Phật học, khoa học và đời sống

Đã đọc: 3021           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Phật học là những điều mà ngài Gotama Siddhattha thuyết giảng sau khi đã tự rèn luyện đạt đến cái biết tuyệt đối. Khi đó ngài được mọi người gọi là Đức Phật. Ngài Gotama Siddhattha sinh vào khoảng năm 623 trước Tây lịch tại Kapilavatthu (thuộc Nepal ngày nay), là thái tử con vua Suddhodana và hoàng hậu Maha Maya thuộc dòng tộc Sakya.

Khoa học là lĩnh vực hoạt động nghiên cứu của nhân loại, nhằm mục đích tạo ra những tri thức mới về tự nhiên, xã hội và tư duy, và tất cả những điều kiện, những yếu tố dành cho hoạt động ấy. Những điều kiện và yếu tố dành cho hoạt động nghiên cứu gồm: các nhà khoa học với tri thức, năng lực, trình độ và kinh nghiệm của họ; các cơ quan nghiên cứu khoa học; các thiết bị tính toán, thí nghiệm và thực nghiệm; các phương pháp của công tác nghiên cứu; hệ thống các khái niệm và phạm trù; hệ thống thông tin khoa học; và toàn bộ những tri thức hiện có của loài người với tư cách hoặc là nền tảng, hoặc là tiền đề, hoặc là phương tiện phục vụ cho công tác nghiên cứu. Những kết quả nghiên cứu của khoa học trên phương diện nhận thức - nhận thức khoa học - trở thành một hình thái ý thức xã hội của loài người. Theo cách nhìn nhận chính thức hiện nay ở Việt Nam, khoa học được hiểu là hệ thống tri thức của nhân loại tích lũy trong quá trình lịch sử và được thực tiễn chứng minh, phản ánh những quy luật khách quan của thế giới bên ngoài cũng như của hoạt động tinh thần của con người, giúp con người có khả năng cải tạo thế giới hiện thực. 

Trong bài viết này, khoa học được đề cập chủ yếu là khoa học tự nhiên, và vì thế, nếu nhìn khoa học bằng cái nhìn văn học, nếu đưa toàn bộ xã hội loài người lên sân khấu, thì khoa học ngày nay sẽ trở thành nhân vật chính trong một vở kịch lớn. Nhân vật đó rất bí hiểm vì chỉ các nhà khoa học mới biết diện mạo chi tiết của anh ta. Nhân vật đó can thiệp vào mọi chuyện và các nhân vật khác tự hào khi dựa vào anh ta để tranh luận. Nhân vật đó bảo trợ cho tất cả mọi người vì những sản phẩm kỳ diệu của anh ta có khắp mọi nơi và mọi người đều sử dụng chúng. Nhân vật đó làm người ta lo ngại bởi vì trong anh ta hàm chứa những quyền lực phản tự nhiên và dường như là không có giới hạn. Nhân vật đó có những đứa con là các quái vật hai đầu: một đầu cứu người và một đầu giết người.

Ở điểm xuất phát, Gotama Siddhattha (tác giả của Phật học) và các tác giả của khoa học đều là những con người có các giác quan để tiếp nhận các tác động của thế giới bên ngoài, và có ý thức để xử lý các tác động do các giác quan đem lại. Họ đều muốn tìm tòi để hiểu biết về bản thân mình và thế giới xung quanh mình. Mục đích tìm hiểu của Gotama Siddhattha đơn thuần chỉ để tìm cách đưa con người ra khỏi sự đau khổ. Các tác giả của khoa học còn có nhiều mục đích khác. Việc tìm tòi để hiểu biết của Gotama Siddhattha và các tác giả của khoa học còn giống nhau ở chỗ đều bắt đầu bằng việc quan sát. Chỉ khác nhau một chút xíu trong cách quan sát.

Ngài Gotama Siddhattha quan sát đối tượng bằng cách ngồi yên. Cố gắng giữ cho gốc quan sát thật yên tĩnh, thật ổn định. Ổn định bền vững (samadhi - định) đến mức không còn bất kỳ một sự vận động nội tại nào. Việc rèn luyện phi vận động hóa như thế, danh từ Phật học gọi là thiền (jhana). Các nhà khoa học không ai quan sát thế giới theo cách đó. Họ quan sát thế giới trong những sự vận động nghiêm túc và tích cực của thân thể và tư duy. Họ đi theo lộ trình nhận thức: “từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng và trở thành lý luận”.

Ngài Gotama Siddhattha ngồi yên, còn các tác giả của khoa học thì vận động. Do đó, những điều mà hai bên nhìn thấy được đều hoàn toàn khác nhau. Ngài Gotama Siddhattha (giống như người ngồi yên theo dõi được toàn bộ nội dung bộ phim và nhìn thấy cả cảnh trí xung quanh cái tivi) - thấy cả bản chất của đời sống lẫn mọi diễn biến của nó. Các nhà khoa học (giống như người đang nhảy thấy được khung cảnh quay cuồng xung quanh cái ti vi) chỉ thấy được các diễn biến của đời sống. 

Các diễn biến của đời sống là do bản chất của đời sống quyết định, do đó trong các diễn biến của đời sống đương nhiên có sự phản ánh bản chất của đời sống. Thế nhưng diễn biến của đời sống lại là tổ hợp vô cùng lớn của các vận động phát sinh từ trong bản chất của nó, cho nên cái mà nó thể hiện, cái mà nó phản ánh là một phức hợp của vô số yếu tố, và vì thế đó là chỉ một tập mờ. Do vậy, từ các diễn biến của đời sống, người ta không bao giờ có thể xác định được đúng bản chất của đời sống mà chỉ có thể đúc kết được các đặc điểm, tính chất, nguyên lý, quy luật của các diễn biến của đời sống mà thôi.  Ngược lại, khi đã biết bản chất của đời sống thì hoàn toàn có thể hiểu được mọi thứ đã, đang, sẽ hoặc có thể diễn ra. 

Một trong các khía cạnh quan trọng của đời sống mà các nhà khoa học ngày nay đã nhìn thấy khi đang vận động một cách nghiêm túc và tích cực, chính là đặc tính truyền đạt không trung thực của các giác quan. Giác quan là nơi mà con người cảm nhận thế giới bên ngoài. Sự cảm nhận ở các giác quan luôn đi kèm với các cảm giác sướng, khổ hoặc không sướng không khổ. Thấy hình ảnh đẹp, nghe âm thanh hay, ngửi mùi thơm, nếm vị ngon, chạm xúc với đối tượng dễ chịu, thì sướng. Ngược lại thấy hình ảnh xấu, nghe âm thanh khó chịu, ngửi mùi hôi thối, nếm vị dở, chạm xúc với đối tượng gây đau đớn, thì khổ. Các cảm giác gắn với sự cảm nhận ở các giác quan chi phối sự sướng khổ của con người trong cuộc đời.

 Cách đây hơn hai ngàn năm trăm nay, Đức Phật đã thuyết giảng về sự truyền đạt không trung thực của các hình thái vật chất ở các giác quan : Hình thái vật chất ở tổ hợp mắt (cakkhayatanarupa - nhãn xứ sắc), hình thái vật chất ở tổ hợp tai (sotayatanarupa - nhĩ xứ sắc), hình thái vật chất ở tổ hợp mũi (ghanayatanarupa - tỷ xứ sắc), hình thái vật chất ở tổ hợp lưỡi (jivhayatanarupa - thiệt xứ sắc), hình thái vật chất ở tổ hợp thân (kayayatanarupa - thân xứ sắc), hình thái vật chất ở tổ hợp âm thanh (saddayatanarupa - thanh xứ sắc), hình thái vật chất ở tổ hợp mùi (gandhayatanarupa - hương xứ sắc), hình thái vật chất ở tổ hợp vị (rasayatanarupa - vị xứ sắc), hình thái vật chất ở tổ hợp các tiểu thể xúc giác (photthabbayatanarupa - xúc xứ sắc) đều không truyền đạt trung thực (anidassana - vô kiến) mà chỉ truyền đạt bằng cách đối chiếu theo (sappatigha - hữu đối chiếu). Chỉ riêng tổ hợp hình thái vật chất hình ảnh (rupayatanarupa - sắc xứ sắc) thì vừa có khả năng truyền đạt trung thực, vừa có khả năng truyền đạt bằng cách đối chiếu theo (sanidassanasappatigha - hữu kiến hữu đối chiếu). 

Ngày nay khoa học đã biết rõ về sự truyền đạt không trung thực của năm giác quan. Khoa học không quan tâm nhiều lắm đến sự truyền đạt không trung thực của âm thanh, mùi, vị và các tiểu thể xúc giác, nhưng biết rằng ánh sáng - photon (tức là vật chất hình ảnh) - có vận tốc tuyệt đối, mà điều này thì  liên quan đến sự truyền đạt trung thực mà Phật học đã đề cập. 

Trong nghiên cứu về khả năng truyền đạt các tác động ở mắt, các nhà khoa học quan niệm mắt là một cơ quan cảm giác của con người đóng vai trò là chủ thể, còn các kích thích tác động lên mắt là tác động của môi trường, đóng vai trò là khách thể. Khi nghiên cứu như thế, khoa học đương nhiên quan niệm rằng mình đang nhằm vào một thực tế, phân biệt với sự mơ mộng và trí tưởng tượng, trong khi khái niệm “thực tế” là một triết học mà các nhà triết học khôn ngoan đều hiểu rằng sẽ vô ích và sai lầm nếu tìm cách định nghĩa nó.

Kích thích lên mắt trong thí nghiệm khoa học là điện áp có dạng dao động điều hòa (dạng sinusoid). Người ta nhận thấy rằng khi chưa có kích thích, các điện tích tập trung trên thành axon thần kinh tạo ra sự phân cực có điện thế không đổi, xấp xỉ -70mV.  Khi có kích thích, chỉ có phần điện áp lớn hơn - 70mV mới gây ra sự đảo cực, làm thành một biến động lan truyền trong axon thần kinh, tạo ra sự hưng phấn tương ứng với cái biết ở mắt. Tín hiệu kích thích không chỉ bị cắt bỏ phần thấp hơn - 70 mV mà phần cao hơn - 70mV được truyền đi còn bị làm méo dạng; và chỉ một dải tần số giới hạn trong dải tần số của điện áp kích thích mới được truyền đạt theo kiểu như thế (dải thị tần). Kết luận khoa học trong thí nghiệm này là: cái mà người ta nhìn thấy được thì hoàn toàn khác với cái kích thích từ bên ngoài. 

Như vậy, nhà khoa học quan sát thấy rằng : nếu A là một “thực tế bên ngoài”, mắt người sẽ thấy thành ra là A’ vì sự truyền đạt không trung thực của mắt. A’ do đó “không thật” vì A’ khác A. Mọi thứ mà con người thấy là các đối tượng cụ thể chỉ là các A’ không thật; vậy A đích thực là cái gì? Khoa học không trả lời được câu hỏi này nhưng thường suy luận rằng chắc chắn phải tồn tại một A đích thực nào đó thuộc khách thể mà các giác quan của con người không thể cảm nhận được. Cái A đích thực đó được coi là cái tuyệt đối. Cái A’ mà người ta nhìn thấy  được gọi là cái tương đối.

Nhà khoa học quan sát thấy như thế và nghĩ như thế. Quan sát thấy như thế, có nghĩa là mắt của nhà khoa học đang tiếp nhận các kích thích. Và do mắt của nhà khoa học đang tiếp nhận kích thích, nên nó cũng phải tuân theo kết luận đã phát biểu ở phần trên, tức là cả mắt, cả các dụng cụ và thiết bị thí nghiệm, cả các điện áp kích thích lên mắt, cả các kết quả đo đạc mà các dụng cụ và thiết bị hiển thị v.v… trong thí nghiệm kể trên, đều là những cái mà nhà khoa học nhìn thấy được, là A’ của nhà khoa học, do đó cũng là cái không thật. Như vậy, đâu phải nhà khoa học đang “nhằm vào một thực tế”. Mọi nhà khoa học xưa nay chẳng qua đều “nhằm vào cái không đích thực” của mình, mặc dù đó không phải là sự mơ mộng hay trí tưởng tượng. 

Và do đó - điều này cực kỳ quan trọng - mọi thứ mà từng nhà khoa học phát biểu, kết luận, đúc kết, tổng kết… sau các nghiên cứu, chẳng qua chỉ là những sự mô tả diễn biến của cái biết của riêng mình mà thôi. Chúng không trình bày được (dù chỉ một phần rất nhỏ) các vấn đề thuộc về bản chất của đời sống. Mọi kết quả nghiên cứu khoa học do đó không chỉ không hề làm thay đổi bản chất của đời sống, mà cũng không hề làm thay đổi được diễn biến của đời sống, bởi vì chúng chính là một phần trong các diễn biến của đời sống. Khoa học vì thế cũng chỉ giống và ngang hàng với văn học mà thôi.

Ngay cả trong cách nói “khoa học nhằm vào một thực tế” để tách khoa học ra khỏi sự mơ mộng và trí tưởng tượng, thì trí tưởng tượng vẫn luôn đóng một vai trò cốt yếu trong khoa học, trong việc sản sinh ra các khái niệm; mặc dù đó là cái mà vẫn luôn được lý trí khoa học hướng đến việc miêu tả hoặc tổ chức các dữ liệu nhằm chống lại các ý tưởng ngông cuồng phát sinh từ sự ngu dốt vốn có trong con người. Khoa học vì thế là một biểu tượng trừu tượng hình thành từ một động cơ chính đáng.

Với nhiệm vụ tìm tòi để hiểu biết về bản thân mình và thế giới xung quanh mình, đến khi phát hiện ra tình trạng truyền đạt không trung thực của các giác quan thì khoa học hoàn toàn bế tắc, và trong một số lĩnh vực mũi nhọn khác, khoa học ngày nay bắt đầu nhận ra rằng mình đang tiến sát đến các biên giới không thể vượt qua nổi. 

Có nhiều nội dung quan trọng trong bản chất của đời sống mà khi còn có sự vận động thì con người không bao giờ có thể biết được (và nếu Đức Phật không thuyết giảng thì tất nhiên chúng ta sẽ không bao giờ có thể hiểu được). Hai trong số đó là sự tồn tại của thành phần tưởng thật (sannacetasika - tưởng tâm sở) trong cái biết và tình trạng không sáng tỏ (avijja - vô minh) của cái biết. Chúng chính là các yếu tố ngăn chặn khả năng vươn xa của khoa học, và tạo thành các biên giới không thể vượt qua được đối với khoa học.

1 - Theo Phật học, thành phần tưởng thật là một trong năm mươi hai thành phần đóng vai trò là các thành phần cơ sở cấu thành cái biết. Thành phần tưởng thật làm cho cái biết vừa tưởng rằng các hình thái đối tượng cụ thể hóa (tương ứng với trạng thái hưng phấn do sự đảo cực trong các axon thần kinh) sinh ra từ sự tiếp xúc là thật, là khách thể; vừa có sự liên tưởng đến các đối tượng đã từng tiếp nhận trong quá khứ để giúp cho hoạt động của thành phần thẩm định (cetanacetasika - tư tâm sở). Thành phần tưởng thật cũng phát sinh từ trong sự tiếp xúc thuộc khu vực hoạt động của ý thức. 

Thành phần tưởng thật thể hiện trong sự nhận ra, nhận biết; có nội dung là sự sai lầm; có chức năng chi phối toàn bộ mọi cái biết trong các hệ thống tương đối. Đối với hình thái vật chất, thành phần tưởng thật có trường vật chất riêng, gọi là trường vật chất của sự tưởng thật (sannarammanarupa - sắc cảnh của tưởng), tồn tại trong từng dải tần dao động (dhatu - giới) của từng giác quan và trong dải tần dao động của của ý nghĩ. 

Thành phần tưởng thật hoạt động khi có sự phân biệt. Trong các hệ thống tương đối, cái biết hoạt động bằng cách phân biệt, và thành phần tưởng thật thực hiện chức năng nhận biết phân biệt các khía cạnh đặc thù của từng đối tượng. Nó xác định các hình thái đối tượng cụ thể hóa bằng khái niệm và bằng ngôn ngữ. Nếu không có hoạt động phối hợp của thành phần tưởng thật thì các giác quan chỉ có thể thấy, nghe, ngửi, nếm, chạm xúc thuần túy mà không phân biệt được ra là thứ gì hết.

 Các đối tượng cụ thể, mà con người tưởng rằng có thật, đều không phải các tồn tại đích thực. Chúng chỉ là các hình thái đối tượng cụ thể hóa trong cái biết và bị thành phần tưởng thật chi phối. Do đó trước cùng một đối tượng, các cá thể có cái biết đều có các nội dung nhìn nhận và đánh giá khác nhau.

Có hai loại tưởng thật: tưởng thật đúng tốt và tưởng thật sai xấu, cũng tức là phân biệt đúng và phân biệt sai. Sự tưởng thật sai xấu hay sự phân biệt sai lầm đều là nguyên nhân của mọi toan tính lo toan dẫn đến các vận hành lầm lạc. Việc cái biết bị lôi cuốn theo đối tượng (ví dụ, một người trở nên tham lam là do có cảm giác dễ chịu trước đối tượng, hay trở nên thù hận là do có cảm giác khó chịu trước đối tượng) đều không phải do nơi đối tượng, vì các đối tượng vốn không thật, mà là do thành phần tưởng thật làm cho cái biết tưởng rằng các đối tượng là thật.

Sự tưởng thật cùng với các phân biệt sai lầm đều có các nguyên nhân đã tích lũy từ trong quá khứ. Chúng được duy trì theo thói quen, theo quan niệm, và bị chi phối bởi các lý luận sai lầm hình thành trong các hệ thống tương đối. Trong mỗi cá thể có cái biết đều có sẵn những mầm mống phân biệt sai lầm. Những mầm mống đó phát triển theo sự tích lũy dữ liệu, theo sự hình thành các kiến thức và các quan niệm không có cơ sở chân lý. Chúng cũng nhờ sự ngụy biện của các quan niệm sai mà tồn tại và phát triển.

Thành phần tưởng thật trong hoạt động phân biệt có hai  khả năng: phân biệt rõ rệt chính xác và phân biệt mơ hồ méo mó. Khả năng phân biệt rõ rệt chính xác tạo ra sự phân biệt đúng tốt, giúp hoàn thiện nhận thức, tránh được sự phân biệt sai lầm dẫn đến các quan niệm sai xấu. Sự phân biệt mơ hồ méo mó có tác dụng ngược lại.

Khi rèn luyện phi vận động hóa, ngài Gotama Siddhatha đã trừ bỏ các cảm xúc bằng cách tập trung cái biết hướng vào một đối tượng duy nhất (đề mục thiền), trụ vững trong một trạng thái sáng suốt tinh tế cho đến khi đạt được sự ổn định bền vững không còn sự tưởng thật (vô tưởng định). Đây là một trong các điều kiện để đưa cái biết tương đối tiến đến đến cái biết phát triển (ariyacitta - thánh tâm) trước khi đạt đến cái biết tuyệt đối (buddhi - sự sáng suốt tuyệt đối).

2 - Tình trạng không sáng tỏ là tình trạng tự nhiên của cái biết khi vận động trong các hệ thống tương đối. Để dễ hiểu về tình trạng này, nên so sánh với ngọn đèn dầu chỉ sáng tỏ khi đứng yên và không thể sáng tỏ khi lay động theo gió. 

Tình trạng không sáng tỏ mang nội dung của sự tối tăm, mê muội, không hiểu biết, không sáng suốt v.v… do nó là tình trạng lẫn lộn giữa cái biết và cái không. Người ta có thể nhận thấy tình trạng không sáng tỏ trong khi liên hệ với thực tế là, đối với mọi người, trong một đối tượng đã biết luôn hàm chứa vô số điều chưa biết, và ngược lại trong một đối tượng chưa biết luôn chứa đựng khá nhiều nội dung đã biết.

Vì chỉ là nhận thức của con người bình thường trong một hệ thống tương đối, bị tình trạng không sáng tỏ che khuất, nên khoa học không thể nhìn ra các vấn đề sau đây:

Thứ nhất, khoa học không nhìn thấy và do đó không công nhận về sự tồn tại - thật sự có thật - của một hệ thống tuyệt đối mà danh từ Phật học gọi là Nibbana (Niết bàn). Sở dĩ khoa học không công nhận, vì khi quan sát phần được biết, khoa học nhận thấy toàn bộ cái thế giới được thấy như là khách quan - mà con người tồn tại trong đó - luôn luôn vận động, và dường như không có sức mạnh nào trong cái thế giới khách quan ấy có thể làm đình chỉ sự vận động ấy. Mặc dù về lý thuyết, theo một suy luận logic, khoa học hiểu rằng một sự đứng yên tuyệt đối của gốc quan sát sẽ cho một kết quả đo đạc tuyệt đối; nhưng vì không biết nguồn gốc của các vận động ấy là cái gì, chúng bị chi phối bởi những động lực nào, nên khoa học không biết cách nào để có được một gốc quan sát đứng yên tuyệt đối. Vì không hiểu nên không biết cách, vì không biết cách nên không thể nghiệm, vì không thể nghiệm nên không công nhận.

Về phương diện vận động, cái mà người ta nhìn thấy được là quan hệ tương tác giữa chủ thể với khách thể, trong đó sự biến động của các đối tượng thuộc môi trường khách thể kích thích tác động lên chủ thể, và chủ thể vận hành phản ứng tác động trở lại. Trong khi đó cái mà con người bình thường không nhìn thấy được chính là các thông tin về vận hành phản ứng được đưa vào lưu trữ ở thể alaya và động lực nội sinh từ chúng là động lực gây ra các biến động của phần khách thể trong tương lai. Như vậy, việc chuyền từ hệ thống tương đối, vận động (sankhatam - hữu vi) sang một hệ thống tuyệt đối, không vận động (asankhatam – vô vi) chỉ có thể có được khi các động lực nội sinh (kamma - nghiệp) không còn được tạo ra nữa. Các động lực nội sinh sẽ không được tạo ra khi phần phần biết đình chỉ các vận hành phản ứng có sự phân biệt về phẩm chất trước các kích thích. (Vận hành thuần khiết - kiriya, duy tác - của các vị Arahant cũng không tạo ra động lực nội sinh).

 Đối với khoa học, sự vận động trong hệ thống của một gốc quan sát tạo ra tính tương đối, còn sự vận động nội tại tạo ra các sai số trong kết quả quan sát. Việc loay hoay giải quyết “sai số buồng đo” trong các nghiên cứu cơ bản thuộc lĩnh vực vật lý học làm cho khoa học ngày nay mang bộ mặt hết sức khôi hài: người ta tìm cách khắc phục các kết quả đo đạc có sai số cực nhỏ của các thiết bị đo đạc hết sức tinh vi, rồi tiếp nhận và để mặc cho chúng bị làm méo dạng và sai lạc hoàn toàn ở khâu truyền đạt của các giác quan, trước khi xử lý chúng bằng tư duy khoa học! Cái lộ trình nhận thức nổi tiếng đã nói ở trên vì thế nếu được diễn đạt lại cho đầy đủ sẽ gồm các khâu như sau: từ thực tế khách quan - qua sự đo đạc cực kỳ chính xác của các thiết bị khoa học - được làm sai lạc hoàn toàn bởi các giác quan - [để rồi] được xử lý bằng tư duy trừu tượng - và trở thành lý luận. Lý luận ở đây là nhận thức khoa học, là sản phẩm cuối cùng của lộ trình khôi hài ấy. 

Thứ hai, cũng do tình trạng không sáng tỏ mà khoa học không thể biết về sự tồn tại của thành phần tưởng thật. Vì không biết có nó và bị nó chi phối, nên khoa học vẫn tưởng các hình thái đối tượng cụ thể hóa được tạo ra do kết quả của sự truyền đạt không trung thực ở các giác quan là các đối tượng có thật, bám riết theo chúng, và lấy chúng làm đối tượng nghiên cứu. Khoa học không thể biết cái gì đã tạo ra thế giới trong khi chính từng cá thể có cái biết đều là đấng sáng tạo khi tạo ra thế giới cho riêng mình (vì mọi thế giới đều chỉ tồn tại trong sự hưng phấn trong các axon thần kinh của từng cá thể có cái biết). Khoa học không hề biết rằng trong cái thế giới được tạo dựng một cách giả lập do sự biến đổi của các hình thái đối tượng cụ thể hóa tương ứng với hiện tượng khử cực trong các axon thần kinh như thế, thì bản thân khoa học cũng chỉ là sự giả lập và sự phát triển của khoa học cũng chỉ là diễn biến của các hình thái giả lập ấy mà thôi. 

Thứ ba, do tình trạng không sáng tỏ nên khoa học không thể biết về các chu trình sống. Do vậy, mặc dù phát hiện được các định luật bảo toàn, khoa học vẫn không thể biết vì sao con người sinh ra, sinh ra từ đâu và sau khi chết sẽ đi về đâu. Khoa học ngày nay vì thế vẫn nhường câu trả lời cho vấn đề trọng đại này cho các giáo chủ hoặc các thiên tài (có giáo chủ tuyên bố rằng con người do thượng đế tạo ra và sau khi chết sẽ được ngài trừng phạt hoặc khen thưởng ; có thiên tài cho rằng con người tự nhiên sinh ra và chết là hết v.v…). Khoa học không đủ dữ liệu để nâng định luật bảo toàn của hình thái vật chất lên thành định luật bảo toàn của đời sống (ví dụ: “con người không tự nhiên sinh ra và chết là hết, mà chỉ chuyển từ chu trình đời sống này sang chu trình đời sống khác”).

Thứ tư, do tình trạng không sáng tỏ nên khoa học không thể tự hiểu được nguyên lý nhân quả và hiện tượng nội sinh (kamma - nghiệp) trong đời sống, và do đó không thể hiểu được bản chất của đời sống trong các hệ thống tương đối là gì. 

Khoa học ngày nay không có một công cụ nào để nghiên cứu về hình thái phi vật chất. Khoa học ngày nay đã có thể sáng tạo ra các thiết bị khoa học có các tính năng rất đa dạng và độ tin cậy rất cao để quan sát và tính toán, nhưng chỉ có thể quan sát các đối tượng vật chất và tính toán các số liệu đã vật chất hóa. Đối tượng của khoa học vốn là và chỉ là các hình thái vật chất. 

Hình thái vật chất là một trong hai hình thái thể hiện của cái biết, do đó nó có các hình thức vận động chung với các hình thức vận động của cái biết, và chịu sự chi phối của các nguyên lý chi phối cái biết trong các hệ thống tương đối. Khi nghiên cứu sự vận động của các đối tượng vật chất trong hệ thống vi mô, khoa học phát hiện ra nguyên lý nhân quả đối với hình thái vật chất (một hệ vật chất vi mô khi đưa ra một điện tích thì có khuynh hướng thu về một điện tích cùng dấu), và cũng chỉ nhìn nhận được đến đó. Ở một khía cạnh khác, khoa học tự nhiên đã biết về hiện tượng lưu trữ thông tin trong một cấu trúc vật chất đặc biệt gọi là gene. Có thể trong tương lai, kết hợp hai sự hiểu biết này và nhờ vào các hiểu biết về lưỡng tính sóng hạt của hệ thống vi mô (thế giới lượng tử), khoa học có thể sẽ tiến đến nghiên cứu về sự phát khởi các thông tin được lưu trữ ở gene trong khía cạnh tạo ra trường hoàn cảnh, nhưng cũng chỉ là các hiểu biết đối với hình thái vật chất mà thôi. 

Khoa học tự nhiên cho đến ngày nay vẫn hoàn toàn không biết gì về hình thái phi vật chất của cái biết, nhường nó cho khoa học xã hội nghiên cứu trong khi không hề cung cấp cho khoa học xã hội bất kỳ một thiết bị nào, dù là đơn sơ nhất, để trợ lực cho sự nghiên cứu về hình thái ấy. Tất nhiên, không cần đến các thiết bị kỹ thuật người ta cũng có thể biết được rằng có hay không có nguyên lý nhân quả trong đời sống nếu như không bị tình trạng không sáng tỏ che khuất tầm nhìn về các chu trình sống quá khứ hay các chu trình sống tương lai và che khuất khả năng dõi theo hành trình chuyển biến nội hàm khi các thông tin về vận hành (suy nghĩ, nói và hành động) của cá thể có cái biết đang ở trong trạng thái lưu trữ. Tình trạng không sáng tỏ không cho phép con người bình thường không thấy được các hiện tượng như thế và khoa học cũng không bao giờ có thể biết được điều đó.

Thứ năm, do không biết được nguyên lý nhân quả trong đời sống, không biết được hiện tượng nội sinh, không nhìn thấy các chu trình đời sống, nên khoa học không thể biết để có thể tuyên bố rằng bản chất đời sống trong các hệ thống tương đối là đau khổ; và vì thế không đăït vấn đề và không tìm cách thoát ra khỏi sự đau khổ. 

Trong Phật học, việc tuyên bố rằng bản chất đời sống trong các hệ thống tương đối là đau khổ, việc xác định nguyên nhân của đau khổ, kết quả của sự diệt trừ đau khổ và các biện pháp diệt trừ đau khổ chính là sự trình bày về bốn nội dung nền tảng mang tính nguyên lý (sacca - đế) của đời sống trong các hệ thống tương đối. Nội dung của tuyên bố “bản chất đời sống trong các hệ thống tương đối là đau khổ” thường gây dị ứng trong tâm lý của rất nhiều người, luôn bị phản ứng từ các ý thức hệ tư tưởng phi Phật học; và cũng vì tuyên bố ấy mà đạo Phật thường bị đánh giá là yếm thế. Tất nhiên, khi đã tuyên bố nội dung ấy, Phật học có nhiều  giải thích và biện luận rất xác đáng. Trong bày viết này, tác giả chỉ trình bày vắn tắt và phân tích một trong số các luận cứ đó.

Với tư cách là một con người, người ta chỉ có thể biết (một cách tương đối) về cuộc đời làm người của mình trong chu trình sống hiện tại và cuộc đời của những người khác, của các động vật khác theo các diễn biến ở phần được biết, khi đang ở trong chu trình sống đó. Do tình trạng không sáng tỏ, từng người đều không thể nhìn thấy vô số chu trình sống quá khứ của mình, không thể thấy các chu trình sống tương lai của mình nếu mình tiếp tục chuyển đổi các chu trình đời sống (luân hồi) trong các hệ thống tương đối, không thể biết tương lai ngay cả trong chu trình sống hiện tại. 

Trong đời sống, người ta sống bằng các cảm giác sướng, khổ, vui, buồn gắn với các hình thái giả lập ở các giác quan và thực hiện các vận hành phản ứng lại các hình thái giả lập ấy. Trong số các hình thái giả lập mà con người nhìn thấy, có cả hình thái tạo thành hình tượng “cái tôi” mà ý niệm về “cái tôi” gắn vào đó. Các vận hành phản ứng của “cái tôi” có thể là đúng tốt, sai xấu hoặc trung tính; do luôn bị các thành phần của cái biết, trong đó có ba thành phần sai xấu căn bản (tham lam, nóng giận và ngu muội), chi phối. Vào thời điểm cận tử ở cuối mỗi chu trình đời sống, các động lực nội sinh (kamma - nghiệp) thúc đẩy việc lập trình chi tiết các hoàn cảnh sẽ diễn ra cho chu trình sống kế tiếp, trong đó cả hình thái “cái tôi” và các hình thái là đối tượng của “cái tôi” đều bị hiện tượng nội sinh làm thay đổi. Vì thế, bất cứ ai trong chu trình này cũng đều có thể là vua, là tổng thống, hay bất cứ một địa vị xã hội nào, nhưng trong chu trình đời sống khác cũng đều có thể trở thành là người hoặc súc sinh…; trong chu trình này có thể ăn thịt, cắn xé, dẫm đạp…, nhưng trong chu trình đời sống khác có thể bị ăn thịt, bị cắn xé, bị dẫm đạp… ; vân vân và vân vân. Nếu chỉ đề cập đến một chu trình đời sống, thì thấy rằng cuộc đời từng người có thể sung sướng, có thể đau khổ, có thể sướng khổ lẫn lộn ; nhưng nếu nhìn suốt các chu trình nối tiếp nhau như thế, thì chuỗi đời sống quần lộn như thế là đau khổ hay không là đau khổ? 

Mặt khác, khi đã không bác bỏ được tính giả lập của thế giới đối tượng mà không coi sự bám chặt vào các đối tượng giả lập là đau khổ, thì đừng trách những người đang sống trong ảo giác của các chất ma túy. Họ đang thấy hạnh phúc trong ảo giác chẳng khác nào người bình thường đang thấy hạnh phúc trước các đối tượng giả lập trong đời thường. Các vị đã đạt đến cái biết tuyệt đối nhìn thấy bản chất của đời sống trong các hệ thống tương đối là đau khổ, cũng giống như người bình thường nhìn thấy trạng thái hưng phấn của các con nghiện là đau khổ. Đây chỉ là một ví dụ so sánh cho dễ hiểu. 

Cái khác biệt giữa khoa học và Phật học chính là những điều (hay ít ra là những điều) mà khoa học không thể hiểu biết được, như đã phân tích và trình bày ở trên. Khoa học (nếu chỉ nhìn ở khía cạnh tích cực) là yếu tố làm cho lịch sử xã hội loài người trở thành một tiến trình phát triển mà trong đó điều kiện sống về vật chất và tinh thần không ngừng được cải thiện. Nhưng cái xã hội mà vài tỷ người đang sống chỉ là diễn biến của phần được biết trong một chu trình đời sống - chu trình đời sống hiện tại - của từng cá thể trong số vài tỷ cá thể ấy. Sau chưa đầy 100 năm tạm trú ở “trái đất này là của chúng mình”, khi chuyển sang chu trình đời sống mới, chắc gì mấy ai đã trở lại đây với tư cách là một con người để tiếp tục hưởng thụ sự cải thiện không ngừng do khoa học đem lại. Trở lại mà làm nhà khoa học thì “tiến trình phát triển mà trong đó điều kiện sống về vật chất và tinh thần không ngừng được cải thiện” ấy thật là tốt đẹp. Trở lại mà làm con vật cho nhà khoa học mổ xẻ ra thí nghiệm hoặc để ông ta nhai nuốt, thì “tiến trình phát triển mà trong đó điều kiện sống về vật chất và tinh thần không ngừng được cải thiện” ấy thật là kinh hoàng. Mấu chốt của mọi vấn đề là ở chỗ đó.

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập