Ý nghĩa an cư kiết hạ

Đã đọc: 9537           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Phật giáo, không giống như các tôn giáo như Kỳ Na hay Ấn Giáo, không rơi vào hình thức chủ nghĩa cực đoan của các nguyên tắc bất bạo động. Mà chế pháp an cư thứ nhất cũng để chư vị Tỷ kheo tránh giẫm đạp lên cây cối và côn trùng trong ba tháng mùa mưa, nhằm thực hiện sự tôn trọng và bảo vệ sinh mạng các loài động vật; thứ hai tránh sự cơ hiềm của thế gian và ngoại đạo.

Duyên khởi: Theo Đại Phẩm Luật Tạng, trong những năm đầu thiết lập Tăng đoàn (saṅgha) đức Phật chưa chế pháp an cư, thế rồi khi mùa mưa đến cây cối mọc lên kéo theo sự sinh sôi nảy nở của vô số côn trùng. Một số đạo sỹ các giáo phái khác họ cũng có quy định an trú trong mùa mưa để tránh giẫm đạp làm tổ̉n hại sinh mạng; thế nhưng chư tăng đệ tử Phật vẫn tiếp tục du hành trong ba tháng mùa mưa.

Sự việc này đã khiến dân chúng và các giáo phái ngoại đạo kịch liệt chỉ trích: “Làm thế nào có thể những Sa-môn, con trai của dòng họ Thích Ca đi về trong mùa đông, mùa hè và cả trong mùa mưa, họ chà đạp xuống thảm cỏ xanh, làm bị thương, giết hại nhiều sinh vật’? “Đến mùa mưa, chim, kiến còn biết làm tổ để trú mưa, các đệ tử Sa môn Cồ Đàm cứ đi mãi và giậm phải côn trùng”.(1) Sự kiện này được trình báo lên đức Phật, thế rồi ngài dùng huệ nhãn để quán xét và nhận thấy nhân duyên đã đến, nên ban hành pháp An cư Kiết vũ hằng năm để những người xuất gia hành trì có an lạc. Ngài dạy: “Nay Tôi quy định, các Tỳ kheo phải kiết túc an cư trong ba tháng mùa mưa.(2) Từ đó về sau truyền thống an cư được thực hiện đều đặn hằng năm trong Tăng đoàn và đã mang lại nhiều lợi lạc không chỉ cho hành giả an cư mà còn cho hàng Phật tử tại gia.

Ý nghĩa thuật ngữ: Thuật ngữ an cư tiếng Pāli: Vassa, Phạn: varṣā, dịch sang tiếng Anh là: ‘Retreat season’ nghĩa là mùa mưa. Người Trung Hoa dịch ý là vũ kì (thời kì mưa). Tiếng gọi tắt của Vũ An Cư (雨安居), (An Cư mùa mưa), còn được gọi là Hạ Hành (夏行), Tọa Hạ (坐夏), Tọa Lạp (坐臘), Hạ Lung (夏籠), Hạ Thư (夏書), Hạ Kinh (夏經), Hạ Đoạn (夏斷), Hạ (夏). Do đó mới có tên gọi Nhất Hạ Cửu Tuần (一夏九旬), Cửu Tuần Cấm Túc (九旬禁足), Kiết Chế An Cư (結制安居), Kiết Chế (結制), v.v. Bắt đầu kết chế an cư thì gọi là Kiết Hạ (結夏), khi kết thúc An Cư là Giải Hạ (解夏).

Tứ Phần Luật San Bổ Tùy Cơ Yết Ma Sớ quyển 4, giải thích nghĩa chữ an cư như sau: ‘Thu nhiếp thân tâm yên tĩnh là an, thời kì phải ở lại là cư’. Bộ Luật Tư Trì Ký định nghĩa: ‘Lập tâm một chỗ gọi là Kiết; bộ Nghiệp Sớ định nghĩa: Thu thúc thân vào chỗ tịch tĩnh gọi là An’. An cư cũng có nghĩa là ‘an kỳ tâm, cư kỳ thân’, tức thân ở yên một chỗ và tâm được an lạc, thanh tịnh gọi là an cư.

Trong thời gian ba tháng mùa mưa ở Ấn Độ thì chư Tăng không được đi hành hóa các nơi, hơn nữa do vì trong thời gian nầy các loại cây cỏ, côn trùng phát sanh, nên để đừng sát thương các vật đó, hàng đệ tử Phật thường tập trung lại một nơi, cấm túc, đặt ra quy chế tọa Thiền tu học trong suốt ba tháng an cư.

Thời gian an cư: Về thời gian An cư, thông thường phần nhiều lấy một hạ chín tuần (tức ba tháng) làm kì hạn. Tứ Phần Luật San Phồn Bổ Khuyết Hành Sự Sao quyển thượng phần 4, lấy ngày 16 tháng 4 là ngày đầu an cư, ngày 15 tháng 7 là ngày cuối cùng, ngày hôm sau là ngày Tự tứ; luật Ma Ha Tăng Kì quyển 27, thì lấy ngày 15 tháng 7 làm ngày Tự tứ. Về ngày tháng quy định thì tùy theo đất nước, khí hậu, để tiến hành an cư cho phù hợp.

Theo Tạng Luật Đại Phẩm, Đức Phật quy định có hai thời điểm vào mùa (an cư) mưa: Tiền an cư và Hậu an cư. Tiền an cư thì nên vào nhằm ngày kế của (ngày trăng tròn) tháng Āsāḷha, Hậu an cư thì nên vào khi (ngày trăng tròn) tháng Āsāḷha đã trôi qua một tháng. Này các tỳ kheo, đây là hai thời điểm vào mùa (an cư) mưa.”(3)

Truyền thống Phật giáo Nguyên thủy y cứ theo lịch này nên bắt đầu Vũ Kỳ An Cư (Vassavāsa) từ ngày 16 tháng 6 (tháng Āsālha) và kết thúc vào ngày 16 tháng 9 (tháng Āssina). Nếu an cư được bắt đầu vào ngày 16 tháng 6 thì gọi là Tiền an cư (Purimikavassà). Còn nếu như có duyên sự không thực hiện Tiền An Cư được mà phải dời lại một tháng sau, tức bắt đầu từ ngày 16 tháng 7 và kết thúc vào ngày 16 tháng 10 thì gọi là Hậu An Cư (Pacchimikāvassā). Và số mùa an cư mà một vị Tỷ kheo đã trải qua được dùng để tính hạ lạp, tức tuổi đạo. Ngoài ra còn một số quy định cụ thể về pháp an cư (như cư trú phù hợp, phòng xá,…) được ghi lại rõ trong luật tạng.

Ngày nay, truyền thống Phật giáo Việt Nam thường gọi là ‘An cư kiết hạ’, tức kiết túc an cư trong ba tháng Hạ theo truyền thống Phật giáo Bắc tông. Sau rằm tháng tư âm lịch Chư Tăng bắt đầu kiết túc an cư, cho đến hết ngày rằm tháng bảy âm lịch, làm lễ tự tứ và giải hạ kết thúc mùa an cư. Điều này thể hiện tính linh hoạt, tùy duyên trong Phật giáo. Tùy theo thổ nhưỡng, thời tiết, khí hậu và điều kiện để tiến hành an cư. Thời gian có sự sai khác nhưng nội dung và ý nghĩa an cư thì giống nhau.

Đối tượng và trú xứ an cư: Chế độ an cư trước tiên do Bà La Môn Giáo tại Ấn Độ cổ đại thực hành, về sau được Phật giáo thu dụng. Trong Trường A Hàm quyển 2 kinh Du Hành, kinh Phật Bản Hạnh Tập quyển 39, có ghi chép sự tích Đức Phật và các đệ tử an cư tu hành. Kinh Tăng Già La Sát Sở Tập quyển hạ, thì liệt kê tên các nơi mà Đức Phật đã ngồi hạ trong khoảng bốn mươi lăm năm. Về địa điểm mà Đức Phật, sau khi thành đạo, và các đệ tử đã cử hành an cư lần đầu tiên, thì các kinh điển nói khác nhau, tuy nhiên, thông thường phần nhiều lấy vườn Lộc Dã làm nơi an cư lần đầu tiên.

Cứ theo luật Thập Tụng quyển 24, thì năm chúng xuất gia là Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Thức Xoa Ma Ni, Sa Di, Sa Di Ni phải cử hành an cư, còn hai chúng tại gia Ưu Bà Tắc và Ưu Bà Di thì không được an cư. Lại trong năm chúng xuất gia thì Tỳ Kheo và Sa Di cùng ở một chỗ an cư tu hành; Tỳ Kheo Ni và Sa Di Ni, Thức Xoa Ma Ni cùng ở một chỗ an cư tu hành. Theo Luật tạng đại phẩm, Nhập Vũ An Cư Kiền Độ (Pāli: Vassupanàyika - kkhandhaka) văn Pāli qui định, nếu Tỳ Kheo không An cư thì sẽ mắc tội ác tác (Pāli: Dukkara, Đột-cát-la).

Về địa điểm an cư, Luật tạng quy định, chư Tăng trong vùng phải chọn một trú xứ thích hợp để tiến hành kiết túc an cư. Trụ xứ có thể là một tu viện, tịnh xá, tịnh thất…nơi mà chư tăng đã chỉ định và tác pháp yết ma thành sự. Luật Tứ Phần quyển 37 An cư kiền độ, nêu lên các chỗ như: Dưới gốc cây, nhà nhỏ, hang núi, hốc cây, trên thuyền, làng mạc v.v..., hoặc nương nơi những người chăn bò, người ép dầu, người đốn gỗ để an cư. Luật Ngũ Phần quyển 19 An cư pháp, thì cấm chỉ không được an cư ở những nơi không có sự cứu hộ, như: Giữa bãi tha ma, chỗ không cây cối, nhà lợp bằng da thú (còn có lông), chỗ đất trống v.v... Lại trước khi An cư, phải sửa sang phòng xá, đồng thời, phân phối phòng xá và các vật cần dùng cho đại chúng một cách đồng đều.

Thời Phật tại thế, do chư tăng du hành bốn phương hóa độ, nên cư trú an cư rất đơn giản. Do vậy, theo tập Chú giải, một nơi ở thích hợp để an cư chính là nơi ở có cửa nẻo và mái che cộng với bất kỳ chất liệu lợp mái nào trong năm loại chất liệu lợp mái cho phép những cách chuẩn bị chỗ ở không thích hợp được liệt kê trong Luật tạng bao gồm việc an cư trong một hốc cây, trên một chạc cây (giống như những thợ săn), sống ngoài trời, sống tại một nơi không phải là chỗ ở, sống trong ngôi nhà tại bãi tha ma sống dưới một chiếc lọng, hay trong chiếc bình đựng nước.

Tập Chú giải lưu ý rằng nếu ta chọn vị trí sống trong một hốc cây hay trên một chạc cây có mái che thích hợp, tường và cửa ra vào, cũng được phép sống tại đó. Cũng coi như là ổn với một chiếc lọng nếu gắn vào bức tường được đóng đinh vào bốn chiếc cọc – có nghĩa là nếu được chế tạo tương tự như một chiếc lều bạt thì được phép an cư tại đó.

Chỉ có một thủ tục duy nhất được đề cập đến trong Luật tạng đối với việc bắt đầu nơi An cư Mùa mưa đó là ta sửa soạn nơi an cư của mình, kiếm nước uống và nước rửa mặt, và quét dọn sạch sẽ địa điểm đó. Tuy nhiên tập Chú giải yêu cầu chúng ta thực hiện một quyết tâm chính thức đó là: sau khi kính lễ bảo tháp, v.v… ta nên đọc phát nguyện một hay hai lần câu sau đây:

Imasmim vihāre imam te-màsam upemi” - tôi đang nhập ba tháng mùa mưa tại nơi an cư này.

Nếu an cư tại một địa điểm không được coi như là một Tịnh xá (vihāra) – như thể trong một căn chòi trên chiếc xe ngựa – ta nên đọc lên ba lần câu này:

“Idha vassam upemi” – Ta nhập An cư Mùa mưa tại đây.

Nếu lưu lại dưới một chiếc xe, ta chỉ cần suy nghĩ, “ta sắp sửa lưu lại tại đây để qua mùa An cư Mùa mưa.”

Thủ tục hành pháp cũng đơn giản, chư vị Tỳ kheo chính thức xin sám hối Tam Bảo và sám hối lẫn nhau theo đúng thứ tự tuổi đạo. Sau đó chư vị xác định đường biên của vùng được chọn làm nơi an cư của đại chúng trong suốt ba tháng mùa mưa - thường bao gồm toàn bộ vùng đất của thiền viện và bằng cách thay đổi lòng quyết tâm bằng:

Imasmim āvāse imam te-māsam vassam upemi” ta nhập An cư Mùa mưa trong ba tháng tại thiền viện này. (4)

Điều quan trọng nhất để chọn trú xứ an cứ đó là trong trụ xứ phải có một người thông thạo giới luật, biết đọc tụng giới bổn Ba La Đề Mộc Xoa và biết nghi thức sám hối, bố tát… Do vậy, tăng nên tiến hành họp trước khi bước vào mùa an cư để thỉnh Hòa thượng Y chỉ trú xứ. Hòa thượng Y chỉ trú xứ là vị Tôn túc, đạo cao đức trọng, giới hạnh trang nghiêm và thông thạo về giới luật. Vị ấy có khả năng giải đáp những vướng mắc trong Tăng chúng suốt trong mùa an cư. (hữu nghi đương vãng vấn). Lại trước khi vào An cư, phải đối trước vị Y chỉ trú xứ để bày tỏ ý kết chế An cư, gọi là đối thủ An cư; không có người nương tựa, thì trong tâm tự nói ý kết chế An cư để vào An cư, gọi là tâm niệm An cư.

Mặt khác Tăng cũng cần kiết cương giới an cư. Đại giới nhỏ nhất là trong một già-lam. Bên Tăng kiết giới rộng nhất là 10 Câu-lô-xá, tức khoảng 18 ki-lô-mét. Nếu ở giữa là giới trường thì bên này 9 km, bên kia 9 km để Tăng ở hai bên cùng tới dự Bố-tát cho tiện. Nếu vị nào sợ đi không kịp thì phải đi sớm để kịp Bố-tát. Còn phía bên Ni, kiết đại giới là một Câu-lô-xá, tức khoảng 1,8 km, đó là đại giới lớn nhất. (5) Không được lớn hơn, nếu lớn hơn không thành cương giới nữa, bị tội.

Thời gian hợp lý trong mùa an cư: Khi đã kiết giới an cư thì hành giả an cư phải tuân theo luật định, không được tự ý đi ra khỏi cương giới mà phải kiết túc ở yên một nơi để thực tập thiền định, thu thúc lục căn, để tăng trưởng đạo nghiệp. Nếu vị hành giả an cư nào tự ý đi ra khỏi trú xứ thì bị phạm tội phá hạ, vị đó vừa dẫn đến phạm giới và còn trở thành không đủ tư cách để nhận những ân huệ đặc biệt mà vị đó được hưởng khi kết thúc Mùa An cư.

Tuy nhiên, có hai ngoại trừ đối với khoản luật này: đó là tiếp tục một cách hợp pháp thực hiện công chuyện trong bảy ngày và phá vỡ nơi an cư do bởi những trở lại hợp lý.

Đi Công Chuyện Trong Bảy Ngày: Trong thời gian An cư, cấm chỉ không được ra ngoài vùng cương giới đã quy định, nếu người nào không tuân qui định ấy thì mắc tội ác tác. Tuy nhiên, cứ theo luật Tứ Phần quyển 37, thì nếu người nào có thể trở về ngay trong ngày thì được phép ra ngoài; hoặc có việc đặc biệt cần thiết, được Tăng đoàn thừa nhận, thì có thể được phép ra ngoài trong vòng bảy ngày, mười lăm ngày, phương pháp này gọi là Thất Nhật Pháp, Thụ Nhật Pháp.

Theo các thuật ngữ của tập Chú giải, điều này có nghĩa là ta có thể ra khỏi nơi an cư trong vòng sáu buổi sáng và phải trở về để đón chào bình minh thứ bảy ngay tại nơi An cư. Nếu người nào vi phạm qui định này mà ra ngoài, thì đắc tội ác tác, gọi là phá An cư, phá hạ, sẽ mất tư cách tiếp nhận các vật cúng dường An cư được phân phối. Nhưng, nếu vì các chướng nạn như: Chạy tránh ác thú, rắn độc, hỏa hoạn, nước dâng, vua bắt, giặc đuổi, trúng thực, nữ nhân, thân tộc v.v..., hoặc vì sự hóa giải việc phá tăng mà rời khỏi nơi An cư, thì không phải tội.

Ý nghĩa: Phật giáo, không giống như các tôn giáo như Kỳ Na hay Ấn Giáo, không rơi vào hình thức chủ nghĩa cực đoan của các nguyên tắc bất bạo động. Mà chế pháp an cư thứ nhất cũng để chư vị Tỷ kheo tránh giẫm đạp lên cây cối và côn trùng trong ba tháng mùa mưa, nhằm thực hiện sự tôn trọng và bảo vệ sinh mạng các loài động vật; thứ hai tránh sự cơ hiềm của thế gian và ngoại đạo.

Tuy nhiên đức Phật đã quan tâm nhiều hơn với những thái độ sống, chứ không câu nệ vào hình thức. Tức quy chế an cư nhằm tạo ra cơ hội tốt để chư vị Tỷ kheo tập trung vào sự tu tập trau dồi giới định tuệ, làm tấn tu đạo nghiệp hướng tới sự giác ngộ giải thoát. Do đó, thiết lập pháp an cư không chỉ mang lại lợi ích cho cá nhân Tăng mà còn làm tăng trưởng niềm tin vào Tam bảo của chúng Phật tử tại gia. Ban hành pháp An cư là nhằm mục đích duy trì truyền thống chư Phật trong quá khứ.Thành ra, mùa an cư đã trở nên quan trọng và ý nghĩa đối với tứ chúng đệ tử Phật.(6)

Như vậy dù kiết Hạ hay kiết Đông an cư thì mục đích chính vẫn là thúc liễm thân tâm, trau dồi giới đức. Tỳ kheo hay Tỳ kheo Ni nào không quan tâm đến việc tu tập thiền định để bồi dưỡng trí tuệ thì thật không xứng đáng là bậc mô phạm tỉnh thức. Sự khắt khe này cũng chỉ vì Đức Phật muốn bảo hộ sức sống của Tăng-già bằng việc triển khai năng lực tu tập của mỗi cá nhân.

Nếu ai trong hàng xuất gia đệ tử Phật không tôn kính vâng giữ lời huấn thị của Đức Phật, xem an cư là một điều bó buộc, một phương tiện nhỏ nhặt thì quả thật người ấy không những tự chối bỏ phần tự lợi mà gây ảnh hưởng không tốt cho Tăng đoàn. Cũng như người nông phu mỗi năm phải làm ruộng, nếu năm nào bỏ bê không chăm lo đến mùa màng thì người nông phu sẽ bị nghèo nàn đói thiếu.

Hàng xuất gia nếu không có những ngày tháng cùng sinh hoạt cộng trú để sách tấn lẫn nhau thì làm sao có điều kiện để tạo thành năng lực hòa hợp và kiểm chứng giá trị thanh tịnh? Kết thúc khóa an cư là lễ Tự tứ, một hình thức tối quan trọng để tổng kết quá trình tu tập tiến triển hay lui sụt của từng cá nhân qua ba tiêu chuẩn: thấy, nghe, nghi. Những ai vượt ra khỏi phạm vi giới luật, buông lung theo ba nghiệp, hành động theo bản năng cố hữu thì sẽ bị cử tội giữa đại chúng để bổ khuyết sửa chữa.

Pháp chế An Cư tu học, nếu được đại chúng thực hành chí thành, đúng mức, thì đó thật là nguồn năng lực lớn lao để củng cố tinh thần hòa hợp thanh tịnh của Tăng già; trưởng dưỡng tâm bồ đề ngày càng lớn mạnh, bền chắc; giúp cho sự nghiệp nhiếp hóa chúng sinh thành tựu viên mãn. Chư vị thiện nam tín nữ cũng nương nhờ uy đức rộng lớn như biển của Đại Tăng mà tâm linh thăng tiến; nhờ tu học Phật pháp mà trí tuệ phát triển; nhờ thành tâm tu hạnh bố thí cúng dường mà phước đức sâu dầy, duyên lành đối với Phật pháp sẽ kết chặt vững bền mãi mãi về sau.

Ghi chú:

  1. G. P. Malalasekera, M. A. Ph. D.  Founder Editor-in Chief, Encyclopaedia Of Buddhism, vol. 8, Sri Lanka: Published by the Department of Buddhist Affairs, Ministry of Buddhasasana, 1962, p. 497.

  2. Third khandhaka. (residence during the rainy season, vassa.) http: //www.sacredtexts.com/bud/sbe13/sbe1314.htm, (09.06.2016.)

  3. Hermann Oldenberg (ed), Vinaya Pitakam, The principal Buddhist holy scriptures in the Pali Languege, vol.1, Mahavagga, the Pali text society Oxford, 1997, p. 137.

  4. Xem, An Cư Kiết Hạ, Tỳ khưu Thānissaro do Tỳ khưu Thiện Minh phiên dịch, http://www.phatgiaonguyenthuy.com/news-3753/AN-Cu-KIeT-Ha.html.

  5. HT. Thích Thiện Siêu, Cương Yếu Giới Luật, Nhà Xuất Bản Tôn Giáo – 2002.

  6. G. P. Malalasekera, M. A. Ph. D.  Founder Editor-in Chief, Encyclopaedia of Buddhism, vol. 8, Sri Lanka, Published by the Department of Buddhist Affairs, Ministry of Buddhasasana, 1962, p. 497.

_Thích Trung Định_

 

 

 

 

 

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

5.00

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập