Được là chính mình thì trẻ em mới có thể hạnh phúc

Đã đọc: 1293           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Chiều ngày 28/08/2022, trong Khóa tu Tuổi trẻ Hướng Phật, tại Chùa Giác Ngộ đã diễn ra Lễ bế mạc chương trình Việt Nam Ước Mong - chuỗi hoạt động ý nghĩa nhằm nâng cao ý thức cộng đồng về việc thương yêu, chăm sóc và bảo vệ trẻ em, nhất là trẻ em yếu thế. Bên cạnh đó, buổi lễ còn diễn ra talkshow: "Để đứa trẻ được là chính mình" với những lời chia sẻ sâu sắc của TT. Thích Nhật Từ và Sư Minh Niệm.

Buổi lễ hôm nay được chứng minh bởi TT. Thích Nhật Từ, Trụ trì Chùa Giác Ngộ, Sư Minh Niệm và Tăng đoàn chùa. Cùng với sự tham dự của các thành viên trong Ban Tổ chức như: ông Minh Nhân, Nhà Cố vấn và Sáng lập chương trình; ông Hoàng Tuấn Dũng, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Sinh viên Trường Đại học Ngoại thương; đại diện các nhà tài trợ, nhà hảo tâm; quý phóng viên báo đài và hàng trăm Phật tử theo dõi trực tiếp tại các tầng lầu của chùa, cũng như hàng ngàn khán thính giả trên các kênh truyền thông trực tuyến: Facebook Thích Nhật Từ, Facebook Chùa Giác Ngộ, Facebook VnExpress.

Sau khóa lễ cầu an cho các bé thiếu nhi được diễn ra trước đó do Tăng đoàn Chùa Giác Ngộ thực hiện, ca sĩ Ưng Hoàng Phúc đã mở đầu lễ bế mạc bằng nhạc phẩm "Gia đình mình", sáng tác bởi Hamlet Trương. Kế đến là tiết mục "Quyền trẻ em", "Hãy để trẻ em là chính mình" do TT. Thích Nhật Từ sáng tác, trình bày bởi Ban Đạo ca Búp Sen và Ban Đạo ca Diệu Âm của Chùa Giác Ngộ. Các nhạc phẩm nêu trên như một thông điệp đề cao về tình yêu thương, lòng bao dung, sự vị tha ở các mối quan hệ trong gia đình như giữa cha mẹ và con cái, cũng như bên ngoài xã hội giữa người lớn và trẻ em.

Trong suốt một tháng vừa qua, chương trình Việt Nam Ước Mong đã chia sẻ rất nhiều giá trị và câu chuyện ý nghĩa từ các hoạt động như triển lãm tranh; lễ cầu siêu cho các em thiếu nhi không may mắn; các buổi tọa đàm về giáo dục, trị liệu tâm lý cho trẻ em, hướng dẫn kỹ năng nuôi dưỡng, chăm sóc con cái cho các bậc phụ huynh và trao quà từ thiện đến các em bệnh nhi. Cùng với sự hỗ trợ, đồng hành của các đơn vị, đoàn thể là Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Chùa Vĩnh Nghiêm, Chùa Giác Ngộ, Mr. Sun, Trường Đại học Ngoại thương, Công ty Cổ phần Công nghệ Viễn Thông Sài Gòn (SAIGONTEL), Truyền hình Quốc hội, Quỹ Hy Vọng, Mái Ấm Hạnh Phúc, Quỹ Đạo Phật Ngày Nay, Cafe Ru Nam,... và các nghệ sĩ đã giúp cho chương trình góp phần bồi đắp cái nhìn giàu nhân bản và lạc quan về trẻ em yếu thế. Bởi các em không phải là áp lực đối với gia đình, xã hội, quốc gia. Mà các em là nguồn cảm hứng về một thế giới đầy lạc quan và mơ ước. Chương trình đã gửi gắm những thông điệp tốt đẹp, giúp nâng cao nhận thức và trách nhiệm bảo vệ trẻ em đến cho cộng đồng và xã hội.

Phát biểu tại buổi lễ, TT. Thích Nhật Từ cho biết chương trình Việt Nam Ước Mong đã truyền tải và nhắn gửi đến cộng đồng hãy chung tay chăm sóc, dưỡng nuôi, che chở, dìu dắt và nâng đỡ trẻ em về các phương diện thể chất, tinh thần, đạo đức và trí tuệ. Hiện nay, trên toàn cầu có khoảng 1,9 tỷ trẻ em, chiếm khoảng 27% dân số thế giới. Trong 99 triệu người dân Việt Nam thì trẻ em dưới 14 tuổi chiếm tỷ trọng 23,2%, mở rộng đến 18 tuổi là 27,2%. Những số liệu trên cho thấy có rất nhiều trẻ em đang từng ngày mong mỏi nhận được sự quan tâm của các bậc cha mẹ và người lớn. Theo Unicef, có 5,5 triệu trẻ em Việt Nam bị thiếu ít nhất là 2 trong 7 quyền lợi căn bản giúp nuôi dưỡng các em trở thành những con người có phẩm chất tốt đẹp sau đây: sự giáo dục, tổ ấm gia đình, sức khỏe, dinh dưỡng, nguồn nước sạch, sự an toàn vệ sinh và tham gia vào các hoạt động cộng đồng, xã hội. Đây là hồi chuông cảnh báo đến chúng ta và thông qua Việt Nam Ước Mong, Ban Tổ chức chương trình muốn phát động phong trào dấn thân từ các bậc phụ huynh, người lớn để giúp cho trẻ em có đời sống tốt đẹp, an vui hơn. Đó là những ước mong một Việt Nam không còn trẻ em yếu thế, bị bạo hành, bị lạm dụng tình dục, bị bỏ rơi,... mà là một Việt Nam với những mầm non tương lai được phát triển đầy đủ, khỏe mạnh, bình an, toàn diện để góp phần dựng xây đất nước hùng cường, giàu mạnh.

Tiếp lời của Thượng tọa, Ông Minh Nhân, Nhà Sáng lập và Cố vấn của chương trình Việt Nam Ước Mong đã chia sẻ cảm nghĩ rằng mỗi chúng ta hãy học hỏi công hạnh của Bồ-tát Quan Thế Âm nghìn mắt nghìn tay, soi chiếu khắp thế gian, dang tay cứu rỗi, giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh, nhất là các em thiếu nhi kém may mắn. Chúng ta hãy chung sức đồng lòng, vận dụng sức mạnh tập thể, sức mạnh cộng đồng để quan tâm, lắng nghe, chia sẻ, cảm thông và giúp đỡ cho các em. Ngoài ra, ông Minh Nhân cũng mong muốn các đơn vị, đoàn thể, cá nhân trong xã hội hãy nhân rộng nhiều hơn nữa về việc truyền thông và tổ chức những chương trình ý nghĩa cho trẻ em.

Ở phần hai của lễ bế mạc, trong talkshow: "Để đứa trẻ được là chính mình", TT. Thích Nhật Từ và Sư Minh Niệm đã gửi đến đại chúng, nhất là các bậc mẹ cha, những điều suy niệm sâu sắc và đáng lưu tâm trong vấn đề giáo dục và định hướng sự phát triển của con trẻ ở hiện tại và tương lai. Hiện nay, vẫn còn rất nhiều trẻ nhỏ phải chịu sự gò bó, áp đặt, ép buộc của các bậc phụ huynh, bao gồm cả trong cuộc sống lẫn việc học tập. Điều đó khiến cho con trẻ cảm thấy không thoải mái, vui vẻ, hạnh phúc; cũng như góp phần khiến cho các em mất đi những khát khao, ước mơ của riêng mình; tạo nhiều căng thẳng, áp lực, u uất, buồn khổ nơi tâm hồn bé thơ. Về vấn đề này, theo nền minh triết nhà Phật, TT. Thích Nhật Từ cho rằng trẻ em từ khi sinh ra đã mang trong mình những hạt giống về tính tình, thói quen, sở thích, tài năng, hành vi, lối sống,... tích lũy từ nhiều kiếp trong quá khứ. Chúng sẽ tồn tại dưới dạng tổng thể năng lượng tâm. Do đó, trên tinh thần từ bi, trí tuệ của đạo Phật, cha mẹ phải luôn luôn quan tâm, chăm sóc, thương yêu con trẻ và giáo dục, cũng như tạo điều kiện thuận lợi dựa trên nền tảng tố chất con người của các em để giúp con mình phát triển một cách tốt đẹp và tích cực nhất. Chứ không phải chúng ta cứ nỗ lực tìm mọi cách để biến con cái trở thành bản sao của mình hay là cục đất sét cho mình tha hồ nhào nặn như ý muốn. Chúng ta chỉ nên can thiệp, định hướng cho các con khi thật sự cần thiết mà thôi. Và ta hãy để cho các em được phát triển theo cách của chính mình với chiều hướng tốt lành, thánh thiện. Đối với trường hợp các em có những biểu hiện xấu trong quá trình ấy, thì chúng ta mới ra sức ngăn cản, khuyên bảo, chỉ dạy và định hình lại cho con trẻ. Do đó, chúng ta hãy thể hiện tính nhu nhuyến, linh hoạt trong việc yêu thương con trẻ một cách phù hợp, quân bình và không cực đoan, bảo thủ hay lạm quyền.

Tiếp nối chương trình, Sư Minh Niệm cũng đã chia sẻ quan điểm rằng người Việt Nam chúng ta thường bị ảnh hưởng bởi lối sống, lối tư duy, truyền thống gia đình được trao truyền qua nhiều thế hệ. Trong nền văn hóa phong kiến lâu đời tại Việt Nam, người lớn bao giờ cũng mong muốn có quyền hạn, uy lực và sự kiểm soát những thành viên nhỏ tuổi trong tổ ấm của mình. Ngoài ra, xã hội phần lớn còn có định kiến cho rằng trẻ con chỉ là những đối tượng dở tệ, ngu dốt, thiếu hiểu biết và bắt buộc chúng phải tuân thủ, nghe lệnh sai khiến, sắp đặt của người lớn. Từ đó, người lớn ít lắng nghe, thấu hiểu và thực sự cảm nhận được hết tâm tư, tình cảm của con trẻ hơn. Một nguyên nhân nữa là do nỗi sợ của cha mẹ trong việc lo lắng con cái trưởng thành, phát triển theo những điều mà họ không mong muốn hoặc không có kiến thức về nó. Chẳng hạn như việc con mình là người đồng tính, hay con bị trầm cảm; khi đó, nếu không có sự hiểu biết đúng đắn, sự thấu hiểu sâu sắc, thì cha mẹ không những chẳng giúp đỡ được mà còn vô tình gây nên những tổn thương cho các con. Điển hình nhất chính là việc cha mẹ ngăn cấm, cản trở con cái lựa chọn nghề nghiệp, kế sinh nhai. Họ cứ chủ quan cho rằng định hướng tương lai mà mình bắt ép con trẻ mới là đúng, trong khi đó nó hoàn toàn có thể trở thành chướng ngại khiến cho con không thể thành công trong cuộc đời. Và nguyên nhân cuối cùng đó là cha mẹ không đánh giá cao hay thậm chí phớt lờ việc lắng nghe, thấu hiểu con trẻ để giúp con phát triển toàn diện và vững vàng hơn.

Từ nền giáo dục gia đình còn nhiều áp đặt, ép buộc như thế, rất nhiều đứa trẻ lớn lên không thật sự biết bản thân muốn gì và dần đánh mất đi chính mình. Điều đó gây ra những hậu quả tiêu cực, những tác hại xấu đối với trẻ em. TT. Thích Nhật Từ khẳng định việc làm ấy sẽ làm cho các hạt giống tốt đẹp tiềm năng trong các em bị đánh mất cơ hội trở thành hiện thực. Các em thiếu nhi trở nên khổ đau, tuyêt vọng, u sầu, trầm cảm do không nhận được sự cảm thông, thấu hiểu, đồng hành, giúp đỡ từ cha mẹ. Tác hại đầu tiên của lối giáo dục sai trái này đó là con em chúng ta sẽ bị mất tự tin do không có quyền được trở thành chính mình, được sống với ước mơ, mong muốn, hoài bão của bản thân. Kế tiếp, các em sẽ trở nên nổi loạn và nỗ lực hành động để chứng minh mình sẽ làm được điều mình mong muốn. Tình trạng đó sẽ tạo ra cú sốc thế hệ giữa cha mẹ và con cái, cũng như gây rạn nứt tình cảm trong gia đình. Và khi con trẻ đã chứng minh được lựa chọn, quyết định, ý kiến của mình là đúng đắn; thì cha mẹ sẽ dễ rơi vào sự đau khổ, ngược lại, con cái thì bị mặc cảm tội lỗi khi nghĩ rằng mình là tác nhân của sự việc trên. Hậu quả tiêu cực thứ ba đó là trẻ em sẽ không còn tin vào người lớn nữa, gây ra những giới hạn, khoảng cách trong sự tương tác, giao tiếp, hợp tác giữa đôi bên. Do đó, Thượng tọa cũng nhắn nhủ các bậc phụ huynh hãy tôn trọng các biệt nghiệp, hay hiểu đơn giản hơn là tính dị biệt trong cá tính, lối sống, tư duy, hành vi của con em mình mà tìm cách phù hợp giúp đỡ con phát triển tích cực để được là chính mình. Ngoài ra, cha mẹ cũng phải bỏ đi sự ích kỷ, hẹp hòi, chấp ngã về quan điểm cá nhân, "cuối thấp mình xuống" để lắng nghe tâm tư, tình cảm, nỗi lòng của con trẻ mà cảm thông, thấu hiểu chúng nhiều hơn.

Về phần mình, Sư Minh Niệm đưa ra lời khuyên rằng các bậc phụ huynh đừng vì định kiến, quan điểm cá nhân mà siết chặt, nhồi nặn, bắt ép con cái trở thành tác phẩm mà mình mong muốn. Trong khi đó lại là sự ràng buộc, xiềng xích, đau đớn, khổ sở nơi trẻ thơ. Nó có thể dẫn đến việc hủy hoại tương lai và là nguyên nhân của việc kết thúc sự sống khi con trẻ quá áp lực, tuyệt vọng mà quyết định kết liễu đời mình. Vì thế, cha mẹ hãy thôi bóp ngạt con trẻ, hãy cho các em được sống là chính mình, được có quyền tự quyết định cho bản thân, được sống với kỹ năng, bản lĩnh, ý chí, mơ ước của riêng mình. Để dù cho sau này khi cha mẹ không còn bên cạnh hay theo sự vô thường rời xa nhân thế, thì các em vẫn có thể sống hiên ngang, mạnh mẽ, tốt đẹp trong cuộc đời do chính mình tạo dựng.

Về vấn đề trẻ em hiện nay có nhiều trường hợp bị bạo hành học đường, bạo lực gia đình, lạm dụng tình dục,... TT. Thích Nhật Từ cũng đưa ra một số lời khuyên thiết thực và hữu hiệu. Thứ nhất, chúng ta phải giáo dục trẻ em biết cách lên tiếng, cầu cứu, tố giác những hành động xâm hại đến mình và yêu cầu sự hỗ trợ, giúp đỡ từ gia đình, người thân, cộng đồng và pháp luật. Thứ hai, các em phải tự đề cao cảnh giác để tự bảo vệ bản thân mình khi không có ai bên cạnh giúp đỡ hay sự giúp đỡ bị chậm trễ. Thứ ba, cha mẹ phải giáo dục và tạo điều kiện cho con cái được tham gia các sinh hoạt cộng đồng, các lớp đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng sống, kỹ năng tự vệ, kỹ năng sinh tồn, kỹ năng kêu gọi những sự giúp đỡ,... để giúp con trẻ tránh xa và làm suy giảm nguy cơ bị những tổn thương, nguy hại về thể chất lẫn tinh thần.

Sư Minh Niệm tiếp tục trình bày với lời khuyên nhủ cha me hãy tôn trọng con cái để các em cảm nhận được sự ấm áp của tình thân và từ đó sẽ nương tựa vào cha me. Quan trọng không kém đó là cha mẹ phải hết mình tạo dựng những môi trường sống an lành, hạnh phúc, tích cực cho các em như khuyến khích con cái tham gia các sinh hoạt cộng đồng; gặp gỡ và kết giao với những người bạn tốt; hạn chế giải trí bằng internet hay trò chơi điện tử; tăng cường thể dục, thể thao; gần gũi với thiên nhiên để tái tạo và nuôi dưỡng nguồn năng lượng trong lành, tỉnh thức;... Cuối cùng, cha mẹ cần phải tâm niệm rằng muốn thương yêu con đúng cách thì phải trở thành một người bạn thân, một tri kỷ sẵn sàng lắng nghe những tâm sự, sẻ chia, nỗi niềm, tiếng lòng của con mình. Chúng ta luôn luôn đối thoại ngang hàng, bình đẳng với con cái để chúng cảm nhận rằng mình cũng được tôn trọng, mình có tiếng nói và lời nói của mình cũng có giá trị. Điều đó giúp cha mẹ và con cái xích lại gần nhau hơn và thấu hiểu nhau nhiều hơn.

Sau bài hát "Sống như những đóa hoa", một sáng tác của Tạ Quang Thắng, bé Bào Ngư trình bày, đại chúng cùng đến với phần thứ ba của chương trình, tọa đàm với các em thiếu nhi đại diện cho trẻ em Việt Nam để lắng nghe những ước mơ, hoài bão mà các em muốn gửi gắm đến những bậc phụ huynh. Chương trình đã gửi lời mời tham dự đến: em Lê Nguyễn Hoàng Anh và bạn Quốc Đạt (cậu của Hoàng Anh), em Chu Ánh Tuyết và em Nguyễn Thị Hoàng Oanh. Em Nguyễn Thị Hoàng Oanh (17 tuổi), một cô bé mồ côi bán vé số bị tai nạn mất một chân, từng được Chủ tịch nước gửi thư động viên tinh thần. Em là tấm gương sáng về nghị lực phi thường, kiên trì vươn lên mọi khó khăn, gian khổ, không đầu hàng số phận. Dù gia cảnh kém may mắn, nhưng em luôn luôn cố gắng học tập thật tốt để mai sau có thể trở thành bác sĩ giúp ích cho cuộc đời. Em Lê Nguyễn Hoàng Anh, chỉ mới 8 tuổi mà đã mồ côi cha mẹ từ nhỏ. Sau đợt càn quét của đại dịch Covid-19 vừa rồi, Hoàng Anh bị mất đi cả bà cố lẫn bà ngoại, hai người thân vô cùng thương yêu và chăm sóc cho bé. Hiện tại, bé chỉ còn có thể nhận được sự nuôi dưỡng, giúp đỡ từ người cậu ruột, bạn Quốc Đạt (22 tuổi).

Về em Chu Ánh Tuyết (16 tuổi) là thí sinh trong cuộc thi vẽ tranh "Vì một Việt Nam tất thắng" diễn ra vào cuối năm 2021. Bức tranh “Bàn tay diệu kỳ” của em đã đạt giải nhì và được tặng cho Phó Chủ tịch nước. Nhưng ít ai biết được hành trình giải thưởng này của em thật nghiệt ngã mà cũng lắm diệu kỳ. Chỉ mới vào lớp 10 chưa đầy một tháng thì em được chẩn đoán mắc căn bệnh ung thư hạch. Tuy bị bệnh tật hoành hành nhưng em không bao giờ mặc cảm, tự ti hay đắm chìm trong đau khổ. Em vẫn cố gắng học tập thật tốt để mai sau đem sức mình cống hiến cho cuộc đời. Thông qua buổi tọa đàm này, Ban Tổ chức chương trình và các nhân vật khách mời muốn truyền tải thông điệp sống tích cực, lạc quan, yêu đời đến trẻ em yếu thế Việt Nam, giúp các em vững tin vào cuộc sống và ước mơ của chính mình nhiều hơn.

Trải qua một tháng tổ chức, chương trình Việt Nam Ước Mong đã nhận được những tín hiệu thành công đáng vui mừng và khích lệ. Buổi triển lãm tranh với hơn 400 tác phẩm của các em đã thu hút hơn 10.000 lượt khách tham quan tại Chùa Giác Ngộ và Chùa Vĩnh Nghiêm. Trong lễ cầu siêu cho các bé thiếu nhi qua đời vì bệnh hiểm nghèo có hơn 1.000 tấm lòng vàng đến Chùa Giác ngộ để nhớ thương, tưởng niệm các em. Trong 4 buổi talkshow nêu cao tinh thần giáo dục, thương yêu và chăm sóc trẻ em đúng cách, Ban Tổ chức đã ghi nhận hơn 3.000 lượt khán giả tham dự trực tiếp và hơn 165.000 lượt theo dõi trên các trang truyền thông mạng xã hội. Sự thành công của Việt Nam Ước Mong góp phần mở ra phong trào hành động vì sự phát triển toàn diện và tốt đẹp của trẻ em Việt Nam ở hiện tại và tương lai.

Tin: Minh Lượng

Ảnh: Ngộ Đức Phước, Ngộ Trí Thông

Được là chính mình thì trẻ em mới có thể hạnh phúcĐược là chính mình thì trẻ em mới có thể hạnh phúcĐược là chính mình thì trẻ em mới có thể hạnh phúcĐược là chính mình thì trẻ em mới có thể hạnh phúcĐược là chính mình thì trẻ em mới có thể hạnh phúcĐược là chính mình thì trẻ em mới có thể hạnh phúcĐược là chính mình thì trẻ em mới có thể hạnh phúcĐược là chính mình thì trẻ em mới có thể hạnh phúcĐược là chính mình thì trẻ em mới có thể hạnh phúcĐược là chính mình thì trẻ em mới có thể hạnh phúcĐược là chính mình thì trẻ em mới có thể hạnh phúcĐược là chính mình thì trẻ em mới có thể hạnh phúcĐược là chính mình thì trẻ em mới có thể hạnh phúcĐược là chính mình thì trẻ em mới có thể hạnh phúcĐược là chính mình thì trẻ em mới có thể hạnh phúcĐược là chính mình thì trẻ em mới có thể hạnh phúcĐược là chính mình thì trẻ em mới có thể hạnh phúcĐược là chính mình thì trẻ em mới có thể hạnh phúcĐược là chính mình thì trẻ em mới có thể hạnh phúcĐược là chính mình thì trẻ em mới có thể hạnh phúcĐược là chính mình thì trẻ em mới có thể hạnh phúcĐược là chính mình thì trẻ em mới có thể hạnh phúcĐược là chính mình thì trẻ em mới có thể hạnh phúcĐược là chính mình thì trẻ em mới có thể hạnh phúcĐược là chính mình thì trẻ em mới có thể hạnh phúcĐược là chính mình thì trẻ em mới có thể hạnh phúc

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập