Bàn về "việc đổi tựa đề kinh và biên tập trong bản dịch"

Đã đọc: 4742           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font

Bài viết này nhằm hồi đáp lại những điều “bất cập” của Minh Thạnh trong bài “Thiếu tôn trọng đức Phật…” Theo tôi, tìm hiểu về lịch sử phiên dịch kinh điển của các nhà dịch kinh lớn ở Trung Quốc, chúng ta sẽ thấy: a) Việc biên tập tựa đề Kinh đã là một thông lệ lâu đời, b) Các bài kinh được nhà biên tập/ dịch giả tuyển trích từ nhiều kinh văn khác nhau cũng đã trở thành một khuynh hướng đã có từ lâu, c) Tổ chức phân đoạn, biên tập tựa đề của các phân đoạn Kinh… cũng là một thông lệ trong dịch thuật Kinh điển. Bài viết này góp phần giúp chúng ta nhận ra được những điều nêu trên.

BÀN VỀ “VIỆC ĐỔI TỰA ĐỀ KINH VÀ BIÊN TẬP TRONG BẢN DỊCH”

Nhân đọc bài “Kinh Phật cho người tại gia: Thiếu tôn trọng đức Phật”

của tác giả Minh Thạnh

 

- Định Tuệ -

I. Dẫn nhập

Tôi vừa được người bạn vong niên chuyển đường link bài phiếm luận: “Kinh Phật cho người tại gia: Thiếu tôn trọng đức Phật”[1] (viết tắt là Thiếu tôn trọng đức Phật) của nhà báo Minh Thạnh, phê phán nặng lời TT. Thích Nhật Từ, người có công soạn dịch tác phẩm: “Kinh Phật cho người tại gia.” Tôi cũng đã đọc bài “Chất vấn TT. Nhật Từ về tự ý đổi tên nhân vật trong kinh Phật” của Minh Thạnh trên trang nhà Phật tử Việt Nam,” đăng ngày 03-8-2014 trên Phật tử Việt Nam,[2] và bài “Nhân đọc bài chất vấn TT. Nhật Từ về tự ý đổi tên nhân vật trong kinh Phật”[3] của tác giả Minh Chiếu đăng trên Đạo Phật Ngày Nay ngày 14-8-2014.

Bài giới thiệu “Kinh Phật Cho Người Tại Gia: Đáp ứng nhu cầu chuyển hóa tâm linh, giáo dục tư tưởng”[4] của nhà báo Minh Mẫn đón nhận được hơn 5660 lượt truy cập trên Đạo Phật Ngày Nay và hơn 12,000 lượt đọc trên Thư viện Hoa Sen.[5] Bài nhận xét: “Giờ chúng con mới biết Kinh Phật cho người tại gia” của Giác Hạnh Hoa đón nhận hơn 4000 lượt xem.[6] Bài viết “Kinh Phật cho người tại gia: Cần có cho mọi Phật tử” của nhà nghiên cứu Nguyên Giác đón nhận hơn 2500 lượt đọc.[7] Qua các đường link nêu trên, tôi được biết “Kinh Phật cho người tại gia” chuẩn bị ấn tống lần thứ ba cho quảng đại quần chúng Phật tử. Trong vòng một năm xuất bản, bộ Kinh này đã được nhiều người đón nhận và tái bản 3 lần. Đó là điều rất đáng trân trọng.

Phê phán tiêu biểu của Minh Thạnh đối với TT. Nhật Từ là “Kinh Phật cho người tại gia” là “thiếu tôn trọng đối với Đức Phật.” Minh Thạnh đặt ra hai câu hỏi: “Về mặt học thuật, liệu có thể làm những bộ hợp tuyển mà ở đó có sự can thiệp tùy tiện, sửa đổi, thêm bớt, xáo trộn phân đoạn, tổ chức văn bản tác phẩm? Đối với kinh Phật, liệu có thể chấp nhận việc cắt bỏ, bổ sung, sửa đổi, xáo trộn lắp ghép tạo thành những bài kinh mới?”

Về ý kiến đồng thuận, nhà nghiên cứu Nguyên Giác đề nghị: “Đọc xong tuyển tập [Kinh Phật cho người tại gia]ư dày 900 trang này, người viết chỉ ước mơ rằng tất cả các gia đình Việt Nam đều có một cuốn này trên bàn thờ, và ngày ngày trong gia đình sẽ thay nhau tụng đọc nghe hiểu và thọ trì;” đang khi nhà báo Minh Mẫn nói rõ về giá trị của tác phẩm: “Về hệ thống hóa tư tưởng kinh văn, tác giả chia làm năm nhóm thuộc các chủ đề [các kinh về đạo đức, các kinh về gia đình và xã hội, các kinh về triết học, các kinh về thiền chuyển hóa và các kinh về Tịnh độ], nói lên sự mạch lạc toàn bô tư tưởng nằm rãi rác trong kinh tạng của Phật giáo Nguyên Thủy và Phật giáo Phát triển, đủ đáp ứng nhu cầu chuyển hóa tâm linh, giáo dục tư tưởng để cân bằng xã hội đang có hội chứng stress.”

Sau khi đọc qua hai bài viết phê phán của Minh Thạnh, tôi thấy có một số điều cực đoan và bất cập. Bài “Chất vấn TT. Nhật Từ…” của Minh Thạnh đã có bài nhận xét của tác giả Minh Chiếu nêu rõ những điều “chưa nghiên cứu đến nơi đến chốn” (từ của Minh Chiếu) nên tôi không cần nêu ra ở đây.

Bài viết này nhằm hồi đáp lại những điều “bất cập” của Minh Thạnh trong bài “Thiếu tôn trọng đức Phật…” Theo tôi, tìm hiểu về lịch sử phiên dịch kinh điển của các nhà dịch kinh lớn ở Trung Quốc, chúng ta sẽ thấy: a) Việc biên tập tựa đề Kinh đã là một thông lệ lâu đời, b) Các bài kinh được nhà biên tập/ dịch giả tuyển trích từ nhiều kinh văn khác nhau cũng đã trở thành một khuynh hướng đã có từ lâu, c) Tổ chức phân đoạn, biên tập tựa đề của các phân đoạn Kinh… cũng là một thông lệ trong dịch thuật Kinh điển. Bài viết này góp phần giúp chúng ta nhận ra được những điều nêu trên.

 

II. Biên tập tựa đề kinh trong bản dịch đã có tiền lệ lâu đời

Có hai giả thuyết về sự tồn tại của bốn bộ Kinh A-hàm (āgama).[8] Giả thuyết một cho rằng từng có bốn bộ Āgama bằng tiếng Sanskrit, nay đã mất gốc, chỉ còn bản dịch chữ Hán. Giả thuyết này không có đủ các dữ liệu văn bản học hiện hữu làm minh chứng. Giả thuyết hai cho rằng bốn bộ Āgamalà ấn bản khác về 5 bộ Kinh Pali bằng tiếng Trung Quốc, đã có mặt sự biên tập văn bản của các nhà phiên dịch kinh điển Trung Quốc.

Dù theo giả thuyết nào, việc biên tập tựa đề Kinh, đổi vị trí các bài kinh trong các dị bản là điều đã từng xảy ra trong lịch sử biên tập Kinh điển Phật giáo, thậm chí có thể được xem như một thông lệ. Người chú trọng về nghiên cứu văn bản học có khuynh hướng giữ nguyên tựa đề gốc, trong khi các dịch giả muốn chứa đựng chủ đề chính của bài kinh trong từng tựa đề kinh có khuynh hướng biên tập và đổi tựa đề kinh. Tùy theo sở thích, là độc giả, chúng ta có thể chọn lựa một trong hai phong cách dịch nêu trên.

Theo tôi, đối với các ấn bản phục vụ cho mục đích đọc tụng kinh điển trong các khóa lễ hàng ngày tại các chùa và tư gia, việc thay đổi tựa đề kinh theo phong cách một tác phẩm văn học hiện đại là rất cần thiết, vì việc làm này giúp cho người đọc nắm bắt nhanh chủ đề và nội dung của bài kinh, nhất là khi việc làm này có kèm theo chú thích tựa đề kinh gốc và xuất xứ đàng hoàng như của TT. Nhật Từ trong Kinh Phật cho người tại gia (tr. 885-892).

Về phong cách dịch thuật, ngài Huyền Trang (玄奘, 602-664) nổi tiếng là dịch giả trung thành với bản gốc, không thêm vào bản dịch những gì không có trong bản gốc, không bớt đi những gì đã có trong bản gốc. Tuy nhiên, có những trường hợp, để làm rõ tựa đề của bản gốc, ngài Huyền Trang đã thêm vào tựa đề bản dịch của ngài những từ và cụm từ mang tính giải thích cho tựa đề bản gốc được rõ nghĩa hơn. Sau đây là những ví dụ cho thấy điều ngài Huyền Trang và các dịch giả lỗi lạc khác đã làm.

Ví dụ 1: Tác phẩm Sanskrit “Nandimitrāvadāna”[9] có mã số T. 2030 trong Đại chính tân tu Đại tạng Kinh được ngài Huyền Trang dịch ra chữ Hán vào ngày 8-6-654 có tựa đề là: “Đại A-la-hán Nan-đề-mật-đa sở thuyết pháp trụ ký” (大阿羅漢難提蜜多羅所說法住), tạm dịch là “Ký lục về thời gian tồn tại của chánh pháp do đại A-la-hán Nan-đề-mật-đa nói”. Hai cụm từ “Đại A-la-hán” (大阿羅漢) và “pháp trụ ký” (法住記) vốn không có trong nguyên tác, đã được ngài Huyền Tráng thêm vào, nhằm giải thích cho tựa đề tác phẩm trong chữ Hán trở nên rõ nghĩa hơn.

Ví dụ 2: Tác phẩm Sanskrit “Cundīdevīdhāraṇī”[10] có mã số T. 1077 trong Đại chính tân tu Đại tạng Kinh được ngài Divākara dịch vào năm 685 tại Chùa Tây Thái Nguyên, Tây Kinh. Dịch sát nghĩa tựa đề Kinh này bằng chữ Hán, ta có tựa như sau: “Chuẩn-đề mẫu Đà-la-ni Kinh” (准提母陀羅尼經). Trên thựa tế, trong bản dịch chữ Hán của mình, ngài Divākara đã thêm vào một số cụm từ cho rõ nghĩa hơn: “Thất-câu-chi Phật mẫu tâm đại Chuẩn-đề Đà-la-ni Kinh” (七倶胝佛母心大准提陀羅尼經). Các cụm từ “Thất-câu-chi Phật” và “tâm đại” vốn không có trong nguyên tác Sanskrit, đã được dịch giả thêm vào trong bản dịch chữ Hán để làm rõ nghĩa cho tựa đề bản dịch hơn.

Ví dụ 3: Bài thứ nhất trong Trường bộ Kinh (长部) thuộc Pali tạng có tên gọi là “Brahmājala Sutta,” thường được dịch sát nghĩa trong Hán-Việt là “Kinh Phạm Võng” () , tức Kinh nói về lưới trời Phạm thiên. Tựa đề của Bản kinh này trong Kinh Trường A-hàm (長阿含經) được đổi lại là “Kinh Phạm Động” (梵動經) và bài kinh này được đổi vị trí từ thứ nhất trong Kinh Trường bộ thành bài kinh thứ 21 của Kinh Trường A-hàm (長阿含經), thuộc Đại chính tân tu Đại tạng Kinh (大正新脩大藏經), tập 1. Ngài Chi Khiêm (支謙), dịch giả của Kinh Trường A-hàm, dịch tựa đề là “Phật thuyết lục thập nhị kiến Kinh” (佛說六十二見經, kinh Phật nói về 62 kiến chấp) hoặc “Phạm võng lục thập nhị kiến Kinh” (梵網六十二見經), hoặc đầy đủ hơn: “Phật thuyết Phạm Võng lục thập nhị kiến Kinh” (佛說梵網六十二見經, Kinh Phật nói về lưới Trời gồm 62 kiến chấp). So với nguyên tác, các cụm từ “Phật thuyết” (佛說) và “lục thập nhị kiến” (六十二見) được ngài Chi Khiêm thêm vào, nhằm giúp người đọc nắm vững chủ đề chính của bài kinh này liên hệ đến 62 loại kiến chấp có mặt trước và cùng thời với đức Phật.

Để làm công việc biên tập thêm vào tựa đề bản dịch nêu trên, ngài Huyền Trang, ngài Chi Khiêm và ngài Divākara phải nắm rất vững nội dung của bài kinh. Tôi cho rằng biên tập này là một sự đóng góp của dịch giả. Cả ba trường hợp nêu trên cho thấy việc biên tập tựa đề Kinh trong bản dịch đã là một thông lệ, với mục đích giúp người đọc dễ nắm bắt nội dung tác phẩm Kinh.

Trong bốn bộ A-hàm bằng chữ Hán, so với bản Pali, một số nhà phiên dịch kinh điển  Trung Quốc đã biên tập các điểm sau đây:

a) Thay đổi tựa đề một số bài Kinh nhằm nhấn mạnh chủ đề chính của từng tác phẩm kinh (như cách làm của ba vị đại dịch giả kinh điển nêu trên và cách TT. Nhật Từ làm trong Kinh Phật cho người tại gia).

b) Đổi vị trí thứ tự của phần lớn các bài Kinh trong bốn bộ A-hàm gồm Trường A-hàm, Trung A-hàm, Tạp A-hàm và Tăng nhất A-hàm, đang khi, vị trí của các bài kinh này trong ấn bản Đại tạng Kinh Tây Tạng được thay đổi theo một cách khác (xem chi tiết ở mục III của bài viết này).

c) Có nhiều đoạn câu, cụm, từ trong bốn bộ A-hàm vốn không có trong bản Pali tương đương. Sự dị biệt này thường được xem là phần biên tập thêm của ấn bản chữ Hán, so với ấn bản Pali gốc, vốn được xem là gần nhất với những lời dạy nguyên thủy của đức Phật (bài viết này không có nhiệm vụ giới thiệu chi tiết).

d) Có một số bài kinh dị biệt trong bốn bộ A-hàm vốn không hề có trong các bản Pali tương đương. Hiểu một cách tương đối, đó là các bài kinh được liệt vào danh sách các kinh mới được thêm vào.[11]

Các dịch giả kinh điển lỗi lạc trên thế giới chẳng có ai phê phán những phần biên tập của các nhà phiên dịch kinh điển Trung Quốc nêu trên. Trái lại, họ thường xem các điểm dị biệt của các bản dịch A-hàm bằng chữ Hán là những “dị bản” (recensions) có giá trị tham khảo cao, phản ánh sự đóng góp của các nhà phiên dịch kinh điển và các nhà biên tập Đại tạng Kinh trong lịch sử văn học Tam tạng Phật giáo Trung Quốc.

Đọc Luận án tiến sĩ của HT. Thích Minh Châu, “So sánh kinh Trung A-hàm chữ Hán và kinh Trung Bộ chữ Pàli” (A Comparative Study of the Chinese Madhyama Agama and the Pali Majjhima Nikaya)[12] trình Đại học Nalanda năm 1961, đặc biệt là chương thứ nhất nói về “Sự phân loại thành phẩm và kinh”, ta sẽ thấy rõ các nội dung biên tập này, vốn được các nhà phiên dịch kinh điển Trung Quốc xem là cần thiết, nhằm giúp cho người đọc dễ hiểu Kinh Phật hơn. Phần lớn, khi làm việc này, các nhà phiên dịch điển Trung Quốc đã không ghi chú các nội dung đã trải qua sự biên tập, các nhà nghiên cứu về sau vẫn cảm ơn họ vì những dị bản có giá trị tham chiếu.

Tại Việt Nam, khi dịch kinh điển Pali ra tiếng Việt, các dịch giả lỗi lạc của Việt Nam bao gồm HT. Thích Minh Châu, HT. Tịnh Sự, HT. Bửu Chơn… chẳng có vị nào bận tâm phê phán những điều được biên tập trong các bản dịch chữ Hán nêu trên. Lý do theo tôi, các dịch giả lỗi lạc của Việt Nam thông cảm được lý do tại sao một số tựa đề kinh cần được và đã biên tập bởi các nhà phiên dịch Kinh điển Trung Quốc.

Đối chiếu với các nhà phiên dịch kinh điển nêu trên, TT. Nhật Từ không phải là người đầu tiên đổi tựa đề kinh trong bản dịch của mình. Việc biên tập/ đổi tựa đề kinh trong các bản dịch tiếng Việt đã là một thông lệ. Theo tôi, công bằng mà nói, TT. Nhật Từ chỉ làm công việc “nối gót” các bậc tiền bối dịch Kinh, sửa đỗi các tựa đề kinh, nhằm giúp cho người đọc Kinh bằng tiếng Việt Nam, có thể dễ hiểu nội dung của bài Kinh hơn.

Điều đáng nói là, dù là một nghi thức phục vụ cho việc đọc tụng, TT. Nhật Từ đã cẩn thận ghi rõ xuất xứ và tựa đề gốc của các bài kinh được thay đổi ở cuối sách, để tiện việc đối chiếu khi cần thiết.[13] Đây là việc làm rất phù hợp với nguyên tắc học thuật.

 

III. Các cách biên tập về tựa đề kinh trong Đại tạng Kinh chữ Hán

Dưới đây, tôi nêu ra một số trường hợp điển hình[14] trong số rất nhiều trường hợp trong Kinh Tạp A-hàm[15] (雜阿含經; "the Mixed Agama”), bản chữ Hán, theo đó, tựa đề kinh gốc được các nhà dịch Kinh sửa lại hoàn toàn mới, dựa vào nội dung chính của các bài kinh đó.

Nên lưu ý từ viết tắt và khái niệm mặc định như  sau: (a) Chữ “S” có các con số theo sau là viết tắt của Saṃyutta Nikāya, tức Tương Ưng bộ Kinh theo bản dịch tiếng Việt của HT. Thích Minh Châu, (b) Tựa bản gốc: Chỉ cho tựa đề kinh trong bản Pali, (c) Tựa bản dịch: Chỉ cho tựa đề kinh trong bản dịch đã được biên tập bởi người dịch kinh hoặc người làm công tác xuất bản.

Có nhiều hình thức biên tập tựa đề kinh trong bản dịch. Dưới đây là một vài phong cách thông dụng về việc đổi tựa đề kinh trong Kinh Tạp A-hàm (dĩ nhiên còn hàng trăm trường hợp khác, không cần thiết nêu ra trong bài viết này):

(i) “Danh xưng” trong tựa bản gốc thành “thuật ngữ” trong tựa bản dịch: Kinh Bhikkhu trong S.35.81, S.12.28, S.36.23 và S.46.5 có nghĩa đen là “Tỳ-kheo” được đổi tựa đề trong chữ Hán là “Tri khổ” (知苦, với mã số phân loại 4), “lão tử” (老死, với mã số phân loại 14), “thiền tư” (禪思, với mã số phân loại 22) và “thất đạo phẩm” (七道品, với mã số phân loại 22). Bốn tựa đề mới này khác hoàn toàn nội dung với tựa đề bản gốc, nhưng phù hợp với nội dung của các bài kinh ngắn được tựa đề mới mô tả.

(ii) “Nhân danh” trong tựa bản gốc thành “thuật ngữ” trong tựa bản dịch: Kinh Ānanda trong S.9.5 có tựa đề Kinh là tên của thầy Anan được dịch ra chữ Hán là “Phi Tỳ-kheo pháp” (非比丘法, có số thứ tự phân mục là 17), tạm dịch là “Kinh nói về những điều không phù hợp với Tỳ-kheo.” Tương tự, Kinh Kathika trong S.22.115-116 được đổi tựa đề trong chữ Hán là “Kiến pháp, niết-bàn” (見法涅槃, có số thứ tự phân mục là 28) tạm dịch là “Kinh nói về việc thấy chánh pháp và niết-bàn.”

(iii) “Thuật ngữ A” trong tựa bản gốc thay thế bằng “thuật ngữ B” trong tựa bản dịch: Kinh Aniccatā trong S.22.45, S.22.46 và S.35.7-12 có nghĩa đen là “vô thường tính” (無常性), tức “tình trạng vô thường, đặc tính vô thường, hay trạng thái vô thường”, được đổi tựa đề trong chữ Hán là “Kinh Thanh tịnh” (淸淨, với mã số phân loại là 35), là “Kinh Chánh quán sát” (正觀察, với mã số phân loại là 36) và “Kinh Quá khứ” (過去, với mã số phân loại là 32), tương ứng với ba bài trong “S” nêu trên.

Tương tự, Kinh Samādhi trong S.22.5  có nghĩa đen là “Định” được đổi tựa đề trong chữ Hán là “sinh diệt” (生滅), tạm dịch là “Kinh nói về sinh khởi và hoại diệt [của mọi sự vật]”.

Kinh Sambuddho trong S.22.58 có nghĩa đen là “Chánh đẳng giác” được đổi tựa đề trong chữ Hán là “Quán” (觀, có số thứ tự phân mục là 25), tạm dịch là “Kinh nói về quán chiếu.”

Kinh Sīla trong S.46.3 có nghĩa đen là “giới” (trong giới luật) được đổi tựa đề mới là “quả báo” (果報, với mã số phân loại là 13) và “thất chủng quả” (七種果, với mã số 25) có nghĩa đen là bảy loại quả báo.

Nhận xét: Tôi cho rằng các trường hợp nêu trong các mục (i) đến (iii) trên đây là đóng góp của nhà phiên dịch về mặt chú thích, nhằm giúp cho những nhà nghiên cứu về sau có cơ hội tra khảo nội dung của Kinh nhanh hơn.

(iv) Từ “khẳng định” trong tựa bản gốc thành “phủ định” trong bản dịch: Kinh Hetu trong S.24.7 có nghĩa đen là “nhân” được đổi tựa đề trong chữ Hán là “vô nhân, vô duyên” (無因無緣, với mã số phân loại là 17) để phù hợp với nội dung chính của bài Kinh.

(v) Thêm thuật ngữ mới không có trong bản gốc: Kinh Aniccaṃ trong S.35.1‐6 có nghĩa đen là “Kinh vô thường” (無常) được đổi tựa đề trong chữ Hán là “Kinh nói về vô thường, khổ, không, vô ngã” (無常苦空無我, với mã số phân loại là 9-10), tức thêm ba nội dung không có trong tựa đề gốc là “khổ, không và vô ngã.” Nói cách khác, tựa đề gốc chỉ đề cập đến một vấn đề, trong khi nội dung Kinh còn đề cập đến 3 vấn đề khác có liên hệ, nên dịch giả đã thêm vào cho rõ nghĩa.

Đọc vào nội dung của các bài kinh được biên tập về tựa đề trong bản dịch nêu trên, ta thấy rõ lý do các nhà phiên dịch kinh điển Trung Quốc đã đổi tựa đề Kinh với một nội dung hoàn toàn khác với tựa đề gốc, nhằm làm rõ chủ đề chính của các bài kinh này. Để làm công việc biên tập tựa đề các bài kinh trong bản dịch, các nhà phiên dịch kinh điển, ngoài kiến thức ngôn ngữ về bản gốc và bản dịch, còn có kiến thức văn học, nhờ đó, việc biên tập tựa đề Kinh trong bản dịch trở nên đầy đủ nghĩa và rõ ràng hơn.

Cách đổi tựa đề kinh của TT. Nhật Từ trong “Kinh Phật cho người tại gia” cũng không có gì khác với các cách mà các nhà phiên dịch kinh điển đã làm đối với bốn bộ A-hàm như đã nêu trên. Tôi xin nêu ra một số trường hợp tương ứng với các cách đổi tựa đề Kinh nêu trên trong Kinh Phật cho người tại gia.

- Đổi danh xưng thành thuật ngữ/ cụm từ: Kinh Ưu-bà-tắc => Kinh người áo trắng (tr.35-44) v.v…

- Đổi danh từ riêng thành thuật ngữ/ cụm từ: Kinh Thuần-đà => Kinh nhân quả đạo đức (tr. 75-82), Kinh Cula Rahulovada => Kinh cốt lõi thiền tập (tr. 619-22), Kinh Vasettha => Kinh kinh tạo sai biệt (Tr. 213-26), Kinh Gopaka Moggakamma => Kinh nương tựa ai khi Phật qua đời (tr. 605-616), Kinh Kalama => Kinh nền tảng đức tin (Tr.513-18),  v.v…

- Đổi địa danh thành thuật ngữ/ cụm từ: Kinh Madhura => Kinh mọi người bình đẳng (tr.299-306) v.v…

- Thay thế thuật ngữ A trong tựa gốc thành thuật ngữ B/ cụm từ B trong bản dịch: Kinh thiện pháp => Kinh bảy điều nên biết (543-48), Kinh Đại phương quảng => Kinh kiến thức và trí tuệ (tr. 519-30), Kinh tư lượng => Kinh soi gương nhân cách (tr. 181-86), Kinh tất cả lậu hoặc => Kinh bảy cách dứt trừ khổ đau (tr. 753-62) v.v…

- Thêm thuật ngữ mới không có trong bản gốc: Kinh đại hồi hướng => Kinh từ bi và hồi hướng (tr. 737-46)

- Thêm từ giải thích cho rõ nghĩa: Kinh pháp ấn => Kinh ba dấu ấn thực tại (tr. 475-80), Kinh vô ngã tướng => kinh thực tập vô ngã (tr. 481-88), Kinh ái sinh => kinh tham ái là gốc khổ đau (tr. 557-64) v.v…

Theo tôi, cách làm của TT. Nhật Từ là rất có ý nghĩa cho người đọc tụng Kinh điển nắm bắt nhanh chóng chủ đề, nội dung và ý tưởng chính của từng bài Kinh. Còn độc giả nào muốn nghiên cứu so sánh thì có thể tham khảo ở phần mục lục về xuất xứ và tựa đề của các kinh ở cuối sách.

 

IV. Về kinh hợp tuyển, phân đoạn Kinh, tỉnh lược đoạn kinh, đổi vị trí đoạn kinh

1.Về Kinh hợp tuyển

a) Vì thiếu kiến thức về lịch sử biên tập Kinh điển, Minh Thạnh tỏ vẻ khó chịu với TT. Nhật Từ khi đặt vấn đề một cách trơ trẽn và không thích hợp trong việc phiên dịch Kinh cho mục đích đọc tụng (vốn khác với dịch kinh với mục đích nghiên cứu): “Việc làm sai lệch văn bản tác phẩm trong hợp tuyển bằng thêm, bớt, sửa đổi, xáo trộn vị trí dù xuất phát từ ý muốn như thế nào đi nữa, cũng là không thể chấp nhận từ phía tác giả lẫn phía người đọc.”

Bỏ ra vài ngày, đọc hết quyển “Kinh Phật cho người tại gia”, theo tôi, hai bài Kinh tiểu sử đức Phật Kinh mười hai nhân duyên là các kinh do TT. Nhật Từ hợp tuyển. Đây là cách mô phỏng phương pháp hợp tuyển của Kinh Pháp Cú và Kinh 42 Chương của các nhà phiên dịch kinh điển tiền bối. Rất đáng trân trọng.

Kinh mười hai nhân duyên (tr. 443-58) hợp tuyển từ 3 bài kinh trong Kinh Tăng nhất A-hàm, Kinh Tạp A-hàm và Tương Ưng bộ Kinh. Kinh tiểu sử đức Phật (tr. 11-34) trích dịch và hợp tuyển từ từ Kinh Trung bộ 123, Kinh Tập (kệ 679-694), Kinh Tăng chi I, 162-3, Kinh Tập (kệ 405-24), Kinh Trung bộ I, 163-8), Kinh Trung bộ I, 69, 80, 83, 140, 240, 248, 237, Kinh Trường bộ 16, Kinh Trường bộ I, 151, Kinh Tăng chi I, 29, 37, Kinh Tương Ưng I, 128, Kinh Tương Ưng III, 165, Kinh Trung bộ III, 82, 105, Kinh Tương Ưng V, 229, Kinh Trường bộ 16, nhằm phác họa bức tranh về cuộc đời đức Phật và làm thành bài kinh nói về tiểu sử của đức Phật.

b) Xét về lịch sử, việc làm này không có gì mới lạ, vì đã từng có thông lệ. Trong kinh điển Đại thừa, bài Kinh tứ thập nhị chương là kinh hợp tuyển, do hai ngài Ca-diếp-ma-đằng và Trúc-pháp-lan đồng tuyển soạn và dịch 42 đoạn kinh ngắn trong 5 bộ Nikaya và 4 bộ A-hàm tương đương. Trong kinh Pali, bài kinh Pháp Cú cũng thuộc dạng hợp tuyển 423 câu danh ngôn của đức Phật trong 5 bộ kinh Pali, phân chia thành các chương, mỗi chương gồm các bài thi kệ từ 4-8 câu. Nhờ bài kinh hợp tuyển này, Phật tử tại gia có bửu bối thuộc dạng gối đầu giường. Ai đọc kinh Pháp Cú hiểu được triết lý và đạo đức nhập môn của đức Phật thì đều nhớ ơn những người đã tuyển soạn dịch ra kinh này. Hai bài kinh thuộc Tiểu bộ Kinh như Trưởng lão Tăng kệ Trưởng lão Ni kệ cũng thuộc dạng kinh hợp tuyển.

Do đó, theo tôi, hai bài kinh hợp tuyển trong Kinh Phật cho người tại gia là đóng góp của TT. Nhật Từ cho độc giả Việt Nam, nhất là hợp tuyển Kinh tiểu sử đức Phật, vốn chưa có bài kinh nào đầy đủ và ngắn gọn nói về chủ đề này trong Kinh tạng Phật giáo Nam truyền và Bắc truyền.

 

2. Phân đoạn Kinh, đặt tiêu đề phụ, tỉnh lược một số đoạn Kinh

Trong Kinh tạng Pali, ngoài các phẩm/ chương vốn có tiêu đề độc lập, hiếm có kinh có các phân đoạn với tiêu đề phụ. Trong Kinh Phật cho người tại gia, tôi thấy TT. Nhật Từ rất có công trong việc phân đoạn từng bài kinh, mỗi phân đoạn có một tiêu đề phụ, nhằm làm nỗi bật các ý tưởng của từng bài Kinh. Người đọc, nhờ đó, vừa không có cảm giác bài kinh quá dài (do có phân các tiêu đề phụ), vừa dễ nhớ các nội dung căn bản của bài kinh qua cách phân đoạn thích hợp.

Trong Kinh Phật cho người tại gia, bài Kinh Thiện Sinh (tr. 249-58) là kinh có các đoạn kinh được đảo vị trí thứ tự, nhưng vẫn không làm mất ý nghĩa của Kinh. TT. Nhật Từ đã có lý, khi đổi trật tự của các mối quan hệ gia đình, xã hội và tâm linh thành một trình tự: a) Vợ - chồng, b) Cha mẹ - con cái, c) thầy giáo – học trò, d) người thân – bà con, e) chủ - thợ, f) tu sĩ – tín đồ. Bởi lẽ, trung bình sau một năm lập gia đình, vợ chồng sẽ trở thành cha mẹ. Sau ba năm được sinh ra, con cái đến trường học nên đã kéo theo quan hệ “thầy giáo – học trò”… Đảo vị trí trước sau của các mối quan hệ trên không có gì là “bất kính với đức Phật” như cách thức hiểu cực đoan của Minh Thạnh.

Về phần tỉnh lược, bản dịch Kinh A-di-đà của TT. Nhật Từ đã bỏ đi những đoạn mô tả trùng lập về các đức Phật ở mười phương tán dương Phật Thích-ca. Sau khi liệt kê 6 phương gồm Đông, Nam, Tây, Bắc, Thượng và Hạ, TT. Nhật Từ đã khéo léo liệt danh hiệu của các đức Phật, tỉnh lược các đoạn đầu và cuối mô tả giống nhau. Cách làm này giúp cho người đọc không cần lập lại nội dung giống nhau đến 6 lần, vừa gọn và vừa dễ nhớ. Thực ra, khi dịch Kinh A-di-đà từ tiếng Sanskrit ra tiếng Hán, ngài Cưu-ma-la-thập đã tỉnh lược 4 phương gồm Đông Nam, Tây Nam, Đông Bắc, Tây Bắc, bao gồm tên các phương, các đức Phật và các đoạn trùng lập đầu và cuối. Hàng vạn tăng ni và Phật tử đọc bản tỉnh lược Kinh A-di-đà hàng ngày tại các chùa bao thế kỷ qua có ai để ý đến 6 phương hay 10 phương đâu (không phải vì không biết, mà vì không cần thiết phải nêu ra). Vấn đề chính của nhiều phương Phật ca ngợi Phật Thích-ca về việc truyền bá tứ diệu đế tại ta-bà. Con số 6 phương hay 10 phương không khác nhau lắm, vì đều tượng trưng số nhiều. Ý nói chân lý của Phật Thích-ca phù hợp với chân lý của các Phật khác.

Trong Kinh Phật cho người tại gia, các tỉnh lược của TT. Nhật Từ là không đáng kể, và các yếu tố trùng lặp bị tỉnh lược không làm thay đổi ý tưởng và nội dung của bài kinh gốc. TT. Nhật Từ chỉ làm công việc mà ngài Cưu-ma-la-thập đã làm nhiều thế kỷ trước đây.

 

3. Bản dịch có cách phân loại và số lượng bài Kinh khác với bản gốc

Việcbản dịch có số bài kinh và cách phân loại từng bài kinh trong từng bộ kinh khác với bản nguyên tác, là chuyện đã từng xảy ra trong lịch sử phiên dịch kinh điển. Lý do là các nhà phiên dịch kinh điển có quan điểm khác với các nhà biên tập kinh điển nên cách phân loại kinh, phân nhóm kinh, vị trí các bài kinh, đặt tựa cho các bài kinh … của họ cũng khác nhau. Âu cũng là chuyện bình thường. Minh Thạnh nên tập làm quen với điều này, để không rơi vào tình trạng “phê bình không thích hợp”.

Kinh Trường Bộ (Dīgha Nikāya) trong ấn bản Pali tương đương với Kinh Trường A-hàm (Dīrgha Āgama, 長阿含經). Ấn bản Pali có 34 bài Kinh, trong khi ấn bản A-hàm bằng chữ Hán chỉ có 30 bài Kinh.[16] Kinh Trung Bộ (Majjhima Nikāya) trong ấn bản Pali tương đương với Kinh Trung A-hàm[17] (Madhyama Āgama, 中阿含經). Ấn bản Pali có 152 bài Kinh,[18] trong khi ấn bản A-hàm bằng chữ Hán có 222 bài Kinh,[19] nhiều hơn ấn bản Pali đến 70 bài.

Về Tương Ưng bộ Kinh (Saṃyutta Nikāya), các nhà biên tập của ấn bản Hội thánh điển Pali (the Pali Text Society) đánh số thứ tự chỉ có 2889 bài Kinh ngắn. HT.TS. Bodhi, một dịch giả lỗi lạc từ Kinh Pali ra tiếng Anh đã phân loại Kinh Tương Ưng thành 2904 bài Kinh. Bản sớ giải của Tương Ưng bộ Kinh lại có đến 7762 bài Kinh. Ấn bản tiếng Miến Điện về Tương Ưng bộ Kinh gồm 2854 bài, trong khi ấn bản tiếng Sinhalese của Tích Lan gồm có 7656 bài. Học giả Rupert Gethin tự đếm và tổng hợp gồm có 6696 bài Kinh ngắn.[20]

Đối chiếu cách TT. Nhật Từ gộp 3 bài vào bài Kinh mười hai nhân duyên (tr. 443-58) và nhiều bài kinh vào Kinh tiểu sử đức Phật (tr. 11-34) nêu trên, với các dị biệt về cách phân nhóm loại kinh và số lượng kinh trong Trường Bộ Kinh, Trung Bộ Kinh Tương Ưng bộ Kinh, tôi thấy không có gì khác nhau. Nếu các nhà phiên dịch kinh điển trước đây đã từng làm thì TT. Nhật Từ ngày nay cũng có thể làm tương tự, nhằm giúp cho người đọc không phải cực nhọc tìm kiếm, so sánh, mà vẫn có thể hiểu và nắm bắt nội dung Phật pháp trong các bài kinh hợp tuyển một cách có hệ thống.

V. Thay lời kết

Đọc đến đây, tôi tin rằng quý độc giả có thể tự mình đánh giá về các phê phán của Minh Thạnh nặng nề về TT. Nhật Từ là đúng hay sai, và việc tuyển soạn dịch Kinh Phật cho người tại gia của TT. Nhật Từ là có giá trị hay không. Về phần tôi, tôi không có lý do gì để tin những phê phán chua cay của Minh Thạnh về tác phẩm “Kinh Phật cho người tại gia” là đúng. Theo tôi, có nhiều điều nhận xét của Minh Thạnh được chứng minh là sai và cực đoan, chẳng hạn như đoạn sau đây: “Làm như thế đối với kinh Phật, nếu không được phát hiện, phân tích những tác động tiêu cực, kịp thời chấm dứt, điều chỉnh…, sẽ tạo thành một tấm gương xấu trong việc tổ chức biên soạn giới thiệu, phổ biến, xuất bản kinh Phật” là một “phê phán lạc đề” về những gì TT. Nhật Từ đã có công soạn dịch “Kinh Phật cho người tại gia.”

Như tôi phân tích trên đây, Minh Thạnh chẳng có công “phát hiện” cái gì sai của TT. Nhật Từ và TT. Nhật Từ cũng chẳng làm điều gì để tạo ra “những tác động tiêu cực” như Minh Thạnh đã “hoang tưởng.” Theo tôi dự đoán, việc tái bản Kinh Phật cho người tại gia theo thông báo của Đạo Phật Ngày Nay[21] cuối năm 2014 sẽ chẳng bị ảnh hưởng gì từ “những tác động tiêu cực” qua các bài phê phán đầy ác ý của Minh Thạnh, chẳng những thế sẽ gặp nhiều thuận duyên, vì bộ kinh này theo tôi đáp ứng được nhu cầu tu học của người tại gia.

Ngay cả khi Minh Thạnh nêu “tấm gương xấu” trong việc “phê phán việc làm tốt” của TT. Nhật Từ qua việc soạn dịch “Kinh Phật cho người tại gia” mà theo Minh Thạnh là “quy mô nhất từ trước đến nay” cũng chẳng thể ngăn chận được lòng đam mê đọc bộ kinh này của các Phật tử tại gia, như một Phật tử đã chia sẻ: “mãi đến hôm nay chúng con mới đọc được có một chút xíu thôi nhưng cũng đã làm chúng con rất thấm và xúc động, vừa thấy mình có phước lại vừa thấy chúng con và cả bao thế hệ trước chúng con quá thiệt thòi vì không hề được biết đến, vừa cảm thấy tiếc nuối cho đức Phật đã có 45 năm giảng đạo với hàng ngàn bài kinh có giá trị mà không ai mang ra phổ biến, vừa cảm phục tấm lòng và tâm huyết của vị Sa môn Thích Nhật Từ đã soạn dịch cuốn kinh này.”[22]

Tin tưởng vào những đóng góp của TT. Nhật Từ, tôi mong rằng TT. Nhật Từ tiếp tục “chân cứng đá mềm”, sớm hoàn tất việc soạn dịch và xuất bản quyển “Kinh Phật cho người xuất gia” như Thượng tọa đã tâm sự trong hàng chục bài pháp thoại trong 3 năm trở lại đây, để nhiều độc giả có cơ hội tham khảo, đọc tụng và thọ trì bộ kinh hợp tuyển quan trọng này.

Còn đối với nhà báo Minh Thạnh, tôi xin gửi đến một lời khuyên: “Những gì không thuộc chuyên môn và sở trường của anh thì anh đừng nên nhiệt tình ‘đá lộn sân’. Khi đã bị trọng tài tuýt còi “việt vị” rồi, thì đừng nên tiếp tục chạy theo banh và sút bóng, vì hành đóng sút bóng đang khi việt vị chỉ là việc làm trơ trẽn và vô ích.”

Thực tình mà nói, trong nhiều bài viết của Minh Thạnh, có nhiều nội dung thuộc dạng “tưởng tượng”, nghĩa là không thể xài được trong đời sống hiện thực. Chỉ cần có một chút “feeling” mơ mộng, bay bỗng là “tưởng” được thôi. Tưởng tượng thì dễ vì thiếu dữ liệu hiện thực, mà làm mới khó, vì đòi hỏi đến nỗ lực và phương pháp. Vấn đề là có nhiều người quen thói tưởng tượng và viết ra những điều không thể có mặt trong hiện thực, lại không thể đem ứng dụng được trong cuộc sống mà muốn mọi người làm theo các sản phẩm tưởng tượng của mình.

Tôi cho rằng nếu bỏ được “thói tưởng quá xá quà xa và cái tâm cao ngạo” đi và thêm vào một chút gia vị “tùy hỷ công đức”, Minh Thạnh sẽ trở thành một cây bút thực sự hữu dụng đối với mảng xã luận Phật giáo đương đại.



[1] Đăng trên trang Facebook của Minh Thạnh vào ngày 15-6-2014.

https://vi-vn.facebook.com/cusiminhthanh/posts/1502149510000659

[2] http://www.phattuvietnam.net/diendan/28845-ch%E1%BA%A5t-v%E1%BA%A5n-tt.-nh%E1%BA%ADt-t%E1%BB%AB-v%E1%BB%81-t%E1%BB%B1-%C3%BD-%C4%91%E1%BB%95i-t%C3%AAn-nh%C3%A2n-v%E1%BA%ADt-trong-kinh-ph%E1%BA%ADt.html

[3] http://www.daophatngaynay.com/vn/dien-dan/15591-nhan-doc-bai-chat-van-tt-nhat-tu-ve-tu-y-doi-ten-nhan-vat-trong-kinh-phat-cua-minh-thanh-tren-trang-nha-phat-tu-viet-nam.html

[4] Bài Kinh Phật Cho Người Tại Gia: Đáp ứng nhu cầu chuyển hóa tâm linh, giáo dục tư tưởng tại địa chỉ sau đây: http://www.daophatngaynay.com/vn/tai-lieu/diem-sach/14724-kinh-phat-cho-nguoi-tai-gia-dap-ung-nhu-cau-chuyen-hoa-tam-linh-giao-duc-tu-tuong.html

[5] http://thuvienhoasen.org/a18835/kinh-phat-cho-nguoi-tai-gia

[6] http://www.daophatngaynay.com/vn/phat-phap/buoc-dau-hoc-phat/hanh-tri/14785-gio-chung-con-moi-biet-kinh-phat-cho-nguoi-tai-gia.html

[7] http://www.daophatngaynay.com/vn/tai-lieu/diem-sach/15190-kinh-phat-cho-nguoi-tai-gia-can-co-cho-moi-phat-tu.html

[8] Chữ Sanskrit “āgama” trong thuật ngữ “bốn bộ A-hàm” được sử dụng tương đương với chữ “nikāya” trong ngữ cảnh “năm bộ Nikaya” trong kinh tạng Pali.

[9] Tương đương với bản dịch tiếng Tây Tạng là “Dgaḥ-baḥi bśes-gñen-gyi rtogs-pa-brjod-pa” và bản dịch Hàn Quốc là “대아라한난제밀다라소설법주기”.

[10] Tương đương với bản dịch tiếng Tây Tạng là “Lha-mo skul-byed-ma” và tương đương với bản dịch Hàn Quốc là “칠구지불모심대준제타라니경.”

[11] Chẳng hạn, nên xem HT. Thích Minh Châu, “So sánh kinh Trung A-hàm chữ Hán và kinh Trung Bộ chữ Pàli”.

[12] http://www.buddhismtoday.com/viet/kinh/pali/trungbotrungaham.htm

[13] Kinh Phật cho người tại gia, phụ lục xuất xứ các bài Kinh, tr. 885-892.

[14] Thực tế, có hàng trăm trường hợp tương tự trong các bản dịch thuộc bốn bộ Kinh A-hàm. Xem thêm tại http://www.acmuller.net/descriptive_catalogue/files/k0650.html

[15] Được ngài Guṇabhadra dịch khoảng 435-443 tại chùa Ngõa Quan (瓦官寺), Dương Đô (楊都).

[16] Xem thêm về thư mục đối chiếu sự khác nhau về bố cục Kinh, số lượng Kinh và tựa đề Kinh Trường Bộ Kinh và Trường A-hàm tại: http://www.budsas.org/uni/u-kinh-ahamtruong/truongaham-idx.htm

[17] Về nội dung của Kinh Trung A-hàm, hãy xem http://thuvienhoasen.org/a1528/gioi-thieu-kinh-trung-a-ham

[18] Xem tại đây: http://www.budsas.org/uni/u-kinh-trungbo/trung00.htm

[19] Xem tại đây: http://www.budsas.org/uni/u-kinh-ahamtrung/trungaham_idx.htm

[20] Theo Wikipedia: “The editor of the Pali Text Society edition of the text made it 2889, Bodhi in his translation has 2904, while the commentaries give 7762. A study by Rupert Gethin[1] gives the totals for the Burmese and Sinhalese editions as 2854 and 7656, respectively, and his own calculation as 6696.”

[21] http://www.daophatngaynay.com/vn/tu-thien/thu-ngo-thong-bao/15509-thu-ngo-van-dong-phat-tam-an-tong-kinh-phat-cho-nguoi-tai-gia.html

[22] http://www.daophatngaynay.com/vn/phat-phap/buoc-dau-hoc-phat/hanh-tri/14785-gio-chung-con-moi-biet-kinh-phat-cho-nguoi-tai-gia.html

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (1 đã gửi)

avatar
Nhuận Thuận 22/08/2014 11:57:49
Kính chào các chú, con là kẻ sanh sao đẻ muộn, văn chương không lưu lóat, có sao nói vậy ...

Con thiết nghĩ, nếu là "hành giã" đúng nghĩa con Phật thì con tin chắc sẻ biết phân biệt cái nào phương tiện sẻ đưa hành giã trở về tự tánh, từ xưa tới nay con cũng không tin là mọi kinh sách Phật đều giữ được trọn vẹn vì là vô thường, thay đổi thì kinh Phật cũng theo đó sẻ thay đổi nhưng thay đổi theo chiều hướng muốn tối hơn để hành giã dễ dàng văn, tư, tu dễ dàng hơn thì con nghĩ đó cũng không có gì là sai trái hết, cũng như Thiền, Tịnh, Mật và các pháp môn khác cũng vậy mà thôi, các Chư Tổ chứng đắc sau Phật Thích Ca thấy cái nào thích hợp căn cơ của chúng sanh thì ít nhiều cũng phải thêm bớt trong văn tự Kinh Phật. Nói chung, cái nào trị bịnh mình được thì là thuốc hay dù đó là lọai thuốc gì, thì Pháp Phật cũng vậy, thì hôm nay cuốn kinh Phật cho người Phật tử tại gia cũng vậy, ai thấy Thầy liệt toa thuốc hay, thì đọc tiếp, xử dụng, thực hành ...v.v..., ai không hạp thuốc này thì đi tìm toa thuốc khác vậy ......., còn tâm của Thầy muốn chúng sanh học hiểu thực hành để hết bịnh thế gian và căn bịnh trầm kha thì cái đó có Chư Phật, Chư Bồ Tát .v..v. và nhân quả sẻ chứng minh sự việc dịch kinh sách của Thầy như các thế hệ khác mà thôi, còn 2 chú đây kẻ nói qua người nói lại đã có chữ "sân" trong đó mà con cũng học được bài viết của HT Thích Trí Tịnh mới đăng vài ngày đây thôi trên trang Web này đại khái như sao câu chuyện như sao về cách dạy con cái và con thấy áp dụng ở đây, trẻ đáng bị đánh 10 roi, khi roi thứ 1 cha mẹ đánh con vì tâm từ muốn nó nên người, roi thứ 2 là có chữ "sân" trong đó rồi đó .........và có nhiều bài nho nhỏ trong đơn giản, bình dị nhưng lại là những gì tâm huyết của HT nhắn gởi đến hành giã tu đạo giải thóat.

Nếu trên thế gian này ai ai cũng không có nghã tướng và không sợ niệm khởi, chỉ sợ mình "Giác" chậm mà thôi ......thì cuộc đời hạnh phúc biết bao .........

Chào tinh tấn,

Nguyện cùng người niệm Phật vãng sanh,
Nguyện cùng người thóat ly sanh tử,
Nguyện cùng người độ tất cả chúng sanh,

Nguyện cho chúng sanh thấm nhuần mưa Pháp, Pháp Bồ Đề Tâm, Tu Đạo Giải Thóat.

Nam Mô A Di Đà Phật, con Nhuận Thuận

"THẬT VÌ SANH TỬ, PHÁT BỒ ĐÊ TÂM, LẤY TÍN NGUYỆN SÂU, TRÌ DANH HIỆU PHẬT"
"ĂN CHAY, NIỆM PHẬT, LÀM LÀNH, THÂN AN".

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
tổng số: 1 | đang hiển thị: 1 - 1

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

4.50

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập