Bài 16: Pháp y giải thoát

Đã đọc: 3337           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

I. Nguyên tác và phiên âm

大衣
善哉解脫服,
無上福田衣,
奉持如來命,
廣度諸眾生。
唵,摩訶迦波波吒悉帝莎訶。
Đại y
Thiện tai giải thoát phục, 
Vô thượng phước điền y, 
Phụng hành Như Lai mạng, 
Quảng độ chư chúng sinh. 
Án, ma-ha ca-bà, ba-tra tất-đế sa-ha.

II. Dịch nghĩa: [Đắp] y lớn

Lành thay chiếc y giải thoát,
Tượng trưng ruộng phước tột cùng,
Giữ gìn sinh mệnh của Phật,
Hóa độ muôn loại mười phương.
Oṃ mahā bhappaṭa siddhi svāhā.

III. Chú thích từ ngữ

Y (衣): Y dành cho Tăng sĩ Phật giáo còn gọi là áo hoa sen (không bị nhiễm bùn phiền não), áo giải thoát (giải phóng các khổ đau), áo kiên nhẫn (chịu đựng tích cực các nghịch cảnh).

Đại y (大衣): Y lớn. Y Tăng-già-lê có 9 điều/ sọc đến 25 điều/ sọc được gọi chung là đại y. Tác phẩm “Thích Thị Yếu Lãm” (釋氏要覽) giải thích rằng: “Y 9 điều, 11 điều, 13 điều được gọi là y hạ phẩm (下品衣) có hai ô/ mãnh dài, một ô/mãnh ngắn. Y 15 điều, 17 điều, 19 điều được gọi là y trung phẩm (中品衣) có ba ô dài, một ô ngắn. Y 21 điều, 23 điều, 25 điều được gọi là y thượng phẩm (上品衣) có bốn ô dài, một ô ngắn”.

Như Lai (如來, P=S. Tathāgata): Bậc đến như thế và đi như thế (the one who has ‘thus gone’, or ‘thus come’). Danh hiệu Phật (佛名號). Một trong mười đức hiệu (佛十號之一, an epithet of the Buddha) của Đức Phật. Đức Phật Siddhartha Gautama còn được gọi là Thích-ca Mâu-ni (S. Śākyamuni), có nghĩa đen là “Bậc thánh của dân tộc Thích-ca. Khi đức Phật nói về Ngài, nhằm tránh việc sử dụng “đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất,” đức Phật sử dụng từ “Như Lai”. Đây là cách đức Phật tránh tình trạng “ngã hóa” trong xưng hô, vì đức Phật dạy vô ngã (P. anattā) trong nỗ lực ly tâm hóa nỗi khổ, niềm đau.

Mệnh (命, P=S. jīva): a) Sự sống (life), sức sống (life force). Mạng sống (lifetime), thời gian sống (lifespan), b) Mệnh lệnh, ra lệnh (command), sắc lệnh (decree).

Như Lai mệnh (如來命): Mạng sống của Như Lai, mạng mạch của đức Phật. Mạng sống và hạnh động của Như Lai là thanh tịnh, không còn hữu lậu, có khả năng tự bảo hộ (S. pariśuddhajīvas tathāgataḥ. nāsti tathāgata-syāpariśuddhajīvatā, 如來命行清淨無有闕漏可自防護). Trong ngữ cảnh của bài thi kệ này, “phụng trì Như Lai mệnh” có nghĩa đen là “Giữ gìn mạng mạch của Phật”, hiểu theo nghĩa bóng là “bảo vệ Phật pháp được lưu truyền” trên thế gian, để mọi người tiếp nhận được minh triết và đạo đức của Phật, nhờ đó, sống an vui và hạnh phúc.

IV. Giải thích gợi ý

Bài kệ đại y gồm 9 điều – 25 điều dành cho các Tăng Ni tối thiểu từ 10 tuổi hạ trở lên. Tại Việt Nam, y nhiều điều từ 11-25 thường chỉ có các vị Thượng tọa, Hòa thượng sử dụng. Sau vài chục năm tu học, làm Phật sự tại chùa, kinh nghiệm hoằng hóa, giảng kinh, thuyết pháp và dấn thân nhập thế, tiềm lực tu học trở nên mạnh hơn, các Phật sự ngày càng nhiều hơn, phạm vi hóa độ chúng sinh sẽ rộng hơn, những lợi lạc từ việc giúp đời, cứu người cũng đạt được nhiều hơn.

Hai câu cuối của bài thiền kệ này là tông chỉ thực tập của người xuất gia: “Giữ gìn sinh mệnh của Phật, hóa độ muôn loại mười phương”. Sinh mệnh của Phật gồm 3 phương diện là đạo đức, thiền định và tuệ giác.

Để giữ gìn sinh mệnh Phật, điều trước tiên, cần sống đạo đức. Đạo đức tại gia bao gồm không giết người, bảo vệ hòa bình; Không trộm cắp, chia sẻ sở hữu; Không ngoại tình, chung thủy một vợ một chồng; Không lừa dối, không lời chia rẽ, không lời bất lịch sử, không lời vô ích; Không ma túy và rượu, giữ gìn sức khỏe, chăm sóc hạnh phúc cho người thân. Giữ đúng năm điều đạo đức vừa nêu, người tại gia đạt được hạnh phúc cá nhân, hạnh phúc gia đình và góp phần xây dựng xã hội bình ổn, thế giới hòa bình, thịnh vượng.

Người xuất gia thực tập giới pháp nhiều hơn, chi tiết hơn để hướng đến con đường Thánh, trở thành Thánh nhân. Oai nghi, tế hạnh, nhân cách của người xuất gia trở nên đặc biệt hơn người bình thường. Mỗi bước chân đi của người xuất gia mở ra phương trời cao rộng, an lạc, thảnh thơi. Người tại gia khi quan sát oai nghi của người xuất gia sẽ trỗi dậy niềm tôn kính Phật, Pháp, Tăng.

Mục đích của thiền định là giúp cho người thực tập làm chủ cảm xúc, thái độ, nhận thức và hành vi. Thiền giúp ta chuyển hóa các bợn nhơ của tâm gồm tham, sân, si và các phiền não khác. Dù theo bất kỳ pháp môn nào, sự thực tập Phật pháp chính yếu vẫn là thiền định chuyển hóa. Niệm Phật là để được chính niệm, một phương diện của thiền. Trì thần chú giúp tâm được định tĩnh và an vui. Tu thiền giúp ta giải phóng nỗi khổ niềm đau, đạt được chính niệm tỉnh thức. Ba pháp môn căn bản nêu trên đều dạy ta cách đạt được chính niệm trong sinh hoạt thường nhật, nhờ đó, tránh được những rủi ro trong lao động và giao thông, giải phóng căng thẳng, mang lại sức khỏe và hạnh phúc trong cuộc sống.

Kinh Di Giáo cho rằng: “Trí tuệ là sự nghiệp”. Với người tại gia, trí tuệ là chìa khóa để thành tựu các sự nghiệp. Người có trí tuệ thì sẽ đạt được “nhất thân vinh”. Người có trí sáng suốt hơn người bình dân, thấu triệt nhân quả, sống phù hợp với luật pháp và đạo đức, nhờ đó, an vui và hạnh phúc.

Công việc của người xuất gia là duy trì sinh mệnh của Phật, chứ không đơn thuần là làm trụ trì. Một số tu sĩ chỉ phấn đấu trở thành trụ trì được xem là thành công. Đó là nghiêng về danh vọng và lợi dưỡng. Người xuất gia có lý tưởng phải xem việc độ sinh là quan trọng nhất.

Làm trụ trì là cơ hội gánh vác các Phật sự và phụng sự nhân sinh. Thầy trụ trì, do phụng sự nhân sinh, thời gian dành cho sự tu học của bản thân ít hơn thời gian lo cho chùa, tăng chúng và bá tánh. Tăng sĩ phải thấy trọng trách được đặt trên đôi vai mình là cơ hội phụng sự, do vậy, khi được đảm trách vai trò trụ trì một ngôi chùa hay lãnh đạo Giáo hội, tăng sĩ không cống cao, ngã mạn, tự hào, tự đắc; phát tâm gánh vác Phật sự để sự nghiệp độ sinh được hanh thông. Truyền bá chính pháp, giúp mọi người thực tập chính pháp là cách duy trì sinh mệnh của Phật.

Làm Phật sự khác hoàn toàn với nỗ lực tạo thanh danh cho bản thân. Mỗi hành động Phật sự phải nhắm đến mục đích lợi lạc cho chúng sinh, không nhằm mục đích có thêm nhiều Phật tử, thế lực, ảnh hưởng trong xã hội. Khi Tăng sĩ tu tập tốt, làm Phật sự tốt, có tinh thần vô ngã vị tha tốt thì số lượng quần chúng sẽ được tăng trưởng, như quy luật nhân quả rất tự nhiên.

Để việc tu học Phật được tốt, sự phát tâm trong tu học là yếu tố rất quan trọng. Không có sự phát tâm, không có niềm hoan hỷ trong sinh hoạt tu học, thì khi nghe các hiệu lệnh của kẻng, khánh, chuông, mõ, vài người xuất gia có cảm giác mệt mỏi, tìm lý do không tham dự thời khóa. Khi có mặt trong thời khóa tu, hoặc có mặt nhưng không chú trọng vào nội dung tâm linh của thời kinh, thì thời gian 30-60 phút, ta dễ có cảm giác thời kinh dài đăng đẳng và mệt mỏi. Tụng kinh với tâm trạng tiêu cực nêu trên, khi thời kinh kết thúc, về phòng liêu, một số vị còn thấy mệt vì thiếu niềm hoan hỷ trong chính pháp, trong thiền định, trong thực tập, trong các sinh hoạt tu học hàng ngày. Do vậy, để được tiến bộ, người xuất gia cần hoan hỷ trong các Phật sự, thiện sự và trong tu học.

Duy trì sự phát tâm, thời gian trôi qua không trở nên vô ích, không nhàm chán. Không có tâm hướng thượng, sau năm năm tu học trở đi, dễ dẫn đến sự bão hòa, do đó, tiến bộ trong tâm bắt đầu khựng lại. Thái độ chán nản dễ xuất hiện đối với một số tăng sĩ, khi nhìn lại bản thân và thấy rằng sao tu đã nhiều năm mà sự tiến bộ chưa nhiều. Hãy loại bỏ những nếp suy nghĩ tiêu cực. Nên loại bỏ sự chán nãn và giãi đãi ra khỏi tâm. Đừng so sánh với bạn đồng tu còn yếu kém về tinh tấn, vì như thế dễ sinh tâm chán nản. Phải thực tập tinh tấn ba-la-mật, nương theo gương tốt của các cao tăng, như theo con tuấn mã, tùy thuận và đồng hành tu tập, nhờ đó, sự tiến bộ trong tu học sẽ tốt hơn. Người tinh tấn tu tập như tuấn mã sẽ bỏ lại sau lưng các con ngựa hèn không có năng lực, không có chí nguyện lớn, không có nỗ lực lớn, nhằm đạt được những gì cần đạt được. Tu tập một cách tinh tấn, công đức tăng trưởng theo năm tháng.

V. Câu hỏi ôn tập

1. Thế nào là “Như Lai mệnh” và làm thế nào để giữ gìn Như Lai mệnh?
2. Trình bày cách phổ độ chúng sinh.

***

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập