Nhớ tiếng chuông chùa trên đảo Trường Sa

Đã đọc: 2501           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Với mỗi người Việt Nam, tiếng chuông chùa nơi làng quê yên ả đã đồng hành với tuổi thơ, để rồi sau này lớn lên, dù có đi công tác, làm ăn xa quê nhưng dư âm tiếng chuông chùa vẫn ngân mãi trong ký ức. Trong lần ra thăm huyện đảo Trường Sa năm 2010, thả hồn trong tiếng chuông chùa nơi đầu sóng ngọn gió, tất cả chúng tôi thấm hơn sự thiêng liêng của lòng tự hào dân tộc và trách nhiệm của mỗi người.

Những ngôi chùa trên huyện đảo Trường Sa đều được xây dựng theo phong cách truyền thống, một gian hai chái, hay ba gian hai chái, mái cong với những đầu đao truyền thống. Những pho tượng ở đây được chế tác công phu bằng ngọc qúy. Đặc biệt, ngôi chùa nào chính điện cũng hướng về Thủ đô Hà Nội, như tấm lòng người Việt từ bao đời nay.

Ai cũng có cảm giác trong lòng tĩnh lặng ấm áp như đứng trên đất liền. Phải chăng, đấy là sức cảm hóa vô hình của đạo Phật từ thuở Chử Đồng Tử tu thành đắc đạo truyền đến hôm nay, một dòng đạo mang bản sắc Việt Nam, gắn với tinh thần yêu nước thương nòi.

Một trong những điều làm Phật tử và tất cả những người đến những ngôi chùa đều vô cùng ngưỡng mộ là các hoành phi, câu đối đều bằng chữ quốc ngữ: "Uy thần biển đảo cổ vẫn truyền/Chùa Phật Trường Sa nay còn tỏ" và: "Cá đọc kệ được thành tiên/Rồng nghe kinh mà mộ đạo" (câu đối ở chùa Trường Sa Lớn và đảo Sinh Tồn). Những câu đối ngắn gọn, súc tích, vừa nói lên sức cảm hóa to lớn của đạo Phật, vừa khẳng định được chủ quyền của Tổ quốc ta đã có tự ngàn xưa trên mảnh đất nơi tiền tiêu hải đảo.

Cũng trong mô típ ấy, ở chùa Song Tử Tây, ngôi chùa bề thế nhất trong ba ngôi chùa có câu đối: "Mây lành che khắp thập phương nhân/Trời tuệ rọi soi ngàn thế giới" và: "Chùa chiền sừng sững nguy nga đất Việt nổi danh lam/Quần đảo huy hoàng chất ngất biển Đông ngời thắng cảnh". Đó không chỉ là sức cảm hóa vô hình của đạo Phật, của thắng cảnh trời Nam, mà còn là mảnh đất địa linh nhân kiệt tự ngàn xưa và mãi mai sau: "Đức Rồng vời vợi dân khang vật thịnh vạn niên/Chùa Phật huy hoàng nhân kiệt địa linh muôn thuở". 

Trong chuyến ra thăm đảo, các nhà sư cùng cán bộ, chiến sỹ và nhân dân tổ chức đại lễ cầu siêu cho linh hồn các liệt sỹ đã hy sinh thân mình bảo vệ chủ quyền Tổ quốc, cùng các đồng bào tử nạn trên biển theo nghi thức trang trọng nhất của nhà Phật do Hòa thượng Thích Thanh Đàm, 84 tuổi, Ủy viên Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam chủ trì. Cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên các đảo đến dự rất đông. Lễ cầu siêu trang nghiêm và ấm áp tình người. Tất cả đều thành kính tưởng niệm những liệt sỹ đã hy sinh cho sự nghiệp bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Hòa thượng Thích Giác Nghĩa, Phó Ban nghi lễ Phật giáo tỉnh Khánh Hòa không nén được nỗi xúc động: "Những ngôi chùa hiện diện trên quần đảo Trường Sa có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong đời sống tâm linh và xác nhận chủ quyền của đất nước. Tôi đã từng tham gia nhiều lễ cầu siêu trên cả nước, nhưng lễ cầu siêu ở Song Tử Tây thật đặc biệt, khiến tôi vô cùng xúc động và cảm nhận rõ hơn mối giao hòa âm dương. Đây là đại lễ cầu siêu lần đầu tiên được tổ chức ở nơi đảo xa. Mong rằng hàng năm chúng ta tổ chức đại lễ cầu siêu nơi đây như một hành động tri ân với các liệt sỹ vị quốc vong thân".

Tiếng chuông chùa ngân nga trên ngọn sóng như nối liền quá khứ hào hùng của ông cha với hiện tại và tương lai tươi sáng của dân tộc, khơi dậy trong lòng người hào khí của tổ tiên. Tiếng chuông như lời khẳng định tinh thần oai dũng của người Lạc Việt và chủ quyền không thể xâm phạm của đất nước Việt Nam có một truyền thống yêu nước và chống giặc ngoại xâm, yêu hòa bình và lẽ phải.

Sóng gió như lặng đi, đâu đây như vọng về lời của ông cha ngàn đời dựng nước và giữ nước. Trong ánh mắt những chiến sĩ trẻ sáng lên niềm tin và hy vọng. Trong ánh mắt thơ ngây của những em thơ, những công dân nhỏ tuổi đầu tiên của huyện đảo Trường Sa lấp lánh như ngọn lửa. Tiếng chuông như xóa nhòa khoảng cách về địa lý, không gian và thời gian, mang hơi ấm tình quê, thơm mùi đất ruộng mới cày, thơm thơm hương lúa chín, ngọt ngào lời ru của mẹ, cánh hải âu nghiêng chao gợi nhớ cánh cò.

Tiếng chuông chùa hòa cùng nhịp đập mỗi trái tim, khơi dậy trong mỗi con người lòng kiêu hãnh về chủ quyền của đất nước, tiếp thêm nghị lực và niềm tin, chắc tay súng giữ vững biển, đảo quê hương.

Nguồn: bienphong.com.vn

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Đăng nhập