Chùa Giác Lâm, Ngôi Cổ Tự Danh Tiếng Xứ Huế

Đã đọc: 1458           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Chùa Giác Lâm tọa lạc tại số 02 kiệt 56 đường Duy Tân, phường An Cựu, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Cổng tam quan (mặt trước)

            Chùa nguyên là một thảo am do Tổ Giác Hải, người làng Trung Kiên, tỉnh Quảng Trị khai sáng vào ngày 16 tháng 3 năm Đinh Dậu (1897) trên một triền đồi, dưới chân núi Ngự Bình, đặt tên Duy Tôn Tự để truyền bá chánh pháp, đem đạo Phật phổ hóa vào những nơi xa xôi, hẻo lánh. Tổ có thế danh là Nguyễn Văn Cẩm, sinh trưởng trong một gia đình tín tâm với đạo Phật. Ngài là đệ tử của Tổ Tâm Tịnh, khai sáng Tổ đình Tây Thiên, Huế. Ngài có pháp danh là Trừng Nhã, tự Chí Thanh, hiệu Giác Hải.

Cổng tam quan (mặt sau)

            Vào năm Mậu Thìn (1928), Tổ Giác Hải tổ chức đại trùng tu ngôi già lam, lấy tên Giác Lâm Tự. Ngài viên tịch vào năm Bính Tý (1936). Kế tục trụ trì là Hòa thượng Thích Khả Tấn. Đến năm Bính Thân (1956), Hòa thượng tổ chức đại trùng tu bao gồm ngôi chánh điện, nhà hậu tổ, nhà đông, nhà tây, nhà chúng. Hòa thượng là bậc cao tăng, năm 2005, được cung thỉnh làm đàn đầu cho Đại giới đàn Giác Nhiên tại Tổ đình Thiền Tôn, Huế. Những năm cuối đời, Hòa thượng cho xây điện Quan Âm, nhà chúng, nhà trù, đúc tượng Phật, Bồ tát và chú nguyện đại hồng chung. Hòa thượng viên tịch vào năm Canh Dần (2011), thọ 94 tuổi, 74 hạ lạp. Thượng tọa Thích Phước Đạt kế tục trụ trì đời thứ ba.

Toàn cảnh chùa

 

            Do ngôi chùa xuống cấp trầm trọng, cột kèo cũ mục, tường vách rạn nứt, Thượng tọa Thích Phước Đạt cùng tăng chúng đã tổ chức đại trùng kiến ngôi cổ tự theo kiến trúc chữ “khẩu” (口)truyền thống xứ Huế do kiến trúc sư Trần Anh Đoàn thiết kế. Nhân ngày giỗ Tổ khai sơn Tổ đình 12 tháng 02 năm Quý Tỵ (23/3/2013), Lễ đặt đá đại trùng tu được chùa tổ chức long trọng dưới sự chứng minh của Hòa thượng Thích Đức Phương, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh GHPGVN kiêm Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thừa Thiên Huế cùng sự tham dự đông đảo của chư Tôn đức Tăng Ni và Phật tử đến từ nhiều tỉnh, thành phố khắp cả nước.

Đài Quan Âm

Phiến đá khắc tên chùa

Cây bồ đề và phiến đá khắc lịch sử chùa

 

            Sau gần 7 năm xây dựng, chùa đã tổ chức trang nghiêm Đại lễ khánh thành và Lễ tưởng niệm cố Hòa thượng Thích Khả Tấn vào ngày 09 tháng chạp năm Mậu Tuất (14/01/2019). Chứng minh và tham dự lễ có Chư Tôn đức: Hòa thượng Thích Giác Quang, Hòa thượng Thích Huệ Ấn, Hòa thượng Thích Thiện Pháp, Hòa thượng Thích Giác Toàn, Hòa thượng Thích Khế Chơn, Hòa thượng Thích Đức Thanh, Hòa thượng Thích Huệ Phước; Chư Tôn đức Tăng Ni ở các tỉnh thành; chư vị đại diện Chính quyền địa phương, chư vị khách quý cùng đông đảo thiện nam tín nữ Phật tử gần xa. Ban đạo từ tại buổi lễ, Hòa thượng Thích Giác Toàn mong rằng: “… ngôi già lam này là nơi để Chư tăng bổn tự hoằng dương chánh pháp; là nơi quý Phật tử hành lễ, chiêm bái và cùng nhau tu học Phật pháp”.

Ngôi chánh điện

            Từ ngoài vào là cổng tam quan ba tầng mái, đầu đao trang trí con kìm nóc rồng. Mặt trước cổng, trên có biển tên chùa Giác Lâm Tự bằng chữ Hán, dưới có bốn câu đối bằng chữ Hán như sau:

Hai câu giữa:

Phiên âm:                   Giác ngạn triền sám trần, từ phong vĩnh phiến;

                                    Lâm gian đăng diệu tướng, huệ nhựt quang minh.

Tạm dịch:                  Nơi bến giác gột rửa lòng trần, những cơn gió lành luôn quạt thổi;

                                    Bên mé rừng đốt đèn tướng tốt, mặt trời trí tuệ mãi sáng soi.

Hai câu hai bên:

Phiên âm:                   Phật điện trang nghiêm, thập phương thiện tín giai ngưỡng vọng;

                                    Thiền môn thanh tịnh, thánh hiền tam giới phổ phò trì.

Tạm dịch:                  Điện Phật trang nghiêm, Phật tử mười phương đều cung kính;

                                    Cửa thiền thanh tịnh, thánh hiền ba cõi thảy phò trì.

            Phía trong cổng tam quan, bên trên thờ tượng Hộ Pháp Vi Đà, dưới có bốn câu đối bằng chữ Hán như sau. (ảnh 07)

Hai câu giữa:

Phiên âm:                   Giác địa trường tiêu ngưng phong ảnh;

                                    Lâm phong vạn cổ thính tùng trù.

Tạm dịch:                  Nơi chốn giác đêm dài lưu lại biết bao hình ảnh đẹp;

                                    Cơn gió rừng muôn kiếp lắng nghe thông kể chuyện vu vơ.

Hai câu hai bên:       

Phiên âm:                   Nguyệt ấn thu giang, hữu cảnh hoàn phi cảnh;

                                    Hoa khai bảo địa, văn hương bất thị hương.

Tạm dịch:                  Trăng đè lên mặt nước mùa thu, thấy có cảnh mà không phải cảnh;

                                    Hoa nở nơi vùng đất báu, nghe mùi hương mà chẳng phải hương.

            Qua cổng tam quan là sân trước chùa. Phía bên phải có cây bồ đề gần trăm tuổi, cành lá sum suê. Ở gốc cây có tảng đá lớn khắc chữ quốc ngữ: mặt trước có 4 chữ: “Tổ đình Giác Lâm”; mặt sau khắc bài tóm lược lịch sử ngôi Tổ đình Giác Lâm của Thượng tọa trụ trì Thích Phước Đạt. Phía bên trái là đài Bồ tát Quán Thế Âm. Tượng Bồ tát bằng đá trắng nguyên khối cao 8m tôn trí giữa hồ nước hình bát giác.

            Ngôi chánh điện uy nghi với ba tầng mái chồng diêm, mang nét kiến trúc Á Đông, trang nghiêm, thanh thoát; có chiều cao gần 20m, rộng 600 m2. Khoảng giữa các mái, chùa gắn chữ “vạn” chứ không gắn phù điêu về cuộc đời Đức Phật. Mái chùa đúc, lớp ngói mũi hài; bên trong chùa, kiến trúc cách tân với các cột âm tường giả đá hoa cương. Tiền đường tôn trí tượng Bồ tát Di Lặc bằng đồng cao 3,2m.

Tượng Bồ tát Di Lặc

Điện Phật được bài trí tôn nghiêm, rực rỡ. Hương án giữa thờ bộ tượng Tam Thế Phật bằng đồng uy nghi tọa thiền trên đài sen. Mỗi tượng Đức Phật có chiều cao 2,1m. Các bậc thấp hơn phía trước, tôn trí tượng: đức Phật A Di Đà, đức Phật Thích Ca; Bồ tát Văn Thù, Bồ tát Phổ Hiền; Tôn giả Ca Diếp và Tôn giả A Nan. Án thờ hai bên tôn trí tượng Bồ tát Quán Thế Âm và Bồ tát Địa Tạng. Tượng Bồ tát bằng đồng, cao 2,5m. Hai bên lầu chuông trống có án thờ Hộ Pháp và án thờ Tiêu Diện.

Trong chánh điện có nhiều bức hoành phi sơn son thếp vàng, mỗi bức dài khoảng 2,5m, khắc chữ Hán. Bức hoành “Giác Lâm Tự” (ảnh 15), thủ bút của Tổ Giác Hải; bức hoành “Tổ Ấn Trùng Quang” (ảnh 16), thủ bút của Hòa thượng Thích Khả Tấn; bức hoành “Giác Lâm Thạnh Mậu” do Hội đồng Trị sự GHPGVN tặng; bức hoành “Tu Đạo Chứng Diệt” (ảnh 19) do Hòa thượng Thích Trí Quảng, Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh tặng; bức hoành “Y Chánh Trang Nghiêm” (ảnh 20) do Chư Tôn đức Môn phái Tây Thiên tặng …

 

Phía sau điện Phật là gian hậu tổ, tôn trí di ảnh và long vị chư Tổ: Tổ sư Giác Hải và Hòa thượng Khả Tấn. Hai bên là hai án thờ chư vị hương linh tiền bối hữu công, quá cố ân nhân, chư gia bách tánh quy y ký nhập tự.

Sau ngôi chánh điện là ba ngôi nhà rường cổ ba gian hai chái đặt tên là đông lang, tây lang và hậu đường, xếp hình chữ U với kiến trúc trùng thiềm liền nhau. Mỗi ngôi nhà có diện tích 220m2, nội thất được điêu khắc, chạm trỗ tinh xảo.

Sân trước nhà hậu có tôn trí tượng Bồ tát Di Lặc bằng đá cẩm thạch cao 3,2m trong một vườn hoa đẹp, thoáng mát.

Sau khu nhà rường là dãy nhà hai tầng, tầng trên làm tăng xá, tầng dưới là hội trường . Giữa khu nhà rường và hội trường có sân rộng, có hồ cá và tượng Bồ tát Quán Thế Âm lộ thiên bằng đá cẩm thạch.

Kế tiếp là nhà trù (nhà bếp), dãy nhà lầu hai tầng có 6 phòng cho các Phật tử ở lại chùa làm công quả và các công trình phụ khác.

Bên hông ngôi chánh điện có vườn tháp, trong đó có hai ngôi bảo tháp thờ hai vị Tổ của chùa.

            Chùa Giác Lâm ngày nay là ngôi phạm vũ khang trang, mỹ lệ; là địa điểm lễ bái, tu học, sinh hoạt của Tăng Ni, Phật tử và du khách gần xa.

 

Võ Văn Tường

Tài liệu tham khảo:

Thích Phước Đạt, Thích Phước Tín, 2020, Vài nét về Tổ đình Giác Lâm - Huế, tài liệu đánh máy.

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập