Phật Dạy Nhân Quả Trang Nghiêm Tự Thân

Đã đọc: 3073           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

“Gieo nhân nào thì gặt quả nấy, nếu chúng ta muốn có phước báo thì phải gieo trồng phước đức, tích lũy phước, và thường xuyên vun bồi cội phước bằng suy nghĩ, lời nói và hành động thiện ích. Cầu khẩn van xin cầu nguyện suông, không giúp cho người Phật tử được những gì như mong muốn, chỉ có gieo nhân tốt mới gặt được quả tốt”.

 

Đạo Phật đã hướng dẫn cho chúng ta thấu hiểu lý nhân quả để mỗi người sống có trách nhiệm hơn về những hành vi tạo tác của mình từ thân, miệng, ý. Nếu trong cuộc sống, chúng ta hay làm các việc thiện lành tốt đẹp thì được hưởng phước báo cõi trời người, còn chúng ta làm điều xấu ác thì phải chịu quả khổ đau địa ngục, quỷ đói, súc sinh. Đó là quy luật tất yếu và sinh tồn của xã hội, không ai có quyền ban phước, giáng họa hay sắp đặt cho chúng ta cả.

 

Gieo nhân nào là gặt quả đó, chính đức Phật nhờ sự tu chứng mà thấy biết rõ ràng, con người là chủ nhân của bao điều họa phúc và chỉ dạy lại cho chúng ta, chứ không phải do suy luận, vu vơ huyền hoặc.

 

Nhân quả rất đa dạng và phức tạp, chúng ta là những phàm phu, không thể nào nhìn thấy hết tất cả tiến trình chi phối và diễn biến của nhân quả. Người Phật tử chân chính, phải thận trọng trong từng ý nghĩ lời nói, cho đến hành động trong từng phút giây… Ta phải thường xuyên xem xét, quán chiếu, soi sáng lại chính mình để không vấp phải lỗi lầm đáng tiếc.

 

Gieo nhân nào thì gặt quả nấy, nếu chúng ta muốn có phước báo thì phải gieo trồng phước đức, tích lũy phước, và thường xuyên vun bồi cội phước bằng suy nghĩ, lời nói và hành động thiện ích. Cầu khẩn van xin cầu nguyện suông, không giúp cho người Phật tử được những gì như mong muốn, chỉ có gieo nhân tốt mới gặt được quả tốt”.

 

Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anà-Thapindika. Rồi gia chủ Anàthapindika đi đến đảnh lễ, Thế Tôn nói với gia chủ Anàtha-pindika đang ngồi một bên:

Có năm pháp này, này Gia chủ, khả lạc, khả hỷ, khả ý, khó tìm được ở đời. Thế nào là năm? Tuổi thọ; dung sắc; an lạc; tiếng đồn tốt; cõi trời khả lạc, khả hỷ, khả ý khó tìm được ở đời.

 

Này Gia chủ, năm pháp này, khả lạc, khả hỷ, khả ý khó tìm được ở đời. Này Gia chủ, năm pháp khả lạc, khả hỷ, khả ý khó tìm được ở đời này, Ta tuyên bố không phải do nhân cầu xin, không phải do nhân ước vọng mà có được.

Này Gia chủ, nếu năm pháp khả lạc, khả hỷ, khả ý khó tìm được ở đời này, do nhân cầu xin, do nhân ước vọng mà có được, thời ai ở đời này lại héo mòn vì một lẽ gì? Này Gia chủ, vị Thánh đệ tử muốn có thọ mạng, không có thể do cầu xin thọ mạng hay tán thán để làm nhân đem lại thọ mạng. Vị Thánh đệ tử muốn có thọ mạng cần phải thực hành con đường dẫn đến thọ mạng. Do vị ấy thực hành con đường dẫn đến thọ mạng, sự thực hành ấy đưa vị ấy nhận lãnh được thọ mạng, vị ấy nhận lãnh được thọ mạng hoặc Chư Thiên, hoặc loài Người.

Này Gia chủ, vị Thánh đệ tử muốn có dung sắc, không có thể do cầu xin dung sắc hay tán thán để làm nhân đem lại dung sắc. Vị Thánh đệ tử muốn có dung sắc cần phải thực hành con đường dẫn đến dung sắc. Do vị ấy thực hành con đường dẫn đến dung sắc, sự thực hành ấy đưa vị ấy nhận lãnh được dung sắc, vị ấy nhận lãnh được dung sắc hoặc Chư Thiên, hoặc loài Người.

Này Gia chủ, vị Thánh đệ tử muốn có an lạc, không có thể do cầu xin an lạc hay tán thán để làm nhân đem đến an lạc. Vị Thánh đệ tử muốn có an lạc cần phải thực hành con đường dẫn đến an lạc. Do vị ấy thực hành con đường dẫn đến an lạc, sự thực hành ấy đưa đến vị ấy nhận lãnh được an lạc, vị ấy nhận lãnh được an lạc hoặc chư Thiên, hoặc loài Người.

Này Gia chủ, vị Thánh đệ tử muốn có tiếng tốt, không có thể do cầu xin tiếng tốt hay tán thán để làm nhân đem đến tiếng tốt. Vị Thánh đệ tử muốn có tiếng tốt cần phải thực hành con đường dẫn đến tiếng tốt. Do vị ấy thực hành con đường dẫn đến tiếng tốt, sự thực hành ấy đưa vị ấy nhận lãnh được tiếng tốt, vị ấy nhận lãnh được tiếng tốt hoặc chư Thiên, hoặc loài Người

Này Gia chủ, vị Thánh đệ tử muốn có được Thiên giới, không có do cầu xin Thiên giới hay tán thán để làm nhân đem đến Thiên giới. Vị thánh đệ tử muốn có Thiên giới cần phải thực hành con đường dẫn đến Thiên giới. Do vị ấy thực hành con đường dẫn đến Thiên giới, sự thực hành ấy đưa vị ấy nhận lãnh được Thiên giới, vị ấy nhận lãnh được Thiên giới.

(Kinh Tăng Chi Bộ II, chương 5, phẩm Vua Munda)

Sống trường thọ khỏe mạnh, nhan sắc xinh đẹp, an vui hạnh phúc, tiếng tốt đồn xa, sau khi hết đời sống này được tái sinh hưởng phước báo thù thắng cõi trời là mong ước chính yếu của con người. Ai cũng ước mơ mong muốn như vậy, nhiều người không biết thường van xin cầu nguyện trời, Phật ban cho mình được toại nguyện mà không biết gieo nhân tốt thì làm sao gặt quả như ý.

Suy nghĩ và cảm xúc của con người luôn thay đổi và chịu tác động nhanh chóng bởi các sự kiện xung quanh. Ví dụ, khi nhận được một thông tin tốt đẹp có lợi cho mình, thì lập tức ta có thái độ hoan hỷ vui vẻ, lạc quan. Ngược lại, nếu nhận được tin xấu, ngay khi ấy chúng ta sẽ cảm thấy khó chịu, buồn phiền, bực bội và có thể nóng nảy với những người khác.

Theo luật nhân quả, thành công hay thất bại đều có nguyên nhân sâu xa của nó. Nếu chúng ta muốn có được nhiều kết quả tốt đẹp thì phải biết gieo nhân thiện ích giúp người, cứu vật.

Nhân sống trường thọ khỏe mạnh là không giết người, giết vật làm khổ chúng sinh. Chẳng hạn như các đấng mày râu muốn cho thân thể cường tráng khỏe mạnh, tinh thần thông minh, sáng suốt mà lại giết hại sinh vật uống rượu say sưa, thức cả đêm mà vui chơi hoan lạc, gây cái nhân bịnh hoạn thì thử hỏi làm sao được khỏe mạnh, sáng suốt và nhan sắc xinh đẹp được.

Ai muốn cho thân thể khỏe mạnh, tâm sáng suốt, dung nhan dễ nhìn thì phải sống có chừng mực, biết cách ăn uống điều độ, làm việc, vui chơi, giải trí, biết sắp xếp thời gian nghỉ ngơi, tịnh dưỡng đễ giữ thân tâm trong sạch, lành mạnh.

Còn các cô thiếu nữ đại diện cho phái đẹp, ai cũng muốn trẻ đẹp, tươi vui, vậy mà lúc nào cũng nhăn nhó, quạu quọ, buồn giận hoài, rồi sinh tâm ganh ghét, tật đố, tham chấp đủ thứ thì thử hỏi làm sao vui tươi, trẻ trung, yêu đời cho được.

Phái nữ muốn trẻ trung, đẹp đẽ, duyên dáng thì phải sống vui vẻ, lành mạnh, nhờ vui vẻ, hồn nhiên nên mới tươi tắn, mà đã vui thì ít ganh ghét, hờn giận, nhờ vậy mà giảm bớt phiền muộn, khổ đau. Vậy nếu có ai lỡ làm phiền một chút thì nên hoan hỷ bỏ qua, đó là ta biết tạo nhân vui vẻ, trẻ trung, yêu đời mà làm tròn bổn phận trong gia đình, và phục vụ tốt cho xã hội.

Bằng ngược lại, ta cứ buồn thương, giận ghét, hết phiền muộn người này lại ghét bỏ người kia, mà oán ghét, giận hờn thì lòng ta đâu có an ổn, nhẹ nhàng. Cho nên, ta ăn không ngon, ngủ không yên, đó là cái nhân dẫn đến thân bệnh hoạn, tiều tụy, hốc hác, và tâm hồn bị dằn vặt bởi bám víu vào những cái được mất, hơn thua, giận hờn nên sống trong đau khổ, lầm mê.

Muốn được sống an vui, hạnh phúc thì phải biết buông xả, không chấp trước dính mắc và nhẫn nhịn nhường mỗi khi có việc không hài lòng vừa ý, biết cảm thông và tha thứ, biết bao dung và độ lượng, không có tâm ganh ghét, tật đố hại người khác.

Muốn được danh tiếng tốt đồn xa, trước tiên phải có giới đức, tu tập thiền định và sẵn sàng bố thí cúng dường, giúp đỡ sẻ chia khi có nhân duyên.

Người Phật tử chân chính phát tâm giữ giới không sát sinh hại vật, không gian tham trộm cướp, sống chung thủy một vợ một chồng, không nói dối hại người và dùng các chất gây say sưa như rượu, xì ke ma túy và các chất độc hại khác. Nhờ giữ giới giúp chúng ta không sa đọa vào hố sâu tội lỗi để không làm tổn hại người, vật nên được các bậc hiền trí tán thán khen ngợi và mọi người mến thương yêu thích.

Thiền định giúp ta biết cách buông xả tham sân si và bình tĩnh sáng suốt trong việc đối nhân xử thế và biết cách vượt qua chướng duyên nghịch cảnh để làm mới lại chính mình.

Bố thí giúp ta phát triển tâm từ bi rộng lớn để làm vơi bớt nỗi đau bất hạnh của người khác. Nhờ vậy tiếng lành đồn xa, được mọi người yêu thích mến thương, bằng tình người trong cuộc sống.

Và cuối cùng sau khi chết được tái sinh vào các cõi trời để hưởng phước báo thù thắng, do gieo nhân tốt hiện đời nên gặt quả an vui hạnh phúc về hai phương diện vật chất lẫn tinh thần.

Nếu ta biết rõ ràng, gieo nhân ác sẽ đưa tới quả xấu thì chúng ta tìm cách tránh xa không nên làm, đừng muốn một đàng mà lại làm một nẻo. Thế nên, ta muốn được an vui, hạnh phúc thì ngay bây giờ, mình phải biết giữ giới, thiền định, bố thí và buông xả những tập nghiệp gây đau khổ cho người, vật.

Hiểu như vậy, chúng ta mới thấy việc tin sâu nhân quả, giúp chúng ta nhìn đúng lẽ thật mà được sống trường thọ, khỏe mạnh, hình tướng trang nghiêm dung sắc xinh đẹp, tiếng lành đồn xa và sau khi ra đi được tái sinh vào các cõi lành.

Đức Phật xác định rõ ràng: “Mọi người muốn gặt hái được kết quả tốt đẹp, không phải do nhân mơ ước và van xin cầu nguyện mà có được” năm món yêu thích kể trên. Nhân quả rất chính xác và công bằng khi hội đủ nhân duyên. Gieo nhân nào thì gặt quả nấy. Muốn có phước báo thì phải làm phước, tích phước, vun bồi cội phước. Van xin cầu nguyện suông, không thể nào đem lại kết quả tốt đẹp, do trái ngược với luật nhân quả.

Cũng như đem hai chiếc bình, một bình đựng đá cuội và một bình đựng dầu đổ xuống hồ nước, dầu nhẹ thì nổi lên và đá nặng thì chìm nghĩm. Dù chúng ta cố gắng tập trung cầu nguyện cho đá nổi, và muốn cho dầu chìm cũng không thể được. Bản chất của đá thì nặng nên phải chìm, bản chất của dầu thì nhẹ hơn nước nên phải nổi.

Người đã tạo nghiệp thập ác mà muốn sinh về cõi lành thì không thể được, ngược lại người đã gieo trồng mười điều thiện dù có trăm ngàn người cầu cũng thể xuống địa ngục được, vì nhân quả rất công bằng và bình đẳng.

Cho nên, người Phật tử chân chính không nên van xin cầu nguyện suông, mà hãy hành động bằng việc làm tốt của mình. Người tin sâu lý nhân quả sẽ có tinh thần trách nhiệm cao, biết căn nhắc lựa chọn khi muốn làm một việc gì và tránh xa nhân xấu ác.

Nếu ta lỡ tạo nhân xấu rồi thì sẵn sàng can đảm chấp nhận quả xấu một cách gan dạ, không sợ sệt, không đổ thừa hay lẩn trốn. Vì không tin  nhân quả nên ta mới có thái độ tránh né, chối cãi, phủ nhận sự thật rồi tiếp tục làm tổn hại người khác.

Phật dạy: Tất cà mọi hiện tượng, sự vật trên thế gian này, nếu đem ra khảo sát thật kỹ, chúng ta sẽ thấy không một sự vật nào thoát ra ngoài lý nhân quả. “Thấy quả biết nhân, thấy nhân biết quả” là tinh thần thực tiễn rất khoa học, không mơ hồ, không thêu dệt hay ảo tưởng quá đáng.

 

Đạo Phật là đạo của con người, đạo Phật là đạo của tình thương, là đạo của tỉnh thức, vì đạo Phật luôn giúp cho con người giải quyết được mọi sự nên hư, tốt xấu, thành bại trong cuộc đời là do mình tạo lấy, nhờ vậy ta sẽ tránh ác làm lành, để sống an vui hạnh phúc ngay tại đây và bây giờ.

 

Hiểu và ứng dụng lý nhân quả vào trong đời sống hằng ngày, chúng ta sẽ tự tin nơi chính mình, không ỷ lại vào một đấng quyền năng nào có thể ban phước, giáng họa cho con người. Trong đời sống này, khổ hay vui đều do mình tạo lấy, mình làm lành được hưởng phước, người làm ác phải chịu khổ đau, ta không thể đổ thừa và quy trách nhiệm cho ai cả. Chính con người là thượng đế tối cao của con người. Con người có quyền quyết định mọi vấn dề trong cuộc sống và có quyền làm chủ mọi hành vi từ thân, miệng, ý.

 

Giáo lý nhà Phật từ thấp tới cao, từ đạo làm người cho đến đạo hiền Thánh đều dựa trên nền tảng của nhân quả, vì vậy trong cuộc sống của chúng ta ai không thấu hiểu lý nhân quả thì sự tu hành của mình khó mà đạt được kết quả viên mãn.

 

Vậy nhân quả là gì? Nhân là nguyên nhân, quả là kết quả, tuy nhiên  nhân quả rất đa dạng và phức tạp. Có loại nhân quả gần, nghĩa là khi ta làm điều gì thì có kết quả liền trong hiện tại, không phải chờ đợi lâu xa. Như khi đang đói bụng, ta ăn cơm vào thì liền là no, ta gọi là nhân nào quả nấy.

 

Có những nhân nếu ta gieo trong hiện tại, thì một thời gian dài từ năm bẩy tháng cho đến vài ba năm mới cho ra kết quả. Còn có những nhân ta gieo tạo thì phải trải qua một đời, hai đời hoặc vô số kiếp về sau thì quả mới trổ ra. Và có điểm đặc biệt là khi chúng ta gieo nhân mà không có kết quả do thiếu những duyên phụ hoặc ta tu hành quá tinh tấn nên nhân xấu không đủ sức trổ quả.

 

Một ví dụ, ta có thể gieo ba thứ hạt giống cùng một thời gian như cây lúa, cây chuối, cây mít đồng thời ta chăm sóc kỹ càng nhưng kết quả cho ra không cùng một thời gian. Cây lúa khi gieo xuống thì từ ba tháng cho đến sáu tháng có kết quả, cây chuối phải từ sáu tháng đến một năm, còn cây mít ít nhất phải từ hai năm trở lên, đó là nhân quả thuận chiều theo nhân duyên. Nhưng có những nhân mà ta đã gieo lại không có kết quả, nửa chừng cây bị chết hoặc bị trường hợp rủi ro khác.

 

Chính vì vậy đạo Phật rất chú trọng đến vấn đề nhân quả nghiệp báo, nó là một nguyên lý giúp cho con người ý thức và chịu trách nhiệm về  những hành vi tạo tác của mình trong đời sống hiện tại. Người Phật tử tại gia cần phải hiểu thấu lý nhân quả một cách tường tận rõ ràng, rồi lấy đó làm kim chỉ nam, làm phương châm tu hành để chuyển hóa nỗi khổ niềm đau, thành an vui hạnh phúc, ngay tại đây và bây giờ bằng trái tim hiểu biết.

 

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

1.00

Đăng nhập