Tự Lực Mới Thực Là Tu

Đã đọc: 6317           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Muốn chân chính tu theo đạo Phật để giác ngộ và giải thoát khỏi cảnh khổ đau của muôn kiếp sanh tử luân hồi, con người phải tích cực dùng sức tự lực của chính mình, chuyển hóa thân tâm, chuyển hóa ba nghiệp chưa thanh tịnh thành ba nghiệp thanh tịnh, chứ không phải bằng sự mong cầu, trông chờ, van xin, cầu khẩn tha lực của người khác, dù cho thành tâm tha thiết đến đâu, cũng như tín ngưỡng ngoại đạo mà thôi.

Từ khi con người sinh ra cho đến khi từ giả cõi đời này, cuộc sống đầy dẫy khổ đau, khổ như thật, khổ thiệt sự, khổ vì phiền não tham sân si đầy ắp thân tâm, khổ vì nay thương mai ghét, nay thân mai thù, khổ vì mọi người sống chung quanh mình tư tưởng không đồng nhau, khổ vì hoàn cảnh trái ngang lúc thuận lúc nghịch, khổ vì cơm ăn áo mặc vất vả gian nan, khổ vì cầu khẩn van xin thì nhiều, nhận được chẳng bao nhiêu, hoặc chẳng được gì cả! Khổ ơi là khổ! Đời là bể khổ! Cuộc sống con người khổ nhiều hơn vui, bất như ý nhiều hơn sự cát tường, dù ở trong bất cứ hoàn cảnh hay địa vị nào của xã hội.

 

Khi nhận đúng, thấy đúng, biết đúng như thực, đời là bể khổ, nhưng không vì thế cảm thấy bi quan, chán đời, sanh tâm mong cầu cõi sung sướng hơn cho thỏa tâm tham, thì con người mới thực sự gọi là phát tâm chọn con đường chân chính tu hành của đạo Phật. Nếu không thấy đời sống khổ như thật, còn thấy cuộc đời hạnh phúc, vui sướng và hướng tâm mong cầu sanh về cõi sung sướng hơn, sung sướng cực điểm, thì đừng nên chọn con đường tu hành của đạo Phật. Chọn lựa như vậy là sai lầm.

 

- Tại sao như vậy?

 

Tại vì lòng tham cõi sung sướng hơn như vậy sẽ dẫn dắt người tu lạc vào tà đạo. Con đường tu hành chân chính của đạo Phật là con đường đi ngược lại với tâm tham lam, sân hận, si mê và mong cầu ỷ lại của người đời.

 

Con đường tu hành chân chính theo đạo Phật là phải xả bỏ những tâm niệm đầy tham lam, sân hận, si mê, trong kinh sách gọi là tà niệm, tạp niệm hay vọng niệm. Dù tại gia hay xuất gia, người tu phải tự lực rèn luyện tu tập, luôn giữ gìn chánh niệm, luôn trau giồi thúc liễm thân tâm, cố sức tránh xa các ác pháp lợi mình hại người.

 

Con người phải đầy đủ nghị lực, phải gan dạ, kiên trì, chịu đựng và kham nhẫn, để mạnh dạn dứt bỏ những thói hư, tật xấu, chứ không phải chỉ biết thường vào nơi điện Phật chỉ để cúng kiến, lễ bái, cầu khấn, van xin, nương nhờ tha lực chư Phật, chư Bồ Tát gia hộ, tiếp độ, trợ lực, cứu khổ cứu nạn, giải thoát khổ đau, tai ương, bệnh tật, hay phóng hào quang tiếp độ những vong hồn người chết về cõi Tây Phương Cực Lạc.

 

Con người phải phát tâm tự lực học hiểu chánh pháp, suy tư nghiền ngẫm những lời dạy quí báu trong kinh sách, để biết cách áp dụng, thực hành trong đời sống thực tế hàng ngày. Chứ không phải tu hành suông bằng cách chỉ biết tụng kinh, niệm Phật, trì chú, ngồi thiền, hay chuyên luyện bùa, luyện phép để có thần thông, hay huyễn thuật, hoặc để khẩn cầu được sinh về Cực Lạc, Niết Bàn bằng những oai thần, tha lực của chư Phật, chư Bồ Tát, ngoài ra không còn gì hết, không biết gì hết !

 

Muốn chân chính tu theo đạo Phật để giác ngộ và giải thoát khỏi cảnh khổ đau của muôn kiếp sanh tử luân hồi, con người phải tích cực dùng sức tự lực của chính mình, chuyển hóa thân tâm, chuyển hóa ba nghiệp chưa thanh tịnh thành ba nghiệp thanh tịnh, chứ không phải bằng sự mong cầu, trông chờ, van xin, cầu khẩn tha lực của người khác, dù cho thành tâm tha thiết đến đâu, cũng như tín ngưỡng ngoại đạo mà thôi.

 

Trong kinh sách, đức Phật thường dạy tu hành một cách tích cực bằng những pháp môn tự lực, tịnh tông hay thiền tông, không có bài pháp nào dạy tu tập cầu tha lực một cách tiêu cực, ỷ lại. Chẳng hạn như là pháp môn: niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, và niệm Giới.

 

Chúng ta nên biết: Phật là tâm sáng suốt, Pháp là tâm chân chánh, Tăng là tâm thanh tịnh. Đó là Tự Tánh Tam Bảo.

 

Đức Phật dạy niệm Phật là nhớ nghĩ đến tâm sáng suốt, nghĩ đến Phật và sống như Phật, chứ không phải chỉ niệm suông danh hiệu Phật; niệm Pháp là nhớ nghĩ đến tâm chân chánh, nghĩ đến Pháp và sống như Pháp, tu tập đúng như pháp, nói năng như pháp, im lặng như pháp, chứ không phải chỉ tụng kinh suông; niệm Tăng là nhớ nghĩ đến tâm thanh tịnh, nghĩ đến tăng và sống như chúng tăng hòa hợp, không chống trái nhau, chứ không phải chỉ cúng dường trai tăng, lễ lạy các vị tăng để cầu phước báu; niệm Giới là nhớ nghĩ đến phẩm hạnh, giới đức và sống đúng giới hạnh, không hề vi phạm giới luật, dù chỉ phạm một lỗi nhỏ nhặt nào, chứ không phải chỉ hằng tháng vào ngày 30 ngày rằm cùng nhau tụng giới suông, mà thôi.

 

Ở đây, Đức Phật dạy niệm tức là tư duy Phật, Pháp, Tăng và Giới, để thấu triệt Phật, Pháp, Tăng và Giới hàm nghĩa giải thoát như thế nào, rồi noi theo đó mà thực hiện nếp sống và tu tập như Phật, như Pháp, như chúng Thánh Tăng và như Giới luật đã dạy.

 

Có hiểu biết và tu tập như vậy, thì mới có giác ngộ và giải thoát thực sự. Còn như chỉ biết niệm suông danh hiệu Phật, tụng kinh suông, cúng dường trai tăng và đảnh lễ chư tăng và tụng Giới, dù có niệm Phật, Pháp, Tăng, và Giới như vậy cho đến muôn kiếp ngàn đời, thì cũng chẳng có giác ngộ và giải thoát được chút nào. Tham sân si, cố chấp và ngã mạn, nếu không tăng thì cũng còn y nguyên. Những sự tu hành sai lạc này khiến chẳng còn ai tu chứng. Người tu hành mà hiểu Phật giáo như vậy, tức là chẳng hiểu Phật giáo gì cả.

 

Tương tự, trong Kinh A Di Đà, đức Phật có dạy: “Kỳ độ chúng sinh, văn thị âm dĩ, giai tất niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng”. Hoặc: “Văn thị âm giả, tự nhiên giai sinh, niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng chi tâm”.

 

Nghĩa là: Những diệu pháp ấy, chúng sinh cõi này, khi nghe được rồi, hết thảy đều niệm: niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng. Hoặc: Ai nghe tiếng ấy, tự nhiên sinh tâm: niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng.

 

 

Xưa nay, chỉ có những người lười biếng, dối mình gạt người, không chịu nghiên tầm học hiểu giáo lý, không thấu rõ lời dạy của chư Phật, chư Tổ, do đó tin bừa, làm càn và rao giảng những điều sai lầm, mê tín, mù mờ. Số người mê tín tu mù này, có cả tu sĩ và cư sĩ, đơn giản hóa pháp tu tịnh độ đến mức tối đa, khuyên người chỉ cần niệm: Nam Mô A Di Đà Phật, thì chắc chắn được vãng sanh, không cần đọc tụng kinh điển, không cần học hiểu giáo lý, sợ bị loạn tâm, không vãng sanh.

 

Họ lập ra các ban hộ niệm, tự phong cái quyền quyết định dám tuyên bố người này được vãng sanh, người kia không vãng sanh, người này lưu xá lợi, người kia không, mặc dù người mới chết suốt đời không biết chùa chiền, kinh kệ hay tu tập gì ráo! Tiếc thay, số người này thu hút được đám đông si mê, cùng tần số cố chấp, lười tu tập nhưng mong cầu và tin chắc được vãng sanh cực lạc cho sướng cái đã, rồi hẹn lên trên đó tu tiếp sau, dễ dàng hơn nơi cõi ta bà này.

 

Khi bước chân vào đạo, ta thường được nghe dạy: bài học tu tập tự lực đầu tiên là phải dứt bỏ các nghề nghiệp ác đang sanh sống hàng ngày, nghĩa là người muốn tu hành theo đạo Phật, thì phải ngưng nghề ác, hành nghề thiện, ngưng việc ác, làm việc thiện. Qua bài kinh dứt các nghề ác, chúng ta thấy rõ sự tự lực của đạo Phật ngay từ ban đầu. Không làm các điều ác. Siêng làm các việc thiện. Giữ tâm ý thanh tịnh. Đó là chư Phật giáo.

Khi bước chân vào đạo, ta thường được nghe dạy: “Thông suốt những gì cần phải thông suốt, dứt bỏ những gì cần phải dứt bỏ, tu tập những gì cần phải tu tập, trau giồi những gì cần phải trau giồi”. Những việc làm này là những hành động tự lực.

 

Trong Kinh Pháp Cú, đức Phật có dạy:

 

Tự mình điều ác nhiểm ô.

Tự mình thanh tịnh chính mình.

Tự mình phân minh thiện ác

Không ai giúp ai thanh tịnh.

 

Đạo Phật là một tôn giáo xây dựng trên nền tảng thiện pháp, mọi ác pháp cần phải loại trừ dứt bỏ. Nhờ có loại trừ ác pháp, tăng trưởng thiện pháp, cuộc sống mới có sự giải thoát an vui, hạnh phúc cho mình, cho người. Không có con đường nào khác hơn.

 

Loại trừ ác pháp, chỉ có tự lực, không thể có tha lực. Những điều làm ác phải tự mình dứt bỏ chứ không thể cầu cạnh người khác giúp mình được. Ví như nhờ người khác giúp mình đừng ăn cắp, ăn trộm có được không?

 

Không có thể được, phải tự mình biết đó là một việc làm xấu ác, khiến người ta sầu khổ thì mình nên tự lực dứt bỏ, cũng như tự lực dứt bỏ các nghề nghiệp ác, chứ không thể cầu chư Phật giúp mình được.

 

Đạo Phật nhìn cuộc đời với đôi mắt nhân quả, chỉ có tự lực dứt bỏ được nghiệp nhân nghiệp quả  mà thôi, dù cho có một đấng vạn năng nào đó cũng không giúp con người việc này được. Đã gieo nghiệp nhân, thì con người chạy đàng trời cũng không tránh thoát nghiệp quả. Thâm tín chánh lý nhân quả là pháp tu tự lực của đạo Phật.

 

Thời đức Phật còn tại thế, khi nghiệp quả đến với các vị đại đệ tử do nghiệp nhân đã tạo từ nhiều kiếp trước, kiếp này dù đã chứng đắc, các ngài vẫn phải đền trả, chứ không có chuyện còn nghiệp mà được vãng sanh, đức Phật còn không can thiệp, cứu giúp gì được cả. Con người nên nhớ việc này để làm gương, cố gắng hết sức, tự lực tu tập, tinh tiến không ngừng, không lười mỏi. Ðó mới là chánh kiến và chánh tín của người phát tâm tu theo Phật.

 

Trong Kinh Pháp Cú, đức Phật có dạy:

 

Lên non xuống biển vào hang

Nghiệp nhân quả báo đã mang

Không ai tránh được thoát được

Như hình bóng đeo theo mình.

 

Đạo Phật qua hình thức, nghi lễ của một tôn giáo nhằm phát triển, mang ánh sáng từ bi và trí tuệ tới quảng đại quần chúng, độ tận chúng sanh, nhưng cốt tủy cao siêu của đạo Phật là phi tôn giáo.

Nghĩa là: Đạo Phật là tôn giáo duy nhất  chủ trương không tôn thờ một đấng thiêng liêng vạn năng có quyền lực tối cao hay ban phước giáng họa trên sinh mệnh con người. Đạo Phật là một tôn giáo bi trí dũng, xây dựng con người tự giác, tự lực, tự độ, tự cứu mình thoát ra khỏi cảnh khổ, nên còn gọi là “Độc Cư, Độc Bộ, Độc Hành”.

 

 

Tóm lại,

 

Khi mê lầm, chúng con khổ, nguyện xin cứu khổ.

Khi giác ngộ, chúng con khổ, nguyện xin tự độ.

 

 

Nhờ thế, con người mới biết đạo Phật là đạo tự lực, tự lực mới thực là tu, chính là nghĩa đó vậy. Con người phải tự thắp đuốc lên mà đi. Thắp lên với chánh pháp. Kinh sách tha lực không phải là kinh sách liễu nghĩa của đạo Phật. Y liễu nghĩa, bất y bất liễu nghĩa.

 

Đạo Phật có nền đạo đức nhân bản –  chánh lý nhân quả:

 

sống

không làm khổ mình,

không làm khổ người,

không làm khổ chúng sanh.

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (13 đã gửi)

avatar
nguyễn đông đông 21/02/2011 07:36:28
xin cho con biết địa chỉ của thầy nam mô phật
avatar
Tỳ-Khưu Thích-Chân-Tuệ 21/02/2011 12:34:26
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Kính thư,
Tỳ-Khưu Thích-Chân-Tuệ
Chủ-Nhiệm PHẬT-HỌC TỊNH-QUANG CANADA
108 - 123 Railroad St.,
Brampton, ON, L6X-1G9.
Tel: 647-828-1016
Email: cutranlacdao@yahoo.com
avatar
Dieu Linh 22/02/2011 03:22:01
Bai viet that y nghia
Reply Tán thành Không tán thành
-1
Cảnh báo nội dung không phù hợp
avatar
Xưng Bụt 22/02/2011 04:34:34
Kính chào Thầy

Bài viết của thầy rất hay, nếu thầy để chữ Bụt vào chữ Phật thì còn hay nữa, vì đạo Bụt ngày nay đã toàn cầu như Sư ông Làng Mai nói.

Kính Thầy

Xưng Bụt
Reply Tán thành Không tán thành
-4
Cảnh báo nội dung không phù hợp
avatar
Giác Hạnh Hoa 22/02/2011 19:47:32
A Di Đà Phật
Bạch Thầy! bài viết của Thầy hay quá giá như tỷ, tỷ người trên trái đất này mà được đọc bài viết này thì hạnh phúc biết bao. Con đọc song cứ thấy buồn vì gia đình con còn nhiều người không nghe, không thèm biết viện đủ mọi lý do bận bịu, mặc dù rất thành tâm đi chùa, nhưng đi là toàn để cầu, xin thôi. Con thuyết phục mấy cũng chỉ ậm ừ. Theo như TT Thích Nhật Từ nói (( Thật bất hạnh thay cho những ai không được nghe Phật pháp...)) sao mà con thấy thấm thía thế...
Con Kính chúc Thầy có nhiều sức khoẻ để viết thật nhiều bài hay nữa
A Di Đà Phật
Reply Tán thành Không tán thành
-1
Cảnh báo nội dung không phù hợp
avatar
Thanh Liêm 26/02/2011 18:50:57
Kính chào Tỳ-Khưu Thích Chân Tuệ

Bài viết của Tỳ khưu, đọc thoáng qua thấy rất cô động trong cụm từ : Tự Lực Mới Thực Là Tu. Nhưng khi đọc kỹ và phân tách, thì thấy bài này có nhiều ý chưa được trình bày một cách rõ ràng trong tư tưỡng và áo nghĩa của Kinh Phật.

Tỳ Khưu viết : Muốn chân chính tu theo đạo Phật để giác ngộ và giải thoát khỏi cảnh khổ đau của muôn kiếp sanh tử luân hồi, con người phải tích cực dùng sức tự lực của chính mình, chuyển hóa thân tâm, chuyển hóa ba nghiệp chưa thanh tịnh thành ba nghiệp thanh tịnh, chứ không phải bằng sự mong cầu, trông chờ, van xin, cầu khẩn tha lực của người khác, dù cho thành tâm tha thiết đến đâu, cũng như tín ngưỡng ngoại đạo mà thôi.

Xin hỏi Tỳ Khưu :
Trong Tịnh độ, tự lực rất cần thiết : Mình phải phát nguyện vãng sanh và thực hành những phương pháp Quán và Niệm mà Đức Phật Thích Ca dạy trong những kinh căn bản của Tịnh độ : Vô Lượng Thọ kinh (phạn ngữ. sukhāvatī-vyūha) | A-di-đà kinh (phạn ngữ. amitābha-sūtra) | Quán Vô Lượng Thọ kinh (phạn ngữ. amitāyurdhyāna-sūtra).

Như vậy 48 lời nguyện của Phật A Di Đà có phải là THA LỰC để cho người tu theo Pháp môn tịnh Độ không ?.

Xin hỏi Tỳ Khưu :
Như đã biết : Ðức Phật giác ngộ là do tự mình tu hành mà được Chánh quả, rồi đem phương pháp tu hành để chứng được quả vị mà dạy lại cho tất cả những người học Phật, hầu mong giúp họ cũng chứng được Phật quả Bồ đề như Ngài. Do đó Ðức Phật mới cần nói pháp cho mọi người nghe để học và hành.

Xin Tỳ Khưu cho biết : Việc nói pháp của Đức Phật có phải là Tha Lực để cho người tu Phật có thể dựa vào những kinh nghiệm từng trải của Ngài mà tự tu không ?

Xin hỏi Tỳ Khưu :
Trong đoạn này Tỳ Khưu nói : Xưa nay, chỉ có những người lười biếng, dối mình gạt người, không chịu nghiên tầm học hiểu giáo lý, không thấu rõ lời dạy của chư Phật, chư Tổ, do đó tin bừa, làm càn và rao giảng những điều sai lầm, mê tín, mù mờ. Xin Tỳ Khưu cho biết những người này là ai, họ đang ở đâu, còn sống hay chết vậy.

Là người tu hành như Tỳ Khưu, thì nên nói rõ ràng, những ai đã lợi dụng đạo Phật mà Tỳ Khưu đã thấy, hầu giúp cho Phật tử không phải bị người lừa gạt. Người quân tử khi nói thì phải có sự chứng minh, không nên quơ đũa cả nắm. Hy vọng Tỳ Khưu sẽ cung cấp cho đọc giã phần tin yêu cầu này.

Tỳ Khưu dám khẳng định rằng : Số người mê tín tu mù này, có cả tu sĩ và cư sĩ, đơn giản hóa pháp tu tịnh độ đến mức tối đa, khuyên người chỉ cần niệm : Nam Mô A Di Đà Phật, thì chắc chắn được vãng sanh, không cần đọc tụng kinh điển, không cần học hiểu giáo lý, sợ bị loạn tâm, không vãng sanh.

Vậy, Đại Sư Huệ Viễn được xem là sơ tổ của Tịnh độ tông. Theo Đại Sư chỉ cần nhất tâm quán niệm danh hiệu A-di-đà là đủ để sinh về cõi của Ngài. Bởi vì, Niệm danh hiệu và tạo linh ảnh là điều kiện "bên ngoài ", lòng tin kiên cố nơi A-di-đà là điều kiện "bên trong", khi hai điều kiện này được hội nhập thì người tu tập mới được tái sinh nơi cõi Cực lạc.

Theo Tỳ Khưu, thì Đại Sư Huệ Viễn nói có đúng không vậy ? Nếu Đại Sư Huệ Viễn nói không đúng, thì tại sao ngày nay Tịnh độ tông là tông phái Phật giáo phổ biến nhất tại Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam.

Đức Phật nói rằng “Trong thời chánh pháp người tu thành tựu pháp Thiền quán, trong thời tượng pháp người tu thành tựu pháp Thiền định, và ở thời mạt pháp người tu thành tựu ở pháp môn Tịnh độ”. Tỳ Khưu nghĩ thế nào qua câu nói của Đức Phật?

Tín, Hạnh, Nguyện, là nền tảng căn bản tu tập của pháp môn Tịnh Độ, là phương tiện đưa chúng sinh qua bờ giải thoát. Tỳ Khưu có tin điều này không ?

Trong Phật học : Tín thường được hiểu là Tín tâm, là chánh tín, là tin sâu những lời Phật dạy. Tỳ Khưu có đồng ý sự giãi thích này theo Phât học không? Nếu không xin cho biết tại sao ? Còn nếu như đồng ý, thì cũng nên cho biết lý do để đọc giã chúng tôi có thêm một kiến thức mới.

Trong Phật học : Hạnh thường được hiểu là thực hành và trong pháp môn Tịnh Độ là sự thực hành trì niệm danh hiệu đức Phật liên tục và thành tâm. Có thể đi, đứng, nằm, ngồi, nghĩ đều niệm Phật. Tỳ Khưu có biết tại sao người tu pháp môn này phải làm như vậy không?. Nếu không, thì Tỳ Khưu có thể tự hỏi mình tại sao mình tự Niệm Phật ?

Trong Phật học : Nguyện thường được hiểu là lời nguyền. Chính Đức Phật Thích Ca khi đến ngồi nhập định dưới gốc cây Bồ Ðề và nguyện rằng: "Nếu ta không thành đạo thì thịt nát sương tan, ta cũng quyết không rời chổ này." Nhưng trong pháp môn Tịnh Độ : Nguyện là phương tiện và cũng là sự cứu cánh thiết tha được sinh về Tây Phương cực lạc khi mãn thân xác này, vì chỉ có nơi cực lạc của Đức Phật A di Đà thì cuộc sống của chúng ta mới là thực, là bất diệt, là an vui không còn rơi vào lục đạo.

Đức Phật đã dạy trong kinh Kamala: ” Đừng vội tin tưởng vào bất cứ điều gì mà chúng ta thường nghe nhắc đi nhắc lại luôn luôn. Đừng vội tin tưởng vào điều gì mà điều đó được coi như là một tập tục từ ngàn xưa để lại. Đừng tin tưởng vào những sáo ngữ mà người ta thường đề cập đến luôn. Đừng tin tưởng bất cứ điều gì dù đó là bút tích của thánh nhân. Đừng tin tưởng vào điều gì dù là thói quen từ lâu, khiến ta nhận là điều ấy đúng. Đừng tin tưởng một điều gì do ta tưởng tượng ra mà lại nghĩ rằng do một vị tối linh đã khai thị cho ta. Đừng tin tưởng vào bất cứ điều gì mà điều đó chỉ dựa vào uy tín của các thầy dạy cho các người. Nhưng chỉ tin tưởng vào cái gì mà chính các người đã từng trải, kinh nghiệm và nhận cho là đúng, có lợi cho mình và người khác. Chỉ có cái đó mới là đích tối hậu thăng hoa cho con người và cuộc đời. Các người hãy lấy đó làm chỉ nam cho mình”.

Kính Tỳ-Khưu Thích Chân Tuệ

Thanh Liêm
avatar
nguyễn đông đông 28/02/2011 09:07:14
bạn Thanh Liêm hiểu sai về tha lực rồi, 48 lời nguyện của Phật A di đà là nguyện lực ai có tự lực đồng với nguyện lực của phật A Di Đà thì về được cỏi cực lạc,còn thuyết pháp độ sanh là lòng từ bi của chư phật mà.Thân chào
avatar
Thanh Liêm 28/02/2011 17:26:14
Thưa Bạn Đông Đông

Hận hạnh nhận được sự nhắc nhở của Bạn, mình rất vui khi thấy người tu Phật giống bạn còn rất nhiều. Điều này cũng là tiếng nói để chứng minh đạo Phật vẫn còn tồn tại và luôn được người con Phật quan tâm đến.

Theo bạn nói : 48 lời nguyện của Phật A di đà là nguyện lực ai có tự lực đồng với nguyện lực của phật A Di Đà thì về được cỏi cực lạc.

Xin bạn vui lòng cho mình biết cũng như đọc giã được hiểu thêm : Ai là người có tự lực đồng với nguyên lực của Đức Phật A Di Đà ? Và làm thế nào để có tự lực đồng với nguyên lực của Đức Phật A Di Đà, nếu bạn không biết đến 48 lời nguyện của Phật A di đà ?

Bạn xin cho phép mình hỏi trong Phật học, chúng ta thường nghe nói hai chữ Quy Y, Phạn ngữ viết : śaraṇa, mẫu devaganari : शरण, được ghép từ hai chữ [śri-na], thân từ thuộc tĩnh từ và có ba dạng, trung tính, nam tính, nữ tính. Thuật ngữ này có nhiều nghĩa như sau : bảo vệ, chống đỡ, nơi nương tựa, nơi che chở, nơi ở, nơi tôn nghiêm, nơi trú ẩn.

Trong kinh Phật câu : Buddhaṃ śaraṇaṃ gacchāmi, có nghĩa là : Con xin nương nhờ vào Phật. Theo ý bạn, đây có phải là : người con Phật nương vào uy lực của Phật để đạt được an ổn vô hạn của tâm thức, thoát mọi khổ não.

Nếu bạn thấy phải, thì uy lực của Phật có phải là nguồn lực bên ngoài để hổ trợ cho những tự lực bên trong được phát triễn không ?

Câu-xá luận quyển thứ 14 (Đại Chính 29.76c) nói:

"Nghĩa của Quy y là gì? Là cứu tế; vì nương vào đó mà người ta có thể vĩnh viễn thoát khỏi mọi khổ ách".

Xin bạn cho phép mình hỏi bạn : Nếu Quy y là cứu tế; vì nương vào đó mà người ta có thể vĩnh viễn thoát khỏi mọi khổ ách, như Câu-xá luận quyển thứ 14 (Đại Chính 29.76c) định nghĩa, thì theo bạn áo nghĩa trong câu này là gì ?

Xin bạn vui lòng giải thích dùm mình câu này : ‘Nếu bạn muốn quy y tam bảo, thì bạn hãy tự đặt mình vào con đường tu Phật bằng cách giữ giới.’ Cụm từ nào dùng để chỉ tha lực và cụm từ nào dùng để chỉ tự lực.

Đức Phật dạy :

"Tumhechi kiccam atappam akkhatar tathagata"
"Các con phải cố gắng, các đấng Như Lai chỉ là những vị thầy"

Đức Phật dạy : "Nếu các con giận dữ, bất mãn, hay không vui lòng, chẳng những các con tự đặt mình vào chỗ hiểm nguy có thể mất cả nền tảng đạo đức tinh thần mà các con còn không thể xét đoán đúng mức lời chỉ trích có giá trị hay không".

Trong bộ Majjhima Nikaya (Trung Bộ Kinh), Đức Phật dạy :

"Như Lai chỉ dạy một điều : đau khổ và sự chấm dứt mọi đau khổ ".


Trong kinh Pháp Cú (145), Đức Phật có dạy :

"Chỉ có ta làm điều tội lỗi, chỉ có ta làm cho ta ô nhiễm.
Chỉ có ta tránh điều tội lỗi, chỉ có ta gội rửa cho ta.
Trong sạch hay ô nhiễm là tự nơi ta.
Không ai có thể làm cho người khác trở nên trong sạch".

Đức Phật khuyên dạy người đi tìm chân lý không nên chấp nhận điều gì chỉ vì một người đáng tin cậy đã nói như vậy mà phải suy luận kỹ càng và thận trọng xét đoán để biết rõ điều nào là đúng, điều nào sai.

Một lần nữa. Xin chân thành cám ơn sự nhắc nhở của bạn. Có trao đổi mới có thêm sự học hỏi để biết mình được trưỡng thành.

Thân chào
Thanh Liêm
avatar
Hong Hue Thuan 28/02/2011 18:03:25
Tinh thần tự giác ,tự độ của PG xưa nay vốn rất tuyệt vời .Nó giúp con người ta luôn ghi nhớ rằng phàm đã là một con người thì vẫn phải có một bộ óc ,một khối tư duy siêu đẳng.Quên nó ,bỏ nó nằm tê liệt trong một góc tối để tự nhận mình là một lói linh trưởng không hơn kém thì thật đáng thương .

Xin cảm ơn Thầy Chân Tuệ đã có một bài viết cống hiến cho bạn đọc rất hay ,mở mang thêm một vài ngõ tối xưa nay đã bít lối .Nếu không ,có lẽ tôi cũng trở thành một kẻ chuyên đi moi xới những cái mà chính mình không hiểu để hòng đáng phá diễn đàn như chúng ta thường thấy .Mánh lới thành phần này thường là tìm vội một vài tài liệu liên quan sau khi đọc bài viết đó ,chộp vội một vài ý mà họ cho rằng CÓ THỂ ĐÃ KÍCH rồi hí hửng và diễn đàn ...ba hoa ! Trong biển trời Phật pháp thì bao la vô tận ,"TRĂM NGÀN MUÔN KIẾP KHÓ TÌM CẦU " như Võ Tắc Thiên từng nuối tiếc thốt lên .

Thiết nghĩ ,Thầy Chân Tuệ nên vì nhu cầu tìm tòi học hỏi của tha nhân mà nên có những bài viết tiếp theo .gần gủi với cuộc sống như thế này,thì công ơn đối Thầy sẽ vô lượng biết bao .
Reply Tán thành Không tán thành
-1
Cảnh báo nội dung không phù hợp
avatar
Minh Quy 02/03/2011 18:39:30
Minh Quy

Bạch thầy Chân Thể

Theo Phật Học TĐ Đoàn Trung Còn: Tha lực là lực của người khác, tức là lực của Phật ( Phật Thích Ca , Phật Di Đà, Phật Dược Sư v v. Đạo Phật có hai lực: Tự lực và Tha lực. Tự lực là cái thiện căn do tự mình làm chủ tu lấy ( lực của mình ).

Tha lực là do bổn nguyện lực của chư Phật đem đặt vào lực của mình. Hành giả nhà Phật lúc nào cũng nhờ cái tha lực hòa với cái tự lực mới mau thành tựu đạo qủa. Giáo lý lý duyên khởi cái này có cái kia có, cái này không cái kia không. Giáo lý tương tức cái này có trong cái kia, cái kia có trong cái này.

Nói rõ Một là Tất cả, Tất cả là Một. Vậy đâu có cái gì đơn thuần là tự lực mới thực là tu, thầy nên nghĩ lại cụm tự sáo nghĩa nầy.

Ngài Cô Sơn pháp sư dạy: “Tha lực có ba, Di Đà nguyện nhiếp, Thích Ca khuyến tán, chư Phật hộ niệm, hành giả cầu vảng sanh qua Tịnh độ phải nương tha lực ấy.

Từ định nghĩa và dẫn chứng trên Thầy và các đạo hữu nghĩ thế nào?

Theo định luật vô thường có lúc thịnh có lúc suy theo tệ hạ Thầy là bậc cao tăng nên dùng ái ngữ mà khuyên bảo và khuyến hóa kẻ hậu học đừng nên cho ta đây mà mac thị tín đồ đa số theo Tịnh Độ họ sẽ hoài nghi đến khi lực của thầy giảm không đủ sức thì chìm cả đám.

Kính chúc Thầy và quý đạo hữu nên giữ trung đạo lấy Bát chính đạo làm khởi đầu, tiến xa hơn lấy Trí huệ Bát nhã quán chiếu ngủ uẩn giai không độ nhứt thiết khổ ách.

Mô Phật
Minh Quy
avatar
nguyễn đông đông 04/03/2011 08:29:00
Bạn Thanh Liêm thân mến! Ai là người có tự lực đồng với nguyện lực của Phật A di Đà thì như uống nước nóng lạnh tự biết lấy, như người xem ti vi hoặc nghe Radio muốn xem kênh nào, nghe đài nào thì dò cho đúng tần số đó, làm thế nào để nào để có tự lực đồng với nguyện lực của Phật A di Đà thì trong kinh Di Đà đức Phật đã chỉ rồi, theo bạn nếu biết 48 lời nguyện mà không làm theo thì được gì?
Bạn chắc là người nghiên cứu nhiều, phân tích từng câu chữ vậy xin hỏi bạn quay về nương tựa thì ai quay về ai nương tựa !? khi bạn muốn mát bạn phải đi tìm bóng cây, bạn phải đứng dưới gốc cây bạn mới thấy mát thật sự, không thể đứng ngoài gốc cây mà mát được! cũng vậy bạn muốn an ổn thoát mọi khổ não bạn phải quay về con đường mà đức thế tôn đã vì một đại sự nhân duyên ra đời để khai thị chúng sanh ngộ nhập phật tri kiến, bạn thật sự phải bước trên con đường ấy thì bạn mới có được an vui và giải thoát, đức phật dạy rằng ngài chỉ là vị lương y chỉ ra bệnh của chúng sanh và ngài chỉ những vị thuốc chữa bịnh cho chúng sanh, đó là lòng từ bi mà chư phật ba đời đều làm như vậy, hết bịnh hay không là do chúng ta.Câu"Nếu bạn muốn quy y tam bảo, thì bạn hãy tự đặt mình vào con đường tu Phật bằng cách giữ giới" rỏ ràng bạn phải tự lực tất cả giống như muốn co bóng mát thì bạn phải đi tìm gốc cây có bóng mát, còn phần sau thì bạn đã dẩn chứng về tự lực rồi.Mình nghĩ tha lực và lòng từ bi của chư Phật, bồ tát tràn đầy trong hư không vì khi một người mới phát tâm tu học đã có nguyện lực muốn cứu giúp người khác, từ khi mới phát tâm cho đến thành phật trải qua vô số kiếp thì tha lực đó nhiều đến dường nào vậy tha lực là có sẳn chẳng cẩn cầu xin, càng cầu xin chúng ta càng hạ thấp chư phật bồ tát xuống ngang hàng thần thánh
Tiện đây mình cũng xin góp ý với tất cả mọi người, diễn dàn này là để tranh luận tìm ra điều đúng sai không phải chổ để nặng nhẹ với.Dẫu chúng ta có thuộc làu lời phật dạy, thông suốt tam tạng kinh điển đi nữa nhưng tham sân si còn nguyên vẹn thì cũng vô ích mà thôi, cho nên mình thấy chí lý trước khi nhập niết bàn đức phật có dạy" Các ông hãy tự thắp đuốc lên mà đi, hãy lấy giới luật làm thầy...."
avatar
Thanh Liêm 05/03/2011 07:44:21
Thưa Bạn Đông Đông,

Ăn nóng uống lạnh tự mình biết đó là cách hành riêng của từng cá nhân, tôi chỉ muốn bạn nói rõ về thế nào là : Người có tự lực đồng với nguyện lực của Phật A di Đà ?

Câu này bạn nói, tôi rất đồng ý : Nếu biết 48 lời nguyện mà không làm theo thì được gì?. Bởi vì Hiểu và Hành là hai việc phải đi đôi. Do đó Tín, Hạnh, Nguyện, là nền tảng căn bản tu tập của pháp môn Tịnh Độ, là phương tiện đưa chúng sinh qua bờ giải thoát, bằng năng sức tự lực của chính mình, dựa theo 48 lời nguyện của Đức Phật A DI ĐÀ.

Đức Phật dạy :

"Tumhechi kiccam atappam akkhatar tathagata"
"Các con phải cố gắng, các đấng Như Lai chỉ là những vị thầy"

Câu này, Đức Phật cho thấy rằng người tu theo Phật có năng lực tự mình tiếp nhận giáo pháp của Ngài, và cũng phải nên biết rằng : Không có những vị thầy như các đấng Như Lai, thì người tu Phật không tự một mình tu được.

Câu hỏi bạn : Quay về nương tựa thì ai quay về ai nương tựa !?

Xin trả lời : Chúng ta đang trao đổi trong tư tưởng Phật học với nhau, thì có lẽ bạn đã biết ý nghĩa : Quay về nương tựa và ai quay về ai nương tựa rồi. Tôi là người Viết chứ không phải là người Lách, do đó phần trả lời cho câu hỏi của bạn đã có trình bày. Xin bạn đừng hiểu nhầm.

Như tôi đã viết : Nếu bạn muốn quy y tam bảo, thì bạn hãy tự đặt mình vào con đường tu Phật bằng cách giữ giới.

Cái nhìn rỏ ràng của bạn rất đồng quan điễm với tôi : Phải tự lực tất cả giống như muốn có bóng mát thì phải đi tìm gốc cây có bóng mát. Điều này là thực tế, không còn gì chối cãi hay biện minh nữa. Nhưng phải biết là loại cây nào có bóng mát và loại cây nào không có bóng mát.

Bạn nên nhớ rằng, trên đời này : Không có cái gì tự mình mà có được, phải có sự liên hệ từ cái này và cái kia, như Đức Phật đã nói trong thập nhị nhân duyên của Ngài. Xin bạn vui lòng đọc và suy gẫm cho thật kỹ, trước khi đi sâu vào việc tham khảo những bộ kinh khác của nhà Phật.

Bạn nói : Mình nghĩ tha lực và lòng từ bi của chư Phật, bồ tát tràn đầy trong hư không vì khi một người mới phát tâm tu học đã có nguyện lực muốn cứu giúp người khác, từ khi mới phát tâm cho đến thành phật trải qua vô số kiếp thì tha lực đó nhiều đến dường nào vậy tha lực là có sẳn chẳng cẩn cầu xin, càng cầu xin chúng ta càng hạ thấp chư phật bồ tát xuống ngang hàng thần thánh.

Theo một vài định nghĩa : Tha lực là lực từ bên ngoài, lực của người khác. Trong Phật học, Tha lực chính là những lời khuyên của Đức Phật để lại nhằm khuyến khích, những người tu Phật hay những ai đang đi tìm hiểu đạo của Ngài, qua những phương pháp tu khác nhau của nhà Phật.

Nên nhớ : Lời của Đức Phật dạy có trở thành những lời linh nghiệm hay không, cho chính mình, cũng đều tùy thuộc vào cách tu tập bằng sự tự lực của chính mình.

Ngài đã nói : Ngài chỉ là người chỉ đường, mỗi người phải tự đi đến, không ai đi thế cho ai được. Nên lấy đó làm gương mẫu cho đời sống cao cả, trong đời sống đạo tu học của mình.

Trong Kinh viên giác, Đức Phật khuyên rằng : “Theo ngón tay Ngài chỉ mà ngắm nhìn và đi đến mặt trăng” chứ đừng nên “Chấp ngón tay của Ngài” rồi không thấy mặt trăng thì làm sao mà đi đến mặt trăng được.

Theo Kinh Kim Cang : Giáo pháp của Đức Phật là những thuyền Từ để chở người thoát ra ngoài bể khổ sinh tử; khi đã tới bến, ta cần phải bỏ bè lại.

Đức Phật đã trình bày : Nguyên nhân của một yếu tố này được hình thành là kết quả đóng góp của một yếu tố khác, trong quá trình có định luật và trật tự. Theo Ngài thì cái gì cũng phải có nhân duyên hội đủ mới được hoàn thành. Nói một cách khác là không có cái nào thật là Nhân duyên và cái nào chính là Quả cả. Vì trong cái Nhân duyên đã có chứa cái Quả rồi và ngược lại.

Khi hiểu rõ được mọi hiện tượng tâm lý và vật lý của vạn vật, đều nằm trong một mối liên hệ với nhau một cách tổng quát, để tạo nên đời sống, thì đó chính là trí tuệ siêu việt, mà người tu Phật cần phải đạt đến.

Tinh thần Tự lực và Tha lực là nền tảng cho sự phát triển đạo đức bằng tâm từ, bi, hỷ, xả, được hiểu như là tâm Phật, nhằm mục đích giác ngộ và giải thoát phiền não, khổ đau, tội lỗi cho chính mình cũng như cho người.

Tự lực và Tha lực là hai phương tiện song hành với nhau để đạt cứu cánh cho sự giải thoát phiền não và đau khổ trong đời sống thường ngày của những ai đang đi theo dấu chân của Đức Phật bằng những cách tu tập khác nhau.

Thân chào
Thanh Liêm
avatar
Thiền // Tịnh 26/01/2012 04:49:48
Ai cũng nói nguời tu Tịnh Độ tông không hiểu trao dồi Phật Pháp đó là quơ đủa cả nắm, đa số nguời tu thiền hay chê cuời nguời Tịnh Độ Tông thì thôi ta cứ như ngu phu, ngu phụ như Ngài Ấn Quang Đại Sư và xin nguời tu Tịnh Độ hãy nhìn lại mình coi mình tu tắt trong những con đường tắt thì nhất nhất mình phải biết mình làm gì, Thiền, Tịnh đi có khác nhưng cũng về cùng một điểm, nhưng đa phần bên Thiền cho Trí Thức, bên Tịnh Độ bao gồm hết Trí Thức, Bà Lão quê mùa, người ăn xin, kẻ cướp v.v..... nếu phát tâm tu đúng môn Tịnh Độ thì sẻ về Tịnh Thổ, hãy thắp đuốc mà đi các bạn ơi, Thiền hay Tịnh gì cũng xuất phát từ kinh Phật nhưng khi giảng giải về Tự Lực và Tha Lực thì ai ai cũng quên rằng trong Kinh A Di Đà, Kinh Quán Vô Luợng Thọ, kinh Vô Lượng Thọ dạy sao làm vậy nhé, và còn nguyện lực của các Đức Phật là Thích Ca nguyện độ Ta Bà, Di Đà nguyện mỡ cửa nhà Lạc Bang đón mình về, khi nguyện lực các Ngài thành tựu thì đó trở thành tha lực cho chúng ta rồi nhưng ai tu Tịnh Độ thì xin một lần nữa hãy nhìn lại chính mình coi mình thiếu xót gì và chuyển hoá cho đúng hoài bảo của Chư Phật là Bồ Đề Tâm hạp với Chư Phật thì nguyện lực năm xưa của các Ngài là tha lực của những nguời con Phật tu Tịnh Độ vậy, Phật là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẻ thành, mà các Ngài đã thành Phật thì chúng ta cứ việc trao dồi Phật pháp, phát Bồ Đề Tâm, lấy tín nguyện sâu, trì danh hiệu Phật và cứ dũng mãnh đi trên con đường mình đã chọn. Ai tu Thiền thì nên nghiên cứu về Thiền, ai tu Tịnh thì nên nghiên cứu về Tịnh, Phật Giáo là con đường trung đạo nên trong Tịnh có Thiền, trong Thiền có Tịnh, rồi chúng ta cũng đồng về xứ Phật và theo nguyện lực trở lại Ta Bà mà độ hết chúng sanh, chớ không như bây giờ là nghiệp lực dẩn chúng ta vào đây trao dồi Phật Pháp. Tịnh Độ có trong Ta Bà, Tâm tịnh thì thế giới tịnh. Các bạn cũng biết Đức Phật ra đời là Ngài đi trước vẽ bản đồ cho chúng ta đi, còn đi trúng hay không là do nguời đi chớ không thể trách Đức Phật, nhưng nói cho cùng Thiền và Tịnh, hay Mật ..v.v.... cũng từ đâu ra các bạn, tại sao lại có chuyện tin cái này mà không tin cái kia.

Chúc mọi nguời tin tấn tu hành đạt đạo viên mãn trong đời này kẻ ngu, nguời khôn, nguời âm, kẻ dương đồng sanh Lạc Quốc.

NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT
tổng số: 13 | đang hiển thị: 1 - 13

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

4.18

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập