Giáo lý Tứ Thánh Đế trong kinh Chuyển Pháp Luân

Đã đọc: 9197           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font

Trong hệ thống giáo điển của đạo Phật có vô vàn pháp môn tu mà các nhà học giả thường nói là tám vạn bốn ngàn pháp môn tu, mà Tứ Thánh đế là giáo lý quan trọng đối với tất cả hành giả muốn tu tập trên con đường giải thoát không thể không quan tâm đến.

DẪN NHẬP

Đạo Phật ngay từ khi xuất hiện tại Ấn Độ đã để lại vô vàn những điều lợi ích. Trải qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sữ, đạo Phật vẫn tồn tại cho đến hôm nay và đã lan truyền qua nhiều nước trên thế giới. Có những thời gian đạo Phật cũng gặp những biến cố tang thương, nhiều lớp người đã xả bỏ tấm thân vô thường để mong cho chân lý của Đức Phật mãi trường tồn trên thế gian này.

Từ khi Đức Thế Tôn chuyển pháp luân lần đầu tiên tại vườn Nai (Migadaya) với bài pháp Tứ Thánh đế, điều đó là mốc son lịch sử khởi đầu cho công cuộc hoằng dương chánh pháp của Ngài và cho mãi về sau những đệ tử chân chánh của ngài luôn luôn ghi nhớ. Vì đó là bài thuyết pháp đầu tiên của Đức Phật mà chính bài pháp ấy là nền tảng cho hệ thống giáo lý của đạo Phật. Từ bài pháp ấy mà không biết bao nhiêu người từ phân thận phàm phu đã trở nên một bậc thánh.

Trong Tam tạng giáo điển của đạo Phật, có thể nói Tứ Thánh đế được Thế Tôn nói đến trong rất nhiều kinh tạng như: kinh Đế Phân Biệt, Trung Bộ kinh III; Hán tạng: kinh Phân Biệt Thánh Đế, Trung A-hàm số 31; kinh Tiểu Bộ, Trưởng Lão Tăng Kệ – Annakodanna; Kinh Tương Ưng V, phẩm Chuyển Pháp Luân. Chính vì quá nhiều bài kinh đã đề cặp cho nên người viết đã tự chọn cho mình đề tài: “Giáo lý Tứ Thánh Đế trong kinh Chuyển Pháp Luân”, để tiện cho việc nghiên cứu đề tài một cách sâu sắc.

Về phương pháp nghiên cứu người viết bài này dùng phương pháp mô tả-phân tích lại những lời của Đức Phật đã dạy trong kinh Chuyển Pháp Luân, bên cạnh đó cũng sử dụng những phương pháp khác để hỗ trợ cho bài viết thêm sinh động, linh hoạt.

Trong hệ thống giáo điển của đạo Phật có vô vàn pháp môn tu mà các nhà học giả thường nói là tám vạn bốn ngàn pháp môn tu, mà Tứ Thánh đế là giáo lý quan trọng đối với tất cả hành giả muốn tu tập trên con đường giải thoát không thể không quan tâm đến. Người hành giả phải nhận thức một cách đúng đắn và hiểu thật sâu giáo lý này. Pháp môn này , tuy tiến chậm, nhưng khi tiến bước nào thì chắc bước nay. Căn cơ nào, trình độ nào cũng có thể tu tập pháp môn này được, chứ không phải như một số pháp môn khác, phải can có một trình đọ học thức cao và một trí tuệ trên mức trung bình mới có thể tiếp thu được. Vì thế, giáo lý Tứ Thánh đế là một pháp môn phổ thông cho cả tất cả các tông phái trong đạo Phật. Ngày nay, pháp môn này đã được phổ biến rộng rãi trên toàn thế giới như một bảo vật vô giá mà Đức Phật đã để lại cho hành đệ tử thân yêu của Ngài.

NỘI DUNG TỨ THÁNH ĐẾ TRONG KINH CHUYỂN PHÁP LUÂN

2.1. NHÂN DUYÊN ĐỨC PHẬT THUYẾT TỨ THÁNH ĐẾ

Sau khi thành đạo dưới cội cây Bồ-đề, Đức Phật có ý định nhập Niết-bàn vì giáo lý của ngài chứng được thậm thâm vi diệu mà căn cơ của chúng sanh còn thấp kém, khó có thể giác ngộ nhanh chóng như ngài được.

Lúc bấy giờ Brahma đã thỉnh cầu Đức Phật trụ thế để thuyết pháp độ sanh. Vì lòng tưởng đến chúng sanh còn chìm đắm trong bể khổ nên ngài đã ở lại thế gian để thuyết pháp. Ngài liền nghĩ ngay đến hai vị thầy của mình là ông Àvàla Kàlàma và ông Uddka Ramaputta nhưng Brahma đã báo với Đức Phật là cả hai ông đã qua đời cách nay không lâu. Ngài liền nghĩ ngay đến năm người bạn của mình lúc còn tu khổ hạnh là nhóm ông Annata Kondanna, họ có thể khai ngộ được giáo pháp của ngài nên ngài đã đến Lộc Uyển là nơi họ tu hành để thuyết pháp; nội dung của bài thuyết pháp là Tứ Thánh đế.

“Trong khoảnh khắc này, mười nghìn thế giới chuyển động, rung động, chuyển động mạnh. Và một hào quang vô lượng , quảng đại phát chiếu ra ở đời, vượt quá uy lực chư Thiên” . Sau khi nghe Đức Phật thuyết pháp Tứ Thánh đế, thành kiến mê lầm tan vỡ, trí tuệ siêu thoát xuất hiện, năm vị này được ngộ đạo, chứng nhập quả vị A-la-hán. Đó là năm vị đệ tử đầu tiên của Đức Phật Thích Ca.

2.2. ĐỊNH NGHĨA VỀ TỨ THÁNH ĐẾ

Tứ Thánh đế là tiếng Hán dịch ra từ tiếng Phạn Catvary Aryasatyani. Arya là Thánh, vi diệu, cao quý, mầu nhiệm; Satya là Đế, là sự thật, chân lý. Tứ Thánh đế là sự thật chắc chắn, quý báo, hoàn toàn nhất, rõ ràng đúng đắn.

Với giáo lý Tứ Thánh đế mà Đức Phật đã dạy thì người tu hành có thể nhận chân được cuộc sống, từ địa vị phàm phu sẽ tiến đến quả vị của một bậc thánh, đó là sự thật không sai biệt, như một ngọn đuốc soi đường cho những kẻ lạc lối trong đêm tối tăm, với công năng ấy nên được gọi là Thánh.

Chữ Đế có nghĩa là sự thật cao nhất, bao trùm lên tất cả mọi sự thật, bất di bất dịch qua mỗi thời đại, xuyên suốt không gian và thời gian, sự thật ấy không ai có thể dùng lý lẽ để phủ nhận được.

Tứ Thánh đế còn được gọi với nhiều tên khác như: Tứ chân đế, Tứ diệu đế, Bốn chân lý nhiệm mầu.

2.3. TỨ THÁNH ĐẾ GỒM NHỮNG GÌ?

Trong kinh “Chuyển Pháp Luân” có ghi lại bài thuyết pháp đầu tiên của Đức Phật về Bốn Thánh đế. Thế nào là Bốn thánh đế?: “Này các Tỳ kheo, đó là Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế và Khổ diệt đạo Thánh đế”.

2.3.1. KHỔ THÁNH ĐẾ (Dukkha)

Khổ Thánh đế là thực trạng đau khổ của con người, là chân lý chắc thật mà con người phải gánh chịu những nỗi đau đớn khi hiện hữu trên thế gian này. Những nỗi khổ ấy bủa vây con người, làm cho con người chìm đắm trong biển khổ trầm luân.

Đức Phật dạy: “Đây là Thánh đế về Khổ, này các Tỳ kheo: sanh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, sầu, bi, khổ, ưu, não là khổ; oán gặp nhau là khổ, ái biệt ly là khổ, cầu không được là khổ. Tóm lại, năm thủ uẩn là khổ”.

2.3.1.1. Sanh là khổ: Sự sống của con người có hai phần khổ: khổ trong lúc sanh và khổ trong đời sống.

Nói đến sanh khổ thì kể cả người sanh và kẻ bị sanh đều phải đau khổ, như một sự cộng nghiệp cho cả hai mẹ con. Khi người mẹ mang thai đã phải gánh chịu sự nặng nhọc của bào thai theo năm tháng, biếng ăn, mất ngủ, buồn nôn, mệt mỏi. Thai nhi lớn lên từng ngày cũng đồng nghĩa với sự khó khăn của người mẹ lại càng tăng thêm. Đến kỳ sanh nếu thuận thai thì người mẹ cũng chịu nhiều ô uế hao tổn khí huyết, còn nếu nghịch thai phải mổ thì người mẹ bị mang tật suốt đời, có khi nguy hiểm đến tính mạng của cả hai mẹ con.

Còn người con, từ khi mới đầu thai cho đến khi sinh ra đời cũng chịu nhiều đau khổ. Trải qua chín tháng mười ngày bị giam hãm trong khoảng tối tăm, chật chội, ngộp ngạt, khó chịu. Đến kỳ sinh phải chui qua một chỗ chập hẹp, biết bao nhiêu khó khăn, cho nên vừa thoát ra đã cất tiếng khóc vang. Vì vậy mà Nguyễn Công Trứ cũng đã viết:

“Thoạt sanh ra thì đà khóc choé

Trần có vui sao chẳng cười khì”.

- Khổ trong đời sống:

Về phương diện vật chất: con người vì sự tồn tại phải làm lụng vất vả sớm chiều, phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt để làm ra của cải vật chất. Bên cạnh đó con người phải chịu những thiên tai như: động đất, núi lửa, sóng thần, bão lụt, tai nạn … đe doạ đến tính mạng.

Về phương diện tinh thần: con người phải lo học hành để mong sau này có được công danh sự nghiệp để khỏi phải xấu hổ với mọi người. Nỗi khổ về tinh thần còn hơn cả vật chất, con người còn có những nhu cầu về tinh thần mà ít có ai hiểu thấu được, chính vì vậy mà sự sống luôn luôn mang đầy đau khổ cho dù bên ngoài có nở những nụ cười tươi nhưng bên trong vẫn chứa đầy đau thương, những niềm vui chỉ là tạm bợ, không thật, như trong tác phẩm Truyện Kiều, đại thi hào Nguyễn Du có viết:

“Bên ngoài cười nụ, bên trong khóc thầm

Khi tỉnh rượu lúc tàn canh

Giật mình mình lại thương mình xót xa.”

2.3.1.2. Già là khổ: Con người càng sống theo thời gian thì càng tàn lụi về thân thể cũng như tinh thần, thử hỏi có ai lại muốn như vậy nhưng đã trót mang cái thân này thì phải chịu luật vô thường chi phối. Sự niên lão, sự hư hoại, trạng thái rụng răng, tóc bạc, da nhăn, tuổi thọ giảm dần, các căn chậm lụt biến loạn, như vậy gọi là già.

Ở đời có ai lại không mong muốn mình được trẻ mãi, nhưng càng mong muốn trẻ mãi thì tuổi già lại đến bên cạnh từng ngày. Già một nỗi kinh hoàng đáng sợ cho tất cả con người, nó đồng nghiã với sự cô đơn, buồn bã, chán chường như một bông hoa héo tàn không có sức sống. Cuối cùng là những cơn bệnh hiểm nghèo và đưa dần con người về cõi chết. Một sự thật đôi khi quá nghiệt ngã mà con người phải gánh chịu “Thị nhật dĩ quá, mạng diệc tuỳ giảm, như thiểu thuỷ ngư, tư hữu hà lạc” , tạm dịch: Một ngày qua đi thân mạng này cũng theo thời gian mà giảm dần, như cá thiếu nước, có gì đâu mà vui”, như vậy nỗi khổ về già cũng thấy đớn đau cho thân phận kiếp người.

2.3.1.3. Bệnh là khổ: Hầu như trong mỗi con người ai cũng đã từng ít nhất là một lần đau về bệnh. Sự hành hạ thân xác con người, làm cho nó khổ sở tàn lụi nhanh chóng không gì bằng bệnh. Con người đều có dịp nếm đắng cay lẫn thể xác và tâm hồn vì những cơn bệnh. Chỉ một hạt bụi rơi vào mắt cũng làm cho thân khó chịu, một cơn đau răng cũng đủ làm cho tâm tê tái, dù chỉ là một cơn đau nhỏ ngắn ngủi thôi, cũng đủ làm cho con người tủi phận vì chúng ta có thân này mà không làm chủ được nó. Những cơn đau vì bệnh đã giết lần giết mòn con người, nhiều lúc đau mà muốn chết không được muốn sống cũng không xong. Có người làm lụng cả một đời sau một trận bệnh đã trở thành tay trắng. Thân phận cuả con người thật bé nhỏ mong manh không biết sẽ như thế nào khi chung quanh con người đầy dãy những căn bệnh và con người phải chịu đựng chúng cho đến cuối đời.

2.3.1.4. Chết là khổ: Một biến cố tang thương, khủng khiếp nhất của con người là cái chết. Nỗi đau đớn cả thể xác lẫn tâm hồn trong khi tứ đại tan rã. Dù có người đời sống không được tốt đẹp nhưng chẳng bao giờ dám nghĩ đến cái chết vì họ nghĩ rằng chết là không còn gì nữa cả. Chúng ta hãy thử nhìn cảnh tượng của một người sắp chết và đặt tâm trạng của mình vào người đó mới thấy được sự sống đáng quý biết chừng nào. Sự dao động dày vò thân xác và tâm hồn giữa sự sống và cái chết của người sắp lâm chung, nỗi lo lắng không biết sẽ đi về đâu trong vòng luân hồi đã làm cho họ mệt mỏi. Xa cách người thân, nuối tiếc công danh sự nghiệp đã gây dựng, từ nay không còn gì nữa. Chính vì vậy mà làm cho họ đau lòng và cái chết đã trở thành một nỗi ám ảnh của cuộc sống.

2.3.1.5. Sầu, bi, khổ, ưu, não là khổ: Ngài Phật Âm đã đưa ra hình ảnh ẩn dụ sau đây để phân biệt: “Sầu như chảo dầu nấu trên bếp lửa riu riu. Bi như nấu trên bếp lửa mạnh. Não như những gì còn lại sau khi nấu, còn tiếp tục cho đến khi chảo khô”.

Sầu (sorow) là một nỗi buồn thiêu đốt trong tâm con người, thí dụ như có người thân thuộc qua đời thì nỗi sầu đó cứ kéo dài dai dẳng, tinh thần mệt mỏi không muốn làm gì, lúc nào cũng ngay như người điên dại.

Bi là bi thương, gào thét, rên la khi hay tin mình bị mất một người thân hoặc phải bị những thảm trạng do thiên tai mang lại hay gặp phải những chuyện không may xảy đến cùng một lúc. Nỗi đau ấy khiến cho con người không nén nỗi cảm xúc đã gào thét lên, oán trời, trách đất. Những đau đớn, mất mát đã khổ rồi lại còn bi thương, gào thét, rên la lại càng khổ hơn. Như vậy, nỗi lòng này có bút mực nào để diển tả cho thấu.

Khổ(pain) là sự đau đau nơi thân. Ưu (grief) là những nỗi buồn trong tâm. Nỗi đau nơi thân và nỗi buồn trong tâm có liên quan mật thiết với nhau. Khi thân đau cũng ảnh hưởng đến tâm và khi tâm có nỗi buồn cũng biểu hiện ra nơi thân. Có thể nói cả thân với tâm là một và khổ với ưu luôn cùng tồn tại trong một lúc. Có khổ nơi thân thì phải có ưu trong tâm, đó là một sự thật hiển nhiên mà ai cũng có thể cảm nhận được. Có thể nói khổ này đồng nghĩa với khổ đau (Dukkha).

Não (derpair) là một tâm trạng suy sụp của tinh thần khi có một điều gì mất mát nghiêm trọng nào đó đem lại. Con người sống trên thế gian này với nhiều mối quan hệ. Đối với những người thân, bà con ruột thịt nếu chẳng may xảy ra vấn đề gì thì sự ưu não cũng sẽ ảnh hưởng đến nhau. Vì con người sống với các mối quan hệ cho nên sự vui buồn, phiền não, ưu sầu luôn luôn liên quan đến nhau.

Như vậy, trong kinh Chuyển Pháp Luân, Đức Phật có đề cập đến sầu, bi, khổ, ưu, não là khổ. Điều đó cũng nói lên rằng con người đang chìm đắm trong đau khổ, trong nước mắt. Chính vì thế mà Đức Phật đã dạy: “Nước mắt của chúng sanh nhiều hơn nước trong bốn biển”.

2.3.1.6. Oán gặp nhau là khổ: Chuyện đời thật trớ trêu, những điều ta không thích lại luôn luôn xuất hiện ở bên mình bao gồm cảnh, vật và luôn cả con người. Càng nhìn thấy lại càng bực mình, khó chịu nhưng càng muốn tránh né thì lại càng gặp gỡ. Thí dụ như, con người không thích chiến tranh nhưng cũng chính do con người đã tự tạo ra nó rồi lại phải gặp và đau khổ vì nó; hoặc là thiên tai, chính con người đã tự huỷ hoại thiên nhiên, môi trường sống để rồi tự chuốt lấy những khổ đau mất mát; hoặc là gây thù kết oán với người khác để rồi phải lo sợ sự trả thù. Như vậy, những gì con người không thích mà phải đối diện thì có gì khổ bằng.

2.3.1.7. Ái biệt ly là khổ: Đã mang thân con người thì ai cũng phải chịu cảnh những gì mình yêu thương khi phải xa lìa nó đều làm cho ta đau khổ. Đau khổ khi phải xa lìa quê hương đi tha phương cầu thực, xa gia đình thân yêu, nơi có cha mẹ, anh chị em ruột khi có một biến cố nào đó xảy ra. Nhưng xa nhau mà còn sống thì có thể gặp lại nhau được còn xa nhau khi cảnh ly biệt của người thân khi họ ra đi vĩnh viễn về cõi vĩnh hằng thì không bao giờ gặp nhau nữa. Như vậy, cái khổ của ái biệt ly này bao gồm cái khổ sanh ly và tử biệt.

2.3.1.8. Cầu không được là khổ: là nỗi khổ khi những tham muốn không thành. Con người sống ở đời, càng hy vọng càng nhiều thì thất vọng càng lắm. Trong tất cả các lĩnh vực, nếu được toại nguyện cũng chỉ có một vài trường hợp hiếm hoi còn đa phần là chuốt lấy thất vọng để rồi ôm sầu khổ vào mình. “ Cái lý do của nỗi khổ này là do con người không thật sự làm chủ chính mình, không thật sự làm chủ hoàn cảnh sống của tha nhân”. Nhưng nếu như sống mà không mong cầu, không có sự phấn đấu thì cuộc đời cũng thật vô nghĩa. Cho nên phải biết lượng sức mình để khi có được cũng không mừng còn không toại nguyện thì cũng không sao, đó thật sự là một điều khó. “Sống thì mong ước, mà mong ước không được thì khổ. Đấy là cuộc đời”.

2.3.1.9. Năm thủ uẩn là khổ: Đây là câu nói được Đức Phật kết luận lại những nỗi khổ đã đề cập đến ở trên: “Tóm lại, năm thủ uẩn là khổ”. Như vậy con người do có thân ngũ uẩn này mà đã có biết bao nhiêu là đau khổ. Khổng Tử cũng đã nói: “Ta khổ là do ta có cái thân này”, cái thân đó hàm ý nói luôn cả phần thân và phần tâm.

Thân thể của con người được hợp thành bởi năm uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành và thức. Sắc thuộc về phần vật chất còn thọ, tưởng, hành và thức thuộc về tinh thần.

- Sắc (Rùpa, Forme) được cấu tạo bởi bốn đại: đất, nước, gió và lửa. Những phần nào thuộc về chất cứng như tóc, răng, da, thịt, xương, gân… là chất đất. Những chất lỏng như: mồ hôi, nước mắt, máu, mũ, nước tiểu… thuộc về nước. Về chất lửa như những món ăn có sức nóng để làm ấm áp trong thân và làm tiêu hoá những vật mà ta ăn uống vào. Về chất khí: những món thường lay chuyển và có hơi thở như hơi thở ra hơi thở vào. Sắc nói rộng ra là ngũ căn, ngũ trần và những vật hữu hình

- Thọ (Vesdana, Sensation): là cảm giác, khi sáu căn tiếp xúc với sáu cảnh mà sanh ra cảnh thọ. Có ba loại cảm thọ: khổ thọ, lạc thọ vả bất khổ bất lạc thọ.

- Tưởng (Sanjnâ, Perception): là sự tưởng tượng trong tâm, khi đối cảnh thì nhận ra sự đen, trắng, nhỏ, to, ngắn dài, v.v…

- Hành (Samskâras, Impression) là hành động thông qua việc làm của thân, khẩu và ý, cũng chính hành này là hành động để tạo thành nghiệp.

- Thức (Vijnâna, Conscience) là sự nhận biết, khi tâm đối với cảnh liền nhận thức, phân biệt được sự vật, hiên tượng.

Vì không hiểu được thân thể là sự tích tụ, chứa nhóm của năm uẩn mà con người đ đbám víu vào đó, coi đó là ta, là của ta, là tự ngã của ta, vì thế mà sanh ra không biết bao nhiêu điều đau khổ. “Ý niệm về “thân thể tôi”, “tình cảm tôi”, “tư tưởng tôi”, “tâm tư tôi”, “nhận thức tôi”… hình thành một cái tôi ham muốn, vị kỷ; từ đó mọi đau khổ phát sanh. Mọi khổ đau, lo lắng, sợ hãi, thất vọng, điên cuồng đều gắn liền với ý niệm về “cái tôi” ấy. Giữa năm uẩn ấy luôn có sự xung đột, mâu thuẩn, chi phối lẫn nhau nên thân tâm con người mới chịu nhiều phiền muộn. Tóm lại, năm uẩn là sự giả hợp, không thật, hể còn chấp thủ thân ngũ uẩn này thì vẫn còn chịu đau khổ với nó.

2.3.2. KHỔ TẬP THÁNH ĐẾ (Sameda Dukkha):

Khổ tập Thánh đế: “Tập là tích tập những phiền não hội tụ lại thành năng lực đưa đến khổ đau” hay nói cách khác Tập đế là nguyên nhân, là nguồn gốc của đau khổ.

Tại sao con người phải chịu những đau khổ? Đức Phật dạy rằng: “Đây là Thánh đế về Khổ tập, này các Tỳ kheo, chính là ái này đưa đến tái sanh, câu hữu với hỷ và tham, tìm cầu hỷ lạc chỗ này chỗ kia. Tức là dục ái , hữu ái, phi hữu ái”.

Như vậy, theo tinh thần của kinh Chuyển Pháp Luân thì ái là nguyên nhân chính của khổ. Tuy nhiên, điều quan trọng ở đây, tham ái không phải là nguyên nhân đầu tiên mà ái chính là do thọ sinh, thọ do xúc sinh, xúc do lục nhập sinh … hành do vô minh sinh, đó là một chuỗi mười hai nhân duyên, ái chỉ là một nhân chính yếu và gần nhất để sanh ra khổ đau mà thôi.

Con người luôn luôn tham muốn, theo đuổi, tìm kiếm để thỏa mãn dục vọng đó chính là tham ái. Lòng tham ái càng mạnh thì chấp thủ càng tăng lên, khi những gì chấp thủ bị luật vô thường chi phối, biến đổi thì sầu, bi, khổ, ưu, não xuất hiện. Con người cũng vì tham ái mà bám víu những đối tượng khoái cảm, dục lạc “câu hữu với hỷ và tham, tìm cầu hỷ lạc chỗ này chỗ kia…” trong cơn khát ái họ có thể bất chấp tất cả miễn sao đạt được điều mong muốn nhất là nhục dục, đâu biết rằng “sanh tử căn bản dục vi đệ nhất”. Cũng chính vì đó mà chúng sanh mãi trôi lăn trong vòng sanh tử. “Khi tham ái liên quan đến dục lac thì gọi là Dục ái. Khi nó kết hợp với niềm tin nơi có sự tồn tại vĩnh hằng được gọi là Hữu ái”.

2.3.2.1. Dục ái: là sự tham ái về dục lạc có sự khoái cảm của các giác quan qua thể xác hoặc những giác quan khác làm cho ta luôn có khuynh hướng kích thích và thỏa mãn những giác quan của mình. Ví dụ như thích gần gũi với những sắc đẹp, âm thanh, mùi hương, vị , xúc êm ái, dể chịu và muốn tránh xa những gì bất xứng ý. Chính vì vậy mà tạo nghiệp để dẫn đến tái sanh.

2.3.2.2. Hữu ái: còn có nghĩa là tham ái về Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới. Nghĩa là có người tu hành mong tái sanh trong dục giới, hay nhàm chán những cảnh ở cõi Dục mà mong muốn về cõi Sắc, hoặc có người chán những cảnh có sắc tướng, mong được tồn tại trong cõi không có sắc tướng, họ được sanh về cõi Vô sắc. Hễ còn tâm tham vọng là còn khát ái mà còn khát ái là còn sanh tử luân hồi. Do đó , Hữu ái là Khổ tập Thánh đế.

2.3.2.3. Phi hữu ái: nghĩa là có người chán cảnh sanh tử, không muốn mình hiện hữu cũng không muốn tái sanh nên khát khao đi tìm pháp chân không của Niết bàn. Đây chính là biểu hiện của Vô hữu ái, còn tham ái thì không thể đạt được trạng thái Niết bàn mà Niết bàn là dập tắt hẳn tham ái. Nếu tham ái hoàn toàn đoạn diệt thì Niết bàn sẽ hiện hữu. Đằng này tham ái vẫn còn, dù là khát vọng ở cõi Vô hữu thì đó cũng là một thứ lửa nung nấu khổ đau. Do đó, Vô hữu ái là nhân của khổ, là khổ tập Thánh đế.

2.3.2.4. Vô minh là nguyên nhân sâu xa của đau khổ: Theo kinh Chuyển Pháp Luân thì nguyên nhân chính của khổ là tham ái nhưng xét kỷ nguyên nhân sâu xa hơn chính là vô minh. Vì vô minh nên mới tham ái, chấp thủ, sanh ra biết bao nhiêu phiền não. Phiền não thì vô tận nhưng có thể tóm lược trong mười phiền não hay gọi là mười kiết sử, đó là: tham, sân, si, mạn, nghi, thân kiến, biên kiến, kiến thủ, giới cấm thủ, tà kiến. Chính mười kiết sử này đã sai sử con người lầm đường lạc lối gay không biết bao nhiêu điều đau khổ. Do đó, những phiền não, lậu hoặc, kiến chấp là Khổ tập Thánh đế.

Như vậy, nguyên nhân của khổ thì rất nhiều nhưng tham ái là nguyên nhân dể nhận ra được. Đã biết như thế thì không lý nào con người không mong muốn cởi bỏ những xiềng xích đã ràng buột từ vô thỉ. Chỉ có Niết bàn mới thật sự giải thoát những phiền não khổ đau mà thôi. Còn vô minh thì vẫn còn sanh tử mà hết vô minh có nghĩa là trí tuệ giải thoát đã hiện hữu. Vì vậy, muốn hết khổ đau phải phá trừ vô minh.

2.3.3. KHỔ DIỆT THÁNH ĐẾ (Nirodha Dukkha)

Phật dạy: “Đây là Thánh đế về Khổ diệt, này các Tỳ-kheo, chính là ly tham, đoạn diệt, không có dư tàn khát ái ấy, sự quăng bỏ, từ bỏ, giải thoát, không có chấp trước”.

Đây là sự thật đúng đắn về hoàn cảnh tốt đẹp mà con người có thể đạt được khi đã diệt hết mọi phiền não, mù mờ. Diệt đế chính là trạng thái Niết-bàn. Niết-bàn là trạng thái không thể miêu tả được bằng lời , không thể cảm nhận bằng lý trí. Niết-bàn là cảnh giới giải thoát, thoát ly mọi ngôn ngữ diễn đạt, nó không phải một vấn đề để khảo sát. Nhưng trong các kinh điển Pali cũng thỉnh thoảng ta lại bắt gặp một vài định nghĩa miêu tả về Niết-bàn: “Đấy là sự chấm dứt rốt ráo của dục vọng; vứt bỏ nó, chối từ nó, thoát khỏi nó, rứt ra nó” hay : “Sự im bặt của mọi sự vật bị giới hạn, sự dứt bỏ mọi sự xấu xa, sự diệt dục, sự giải thoát, chấm dứt, Niết-bàn”.

Dù không thể nói được nhưng Đức Phật cũng đã phương tiện dùng ngôn ngữ của thế gian để diễn tả một cách khái quát: “Này các Tỳ-kheo, cái gì phi thực là tà vạy; cái thực tại, Niết-bàn, là chân lý. Bởi thế, hởi các Tỳ-kheo, một người đươc như vậy là có được chân lý tuyệt đối. Vì thánh đế tối thượng là Niết-bàn, và Niết-bàn thực tại”. Dù không diễn tả được, nhưng Niết-bàn là có thực, nó là thực tại như thật, nơi nào có tuệ giác Vô ngã hoàn toàn, nơi đó có Niết-bàn.

Dù lời Phật dạy trong bài kinh Chuyển Pháp Luân không nói đến Niết bàn nhưng chính là sự ly tham, đoạn diệt, không có dư tàn khát ái, giải thoát , chấm dứt ấy chính là Phật đang nói đến Niết-bàn. Đó là tiến trình chấm dứt luân hồi. Đức Phật và các vị A-la-hán thường diễn tả sự chấm dứt luân hồi bằng câu cảm hứng: “Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, các việc cần làm đã làm xong, đã đặt gánh nặng xuống, từ đây không còn trở lại trạng thái này nữa”. Không còn trở lại trạng thái này nữa tức là không còn tái sanh, mà không tái sanh có nghĩa là đã giải thoát, mà giải thoát chính là Niết-bàn.

Theo kinh tạng Pali, Đức Phật thuyết có hai loại Niết-bàn là: Hữu dư y Niết-bàn và Vô dư y Niết-bàn nhưng trong Thành Duy Thức Luận lại nói bốn loại Niết-bàn, ngoài hai loại kể trên còn có thêm: Bổn lai tự tánh thanh tịnh Niết-bàn và Vô trụ xứ Niết-bàn.

2.3.3.1. Hữu dư y Niết-bàn: Tức là chân như đã thoát lìa phiền não, nhưng sở y còn đôi chút khổ vi tế, tuy là mọi chướng ngại đã đoạn tận cho nên gọi là Niết-bàn.

2.3.3.2. Vô dư y Niết-bàn: Tức là chân như đã thoát lìa mọi nỗi khổ sanh tử, không còn phiền não nữa, mọi dư y cũng không còn, mọi khổ đau đều chấm dứt, cho nên gọi là Niết-bàn.

2.3.3.3. Bổn lai tự tánh thanh tịnh Niết-bàn: Theo giáo lý phát triển, đây là loại Niết-bàn thường vắng lặng thường sáng suốt. Nó vẫn thường bộc lộ nơi chư Phật, mà vẫn thường sẵn có nơi mọi loài chúng sanh. Nếu chúng sanh tin rằng mình có tính Niết-bàn hay Phật tánh và khởi tâm tu hành theo Phật tánh ấy thì thành Phật chẳng sai. Ngộ tự tánh Niết-bàn mà hết mê lầm là thành Phật, có đủ bốn đức: thường, lạc, ngã, tịnh nên tánh tịnh Niết-bàn là cao quý tột đỉnh của đạo Phật.

2.3.3.4. Vô trụ xứ Niết-bàn: Đây là Niết-bàn của các vị Bồ-tát. Các vị Bồ-tát không có tâm điên đảo, không phân biệt bỉ, thử, ngã, nhân. Tuy làm việc lợi tha, mà vẫn ở trong chánh quán. Quán các pháp như huyễn hóa, không có thật sanh tử, không có thật Niết-bàn, không bao giờ trụ trước (vô trụ) Do đó, Bồ-tát thường ra vào sanh tử lấy pháp lục độ để độ sanh, mà vẫn ở trong Niết- bàn tự tại.

2.3.4. KHỔ DIỆT ĐẠO THÁNH ĐẾ (Nirodha Gamadukkha)

Khổ diệt đạo Thánh đế là phương pháp đúng đắn, chắc thật để diệt trừ đau khổ. Đó là con đường quyết định đi đến cảnh giới Niết-bàn. Nói cách khác đó chính là phương pháp tu hành để diệt khổ được vui.

Đức Phật dạy: “Đây là con đường đưa đến Khổ diệt, này các Tỳ-kheo, chính là con đường Thánh đạo Tám ngành, tức là chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánhđịnh”.

2.3.4.1. Chánh tri kiến (Samma Ditthi): là sự thấy , hiểu, biết đúng đắn, nghĩa là nhận thức đúng về cuộc sống , biết phân biệt điều thiện ác. Nhận biết bản chất của sự vật, hiện tượng là vô thường, vô ngã, duyên sinh. Nhận thức rõ bản chất của khổ, nguyên nhân của khổ, sự diệt khổ và con đường đưa đến diệt khổ.

2.3.4.2. Chánh tư duy (Samma Sankappa): là sự suy nghĩ đúng đắn, không để đầu óc suy nghĩ đến những điều bất thiện như tham lam, sân hận… mà hướng tâm về những điều cao thượng như buông xả, sự thương yêu giúp đỡ chúng sanh, nhẫn nhục, trầm tĩnh…

2.3.4.3. Chánh ngữ (Samma Vaca): là ngôn ngữ đúng đắn, nghĩa là nói những lời lẽ đưa đến xây dựng niềm tin, đoàn kết, hòa hợp, thương yêu và lợi ích. Không nói những lời chia rẽ, hận thù gay đau khổ cho mình và cho người.

2.3.4.4. Chánh nghiệp (Samma Kammanta): là hành vi đúng đắn xuất phát từ thân, khẩu, ý, nghĩa là không có hành vi giết hại, trộm cướp, hành dâm phi pháp, không làm những điều phi đạo đức. Thực hành sự thương yêu, cứu giúp, không ham muốn những thú vui bất thiện.

2.3.4.5. Chánh mạng (Samma Ajiva): là đời sống đúng đắn, nghĩa là nghề nghiệp, phương tiện mưu sinh chân chánh, không làm những nghề phi pháp, độc ác, gian xảo như: buôn bán chất ma túy, cờ bạc, mại dâm…, không tham lam, không làm giàu trên mồ hôi nước mắt cúa kẻ khác.

2.3.4.6. Chánh tinh tấn (Samma Vayama): là sự nổ lực đúng đắn, nghĩa là nổ lực làm các hạnh lành, không làm những điều hại mình, hại người, hại vật. Sự tinh tấn nổ lực vươn lên trong sự chân chánh sẽ làm cho con người thăng hoa trong cuộc sống.

2.3.4.7. Chánh niệm (Samma Sati): là sự nhớ nghĩ đúng đắn, nghĩa là luôn nhớ nghĩ những điều chân chánh, luôn nhớ nghĩ những thiện pháp để an trú, không nhớ nghĩ những điều bất thiện, không để cho các đối tượng bất chính dẫn dắt mình đi lang thang.

2.3.4.8. Chánh định (Samma Samathi): là sự tập trung tư tưởng đúng đắn, nghĩa là đừng để tâm thức bị rối loạn, tập trung tư tưởng làm an tịnh tâm thức một cách đúng đắn, có hiệu quả để phát triển tuệ giác giải thoát.

Bát chánh đạo là con đường tu tập để tiến đến quả vị của một bậc thánh. Nếu như có một người nào đó tu tập mà không thực hành con đường bát chánh này thì nẽo về giải thoát thật sự là quá xa xăm. Bát chánh đạo có thể thâu tóm trong Tam vô lậu học: tức là ba điều cần học tập là Giới-Định-Tuệ. Giới là chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng; Định là chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định; Tuệ là chánh tri kiến, chánh tư duy.

Xác định Bát chánh đạo là con đường đưa đến giải thoát, Đức Phật dạy: “Này Subhadda, trong pháp luật nào không có Bát chánh đạo thì ở đây không có Tứ quả Sa môn”. Đức Phật còn dạy: “Nếu những Tỳ-kheo sống chân chánh (theo Bát chánh đạo) thì cõi đời này không thiếu những vị A-la-hán”. Con đường tu tập của Khổ diệt đạo Thánh đế là con đường nổ lực tự thân của mỗi hành giả đệ tử Phật, con đường ấy vừa thực tiển vừa có hiệu quả ngay trong đời sống hiện tại này. Trong Trung Bộ kinh Phật còn dạy:

“Không bệnh lợi tối thắng

Niết-bàn lạc tối thắng

Bát chánh đường duy nhất

Đến bình an bất tử”.

Chỉ có con đường bát chánh là con đường duy nhất đưa chúng sanh đến bình an bất tử mà thôi.

KẾT LUẬN

3.1. TẦM QUAN TRỌNG CỦA TỨ THÁNH ĐẾ

Xuyên suốt hành trình hoằng hóa trong bốn mươi lăm năm của Đức Thế Tôn, giáo lý Tứ Thánh đế luôn được triển khai, được mở rộng. Đức Phật nhiều lần đã xác định về tầm quan trọng và siêu việt của giáo lý Tứ Thánh đế, ngài dạy: “Những bậc A-la-hán Chánh đẳng giác trong quá khứ, ở trong tương lai hay hiện tại, được coi là vị Chánh đẳng giác về Bốn thánh đế”. Không những thế Ngài còn dạy: “Xưa cho đến nay, Như lai chỉ nói có hai điều là khổ và con đường diệt khổ”.

Sự xuất hiện của Đức Phật giữa thế gian này “vì lợi ích cho chư thiên và loài người” , mục đích của đạo Phật là giải thoát mọi khổ đau, vì vậy các pháp môn được thiết lập, mọi nổ lực đều hướng về mục tiêu ấy, mà giáo lý Tứ Thánh đế được xem là thiện pháp tối thắng. Đức Phật cũng dạy: “Này các Tỳ kheo, nếu có ai nói rằng không cần xây dựng tầng dưới của ngôi nhà, tôi sẽ xây tầng trên của ngôi nhà, sự kiện này không thể xảy ra. Cũng vậy, nếu có ai nói rằng không cần giác ngộ Tứ Thánh đế, ta sẽ đoạn diệt khổ đau, sự kiện này không thể xảy ra”.

Không chỉ có sự xác nhận của Đức Phật mà Tôn giả Sariputta cũng nhận định: “Ví như tất cả dấu chân của mọi loài động vật đều bị nhiếp trong dấu chân voi, vì dấu chân này lớn nhất trong tất cả dấu chân . Cũng vậy, chư hiền giả, tất cả các thiện pháp đều tập trung trong Tứ Thánh đế”.

Cho đến khi sắp diệt độ tại Kusinara, một lần cuối cùng, Đức Phật đã nhắc lại giáo lý Tứ Thánh đế: “Các thầy Tỳ kheo, đối với Bốn chân lý, các thầy còn hoài nghi chỗ nào thì có thể chất vấn tức khắc, không nên giữ sự hoài nghi mà không cầu giải đáp”.

Như vậy, tầm quan trọng của giáo lý Tứ Thánh đế đã được xác định bởi chính Đức Phật và những vị đệ tử xuất chúng của ngài. Cho đến nay, trải qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử thì giáo lý ấy vẫn còn có giá trị, vẫn được tất cả các bộ phái Phật giáo dù là Phật giáo Nguyên thuỷ hay Phật giáo Phát triển đều xiển dương và hành trì.

3.2. TINH THẦN THIẾT THỰC CỦA TỨ THÁNH ĐẾ

Trong giáo lý Tứ thánh đế thì Khổ đế được Đức Phật nêu ra trước nhất. Đức Phật không liệt kê những khổ đau tưởng tượng, không đưa ra những nguyên nhân phi thực tế, cũng không đưa ra con đường giải quyết những đau khổ bằng cách hành xác hay van xin một vị thần linh ban phước cho mình, mà đưa ra con đường diệt khổ bằng chính tự thân tu tập của mình để tự mình giải thoát những phiền não của cuộc đời. Với nguyên nhân tham ái, Đức Phật đã chỉ rõ cho con người biết rằng chính nó đã ràng buộc con người trong sanh tử trầm luân. Con người là gốc của đau khổ và cũng chính con người mới có thể cứu lấy mình mà thôi, đó chính là tinh thần thiết thực của Tứ Thánh đế và cũng chính là tinh thần nhập thế của đạo Phật.'

3.3. TỨ THÁNH ĐẾ HÀM CHỨA TOÀN BỘ GIÁO LÝ ĐẠO PHẬT

Đức Thế Tôn khi thuyết giảng Tứ Thánh đế đã lồng nội dung của các giáo lý căn bản khác như lý Duyên khởi, Năm uẩn, nghiệp… Trong suốt chặng đường hoằng hóa của ngài cũng chỉ dạy cho chúng sanh biết được khổ và phương pháp diệt trừ đau khổ mà thôi, cho nên giáo lý của ngài không ra khỏi hai điều đó. Hệ thống giáo lý được tập trung vào Tam vô lậu học mà Tam vô lậu học lại nằm trong phần Đạo đế, do đó mà toàn thể giáo lý không ra khỏi giới vực của Tứ Thánh đế. Nói cách khác là toàn bộ giáo lý của Phật giáo được thu nhiếp trong Tứ Thánh đế , như các dấu chân của các loài động vật được thu nhiếp vào dấu chân voi.

3.4. ỨNG DỤNG THỰC TẾ

Trong cuộc sống, có khi chúng ta cảm thấy chán chường, mệt mỏi vì cuộc sống mưu sinh, vì tình cảm, vì danh vọng đã làm cho chúng ta không còn nhận ra mình là ai nữa thì có nghĩa là chúng ta đang phiền muộn, bất an, đó chính là Khổ đế. Hãy lắng lòng đôi phút để tìm ra nguyên nhân tại sao chúng ta phải bị như vây. Có phải chúng ta đã quá mong cầu hay không, những điều mong cầu quá giới hạn đã làm chúng ta mỏi mệt, là tham ái, là nguyên nhân của mọi đau khổ, là vô minh hiện hữu, đó chính là Tập đế. Khi biết được như thế thì chúng ta mới mong tìm phương cách để đưa mình ra khỏi những bế tắc của khổ đau, đó chính là Đạo đế. Khi đã tìm con đường giải quyết những phiền muộn rồi chúng ta cảm thấy an vui và đó chính là Diệt đế. Như vậy Tứ Thánh đế luôn hiện hữu trong cuộc sống quanh ta mà từ lâu chúng ta không hề hay biết.

Tóm lại: Tứ Thánh đế là giáo lý căn bản, được xem như là nền tảng và tối trọng yếu trong đạo Phật. Qua Bốn pháp này, Đức Phật đã chỉ rõ cho chúng ta biết thực tướng và thực tánh của các pháp. Rồi từ đây, đối với những cảnh sanh, già, bệnh, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não, yêu thương xa lìa, oán thù gặp gỡ, thất vọng… sẽ không làm cho ta sợ hãi nữa mà biết chủ động để diệt trừ. Nếu những ai biết ứng dụng giáo lý vi diệu này vào trong đời sống thực tiển, kiên trì nỗ lực, tinh tấn hành trì thì nhất định tâm lành tăng trưởng, đời sống an lạc hơn và từng bước tiến vào quả vị giác ngộ, giải thoát.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Hòa thượng Thích Minh Châu dịch, Tương Ưng Bộ kinh V, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh, 1992.

2. Hòa thượng Thích Minh Châu dịch, Trung Bộ kinh I, II và III, Hoc viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh, 1993.

3. Hòa thượng Thích Trí Tịnh dịch, Diệu Pháp Liên Hoa kinh, NXB Tôn Giáo, 2004.

4. Hòa thượng Thích Thiện Hoa, Phật học phổ thông, NXB Tôn Giáo, 2002

5. . Hòa thượng Thích Chơn Thiện, Phật học khái luận, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 1999.

6. Hòa thượng Thích Trí Quang dịch, Luật Sa Di và Sa Di Ni, 1996.

7. Thích Viên Giác, Phật học cơ bản, NXB Tôn Giáo 2003.

8. Trần Phương Lan dịch, Đức Phật lich sử, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 2000.

9. Giáo trình Triết học Mác-Lênin, NXB Chính trị Quốc gia, 2006.

10. Phân viện nghiên cứu Phật học, Từ điển Phật học Hán Việt, NXB Khoa học Xã hội, 2004.

11. Đoàn Trung Còn, Phật học từ điển, NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2005.

12. Thích Nữ Như Từ, Tài liệu chuyên đề Tứ Diệu Đế

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (1 đã gửi)

avatar
phuocphant 11/07/2012 21:56:10
Thầy Pháp Như: 2.3.4.7. Chánh niệm (Samma Sati): là sự nhớ nghĩ đúng đắn, nghĩa là luôn nhớ nghĩ những điều chân chánh, luôn nhớ nghĩ những thiện pháp để an trú, không nhớ nghĩ những điều bất thiện, không để cho các đối tượng bất chính dẫn dắt mình đi lang thang.
PHUOCPHANT:
Chánh Niệm chính xác phải là Tứ Niệm Xứ (niệm Thân, niệm Thọ, niệm Tâm, niệm Pháp). Chánh niệm chỉ là theo dõi, quan sát những gì đang xảy ra ở Thân, thọ, Tâm, Pháp
Trong Bát Chánh Đạo, từ CHÁNH chính xác phải là hướng về Niết Bàn, xuôi về Niết Bàn. Cho nên Chánh Niệm cũng phải hướng đến Niết Bàn.
Các bạn có rãnh thì tìm hiểu Kinh Tứ Niệm Xứ đi nhé, và rồi hãy thực hành nó. Đó là con đường nhanh nhất để chứng đắc Niết Bàn
tổng số: 1 | đang hiển thị: 1 - 1

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

3.33

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập