Bàn Về Vô Tướng & Tâm Không

Đã đọc: 1361           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Như chúng ta đã biết, nếu nói rằng thế giới này nhiều thì cũng thật là nhiều, như cả sơn hà đại địa, tam thiên đại thiên thế giới. Nhưng khi nói ít thì nó cũng là rất ít, chỉ còn có một mà thôi, đó chính là đạo lớn. Cái một này chứa đựng âm dương trộn chung lại với nhau, thành một cục kim cương cứng ngắc, nên không thể phân tích, giải nghĩa nó được.

Là không thể nào nói về nó là cái gì được, là “đạo khả đạo phi thường đạo”- Lão Tử. Và cái ít này, cái một này, là cái chứa đựng linh hồn của cái nhiều, cái sơn hà đại địa, tam thiên đại thiên thế giới kia, nên chúng ta không thế nhìn thấy được, và nó được gọi là hư không, là vô tướng, vô hình…

Trong vô tình đơm bông
Trái chín là hư không
Rơi trong vườn tuyệt mệnh
Buổi sáng thấy mây hồng

Vậy nên nếu muốn giải nghĩa cái một kia, thì chúng ta phải tách rời âm dương trong cái một đó ra làm hai, thì mới giải nghĩa được. Điều đó có nghĩa là phải nói cái mặt dương bên này trước, rồi nói cái mặt âm bên kia sau. Và hai cái đó được gọi là Thực Tại – Niết Bàn, là hai cái tột cùng của thế giới này. Và người giác ngộ rốt ráo tột cùng là người đã thành Phật, là người đã chạm tới Thực Tại – Niết Bàn rồi. Là chạm tới cái thế giới thiên nhiên thực hữu bên ngoài của chính nó, là thấy rõ nó, chứ không có nhìn thông qua một cái kính nhiều màu sắc nào, của các loại tâm vương tâm sở của con người nữa. Vì cái này là tất cả mọi người đều không thể nhìn thấy được, rồi nhìn núi sông mây nước thiên nhiên, thông qua cái cảm nhận chủ quan của mình là sai hết. Trái lại cái Niết Bàn là vô hình, là nằm trong tâm đức Phật, và thông qua sự hiểu biết của Ngài, chúng ta mới biết được cái rốn của vũ trụ tạo hóa này là như thế nào. Vì nó là tâm của một vị Cổ Phật ngày xưa, đầu tiên, vẫn hằng sống vô hình với chúng ta từng giờ từng khắc, đến ngày hôm nay. Cái đó gọi là quy luật tự nhiên. Và người nào giác ngộ đến chỗ đó, thì sẽ nói lại y chang những điều đó thôi. Tuy nhiên Ngài Cổ Phật kia núp ở đâu trong cái vũ trụ rộng bao la này, thì chúng ta cũng không thể nào biết được luôn. Ha ha ha!

Vậy nên có thể nói rằng Niết Bàn là gốc, là âm, ở bên trong, là vô vi, là chân đế. Còn thực tại là cái ngọn, là dương ở bên ngoài, là hữu vi, là tục đế. Và khi chúng ta muốn nói về đạo, muốn nói cái gì cũng phải hiểu và dựa trên hai cái này, mới nói đúng sự thật của chân lý được, sinh diệt có không cũng là từ đây mà ra. Không thôi cứ nói hoài mênh mông bát ngát, theo suy luận tiếp diễn liên tục kéo dài ra mãi là trật lất hết với chân lý đó. Vì từ thực tại – niết bàn, là nó sẽ sinh ra cả tỉ tỉ thứ khác nhau trên cõi đời này luôn…

Và như thế, cũng như trong tư duy của tinh thần con người, là có hai hướng tư duy. Tư duy tổng hợp và tư duy phân tích là chính. Tư duy tổng hợp, theo nguyên tắc đồng nhất quay về cái lớn hơn. Còn tư duy phân tích, theo nguyên tắc khác biệt, hướng tới cái nhỏ hơn. Vậy hai hướng tư duy này là ngược chiều nhau, một cái quay về gốc ở trong, còn một cái trở ra ngoài ngọn cành lá nhiều như rừng. Một cái thiên về số lượng của ý thức, còn một cái thiên về chất lượng của tâm thức, số nhiều và số ít. Tuy nhiên bất cứ con người nào đều có cả hai loại tư duy này hết, cho nên chúng ta mới có khả năng nắm bắt và diễn giải các vấn đề được. Nhưng cái đặc thù sở trường của mỗi người, thì cũng có loại người thiên về tư duy phân tích của lý trí nhiều hơn, và cũng có người có sở trường thiên về tư duy tổng hợp, thuộc tình cảm nhiều hơn. Tuy nhiên tư duy phân tích, hay tư duy tổng hợp thì cũng đều có cái hay riêng, và tốt như nhau cả, không cái nào hơn cái nào hết. Vì tư duy phân tích là dễ chiến thắng về chiến thuật, còn tư duy tổng hợp, thì biết được chiến lược lâu dài sẽ như thế nào. v.v… và v.v…

Cho nên từ đây chúng ta xác định rằng, muốn quay về không, hay vô tướng, vô hình, vô vi, thì phải bỏ bớt đi, mà hướng về cái lớn theo nguyên tắc đồng nhất. Và ngược lại muốn khám phá bên ngoài, là phải giải thích cho người khác hiểu rõ ràng những vấn đề gì, thì phải phân biệt, phân tích, theo nguyên tắc khác biệt, đi tới những chi tiết nhỏ nhất của vấn đề vậy. Tuy nhiên nếu ai không biết rõ những cái nhỏ, thì cũng sẽ không thể biết được những cái lớn, và ngược lại cũng thế. Vì con người chúng ta cũng là một thành phần của tự nhiên thôi, và nếu ai không có khả năng cân bằng âm dương, thì cũng sẽ không thể tồn tại trên đời này được đâu.

Vậy chúng ta có thể nói rằng, để hiểu bông hoa Đỗ Quyên kia, là không phải chúng ta nhìn sâu vào nó để thấy trong đó, có đất nước mưa gió mây trời, có các chất dinh dưỡng nuôi sống cho cây. Vì nếu chúng ta nhìn theo hướng đó, thì nó sẽ nhiều thêm, nó chẳng khác nào cách nhìn sâu nghiên cứu vật chất của khoa học cả. Mà khoa học là có nền tảng là ý thức, phân tích, là đồng với vật chất rồi. Và cách tư duy này chỉ làm khổ thêm thôi, chứ làm sao hết khổ được, thì làm sao là tư duy của thắng nghĩa đế, chân đế được. Và ngược lại, nếu chúng ta nhìn bông hoa Đỗ Quyên kia, theo hướng tổng hợp thiên về cái lớn hơn, thì chúng ta chỉ thấy nó cũng như trăm ngàn loài hoa khác mà thôi, và nếu nhìn sâu hơn nữa, thì nó chính là một loài thực vật, là hết. Ta hiểu như thế mà không thể nói rằng, ta không hiểu bông hoa Đỗ Quyên kia là như thế nào, mà ta đã hiểu nó rồi song ta quên nó đi, và ta hiểu nó chính là một loài thực vật, thế thôi. Và cùng với nó, ta cũng đã hiểu hết các loài thực vật, cây cối trên đời này luôn, như vậy là có hiểu nhiều không? Tuy nhiên cái nhiều này là nằm trong cái ít, có nghĩa là cái nhiều này chúng ta biết rồi và quên nó rồi, vì nó là vô hình, vô tướng, là không.

Vì thế nếu nói rằng nhìn sâu vào các sự vật, mà để biết thêm nhiều thứ khác nữa, thì sẽ hết khổ là không đúng. Vì động tác sau cùng của một chuỗi tư duy này, là đưa nó về một là xong, thì mới hết khổ được. Mà là một thì cũng có nghĩa là không rồi, nhưng nó vẫn còn một cái tên, một cái tên khái quát, một cái tên phổ quát rất chung chung mờ ảo, nên nó không làm bạn khổ nữa. Chứ một cái tên xác định, và một cái hình thức cứng ngắc, thì nó sẽ làm cho bạn khổ chết luôn. Còn việc gọi là “phá tướng” là phá bỏ một cái tên gọi này, để thấy thêm nhiều cái tên gọi khác xác định nữa, mà nói là hết khổ thì không đúng rồi, mà nói như thế để gọi là đưa về “vô tướng” thì càng sai nhiều hơn.

Vậy vô tướng là gì?

Vô tướng là phải phá tướng thì mới hiện ra cái vô tướng được. Mà phá tướng là phá cái hình thức khối lượng bên ngoài của nó, để nhìn thấy cái quy luật vận hành bên trong của nó thôi. Ví dụ như đá thì lăn và nước thì trôi. Ở đây đá là có tướng còn lăn là vô tướng. Và cũng như vậy, nước là có tướng còn trôi là vô tướng. Và khi người ta hiểu được các quy luật vận hành vô tướng của nó rồi, thì cái gì đồng nhất với nhau, trùng hợp với nó, là chúng ta hiểu được hết, nhanh gọn lẹ, nhẹ nhàng hơn, chứ hơi đâu mà đi đếm lá trên rừng cho mệt hả trời. Ha ha ha!

Cho nên có khi chỉ hiểu một điều, làm chỉ một việc, nhưng khi hiểu ra điều ấy, và làm thành công việc ấy rồi, thì tự nhiên bạn biết hết tất cả những điều khác, và làm được hết tất cả những việc khác. Vì ngày xưa ngoài việc học mỹ thuật ra, tôi chỉ đọc kỹ hai món: Đó là triết học và lịch sử thế giới. Vì một cái là các quy luật vận hành của thế giới, còn một cái là kết quả của cái thế giới đó, và nó đã vận hành theo các quy luật đó như thế nào, đông tây kim cổ gì gì cũng nằm trong đó hết. Và nếu bạn thông suốt và hiểu ra hai cái này rồi, thì bạn sẽ hiểu hết, biết hết tất cả mọi thứ trên đời này luôn, đơn giản vậy thôi! Ha ha ha!

Vì thế giới này nói cho cùng là chỉ còn trời với đất, mà cái chỗ không trời không đất là hư không, là vô tướng thì đó mới là đạo. Cho nên ông thầy của Tôn Hành Giả mới nói với nó rằng, canh ba đêm nay con tới đây, ta sẽ truyền phép thuật cho con. Vậy là canh ba Tôn Hành giả tới, ông ta sai nó đi đổ cái ống nhổ, vào chỗ nào không trời không đất, thì mới được. Vậy nên Tôn Hành Giả vốn thông minh hơn người, và nó nghĩ biết chỗ nào là không trời không đất đây, nên nó mới uống luôn vô bụng là xong. Và thế là đúng như sự “khai tâm ấn” của ông thầy, thằng Tôn Hành Giả này đã hiểu được đạo lớn rồi, nên từ đó nó mới có phép thuật hơn người. Vậy nên chi tiết này trong truyện Tây Du Ký, thì chẳng khác nào là một đoạn kinh Phật vậy…

Vậy chúng ta nên biết, thực tại là luôn biến hóa thay đổi không ngừng, mà cái gì luôn thay đổi thì nó là giả hợp, do duyên sanh và duyên diệt, tới lui lòng vòng mãi mà cuối cùng cũng là không thôi. Cho nên thực tại biến đổi nhiều như vậy, nhưng cái gốc của nó là không có gì. Vậy là mọi vấn đề trên đời này cũng chẳng có gì là quan trọng cả đâu, nếu như chúng ta nhìn nó ở góc độ chân đế, tự do và giải thoát. Còn nếu như chúng ta nhìn nó ở góc độ tục đế, thì chúng ta càng sống càng phải thế này thế nọ, tốt xấu thiện ác chan chứa đầy trong tâm, rồi vẫn xem những mục đích gì đó là quan trọng, thì rõ ràng là chúng ta vẫn còn đau khổ, và chưa có tự do giải thoát được. Tuy nhiên ta sống là sống hết mình với đời sống này, với nhân sinh, nhưng đừng ứng xử khắt khe với đời sống quá mà khổ, cho nên ai mà sống được như vậy thì mới hay.

Vậy vấn đề cốt lõi của hạnh phúc nội tâm, là chúng ta sống nhưng đừng để vào trong tâm mình một cái gì hết là xong. Vì thông thường thông qua ngũ uẫn, cái tâm của chúng ta nó hút vào trong đó bất kể là cái gì, như cục nam châm nó hút kim loại vậy, cho nên cái tâm của chúng ta lúc nào cũng nặng nề căng thẳng đau khổ quá chừng. Trái lại, nếu chúng ta sống mà không để vào trong tâm mình bất cứ điều gì cả, thì lúc đó cái tâm của chúng ta sẽ rất nhẹ nhàng và không còn tạo nghiệp nữa, và chúng ta cũng sẽ không còn đau khổ nữa, hiện tại và mai hậu về sau. Vậy nên sống trong đời sống cực nhọc tục đế hữu vi này, mà sống với cái tâm không, thì mới sống đúng đạo được.

Vậy tâm không là gì?

Tâm không, không có nghĩa là không có gì, mà là có rất nhiều nhưng lại trôi đi hết không giữ lại cái gì cả, vì đạo là sinh động mà. Nó giống như một dòng nước trong veo đang trôi chảy không ngừng, chứ nó không phải như một căn phòng tróng trơn không có gì hết. Vì một căn phòng tróng trơn không có gì hết, thì nó thật là lạnh lẽo buồn tẻ vô cùng. Đó chính là căn phòng “hư vô” của triết học hiện sinh phương tây, chứ nó không phải là niết bàn an vui của đạo Phật phương đông. Vì như nói ở trên, cái một lớn là đạo đó, nó có cả niết bàn và thực tại trong đó luôn. Cho nên nhìn ở góc độ thực tại, là nó đang chuyễn động, còn nhìn ở góc độ niết bàn, là nó đứng lặng yên. Mà vì sao nói tâm không là như một dòng nước trong veo đang trôi chảy không ngừng, lại là đứng yên được. Là tại vì khoảng cách và vận tốc, (xét theo nghĩa tục đế thông thường), làm nó đứng yên. Đại khái là nó giống như chúng ta nhìn thấy một cái bánh xe đạp quay nhanh quá, thì chúng ta sẽ không thể thấy nó quay nữa, và chúng ta cũng không còn nhìn thấy các cây căm của bánh xe nữa. Và khoảng cách từ ý thức để nhìn thấy tới tâm thức, là rất xa hơn ba ngàn thế giới, cho nên nó cũng như chúng ta đứng dưới đất, để nhìn thấy một chiếc máy bay, đang bay trên trời sao nó bay chậm quá vậy cà? Và dòng tâm của Phật cũng là như thế thôi. Và nó trôi nhanh là vì nó trôi chảy trong một cái ống thông suốt tróng rỗng hai đầu, nên nó trôi chảy nhanh quá cũng như không có trôi chảy nữa. Còn tâm con người bình thường thì như cái ống bít hết một đầu, bao nhiêu cũng nhét hoài vào trong đó hết, cho đến khi điên luôn…Ha ha!

Vì thực tại chuyển động và thay đổi không ngừng, nên nó sẽ cuốn trôi đi tất cả, nhưng chỉ có lòng người là giữ lại mà thôi, đó chính là cái khổ của con người, bởi vì thực tại luôn luôn tác động vào trong tâm của con người, nên mới sanh ra như vậy. Người đạt đạo chạm tới thực tại - niết bàn, là hiểu được điều này, nên tâm họ rỗng rang, trôi chảy miệt mài như dòng nước cuốn trôi đi hết, nên họ không còn đau khổ nữa…

Tâm không như nước trong 
Không giữ gì trong lòng 
Mọi thứ trôi đi hết 
Hạnh phúc sẽ mênh mông..

Vì thế hãy an trú vào trong tâm, kể cả những khi đau khổ nhất, thì đó cũng là một niềm hạnh phúc đích thực.

Vì trong tâm chúng ta đích thực là có Phật trong đó rồi, vậy bạn còn sợ gì nữa. Bạn đau khổ, nhưng bạn vẫn theo dõi sát sao cái dòng tâm đau khổ đó của mình, lâu dần thì sẽ hết thôi. Nó cũng giống như một ly trà nóng mà bạn luôn thổi nó, thì nó rồi cũng sẽ nguội thôi. Bạn cứ thả lỏng tinh thần mà theo dõi tâm, mà không cần làm gì hết. Bạn không cần nghĩ phải dùng cái tâm vô tư trong sáng, ở đây bây giờ gì cả, hay phải dụng cái tâm mình sao cho rỗng rang, để nhìn như chính nó gì cả. Tất cả những điều đó là sẽ đến sau khi bạn thiền định, chứ nó không bao giờ xảy ra trước khi bạn thiền định đâu, mà ép mình phải như thế cho mệt. Vậy cho nên bạn cứ hướng vào trong tâm, theo dõi nó miệt mài ngày này qua tháng khác, cái gì xảy ra trong đó thì bạn đều biết hết, và sau đó mọi thứ đau khổ dồn nén trong tâm, tự khắc nó sẽ mất đi một cách tự nhiên thôi. Nó y như có ai đến cất đi gánh nặng tinh thần cho bạn vậy, chứ không phải là do bạn phải làm, như người ta vẫn thường nói về thiền như thế. Vậy nên, nếu điều đó xảy ra thì đó chính là một phép màu kỳ diệu nhất, mà đức Phật đã ban cho bạn đó!

Tuy nhiên nếu bạn nhận thấy cái tâm mình là không, thì sẽ rất dễ thiền. Vì bạn xét bất cứ cái gì thì bạn hãy nhìn vào cái không phải là sự tướng của nó, thì lập tức tâm bạn là không liền, là hạnh phúc an vui liền. Vì trong mỗi sự vật nào đều có cái vô tướng, có trong cái hữu tướng của nó hết. Như đã nói ở trên, đó chính là cái thuộc tính chung của các sự vật đó, nằm trong các loại hình tướng khác nhau của vạn vật, trong thực tại. Vậy tâm không thì sẽ là vô tướng, hay nói ngược lại, vô tướng thì sẽ có tâm không. Vì hai cái này cũng là một. Một cái là để chỉ vô tướng của các sự vật bên ngoài thực tại, còn một cái là để nói tới cái thấy bên trong của tâm, đó là không có gì cả.

Vậy nên, trong hình hài hữu tướng này 
Ta không thể biến mất đi đâu được hết. 

Trừ cái chết.
Và con người chúng ta phải sống hết cuộc đời này của mình.
Cho nên đừng có nói phép thuật thần thông nào ở đây 
Mà chỉ có thể nói rằng 
Chính ta phải thay đổi thái độ sống của mình mà thôi

Làm sao cho sinh động an vui hạnh phúc hơn 
Và đó là điều duy nhất con người có thể làm được.

Vậy nên việc thay đổi thái độ sống của mình, cũng chính là việc chuyễn nghiệp vậy. Và nếu làm được điều đó, thì cả trong đời sống tục đế này vẫn có nhiều lợi ích, nhiều phước đức. Và thay đổi thái độ sống, là phải thay đổi từ cái gốc tinh thần của mình thì mới được. Rằng cái hiểu biết ở đây là vô tướng, là tâm không. Cho nên cái hiểu biết ở đây, là thấy mọi vật đều bình đẳng, và đáng quý trọng, yêu thương như nhau. Đó chính là cái tính nhân bản vị tha cao quý của tinh thần con người. Chứ nó không như cái nhìn tục đế khi yêu mến người này, là do họ nổi tiếng và giàu sang, chứ còn người nghèo hèn thì khinh thường, ghét bỏ không muốn nhìn. Vậy nên người tu hành nào nói tôi biết này biết nọ, mà vẫn xum xê chạy theo danh lợi, coi thường người nghèo hèn, và quý trọng người giàu sang, thì chứng tỏ người đó, dù có nhiều bằng tiến sĩ đi nữa, thì vẫn không biết gì về đạo cả. Vì ai tu hành mà không thấy mình bình thường hơn, giản dị hơn, tôn kính nhiều hơn, biết ơn nhiều hơn đối với con người và mọi vật, thì người đó đã tu trật lất rồi. Vì chúng ta sống ở đây, với cái thân xác nhỏ bé chật chội có hình tướng này, thì không thể nào chạy trốn đi đâu được hết. Vậy thì tại sao chúng ta lại không tu luyện cho mình, có nhiều phép màu bên trong, để có thể sống tự do tự tại, thênh thang một cõi đi về, trong cuộc đời ô trọc đau khổ này chứ. Ha ha ha!

Và sở dĩ tôi viết dài như vậy, là để thấy rằng nếu xét về vô tướng, và tâm không, là để nói về hai cái đó như là cái chìa khóa để mở toan cánh cửa nội tâm trí tuệ siêu việt, của con người mình. Vì đây là hướng xét về cái dần lớn hơn, cho đến cái to lớn quá bằng không luôn, là thành công. Và khi chúng ta đã nắm được cái chìa khóa vô tướng và tâm không này rồi, thì chúng ta sẽ rất dễ dàng hiểu được kinh Phật. Vì trong kinh Pháp Hoa đức Phật giảng, có một đoạn nói về việc có rất nhiều vị Bồ Tát ở thời lâu xa trước, đã được Ngài giáo hóa trong quá khứ rồi. Và khi đức Phật nói đến đây, thì tất cả trong hội chúng đều kinh hoàng, không ai có thể hiểu được cả. Vì mọi người đều nói Ngài tu hành mới đây chẳng bao xa, như người trẻ mới 20 tuổi mà đòi làm cha người 100 tuổi già, thì thật là vô lý quá? Không thể tin được. Nhưng nếu chúng ta xét về cái lớn hơn trong tinh thần đức Phật, là vô tướng và tâm không rồi, Thì chuyện quá khứ vị lai nào mà đức Phật đã không đi qua hết chứ. Hay nói khác hơn là cái tuổi tinh thần của Ngài là 3.000 năm, so với cái tuổi của người bình thường 100 năm, thì có phải là lớn hơn quá nhiều hay không. Và nếu chúng ta linh hoạt hiểu được như vậy, thì mới có thể hiểu được kinh Phật, chứ không thể cứ nhìn thấy cái hình tướng bên ngoài của nó mãi, rồi cứ nói vô lý quá, là vô minh, tu hoài cũng như không thôi. Và những điều tôi nói ở đây, thì những người tu theo phái Tịnh Độ chấp tướng, thì sẽ không bao giờ hiểu được đâu.

Vậy nên, một viên kim cương có nằm lẫn lộn trong đất đá, ở cái thời buổi mạc pháp này, thì cũng là điều bình thường thôi. Và tại sao người ta không thể thấy được nó, kể cả những người tu hành lâu năm trong chùa. Là vì chẳng có ai có cái chìa khóa vô tướng và tâm không để nhìn thấy nó được cả. Tuy nhiên anh nào xưng hùm xưng bá gì gì đó, nhưng nếu đụng tới nó là biết liền hà. Vì nó có một hình tướng bình thường như vậy, nhưng bên trong nó là tâm không, là nước chảy trong veo, nên rút dao chém xuống nước, thì cũng như không thôi. Vì thật sự người có tâm cầu đạo, thì khi gặp pháp hay thì rất mừng. Đằng này chính trong cả những người tu hành trong chùa, cứ gặp tôi là đùng đùng tức tối, ganh ghét kiếm chuyện gây gổ mãi là sao? Cả mấy ông thầy giáo thọ của tôi cũng vậy, tu bao nhiêu năm rồi, nhưng tôi nói những lời đơn giản dễ hiểu như vậy, mà cũng không hiểu được nữa là sao. Tu hành mà sợ nói đến sự thật của chân lý là sao, là vì bọn họ đã tu sai đường rồi. Chứ thời đức Phật tại tiền, Ngài nói pháp bảo mọi người phải kính trọng một Sa Di nhỏ, như cung kính trước một vị Phật, là vì vị Sa Di nhỏ đó đã giác ngộ chứng quả A La Hán rồi…

Nói tóm lại, nếu muốn đi đến vô tướng và tâm không, thì phải đi bằng con đường tư duy tổng hợp, chứ không phải bằng tư duy phân tích. Và vô tướng và tâm không, là hai pháp để chúng ta biết cách nhìn thấy cái bản chất của các sự vật bên ngoài, cũng như biết giữ lòng trong sạch, an tĩnh vui tươi trước cuộc sống xô bồ ngày hôm nay. Và khi bạn tu luyện đạt được như vậy, thì mới nhìn thấy cuộc sống này rất tươi đẹp. Vì nó sinh động tràn đầy sức sống mạnh mẽ của thiên nhiên bao la hùng vĩ. Từ đó chúng ta nhìn thấy cái gì cũng đẹp, cái gì cũng thương, từ giọt mưa, đến chiếc lá, áng mây bay chiều tà, cái gì cũng có giá trị cao sang hết. Và trong tâm trí ta thì rỗng rang an lạc hạnh phúc vô cùng…Ha ha!

Buổi sáng 
Vui
Hoa nở
Ngoài sân

Kính chúc Quý Vị sẽ có được chiếc chìa khóa vàng này, để chúng ta xây dựng một cuộc sống tươi đẹp huy hoàng!

 

Hà Hùng

Thích Hoằng Toàn

7.6.2019

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập