Hiểu cho đúng khái niệm: Khổ và Cứu khổ trong giáo lý đạo Phật

Đã đọc: 1938           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Người ta thường gọi đạo Phật là đạo cứu khổ. Do đó, có nhiều người hiểu lầm rằng đạo Phật chủ trương cuộc đời toàn là khổ não, cho nên có một số người theo đạo trở nên tiêu cực, bi quan, yếm thế.

Thực chất, đạo Phật chỉ cho đệ tử nhận thức sự vật một cách đúng dắn: nhận thức được chân tướng của sự vật cũng như của cuộc đời, và từ nhận thức đó chỉ dẫn cho đệ tử con đường tu hành để đạt đến một cuộc sống an lạc, hạnh phúc, tức cũng là lộ trình đưa đến sự giải thoát.

Trong cuộc sống đó con người được hoàn toàn giải phóng, được hoàn toàn tự do, vì đã thắng được ngũ dục, con người thể hiện hoàn toàn bản chất của mình, nói một cách khác, con người thoát được khỏi sự áp bức của dục vọng.

Cuộc sống đó là cuộc sống hạnh phúc, đó là cảnh giới Niết-bàn. Tuy vậy đạo Phật không ru người ta vào ước mơ một cảnh giới Niết-bàn thiếu thực tế, mà hướng dẫn họ tu để hiểu cho được cảnh giới “hữu dư” Niết-bàn (tức cảnh vui an lạc ngay tại thế gian này) và đạo Phật cũng không làm cho người ta sợ vì một cảnh giới địa ngục như ta thấy các tôn giáo đa thần quyền mô tả.

Còn chữ khổ trong kinh sách Phật là gì? Và tại sao người không tu dưỡng lại khổ! Để rồi, Phật và Bồ-tát cứ phải lo cứu khổ?

Theo các dịch giả thông tuệ Phạn ngữ cho hay: Chữ khổ dịch từ chữ Phạn Dukkha - Danh từ khổ chưa dịch được hết nghĩa chữ Dukkha. Dukkha còn có nghĩa rộng hơn nhiều: Dukkha là không thường còn, là không hoàn toàn, là hư giả, không có thực thể, là vô thường.

Ta thấy rõ ràng chữ khổ không lột được hết nghĩa chữ Dukkha và làm cho một số người hiểu lầm là đạo Phật phủ nhận tất cả những cái gì mà người thế gian cho là lạc thú, và chủ trương tất cả chỉ là khổ đau, cuộc đời là một bể khổ...!

Cách hiểu trên là hết sức sai lầm.

Trong Pháp tướng Duy thức, có nói đến 3 loại thụ (tức thọ): Khổ thụ-Lạc thụ và Xả thụ.

Vậy sao lại nói tất cả chỉ là thụ. Rõ ràng đạo Phật không phủ nhận cảnh vui trong thế gian (lạc thọ) và còn nói đến nhiều hình thức vui. Nhưng những cái vui ấy và những cái khổ đều nằm gọn trong danh từ Dukkha.

Hơn nữa, khi người tu hành đạt tới những trạng thái thiền định cao siêu của sơ thiền, nhị thiền, tam thiền và tứ thiền, thì những lạc thụ siêu thoát ấy cũng nằm trong Dukkha, vì chưa thoát khổ Tam giới vô thường và hư giả.

Vậy khi Phật nói đến Dukkha, mà ta dịch là khổ thì Phật không khuyên ta tránh khổ (thụ khổ) tìm vui (lạc thú), vì khổ thụ và lạc thụ đều nằm trong danh từ Dukkha cả.

Tu dưỡng theo ý Phật là tránh cái Dukkha ấy.

Giải thoát là giải thoát cái Dukkha ấy, chứ không phải tránh khổ tìm vui như ta nghĩ.

Dukkha có thể dịch là khổ, nếu ta hiểu khổ không phải chỉ là khổ thọ. Và khi ta nói đến cái vui giải thoát thì giải thoát chỉ có thể gọi là vui, nếu ta hiểu vui đây không phải là lạc thọ.

Để người không tu dưỡng hiểu rõ được 2 chữ khổ, vui, có một chuyện như sau:

Có hai con gà tranh cãi nhau về vui, khổ trong cái lồng mà người ta nhốt chúng để rồi một lát sau, mang chúng đi giết thịt. Ở trong cái lồng đó, chúng tranh cãi nhau về cái ngon của thóc và ngô mà người ta cho chúng ăn, và không nghĩ đến chỉ một lát sau là cả hai con đều bị người ta mang đi giết thịt.

Cái vui, cái khổ của người không tu dưỡng cũng chẳng khác gì cái vui, cái khổ của hai con gà trong lồng, một thứ vui, khổ hư giả, ngắn ngủi, không phải là thực vui.

Dukkha gồm có cái vui, cái khổ ngắn ngủi, hư giả, xây dựng trên vô thường, vô ngã.

Cái vui mà hai con gà phải tìm đến là cái vui được ăn ngon để chốc lát bị người ta mang đi giết thịt, cái vui ấy là cái vui hư giả, nhất thời.

Đúng lý ra, hai con gà phải tìm đến cái vui thoát khỏi cái lồng, cái vui khỏi bị giết thịt, cái vui giải thoát.

Vấn đề khổ, vui của người không tu dưỡng cũng thế. Khổ thụ, lạc thụ đều xây dựng trên vô thường, vô ngã, nên đều gồm trong Dukkha cả.

Đạo Phật chủ trương phải giải thoát con người khỏi Dukkha đưa con người đến cái vui không tan biến với vô thường, cái vui đó khác hẳn cái vui (lạc thú) thế gian, nó mỏng manh, nhất thời và hư giả. Đó là ý nghĩa đúng đắn về khổ và cứu khổ trong đạo Phật.

Người không tu dưỡng thì nhận thức về con người, về cuộc sống một cách sai lầm, nên mới bị khổ não.

Nhận thức thế nào là sai lầm?

Nhận thức sai lầm là không học, không thấy được lý nhân duyên sinh, thuyết vô thường, vô ngã, thuyết trùng trùng duyên khởi của sự vật, nên sống bám vào sự vật, tưởng sự vật là bất biến, trong khi sự vật chuyển biến không ngừng, cho nên lúc nào cũng sống trong phiền não khổ đau.

Về khổ kinh Phật cũng phân tách gồm:

1-    Khổ khổ (Dukkha Dukkha).

2-    Hoại khổ (Vipaninama Dukkha).

3-    Hành khổ (Sankhara Dukkha).

Khổ khổ: Là những khổ thụ (thọ) trong cuộc sống như sinh, lão, bệnh, tử; ghét nhau mà phải sống gần nhau, yêu nhau mà phải sống xa nhau, ước vọng mà không được toại nguyện, sống trong một xã hội áp bức bất công, tội lỗi hoành hành, đạo đức nhân phẩm bị chà đạp.

Tất cả nhưng đau khổ về thể xác và tâm hồn đều xếp vào loại khổ khổ.

Hoại khổ: Là những cảm giác vui (lạc thụ) trong cuộc sống không tồn tại mãi được, đều bị luật vô thường chi phối, trước sau rồi cũng phải chấm dứt. Khi ấy thì lạc thụ sinh ra khổ thụ.

Thí dụ: Thân ta muốn nó trẻ, khỏe mãi, không muốn nó già yếu đi, nhưng nó cứ bị luật vô thường chi phối, nó sẽ tan rã, sẽ già, sẽ chết.

Vậy sự chuyển biến, diệt hoại của lạc thụ cũng là Dukkha và xếp vào loại hoại khổ.

Hành khổ: Cái khổ thứ ba mà người tu Phật phải hiểu và định nghĩa chữ Ta. Theo Phật thì cái ta là một sự kết hợp của 5 uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức). Cái ta ấy nó chuyển biến không ngừng trong cả hai phần vật chất và tinh thần, cái ta ấy là vô thường, biến đổi trong từng phút, từng giây, từng sát-na.

Vậy rõ ràng cái ta, không thể cho nó là trường tồn, là bất biến.

Nhưng năm uẩn đó tương quan tương duyên, tác động kết hợp với nhau thành một cơ thể sinh lý và tâm lý, thì người không tu học thấy liền đó là một thực thể trường tồn, bất biến, nên bám lấy cái Ta ấy, không muốn rời nó ra để hưởng lạc, nên luật vô thường tác động làm cho con người phiền não khổ đau.

Đó là một nhận thức sai lầm. Duy thức học gọi là, ngã kíến, ngã si. Rõ ràng do nhận thức sai lầm về cái ta mà người không tu dưỡng đã tự mình gây cho mình đau khổ, phiền não và cho đời người là khổ.

Trái lại, người tu học giác ngộ giáo lý đạo Phật, qua thuyết vô thường, vô ngã, thuyết nhân duyên sinh…thì không bao giờ thấy đời là khổ, mà còn thấy đời và cuộc sống của mình là an lạc, tự tại, hướng thượng - giải thoát.

Đứng về nhân sinh quan, Phật không khuyên ta tránh khổ tìm vui, nhất là những thú vui thấp hèn, những khoái lạc do ngũ dục mang lại, ví đó cũng là nguồn gốc của khổ thọ. Thực tế hiện nay, không ít Phật tử còn hiểu lầm ‘bỏ khổ tìm lạc’. Tu Phật không phải bỏ khổ, tìm lạc (vui), bởi khổ và lạc chính là căn bản của phiền não!

Vì vậy , Phật khuyên đệ tử phải diệt dục vọng, chớ có cam tâm làm nô nệ cho dục vọng, mà phải bồi dưỡng thêm cho mình hạnh từ bi để giảm bớt đau khổ trong cuộc sống mang lại an vui, hạnh phúc cho mọi người. Nhân nói về việc tu, xin bàn quá sang cụm từ “Tám vạn bốn ngàn pháp môn” mà bấy lâu nay chúng ta cũng thường hiểu sai lầm. Theo HT Giới Đức: Đạo Phật có nói đến “tám vạn bốn ngàn pháp uẩn (dhammakhandha) chứ không nói đến tám vạn bốn ngàn pháp môn (dhammadvara). Uẩn (khandha) ngoài nghĩa che lấp, che mờ và nghĩa chồng lên, chồng chất, còn có nghĩa là nhóm, liên kết, tập hợp ví như Giới uẩn (nhóm giới), Định uẩn (nhóm định), Tuệ uẩn (nhóm tuệ). Do từ uẩn (khandha) lại dịch lệch ra môn - cửa (dvara) pháp môn nên ai cũng tưởng là có tám vạn bốn ngàn pháp môn, tu theo pháp môn nào cũng được!”

Ai là người có thể đếm đủ tám vạn, bốn ngàn của pháp này? Còn nữa, xin lưu ý, tám vạn bốn ngàn chỉ là con số tượng trưng, có nghĩa là nhiều lắm, đếm không kể xiết theo truyền thống tôn giáo và tín ngưỡng Ấn Độ thời cổ. Ví dụ 84 ngàn lỗ chân lông, 84 ngàn vi trùng trong bát nước, 84 ngàn phiền não, 84 ngàn cái tưởng của tánh người, 84 ngàn cách tu…”

Trở lai vấn đề nêu trên, do nhiều người không tìm hiểu sâu giáo lý sâu mầu của đạo Phật, nên hiểu sai chữ Khổ và Cứu khổ của Phật giáo. Do phạm vi và giới hạn  của bài viết này, ở đây không thể nói hết được nội dung của giáo lý Tứ Diệu Đế mà đức Phật đề cập về sự khổ và giải pháp diệt khổ trong giáo lý, (1) mà chỉ có thể tóm lược đôi nét quan trọng liên quan đến bài viết để chúng ta có cái nhìn đầy đủ hơn về chữ khổ và cứu khổ trong giáo lý mà đức Phật nêu ra. Ta hãy nghe Thế Tôn khi còn tại thế Ngài đã khẳng định với các đệ tử về sự khổ như sau: “Ta giảng cho các ngươi nghe những gì? Ta giảng về sự Khổ, những nguyên nhân của sự khổ, sự diệt khổ và con đường đi đến diệt khổ. Những điều ta giảng có lợi cho các ngươi, vì nó dẫn dắt cho các ngươi đến chỗ giải thoát”. Trong kinh Pháp Cú, đức Phật còn xác định rõ: “Con đường cao thượng nhất là Bát chánh đạo. Chân lý cao nhất là Tứ diệu đế”. Tư tưởng cốt lõi của Chuyển Pháp luân là luận về thuyết “Tứ diệu đế” còn được gọi là “Tứ Thánh đế” ; và giáo lý này, các nhà nghiên cứu đạo Phật cũng như các học giả Tây phương còn gọi đây là “Bốn sự thật cao quý”.

Vậy, sự thật cao quý như thế nào?

Cao quý bởi 4 nội dung: “Khổ đế” (là giải nghĩa những nỗi khổ đau trên đời).

“Tập đế” (phân tích nguyên nhân gây ra nỗi khổ đau của con người).

“Diệt đế” (trình bầy phương pháp diệt khổ, chứ không phải chỉ nêu ra hiện tượng khổ).

“Đạo đế” (hướng dẫn con người đi đến giải thoát chấm dứt khổ đau).

Như vậy, 2 Đế đầu đức Phật nói đến khổ và nguyên nhân dẫn đến khổ đau của chúng sinh. Và 2 Đế sau, Ngài nói đến phương pháp giải thoát hoàn toàn khổ đau. Vậy nói, đây là giáo lý cơ bản, là nguồn cội của Phật học. Thế nên Tứ diệu đế mới gọi là Pháp bảo trong Tam-bảo.

Khi tìm hiểu và nghiên cứu Tứ diệu đế các học giả châu Âu và phương Tây cho đây là “Bốn Lẽ Thật Sâu Mầu”. Và Giáo sư - sử học Rhys Drd khi đề cập về giáo lý này ông phát biểu: “Dẫu là Phật tử hay không là Phật tử, tôi đã nghiên cứu từng hệ thống tôn giáo lớn trên thế giới, trong tất cả tôi không tìm thấy một tôn giáo nào có vẻ đẹp hoàn toàn như Tứ diệu đế và Bát chánh đạo của đức Phật; và tôi chỉ còn việc sửa soạn nếp sống để theo con đường đó”.

Trong thời đại chúng ta ngày nay, thấm nhuần đạo lý cứu khổ, Phật tử còn phải dùng đại hùng đại lực của hạnh từ bi - chống nguyên nhân sinh ra khổ đau cho con người, đó là chế độ người bóc lột người, để giải phóng các dân tộc đang bị sống trong sự khổ đau của áp bức, nhằm xây dựng một cuộc sống bình đẳng, tự do, hạnh phúc, hòa bình cho các dân tộc.

Cứu khổ ngày nay đang mang thêm một nội dung có tính chất xã hội, đó là một vấn đề cấp thiết đặt ra cho các Phật tử - những con người giàu lòng từ bi.

 

Cư sĩ: Nguyễn Đức Sinh

 

Chú thích: (1) Giáo lý: Tứ Diệu Đế là giáo lý căn bản của Phật giáo, muốn tìm sâu thêm giáo lý quan trọng này chúng ta có thể tìm đọc ở các cuốn Phât học Phổ thông của các HT. Thích Thanh Từ, Thích Thiện Hoa…

Tài liệu tham khảo:

-Kinh A Hàm.

-Kinh Pháp Cú.

-Phật học Phổ thông – Cố HT. Thích Thiện Hoa.

-Bài: Khổ và cứu khổ trong giáo lý Nhà Phật – Văn Thể - (TCNC-PH . số 5/2003)

 

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

5.00

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập