướng thượng và hướng thiện. Lìa con người này, chúng ta không bao giờ tìm ra sự giác ngộ trong con người chính nó.
7. Finally, the Seventh step: With the clear and visible image, when born, the newborn Buddha pointed one right hand index finger up to the sky and one left hand index finger down to the ground, the Buddha said: “In the realm of this world, human beings are noble. Experiencing many lives and deaths, I attain the perfect enlightenment and become the Buddha, this is my last life.’’
Through this meaning, we know that all polytheistic and monotheistic religions think: “God or Brahma is above all.” People in those religions are in the secondary and inferior position while people in Buddhism are promoted as being above all, being supreme. According to the imagination and shaping created by a person, everyone knows that “God has never been real in human history in this world.” According to inter-being, interdependent arising, and interdependent origination, people of five aggregates and four elements are real. Relying on people in the flesh and bone to practice, to direct to the upper direction and good direction, leaving these people, we never find enlightenment in the people themselves.
Thật vậy, bằng tư duy thiền quán, chúng ta biết rằng trong con người phàm có con người thánh, trong bùn có sen, trong phiền não có Bồ-đề, trong khổ đau có hạnh phúc. Nhận diện con người thánh trong con người phàm, nhận diện sen trong bùn, Bồ-đề trong phiền não, và hạnh phúc trong khổ đau, con người khéo tu tập Phật Pháp thuần thục có khả năng đạt tới giác ngộ và giải thoát ngay trong hiện đời. Như vậy, ở điểm này, đạo Phật nhấn mạnh rằng: “Con người tỉnh thức và giác ngộ hoàn hảo là con người tối thắng.’’
Mặc khác, hình ảnh ngón tay trỏ bên phải của Đức Phật chỉ lên trời và hình ảnh ngón tay trỏ bên trái của Ngài chỉ xuống đất có ý nghĩa tổng quát là hướng bên Trên thì Đức Phật thành tựu được những điều tốt đẹp trong cuộc đời và hướng bên Dưới thì Ngài có tinh thân dấn thân và phụng sự nhân sinh bằng cách áp dụng và thực hành những điều tốt đẹp để làm lợi ích cho tự thân và cho tha nhân ngay trong đời sống hiện tại.
Indeed, by the thinking of contemplative meditation, we know that in secular people with holy people, in the mud with lotus, in defilement with Bodhi, in suffering with happiness. Recognizing holy people in secular people, recognizing the lotus in the mud, Bodhi in affliction, and happiness in suffering, well-trained people, who practice the Buddha Dharma maturely, have the ability to achieve enlightenment and liberation right in the present life. Thus, at this point, Buddhism emphasizes: “The fully awakened and enlightened people are supreme human beings.’’
On the other hand, the image of the Buddha’s right hand index finger pointing up to the sky and the image of his left hand index finger pointing down to the ground have the general meaning that the direction Above, he achieved good things in life, and the direction Below, he had the engaged spirit and served human beings by applying and practicing good things to benefit oneself and other people right in the present life.
1. Ngón tay trỏ bên phải chỉ lên trời có nghĩa là hướng thuận duyên, sau khi Đức Phật thị hiên sinh ra trong đời, lớn lên trong đời, và thành tựu trong cuộc đời, Ngài đều phải trải nghiệm qua nhiều thời gian, không gian, nơi chốn khác nhau một cách siêng năng, tinh tấn, và chánh niệm để nỗ lực tu học tới nơi tới chốn, có tinh thần vươn lên, hướng thượng và hướng thiện, và thành tựu tốt đẹp những gì Ngài mong muốn.
Thật vậy, Bồ-tát Tất-đạt -đa, sinh ra ở dưới gốc cây Vô-ưu tại vườn Lâm-tỳ-ni, lớn lên, sống đời sống hoàng cung ở Ca-tỳ-la-vệ, từ giả đời sống hoàng cung để tìm cầu chân lý. Cuối cùng, Ngài đã giác ngộ viên mãn và thành Phật hiệu là Thích Ca Mâu Ni dưới cội Bồ-đề ở Bồ-đề-đạo-tràng.
1. The right hand index finger pointing up to the sky means the direction of favorable condition, after the Buddha, who appeared to be born in the world, grew up in the world, and achieved in the world, had to go through many different times, spaces, and places diligently, effortfully, and mindfully to strive to study completely, to have the spirit of rising up, the upper and good direction, and to achieve very well what he desired.
Indeed, Prince Siddhartha, who was born under the Sorrowless (Ashoka) Tree in Lumbini garden, grew up to live a royal life in Kapilavatva, renounced the royal life to seek the truth. Finally, he attained the perfect enlightenment and became the Buddha titled Sakyamuni under the Bodhi tree in Bodhgaya.
2. Ngón tay trỏ bên trái chỉ xuống đất có nghĩa là hướng nhập thế, sau khi Đức Phật sơ sinh thị hiện sinh ra trong đời, lớn lên trong đời, và thành tựu trong cuộc đời, Ngài đều phải trải nghiệm qua các thời gian, không gian, và nơi chốn khác nhau một cách siêng năng, tinh tấn, và chánh niệm để nỗ lực tu học tới nơi tới chốn, có tinh thần phụng sự, dấn thân, đem đạo vào đời để giúp đời thêm vui bớt khổ.
2. The left hand index finger pointing down to the ground means the direction of entering life, after the Buddha, who apeared to be born in this world, grew up in the world, and achieved in the world, had to go through different times, spaces, and different places diligently, effortfully, and mindfully to strive to cultivate and study completely, to have the engaged spirit of serving human beings, and bring the Dharma into life to help life add more joy and less suffering.
Sau khi giác ngộ viên mãn, Đức Phật quyết định đi tới Vườn Nai, Sarnath để nói Pháp cho nhóm 5 người tu sĩ, bao gồm Añña Koṇḍañña, nói Pháp cho 55 vị thương gia giàu có, bao gồm Ông Da-xá, gia đình Da-xá, và bạn bè Ông Da-xá, nói Pháp cho 3 anh em Kassapa, những vị giáo chủ của đạo thờ lửa, bao gồm khoảng 1.200 vị đệ tử của họ, và sau đó, Đức Phật nói Pháp cho vua Bimbisara, vua Pasenadi, vua Ajatasattu, v.vv... Họ là những nhà thương gia, những nhà tôn giáo học, những nhà triết học, những nhà chính trị, v.vv... Tất cả đều trở thành đệ tử của Đức Thế Tôn.
After his full enlightenment, the Buddha decided to walk to Deer Park, Sarnath to speak the Dharma to a group of five monks, including Añña Koṇḍañña, to speak the Dharma to the fifty five wealthy merchants, including Mr. Yasa, whose family and friends, to speak the Dharma to the three Kassapa brothers, the religious leaders of the fire worshipers, including about 1,200 of their disciples, and then the Buddha spoke the Dharma to King Bimbisara, King Pasenadi, King Ajatasattu, etc. They were merchants, religionists, philosophers, politicians, etc. All became disciples of the World-Honored One.
Như vậy, chúng ta thấy con đường hoằng Pháp của Đức Phật rất là hiệu quả và thiết thực bởi vì muốn được nhiều thành phần khác nhau trong xã hội quan tâm tới Phật Pháp, trước hết Đức Phật, nhà hoằng Pháp rất tuệ giác, khéo léo, và tuyệt vời, luôn quan tâm tới các thành phần có nhiều vị trí quan trọng trong xã hội. Thật vậy, chỉ cần chúng ta hướng dẫn thành công một trong những hạng người có vị trí cao trong xã hội, thì chúng ta có thể hướng dẫn hàng ngàn, hàng triệu người có vị trí thấp trong xã hội.
Thus, we see that the Buddha's way of spreading the Dharma is very effective and practical because in order to want many different sections of society to pay attention to the Buddha's teachings, first of all, the Buddha, the Dharma Preacher, who is very skillful and wonderful, always cares about people with many important positions in society. Indeed, as long as we successfully guide one of the high-ranking people in society, we can guide thousands and millions of low-ranking people in society.
Chúng ta biết rằng các nhóm những nhà hoằng Pháp là những giáo viên và giảng viên chăm lo giáo dục và hướng dẫn cho quần chúng. Các nhóm những nhà thương gia là những người chăm lo cái bao tử của xã hội. Các nhóm những nhà lãnh đạo tôn giáo là những người chăm lo đời sống tinh thần cho xã hội. Các nhóm những nhà lãnh đạo chính trị là những người chăm lo hòa bình cho đất nước. Các nhóm những nhà làm truyền thông, truyền hình, và báo chí thông qua Youtube, Facebook, Twitter, Zoom, v.v..., là những người chăm lo đưa tin nhanh và rộng rãi đến quần chúng trong xã hội.
We know that the groups of Dharma propagating preachers are teachers and lecturers who take care of educating and guiding the many. The groups of merchant people are those who take care of the stomachs of society. The groups of religious leaders are those who take care of the spiritual life for the society. The groups of political leaders are those who take care of the peace for the country. The groups of people who do media, television, and journalism through Youtube, Facebook, Twitter, Zoom, etc. are those who take care of spreading news quickly and widely to many people in society.
Như vậy, cách giáo dục và hoằng Pháp của Đức Phật rất khéo léo và tài tình. Ngài giáo hóa và giảng dạy những người có vị trí cao trong xã hội rất là thành công. Sau đó, Ngài tiếp tục giáo hóa những người bình dân trong xã hội. Ngày nay, chúng ta chỉ cần làm theo một phần nhỏ của con đường hoằng Pháp của Đức Phật, thì chúng ta sẽ thành công góp phần đưa đạo Phật đi vào đời một cách hiệu quả. Nếu chúng ta chỉ quan tâm tới việc hướng dẫn những người già, người bệnh, người chết, và những người tu khép kín và đóng khung, vv... thì Phật Pháp sẽ không dễ hòa nhập vào xã hội quần chúng. Tuy nhiên, những hạng người này, chúng ta vẫn nên quan tâm và không bỏ họ.
Thus, the way the Buddha taught and propagated the Dharma was very skillful and ingenious. He educated and taught high-ranking people in society very successfully. After that, he continued to educate ordinary people in society. Today, we only need to follow a small part of the Buddha's way of propagating the Dharma, we will successfully contribute to bringing Buddhism into life effectively. If we only care about guiding the elderly, the sick, the dead, and those who are closed and framed cultivators, etc., the Buddha Dharma will not easily be integrated into society of people. However, these types of people, we should still care about and do not leave them.
Thật vậy, con đường hoằng dương chánh Pháp và cứu độ chúng sinh trong suốt 45 năm, Đức Phật, vị Vua chánh Pháp, thuyết giảng chân lý khổ đau, phương pháp tu tập và chuyển hóa khổ đau, con đường hòa bình, và giúp con người hiểu rõ các gốc rễ và nguyên nhân chiến tranh xảy ra là do chính lòng tham lam, sân giận, hận thù, vô minh, ghi kỵ, và tà kiến của con người gây ra. Là Nhà giáo dục, Nhà xã hội học, Nhà triết học, Nhà khai sáng đạo Phật, Đức Phật rất thành công trong công việc xây dựng trật tự an lạc cho gia đình, học đường, xã hội, quốc gia, và thế giới.
Indeed, the path of propagating the Dharma and saving sentient beings for 45 years, the Buddha is the right Dharma King who preaches the truth of suffering, the methods of cultivation and transformation of suffering, the path of peace, and helps people clearly understand that the root and cause of war is created by human greed, anger, hatred, ignorance, jealousy, and wrong views. As an Educator, Sociologist, Philosopher, Founder of Buddhism, the Buddha is very successful in the work of building the peaceful order for the family, school, society, the country, and the world.
Như vậy, ý nghĩa ngón tay trỏ bên trái chỉ xuống đất của Đức Phật nói lên tinh thần nhập thế của Ngài rất thành công trong nhiều lãnh vực khác nhau trong xã hội. Đem đạo vào đời và hòa nhập vào đời để giúp đời thêm vui bớt khổ, nhưng Ngài không bị dòng đời làm chi phối và ô nhiễm. Như sen mọc trong bùn nhơ và nước đục, nhưng sen vẫn mọc vươn lên tươi tốt và không bị bùn nhơ và nước đục làm ô nhiễm. Đó là những điểm đặc thù trong tinh thần nhập thế của Đức Thế Tôn và các vị đệ tử khéo tu, khéo học, và khéo thực hành của Ngài.
Thus, the meaning of Buddha's left hand index finger pointing down to the ground shows that his engaged spirit is very successful in many different areas of society. Bringing the Dharma into life and integrating it into life to help life to be more joyful and less miserable, but he is not dominated and polluted by the currents of life. Just as the lotus grows in the mud and the muddy water, but the lotus grows up healthily and unpolluted by the mud and the muddy water. Those are the characteristics of the Buddha's engaged spirit and his skiffully well-cultivated, well-learned, and well-practiced disciples.
Câu hỏi 4: Kính bạch Thầy, theo lịch sử Phật giáo, thì đức Phật hạ sanh tại vườn Lâm Tỳ Ni, nhưng theo tôn giáo thì Ngài hạ sanh ở cõi Ta Bà, như vậy xin Thầy giúp chúng con hiểu hơn về thế giới Ta Bà này, khác với những thế giới được nói đến trong đạo Phật như thế nào? Người sống trong cõi Ta Bà này, có nhiều thuận duyên hơn hay nhiều nghịch duyên hơn trong việc tu tập giác ngộ?
Question 4: Dear Thầy, according to the history of Buddhism, the Buddha was born in Lumbini garden, but according to religion, he was born in the Saha world, so please help us understand more clearly about this Saha world, how is it different from the worlds mentioned in Buddhism? Do people living in this Saha realm have more favorable conditions or more adverse conditions in the practice of enlightenment?
Trả lời: Khi đề cập tới một nơi chốn cụ thể và riêng biệt, chúng ta có thể hiểu Đức Phật ra đời ở tại vườn Lumbini. Khi đề cập tới nơi chốn chung chung, thì chúng ta có thể hiểu Đức Phật thị hiện ở cõi Ta-bà; Cõi Ta-bà là cõi chúng ta đang sống không những bao gồm muôn sự muôn vật, mà còn bao gồm nhiều biến động và hỗn loạn theo nghiệp lực của chúng sinh biểu hiện qua 5 loại trược khác nhau:
a. Kiếp trược (S. Kalpa kasayah)
b. Kiến trược (drsti kasayah)
c. Phiền não trược. (asyus kasayah)
d. Chúng sanh trược (klesa kasayah)
e. Mạng trược. (sattva kasayah)
Answer: When referring to a specific and particular place, we can understand that the Buddha was born in Lumbini garden. When referring to general places, we can understand that the Buddha appears in the Saha realm; The Saha world is the realm where we live in includes not only all living things and living beings, but also many fluctuations and chaos according to the karmic force of sentient beings manifested through the five different kinds of defilements:
a. Defilement of the period by wars, famines, violence, etc., (S. kalpa kasayah)
b. Defilement of views (drsti kasayah)
c. Defilement of afflictions (klesa kasayah)
d. Defilement of sentient beings (sattva kasayah)
e. Defilement of life (asyus kasayah)
a/ Kiếp trược (S. kalpa kasayah) có nghĩa là trong khoảng thời gian con người đang sống có nhiều biến động và hỗn loạn liên tục không dừng, như chiến tranh, thiên tai, bạo động, nạn đói, v.v...
a/ Defilement of the period by wars, famines, violence, etc, (S. kalpa kasayah) means that during the period in which people are living, there are many fluctuations and chaos that are continuous and non-stop, such as wars, natural disasters, violence, famines, etc.
b/ Kiến trược (drsti kasayah) có nghĩa là cái thấy sai lầm và cái hiểu sai lầm dẫn tới sự tư duy sai lầm, lời nói sai lầm, hành động sai lầm, v.vv... Cho rằng thân này là khỏe mãi, trẻ mãi, mạnh mãi, không già, v.vv... Từ cái thấy sai lầm, cái hiểu sai lầm, lời nói sai lầm, ý nghĩ sai lầm, và hành động sai lầm, con người đưa tới khổ mình và khổ người khác.
b/ Defilement of views (drsti kasayah) means wrong view and wrong understanding leading to wrong thinking, wrong speech, wrong action, etc. Assuming that this body is forever healthy, forever young, forever strong, not old, etc. From wrong view, wrong understanding, wrong speech, wrong thoughts, and wrong actions, people lead to suffering for themselves and for other people.
c/ Phiền não trược (klesa kasayah) có nghĩa là sống trong cõi Ta-bà này, con người tràn ngập các loại phiền não tham, sân, si, tà kiến, vô minh, v.vv... Vì họ không tu tập, không nhận diện chánh Pháp, nên các loại phiền não này dễ dàng đưa họ tới bất hạnh, hận thù, bạo động, khổ đau, và chiến tranh.
c/ Defilement of afflictions (klesa kasayah) means living in this Saha realm, people are filled with the kinds of afflictions of greed, anger, delusion, wrong view, ignorance, etc. Because they do not practice and do not recognize the right Dharma, these types of afflictions easily lead them to unhappiness, hatred, violence, suffering, and war.
d. Chúng sinh trược (sattva kasayah) có nghĩa là con người do bốn đại và năm uẩn hình thành trải qua các chu kỳ vô thường, biến đổi, sanh, già, bệnh, chết, chất chứa nhiều ô uế, bất tịnh, và phiền não cho thân tâm.
d. Defilement of sentient beings (sattva kasayah) means that people formed by the four elements and five aggregates undergo the cycles of impermanence, changing, birth, aging, illness, death, which contain many pollutions, impurities, and afflictions for the body and mind.
e. Mạng trược (Asyus kasayah) có nghĩa là đời sống của con người ngắn ngủi, và vô thường tích chứa các loại bất tịnh, ô uế, và phiền não do thân nghiệp, khẩu nghiệp, và ý nghiệp của họ tạo tác và gây ra.
e/ Defilement of life (asyus kasayah) means that people's lives are short and impermanent, containing all kinds of impurities, uncleanness, and afflictions created and caused by their bodily actions, verbal actions, and mental actions.
Thuận duyên là hoàn cảnh thuận lợi và may mắn cho mình phát triển và vươn lên. Tuy nhiên, mình đừng tự mãn và ngăn bước tiến bộ của chính mình.
Ví dụ, về khía cạnh thuận duyên, khi thái tử Tất-đạt-đa từ bỏ đời sống hoàng gia đi tu và trở thành một ẩn sĩ không nhà, công chúa Da-du-đà-ra, hiền thê của ngài, ủng hộ ngài hết lòng. Do đó, việc từ giã hoàng gia đi tu của thái tử đã thành tựu tốt đẹp.
Favorable condition is a lucky and favorable circumstance for oneself to develop and advance. However, one should not be complacent and stop one's own progress.
For example, in terms of aspects of favorable condition, when Prince Siddhartha renounced the royal life to become a familyless hermit, princess Yasodharā, his wife, supported him wholeheartedly. Thus, renunciation of the prince's royal life for his monastic life achieved satisfactorily.
Nghịch duyên trong trường hợp này có nghĩa là nếu không có sự ủng hộ hết lòng của công chúa Da-du-đà-ra, thì việc đi tu của thái tử chắc chắn sẽ không thành tựu. Sau ba lần thái tử nhìn vợ và con lần chót, lúc đó, Công chúa chỉ cần nhéo đứa con La-hầu-la, thì thái tử sẽ bị bắt liền.
Unfavorable condition of this care means that if there were not the whole support of princess Yasodharā, the prince's renunciation of the royal life will certainly not achieve. After three times the prince looked at his wife and child for the last time, at that time, the princess only needed to pinch the child Rahula, the Prince will be detected immediately.
Mặc khác, nghịch duyên là hoàn cảnh thiếu thuận lợi và thiếu may mắn cho mình phát triển và vươn lên. Tuy nhiên, nếu mình quyết tâm, siêng năng, và tinh tấn tu học Phật Pháp, thì mình sẽ thành công.
On the other hand, the adverse condition is the circumstance of lacking convenience and luck for ourselves to develop and advance. However, if we are determined, industrious, and diligent in Dharma learning and practice, we will succeed.
Ví dụ, về khía cạnh nghịch duyên, mặc dù vua cha Tịnh-phạn không cho phép thái tử đi tu, nhưng với tâm nguyện cứu đời, đi tu để thành Phật, và đi tu để đạt thành chánh giác, và để cứu độ chúng sinh, cuối cùng, thái tử quyết tâm đi tu, đạt thành giác ngộ viên mãn.
Thực vậy, ở đời cũng như ở đạo, thuận duyên chúng ta chưa vội là mừng, và nghịch duyên chúng ta chưa vội là buồn. Miễn là chúng ta biết cách vận dụng mọi việc một cách thông minh, uyển chuyển, và khéo léo, thì chúng ta sẽ thành công trong nhiều lãnh vực khác nhau của cuộc đời. Mặc dầu sống trong cõi Ta-bà này có nhiều khổ đau và bất hạnh do con người tạo tác và gây ra; tuy nhiên, con người ở cõi này dễ tu tập hơn con người sống ở cõi chư thiên; con người ở cõi chư thiên sung sướng hưởng thụ dục lạc thì rất là khó tu.
For example, on the aspect of unfavorable condition, although his father, King Suddhodana, did not allow the prince to become a monk, with the mind of vowing to save lives, he left his secular life for monastic life to become a Buddha, fully enlightened One, to save sentient beings, finally, the prince was determined to be a monk and achieve the perfect enlightenment. Indeed, in the world as well as in religion, favorable conditions we do not hurry to be happy yet, and unfavorable conditions we do not hurrry to be sad yet. As long as we know how to use things intelligently, flexibly, and skillfully, we will succeed in many different areas of life. Although living in this Saha realm has many sufferings and unhappiness caused by people; nevertheless, people in this realm are easier to cultivate than people living in the heavenly realms; people in the heavenly realms are happy to enjoy sensual pleasures and are very difficult to cultivate.
Tuy nhiên, sống ở bất cứ nơi nào, các vấn đề thuận duyên hay nghịch duyên là do chính mình tạo tác và gây ra, không có một đấng thần linh tối cao nào có thể thay thế được chính mình. Kinh Pháp Cú, kệ số 165, Đức Phật dạy rằng:
"Tự mình, làm điều ác,
Tự mình, làm nhiễm ô,
Tự mình, ác không làm,
Tự mình, làm thanh tịnh.
Thanh tịnh, không thanh tịnh
đều do tự chính mình,
Không ai thanh tịnh ai."
However, wherever we live, the problems of favorable or unfavorable conditions are created and caused by ourselves, and no supreme god can replace ourselves. The Dhammapada Sutta, Verse 165, the Buddha has taught:
By oneself the evil is done,
by oneself one suffers;
by oneself evil is left undone,
by oneself one is purified.
Purity and impurity belong to oneself,
no one can purify another.
Trong lộ trình tu học, khi gặp thuận duyên là rất tốt cho hành giả; tuy nhiên, chúng ta đừng ỷ lại, tự mãn, và cho rằng ta là số một, những người chung quanh ta không giỏi bằng ta. Những ai nghĩ như vậy là dễ bị gãy gánh giữa đường. Mặc khác, khi gặp nghịch duyên, chúng ta đừng vội nãn chí bỏ cuộc giữa chừng, hãy xem nghịch duyên là bàn đạp vững chắc cho ta thăng tiến. Tùy theo sự ứng dụng và sử lý thuận duyên và nghịch duyên một cách khéo léo và uyển chuyển thì chúng ta sẽ thành công trong cuộc sống hằng ngày.
On the way of learning and practice, when meeting favorable condition is very good for practitioners; however, we should not rely on it, be complacent, and think that we are number one, the people around us are not as good as us. Those who think so are easily broken in the middle of the way. On the other hand, when facing unfavorable condition, we should not be discouraged to give up halfway, consider unfavorable condition as a solid springboard for us to advance. Depending on the application and handling of favorable and unfavorable conditions skillfully and flexibly, we will succeed in the daily life.
Câu hỏi 5: Kính bạch Thầy, con hơi có một chút ganh tị với người Ấn Độ, con thường hỏi rằng, tại sao Đức Phật không hạ sanh tại Việt Nam, hay nước khác mà lại chọn Ấn Độ hạ sanh. Thầy từng du học tại Ấn Độ, nên con xin thỉnh Thầy chia sẻ cái nhìn của Thầy về nhân duyên nào mà Đức Phật chọn hạ sanh tại Ấn Độ?
Question 5: Dear Thầy, I have a little bit of jealousy of Indian people, I often ask why the Buddha was not born in Vietnam or another country but chose India to be born. You used to study in India, so I would like to ask you to share your view of which cause and condition that Buddha chose to be born in India?
Trả lời: Kinh Hy Hữu Vị Tằng Hữu Pháp (Kinh Dạy về Các Pháp Hy Hữu và Vi Diệu - Acchariya Abbhùtadhamma Sutta) thuộc Kinh Trung Bộ (Majjhima Nikaya) số 123 ghi rằng: “Khi xét thấy đầy đủ nhân duyên, từ cõi trời Đao-lợi (Tusita), Bồ-tát Tất-đạt-đa ra đời dưới cây Vô-Ưu tại vườn Lâm-tỳ-ni, một phần của nước Nepal ngày nay. Ngài là con của vua Tịnh Phạn và Thánh mẫu Maya không chỉ một đời, mà còn nhiều đời khác nhau tại đất nước Ấn Độ.’’
Chúng ta biết rằng từ thời xa xưa, Lâm-tỳ-ni thuộc nước Ấn Độ cổ đại. Ấn Độ có lịch sử rất lâu dài. Trong thời Phật, có khoảng 96 tôn giáo khác nhau, đa dạng, và phức tạp. Ấn Độ cũng là nơi có nhiều vị Thánh nhân ra đời, như là trong Phật giáo có Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, các đệ tử của Đức Phật gồm có Xá-lợi-Phất (Sāriputta), Mục-kiền-liên (Moggallāna), A-nan, Bồ-tát Long-thọ (Nāgārjuna), Bồ-tát Bhimrao Ramji Ambedkar, vv...; trong đạo Kỳ-na giáo, có Ông Mahavira, trong thời Ấn Độ giáo cận đại có thánh Mahatma Gandhi, v.vv...
Có sự khác biệt giữa sự ra đời của các chúng sinh và các vị thánh nhân như sau: Chúng sinh ra đời là vì nghiệp lực trong khi đó Đức Phật ra đời là vì nguyện lực. Vì nguyện lực, Đức Phật ra đời để cứu độ chúng sinh. Vì nghiệp lực, chúng sinh ra đời để gánh chịu những hậu quả quá khứ mà họ tạo tác và gây ra trong nhiều đời trước.
Ví dụ cụ thể, vì nghiệp lực, con người sanh ra ở đất nước Somali không đủ thức ăn, thức uống, và các phương tiên vật chất khác trong khi đó vì nguyện lực, những người tình nguyện từ các quốc gia khác đi tới Somali để cứu trợ, họ ở khách sạn, họ không bị đói khát như những người dân Somali.
Answer: Discourse on Incredible and marvellous Dharmas (Acchariya Abbhùtadhamma Sutta) of Majhima Nikaya 123 states: “When considering the full causes and conditions, from Tusita heavenly realm, Bodhisattva Siddhartha was born under the Sorrowless tree (Ashoka) in Lumbini garden, a part of Nepal today. He is the son of holy Mother Mayadevi and King Suddhodana not only one life, but also many different lives in India.’’
We know from ancient times, Lumbini belongs to ancient India. India has a long history. In the Buddha's time, there were about 96 different, diverse, and complicated religions. India is also the place where many holy people were born, such as in Buddhism, there are Sakyamuni Buddha, whose disciples including the Honored One Sāriputta, the Honored One Moggallāna, the Honored One Ananda, Bodhisattva Nāgārjuna , Bodhisattva Bhimrao Ramji Ambedkar, etc. .; In Jainism, there was Mr. Mahavira, in the time of recently modern Hinduism, there was St. Mahatma Gandhi, etc.
There are the differences between the births of sentient beings and holy people as follows: Beings born in the world are because of karmic power while the Buddha born in the world is because of the powerful vow. Because of the powerful vow, the Buddha was born to save sentient beings. Because of karmic power, sentient beings were born to suffer the past consequences they created and caused in many previous lives.
For example, because of karmic power, people born in Somali do not have enough food, drinks, and other material means, while because of the powerful vow, volunteers from other countries go to Somali for relief, they stay at the hotel, they are not hungry and thirsty like the Somali people.
Câu hỏi 6: Bây giờ, con xin đi vào một vài hình thức tín ngưỡng tại Việt Nam nhân mùa Phật Đản. Con thấy ở Huế, rất nhiều Chùa lớn tổ chức “Diễu hành xe hoa kính mừng Phật Đản,’’ chở tượng Phật Đản sanh đi khắp phố phường. Xin Thầy có thể cho chúng con biết thêm nguồn gốc của nghi thức này từ đâu mà có và hình thức này mang ý nghĩa gì?
Question 6: Now, I would like to go into some forms of beliefs in Vietnam in the Buddha's Birthday season. I saw that in Hue, many big Temples organized the “parades of the flower vehicles to celebrate the Buddha's Birthday,’’ carrying the newborn baby Buddhas' statues going around the streets. Could you please let us know more about where the origin of this ritual comes from and what does this mean?
Trả lời: Nguồn gốc của nghi thức đón mừng Phật Đản có nguồn gốc từ khi thánh Mẫu Mayadevi sinh ra thái tử Tất-đạt-đa dưới gốc cây Vô Ưu, ở vườn Lumbini, Nepal, năm 624 trước công nguyên. Để làm rõ điển tích này, trụ đá Rummindei của vua A-dục khắc ghi: “Khi Bồ-tát Tất-đạt-đa ra đời, vị vua Devànampiya Piyadasi ở xứ Lumbini chỉ lấy thuế 1/8 cho dân chúng.’’
Answer: The origin of the ritual to celebrate Buddha's Birthday has originated from since holy Mother Mayadevi gave birth to Prince Siddhartha under the Sorrowless tree, in Lumbini garden, Nepal, in 624 B.C.E. To clarify this historical place, the Rummmindei stone of King Ashoka was engraved: “When Bodhisattva Siddhartha was born, King Devànampiya Piyadasi in Lumbini only took 1/8 tax for the people.’’
Tất cả các nước theo đạo Phật đều tổ chức kính mừng Đại Lễ Phật Đản, bên cạnh đại Lễ Phật Đản, còn có đại lễ Phật thành đạo và đại lễ Phật nhập Niết-bàn, gồm ba sự kiện quan trọng của Phật giáo được tổ chức hằng năm ở các nơi khác nhau trên thế giới. Khi đại lễ Phật Đản hay những đại lễ khác của Phật giáo được tổ chức trang nghiêm và long trọng, chúng ta phải tùy thuộc vào đất nước có hòa bình, có nền kinh tế, giáo dục, và xã hội bền vững và ổn định. Bất cứ nơi nào, quốc gia nào không có hòa bình, không có nền kinh tế, giáo dục, và xã hội ổn định, thì các lễ hội của Phật giáo nói riêng và các lễ hội dân tộc ở nơi đó nói chung sẽ không bao giờ tổ chức long trọng và hoành tráng.
All Buddhist countries hold the great Buddha's Birthday Celebration, besides the Great Ceremony of the Buddha's Birthday, there are also the Great Ceremony of the Buddha's enlightenment and the Great Ceremony of the Buddha's passing away, including three important events of Buddhism organized annually in different places in the world. When the great ceremony of the Buddha Vesak celebration or other Buddhist ceremonies are solemnly and dignifiedly organized, we must depend on the country with peace, economy, education, and sustainable and stable society. Anywhere, any country has no peace, no stable economy, education, and society, the festivals of Buddhism in particular, and national festivals there in general will have never been held dignifiedly and monumentally.
Trước đây, đạo Phật Việt Nam tổ chức đại lễ Phật Đản vào ngày Mùng 8 tháng tư âm lịch, sau đó, tổ chức đại lễ Phật Đản vào ngày Rằm tháng tư. Đạo Phật ngày nay ở Việt Nam tổ chức Phật Đản từ ngày Mùng 8 tháng 4 tới ngày Rằm tháng tư âm lịch, ta gọi là tuần lễ Phật Đản.
Ở các nước Phương Tây nói chung, và ở Hòa Kỳ nói riêng, ta gọi là mùa kính mừng Đại Lễ Phật Đản. Các Chùa và Đạo tràng khác nhau tuần tự tổ chức đại lễ Phật Đản ở những ngày cuối tuần khác nhau. Nếu mọi người cùng nhau tổ chức đại lễ Phật Đản vào ngày Rằm trăng tròn tháng Vesak, tương đương ngày Rằm trăn tròn tháng Năm dương lịch, thì sẽ không có nhiều quý Phật tử đồng hương tham dự.
Previously, Vietnamese Buddhism held the Buddha's Birthday Celebration on the 8th of lunar April, then organized the Buddha's Birthday Celebration on the Full Moon Day of lunar April. Buddhism today in Vietnam organizes the Buddha's Birthday Celebration from the 8th to the Full Moon Day of lunar April, we call the week of the Buddha's Birthday Celebration. In Western countries in general, and in the United States of America in particular, we call the season of the Buddha's Birthday Celebration. Different Temples and Dharma centers have sequentially organized the Buddha's birthday on different weekends. If everyone celebrates the Buddha's birthday together on the Full Moon Day of the Vesak month, equivalent to the Full Moon Day of May, there will not be many Buddhists to attend.
Ngày đại lễ Tam Hợp Vesak lần thứ 23 được Đại Hội Đồng Liên Hợp Quốc hoan hỷ chấp nhận vào ngày 15 tháng 12 năm 1999. Ta lấy năm nay 2022 – 1999 = 23 năm. Ngày đại lễ Tam Hợp Vesak được xem như lễ hội Văn Hóa tâm linh toàn cầu. Trong Đại Hội Đồng Liên Hợp Quốc, có hàng trăm quốc gia, văn hóa, tôn giáo khác nhau, nhưng khi họ đề cập tới Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, vị Vua hòa bình, Người sáng lập ra đạo Phật, con đường hòa bình, thì tất cả mọi người trong đó có các nhà chính trị toàn cầu đều đồng ý và bầu chọn lễ hội Vesak của Phật giáo là một lễ hội văn hóa tâm linh toàn cầu.
The great Triple anniversary Day of the 23rd Vesak was happily accepted by the United Nations General Assembly on December 15, 1999. We took this year 2022 - 1999 = 23 years. The great Triple anniversary Day of the Vesak is considered as the global spiritual cultural festival. In the United Nations General Assembly, there are hundreds of different countries, cultures and religions, but when they mention Sakyamuni Buddha, the peace King, the Founder of Buddhism, the path of peace, all people, including global politicians, agreed and voted the Vesak festival of Buddhism as the global spiritual cultural festival.
Thật vậy, xưa và nay, các tôn giáo khác nhau trên thế giới, kể cả các tôn giáo địa phương ở Việt Nam, đều có sự xung đột và chiến tranh tôn giáo. Nhưng đạo Phật không bao giờ gây ra một chiến tranh tôn giáo. Đây là những điểm đặc thù của đạo Phật, tôn giáo hòa bình, mà các tôn giáo khác không có. Chính vì ý nghĩa vừa nêu, đạo Phật được chọn là tôn giáo hòa bình có đại lễ Vesak, lễ hội văn hóa tâm linh thế giới được Đại Hội Đồng Liên Hợp Quốc chấp nhận và thông qua ngày 15 tháng 12 năm 1999.
Nghi thức và hình thức tắm Phật sơ sinh đều có ý nghĩa và nhắc nhủ cho mình biết rằng: “Trọn ngày, trọn tuần, trọn tháng, trọn năm, và trọn cả đời, mình nguyện không làm điều ác, nguyện làm các việc lành, nguyện giữ thân tâm trong sạch qua việc thực tập và áp dụng đạo đức, thiền định, và trí tuệ để đem lại lợi ích cho tự thân và cho tha nhân ngay trong cuộc sống hiện tại.’’
Indeed, in the past and in the present, different religions in the world, including local religions in Vietnam, have conflicts and religious wars. But Buddhism has never caused a religious war. These are the specific features of Buddhism, peace religion, which other religions do not have. It is because of the meaning just mentioned, Buddhism has been chosen as the peace religion with the great ceremony of the Vesak, the world spiritual cultural festival was accepted by the United Nations General Assembly and passed on December 15, 1999.
The ritual and form of bathing the newborn Buddha statue have the meaning and remind us to know that: “The whole day, the whole week, the whole month, the whole year, and the whole life, we vow not to do evil, vow to do good, vow to keep the body and mind purified through the practice and application of virtue, meditation, and wisdom to benefit ourselves and other people right in the present life."
Câu hỏi 7: Kính bạch Thầy, con nghĩ rằng Đức Phật tượng trưng cho sự thanh tịnh, như vậy Ngài đâu cần nước của thế gian tắm gội lên Ngài nhân ngày Phật Đản. Nhưng nghi thức tắm Phật rất phổ biến tại các chùa, xin Thầy có thể giải thích lý do, và hàng Phật tử chúng con, khi múc gáo nước tắm Phật sơ sinh, chúng con nên có tâm niệm như thế nào cho đúng? và có những điều gì kiêng cử cần chú ý hay không?
Question 7: Dear Thầy, I think the Buddha symbolizes the purity, so he does not need the water of the world to bathe him on the occasion of the Buddha's Birthday. But the ritual of bathing the newborn Buddha is very popular at the Temples, please explain the reason, and we, Buddhists, when taking a ladle of water to bathe the newborn Buddha statue, how should we have the right mind? And are there any abstinence to pay attention?
Trả lời: Kinh Đại bổn (mahàpadàna Sutta) thuộc Kinh Trường Bộ 14, Kinh Hy Hữu Vị Tằng Hữu Pháp (acchariya-abbhùtadhamma Sutta) thuộc Kinh Trung Bộ 123, và Bộ Đại sự (mahāvastu) ghi rằng: “Khi Đức Phật sơ sinh ra đời, có hai dòng nước ấm và nước mát từ trên không trung rưới xuống để tắm cho Ngài.’’
Answer: Mahàpadana Sutta belongs to Digha Nikaya 14, Acchariya-Abbhùtadhamma Sutta belongs to Majjhima Nikāya 123, and Mahāvastu state that: “When the newborn Buddha was born, there were two streams of warm water and cool water from the air sprinkling down to bathe him.’’
Thật vậy, Đức Phật, con người toàn hảo, trong sạch, và thanh tịnh không cần ai tắm. Tuy nhiên, theo ý nghĩa biểu tượng, có hai dòng nước mát và nước ấm tắm cho đức Phật sơ sinh. Chúng ta biết hai dòng nước tượng trưng cho thuận duyên và nghịch duyên của cuộc đời. Con người sinh ra trong đời, lớn lên trong đời, và thành tựu trong cuộc đời đều phải trải qua hai dòng nghịch duyên và thuận duyên của cuộc đời.
Khi gặp nghịch cảnh, ta không thoái lui, khi gặp thuận cảnh, ta không tự mãn và ỷ lại. Khéo làm chủ cả thuận cảnh và nghịch cảnh, hành giả sẽ thăng tiến, thành tựu, và vươn lên vững chãi trong cuộc đời. Như hoa sen trong bùn nhơ và nước đục, nhưng sen từ từ vươn lên khỏi bùn, trong nước, ngang mặt nước, và ra khỏi mặt nước, nó từ từ nở hoa tươi mát. Cũng vậy, Bồ-tát Tất-đạt-đa sống trong đời, nhưng Ngài không bị đời chế ngự và chi phối, và cuối cùng, Ngài trở thành con người giác ngộ hoàn hảo và viên mãn. Đức Phật, con Người tỉnh thức, giác ngộ viên mãn, hoàn toàn thanh tịnh, và đoạn tận các phiền não tham, sân, si, vv...
Indeed, the Buddha, the perfect, pure, and purified Person, no one needs to bathe him. However, in the symbolic sense, there are two streams of cool water and warm water bathing the newborn Buddha. We know the two streams of water symbolize the favorable conditions and unfavorable conditions of life. People born in the world, grow up in the world, and achieve in the world must go through two streams of favorable conditions and unfavorable conditions of life.
When facing adversity, we do not retreat, when facing favorable circumstance, we are not complacent and dependent on it. Skillfully mastering both favorable and unfavorable circumstances, the practitioners will advance, achieve, and rise stably in life. Like the lotus in the mud and the muddy water , but it slowly rises out of the mud, in the water, across the water, and out of the water, it slowly blooms with freshness. In the same way, Bodhisattva Siddhartha lived in the world, but he was not dominated and controlled by the world, and finally, he became the perfectly and fully enlightened One. The Buddha, the perfectly awakened One, is fully enlightened, completely purified, and has eradicated the afflictions of greed, hatred, delusion, etc.
Mặt khác, liên tưởng tới con người phàm phu đầy dẫy tham, sân, si, vv..., lễ tắm Phật sơ sinh tượng trưng cho việc tắm rửa và thanh lọc thân và tâm của chính mình. Khi tắm Phật, múc gáo nước thứ nhất, mình thầm đọc và nguyện không làm các việc ác, múc gáo nước thứ hai, mình thầm đọc và nguyện làm các việc lành, múc gáo nước thứ ba, mình thầm đọc và nguyện thanh lọc thân tâm mình trong sạch.
Tuy nhiên, trong buổi lễ tắm Phật nếu có đông người, để rút ngắn thời gian cho mọi người, mỗi người chúng ta có thể múc một gáo nước tắm Phật sơ sinh một lần và thầm đọc ba lời nguyện trên đều mang đầy đủ ý nghĩa.
Trong mùa đại lễ Phật Đản, những điều cấm kỳ của mình là ý thức không được sát sinh, không được lấy của không cho, không được sống tà hạnh và ngoại tình, không được xâm phạm tình dục của trẻ em, không được nói dối, không được uống các chất say, và đặc biệt là không được sử dụng các xì ke ma túy.
On the other hand, associated with secular people full of greed, anger, delusion, etc..., the newborn Buddha bathing ceremony symbolizes the bathing and purifying of our own bodies and minds. When bathing the Buddha, we take the first ladle of water, we silently read and vow not to do evil, take the second ladle of water, we silently read and vow to do good, take the third ladle of water, we silently read and vow to keep our bodies and minds purified.
However, during the newborn Buddha bathing ceremony if there are many people, to shorten the time for everyone, we each can take a ladle of water to bathe the newborn Buddha once and silently recite the above three vows, all of which are meaningful.
During the Buddha's birthday season, our abstentions are aware not to kill living lives, not to take what is not given, not to do sexual misconduct amd adultery, not to commit children's sexuality, not to tell lies, not to drink intoxicants, and especially not to use drugs.
Câu hỏi 8 :Bạch Thầy, nhân mùa Phật Đản, nhiều Phật tử phát tâm tu tập, tụng kinh, niệm Phật, phóng sanh, ăn chay, làm từ thiện, bố thí, và cúng dường. Xin Thầy chỉ dạy chúng con, nên đón mừng ngày Phật Đản như thế nào, để không chỉ hội đủ những yếu tố tôn giáo và tín ngưỡng thông thường, mà còn mang ý nghĩa văn hóa và tâm linh toàn cầu, nghĩa là việc làm tương ưng chí nguyện giác ngộ, hay nói khác hơn là Bồ Đề Tâm.
Question 8: Dear Thầy, on the occasion of the Buddha's Birthday season, many Buddhists develop their minds to practice, chant, recite the Buddha's names, release living beings, become vegetarians, do charity, give alms, and make offerings. Please teach us how to celebrate Buddha's Birthday, so that it is not only full of the factors of religion and usual beliefs, but it is also full of global spiritual and cultural significance, that is, the action that corresponds to the aspiration for enlightenment, or in other words, Bodhicitta.
Trả lời: Ý thức rằng đại lễ Phật Đản nói riêng, và các lễ hội khác của Phật giáo nói chung, không bao giờ giết hại chúng sinh trong khi đó các lễ hội của các tôn giáo khác có hàng ngàn và hàng triệu con gà tây và con thú gia cầm bị giết. Để nuôi dưỡng và phát triển tâm từ bi, trong các lễ hội văn hóa Phật giáo, học và thực hành theo hạnh từ bi của Đức Phật, chúng ta đừng có ý niệm sát hại chúng sinh. Trong điều đạo đức thứ nhất, Đức Phật dạy các đệ tử rất rõ, không tự mình giết, không bảo người giết chúng sinh, và không thấy người giết chúng sinh mà mình vui mừng theo.
Với những ý nghĩa nêu trên, để giữ gìn và bảo vệ sức khỏe cho tự thân và cho tha nhân, trong mùa đại lễ Phật Đản và các mùa lễ hội khác của Phật giáo, mình có thể phát nguyện ăn chay một tuần, một tháng, hoặc một năm. Đó là cách phóng sanh tốt nhất của những người con Phật. Bên cạnh các việc vừa được nêu trên, mình có thể tham gia các việc làm thiết thực, như giúp những gia đình khó khăn, những sinh viên khó khăn học giỏi, và ủng hộ những Tăng Ni sinh viên đang tu học trong nước hay ở nước ngoài, v.vv...
Answer: Be aware that the great ceremony of the Buddha's Birthday in particular, and other Buddhist festivals in general, never kill living beings while other religions have thousands and millions of turkeys and poultry animals killed. To cultivate and develop loving-kidness and compassion, in Buddhist cultural festivals, learn and practice the virtues of the Buddha's compassion, we should not have the thought of killing sentient beings. In the first moral trainings, the Buddha has taught his disciples very clearly, do not kill oneself, do not tell others to kill living beings, and not to see people kill living beings that we gladly follow.
With the above meanings, in order to maintain and protect the health of ourselves and other people, during the Buddha's Birthday season and other Buddhist festivals, we can make the vow to eat vegetarian food for one week, one month, or one year. That is the best way for the Buddha's children to release animals. Besides the above-mentioned things, we can participate in practical activities, such as helping needy families, needy students studying well, and supporting student monks and nuns studying at home or abroad, etc.
Câu hỏi 9: Kính bạch Thầy, trong lịch sử của Đức Phật, những lúc Ngài chứng kiến cảnh khổ chính là lúc ngài nhận ra sự thật cuộc đời, rồi phát chí nguyện xuất gia. Khi còn nhỏ Ngài từng chứng kiến cảnh khốn khổ côn trùng trong lễ hội cày cấy (gọi là lễ Hạ Điền), đến khi trưởng thành, ngài chứng kiến các cảnh người già - bệnh - chết.
Bạch Thầy, có phải KHỔ là yếu tố cần thiết để giúp mình phát tâm tu tập giải thoát. Thầy nghĩ sao, chúng con cần hằng ngày quán tưởng sự thật về khổ trong cuộc đời như Thái tử Tất Đạt Đa đã trải qua?
Question 9: Dear Thầy, in the history of the Buddha, when he witnessed suffering, it was when he realized the truth of life, and then, he made the vow to renounce secular life for monastic life. When he was a child, he witnessed the misery of insects in the plowing and cultivating festival (called the Field Festival), and when he became an adult, he witnessed scenes of the old, the sick, the dead. Dear Thầy, is Suffering a necessary factor to help us develop the mind to practice liberation. What do you think, we need to daily visualize the truth about suffering in life as Prince Siddhartha experienced?
Trả lời: Trong cuộc đời, chúng ta biết rằng khổ là một sự thật, con người đều phải trải qua. Chân lý về khổ bao gồm khổ thân và khổ tâm; khổ thân gồm có sinh, già, bệnh, và chết; khổ tâm gồm có tham, sân, si, sầu, bi, vô minh, tà kiến, vv... Đó là bản chất sự thật của con người.
Muốn nhận diện khổ và chuyển hóa khổ thì chúng ta phải áp dụng và thực tập con đường chân chánh có tám phương pháp tu tập rất thiết thực hiện tại, có giá trị vượt thoát thời gian, có khả năng chuyển hóa thân tâm, có khả năng chuyển hóa các phiền não, và có khả năng đưa tới an lạc và hạnh phúc ngay bây giờ và ở đây trong cuộc sống hiện tại. Trong cuộc sống hàng ngày, Đức Phật dạy cho chúng ta quán chiếu con người thật của chính mình như sau:
“Con thế nào cũng phải già nua, con không thể nào tránh khỏi sự già nua này.
Con thế nào cũng phải bệnh, con không thể nào tránh khỏi cái bệnh này.
Con thế nào cũng phải chết, con không thể nào tránh khỏi cái chết này.”
Thật vậy, Đức Phật, vị bác Sĩ tài năng, có khả năng nhận diện khổ đau, tìm ra nguyên nhân khổ đau, đưa ra phương pháp để trị liệu khổ đau, và con đường đưa tới chuyển hóa khổ đau bằng sự trải nghiệm tâm linh tu học và thực chứng của Ngài. Cũng vậy, vị Bác sĩ giỏi có thể chẩn đoán được bệnh, tìm ra nguyên nhân của bệnh, đưa ra toa để trị bệnh, và bệnh nhân chính họ uống thuốc theo toa của Bác sĩ, thì bệnh nhân mới nhanh chóng lành bệnh.
Answer: In life, we know suffering is the truth, all human beings have to go through it. The truth about suffering includes physical suffering and mental suffering; bodily suffering includes birth, aging, illness, and death; mental suffering includes greed, anger, delusion, sadness, grief, ignorance, wrong views, etc... That is the true nature of human beings.
Wanting to regconize suffering and transform suffering, we have to apply and practice the right path with the eight very practical cultivation methods, value beyond time, the ability to transform the body and mind, the ability to transform afflictions, and with the ability to lead us to peacefulness and happiness right here and right now in the present life. In everyday life, the Buddha has taught us to contemplate our own true self as follows:
“I am sure to be old, I cannot escape aging.
I am sure to be sick, I cannot escape sickness.
I am sure to die, I cannot escape death.’’
We know the Buddha, the talented doctor, is capable of regconizing suffering, finding out the cause of suffering, offering methods to treat suffering, and the path leading to transforming suffering by his spiritual experience of cultivation and realization. In the same way, a good Doctor can diagnose the disease, find out the cause of the disease, give prescriptions to treat the disease, and patients themselves take the medicine prescribed by the Doctor, then the patients will quickly recover from the disease.
Với tư duy thiền quán, mình có thể tu tập và quán chiếu rằng trong khổ đau có hạnh phúc, trong phiền não có Bồ-đề - giác ngộ, trong bùn có sen, và trong rác có hoa, trong cõi Ta-bà có cõi tịnh độ, vv... Với tuệ giác, chánh kiến, và chánh tư duy, mình nương vào con người năm uẩn và bốn đại để nhận diện, thanh lọc, chuyển hóa tham, sân, si, và tìm thấy chất an, chất lạc, thảnh thơi, tự tại, chánh niệm, và tĩnh giác trong con người chính nó. Rời xa con người vật lý này ra, thì chúng ta không tìm thấy các chất liệu an vui và hạnh phúc. Lìa bùn ra, mình không thể tìm thấy sen. Lìa phiền não ra, mình không thể tìm thấy giác ngộ và Bồ-đề.
Qua quá trình tu tập, thanh lọc, và chuyển hóa phiền não, với con đường Trung Đạo có khả năng xa lìa tham đắm dục lạc và khổ hạnh ép xác, nương vào con người vật lý này, Bồ-tát Tất-đạt-đa đã đạt thành giác ngộ viên mãn. Thật vậy, nương vào con người năm uẩn và bốn đại để tu tập và làm lợi ích cho tự thân và cho tha nhân, chúng ta phải làm theo đúng quy trình, nguyện thực hành con đường chánh có tám phương pháp đúng gồm có đạo đức, thiền định, và trí tuệ tương tức mật thiết với chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, và chánh định ngay bây giờ và ở đây trong cuộc sống hiện tại.
With contemplative meditation thinking, we can practice and contemplate that in suffering there is happiness, in affliction there is Bodhi and enlightenment, in the mud there is the lotus, in the garbage there are flowers, in the Saha realm there is pure land, etc. With wisdom, right view, and right thought, we rely on people of the five aggregates and four great elements to regconize, purify, transform greed, anger, delusion, and find peacefulness, happiness, relaxation, freedom, mindfulness, and awareness in the person itself. Leaving far away from these physical people, we do not find the substances of peacefulness and happiness. Leaving far away from the mud, we cannot find the lotus. Leaving far away from defilements, we cannot find enlightenment and Bodhi.
Through the process of cultivation, purification, and transformation of defilements, with the Middle Way capable of abandoning sensual pleasures and self-mortification, relying on this physical person, Bodhisattva Siddhartha attained the full enlightenment. Indeed, depending on people of the five aggregates and four great elements to practice and benefit ourselves and other people, we must follow the correct process, vow to practice the right path with the eight correct methods including virtue, meditation, and wisdom that are interrelated closely with right view, right thought, right speech, right action, right livelihood, right effort, right mindfulness, and right concentration right here and right now in the present life.
Câu hỏi 10: Kính bạch Thầy, trong kinh Pháp Hoa có nói rằng Đức Phật Thích Ca đã thành Phật từ lâu rồi, việc đức Phật thị hiện ở cõi Ta Bà chỉ là hoá thân và hiện thân để cứu độ chúng sanh? Nhưng cũng có các tài liệu Kinh điển cho rằng, trước khi hạ sanh cõi trần, Ngài là một vị Bồ Tát. Nhờ tu tập thiền định đúng đắn ở cõi này, nên Ngài thành Phật viên mãn. Xin Thầy cho chúng con hiểu thêm về 2 cái nhìn này?
Question 10: Dear Thầy, in the Lotus Sutra it is said that Sakyamuni Buddha has become a Buddha for a long time, the Buddha's appearance in the Saha realm is just an incarnation and embodiment to save sentient beings? But there are also Sutra documents that say that, before he was born in the physical world, he was a bodhisattva. Thanks to proper meditation practice in this realm, he became the perfect Buddha. Could you please tell us more about these two views?
Trả lời: Ví dụ, hiện tại, bạn là hiệu trưởng của trường đại học JOHN ở Đức. Bạn có đủ duyên lành được vị hiệu trưởng của trường đại học DAVID ở Mỹ mời bạn giảng dạy môn tâm lý học ứng dụng cho các vị sinh viên. Khi bạn tới trường đại học DAVID ở Mỹ, bạn chỉ là một vị giáo Sư thỉnh giảng mà thôi, bạn không thể nào trở thành vị hiệu trưởng trường đại học DAVID ở Mỹ. Nếu bạn muốn trở thành hiệu trưởng trường đại học DAVID ở Mỹ, bạn phải trải qua quá trình sống ở Mỹ, nỗ lực làm giấy tờ để lấy thẻ xanh, thi đậu quốc tịch Hoa Kỳ, học thêm vài khóa chuyên nghành, và thi đạt điểm cao. Làm giáo sư vài năm ở đó, thì sau này, bạn mới hy vọng trở thành vị hiệu trưởng hợp pháp của trường đại học DAVID ở Hoa Kỳ. Nếu bạn chưa có đủ các tiêu chuẩn kia, thì bạn chỉ là giáo sư thỉnh giảng của trường đại học đó mà thôi.
Answer: For example. At present, you are the principal of a John University in Germany. You have enough wholesome conditions to be invited by the principal of a David University in the US to teach students applied psychology. When you go to David University in the US, you are just a visiting professor, you cannot become the principal of David University in the US. If you want to become the principal of David University in the US, you have to go through the process of living in the US, trying to make legal papers to get a green card, passing the US citizenship exam, studying a few more specialized courses, and passing the high score. Being a professor for a few years there, later, you hope to become the legal principal of David University in the United States. If you do not have all those standards, then you are just the visiting professor of that university.
Cũng vậy, mặc dù Kinh Pháp Hoa ghi rằng: “Đức Phật thành Phật đã lâu, nhưng từ cung trời Đâu-xuất tới cõi Ta-bà này, Bồ-tát Tất-đạt-đa vẫn hiện thân là con người bằng xương bằng thịt bao gồm năm uẩn và bốn đại như những con người vật lý khác. Con người này phải trải qua bốn loại sự thật khác nhau của cuộc đời, đó là sinh, già, bệnh, và chết. Nhận diện bốn loại sự thật này, Bồ-tát quyết tâm từ bỏ gia đình hoàng cung sống đời sống không gia đình. Với nỗ lực chọn phương pháp đúng để tu tập thiền định đúng, và cuối cùng, Ngài thành Phật hiệu là Thích Ca Mâu Ni ở dưới cội cây Bồ-đề ở Bodhgaya năm 589 (624-35 = 589) năm trước công nguyên.’’
Từ khi thành Phật ở tuổi 35, hoằng dương chánh Pháp suốt 45 năm, Đức Phật thuyết giảng hơn 30 ngàn bài Kinh; mỗi bài Kinh bao gồm nhiều phương pháp trị bệnh rất hữu hiệu và thiết thực. Những ai dành cho mình thời gian thích hợp đọc, tụng, tư duy, quán chiếu, áp dụng, và thực hành nhiều bài Kinh của Đức Phật dạy vào trong đời sống hàng ngày, thì chính họ có thể thưởng thức được các hoa trái của Pháp học, Pháp hành, Pháp hiểu, Pháp hỷ, và Pháp lạc ngay bây giờ và ở đây trong cuộc sống hiện tại.
Ở điểm này, đúng như câu đọc tụng hằng ngày, con về nương tựa chánh Pháp, con có thể thâm nhập Kinh tạng, trí tuệ của con được ví rộng sâu như biển cả. Do đó, hàng ngày và hàng tuần, chúng ta phải đọc tụng và thấu hiểu nhiều bài Kinh, thì chúng ta mới có đầy đủ tuệ giác của Phật. Ngược lại, hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng, và hàng năm, chúng ta chỉ đọc tụng một vài bài Kinh, thì Pháp học và Pháp hành của chúng ta chắn chắn sẽ không đủ tuệ giác Phật Pháp để đáp ứng cho giới trí thức ngày nay.
Likewise, although the Lotus Sutra states that: “The Buddha has been a Buddha for a long time, from the Tusita heaven to the Saha realm, Bodhisattva Siddhartha still embodies a person in the flesh and bone, including the five aggregates and four great elements as other physical people. This person must go through the four different truths of life, that is, birth, aging, sickness, and death. Recognizing these four types of truths, Bodhisattva is determined to renounce his royal family to live a familyless life. With efforts to choose the right method to practice right meditation, and finally, he has become the Buddha titled Sakyamuni under the Bodhi tree in Bodhgaya in 589 (624-35 = 589) B.C.E.’’
Since becoming the Buddha at the age of 35, propagting the Dharma for 45 years, the Buddha has preached more than 30,000 Sutras; Each Sutta includes many very effective and practical treatments. Those who give themselves the appropriate time to read, chant, think, contemplate, apply, and practice many Sutras that the Buddha taught in daily life, they can enjoy the flowers and fruits of Dharma learning, Dharma practice, Dharma understanding, Dharma joy, and Dharma happiness right now and right here in the present life.
At this point, exactly like the daily chanting sentence, we take refuge in the right Dharma, we can penetrate Sutta Pitaka, the Basket of Scriptures, our wisdom is as immense and deep as the ocean. Therefore, daily and weekly, we must recite and thoroughly understand many Sutras, then we have the full wisdom of the Buddha. On the contrary, daily, weekly, monthly, and yearly, we only recite a few Sutras, our Dharma learning and Dharma practice will certainly not be enough Buddha Dharma wisdom to respond to today's intellectuals.
Câu hỏi 11: Theo truyền thống Phật giáo Tây Tạng, vị hoá thân của Bồ Tát Quán Thế Âm là ngài Đạt Lai Lạt Ma đã tái sanh 14 lần để độ sinh từ năm 1477 đến nay. Tại sao đức Phật không trở lại cõi Ta bà này để tiếp tục cứu độ chúng sinh theo hạnh nguyện của Ngài, mà Ngài chỉ tuyên bố rằng thời mạt pháp sẽ đến, chúng sanh chịu nhiều đau khổ cho đến ngày đức Phật Di Lặc đản sanh. Xin Thầy có thể giúp chúng con hiểu được sự hành hoạt của Đức Phật Thích Ca, nhân duyên nào thì Ngài mới thị hiện trở lại?
Question 11: According to Tibetan Buddhist tradition, a person who incarnates Bodhisattva Avalokiteshvara is Dalai Lama has been reborn 14 times from his 1477 birth year until the present year. Why did the Buddha not return to this Saha realm to continue saving sentient beings according to his virtue and vow, but he only stated that the time of Dharma reducing will come, sentient beings will be subjected to much suffering until the day of the birth of Maitreya Buddha. Please help us to understand Sakyamuni Buddha's activities, which cause and condition will he appear again?
Trả lời: Thứ nhất, theo văn hóa Phật giáo Tây Tạng, người Tây Tạng luôn nhấn mạnh và coi trọng việc tái sinh lên hàng đầu. Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn tờ báo Đức Welt am Sonntag tháng 9.2014, Đạt-lai Lạt-ma thứ 14 tuyên bố rằng, Ngài có thể sẽ không tái sinh và chấm dứt thiết chế Đạt-lai Lạt-ma để “dân chủ hóa và tránh gây ảnh hưởng xấu về sau.”
Thứ hai, dựa vào câu hỏi nêu trên, chúng ta biết rằng chánh Pháp không bao giờ mạt và không bao giờ kết thúc, chánh Pháp của Phật có giá trị vượt thoát thời gian. Chỉ có tà pháp mới mạt và mới chấm dứt sớm, nó chỉ tồn tại trong thời gian nhất định mà thôi. Thật vậy, Phật Pháp tồn tại dài hay ngắn là tùy thuộc vào Pháp học và Pháp hành của các đệ tử của Đức Thế Tôn. Do đó, chúng ta tu học và thực hành Phật Pháp khéo léo, uyển chuyển, thông minh, tinh chuyên, và thích hợp đúng nơi, đúng lúc, và đúng đối tượng, thì Phật Pháp sẽ tồn tại lâu dài ở thế gian này.
Answer: First, according to Tibetan Buddhist culture, Tibetans always emphasize and consider the rebirth as the top. However, in an interview with the German newspaper Welt Am Sonntag in September 2014, the 14th Dalai Lama stated that he might not be reborn and ended Dalai Lama's institution to "democratize and avoid causing bad influence later."
Second, based on the above question, we know that the right Dharma never ends, never stops, the Dharma of the Buddha has the value beyond time. Only the wrong dharma will end and stop soon, it only exists in a certain time. Indeed, the Buddha Dharma exists long or short depending on Dharma learning and Dharma practice of the World-Honored One's disciples. Therefore, we cultivate, learn, and practice the Buddha Dharma skillfully, flexibly, inteligently, diligently, and properly at the right place, at the right time, and the right object, the Buddha Dharma will last longer in the world.
Thứ ba, khi giác ngộ viên mãn rồi, Đức Phật vẫn tiếp tục tu tập thiền định và hướng dẫn mọi người đang ở cõi Phật. Mình đừng nghĩ rằng khi thành Phật rồi, Đức Phật không tiếp tục tu tập con đường hoằng Pháp để cứu độ sinh. Điều đó không thể xảy ra. Do vậy, Đức Phật vẫn tiếp tục tinh tấn để giáo hóa chúng sinh.
Chương 18, Phẩm Tùy Hỷ Công Đức trong Kinh Pháp Hoa, Kinh Thuyết Bổn 66 trong Trung A Hàm 13, Phẩm Đáo Bỉ Ngạn trong Kinh Tập đều ghi rằng: “Người kế thừa và tiếp nối Đức Phật Thích Ca Mâu Ni trong đời sau này chính là Đức Phật Di Lặc.’’
Third, when having attained perfect enlightenment, the Buddha still continues to practice meditation and guide people in the Buddha realm. We do not think that when having already become the Buddha, the Buddha does not continue to practice the path of Dharma propagation to save sentient beings. That cannot happen. Therefore, the Buddha still keeps being diligent to teach sentient beings.
Chapter XVII. Description of Merits of the Lotus Sutra, Thuyết Bản Sutra of Madhyamãgama 13, and Parayana Vagga of Sutta Nipāta state that: "The successor and inheritor of Sakyamuni Buddha in the future is Maitreya Buddha."
Thứ tư, sau khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nhập diệt, sự tiếp nối tốt nhất của các vị đệ tử Phật là sự tiếp nối chánh Pháp. Những vị đệ tử của Đức Phật tiếp nối chánh Pháp, tu học chánh Pháp, thực hành chánh Pháp, và áp dụng chánh Pháp vào trong đời sống hàng ngày để làm lợi lạc cho tự thân và cho tha nhân ngay trong đời sống hiện tại. Do đó, chánh Pháp phải có người tiếp nối và kế thừa; người tiếp nối và kế thừa chánh Pháp trong hiện tại chính là chúng ta.
Kinh Di Giáo và Kinh Đại-bát Niết-bàn thuộc Trường Bộ số 16 ghi rằng, sau khi đức Phật nhập diệt, các đệ tử của Ngài nương tựa vào chánh Pháp, đừng nương tựa vào tà pháp; nương tựa vững chãi vào chánh Pháp là bậc thầy cao cả cho các vị; các vị là những vị tiếp nối và kế thừa Phật Pháp để phát nguyện giúp đời thêm vui và bớt khổ. Do vậy, chúng ta là những đệ tử của Đức Phật, hãy ý thức thực hành và nương tựa chánh Pháp, đừng nương tựa tài vật và tà pháp, điều này được ghi rõ trong Kinh Thừa Tự Chánh Pháp, Trung Bộ số 3.
Fourth, after Sakyamuni Buddha's passing away, the best continuation of his disciples was the continuation of the Dharma. The disciples of the Buddha follow the Dharma, study the Dharma, practice the Dharma, and apply the Dharma into the daily life to benefit themselves and other people right in the present life. Therefore, the right Dharma must have people to follow and inherit; Those who follow and inherit the right Dharma in the present are us.
The Bequeathed Teachings Sutra and Mahaparinibba Sutta of Digha Nikaya 16 state: “After the Buddha's passing away, his disciples take refuge in the right Dharma, do not take refuge in the wrong dharma; Stably taking refuge in the right Dharma is the noble Master for you; You are the followers and inheritors of the Buddha Dharma to help life more joy and less suffering.’’ Therefore, we are the disciples of the Buddha, be aware to practice and take refuge in the right Dharma, not to take refuge in material wealth and the wrong dharma, this is clearly stated in Dhammadàyàda Sutta of Majjhima Nikaya No. 3.
Thứ năm, chúng ta biết rằng mặc dầu Đức Phật giác ngộ viên mãn, nhưng thân vật lý của Ngài vẫn phải chịu già, bệnh, và vô thường chi phối. Mặc dầu thân vật lý của Ngài có giới hạn thời gian và chỉ trụ thế 80 năm ở đời, nhưng Pháp thân của Ngài không bao giờ giới hạn và không bao giờ chấm dứt.
Như vậy, ở điểm này, nhân duyên đầy đủ để Đức Phật trở lại cõi đời này có nghĩa là các đệ tử của Ngài hãy cùng nhau phát nguyện tiếp nối, kế thừa, tu học, áp dụng, và thực hành Phật Pháp tinh chuyên và tốt đẹp vào trong đời sống hàng ngày để làm lợi ích cho tự thân và cho tha nhân ngay trong cuộc sống hiện tại.
Fifth, we know that although the Buddha attains the perfect enlightenment, his physical body must still be old, sick, and impermanent. Although his physical body has a limited time and only lives in the world for 80 years, his bodily dharma never limits and never ends. Thus, at this point, the full causes and conditions for the Buddha to return to this world mean that all his disciples will make the vow to become those who follow, inherit, practice, and apply the Buddha Dharma diligently and well into the daily life to benefit the many right in the present life.
Câu hỏi 12: Kính bạch Thầy, từ năm 2000 Liên Hiệp Quốc đã đứng ra tổ chức Ngày Phật Đản chung cho toàn thế giới, và sau đó các nước Phật giáo thay phiên đăng cai tổ chức. Mỗi năm như vậy, ngày Phật Đản Quốc Tế phổ biến thông điệp từ bi, hòa bình, và bất bạo động cho mọi người.
Năm nay, António Guterres, vị Tổng Thư Ký thứ chín của Liên Hợp Quốc, gửi thông điệp, “Quyết tâm xây dựng cuộc sống hòa bình cho tất cả mọi người trên một hành tinh lành mạnh.’’ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Âu Châu cũng gửi thông điệp Phật Đản 2022. “Tâm Bình Thế giới bình“. Nhân đây, chúng con cũng xin Thầy gửi thông điệp Phật Đản đến cho toàn thể Phật Tử nhân mùa Phật Đản năm nay.
Question 12: Dear Thầy, since the year of 2000, the United Nations has organized a global Buddha's Birthday for the whole world, and then Buddhist countries take turns to host the organization. Each year, the International Buddha's Day disseminates the mesage of compassion, peace, and non-violence to everyone. This year, António Guterres, the ninth Secretary-General of the United Nations, sent the message, “Determined to build the peaceful life for all people on the healthy planet.” The European Unified Vietnamese Buddhist Congregation also sent the message of the Buddha's Birthday 2022, "Peace in oneself is peace in the world." On this occasion, we would like to also request you to send the Buddha's Birthday message to all Buddhists on the occasion of this year's Vesak season.
Trả lời: Tất cả mọi người an trú ở các nơi khác nhau trên quả địa cầu này, dù nhân danh là cá nhân hay tập thể, họ đều có chung tâm niệm lành mong muốn mọi người, mọi nhà, mọi nơi, và mọi thứ đều được hòa bình, an vui, và hạnh phúc. Thật vậy, dù chúng ta mang màu sắc nào, chủng tộc nào, giai cấp nào, dù chúng ta là Phật tử hay không phải Phật tử, dù chúng ta là công nhân, viên chức, hay nhà giáo, dù chúng ta sống ở Chùa, ở nhà, hay làm việc ở nơi công sở, khi mùa đại lễ Vesak hàng năm trở về, chúng ta cùng nhau ý thức tổ chức tu học Phật pháp, ôn lại cuộc đời của Đức Phật và những lời dạy ý nghĩa, giá trị, hữu ích, và thiết thực của Ngài để giúp chúng ta sống cuộc sống hòa bình, an vui, và hạnh phúc đích thực cho số đông ngay trong cuộc sống hiện tại.
Là những người đệ tử của Đức Thế Tôn, chúng ta cùng nhau phát nguyện vững chãi vào việc học Pháp, hiểu Pháp, hành Pháp, hoằng Pháp, và hộ trì chánh Pháp để góp phần đem lại lợi ích, an lạc, hạnh phúc, và hòa bình cho thế gian này.
Answer: All people live in different places on this globe, whether in the name of the collective or individual, they have the same wholesome mind to want everyone, every family, everywhere, and everything to be all peaceful, joyful, and happy. Indeed, no matter what color we carry, which race, which caste, whether we are Buddhists or not Buddhists, whether we are workers, officials, or teachers, whether we live in Pagoda, at home, or work in the company or in office, when the Buddha Vesak season comes back every year, we are aware to jointly organize the Retreats of Dharma learning, review the Buddha's life, and his valuable, useful, and practical teachings to help us live our lives of authentic peace, joy, and happiness for the majority right in the present life.
As the disciples of the World-Honored One, we make the stable vow to study the Dharma, understand the Dharma, practice the Dharma, propagate the Dharma, and maintain the Dharma to contribute to benefiting peace, joy, and happiness for this world.
Câu hỏi 13: Liên Hiệp Quốc đã tổ chức Phật Đản vì “cầu nguyện" hoà bình cho thế giới, vậy thầy nghĩ, nhân ngày Phật Đản năm nay Liên Hiệp Quốc có thái độ nào đối với chiến tranh đang xảy ra giữa Nga và Ukraine hay không?
Trả lời: Thái độ của những người con Phật là phải tu học chánh Pháp và thực hành chánh Pháp ngay từ khi chưa có chiến tranh xảy ra. Đừng đợi có chiến tranh xảy ra rồi, lúc đó, chúng ta mới bắt đầu tu học Phật. Chúng ta ý thức rằng trái đất này là ngôi nhà chung của chúng ta. Chúng ta phải có trách nhiệm bảo vệ và gìn giữ trái đất này một cách hòa bình và tốt đẹp.
Question 13: The United Nations organized the Buddha Vesak Day for "praying" peace for the world, so do you think, on this year's Buddha's birthday, do the United Nations have any attitude towards the war between Russia and Ukraine?
Answer: The attitude of the Buddha's children is to learn the Dharma and practice the Dharma right from there is no a war happening yet. Do not wait for the war to happen, at that time, we can start studying the Buddha Dharma. We are aware that this earth is our common home. We must have the responsibility to protect and defend the earth peacefully and beautifully.
Chỉ cần áp dụng và thực hành đầy đủ Năm Điều Đạo Đức của Đức Phật dạy vào trong đời sống hàng ngày là đã giúp chúng ta bảo vệ trái đất tốt đẹp. Thật vậy, Năm Điều Đạo Đức này vượt lên trên ý nghĩa thế học, triết học, và đạo học. Những ai tinh chuyên tu, học, thực hành, và áp dụng Năm Điều Đạo Đức hàng ngày, thì họ có thể giúp cho chính họ và thế giới này thêm bình và bớt khổ ngay bây giờ và ở đây trong đời sống hiện tại. Thật vậy, thân tâm có hòa bình khi mình khéo áp dụng và thực hành chánh Pháp vào trong đời sống hàng ngày, thì thế giới sẽ có ngày hòa bình. Ngược lại, thân và tâm không có hòa bình khi mình không khéo áp dụng và thực hành chánh Pháp, thì thế giới sẽ không dễ có ngày hòa bình.
Only needing to practice the full Five Ethical Trainings taught by the Buddha has helped us protect the earth well. Indeed, these Five Ethical Trainings surpassed the meaning of secular studies, philosophy, and religious studies. Those who diligently cultivate, learn, practice, and apply the Five Ethical Trainings daily, can help themseves and this world to be more peaceful and less miserable right here and right now in the present life. Indeed, the body and mind have peace when we skillfully apply and practice the Dharma in everyday life, the world will have days of peace. In contrast, the body and mind have no peace when we unskillfully apply and practice the right Dharma, then the world will not easily have a day of peace.
Xem tin tức thế giới vừa qua, chúng ta biết có khoảng 193 quốc gia tham dự các hội nghị thường niên của Liên Hợp Quốc ở New York, Hoa Kỳ. Từ khi chiến tranh xảy ra giữa Ukraine và Nga, các nước đã nhiều lần tham gia bỏ phiếu và thảo luận tình hình bất ổn của hai quốc gia này. Các vị nguyên thủ quốc gia gồm có Hoa Kỳ, Pháp, Đức, vv..., và vị Tổng Thư Ký Liên Hợp Quốc António Guterres (UN Secretary-General António Guterres) đều đã trực tiếp làm những vị xứ giả hòa bình, họ đích thân tới Nga gặp Tổng thống Putin và đi tới Ukraine gặp Tổng thống Volodymyr Zelensky để thảo luận và tìm ra giải pháp hòa bình sớm nhất cho dân chúng của hai nước nói riêng, và ổn định trật tự thế giới nói chung. Nhưng kết quả của các cuộc thảo luận của các nhà chính trị khác nhau đưa tới hòa bình cho hai quốc đó hiện tại chưa đạt tới sự tiến bộ khả quan tốt đẹp bởi vì tự thân của họ chưa có khả năng kiểm soát, chế ngự, nhận diện, và nhiếp phục tâm nghi kỵ, độc tài, tham lam, giận dữ, hận thù, và nghi kỵ lẫn nhau.
Watching the recent world news, we know about 193 countries attending United Nations annual conferences in New York, the United States of America. We know that since the war happened between Ukraine and Russia, countries have repeatedly participated in the vote and discussed the unstable situation of these two countries. The heads of countries including the United States, France, Germany, etc., and the United Nations Secretary General António Guterres have directly made the messengers of peace, they in person came to Russia to meet President Putin and went to Ukraine to meet President Volodymyr Zelensky to discuss and find the earliest peace solution for the people of the two countries in particular, and stabilize the world order in general. But the results of the discussions of different politicians leading to peace for those two nations currently have not yet made good positive progress because they themselves are not yet capable of controlling, recognizing, overcoming, and subduing suspicion, dictatorship, greed, anger, hatred, and mutual suspicion.
Là những xứ giả hòa bình đích thực của đạo Phật, để đóng góp hòa bình thiết thực cho số đông, chúng ta quyết tâm tinh tấn tu học và thực hành chân lý Phật và tuệ giác Phật, cụ thể là đạo đức, thiền định, và trí tuệ tương tức mật thiết với cái thấy hòa bình, tư duy hòa bình, lời nói hòa bình, việc làm hòa bình, nghề nghiệp mưu sinh hòa bình, nỗ lực hòa bình, nhớ nghĩ hòa bình, tập trung và dừng lại hòa bình. Bằng ý nghĩ, lời nói, và việc làm cụ thể, chánh niệm, hạnh phúc, và rõ ràng, chúng ta nguyện không làm các điều ác, nguyện làm các việc lành, nguyện giữ thân tâm trong sạch để làm lợi ích cho tự thân và cho tha nhân ngay bây giờ và ở đây trong cuộc sống hiện tại.
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT
Kính chúc quý vị an trú và thấm nhuần chánh Pháp của Đức Thế Tôn.
As the authentic peace messengers of Buddhism, in order to contribute practical peace to the majority, we are determined to diligently study and practice the truth of Buddha and the wisdom of Buddha, namely virtue, meditation, and wisdom interrelated closely with peaceful understanding, peaceful thought, peaceful speech, peaceful action, peaceful livelihood, peaceful effort, peaceful mindfulness, and peaceful concentration. With specific, mindful, happy, and clear thoughts, words, and deeds, we vow not to do evil, vow to do good, and vow to keep the body and mind purified to benefit ourselves and other people right here and right now in the present life.
NAMO THE ORIGINAL MASTER SAKYAMUNI BUDDHAYA
We wish you all to be happily imbued with the Dharma of the World-Honored One.
- Diễn Văn Khai Mạc Ở Chùa Pháp Nhãn Nhân Ngày Đón Mừng Đại Lễ Vesak PL 2566 DL 2022 Thích Trừng Sỹ
- Chùa Hương Sen Quận Riverside Tổ Chức Lễ Phật Đản Và Cổ Phật Khất Thực Thích Nữ Giới Hương
- Thông Điệp Purnima của Thủ Tướng Narendra Modi Ấn Độ và sự liên kết Phật Giáo với Thủ Tướng Nepal Sher Bahadur Deuba năm 2022 Thích Trừng Sỹ
- Thái Bình: Trang nghiêm, ấm áp Đại lễ Phật đản đầu tiên tại Chùa Thượng Ngạn Chu Lan Anh
- THÔNG ĐIỆP VESAK CỦA TỔNG THỐNG HOA KỲ JOE BIDEN tại Tòa Bạch Ốc vào ngày 16 tháng 5, năm 2022 Thích Trừng Sỹ
- Diễn Văn Khai Mạc Ở Chùa Pháp Nhãn Nhân Ngày Đón Mừng Đại Lễ Vesak PL 2566 DL 2022 Thích Trừng Sỹ
- Chùa Hương Sen Quận Riverside Tổ Chức Lễ Phật Đản Và Cổ Phật Khất Thực Thích Nữ Giới Hương
- Thông Điệp Purnima của Thủ Tướng Narendra Modi Ấn Độ và sự liên kết Phật Giáo với Thủ Tướng Nepal Sher Bahadur Deuba năm 2022 Thích Trừng Sỹ
- Thái Bình: Trang nghiêm, ấm áp Đại lễ Phật đản đầu tiên tại Chùa Thượng Ngạn Chu Lan Anh
- THÔNG ĐIỆP VESAK CỦA TỔNG THỐNG HOA KỲ JOE BIDEN tại Tòa Bạch Ốc vào ngày 16 tháng 5, năm 2022 Thích Trừng Sỹ
- Phật tử Chùa Long Hưng về bên Phật mừng Phật đản sinh Chu Lan Anh
- Kính Mừng Đại Lễ Phật Đản Rằm Tháng Tư Âm Lịch Năm Nhâm Dần - 2022 Quảng Ấn
- Sự trở lại của Đức Phật (Buddhas Wiederkehr) Pháp Thường
- Đêm nguyện cầu HT. Thích Nhất Hạnh
- Hạnh phúc được làm con Phật Vĩnh Hảo
Đánh giá bài viết này
Cùng tác giả
- Viếng Thăm Chùa Đầu Năm
- Thầy và Đệ Tử Cùng Tu
- Vững Bước Thong Dong
- Lần Đầu Tiên Lá Cờ Mang Biểu Tượng Phật Giáo Được Bay Phất Phới Trên Tàu Hải Quân Hoa Kỳ
- Áp dụng THIỀN TẬP ngay trong đời sống hằng ngày song ngữ
- Hình Ảnh Vu Lan Báo Hiếu Tại Chùa Pháp Nhãn
- Thông Điệp Ngày Đại Lễ Vu Lan Song Ngữ
- Triết Lý Chữ An Trong Phật Pháp Song Ngữ
- Nghi Thức Tụng Kinh Di Giáo Song Ngữ
- Bài Thơ Dâng Cha
Được quan tâm nhất


Gửi bình luận của bạn
BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)