TP.Hồ Chí Minh: Gieo Hạt Từ Tâm - Kì 38 Chủ Đề: Sen Vàng Nâng Gót Tịnh

Đã đọc: 1785           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Sáng chủ nhật, 24/05/2015 (07/04 Ất Mùi) hơn 100 tu sinh đã đến Quan Âm Tu Viện để tham dự (Quận Phú Nhuận) khóa tu Gieo Hạt Từ Tâm kì 38 với chủ đề Sen Vàng Nâng Gót Tịnh dành cho lứa tuổi từ 13 - 25.

Sau thời khóa ngồi thiền trì chú niệm Phật tại chính điện, tu sinh huân tập tại giảng đường nghe pháp thoại về chủ đề Sen Vàng Nâng Gót Tịnh do Sư Cô Thích Nữ Hương Nhũ thuyết giảng bao hàm về ý nghĩa lễ Phật đản sẽ liên quan đến một số hình tượng triết học thanh cao, hình tượng hoa sen, ý nghĩa triết học của con số 7, và cuộc đời Đức Phật.

Ngày nay về Lâm Tỳ Ni dưới chân núi Hy Mã Lạp sơn xứ Ấn Độ, ta vẫn còn nhìn thấy vườn Lâm Tỳ Ni với tất cả dấu tích lịch sử vẫn còn tồn tại theo dòng thời gian: Hồ nước, nơi hoàng hậu hạ Ma Da sinh thái tử Tất Đạt Đa và trụ đá vua Ashoka với dòng chữ “Hai mươi năm sau khi lên ngôi, quốc vương Devànampiya Piyadasi ngự đến đây chiêm bái, vì Đức Phật ThíchCa Mâu Ni, bậc hiền nhân của bộ tộc ThíchCa, đã đản sinh tại đây. Nhà vua ban lệnh khắc một bia bằng đá và dựng một thạch trụ. Ngài miễn thuế đất ở làng Lumbini và giảm thuế hoa lợi từ 1/4 theo lệ thường xuống còn 1/8”. Trụ đá Vua A Dục và dòng chữ cổ khắc trên trụ đáhiện đã được tái dựng tại ngay vị trí cũ trong vườn Lâm Tỳ Ni. “A-Dục Vương là vị vua Phật giáo đầu tiên”, “A-Dục Vương được gắn liền với Phật giáo đại chúng, và với việc tiến hành rất nhiệt tâm những hoạt động tôn giáo như hành hương và chiêm bái các Xá-lợi qua vấn đề ông ta quan tâm đến việc xây dựng ngôi bảo tháp và điện thờ”, rồi thì "”A-Dục Vương là nhân vật chính trị và tâm linh vĩ đại nhất của Ấn Độ cổ xưa".

Truyền thuyết mô tả rằng, Năm 623 trước công nguyên, Hoàng hậu Ma Da (xin xem thêm về Hoàng Hậu và kinh thành Ca Tỳ La Vệ) theo tục lệ trở lại quê cha mẹ để chờ đợi ngày khai hoa nở nhụy. Trên đường trở về Hoàng hậu dừng chân tại vườn LâmTỳNi, tắm ở hồ thánh, đi dạo quanh vườn, tay vừa nâng chùm hoa Vô ưu (Ashoka flower) thì Thái tử từ hông bên phải hạ sinh. Lúc này đại địa chấn động, ánh sáng lạ thường, thái tử TấtĐạtĐa bước đi bảy bước có hoa sen đỡ chân, tay phải chỉ lên trời, tay trái chỉ xuống đất và tuyên thuyết: “Thiên Thượng Thiên Hạ, Duy Ngã Độc Tôn!” Phạm thiên cầm bảo cái, Đế Thích cầm phất trần hầu cận xưng tán, trên không trung xuất hiện hai con rồng lớn phun nước tắm thái tử.

Đề tài Sen Vàng Nâng Gót Ngọc, nên ta hình dung đến một sự quyền qúy cao sang qua hình ảnh gót ngọc thể hiện sự xuất thân danh giá từ hoàng tộc nhưng cao hơn đó là sự viên mãn thanh cao của đức hạnh tròn đầy quý giá như bảo ngọc trân châu, sự ra đời của đức Phật là một viên ngọc không tì vết.

Hoa sen đẹp tinh khiết, tượng trưng cho sự thanh cao mà giản dị, khiến nhiều người yêu thích. Du khách nước ngoài khi đặt chân đến Việt Nam, họ ngỡ ngàng trước những đóa hoa sen trắng đầy mê hoặc mọc lên từ những khu đầm lầy trũng thấp. Sắc hoa trắng chen giữa vầng lá xanh tạo nên khung cảnh thanh bình, đẹp đẽ. Hiếm có loài hoa nào mỗi khi nhắc đến lòng ta lại thấy nhẹ nhõm như hoa sen. Một loài hoa sống từ bùn đen mà chẳng hôi tanh mùi bùn, còn tỏa hương thoang thoảng, thanh cao, tinh khiết. Loài hoa không tranh giành, khoe khoang với ai về sắc thắm, hương thơm, vậy mà nó cứ lắng sâu vào lòng người bằng sự dịu dàng, thanh thoát từng ngày, từng ngày qua.

Có thể nói hoa sen là một đặc trưng xuất hiện trong các kinh điển Phật giáo: Nguyên Thủy và Phát Triển đều có đề cập đến. Một bộ Kinh Đại Thừa trọng đại mà hầu hết Phật tử thuộc Phật giáo Bắc Tông ít nhiều đều có đọc tụng qua, chẳng những đọc tụng thôi mà còn quan tâm nghiên cứu học hỏi nữa, đó là bộ Kinh Diệu Pháp Liên Hoa. Hay là trong pháp môn Tịnh độ: “Hoa sen chín phẩm là cha mẹ mình”

 Ngoài ra, hoa sen còn được biểu trưng qua những lĩnh vực khác mang tính đặc thù văn hóa của mỗi quốc gia dân tộc theo Phật giáo.

Tại Việt Nam, hình ảnh hoa sen được trưng bày trong chùa hoặc qua các phù hiệu cờ đoàn hay các phù hiệu khác của một vài đoàn thể trong Phật giáo. Như đoàn thể Gia Đình Phật Tử chẳng hạn, và trong các Tông phái Phật giáo có một Tông lấy hoa sen mà đặt tên cho một Tông phái, đó là Tịnh Độ Tông, còn gọi là Liên Tông.

Như vậy, chúng ta thấy một cách khái quát rằng, hình ảnh hoa sen trong Phật giáo cái thâm nghĩa của nó quan trọng đến ngần nào. Hoa sen có 8 đặc tính tuyệt diệu sau đây:

1: Không nhiễm. 2: Trừng thanh. 3: Kiên nhẫn. 4: Viên dung

5: Thanh lương. 6: Hành trực. 7: Ngẫu không. 8: Bồng thực.

1. Đặc tính không nhiễm: Hoa sen dù mọc lên từ bùn nhơ, nhưng tính chất của nó vẫn không mang mùi hôi của bùn. Ca Dao Việt Nam có bài nói về đặc tính không cấu nhiễm này:

Trong đầm gì đẹp bằng sen

Lá xanh bông trắng lại chen nhụy vàng

Nhụy vàng bông trắng lá xanh

Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.

Dù nằm trong bùn trải qua nhiều ngày tháng, nhưng hoa sen vẫn chờ ngày vươn mình lên khỏi mặt nước để nở ra và rồi khoe hương khoe sắc, ngát tỏa hương thơm cùng khắp đất trời. Ta thấy giữa bùn và hoa không dính dáng gì nhau. Bùn là tượng trưng cho phiền não nhiễm ô, còn hoa sen là tiêu biểu cho thanh tịnh. Điều nầy, để nói lên cái ý nghĩa thâm trầm là chư Phật Bồ tát ra đời, các Ngài vẫn sinh hoạt trong dòng đời, nhưng các Ngài không bao giờ bị cấu nhiễm. Cư trần bất nhiễm trần là thế.

Ngược lại, chúng ta thì có khác. Chúng ta động đâu nhiễm đó. Mặc dù trong mỗi người chúng ta đều sẵn có hoa sen bất cấu nhiễm nầy. Hoa sen là để tiêu biểu ẩn dụ cho mỗi người chúng ta ai ai cũng sẵn có Phật tính. Mà Phật tính vốn không cấu nhiễm, vì bản chất của nó thanh tịnh sáng suốt. Nhưng vì chúng ta theo dòng vô minh vọng nghiệp mà tạo ra nhiều tội lỗi để rồi bị dính mắc trong trần lao ô nhiễm. Đó là đặc tính thứ nhất.

2. Trừng thanh: Trừng thanh là lóng trong. Điểm đặc biệt là chỗ nào có hoa sen mọc, thì chỗ đó nước không bao giờ đục. Do đó, khi chúng ta hái hoa sen, thì khỏi cần phải rửa, bởi hoa sen không dính bùn nhơ. Bởi vì bản chất của nó mang sẵn tính trừng thanh. Điều nầy để nói lên ý nghĩa biểu trưng rằng, nơi nào có chư Phật, Bồ tát ra đời, thì nơi đó sẽ đem lại cho chúng sanh có sự an ổn mát dịu.Ngược lại, nơi nào có những phần tử xấu ác bất lương, thì nơi đó chắc chắn là sẽ xảy ra lắm điều phiền phức họa hại bất an. Đặc tính trừng thanh nầy, các loài hoa khác không có. Đặc tánh này, nếu chúng ta khéo biết áp dụng vào đời sống thực tế hàng ngày, thì cũng rất là lợi ích. Vì sao? Vì có thường xuyên lóng lặng cấu uế phiền não thì nước hồ tâm của chúng ta mới trong sạch thanh lương được. Mà phiền não không có, tất nhiên là chúng ta sẽ có an lạc hạnh phúc ngay.

3. Kiên Nhẫn: Như chúng ta đã biết, hoa sen là loại túc căn thảo, tức một loại có nẩy mầm từ rễ củ của năm trước. Hoa sen mang đặc tính kiên nhẫn rất là kỳ thú. Rễ củ của nó nằm trong bùn thật lâu để chờ đợi khi hội tụ đầy đủ nhân duyên là nó sẽ nẩy mầm ngay. Sự chờ đợi đó, tức là đức tính kiên nhẫn. Đức tính này, rất cần thiết trong đời sống hằng ngày của chúng ta. Người nào có đức tính kiên nhẫn này, thì người đó khi ra làm việc gì chắc chắn sẽ dễ đạt được thành công. Bằng ngược lại, thì khó mong đạt được. Có nhiều khi, vì một việc rất nhỏ nhặt nào đó xảy ra mà chúng ta cũng không đủ sức kiên nhẫn để vượt qua, thì đừng nói chi đến việc trọng đại. Việc đời cũng như việc đạo muốn có kết qủa tốt đẹp, tất nhiên, chúng ta phải có đức tính kiên nhẫn này. Nếu không, thì khó mà thành công trong bất cứ lĩnh vực nào. Cho nên, đức tính kiên nhẫn là một đức tính tối thiết yếu trong đời sống hướng thượng thăng hoa, khác nào hoa sen đã kiên nhẫn vươn lên tìm sự sống cao đẹp vậy.

4. Tánh Viên Dung: Đức tính này, đặc biệt chỉ có hoa sen mới có. Vì hoa sen có những cánh hoa bao bọc gương sen tròn trịa. Đây là tiêu biểu cho tính viên giác của mỗi chúng sanh sẵn có. Tính viên giác vượt ngoài phạm trù nhân duyên đối đãi.

Hoa sen từ lúc nở cho đến lúc tàn, không bị loài ong bướm làm hư hoại, khác với các loài hoa khác bị ong bướm tìm đến bu đậu và hút lấy nhụy. Điều nầy, nói lên tính viên giác tròn sáng vô ngại, không bị cảnh nào có thể làm tiêu hoại ô nhiễm nó được.

5. Thanh Lương: Thông thường các loài hoa thi nhau đua nở vào mùa Xuân, vì mùa Xuân là mùa mát mẻ. Ngược lại, chúng không thể nở hoa vào mùa Thu hay mùa Ðông. Vì mùa Thu là mùa hay có mưa phùn, còn mùa Ðông thì giá lạnh. Do đó, không thích hợp cho các loài hoa khai hoa nở nhụy.

Khác hơn các loài hoa khác, hoa sen lại nở vào mùa Hạ, đây là mùa nóng bức. Điều này, để nói lên ý nghĩa chư Phật Bồ tát ra đời trong cõi đời ngũ trược, chúng sinh dẫy đầy phiền não, bức bách khó chịu, các Ngài mang lại nước cam lồ từ bi để tưới tẩm làm mát dịu cho mọi người.

Giữa mùa hè oi ả nóng bức, nhưng hoa sen vẫn bất chấp sự nóng bức đó mà vẫn vươn mình mọc lên, để nói lên rằng, dù chúng ta đang sống trong nhà lửa tam giới đang bị thiêu đốt bởi những thứ lửa dục vọng tham sân si…nhưng chúng ta vẫn cố gắng bền tâm nhẫn nại chịu đựng để khắc phục vượt qua. Đồng thời dùng nước chính pháp để tưới tẩm làm mát dịu tâm hồn.

6. Hành trực: Hành trực là chỉ cho thân ngay thẳng. Không có loài hoa nào mọc lên mà có thân hình (cọng sen) ngay thẳng như hoa sen. Điều nầy, để tiêu biểu: “người tu hành cần phải sửa thân và tâm cho ngay thẳng”.

Trong Kinh Duy Ma Cật có câu nói: “Trực tâm tức thị đạo tràng”. Dù sống trong bất cứ hoàn cảnh thuận nghịch nào hay ở bất cứ nơi đâu mà tâm ta ngay thẳng, tức không khởi nghĩ hai bên: có, không, phải trái v.v…dù là ở nơi giữa chợ búa, thì ta cũng biến nơi đó thành đạo tràng. Đạo tràng là nơi thanh tịnh. Như vậy, đức tính ngay thẳng là đức tính mà người Phật tử cần phải áp dụng hành trì trong đời sống thực tế. Có thế, thì chúng ta mới có sự lợi lạc, như hoa sen mọc từ bùn thẳng lên và rồi khoe hương khoe sắc vậy.

7. Ngẫu không: Hoa sen tuy thân ngay thẳng, nhưng trong ruột thì trống rỗng. Điểm đặc biệt này để nói lên một ý nghĩa rất thâm trầm là người tu hành cần phải có tính hỷ xả. Hai đức tính nầy Bồ tát luôn thực hiện. Nói đến hạnh hỷ xả, chúng ta liền nghĩ ngay đến Bồ tát Di Lặc.

Đức Di Lặc ngồi trơ bụng đá

Bao bụi trần bám đã rồi rơi

Mặc cho thế cuộc đầy vơi

Dửng dưng như một nụ cười an nhiên.

 

Đối với Bồ tát Di Lặc mọi việc đến và đi, tất cả chỉ là một nụ cười an nhiên. Một nụ cười khi nhìn thấy:

Mắt trông thấy sắc thì thôi

Tai nghe thấy tiếng nghe rồi thì không

Trơ trơ lẳng lặng cõi lòng

Nhẹ nhàng ta bước trong vòng trần ai.

8. Bồng thực: Các loài hoa khác, khi bông tàn mới kết nụ thành trái và có hạt. Ngược lại, hoa sen thì không như thế. Hoa sen nở ra thì đã có gương có hạt sẵn rồi. Đó là nhân qủa đồng thời. Điều nầy, nói lên một triết lý sống; nhân qủa không bao giờ sai khác. Nhân qủa như hình với bóng, hình thế nào, thì bóng như thế đó. Thế nên, muốn cho đời sống được an ổn tươi mát thơm tho như hoa sen, thì chúng ta nên nhớ đến lý nhân qủa mà hành xử tu nhân tích đức, làm lợi ích cho mình và người, thì chắc chắn chúng ta sẽ có hạnh phúc an lạc ngay trong đời sống hiện thực, không cần phải tốn công hao sức tìm nơi đâu xa xôi. Niết bàn hay đau khổ, rốt lại ở nơi tâm chúng ta mà thôi.

Thật ra, ý nghĩa của hoa sen rất thâm thúy, không thể nào giải thích hết được. Tuy nhiên, qua tám đặc tính tiêu biểu trên, thiết nghĩ, cũng tạm đủ để chúng ta hiểu được phần nào về triết lý và hình ảnh hoa sen biểu trưng trong Phật giáo. Một loài hoa qúy đặc biệt như thế lại nở ra thành bảy đóa nâng gót đức Phật đản sinh.

Trong đạo Phật, số bảy là con số của con đường đi lên, bởi chính Đức Phật cho rằng ngài đã bước bảy bước để đến với cuộc đời. Con số 7 tiêu biểu cho không gian có 4 là: Đông, Tây, Nam, Bắc và thời gian có ba là: qúa khứ, hiện tại và vị lai.

Theo tư tưởng kinh Hoa Nghiêm, toàn thể vũ trụ nhân sinh từ vật nhỏ như vi trần đến vật to lớn như núi Tu Di, tất cả không ngoài con số bảy:

- Thất Đại: Địa, Thủy, Phong, Hỏa, Không, Kiến, Thức

- Thất Thánh Tài: Tín, Tiến, Giới, Tàm Qúy, Văn, Xả, Tuệ

- Thất chúng: Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Thức Xoa Ma Na, Sa Di, Sa Di Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu bà di.

- Thất Phật: Phật Tỳ Bà Thi, Phật Thi Khí, Phật Tỳ Xá Phù, Phật Câu Lưu Tôn, Phật Câu Na Hàm Mâu Ni, Phật Ca Diếp và Phật Thích Ca.

- Thất Thánh Qủa: Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A la hán, Duyên giác, Bồ tát và Phật.

Ngoài ra, 37 phẩm trợ đạo cũng chia làm 7 khóa: Tứ Niệm Xứ, Tứ Chánh Cần, Tứ Như Ý Túc, Ngũ Căn, Ngũ Lực, Thất Bồ Đề Phần và Bát Chánh Đạo.

Vậy, con số 7 tượng trưng cho sự sinh hóa cả vũ trụ, ngay cả sự sống chết của con người như lập đàn Dược sư thất bảo để cầu an hay tổ chức thất thất trai tuần để cầu siêu cũng dùng đến nó. Vì thế, con số 7 mang ý nghĩa rất quan trọng đối với sự hình thành và phát triển của nhân sinh quan, vũ trụ quan qua tầm nhìn Phật giáo.

Một ý nghĩa khác của hoa sen đó là tình yêu vĩnh cửu. Thoạt nhìn vào cuống hoa đang nâng đỡ đóa hoa mỏng manh kia, người ta nghĩ rằng thật dễ dàng bẻ nó ra làm đôi nhưng thực tế thì rất khó khăn khi thực hiện điều đó vì cấu trúc sợi dai cứng. Các nhà thơ đã tận dụng đặc tính này của hoa sen để thể hiện sự tin tưởng của những người yêu nhau, những người đang bị chia cách hay phải xa nhau; nhưng dù cho bất cứ điều gì xảy ra, thì cũng không có gì có thể chia cách tình yêu của họ.

“Hoa sen, loài hoa đẹp nhất, hoa nở từng cánh, từng cánh một. Nhưng hoa sẽ chỉ có thể lớn lên trong bùn. Có nghĩa là để có sự thăng hoa và khai mở trí huệ, trước tiên bạn phải đặt mình trong bùn đất - chính là những trở ngại, đau khổ mà chúng ta phải chịu đựng trong cuộc sống… Bùn ở đây được nói đến chính là những nền tảng thông thường mà con người phải chia sẻ cùng nhau dù ở bất kể trạm dừng nào trong cuộc sống … Cho dù chúng ta có tất cả hay không có gì cả thì đều phải đối mặt với những khó khăn giống nhau như buồn bã, mất mát, bệnh tật và sự chết chóc. Nếu chúng ta muốn phấn đấu như một con người chân chính để đạt được sự thăng hoa về trí tuệ, trở nên tốt hơn và từ bi hơn, chúng ta phải lớn lên như một đóa hoa sen và nở từng cánh một, từng cánh một” - Goldie Hawn

Trên thế giới, ít có loài hoa nào ra đời sớm, phổ biến với nhiều biểu trưng cao qúy như hoa sen. Dáng hình đẹp, màu sắc trang nhã, hương thơm thùy mị, thanh khiết, không nhiễm bẩn... chừng ấy đức tính tốt đẹp đã đưa hoa sen thành biểu trưng cao qúy của đạo Phật. Danh từ hoa sen được dùng cho nhiều vật dụng của chư tăng như liên hoa phục (liên hoa y), hay khi chúng ta lễ Phật, hai bàn tay chắp lại thành hình hoa sen mà nhà Phật gọi là Liên Hoa Phật chưởng, biểu thị cho lý và trí cùng một thể. Hoa sen cũng tượng trưng cho cõi cực lạc. Theo các kinh tịnh độ tông thì ở “cõi cực lạc của Phật A Di Đà có rất nhiều ao sen báu, trong mỗi ao có 60 ức hoa sen bằng bảy báu, tròn trịa vừa đúng 12 do tuần. Mỗi hoa sen là mỗi chỗ dành cho những người vãng sinh về giá thai, tùy theo công đức và căn cơ mà giá vào Thượng phẩm, Trung phẩm hay Hạ phẩm”(1). Ở Việt Nam hoa sen chẳng những quen thuộc trong đời sống hàng ngày mà còn xuất hiện trong các huyền thoại về những vị vua gắn bó nhiều với Phật giáo: Khi có thai vua Lê Đại Hành, mẹ vua nằm mơ thấy bụng nở hoa sen, vua Lý Thánh Tông mơ thấy Phật Quan Âm ngồi trên đài sen dắt vua lên tòa, vua Trần Nhân Tông “nằm ngủ trong chùa Tư Phúc mơ thấy từ rốn mình mọc lên một bông sen, trên bông sen có một vị Phật mình vàng.(3)

Song hành cùng sự phát triển của Phật giáo, hình tượng hoa sen không chỉ dừng lại là một biểu tượng phổ biến trong lĩnh vực tôn giáo mà nó đã được nhân dân ta đưa vào trong hệ thống kiến trúc cổ một cách đầy sáng tạo. Đó là hình thức chùa tháp hoa sen. Một trong những ngôi chùa “hoa sen” ra đời sớm nhất trong lịch sử kiến trúc Việt Nam là chùa Diên Hựu

Chúng ta sẽ nhớ đến hình ảnh đức Phật: Nhẹ nhàng mà oai dũng đi trên bảy đóa sen. Hoa sen với nhiều tính hạnh cao đẹp mà sư đã phân tích thì chúng ta chỉ cần học đức tính hy sinh cho mọi người. Hy sinh trong ý nghĩa thanh cao không uế trược nhiễm ô, như ngày xưa Châu Long hy sinh giả làm người phụ nữ nuôi Lưu Bình ăn học. Hay có nhũng người bạn chấp nhận hoàn cảnh sống khó khăn mà vẫn hiếu thảo với cha mẹ, học giỏi, rèn luyện như củ sen ẩn nhẫn dưới dòng nước rồi một ngày kia vọt lên hoa sen giữa đầm tinh khôi, như bậc giác ngộ ngồi trên tòa sen, sinh ra bước trên hoa sen, tính hạnh tinh khiết, vẹn toàn như hoa sen. Mùa Phật đản hình ảnh “7 đóa sen vàng nâng gót ngọc, 3 ngàn thế giới đón Như lai”, nhắc nhở chúng ta tu tập tinh tiến kiên nhẫn giữ lòng thanh tịnh chẳng chút nhiễm ô như hoa sen giữa đầm tinh khôi. Gót ngọc: Ca ngợi sự giáng thế của Đức Thế Tôn qúy giá như bảo ngọc trân châu, gót ngọc là sự đẹp dẽ toàn hảo từ gót chân.

Sau thời pháp thoại, ĐĐ.Thích Quảng Tánh và ĐĐ.Thích Tâm Hải đã giải đáp các câu hỏi có liên quan đến sự kiện ngày Đức Phật đản sinh.

Nhân dịp này, ban tổ chức hướng dẫn tu sinh trang trí bàn thờ Phật Đản theo hình mẫu từ năm 2013. Thời gian trần thiết cho mỗi bàn thờ là 50 phút, sau những lần hội ý và thực nghiệm, tu sinh hoàn thành phần trần thiết bàn thờ chào mừng Phật Đản 2015 - DL.2015.

 















































Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập