Về Tam Đường thăm “phần Bụt”

Đã đọc: 2555           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Đến thăm Khu di tích lịch sử các vua Trần ở Thái Bình (đền Trần Thái Bình) ở làng Tam Đường, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, du khách ai cũng bị thu hút bởi ba gò đất hình tròn, mỗi gò cao cả chục mét, chiếm diện tích hàng sào Bắc bộ, nổi sừng sững giữa cánh đồng làng, đối diện với ngôi đền thờ các vua Trần mới được xây dựng chưa lâu.

Cụ Trần Văn Thái, người Tam Đường, tuổi xấp xỉ chín mươi, cho chúng tôi biết: Trước đây có 4 gò, tên các gò ấy là phần Cựu, phần Đa, phần Bụt, phần Trung. Nhưng dân chúng tôi vẫn gọi tất là mả vua. Cách đây mấy chục năm, phần Cựu bị phá mất rồi, chỉ còn ba phần này thôi.

Trước khi bị phá, năm 1980 phần Cựu đã được ngành khảo cổ học khai quật. Cuộc khai quật đã xác định đó là một ngôi mộ thời Trần. Dưới cùng mộ có quách gỗ, trên quách là một lớp đất sét, trên lớp đất sét là vách đá, xung quanh rải hàng ngàn khối cát sỏi, rồi trên lớp cát sỏi ấy lại là một lớp đất sét được nện, nén rất chặt. Những gò đất kỳ bí mang tên “mả vua” này là những vật chứng cuối cùng còn hiện diện trong một vùng đất một thời từng dầy đặc cung điện nguy nga và đẫm mùi nghi vệ trong những lần các vua Trần về đây tế tổ, dâng tù...

Lần ngược thời gian, thấy đây chính là xã Thái Đường thuộc hương Đa Cương huyện Ngự Thiên phủ Long Hưng thời Trần. Từ Tức Mặc (nay thuộc Nam Định), cụ Trần Hấp đã mang hài cốt của cha mình là Trần Kinh sang táng tại gò Hỏa tinh xã Thái Đường rồi định cư ở đó. Mấy chục năm sau, cháu nội cụ là Trần Cảnh trở thành vị hoàng đế mở đầu triều Trần khi mới 8 tuổi…Các làng Việt có “lệ” là chỉ sau 3 đời, người ngụ cư mới được “nhập tịch”, tức là trở thành thành viên chính thức của làng. Chẳng biết từ thời Trần, cái “lệ” ấy đã có chưa nhưng bằng vào việc 4 vị vua Thái Tổ (Trần Thừa), Thái Tông (Trần Cảnh), Thánh Tông (Trần Hoảng) và Nhân Tông (Trần Khâm) được an táng và xây lăng ở Thái Đường, thì rõ ràng nhà Trần đã coi Thái Đường là quê hương chính thức của mình.

 

Trong 4 vị vua ấy, trừ Thái tổ Trần Thừa (không làm vua ngày nào, vì là thân sinh của Thái Tông Trần Cảnh nên được tôn xưng), ba vị còn lại đều là những anh quân. Nổi bật nhất là Trần Nhân Tông, vị vua tài kiêm văn võ, hiểu sâu Phật pháp, người đã lãnh đạo quân dân Đại Việt hai lần đánh thắng giặc Nguyên - Mông.

Bốn gò đất có kết cấu bên trong rất đặc biệt, trùng với số lượng 4 vị vua được mai táng ở Thái Đường theo chính sử, và đều được gọi là “mả vua” theo truyền khẩu của dân gian từ đời này qua đời khác. Nếu đó chính là “mả” của 4 vị vua trên, thì “phần” nào là mộ vua Trần Nhân Tông? Rất nhiều nhà nghiên cứu đã đặt ra và đi tìm lời đáp cho câu hỏi đó.

Về cái chết của vị vua anh hùng, vị Tổ của phật phái Trúc Lâm Yên Tử, được tôn xưng là Điều Ngự Giác Hoàng này, sách Đại Việt sử ký toàn thư, chép: “Mậu Thân (niên hiệu Hưng Long năm thứ 16 - dương lịch là 1308), mùa thu, tháng 11. Ngày mùng 3, Thượng hoàng (tức vua Trần Nhân Tông) băng ở am Ngọa Vân núi Yên Tử”. Sách này còn cho biết thêm rằng sau khi ngài băng, đệ tử của ngài là Pháp Loa đem thi hài hỏa thiêu, được hơn 3.000 hạt xá lỵ. Pháp Loa mang số xá lỵ đó về chùa Tư Phúc ở Thăng Long, vua (Trần Anh Tông, con Trần Nhân Tông) có ý ngờ (là xá lỵ giả), các quan nhiều người xin trị tội Pháp Loa. Lúc đó hoàng thái tử Mạnh (sau là vua Trần Minh Tông) đứng hầu cạnh vua, chợt thấy có mấy hạt xá lỵ trước ngực, bèn đưa ra cho mọi người xem. Kiểm lại số hạt xá lỵ (do Pháp Loa mang về) thì thấy mất một số hạt, nhà vua xúc động phát khóc, lúc đó mới khỏi ngờ.

Dẫu là chính sử nhưng những chi tiết đó rõ ràng là huyền hoặc. Tiếp theo, sách này lại chép: “Canh Tuất (niên hiệu Hưng Long năm thứ 18, dương lịch là 1310), mùa thu, tháng 9, ngày 16, rước linh cữu Thượng hoàng về táng ở lăng Quy Đức phủ Long Hưng. Xá lỵ thì cất ở bảo tháp am Ngọa Vân”. Lăng Quy Đức nằm trên đất Thái Đường. Ở đây, rõ ràng là có sự mâu thuẫn. Nếu như thi hài nhà vua đã được hỏa thiêu, hóa thành trên 3.000 hạt xá lỵ, và số xá lỵ đó được cất ở bảo tháp am Ngọa Vân núi Yên Tử rồi, thì còn “linh cữu” nào nữa? Sử chép không chính xác hay việc rước linh cữu đó chỉ là sự tượng trưng? Phần mộ của vua Trần Nhân Tông được xây đắp ở Thái Đường nhưng bên trong không có tro cốt hay xá lỵ của ngài?

Mang thắc mắc này đến hỏi nhà nghiên cứu lịch sử Đặng Hùng (Hội viên Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam), chúng tôi được ông Hùng cho biết:

- Đúng là sử chép có phần không rõ ràng. Nếu căn cứ vào đoạn sử đó thì sự nghi ngờ trên là có cơ sở. Chính tôi cũng băn khoăn rất nhiều về chuyện này. Nhưng khi tham khảo một số tài liệu khác, tôi đã tìm được lời giải đáp. Sách “Tam tổ thực lục” cho biết: “Xá lỵ của Điều Ngự phân làm 2 phần, một phần để vào bảo tháp tại Đức Lăng (tức là lăng Quy Đức ở Thái Đường), một phần để vào Kim Tháp chùa Yên Vân trên núi Yên Tử”. Sách “Tam Tổ Trúc Lâm” còn cho biết chi tiết hơn: “Pháp Loa theo lời di chúc của ngài (tức vua Trần Nhân Tông), làm lễ hỏa thiêu, lượm ngọc cốt có 5 màu để vào bình. Vua Anh Tông cùng đình thần mang loan giá rước ngọc cốt về tôn thờ ở Đức Lăng và xây tháp ở chùa Vân Yên trên núi Yên Tử, đề là Huệ Quang kim tháp”. Như vậy có thể hiểu, cái gọi là “linh cữu” mà Đại Việt sử ký toàn thư chép ở trên chính là một phần xá lỵ của vua Trần Nhân Tông.

Ông Hùng cho rằng những tài liệu như “Tam tổ thực lục” là rất đáng quý, đáng tin hơn một số bộ sử đang lưu hành, vì chúng được bảo quản trong chùa, trừ phần sai sót trong khi biên chép, không ai dám sửa dù chỉ một chữ, trong khi một số bộ sử thường bị các sử quan “biên tập” lại theo quan điểm và thành kiến của mình, khiến nhiều chi tiết thiếu chuẩn xác.

- Với quy mô như hiện nay, có thể đoán rằng lăng Quy Đức thời Trần rất rộng, và 4 “phần” ấy là mộ của 4 vị vua, đều nằm trong khuôn viên của lăng. Chỉ khi lăng bị phá thì mới biến thành ruộng. Trong 4 “phần” ấy, có một “phần” gọi là “phần Bụt”. Bụt tức là Phật. Vua Trần Nhân Tông ở ngôi 14 năm, nhường ngôi để làm Thái Thượng Hoàng 5 năm, đi tu 8 năm với hiệu là Hương Đầu Đà, sau đổi là Trúc Lâm Đầu Đà, Trúc Lâm Đại Sỹ, được tôn xưng là Điều Ngự Giác Hoàng, được coi như một vị Phật sống.

Vậy thì “phần Bụt” rất có thể là mộ của ngài. Điều này càng có cơ sở hơn khi nhân dân đã tìm thấy ở xung quanh “phần Bụt” một số viên gạch, loại gạch vẫn được dùng xây tháp thời Trần, có cùng niên đại với những viên gạch của tháp chùa Phổ Minh ở Nam Định (cũng được xây dựng vào thời Trần). Như vậy rõ ràng trên phần Bụt trước đây đã có một bảo tháp, và trong bảo tháp ấy chứa một phần xá lỵ của vua Trần Nhân Tông, đúng như sách “Tam tổ thực lục” chép: “Xá lỵ của Điều Ngự được phân làm 2 phần, một phần để vào bảo tháp tại Đức Lăng…”.

Nguồn: Báo Nông Nghiệp Việt Nam

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập