Chuyện ở mái ấm, nhà mở

Đã đọc: 2526           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Giữa cái khắc nghiệt của cuộc sống lang thang vẫn có những đứa trẻ cơ nhỡ tìm được một mái ấm bình yên, ở đó các em được những con người thầm lặng hy sinh tất cả để chăm lo, dạy dỗ nên người… tất cả họ đã và đang tiếp tục là những đóa hoa vô thường, góp phần điểm tô cho cuộc sống mà ở đó tình người, lòng nhân ái bao dung đang từng ngày được nhân lên.

Trưởng thành từ phận đời cơ nhỡ

Cảm thông trước những cảnh đời bất hạnh, các sư cô trong chùa Diệu Giác đã không ngần ngại cực nhọc, khó khăn, ngày đêm lo xoay xở nhiều cách để có tiền lo cho mái ấm với 126 trẻ mồ côi ăn học. Bằng tấm lòng nhân ái bao la, chùa Diệu Giác đã giúp trẻ có một mái ấm an toàn, gần gũi như một gia đình để ổn định tâm lý, xoa dịu nỗi đau bất hạnh cho các em.

Ngoài việc học ở trường, mái ấm còn tạo điều kiện cho trẻ được học ngoại ngữ, tin học, tư vấn HIV vì nơi đây có khoảng 15-20% trẻ em có cha, mẹ có HIV đã qua đời. “Mẹ sẽ cho con một thoáng cười hiền, khi mà gai đời vỡ gót chân con, khi cảnh đau buồn dập nát tim con… Mẹ luôn nhớ con, mẹ luôn tìm con mẹ hiền…”.

Câu hát về mẹ với bao khát khao của những đứa trẻ mồ côi, lang thang… không khỏi khiến khách đến vãng cảnh chùa động lòng.

 

 
Điều kiện vật chất không kém một lớp học bình thường.

Chùa Long Hoa, một mái ấm nữa cho trẻ lang thang, cơ nhỡ ở phường Phú Mỹ, quận 7 cũng đang tiếp nhận 110 trẻ mồ côi, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Tất cả các em đều được đến trường, trong đó có 7 em đang học đại học, cao đẳng và 2 người vừa tốt nghiệp cử nhân, có việc làm ổn định bước đầu quay về giúp đỡ các em lớp sau bằng chính những đồng lương của mình.

Nhớ lại những ngày đầu mới thành lập, thầy Đỗ Dương Úy - Trưởng ban Giáo vụ trường không khỏi bùi ngùi: Ngày đó, học sinh quậy lắm, đánh lộn om sòm. Thật sự có lúc cũng nản lắm, chỉ muốn bỏ cuộc. Nhưng rồi nhờ sự kiên trì, bằng tình thương và trách nhiệm, các thầy các cô đã cố gắng bám trụ với một niềm tin: Ngày mai các em sẽ đổi thay!

Trường đã mời các chuyên gia như: Bà Phan Thị Thanh Minh tới nói chuyện về phòng chống tác hại HIV/AIDS; bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc tuyên truyền về vệ sinh cá nhân, an toàn thực phẩm. Mời Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh quận 7 nói chuyện về ngày Thương binh, liệt sĩ 27-7, ngày giải phóng miền Nam 30-4… Các em không chỉ được học văn hóa, mà quan trọng hơn là được học cách làm người.

Cách chùa Long Hoa không xa là chùa Huyền Trang ở thị trấn Nhà Bè. Ngoài việc phục vụ sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh cho bà con phật tử xa gần, nhà chùa còn thành lập mái ấm tình thương cưu mang hơn 40 em mồ côi hoặc bị gia đình bỏ rơi. Các em được học văn hóa, học nghề, học vi tính, ngoại ngữ; được hướng dẫn những kiến thức trong cuộc sống nhằm giúp các em tự chăm lo bản thân, tự tin bước hòa nhập vào đời.

 

 
Giờ sinh hoạt tập thể của trẻ em tại nhà mở. Ảnh: Đ.T

Không chỉ có vậy, Chùa Huyền Trang còn mở rộng cửa từ bi, cưu mang thêm 20 cụ già neo đơn để các cụ có chốn đi về, an hưởng phần đời còn lại. Hằng tháng, chùa đều đặn tổ chức bữa cơm dinh dưỡng cho người già, vận động phật tử quyên góp phát quà tình thương cho 70 cụ ở ngoại trú… Chỉ riêng năm 2010, các sư thầy và phật tử chùa Huyền Trang đã đóng góp cho công tác từ thiện tổng số tiền gần 3 tỷ đồng…

Giữ mãi nụ cười cho trẻ bất hạnh

Ở những mái ấm này, hầu hết các giáo vụ đều làm việc không lương, vì cảm mến mà tự nguyện chăm lo, dạy dỗ các em nên người. Trong lúc trò chuyện với thầy Úy ở chùa Long Hoa, chúng tôi được thầy kể cho nghe nhiều câu chuyện cảm động về những học trò ở đây, trong đó có em Nguyễn Trí Dũng.

Hơn 10 năm trước, mẹ của Dũng là công nhân tạp dịch cho một công ty của Hàn Quốc, quan hệ với ông chủ Hàn Quốc rồi sau đó sinh ra em. Nhưng thời gian sau, công ty chuyển sang hoạt động ở một nước khác, ông chủ cũng cao chạy xa bay. Không vượt qua được cảnh nghèo túng, bà mẹ đã nhẫn tâm bỏ lại đứa con ở nhà trọ cất bước ra đi. Dũng được người chủ nhà trọ tốt bụng đưa đưa vào chùa Long Hoa. Hiện Dũng đang học lớp 9. Suốt chín năm liền, em luôn là học sinh khá, giỏi và rất ngoan hiền.

Trường hợp của em Đoàn Quốc Hùng (22 tuổi), ngụ Đồng Nai lại khá đặc biệt. Nhà nghèo, cha mất sớm. Mẹ phải đi nhặt củi trong rừng về bán kiếm từng đồng nuôi con. Dù nghèo nhưng Hùng cũng cố gắng theo học lớp học tình thương tại địa phương để biết cái chữ. Năm học lớp 2, Hùng được thầy giáo tặng cho một cái thước gỗ rất đẹp, em rất quý nó, nhưng sau đó bị mấy đứa bạn giành lấy và đánh em túi bụi. Nhiều ngày sau em vẫn bị đám bạn cho ăn đòn và sợ không dám đến lớp. Sau đó, em được địa phương giới thiệu tới trường Long Hoa. Ban đầu tới trường, em có vẻ buồn, ít nói, nhưng khi được thầy Úy cho đi học võ thì Hùng đồng ý ngay bởi mục đích của em là học võ để trả thù đám bạn ở quê nhà. Nhờ quá trình khổ luyện mà 5 năm qua Hùng đã đạt nhiều giải cao trong các kỳ đại hội võ thuật.

Đặc biệt là tấm Huy chương Vàng hạng cân 60kg, giải Judo trẻ - Thiếu niên toàn quốc năm 2008 tổ chức tại Vũng Tàu. Ngày Hùng về quê, đám bạn ngày trước tụ tập nhau ra tận bến xe đón và tôn Hùng làm thầy. Hùng chưa kịp ngạc nhiên thì mấy đứa bạn đã bảo: “Thầy cho tụi em xin lỗi vì những chuyện ngày xưa. Tụi em hay xem tivi thấy thầy hay thượng đài khiến tụi em ngưỡng mộ, mai mốt thầy về trường dạy võ cho tụi em nhé!”. Từ đó mối hận thù trong hùng được xóa bỏ. Hiện Hùng đang là sinh viên năm thứ 3 Khoa Thể dục cộng đồng Trường ĐH TDTT.

Cảm nhận được ý nghĩa cao đẹp trong việc nuôi dạy trẻ em mồ côi mà một số mái ấm đang ngày đêm gây dựng. Để chia sẻ những vất vả với các thầy, cô nơi đây, nhiều phật tử, sinh viên, người dân xa gần đã tình nguyện tham gia vào việc chăm sóc các em...

Nguồn: CAND Online

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Đăng nhập