Những Điều Khó Nói Rõ Trong Phật Pháp

Đã đọc: 824           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

 

 

Trong Phật pháp có pháp hữu vi và pháp vô vi. Pháp hữu vi tục đế thì chúng ta có thể nói rõ ràng được, nhưng pháp vô vi thuộc chân đế, thì chúng ta rất khó nói cho rõ ràng lắm. Vậy nên đó chính là điều cần lưu ý, khi chúng ta nói về các “pháp không” trong Phật Pháp. Vì đạo Phật là một dòng sinh khí lưu chuyễn rất linh động và mạnh mẽ đầy sức sống, chứ nó không có bí bít, hoang vu tróng rỗng, tróng không như một số triết lý khác…

 

Thứ nhất, như hàng ngày chúng ta tụng thời kinh Bát Nhã Tâm Kinh, trong đó có câu “ngũ uẫn giai không độ nhất thiết khổ ách”. Vậy chúng ta phải hiểu câu kinh đó là như thế nào đây.

 

Phật giáo cho rằng, thông qua ngũ uẩn mà thế giới này hiện bày. Vậy ngũ uẩn bằng không thì thế giới này diệt. Hay nói rõ hơn là khi ngũ uẫn bằng không, thì nó không tiếp nhận cái gì nữa, và như thế người ta sẽ không bị ngoại giới tác động vào nữa, nên người ta cũng hết khổ luôn.Và rất nhiều người trong chúng ta đều hiểu như vậy. Và đây là một cách hiểu "sạch trơn" đầy sai lầm về cái gọi là “ngũ uẫn giai không”. Cái đó gọi là "chấp không".

 

Ví dụ như trong căn phòng có một cái ghế, và cái ghế này là dụ cho ngũ uẫn. Vậy Bồ Tát vào căn phòng đó, thì Ngài không ngồi lên cái ghế đó. Do đó cái ghế này đối với Bồ Tát là có cũng như không. Nhưng nói nó không có trong căn phòng này cũng không được, vì nó vẫn có ở đó mà. Còn nếu ai ngồi vào cái ghế đó thì sẽ gọi là chấp thủ vào nó rồi, hay nói đúng hơn là chấp thủ vào ngũ uẩn, như đã nói ở trên. Có nghĩa là có.

 

Vậy kẻ chấp không vào căn phòng này thì sao? Là kẻ đó đã không ngồi lên cái ghế đó, mà còn cố tình đem nó ra ngoài căn phòng này luôn, và lúc này căn phòng sẽ tróng không, không có gì cả. Có nghĩa là không. Và điều này rõ ràng là không đúng rồi.

 

Do đó vấn đề có hay không ở đây, là không phải hiểu theo cái nghĩa đen, là như sự hiện hữu của vật chất, mà đa số chúng ta vẫn hiểu như thế. Mà có thể nói rằng sự có hay không của vật chất ở đây, nó phụ thuộc vào có hay không của cái sự "chấp thủ" của chúng ta vào nó mà thôi. Và sự vật có hay không là do tôi có muốn chấp nhận nó hay không mà thôi, vì sự có mặt của nó là không có gì quan trọng, vì tôi đã làm chủ được ngũ uẫn rồi. Từ đây chúng ta hiểu rằng, ngũ uẩn không bao giờ mất đi, trong nhận thức của con người. Mà vấn đề nằm ở chỗ, là chúng ta có chấp thủ vào ngũ uẩn hay không thôi. Cái chấp thủ đó chúng ta gọi là "thủ ngũ uẩn"...

 

Và cái “thủ ngũ uẫn” này nó nằm bên trong ngũ uẫn, nên người ta không thấy, nên người ta mới nói là ngũ uẫn là không, nhưng thật ra ngũ uẫn không bao giờ là không, mà “có hay không” ở đây, là do cái “thủ ngũ uẫn” này mà ra hết, chứ không phải là cái ngũ uẫn như trong kinh văn đã nói ở trên đâu.

 

Vì nhân quả mới diệt, chứ ngũ uẫn không diệt, vì lúc đó có nghĩa là nghiệp diệt. Ngũ uẫn chỉ là phương tiện như cái ghế để ngồi thôi, nói diệt là sai. Mà chỉ có thể nói cái ghế đó không để ngồi thôi, nhưng nó vẫn hằng có đó trong ngôi nhà thân xác của chúng ta. Và khi chúng ta không còn chấp thủ vào ngũ uẫn nữa, không còn chứa đầy vào cái “thủ ngũ uẫn” nữa, thì chúng ta sẽ hết khổ, là độ hết tất cả khổ ách rồi.

 

Duyên sinh và duyên diệt là nhân quả nghiệp báo. Giải quyết được cái này thì hết chấp thủ vào ngũ uẫn, hết chứa đựng trong cái “thủ ngũ uẫn”, nhưng cái ngũ uẫn vẫn còn trong tinh thần chúng ta, vì nó vẫn còn nguyên đó chứ không mất đi đâu hết.

 

Vậy có thể nói nếu hiểu theo nghĩa sạch trơn của vấn đề, thì bài Bát Nhã Tâm Kinh của Bồ Tát Quán Tự Tại là "chấp không" rồi. Vì ngũ uẩn giai không mà. Là không sắc, không thọ, không tưởng, không hành, không thức gì ráo mà! Tuy nhiên lời văn kinh thì như vậy, nhưng khi hiểu nó, thì chúng ta phải hiểu khác đi lời kinh, thì mới đúng được. Cho nên chỗ này là chỗ khó nói rõ được trong Phật pháp vậy.

 

 

 

Như vậy thì cái gì vừa có vừa không là không thể nói ra được, và đó chính là chân lý. Và đó chính là các pháp vô vi nói vậy mà không phải vậy đâu nhe. Nói không nhưng thật ra là cũng còn “có cái gì đó trong cái không” chứ không phải không là không hết trơn đâu.

 

Thứ hai, nếu nói rằng tu cao là tới cái chỗ không suy nghĩ gì nữa, là không đúng. Vì như chúng ta đã biết, cứ hiểu tinh thần con người như một dòng sông trôi chảy hoài. Ở ngoài nó có ý thức, bên trong có mạc na thức (tiềm thức), và trong cùng là a lại da thức (vô thức). Vậy ba cái thức này nó cách ngăn, phân chia cái dòng chảy trong tinh thần của chúng ta ra làm ba phần. Và cái gì tác động vào ngũ uẫn thông qua ý thức vào trong, thì nó sẽ giữ lại ở mạc na thức, và cái mạc na thức này phải hiểu như một vùng đầm hồ ứ động vậy (siêu hình). Do đó những thứ phát sinh từ vùng đầm lầy mạc na thức này, thì  đều là vọng tưởng, sai lầm cả vì nó không có lối thoát. Và tu hành thiền định cái chính là phải vượt qua ý thức và mạc na thức, để vào trong a lại da thức, đó mới gọi là vô trong nhà rồi, Lúc đó người tu sẽ không cần bám vào các phương tiện nữa, mà tất cả là ở trong tâm thôi. Đó mới gọi là khơi dòng cho tâm thông suốt, không còn ngằn mé ngăn ngại gì nữa.

 

Tuy nhiên khi tu hành chúng ta phải biết chấp nhận hết, các loại cảm giác phát sinh trong tinh thần mình, để tìm hiểu tới cái gốc của nó, mà không phân biệt cái nào là xấu cái nào là tốt hết. Phải chấp nhận tất cả các cảm giác, cảm xúc của mình để tìm cách chiến thắng nó, và vượt qua nó. Điều đó có nghĩa là dòng sông tinh thần của mình, phải mỗi ngày đã được nạo vét hết các loại chướng ngại bùn sình đất đá đi, để nó trôi chảy thông suốt hơn, mạnh mẽ hơn. Người giác ngộ, đốn ngộ là người ta đã vượt qua từng phần phân chia, ngăn cách trong tinh thần mình rồi, mà làm cho nó thông suốt. Do đó nói Phật hay Bồ Tát tu cao là không suy nghĩ gì nữa là sai. Mà có thể nói họ suy nghĩ rất nhiều, nhiều đến nổi nếu nhìn theo cách bình thường, thì như là không có suy nghĩ gì cả, là trạm nhiên bất động. Vì cái dòng sông tinh thần kia đã thông suốt từ đầu tới cuối rồi, không còn vấp váp đất đá chướng ngại bùn sình gì nữa. Cho nên nói tu mà thông một pháp lớn (vô vi) rồi, thì tất cả các pháp nhỏ (hữu vi) khác đều thông là như vậy đó. Vì đó không phải là vấn đề của sách vở kiến thức nữa, mà nó đã được gọi là tư tưởng rồi.

 

Thứ ba nói vô tướng, thì không thể nghĩ đơn giản như làm biến mất một vật thể gì đó đi là được. Mà vô tướng phải hiểu đó là một pháp vô vi, là cái linh hồn bên trong của cái vật thể đó, và nếu bạn nắm được cái linh hồn của nó rồi, thì bạn mới gọi là có pháp vô tướng trong tay. Vậy nhìn nhận lại mà nói, thì vô tướng là cái không của nó, mà là cái có của mình. Mình phải có cái gì đó trong tay, thì mình mới có thể xác quyết về nó được. Cái đó gọi là có pháp vô tướng. Chứ nói vô tướng là không có gì hết là sai, và đó là cách hiểu, cách nói của cái tinh thần tục đế hữu vi thôi.

 

Tương tự như vậy, nói tâm không, thì cũng không phải là nói tâm không có gì hết là sai. Mà có thể nói rằng tâm không là một cái tâm thông suốt, không có chướng ngại nào nữa. Nó trôi chảy mạnh mẽ như một dòng sông hòa nhập với biển lớn. Vậy thì phải hiều rằng cái tâm không này, là có dòng suy nghĩ mạnh mẽ trôi chảy thông suốt trong đó rồi. Mà vì nó trôi chảy nhanh quá nên người ta tưởng là nó không có suy nghĩ gì luôn….

 

Cho nên câu nói “bản lai vô nhất vật” của tổ Huệ Năng nói, thì chữ nghĩa diễn đạt rằng không có gì. Nhưng điều đó phải hiểu rằng, chính ngài đã đạt được pháp vô vi rồi, mà không có gì dính tới các pháp hữu vi hết, (vì vật ở đây là chỉ cho ý thức). Mà Ngài đã có pháp vô vi rồi, thì cũng là một cái “có” của pháp không, chứ không phải là không có gì hết. Như vậy là có cái có trong cái không. Là tinh thần mình đã có cái chìa khóa để khám phá tất cả các pháp hữu vi bên ngoài, chứ không phải là không có gì hết trơn hết trọi, theo nghĩa đen là không đúng đâu.

 

Vì tinh thần con người nói chung là có hai cái: Đó là một thế giới mộng tưởng, và một thế giới chân thật. Thế giới mộng tưởng là cứu cánh sinh ra các pháp tha lực, còn thế giới chân thật thì sinh ra các pháp tự lực. Vậy đức Phật A Di Đà là tượng trưng cho thế giới mộng tưởng của các pháp tha lực. Còn đức Phật Thích Ca là tượng trưng cho thế giới chân thật của các pháp tự lực. Cho nên người hiểu đạo, và hiểu rõ cấu trúc tinh thần con người, là phải biết chấp nhận hết hai đức Phật này để tu, cũng như cuộc sống của con người chúng ta, cũng đều cần có tha lực và tự lực hết.

 

Cho nên nói rằng không chấp nhận vọng tưởng, phát sinh trong dòng chảy tinh thần của mình là không đúng. Vì như vậy có nghĩa là chúng ta đã phủ nhận đức phật A Di Đà sao? Vì trong lịch sử không có đức Phật A Di Đà và các vị Bồ Tát, cũng như địa ngục và thế giới cực lạc phương tây. Vì khi bạn chạm tới cái thực của thế giới chân thật rồi, thì chúng ta sẽ thấy đức Phật A Di Đà và thế giới cực lạc phương tây, cũng có thể xem như là vọng tưởng mà thôi. Vì nói cho cùng thế giới mộng tưởng này, cũng cùng có cái gốc tại nơi thế giới chân thực vậy. Do đó nói tu thiền là phải theo dõi tâm, phải hiểu hết cả vọng tưởng và cả cái không phải là vọng tưởng, thì cái thiền đó mới gọi là thiền Tri Vọng là đúng đắn nhất. Đơn giản vậy thôi.

 

Vậy cho nên phải biết rằng, lý luận hoàn toàn là cái ở bên ngoài tâm, nhưng nếu bạn thiền rồi thì đừng có đem kiến thức lý luận vào trong tâm để thiền. Có nghĩa là bạn đừng nên phân biệt và lý luận nhiều, vì khi bạn dụng tâm, tất cả nó đều nằm một chỗ trong đó hết. Hiểu như vậy cho đơn giản, cho dễ tu. Chứ mình phải lo đủ đường, sợ đủ kiểu đến khi ngồi thiền thì rất khó khăn, vì lý thuyết của nó phức tạp quá. Mà thực tế vọng tưởng đó chính là nghiệp, mà nghiệp thì trùng trùng bao la không có điểm dừng, thì làm sao mà dừng được, và từ đó vọng tưởng cũng tầng tầng lớp lớp, không bao giờ hết được, vậy thì bỏ đi thì bỏ đi chỗ nào đây. Vậy nên chúng ta tu mà có kết quả, thì sẽ bớt cái này đi mà sẽ tăng cái kia lên dần dần thay thế nhau. Điều đó có nghĩa là chúng ta càng tu cao hơn, thì vọng tưởng sẽ dần giảm bớt, còn tuệ giác thì ngày càng phát sinh nhiều hơn, và lúc đó chúng ta sẽ nhìn nhận cái gì cũng đúng đắn hơn…

 

Thứ tư, là nói tâm “không sinh không diệt” là như thế nào? Vì vô sinh bất diệt là tâm của Phật. Nói như thế chẳng khác nào nói là cái tâm không, tróng rỗng không có gì hết là sai. Vì như đã nói ở trên, Tâm Phật là tróng rỗng hai đầu, suông thẳng như cái ống không còn cái gì ngăn ngại nũa, nhưng nói cái tâm này không sinh không diệt là sai. Vì nó có một đầu là phân tích, một đầu là tổng hợp, còn ở giữa là tương quan. Vậy nên nếu cái gì đồng nhất, tương đồng với nó thì nó diệt, còn khi có cái gì khác nhau, khác biệt với nó thì nó sẽ sinh ra. Có nghĩa là nó luôn luôn sinh ra ở một đầu (là niết bàn) và nó cũng luôn luôn diệt đi hết ở một đầu (là thực tại) Vậy cho nên vấn đề ở đây là nó vừa sinh ra, là nó tự diệt đi liền, nên người ta mới tưởng nó là không sinh không diệt. Và khi người ta nói không sinh không diệt, thì chúng ta phải hiểu là như vậy. Có nghĩa là nó cũng có sinh có diệt, nhưng nó xảy ra rất nhanh, không có giữ lại cái gì để tạo ra nghiệp hết. Nên tâm Phật từ đây cũng sẽ không tạo nghiệp chướng nữa. Vì nghiệp chướng nó tụ ở đâu thì ở đó sẽ sinh ra tội. Mà tội từ tâm sanh, nên tội cũng phải từ tâm diệt, thì mới hết tội được. Mà tâm Phật là khi nó vừa sinh ra cái gì, thì ngay đó nó diệt liền, thì làm sao có tội được. Là nó cũng như là không sinh không diệt vậy.

 

Thứ năm, khi nói về vô ngã là phải nói về sự vật (thực tại) vô ngã, và tâm (niết bàn) vô ngã thì mới đúng. Vì ngã còn có nghĩa là có, vô ngã còn có nghĩa là không. Chữ vô ngã là để chỉ vạn pháp hữu vi được hiện bày trong con mắt của thiên nhiên, lúc đó nó mới đúng với tự tánh (bản chất) của nó ở thiên giới (thực tại). Đó chính là sự vật vô ngã, nhưng ở đây, ở trần gian này thì nó không vô ngã, vì nó tồn tại được là do sự nhận thức của cái ngã của con người chúng ta ở đây.

 

Vì cái gì có nghĩa tức có ngã, có ngã tức nó đã được xác định có nghĩa. Ngã là ở con người chứ không ở sự vật. Khi sự vật được cái ngã của con người xác nhận, thì nó có nghĩa gì đó. Ví dụ như cục vàng thì quý hơn cục đất. Có nghĩa là nó chỉ có nghĩa trong con mắt chúng ta thôi. Chứ ở trong thực tại đích thực, thì cục vàng và cục đất cũng như nhau.

 

Ngã có nhiều ngã, nhưng mình chỉ cần nói tới ngã kiến và ngã ái là đủ. Ngã kiến là chấp vào cái ta thấy, ta hiểu biết. Còn ngã ái thì chấp vào cái gì ta mến thương. Về vật chất: Nếu mình thích vật gì thì mình chấp vật đó. Về tinh thần: Nếu mình quý mến ai thì mình chấp vào người đó. Do vậy đời sống (tục đế), sự tồn tại, sự có mặt của chúng ta trên đời này là có chấp rồi. Và từ đó nó mới tạo cho đời sống của con người chúng ta có nghĩa hơn. Và ý nghĩa ở đây là cái nhìn chủ quan của con người tự tạo ra cho mình mà thôi.

 

Vậy thì người có tâm vô ngã, là người có thể du hành qua thiên giới thường xuyên, thì nhận thức của họ sẽ như thế nào đây. Vàng bạc châu báu kim cương danh vọng chỉ có nghĩa ở đây thôi, đối với con người trần gian thôi. Nhưng ở trên kia thì nó cũng như đất đá chứ chả khác gì, vì lúc đó nó đã được trả về cho trời đất rồi. Đó có thể nói là thực tại là chính nó, hay là sự vật là vô ngã. Thêm hay bớt với những giá trị thế gian trao cho nó cũng vậy thôi. Vì nó không có ý nghĩa gì hết. Nhưng nói rằng nó không có ý nghĩa gì hết, cũng không được, hay nói đúng hơn là nó sẽ phải có ý nghĩa gì đó rất thiêng liêng, nếu như bạn giác ngộ thấy sự vật là vô ngã rồi.

 

Vạn pháp (hữu vi) vô ngã là tự tánh nó có nghĩa tràn ra bốn phía, gọi là Phật bốn mặt Tỳ Lô Giá Na. Và người nào thấu hiểu và đi xuyên qua vạn pháp (hữu vi), đi xuyên qua vật chất rồi, thì mới thấy được cái vô ngã của nó. Đồng thời họ cũng nắm bắt được cái vô hình trong tay, và như vậy nói vô ngã thì cũng là một pháp vô vi mà thôi, chứ không phải vô ngã là không có gì cả.

 

Vì với đa số chúng sanh hữu tình, do cái dòng chảy tinh thần bị tắc nghẽn, nên nó mới sinh ra một áp lực rất lớn tạo ra ý chí, là cái bản ngã của chúng ta. Con người sở dĩ luôn bảo vệ cái bản ngã của mình, là vì nó rất dễ bị tổn thương và đau khổ, nên phải phản ứng lại mà thôi. Còn Tâm Phật là thông suốt không tắc nghẽn nữa, nên không còn có bản ngã nữa. Vấn đề chỉ là có duyên hay không có duyên mà thôi, chứ không phải e ngại tự ái gì. Và tâm vô ngã là tâm công bằng tuyệt đối, không có xem xét bằng lý trí thông thường, để biết nó phải có giá trị cao thấp gì cả. Và từ đây chúng ta mới có thể hiểu rõ được Thế Giới Cực Lạc Phương Tây, trong kinh A Di Đà là như thế nào. Vì khi tâm vô ngã, thì sẽ nhìn thấy vật cũng vô ngã luôn. Do đó cái tâm an lạc hạnh phúc, thì sẽ thấy đất đá trên cỏi đời này cũng như vàng bạc châu báu vậy. Và cái chính là trong thực tại vô ngã, thì châu báu hay đất đá gì cũng có giá trị như nhau hết mà.

 

Thứ sáu, nếu xét về từ bi và trí tuệ là như thế nào? Có nghĩa là phải có tuệ giác để hiểu người khác, và có lòng từ bi yêu thương con người. Nhưng tuệ giác ở đây không phải là ý thức, là lý trí phải hiểu biết theo kiểu tục đế thông thường. Mà tuệ giác là một cái tên gọi khác của tình yêu thương, là vì chúng ta hiểu rõ tất cả nên chúng ta thương, vậy thôi. Thương là thương hết tất cả không so bì tính toán đối đãi bằng lý trí gì cả. Ví dụ như khi chúng ta gặp một người xấu, một tên cướp, hay một người nhiện ma túy, bị bệnh tật đau đớn khổ sở, khốn cùng. Nhưng nếu nhìn ở cái nhìn tục đế thông thường, thì lý trí chúng ta mach bảo rằng: Kẻ nầy đáng đời, vì nó làm ác, vì nó hút ma túy, vì nó đáng chết, nên chúng ta không thương, không giúp đở. Nhưng nếu chúng ta nhìn nó bằng cái tình yêu thương vô ngã, thì chúng ta liền ôm nó vào lòng, và tìm mọi cách giúp đỡ nó hết mình luôn. Vì nó đã động chạm đến lòng trắc ẩn bên trong của chúng ta, một cách vô tư nhất. Và từ bi trí tuệ ở đây không phải xét theo kiểu tục đế để rồi lên án nó, mà từ bỏ nó, không giúp đở nó. Mà từ bi trí tuệ ở đây, là biết rằng bây giờ nó rất đau đớn, nó rất hoảng sợ và tuyệt vọng, nên chúng ta sẽ chìa bàn tay ra mà cứu giúp nó hết mình.

 

Vì thế tình yêu thương của Phật, của Chúa rất khác với người thường. Vì nếu những kẻ bị xã hội loài người chối bỏ, căm ghét, lên án, thì các ngài càng yêu thương nhiều hơn. Nó giống như bạn cứu một con rắn, mà con rắn đó quay lại cắn bạn, nhưng bạn vẫn yêu thương nó như thường. Và chính vì thế mới có kẻ đao phủ buông đao mà lập địa thành Phật. Vậy cái tình yêu này đơn thuần là yêu hết mình thế thôi, chứ không cần xem xét đúng sai gì hết. Và khi cái tình yêu đó thể hiện ra, cũng chính là mình yêu cho chính bản thân mình vậy, đó chính là lòng từ bi lớn lao nhất, từ trong ra ngoài đều có đầy đủ. Vì cái tình yêu “mù quáng” kiểu này rất quan trọng. Vì năm xưa tôi bị những cơn điên hành hạ, tôi liền rũ bỏ tất cả sự xem xét của lý trí đi, mà yêu thương cuộc đời này hết mình mù quáng như vậy, thì dần dần con quỷ dữ trong tôi nó mới buông tha cho tôi. Còn nếu khi đau khổ, mà tâm chúng ta mống khởi một chút oán trách, so bì ganh tỵ gì đó nữa, thì cái con quỷ dữ kia nó sẽ nổi giận đùng đùng, mà chà đạp hành hạ cho chúng ta chết luôn. Và đó chính là bài học của tình yêu thương hết mình với cuộc đời, thì chính ta cũng sẽ được cứu khỏi, những cơn điên đau khổ dữ dội nhất của đời mình.

 

Cho nên cái dũng của thánh nhân, và cái tình yêu thương của thánh nhân cũng sẽ khác người thường. Vì đã yêu thương rồi, thì người ta không còn chấp nhứt những chuyện nhỏ nhặt nữa, mà nó có như thế nào đi nữa, thì mình vẫn yêu thương hết lòng như xưa. Cũng như cái dũng khí của các Bồ Tát là có thể xông vào biển lữa, làm những việc mà người đời cho là sai trái, nhưng họ biết họ làm vì để cứu người, và yêu thương con người, nên họ vẫn cứ làm, cho dù phải bị ghét bỏ, bị thiệt thòi gì cũng vậy. Còn người đời thì sao, họ luôn cân nhắc tính toán, nếu chẳng thủ lợi cho mình thì không làm, không nói, cho nên đó không phải là việc làm, xuất phát bằng cái tình yêu thương lớn nhất.

 

Tóm lại, khi học Phật pháp, mà gặp các từ “không” thì phải hiểu đó là có một pháp vô vi, và không có các pháp hữu vi thì mới đúng. Vậy chữ “không trong đạo Phật” là nó khác với chữ không ngoài đời là như vậy. “Nó không có, mà là có, nhưng lại không có” Đó chính là yếu tính của kinh Kim Cang mà Phật thuyết cho Tu Bồ Đề nghe. Tuy nhiên sống ở ngoài đời hay tu trong chùa, thì cái giỏi không thể so sánh với cái hạnh được. Vì cái hạnh của con người, cũng chính là cái thái độ sống tốt của con người đó đối với tha nhân. Vì nếu bạn đi làm công ty cũng vậy, người ta coi trọng thái độ hơn trình độ. Và tu trong chùa cũng vậy, các thầy đều yêu thương quý mến những người có đức hạnh tốt, hơn là những người có trí tuệ nhưng chẳng biết sống cho phải đạo. Vì đức hạnh như hương thơm bay ngược gió. Và đó chính là truyền thống đạo đức của phương đông. Vì người càng giỏi, thì phải càng khiêm nhường lễ phép hơn người thường, thì mới được. Chứ giỏi mà ngã mạn không coi ai ra gì, thì cũng chỉ là kẻ kém cỏi thôi. Cho nên tu hành chính là một việc suốt đời phải xem xét bản thân mình. Phải đẹp là đẹp cả trong lẫn ngoài, là phải xét lổi của mình mãi không thôi…

 

Nam Mô Hoan Hỷ Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát!

 

Hà Hùng

Thích Hoằng Toàn

17.6.2019

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập