Cùng hiểu và thương để đồng hành trên bước đường hôn nhân

Đã đọc: 263           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Sáng ngày 07/07/2022, Tăng đoàn Chùa Giác Ngộ đã trang nghiêm tổ chức lễ hằng thuận cho chú rể Mai Thanh Bình (pháp danh Tâm An) cùng cô dâu Đặng Thu Ngân (pháp danh Giác Tâm Tuệ).

Mỗi người chúng ta trên cõi đời này, nếu không có chí nguyện xuất gia cầu đạo giải thoát, thì hầu hết đều có xu hướng sẽ lập gia đình, sống một cuộc đời ấm êm bên những người thân thương. Có thể ta đã từng trải qua rất nhiều mối tình với đủ đầy cung bậc cảm xúc, vui buồn lẫn lộn. Nhưng đến cuối cùng, ta cũng chỉ chọn duy nhất một người để làm bạn đồng hành qua hết những thăng trầm trong suốt quãng đời còn lại. Do đó, đám cưới có ý nghĩa rất lớn để nhằm chính thức gắn kết hai trái tim yêu thương cùng hòa âm một khúc ca hạnh phúc. Và buổi lễ đó sẽ lại càng thiêng liêng hơn khi được tổ chức tại chùa, trước sự chứng minh và gia hộ của Tam Bảo cho một đời sống mới ngập tràn hiểu biết và thương yêu của đôi uyên ương. Vì thế, vào sáng ngày 07/07/2022, Tăng đoàn Chùa Giác Ngộ đã trang nghiêm tổ chức lễ hằng thuận cho chú rể Mai Thanh Bình (pháp danh Tâm An) cùng cô dâu Đặng Thu Ngân (pháp danh Giác Tâm Tuệ).


Chứng minh cho buổi lễ là sự hiện diện của TT. Thích Nhật Từ, Ủy viên HĐTS, Phó Trưởng BTS kiêm Trưởng Ban Phật giáo Quốc tế GHPGVN Tp. HCM, Trụ trì Chùa Giác Ngộ; TT. Thích Nhật Thiện, Ủy viên BTS GHPGVN Tp. HCM, Trưởng BTS GHPGVN Quận 10, Phó Trụ trì Chùa Giác Ngộ; cùng chư Tôn đức trong Tăng đoàn của chùa.


Sau nghi thức đảnh lễ Tam Bảo, TT. Thích Nhật Thiện đã thay mặt Tăng đoàn đọc tụng tóm tắt kinh Thiện Sinh. Đây là bài kinh dành cho cư sĩ tại gia, nói về vai trò, bổn phận và cách đối nhân xử thế giữa các mối quan hệ bên trong gia đình và bên ngoài xã hội mà mỗi người cần học tập. Chồng và vợ cũng là một mối quan hệ quan trọng được nhắc đến. Đức Phật đã dạy rằng người vợ cần duy trì, thực hiện năm trách nhiệm đối với chồng: siêng năng, thức dậy trước chồng; kính nể chồng trước, sau, trong, ngoài; dùng lời hòa nhã, xây dựng; nhún nhường, ủng hộ điều hay; hiểu chồng, cảm thông, chia sẻ. Tương tự như thế, người chồng cũng phải cư xử phù hợp với vợ qua năm bổn phận: lấy lễ đối đãi với vợ; chuẩn mực nhưng không hà khắc; tùy thời cung cấp y, thực; tùy thời tặng trang sức đẹp và cuối cùng là phụ giúp vợ làm tốt việc nhà.


Bên cạnh đó, để giúp cho cô dâu và chú rể cam kết sẽ sống yêu thương, giúp đỡ, hỗ trợ và chở che cho nhau, TT. Thích Nhật Từ đã hướng dẫn đôi bạn trẻ tuyên đọc bốn lời phát nguyện trước hôn nhân, đó là: cam kết sống tiếp nối đạo đức và truyền thống văn hóa gia đình và đất nước; sống chung thủy, hiểu biết, thương yêu, nâng đỡ nhau; luôn luôn tôn trọng và hài hòa với nhau; hướng dẫn con cháu là Phật tử từ nhỏ, dồn hết tâm lực và phương tiện, xây dựng hạnh phúc cho con cháu.


Trước Tam Bảo trang nghiêm, cô dâu cũng đã phát tâm quy y làm người con Phật và hoan hỷ tiếp nhận năm điều đạo đức tại gia để cùng đồng hành với chú rể trên con đường của hiểu biết và thương yêu. Tiếp đó, TT. Thích Nhật Từ cũng đã hướng dẫn đôi bạn trẻ tiến hành nghi thức trao nhẫn cười và nói lời yêu thương, chính thức trở thành vợ chồng của nhau trong sự chúc phúc từ Tam Bảo, cha mẹ, gia đình, người thân và bạn bè hai bên gia đình.


Và để tiếp thêm nguồn năng lượng từ bi, trí tuệ cho cô dâu, chú rể khi về chung một nhà, giúp dựng xây mái ấm gia đình hạnh phúc vững bền, Thầy Trụ trì cũng đã gửi tặng các bạn bài pháp thoại ngắn về bốn hình ảnh ẩn dụ trong hôn nhân. Thứ nhất, vợ chồng luôn luôn đồng hành với nhau như hai chân trên một cơ thể. Muốn tiến về phía trước thì chúng ta không thể hoặc khó có thể đi nhanh nhẹn và vững vàng nếu như thiếu một chân hoặc thiếu cả hai chân. Nếu như vợ chồng coi nhẹ tính đồng hành này sẽ dễ dẫn đến tình trạng xa mặt cách lòng, tâm không đầu, ý không hợp, dù cho có ở chung nhà, ăn chung mâm, ngủ chung giường,... Cho nên, vợ chồng hãy cùng đồng hành, dìu dắt, nâng đỡ nhau cùng tiến bước về tương lai tươi sáng phía trước trong đời sống hôn nhân.


Xem nhau như hai chân, thì vợ chồng cũng cần coi trọng nhau như hai tay. Một cơ thể sẽ khó được hữu dụng khi mất lìa một tay và càng trở ngại hơn nếu như khuyết tật hoàn toàn cả hai tay. Đôi tay tượng trưng cho hành động. Nó mang ý nghĩa rằng vợ và chồng phải cam kết cùng san sẻ tính trách nhiệm với nhau, gánh vác cùng nhau, "đồng vợ đồng chồng thì biển Đông tát cũng cạn". Để cho hôn nhân hạnh phúc, gia đình ấm êm thì cả hai đều phải tạo dựng được tài chính, cùng chung tay làm việc nhà và chăn sóc, dạy dỗ con cái.


Hình ảnh ẩn dụ thứ ba chính là cặp mắt. Đôi mắt tượng trưng cho nhận thức. Trong nhà Phật, chỉ có nhận thức đúng thôi thì chưa đủ, chúng ta cần phải có thêm trí tuệ. Trí tuệ giúp chúng ta sáng soi từng ý nghĩ, lời nói, hành động của mình sao cho thật thiện lành, tốt đẹp. Có trí tuệ thì chúng ta sẽ dễ dàng giải quyết được các vấn nạn của bản thân, gia đình, quốc gia và nhân loại. Cũng như thế, vợ chồng phải sinh sống cùng nhau với "cặp mắt trí tuệ", sử dụng sự thông minh, trí khôn tập thể của cả hai. Vợ chồng nên tăng cường sự chia sẻ, góp ý, thảo luận và thậm chí là phản biện trong các dự định, kế hoạch, lo toan của cuộc sống hôn nhân. Khi thẳng thắn trao đổi cùng nhau, chúng ta sẽ có góc nhìn đa chiều, bao quát, nhiều phương diện và rõ ràng hơn về từng vấn đề. Từ đó, vợ hoặc chồng sẽ tránh được các quyết định sai sót, chủ quan và những hậu quả tiêu cực, tệ xấu mà mình không mong muốn trong đời sống hôn nhân, gia đình.


Điều cuối cùng, vợ chồng truyền thông và giao tiếp với nhau giống như một cái miệng. Cái miệng chỉ nên nói những lời yêu thương, quan tâm, khích lệ, động viên, chúc mừng về nhau để tạo ra nguồn năng lượng từ bi, ân nghĩa giúp vợ chồng gắn kết bền chặt. Ngược lại, khi xảy ra mâu thuẫn, cãi vã, tranh luận, một trong hai hoặc tốt nhất là cả hai không nên lời qua tiếng lại, dùng "vũ khí miệng lưỡi" để gây tổn thương, não hại nhau. Cả hai nên kiểm soát tốt cảm xúc, lựa lời mà nói với nhau nhẹ nhàng bằng sự cảm thông và kham nhẫn.

Tin: Minh Lượng
Ảnh: Thanh Phong















Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập