Bàn về việc tu tập và giác ngộ

Chúng ta đã biết trong vũ trụ bao la này, Phật Giáo lấy con người làm trung tâm, gọi là nhân sinh quan. Và cấu trúc tinh thần của con người nó cũng trùng khớp với cái thế giới quan bên ngoài. Do đó nếu một người nào đi tới điểm tận cùng, trong cái tâm nhân sinh quan bên trong của mình, thì người đó cũng sẽ rõ thấu hết tất cả cái thế giới quan bên ngoài này luôn.
Tuy nhiên tư tưởng của một vị Phật, thì cũng chính là quy luật tự nhiên thuộc chân lý. Còn tư tưởng của con người chúng ta thì nó thuộc lý tưởng. Cho nên nói lấy con người làm trung tâm, thì lấy cái tư tưởng nào để làm trung tâm đây. Theo tôi nghĩ là phải lấy cả hai cái. Vì muốn chạm tới chân lý thì người ta phải vượt qua lý tưởng cái đả. Vì thế tu Tịnh Độ dùng các phương tiện bên ngoài là tu theo lý tưởng, còn tu thiền là tu tâm bên trong, thì mới đúng là tu theo chân lý. Vì vậy tu hành theo tôi tốt nhất là tu cả trong lẫn bên ngoài, có nghĩa là Thiền Tịnh Song Tu.
Tu bằng phương tiện bên ngoài thì rất dễ tu, vì cái gì có hình tướng thì cũng dễ nắm bắt bằng ý thức hơn, nhưng dĩ nhiên tu bằng phương tiện, thì phải cần có chuông mỏ kinh kệ lĩnh kỉnh rườm rà hơn. Và chính vì nó vướng phương tiện rườm rà, nên nó chỉ tu ở ngoài cửa thôi, chứ chưa bước vào trong nhà được. Và tu bằng phương tiện là cách nó đánh lạc hướng nỗi đau khổ của con người đi rất nhanh, rất hiệu quả, vì sức tha lực của nó rất lớn, nó giúp chúng ta giảm được đau khổ rất nhiều. Ví dụ như người ta bị thất tình, bị các sự cố gì đó trong cuộc đời, thì người ta có xu hướng kiếm việc gì đó để làm cả ngày cả đêm, để cho quên đi chuyện đó, và không để thời gian rảnh mà suy nghĩ nữa. Và tu bằng phương tiện thì cũng vậy thôi, nếu chúng ta khổ tâm quá, thì tụng kinh niệm Phật, cứ làm riết như vậy thì sẽ qua.
Ngày xưa lúc tôi còn nhỏ, mỗi lần bị chuyện gì khổ tâm, là tôi về quỳ bên bàn thờ Phật cầu nguyện, sau đó thì được mẹ chỉ dạy cho niệm Phật. Vậy là suốt hai mươi mấy năm lênh đênh trên Sài Gòn ăn học rồi đi làm, tôi gặp biết bao nhiêu điều bất hạnh khổ đau. Cộng với tôi đam mê đọc triết học Phương Tây, nên tinh thần lúc nào cũng đau khổ, điên đảo ngập tràn. Và những lần thập tử nhất sanh như thế, tôi thường niệm Phật. Cứ niệm mãi, niệm mãi tới sáng thì cũng qua một đêm, và thấy cái tâm mình cũng mạnh hơn. Và có lúc tôi nghĩ có lẽ chết đi còn sướng hơn là sống kiểu này, nhưng nhờ niệm Phật nhiều, nên cơn đau cũng giảm bớt đi phần nào, và tôi lại tiếp tục sống thêm chút nữa. Lúc đó nhờ thấy ánh sáng Phật pháp mà tôi thoát chết, nên tôi có nói với bạn bè rằng, trên đời này tôi chỉ mang ơn ông Phật thôi, chứ không mang ơn ai hết. Và tôi không ngờ chính vì câu nói đó, mà bị người ta ghét, người ta hại cho lên bờ xuống ruộng luôn…Ha ha!
Vậy niệm Phật rất đơn giản, gọn nhẹ và dễ làm mà hiệu quả cứu khổ rất lớn. Bằng chứng là chính tôi vẫn còn sống đến tận bây giờ, cũng là nhờ niệm Phật cả. Vậy nên trong nhà thiền nếu có tụng kinh và dạy thêm niệm Phật nữa thì rất tốt, cũng như trong chùa Tịnh Độ cũng có những thời tọa thiền nữa, chứ chúng ta không nên phân biệt rạch ròi quá, mà không có được một phương pháp tu hành chung hữu hiệu nhất…
Tuy nhiên tu Tịnh Độ theo lý tưởng, cao nhất chỉ tới cõi trời là hết, nếu muốn đến cõi Phật theo chân lý, thì chúng ta phải tu thiền mới được. Vậy tu thiền sao cho đúng chánh pháp, mà có thể lên tới Phật đạo được đây?
Theo tôi, tu thiền theo chân lý là theo dõi tâm (tri vọng), cứ dành hết thời gian 24/24 giờ để hướng vào tâm mà theo dõi nó, và cũng không cần dùng ý thức để can thiệp vào nó, cũng như phải biết nó là cái gì, là tốt hay là xấu. Lâu dần cứ như thế là có kết quả tốt thôi...
Thiền, theo tôi đơn giản chỉ là vậy, cứ để cho tâm nó muốn nghĩ gì thì nó cứ nghĩ, nhưng điều quan trọng là mình phải biết hết nó đã nghĩ cái gì, và mình cũng không nên đem thái độ của mình vô để xem xét nó, cho nên chúng ta cũng không phải nói nhiều về vọng tưởng hay không vọng tưởng. Nếu chúng ta cứ theo dõi tâm lâu dần thì khi tâm phát ra trí huệ, thì vọng tưởng tự nó cũng mất hết thôi, chứ không cần chúng ta phải dùng ý thức để biết vọng, và bỏ vọng đi đâu.
Vì phàm phu thì chúng ta mới đi tu, mà suy nghĩ của phàm phu thì chỗ nào cũng là vọng tưởng hết, vậy nói biết vọng và bỏ vọng đi chỗ nào đây? Vì khi bạn bỏ cái vọng tưởng này đi, thì cũng sẽ có cái vọng tưởng khác thế vào chỗ đó thôi, dưới hình thức là lời kinh Phật chẳng hạn, và cuối cùng nó cũng là vọng tưởng. Vì lúc đó chúng ta như chìm giữa biển cả, bốn bề xung quanh đều là nước hết, vậy hỏi lúc đó làm sao bạn không bị ướt cho được? Vì vọng tưởng trong tinh thần con người mới đầu rất là nhiều, như nước trong biển cả vậy. Vì có vọng tưởng nhiều nên con người mới khổ, nhưng khổ cũng chính là cái nhân của việc tu tập giải thoát. Vậy nên chúng ta không sợ vọng tưởng nhiều, mà chỉ sợ tính giác của chúng ta sinh ra chậm mà thôi. Tu thiền là đi vào bên trong nội tâm của mình, sống chung với nó, rồi mọi việc khác đều để tự động nó giải quyết hết là xong. Và khi vọng tưởng mất đi, thì ngay đó tuệ giác sẽ phát sinh ra, và nếu ai tu được như vậy là tốt, là chúng ta đã biết tu đúng hướng để thoát khổ, cầu an vui giải thoát được rồi.
Cho nên thiền này đơn giản gọi là "tri vọng", là theo dõi vọng hoài, theo dõi đến chừng nào hết vọng thì thôi, lúc đó là kiến tánh thành Phật luôn. Khi thành Phật rồi thì lời nói của bạn chỗ nào cũng là chân lý hết.
Tuy nhiên nói thiền là theo dõi tâm, thì nghe thật là đơn giản, nhưng cũng không dễ thực hành. Vì tâm con người nói chung khi hướng vào bên trong là thấy toàn đau khổ thôi. Do đó trong cuộc sống bình thường, người ta có xu hướng lãng tránh những nỗi đau khổ này đi, bằng rất nhiều các trò chơi giải trí của thế gian. Và tu thiền là phải đối diện với nó, mà nhận diện nó là cái gì, thì từ từ đau khổ tự nó sẽ biến mất, mà thay vào đó là niềm vui và sự trải nghiệm sâu sắc. Nhưng khi chúng ta mới nhìn sâu vào nỗi đau khổ của mình, thì chúng ta liền có cảm tưởng như nó là bất tận, không bao giờ hết được. Ngày này qua ngày khác cơn đau như càng lớn dần lên, làm cho chúng ta không thể nào chịu đựng được nữa. Và nếu thật sự chúng ta không thể nào chịu đựng nỗi nữa, thì chúng ta có thể tu bằng các phương tiện khác bên ngoài như niệm Phật, trì chú, tụng kinh, thì chúng ta sẽ vượt qua được khó khăn đó dễ dàng hơn. Vì cách tu bằng các phương tiện này, là cách chúng ta đánh lạc hướng các cơn đau khổ đó đi mà thôi, chứ không thể diệt trừ tận gốc nó được. Và muốn diệt trừ tận gốc của nó, thì không có cách nào khác hơn, là ngoài cách chúng ta phải thật sự đối diện với nó, từng giây từng phút, năm này qua năm khác, lâu dần thì chúng ta sẽ có được sự an lạc thanh thản trong lòng, và sẽ không còn đau khổ nữa.
Vì thiền là vô hạn, không phải thiền là ngồi thiền một hai tiếng đồng hồ là xong đâu. Thiền là lúc nào cũng phải nhớ là mình đang thiền hết. Xách nước, nấu cơm bữa củi là thiền, đau bệnh, đi tiêu, đi tiểu, ăn cơm uống nước, đi đứng nằm ngồi cũng là thiền. Thiền mà như không thiền, tu mà như không tu mới là tu. Thiền là sống thường trực với cái nội tâm của mình như vậy, thì mới may ra có sự hiểu biết về thiền. Vì thế tu thiền là việc chuyển hóa đau khổ thành niềm vui, thì chính là việc khó khăn nhất trên đời. Những ai làm được điều này, thì đều là những người khác thường vậy.
Và sở dĩ chúng ta phải tu thiền để thoát khổ, là vì như đã nói ở trên, là căn bản vì chúng ta đã suy nghĩ sai lạc, là vô minh, không đúng theo tự nhiên. Vì tự nhiên thì nó không phải không trái, không đúng không sai, không vô lí mà cũng không hợp lý. Có nghĩa là nó luôn có sẳn cơ chế tự cân bằng bên trong nó, như nước bao giờ cũng chảy từ trên cao xuống thấp, cái nhiều cho qua cái ít, và mọi vật đều do duyên hợp lại mà thành, chứ trên đời này sẽ không có cái gì là đơn nhất, là trụ mãi để cho các vật khác bám vào. Là sẽ không có Thượng Đế, nhất thể, nhất thần luận. Nhưng chỉ có đầu óc của con người là luôn nghĩ như thế, là tư duy một chiều, suy nghĩ tuyệt đối, nên mới xác lập ra các mệnh đề đúng sai, phải trái, hợp lý và vô lý. Và khi chúng ta cho rằng các mệnh đề này có giá trị, thì chúng ta mới không thể nào hiểu được tự nhiên là gì, cũng như chúng ta sẽ đau khổ vô cùng. Và tu đạo là công việc cải tạo lại tâm tính suy nghĩ của con người mình, sao cho giống như tự nhiên, như nhiên. Là chúng ta phải thông hiểu hết các mệnh đề hợp lý và bất hợp lý, phải trái, đúng sai kia là xong.
Do đó, xưa nay chúng ta cứ tưởng cái khổ do tam độc tham, sân, si là lớn nhất, nhưng không phải vậy. Mà cái khổ căn bản, là do suy nghĩ của con người không giống như tự nhiên, như nhiên thì mới là cái khổ lớn nhất. Vì cái khổ do tam độc tham sân si gây ra, là cái khổ do các cảm xúc thô lậu thuộc bản năng con người tạo ra mà thôi. Và nó là cái khổ thiên về thân, chứ không phải cái khổ của tâm. Còn cái khổ do tà kiến, như tư duy một chiều, suy nghĩ tuyệt đối gây ra, mới là cái khổ lớn nhất, vì nó là cái khổ của tâm. Vì thế người nào thoát khỏi cái khổ do tham sân si gây ra, thì là bậc Thánh. Còn người nào thay đổi được tư duy một chiều tà kiến tuyệt đối của mình, thành tư duy tương đối hai chiều, là thoát được cái khổ lớn của tâm, thì mới có thể thành Phật được. Và khi thành Phật rồi thì bạn sẽ nhìn thấy các pháp trong thực tại này đều là bình đẳng. Có nghĩa là mọi vật do tạo hóa sinh ra đều bình đẳng, con người sống trong xã hội này cũng đều là bình đẳng. Điều này nó đả phá đi cái ý chí phân biệt của con người, do bởi các mệnh đề có giá trị do mình lập ra.
Tuy nhiên, khi nói các pháp bình đẳng, là nói giữa các pháp hữu vi trong thực tại với nhau thôi, ví dụ như cục vàng và cục đất đều có giá trị như nhau. Chứ không thể nói pháp hữu vi và pháp vô vi bình đẳng như nhau được. Nhớ là đừng lầm lẫn chỗ này. Vì một pháp vô vi là chứa đựng tất cả các pháp hữu vi mà. Mô hình của nó có hình dáng như là một cái nón lá vậy. Có nghĩa là nó có hình chóp nhọn, và một pháp vô vi là cái đầu chóp nhọn của cái nón lá đó, còn các pháp hữu vi là cái vành nón lá. Do đó nếu kéo dài mãi ra thì cái đầu vành nón lá sẽ kéo rộng lớn ra mãi chứa đựng cả cỏi tam thiên đại thiên thế giới này. Và tương tự như vậy, nếu kéo dài mãi ra, thì cái đầu chóp nhọn của cái nón lá đó sẽ nhỏ xíu lại chỉ là một mà thôi. Nhưng cái một này là vô hình, là không tướng, bất sanh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm. Cho nên mới nói nếu tu mà thông một pháp vô vi, thì sẽ thông hết các pháp hữu vi. Cũng như tu tới chỗ vô niệm thì sẽ dứt hết tất cả các niệm khổ.
Tương tự như vậy, cái một pháp vô vi lớn này, nếu đem đối xứng với cái bản ngã, thì nó là pháp vô ngã. Tuy nhiên để giải thích chỗ này có hơi rắc rối. Sở dĩ con người ta có cái bản ngã, là do bị các pháp hữu vi nó đè lên cái tâm của mình. Bây giờ cái bản ngã đã thành vô ngã rồi, thì các pháp hữu vi đó, nó không có đè lên cái tâm của mình nữa, nên có thể gọi các pháp hữu vi mới này là các pháp vô ngã. Có nghĩa là các sự vật trong thực tại lúc này nó đã được tự do, vì nó không còn bị đánh giá bằng các giá trị của con người nữa.
Do đó không thể nói rằng các pháp vô ngã là không cố định và luôn thay đổi, là vô thường, nếu ai nói như vậy là sai lầm nghiêm trọng.
Vì nếu nhìn về sự vật (hữu vi) có tính chất vô ngã trong đó, là sự tự do và bình đẳng của nó với nhau. Tuy nhiên chúng ta nên biết, tất cả các pháp hữu vi đều có chứa bên trong nó một pháp vô ngã như nhau. Và điều quan trọng là trong chúng ta, là ai đã nhìn ra cái pháp vô ngã ở trong các sự vật đó chưa, thì đó mới là điều đáng nói. Và nếu chúng ta nhìn ra thì chúng ta có thể nói là "các pháp vô ngã". Và chính vì mọi vật trên đời này đều có một pháp vô ngã trong lòng nó, cho nên mọi vật trên đời này mới đều rất thiêng liêng, và nếu ai nhìn thấy được điều đó, thì sẽ thoát khỏi cuộc sống trần tục này rồi…
Còn nếu nhìn về tâm vô ngã, là cái tâm không còn thấy vật (hữu vi) nữa, mà cái tâm này nhìn đâu cũng thấy không, nên không còn chấp với cái gì nửa. Có nghĩa là nó đã bốc tách hết tất cả các lớp bám dính bên ngoài của nó đi rồi, mà nó chỉ còn lại cái lõi thôi, và cái lõi này là bất biến không thay đổi. Vì thế cho nên thời đại có thay đổi đến đâu đi nữa, thì chân lý vẫn không thay đổi là như thế.
Vì nếu bạn chấp có, là do bạn thấy có, rồi chấp vào nó. Nhưng cái có này là hữu vi nên nó sẽ không cố định và luôn thay đổi, và như vậy là bạn còn chấp vô nó nữa nên bạn mới khổ nhiều.
Vì nếu bạn chấp không, là cũng do bạn thấy có, nên bạn mới khước từ nó, và ra sức phủ nhận nó và xem nó là không. Nhưng điều này cũng dẫn đến sai lầm, vì bạn trở nên cực đoan và không công bằng với các pháp, là không nhìn được tính chất vô ngã trong các pháp.
Nhưng nếu như bạn nhìn thấy trên đời này cái gì cũng là không hết, thì bạn sẽ hết chấp, vì nó là không, là vô tướng, là không có gì hết thì chấp vào đâu bây giờ. Cái đó mới gọi là pháp vô ngã. Vì đơn giản rằng, pháp vô ngã là không còn chấp như cái bản ngã nữa. Tuy nhiên, nói "pháp vô ngã" thì nên dùng để xét về sự vật thôi, thì chính xác hơn.
Nhưng trong việc tu hành của mình muốn chạm tới chân lý, thì bạn phải giác ngộ rốt ráo hết tất cả, thông suốt hết tất cả thì mới được. Vậy giác ngộ là gì?
Cho nên có thể nói sự việc giác ngộ sẽ xảy ra như sau:
Giả sử tinh thần của con người chúng ta như cái ống, mà một đầu ở ngoài là hợp lý, còn đầu kia ở trong là bất hợp lý. Nhưng đầu óc con người chúng ta chỉ hiểu được mỗi một đầu là hợp lý thôi, còn cái đầu bất hợp lý kia thì không hiểu. Do đó cái ống tinh thần này đã bị bịt kín đi một đầu rồi. Và như thế thì chúng ta càng sống, thì lại càng đem vô trong tinh thần mình biết bao nhiêu thứ, bao nhiêu là vấn đề kiến thức này kia nọ, mà mỗi ngày càng nhiều hơn, cho nên tinh thần của chúng ta mới luôn đau khổ nặng nề quá. Vì một đầu nó bịt kín rồi như cái túi chứa rác vậy đó, vì thế không có lối thoát và chúng ta phải chịu đựng đau khổ hoài.
Vậy cho nên người giác ngộ là khi "sực hiểu ra" tất cả các điều "bất hợp lý" trên đời, thì liền đó cái đầu bị bít kín kia được tháo ra ngay, thông suốt ngay. Và khi cái ống nó thông suốt rồi, thì bao nhiêu rác rưởi trong đầu đều được bỏ đi hết. Mà bỏ đi hết thì hết áp lực, nên cũng hết đau khổ luôn, và ngay đó là niết bàn rồi. Tuy nhiên, thông thường chúng ta hiểu những cái hợp lý bằng lý trí, và bây giờ nếu chúng ta muốn hiểu cái bất hợp lý thì sao. Là chúng ta phải hiểu bằng tình yêu, bằng trái tim thì mới qua được.
Vậy sự việc giác ngộ, đốn ngộ xảy ra là như thế. Do đó các thiền sư ngày xưa như Lâm Tế chẳng hạn, thường "đánh, hét" làm những việc vô lý quá chừng, để dạy dổ học trò mau hiểu ra cái yếu chỉ "bất hợp lý" này của nhà thiền mà thôi. Vậy giác ngộ là bổng một hôm ta thông hiểu ra hết tất cả những điều bất hợp lý trên đời. Và ngay lúc đó đau khổ cũng chấm dứt luôn. Ha ha!
Và khi tổ Huệ Năng giác ngộ rồi, thì mới dám nói là “bản lai vô nhất vật” có nghĩa là trong tâm mình đã đạt đến cái chỗ không còn ý thức nữa. Và trong kinh Trung Bộ, Đức Phật cũng đã nói rằng: “Nếu còn một chút ý thức như đất trong móng tay, thì đạo của ta không thành” Vì thế tu tới Phật đạo rồi, thì không còn tục đế nữa, không còn lý trí và tình cảm gì nữa, mà chỉ có tuệ giác và tình thương yêu. Là yêu thương vô điều kiện, chứ không còn phân tích đánh giá đối tượng mình yêu thương là cái gì nữa. Cho nên nếu bạn muốn giác ngộ, thì trước tiên phải lìa ý thức trước đã, và chỉ nhìn cuộc sống bằng con mắt thương yêu mà thôi.
Vì ý thức là dùng để nắm bắt bên ngoài, chứ không phải dùng để nhận thức bên trong. Ý thức là để có phước báu trong cuộc sống, chứ không thể mang nó bước qua cửa không môn được.
Và người tu sơ cơ thì tu bằng ý thức, là giống như học sinh đi học nghe thầy cô giáo giảng bài vậy. Người tu sâu đến lúc tự chủ, tự tu rồi thì không cần dùng ý thức nữa. Vì ý thức là giới hạn của tục đế, và tạo ra kinh nghiệm. Nhưng tu hành không cần kinh nghiệm, mà cái cần trong tu hành là sự trải nghiệm (công đức) mà thôi.
Người tu giỏi bằng ý thức là người đa văn, học giỏi trên sách vở kinh sách, là các học giả nhiều chữ nghĩa, chứ không phải là các hành giả tu thiền để trở thành thiền sư. Vì nó khác nhau ở chỗ, là một đằng càng tu, là càng ôm vô cho nhiều, còn một đằng là càng tu, là càng bỏ bớt đi cho hết sạch thì thôi...
Cho nên chánh pháp từ gốc là không, là sự chứng ngộ của tâm, là kết quả của tư duy tổng hợp. Chứ chánh pháp không phải là sự phân tích giảng trạch của ý thức, nơi cái ngọn phô trương của sách vở chữ nghĩa. Vì thế người ta cứ nghiên cứu Phật pháp trên sách vở chữ nghĩa mà giảng trạch ra mãi, là càng xa rời chánh pháp mà thôi. Vì ra đi thì có trăm ngàn đường để đi, (phân tích) nhưng khi trở về thì chỉ có một đường thôi, đó là trở về với cái bản tâm của mình, bằng tư duy tổng hợp.
Vì thuyết Trung Dung của nhà Nho, thì con người sống phải cân bằng giữa tình cảm và lý trí là tốt lắm rồi, đó là tục đế. Nhưng theo thuyết Trung Đạo của nhà Phật, thì phải thấu hiểu và yêu thương, đó chính là từ bi và trí tuệ, là tuệ giác và tinh thần vô ngã vị tha, là chân đế. Vậy nên sống trong đời thường, hay tu hành gì cũng vậy, phải sống và làm được hai cái này thì mới gọi là thành công.
Vậy chúng ta thấy rằng, lý trí và tình cảm là tục đế, còn tình yêu và tuệ giác là chân đế, là Phật đạo. Vậy từ đây chúng ta xét luật nhân quả, mà mọi người đều tin tưởng nhất, là nó nằm ở đâu. Tôi xin thưa rằng, đó chính là lý trí và tình cảm, là tục đế. Nhưng trong chân đế bao giờ cũng có chứa tục đế trong nó, cũng như trong nhất nguyên đều có chứa nhị nguyên trong đó rồi. Vậy nếu bạn thật hiểu thì có nghĩa là Phật đạo chân đế, nó thoát ra ngoài luật nhân quả rồi. Vì ở đây sẽ có những điều kỳ diệu của trực giác, mà bằng logich hợp lý của tục đế, chúng ta không thể phân tích đánh giá được. Do đó có nghĩa là luật nhân quả, nó cũng không tuyệt đối chính xác như chúng ta tưởng, mà nó còn tùy thuộc vào từng hoàn cảnh cụ thể nữa.
Vì cũng là những kẻ giết người như nhau, nhưng tại sao có khi luật pháp lại xử người tử hình và có người chỉ bị xử ở tù thôi. Ấy là khi người ta xử người này xưa nay nhân thân tốt, gia đình có công với cách mạng, nên có chỗ giảm nhẹ hình phạt. Còn người kia khi xét ra thì không có gì để cứu vãng được cả nên phải mắc tội chết. Do đó, luật nhân quả cũng vậy. Người có phước đức nhiều thì khi gặp tai nạn cũng được giảm đi được nhiều, còn người kém phước thì khi gặp tai nạn thì phải chết thôi. Do đó luật nhân quả cũng không phải là tuyệt đối, và quả báo cũng không có cố định như nhau. Vậy cho nên luật nhân quả chỉ chính xác không sai chạy trong cõi đời tục đế của chúng sanh mà thôi, chứ đối với Phật đạo thì luật nhân quả cũng không với tới.
Tóm lại, khi tinh thần đau khổ quá mức chịu đựng, thì bạn nên tu các phương tiện bên ngoài theo tông Tịnh Độ. Vì tu bằng các phương tiện bên ngoài như niệm Phật tụng kinh là rất dễ tu, mà hiệu quả giảm bớt đau khổ rất nhanh. Và khi cơn đau qua rồi, thì bạn mới tu thiền tri vọng là tốt nhất. Và việc tu hành thoát khổ thì bạn phải hiểu là vô hạn, là lúc nào cũng phải tu hết mới được. Còn bạn muốn ngộ đạo thì lúc nào tinh thần cũng phải quyết tâm thấu hiểu được những cái “bất hợp lý” trên đời. Bạn cứ sống lầm lũi hết mình bằng tình yêu, và chỉ suy nghĩ đến một điều đó thôi. Vì đó là con đường đi nhanh nhất trong việc tu hành, đừng có ham nhiều thứ lang mang chẳng ích lợi gì. Thậm chí tam độc tham sân si cũng chẳng cần để ý, mà bạn chỉ để tâm đến cái công án mà mình đang theo đuổi thôi. Bạn phải cố gắng sửa đổi cái dòng suy nghĩ của mình sao cho đúng chánh kiến, chánh đạo. Nếu căng quá sắp phát điên lên, thì bạn hãy quay qua tu bằng các phương tiện khác cho nó khoay khỏa, song lại tiếp tục cuộc chiến đấu vinh quang của mình. Nếu bạn quyết tâm, thì sẽ có giác ngộ, và đó chính là món quà xứng đáng nhất mà đức Phật trao cho bạn đó.
Tuy nhiên, nói “hiểu cái bất hợp lý” thì không phải dễ, vì nó phải phù hợp căn cơ mới được. Bạn phải hạ mình xuống thật thấp hơn mọi người, phải biết cám ơn nghịch cảnh, phải yêu thương chân thành, và mang ơn đối với những người đã vô lý đánh mắng bạn, vu oan giá họa cho bạn, là những người luôn tìm cách hảm hại bạn. Vì tất cả những điều này, chính là cái nhân tốt nhất cho bạn đi đến chỗ ngộ đạo đó.
Kính chúc các bạn lên đương may mắn và thành công huy hoàng!
Hà Hùng
Thích Hoằng Toàn
25/8/2019
- Thành tâm kính nguyện Dương Kinh Thành
- Chùa Phổ Hoá tổ chức Trai đàn Dược Sư Thất Châu cầu an diên thọ Quảng Ấn
- Ban Giáo dục Phật giáo TP. Hồ Chí Minh thăm, làm việc với Ban Trị sự, Ban Chủ nhiệm lớp sơ cấp Phật học huyện Củ Chi và quận 3 Quang Tròn
- Ban Giáo dục Phật giáo TP. Hồ Chí Minh thăm, làm việc với Ban Trị sự, Ban Chủ nhiệm lớp sơ cấp Phật học TP. Thủ Đức, quận 8 và quận Tân Bình Quang Tròn
- Đẩy nhanh tiến độ biên soạn Từ điển Phật giáo Việt Nam Minh Đức - Quang Tròn
- Đại lễ Vu Lan tại Praha Ảnh: HACAN Tin: TW HỘI PTVN TẠI CH SÉC
- Tóm lược nội dung pháp thoại của TT. Thích Nhật Từ Admin
- Tổ đình Minh Quang (An Khê, Gia Lai): Lễ Tưởng niệm Hòa thượng Ân sư Thích Giác Đạo Lệ Thanh
- Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con Tâm Minh
- Chùa Giác Ngộ: Doanh Nghiệp Xuân Trường Đến Cảm Ơn TT. Thích Nhật Từ và Quỹ Đạo Phật Ngày Nay Nhân Thành Công Đại Lễ Vesak 2019 Tin: Thích Ngộ Trí Viên, ảnh: Ngộ Trí Thuận
- Tại sao Tam Bảo là ba ngôi báu quý hiếm Tâm Tịnh
- Khánh Hòa: Hơn 200 Phật tử tham dự khóa tu Bát quan trai tại chùa Lộc Thọ Quảng Ấn
- Chùa Giác Ngộ: Xúc Động Lễ Thế Phát – Truyền Giới Khóa Tu Xuất Gia Gieo Duyên Kỳ 06 Tin: Thích Ngộ Trí Viên, Ảnh: Ngộ Trí Thuận
- Thái Bình: Một số tại Đông Hưng, Quỳnh Phụ tổ chức lễ Vu Lan Nhuận Nguyện
- Khánh Hòa: Tổ đình Nghĩa Phương Nha Trang lễ Tạ pháp An cư Kiết hạ Trí Bửu
Đánh giá bài viết này
Cùng tác giả
Được quan tâm nhất


Gửi bình luận của bạn
BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)