Thánh nữ Ma-Đăng-Già và pháp môn Tong Len vi diệu - phần 2

Đã đọc: 7115           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Có vô số Pháp môn nhằm đạt mục tiêu này, Kinh Lăng Nghiêm liệt kê hai mươi lăm Pháp môn, tương tự Kinh Viên Giác phối hợp Chỉ, Quán và Thiền cũng thành 25 Pháp môn khác nhau đã được các cao Tăng biến hóa ứng với căn cơ khác nhau của chúng sinh ..., trong vô số Pháp môn đó qua cuốn Tạng thư sống chết, ta còn biết Pháp môn Tonglen vi diệu.

Có giai thọai về một nữ cư sĩ rất hâm mộ Phật pháp, nhận thấy các Tăng Ni oai nghi vi tế hạnh rực sáng, pháp lực vô biên trong lòng phát sinh kính ngưỡng , nhưng khi được chỉ dẫn thực hành các pháp môn tu tập thì gặp rất nhiều khó khăn và trở ngại khó vượt qua; tu Thiền thì đau chân mỏi lưng (nhất là tư thế kiết già…), lúc thì lơ mơ ngủ gà ngủ gật, lúc lao chao lay động, lúc thì trên mặt khí chạy ngứa như kiến bò mà không dám thò tay gãi sợ ăn phải Phục Ma bảng, ngồi hòai hổng thấy gì hết!? …; tu Tịnh, Mật cũng tương tự, quỳ riết đau đầu gối, gõ mõ thì rêm tay, tụng niệm liên tục mỏi miệng khô môi, ăn chay trường thì bức rức trong người, thời khóa công phu miên mật theo không nổi nhất là thức dây vào lúc 3-4 giờ sáng trong tiết trời lạnh giá.

  Cô nàng bèn đến quỳ trước Hòa thượng tách bạch sự tình và khẩn thiết cầu xin:

- Kính bạch Hòa Thượng, mong thầy từ bi gia ân chỉ dạy con một Pháp môn nào dễ thực hành nhất và đạt kết quả nhanh nhất để đạt giác ngộ, giải thóat sinh từ luân hồi thể nhập Niết bàn.

  Hòa thượng từ bi, trầm tư lim rim đôi mắt cuối cùng ban cho một pháp thọai:

- Có một Pháp môn tương đối dễ thực hành, và kết quả tối hậu cũng như các Pháp môn khác, một ngày ba thời con chỉ cần thắp nhang quỳ trước Tam Bảo phát đại nguyện: “Con nguyện đời đời kiếp kiếp ở địa ngục chịu tất cả mọi đau khổ và tội lỗi của chúng sinh, để tất cả chúng sinh đều được giải thóat sinh tử luân hồi thể nhập niết bàn”.

  Khi Hòa thượng ngẩng lên nhìn, người nữ cư sĩ biến mất!

            Ngòai cửa Chùa bụi bay mù mịt, cô nàng đang “vắt giò lên cổ mà chạy”, vừa chạy vừa rên: “Ngu sao, ngu sao!!! …” (Đọan này tác giả hư cấu thêm cho tăng  phần hấp dẫn, truyện này được kể theo trí nhớ, ai biết xin chỉ giúp, xin cám ơn trước)

            Câu chuyện trên đã được khảo sát rất nhiều người và câu trả lời thường là: “Ngu sao!” ,còn một số ít người thì trầm ngâm rồi nói: “Hòa thượng chỉ Pháp môn gì mà ác quá vậy? Trong Kinh Phật đâu có pháp môn này?”

            Để có câu đáp ngắn gọn cho câu hỏi “Hòa thượng có ác không ?”, câu trả lời: “Là không, trái lại Hòa thượng rất đại từ bi, không vọng ngữ”, “Tại sao?”, “Theo luật Nhân Quả những chúng sinh có đại nguyện to lớn như vậy có phải thọ quả báo địa ngục không?” Hỏi cũng là trả lời!

“Ngựa hoang nào dẫm nát tơi bời, …”

(Bản nhạc: Vết thù hằn trên lưng ngựa hoang),

            Con ngựa hoang “Chấp ngã” này đã hủy họai tâm hồn và dẫm nát vô số cuộc đời chúng sinh từ vô thỉ kiếp đến nay khiến “nước mắt chúng sinh nhiều hơn bốn bể cộng lại” (Lời Phật); chàng Kỹ sư Cơ khí hai bằng Đại học, thất nghiệp ở trong phòng trọ, tình thế gần như tuyệt vọng vì nghiệp thù vây tứ phía, sau khi chạy tứ phương thậm chí ẩn náu trong Thiền viện cũng không tránh được đòn thù, chỉ còn giữ được mạng sống nhờ niềm tin thường xuyên trì niệm Đức Quán Thế Âm Bồ Tát, chàng ta đã thấm thía lời Phật dạy trong Kinh Pháp cú: Dù chạy lên non xuống biển cũng không tránh được nghiệp báo, và đang nghiền ngẫm lời nhạc đến câu

“Ngựa hoang phi như điên cuồng giữa cánh đồng, duới cơn giông”

            Dưới cơn giông phi như điên cuồng còn hợp lý chứ còn giữa cánh đồng cỏ xanh thì đúng là chấp ngã nặng! rõ ràng bản nhạc này có âm hưởng của Phật giáo, thì chợt có tiếng gõ cửa. Cô bé bán vé số cách hai phòng giơ cao tấm phướn vừa mua được của những người bán hàng rong, trên có biểu tượng Phật giáo và đưa tay chỉ vào một trong những lời dạy trích từ Kinh Phật hỏi:

- Chú ơi: “Kẻ thù lớn nhất đời người là chính mình” là gì vậy? Con không hiểu được.

Tiếp tục dòng tư tưởng, trả lời ngay:

- Là chấp ngã, chấp ngã chính là kẻ thù duy nhất của mình.

- Chấp ngã là gì vậy chú?

- Là chấp thân này, và cái tâm đang suy nghĩ này là thật.

- Ủa! Chẳng lẽ cái Thân và suy nghĩ của con là giả, là kẻ thù  hay sao?

Nhìn khuôn mặt ngơ ngác của con bé, chàng ta chợt tỉnh và biết là mình phải “hạ tầng công tác” ngay:

-  Này nhé! Để có tiền lo cho thân xác này, cái đầu phải suy nghĩ đủ mọi cách ví dụ như: làm thuốc tây giả, thuốc trừ sâu giả …, kết quả ở tù. Có phải cái thân tham, cái tâm tham là kẻ thù của mình phải không? (Nhìn cô bé nghèo kiết xác, sống chân chính bằng nghề bán vé số, chỉ có người khác tham mua giựt số của cô chứ còn cô thì “Never!” Rõ ràng ví dụ này chưa có tính thuyết phục). Khi có ai nói lời trái tai, đụng chạm đến quyền lợi con, con sẽ tam bành lục tặc muốn xé xác người đó ra làm trăm mảnh mới hả lòng, tru di tam họ chưa vừa lòng còn muốn tru di cửu tộc nữa, có phải tâm sân, thân sân là kẻ thù của con phải không? (Làm nghề này thường bị người sân khinh miệt, có gì cũng cắn răng nhịn, cho tiền cũng không dám nổi sân, ví dụ cũng không tính thuyết phục), Mê cờ bạc trắng tay; có phải cái thân, tâm si mê này là kẻ thù phải không? (Hết dám dùng từ của con, vì niềm tin Tam Bảo thành kính, tin vào lý nhân quả mà mang cô nàng ra ví dụ si thì cũng không được thuyết phục cho lắm! Bó tay)

- Chú nói tham, sân, si việc ác là kẻ thù con đồng ý chứ tham việc lành, giận việc ác, mê làm phước thì con thấy làm sao ấy?

Đến nước này đành trả lời nước đôi:

- Đúng vậy! Nghĩ ác, làm ác là kẻ thù; suy nghĩ lành, làm việc Thiện là bạn chứ không phải kẻ thù, con hiểu chưa?

Con bé ra về với vẻ mặt phân vân, còn chàng ta đóng cửa lại, giơ hai tay lên trời tuyệt vọng, cầu mong Tam Bảo phù hộ độ trì cô nàng ngày nào đó hiểu được: “Chấp ngã là kẻ thù lón nhất của chính mình”, A-Di-Đà Phật!

            Lời nhạc lại trở về:

“Một hôm ngựa bỗng thấy thanh bình…”

            Chàng ta lấy Kinh Viên Giác, Kinh Lăng Nghiêm, Kinh Kim Cương …, cuối cùng cuốn Tạng Thư sống chết (Tác giả: Sogyal Rinpoche, Dịch giả: Ni sư Thích Nữ trí Hải, Lời giới thiệu: Đức Đạt lai Lạt Ma) ra và lao vào nghiên cứu, mong tìm câu trả lời cho chính mình và cho cô bé đó cũng là tìm cho bằng được “cái gì là ánh sáng cuối đường hầm”, cuối cùng chàng ta quyết định theo lời Phật dạy: Phải chà, xát, xay, luyện qua lửa …, và là nhà kỹ thuật, chuộng thực tiễn, đã từng có kinh nghiệm thực hành Thiền định, Pháp môn Tong-Len đã được đúc kết tu luyện và ứng dụng cho mọi hòan cảnh và mọi đối tượng nghĩa là mọi lúc mọi nơi kể từ đó.

            Dĩ nhiên kết quả ngòai mong đợi !!!

(Đây là một câu chuyện có thật, dĩ nhiên được cấu trúc lại và thêm thắt chút đỉnh để thêm phần sinh động, và phù hợp mạch văn của bài viết)

            Trong một cuộc thi do Đài Truyền hình HTV Thành phố tổ chức, một thí sinh nữ đã trả lời trong bảng câu hỏi: “Hãy dùng một chữ để nói về mình!”, thí sinh đó điền chữ “Tôi”, Nhà Thơ Đỗ Trung Quân thành viên Ban Giám khảo đã cắc cớ hỏi: “Khi nào em dùng từ chúng ta?”, sau một hồi trả lời lúng túng dĩ nhiên sau đó là rớt. (Đây là câu chuyện thật trăm phần trăm, Không tin các Bạn cứ điện hỏi nhà Thơ là sẽ biết). Có lẽ cô bé này chưa từng đọc Triết Phương Tây, nên không biết các câu thông dụng của các Triết gia: “Cái tôi là cái tồi tàn”, “Tôi là cái rốn của vũ trụ” …; Đứng góc độ khác, cô nàng này thật là trung thực và can đảm dám nói lên nguyện vọng chính đáng của thế hệ trẻ mà các nhà Tâm lý Học gọi đó là nguyện vọng muốn tự khẳng định mình. Chỉ có điều làm cách nào hướng dẫn các em thể hiện nguyện vọng đó cho đúng cách. (Gặp minh sẽ điền đại: Tâm, Nhân Nghĩa …, sau đó tha hồ mà tán)

            Các Hòa thượng đều nhận định, hầu hết các chúng sinh trong Tam giới đều đang sống và họat động với Tâm chấp ngã trong từng ngày, từng giờ cho đến từng Sát-na một, thậm chí Hư Vân Hòa thượng còn phân tích chấp ngã hay gọi bằng cách khác là vô minh, vọng tưởng ra làm hai lọai:

- “Vọng tưởng thô kệch và vọng tưởng vi tế:

v Vọng tưởng thô tương ưng cùng nghiệp xấu, tức khởi mười điều ác. Ý khởi tham lam, sân hận, si mê. Miệng nói láo, nói lời thêu dệt, nói lưỡi đôi chiều, nói lời ác độc. Thân tạo nghiệp giết hại, ăn cắp, tà dâm. Đây là mười việc ác do thân miệng ý tạo ra. Trong đó, phân biệt tùy theo cấp bậc nặng nhẹ. Tạo nghiệp thượng phẩm của mười điều ác thì đọa địa ngục. Trung phẩm thì đọa ngạ quỷ. Hạ phẩm thì làm súc sanh.

v Vọng tưởng vi tế khiến tạo bao việc lành thiện như niệm Phật, tham thiền, tụng kinh, trì chú, lễ bái, hộ trì giới luật, v.v...(Vọng tưởng này được Đức Đạt Lai Lạt Ma ví von: “Sự ích kỷ khôn ngoan”)

Hoặc:

- Vọng tưởng hữu lậu và vọng tưởng vô lậu:

v Vọng tưởng hữu lậu khiến chúng ta cảm thọ quả báo khổ nhọc hay sung sướng ở cõi trời và người.

v Vọng tưởng vô lậu khiến chúng ta có khả năng thành Phật làm Tổ, thoát khỏi sanh tử, xuất ra ba cõi.”

(Nguồn: Khai thị 4, Hư Vân Hòa thượng, Thư Viện Hoa sen)

            Như vậy là rõ, đã có câu trả lời đúng cho cô bé vừa nêu, mọi họat động của chúng ta thông qua Thân, Khẩu và Ý đều dựa trên sự chấp ngã, có nghĩa là phải có lợi ích cho chính mình trước đã; dĩ nhiên những lợi ích nhằm thỏa mãn Tài, Sắc, Danh, Thực và Thùy một cách bất chính thì đó là kẻ thù của chính mình. Nhằm các lợi ích chính đáng như Bố thí, tam quy ngũ giới, thập thiện, tụng kinh, ngồi thiền, trì chú … để tạo công và phước đức xa hơn nữa là tiến đến lý tưởng Vô ngã thì là bạn của chính mình, đi trên con đường Phật dạy đó là “Sự ích kỷ khôn ngoan” nhất.

            Các Thiền sư thường có những gợi ý so sánh rất hình tượng, các ngài ví Chân tâm chúng ta như bầu trời xanh trong còn chấp Ngã và vọng tưởng như những đám mây che kín bầu trời, những đám mây đen kịt thì báo hiệu dông tố còn mây trắng sẽ là một ngày nắng đẹp …, nhưng đến đây chúng ta sẽ vấp phải mâu thuẫn, muốn vượt thóat sinh tử luân hồi thì phải dùng niệm chấp ngã phá (xoay chuyển) được niệm chấp ngã. Đây là điều các nhà Duy vật Biện chứng thường gọi là sự thống nhất các mặt mâu thuẫn đối lập, các nhà Dịch học gọi nó là Thái cực, còn nhà Phật nói đơn giản hơn là tự mình chặt đầu mình (Kinh Viên Giác).

            Trên nền Tâm thức uyên nguyên niệm niệm chấp ngã, một ngày đẹp trời nào đó, có một niệm chấp ngã muốn vượt vòng luân hồi (dĩ nhiên nhờ hồng ân và sự gia trì của Tam Bảo mới có ý muốn này), một ý chí hay dùng từ cô đọng hơn là “Ý Lực” (Cách dùng từ này của Gs Phạm Công Thiện) muốn vươn lên khỏi thói quen hay tập khí chấp ngã hằng sát-na này, vì xích vàng hay xích sắt cũng luân hồi, nhưng bằng cách nào?

            Có vô số Pháp môn nhằm đạt mục tiêu này, Kinh Lăng Nghiêm liệt kê hai mươi lăm Pháp môn, tương tự Kinh Viên Giác phối hợp Chỉ, Quán và Thiền cũng thành 25 Pháp môn khác nhau đã được các cao Tăng biến hóa ứng với căn cơ khác nhau của chúng sinh ..., trong vô số Pháp môn đó qua cuốn Tạng thư sống chết, ta còn biết Pháp môn Tonglen vi diệu.

            Theo giải thích của ngài Soyal Reponche qua lời dịch của Ni sư Trí Hải, ta được biết Tonglen nghĩa là Nhận và Cho:

- Nhận: là nhận tất cả đau khổ tội lỗi của đối tượng và nhóm đối tượng vào mình thông qua phương tiện là hơi thở vào kết hợp với quán tưởng.

- Cho: là hồi hướng tất cả công và phước đức của mình cho một đối tượng hoặc nhóm đối tượng nào đó thông qua phương tiện là hơi thở ra kết hợp với quán tưởng.

            Xin trình bày các giai đọan thực tập chính của Pháp môn này, để xem chi tiết Độc giả có thể tham khảo thêm trong sách vừa nêu:

v Giai đọan 1: Hưng khởi Đại Bi Tâm hay Bồ Đề Tâm (Bodhi Citta)

            Để chuẩn bị thực hành Pháp môn Tonglen, sau nghi lễ khấn nguyện, hành giả cần thiết luyện Tâm Đại bi, khởi đầu tu tập Phật tử Việt Nam thường trì chú Đại Bi nhằm tăng cường và củng cố Đại Bi Tâm, về mặt Tâm lý là học hỏi đại nguyện Bi Mẫn của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát, hiệu lực của chú Đại bi là bất khả tư nghì, rất nhiều người luyện đến mức cảm ứng và xử dụng được mà không dám nói ra, không phải vì sợ chụp mũ mê tín dị đoan mà sợ người bôi bác tổn phước.

            Còn một cách luyện Tâm Đại bi khác, là trì Lục Tự Đại Minh Thần Chú: Án Ma-Ni Pát-Di-Hồng bằng âm Hán việt hoặc Om Ma-Ni Pad-Mê Hum bằng tiếng Phạn, các Đại sư Tây Tạng đã ca ngợi chú này không hết lời, đã có những kỳ nhập thất trì một trăm triệu Thần Chú trên

            Và còn một cách trì chú khác cũng hiệu quả bất khả tư nghị: Kết hợp trì Chú trên bằng tiếng Phạn khi ngồi Thiền, hít vào Om Ma-Ni Pad-Mê Hum, thở ra Om Ma-Ni Pad-Mê Hum đếm 1, cứ thế tiếp tục đến 10 rồi trở lại từ đầu. Pháp môn này xuất phát từ ngài Kalu Rinponche:

            “… Khi tụng thần chú này , mà phối hợp với đức tin và tinh tấn Thiền định, thì năng lực chuyển hóa của thần chú sẽ phát sinh và tăng trưởng …”

(Trang 445, tập 2, Tạng Thư sống chết, Sogyal Rinpoche, Trí Hải dịch-Nhà xuất bản Tp Hồ Chí Minh, 6/1999)

            Hiệu quả thực kỳ diệu không những tịnh hóa được bát phong của nội tâm mà còn cả ngọai cảnh.

            Bi Trí Dũng được ví như kiềng ba chân của tòa nhà Phật giáo, nó cũng là ý nghĩa của ba cánh hình hoa sen của Gia Đình Phật Tử, tuy ba nhưng đều phải hình thành cân đối trong quá trình tu luyện, không hề có chuyện luyện trước hoặc sau, có những chúng sinh quá khứ kiếp tu luyện công lực thâm hậu chỉ vì thiếu Đại bi Tâm, nên kiếp hiện tiền lạnh lùng đưa hàng triệu người có ân oán với mình vào phòng hơi ngạt và xoay nguợc biểu tượng chữ vạn cao quý, thậm chí có chúng sinh tàn nhẫn tột cùng khi tiến hành tiêu diệt chính dân tộc mình và làm vạ lây những người vô tội khác, và có những chúng sinh phú ông kiêu căng ngạo mạn và tàn bạo sẵn sàng xua chó cắn người đàn bà tội nghiệp, để trước khi mất Mẹ Lê nhìn đàn con dại ở lại đi không đành lòng và cất tiếng rên: “Trời ơi, sao đời tôi lại khổ thế này!” …, Tiếng rên của Mẹ như một lát khứa ngang tim của những nguời con Việt qua biết bao thế hệ …(Nhà Mẹ Lê, Ngô Tất Tố)

            “Như chưa hề có cuộc chia ly” một chương trình đã lấy đi biết bao nước mắt của mọi người nhất là phái nữ, một minh chứng Khổ đế: Ái biệt ly khổ; những người thực hiện chương trình đã đi con đường Đạo đế, hành Bồ tát hạnh, có những việc làm thiết thực cụ thể hàn gắn nỗi đau nhân lọai; các tổ chức, cá nhân ủng hộ chương trình này ngòai ý nghĩa nhân văn còn là biểu tượng Đai bi Tâm trong sáng nhất.

            Những trận bão, động đất, thiên tai đã cướp đi hàng 20 sư đòan người (Dùng từ này để hình dung mức độ tàn khốc của nó so chiến tranh, một sư khỏang 10.000) và các chúng sinh thuộc các chủng lọai khác thì không thể thống kê được chỉ trong một thời gian rất ngắn, và liên tục xảy ra trên thế giới đều là bài học về “Hưng khởi Tâm Đại bi”, để chúng ta có những hành động thiết thực xoa dịu nỗi đau chung của nhân lọai. Tại Tp Hồ chí Minh, Hội Hồng Thập Tự đã có một cửa hàng có biển đề rất là Tonglen: Cho và Nhận đều nhằm mục đích tạo điều kiện cho mọi người hòan thành tâm nguyện đó, và còn nhiều và nhiều lắm không thể kể hết được …

            Hãy để lời dịch của Ni sư Trí Hải sẽ truyền đạt sâu sắc nhất ý nghĩa và hiệu quả Đại Bi tâm (Bodhi Citta):

“Đấy là vị cam lộ tối thượng thắng lướt cả uy thế thần chết,

Đó là kho tàng vô tận, trừ diệt nghèo khó trong thế gian,

Đó là vị thuốc hay làm dịu cơn đau cuộc đời,

Đó là tàng đại thụ che chở muôn lòai lang thang mỏi mệt trên đường sinh tử,

Đó là cây cầu lớn đưa đến giải thóat các đọa xứ,

Đó là vầng trăng mới mọc trong tâm, xua tan phiền não của phân biệt,

Đó là mặt trời vĩ đại xóa sạch mây mù vô minh của thế nhân.”

                                                                 Shantideva

(Trang 66, tập 2, Sogyal Rinpoche, Tạng Thư sống chết, Trí Hải dịch-Nhà xuất bản Tp Hồ Chí Minh, 6/1999)

v Giai đọan 2: Thực hành Tonglen

            Việc thực hành và tu luyện các Pháp môn cũng giống như người học võ, sự luyện tập bài bản ở võ đường và ứng dụng biến hóa khi đụng thực tế, trước đây có một nhóm sinh viên du học ở Nhật biên sọan cuốn sách AikiDo (võ Nhật), đã phân tích một cú đấm tối ưu nhất của võ sinh là cú đấm thẳng xóay, sức mạnh được biểu diễn qua công thức:

W  =  ½ mv2  +  1/2Iω2

            Sự công phá của cú đấm xóay được tăng lên rất nhiều lần so với đấm thẳng được ví như sức công phá của viên đạn, muốn đạt điều này võ sinh phải tập luyện các bài học căn bản được lập đi lập lại liên tục đến mức từ “Phản xạ có điều kiện” trở thành “Phản xạ vô điều kiện” theo cách nói của các nhà sinh học. Môn Aikido rất chú trọng di chuyển theo vòng tròn kết hợp thẳng, vòng tròn được các nhà tóan học ca ngợi vì sự tối ưu của nó, các nhà kỹ thuật cũng tận dụng dạng tròn để đạt hiệu quả tối ưu về thể tích, sức chịu lực…

            Tương tự như thế, Pháp môn Tonglen cũng được chia hai trường hợp: Tu luyện tĩnh và Thực hành động, được áp dụng với hơi thở ở 4 thì (như các thì của động cơ nồ), các Pháp môn ngòai đạo Phật cũng chú trọng hơi thở như Yoga, Khí công, tu Tiên … và cũng có thể nâng Tâm thức đạt tầng Thiền cao nhất “Phi tưởng phi phi tưởng xứ”.

            Còn Pháp môn Tonglen này nhằm mục đích xoay chuyển thói quen hay nói cách khác tập khí chấp ngã cái gì tốt đẹp cũng vì mình sang hướng ngược lại vị tha nhân dựa trên Trí tuệ hiểu biết sâu sắc về luật Nhân quả, và theo cách nói của Đức Đạt lai Lạt ma mỗi niệm chỉ có một trạng thái hoặc âm hoặc dương nghĩa là niệm yêu thì không có ghét đồng thời, sự luyện liên tục sẽ hình thành thói quen suy nghĩ vị tha nhân mới, đến mức sẽ tự động phản xạ trong mọi tình huống (Người nữ cư sĩ bỏ chạy vì lời chỉ dạy ngược tập khí muốn cái gì tốt đẹp cũng vì minh), xin được hướng dẫn thực hành cụ thể như sau:

Tu luyện tĩnh:

-   Không gian: Chọn nơi yên tĩnh, không khí trong lành, chuẩn bị tọa cụ và bồ đòan thích hợp hoặc ngồi ghế …

-   Tư thế: Kiết già, bán già hay ngồi bình thường, lưng cột sống thẳng, mắt nhìn một điểm cách xa khỏang 8 tấc, lưỡi chạm nướu răng trên, hai bàn tay lật ngửa xếp chồng lên nhau hai ngón tay cái chạm với nhau để trước huyệt đan điền, hoặc ngồi trên ghế và tư thế quỳ cũng thực tập được…

-   Thực hành: Đây là sự kết hợp giữa pháp thiền Quán tưởng và Sổ tức căn bản (Đếm hơi thở), Pháp môn này rất được ưa chuộng bởi những người lao động trí óc (Trí thức, nhà Kinh doanh, cấp Lãnh đạo…) và thường được các Bác sĩ, nhà Tâm lý trị liệu áp dụng cho bệnh nhân stress, mất ngủ …

  • o Thì thứ 1: Trước khi hít vào, quán tưởng đau khổ hay tội lỗi từ đối tượng hay nhóm đối tượng tụ tập trước mặt thành khối khí đen tròn (như “lỗ đen trong vũ trụ”).
  • o Thì thứ 2: Khi hít vào, quán tưởng khối khí thành 2 luồng khói đen mỏng theo hơi thở vào tận trong tim.
  • o Thì thứ 3: Trước khi thở ra, quán tưởng luồng khí đen đốt cháy ngã chấp và biến thành một viên ngọc như ý như khối pha lê sáng hoặc một đóa hoa sen được hình thành ngay tâm bạn.
  • o Thì thứ 4: Khi thở ra, quán tưởng viên ngọc hoặc hoa sen tan thành hào quang bao gồm tất cả công và phước đức hồi hướng về cho đối tượng và đếm một.

            Như vậy là xong chu kỳ của một hơi thở và cứ thế tiếp tục đếm đến mười rồi quay lại đếm một, những người đã từng thực tập Thiền sẽ dễ dàng hơn trong việc thực hành chu kỳ trên; nếu chưa quen các bạn chỉ cần niệm theo hướng dẫn của ngài sogyal Rinpoche; khi hít vào niệm: Cầu mong con chịu thay đau khổ cho “đối tượng”; khi thở ra niệm: Con xin hồi hướng tất cả công đức và phước đức cho “đối tượng”, cách này những người đã từng thực tập Tọa thiền niệm Phật hay Tọa thiền trì Chú dễ dàng áp dụng còn người chưa quen thì tập phép Thiền sổ tức trước một thời gian, nguyên tắc tập luyện cũng như võ thuật đi từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp…

            Đối tượng là: một người, một tập hợp chúng sinh hay mở rộng hơn theo gợi ý ngài Sogyal Rinpoche là trạng thái không gian quanh mình (Nếu được mở pháp nhãn tạm thời các bạn sẽ thấy xung quanh còn nhiều chúng sinh vô hình khác),nhân lọai, cả vũ trụ hoặc Pháp giới chúng sinh.

            Cũng như các Pháp thiền khác, hành giả chủ yếu sẽ bị Hôn trầm (buồn ngủ, mơ màng …) và Trạo cử (thân tâm bức rức rung qua lại) quấy rầy, đó là do “con ngựa hoang” phản đối việc đóng yên cương của bạn, nhưng với “Ý lực” nó sẽ dần dần được thuần hóa và bạn sẽ nếm mùi vị Pháp lạc thật sự.

            Cuối cùng là Quán Không và nghi thức kết thúc:  Vì Cho hay Nhận vẫn còn chấp Ngã, Nhân, Chúng sinh và Thọ mạng do đó quán Không là qui trình gần như bắt buộc với mọi Pháp môn ở cuối buổi tu tập bằng cách trì Bát Nhã Tâm Kinh hay đơn giản hơn trì chú: “Yết đế Yết đế, Ba la Yết đế, Ba la tăng Yết đế, Bồ đề Tát bà ha” bằng âm Hán-Việt, hoặc bằng tiếng Phạn: “Gá-tê Gá-tê. Pa-Ra-Gá-Tê, Pa-Ra-Săng-Gá-Tê, Bô-Đi Xoa-Ha” (Âm câu Chú này được trích từ Kinh Dược Sư, Chùa Khuông Việt, Sa Môn Thích Thanh Ngọc, gần Kênh Nhiêu Lộc, Quận Tân Bình) càng nhiều càng tốt (Thường với các con số 7, 21 hoặc 108 lần có lẽ liên quan đến sự rung động của các Luân xa) : Với người Hành giả có khả năng quán tưởng mạnh chỉ cần quán mình, đối tượng cà hành vi cho nhận tan trong hào quang rực sáng.

Tu luyện động:

            Pháp môn Tonglen chủ yếu dựa vào hơi thở và quán tưởng nên có thể ứng dụng trong lúc làm việc, nghỉ ngơi, đi đứng, những hòan cảnh và đối tượng phải tiếp xúc thường ngày vào bất cứ lúc nào khi cần thiết, xin nêu vài trường hợp cụ thể:

            1/- Trường hợp nơi làm việc có trục trặc, xếp mời bạn lên xài xể, chưa cần biết đúng sai, bạn cứ Tonglen, nghĩa là bạn quán tòan bộ sự giận dữ điên tiết của xếp thành khối cầu đen, hít nhận vào, đốt sạch chấp ngã bạn hóa thành ngọc như ý ngay tâm và hồi hướng tòan bộ công phước đức về cho xếp, cứ liên tục Tonglen theo hơi thở. Như vậy có ba tình huống được giải thích trên cơ sở nhân quả:

  • o Một: Là lỗi của bạn, khi Tonglen bạn nhận tòan bộ đau khổ của xếp, một con người chân thành nhận lỗi như thế theo luật nhân quả có tăng công đức không? Câu trả lời là có. Khi hồi hướng tòan bộ công đức đến xếp là đền bù cho thiệt hại xếp phải chịu, một con người tốt như vậy có tăng công đức không? Dĩ nhiên là có.
  • o Hai: Không phải là lỗi của bạn, với người xếp vô minh “giận cá chém thớt” như vậy bạn vẫn Tonglen, chắc chắn theo luật nhân quả công đức còn cao hơn trường hợp trên nữa.
  • o Ba: Xếp cố tình đổ lỗi cho bạn có thể vì lý do nào đó: trả thù vặt, dằn mặt, kiếm cớ để hạ nhục bạn …, với người có ác ý như vậy bạn vẫn Tonglen, theo luật nhân quả đây là trường hợp có công đức lớn nhất.

            Theo suy luận có lô-gic như trên, dù rơi vào bất cứ trường hợp nào, xếp cũng tạo điều kiện khách quan để mình thưc tập Tonglen với công đức chỉ có tăng mà không hề thiệt hại gì cả chỉ trừ trường hợp bạn phản ứng theo thói thường vừa cắn răng chịu nghe chửi vừa rủa xếp thầm trong bụng hoặc cãi chầy cãi chối …

            Với người đã Tonglen thuần thuộc, nhìn bề ngòai thấy bạn có vẻ như nhẫn nhục chịu đựng rất ư là cam phận và với một nhân viên dễ thương như vậy, xếp có giận lâu được không? Hay đường họan lộ sẽ càng ngày càng mở rộng, hơn nữa khi Tonglen như vậy, bạn và xếp sẽ đủ bình tĩnh và sáng suốt hơn để giải quyết các hậu quả đã xảy ra…

            Theo một vài tài liệu, số niệm trong một giây của phàm phu chúng ta hơn một tỷ niệm vậy cứ một hơi thở ra vào khỏang 6 giây ta đã có nhiều tỷ niệm Tonglen công đức nạp vào Tàng thức rồi, như vậy thời gian xài xể càng lâu bạn nạp công đức càng lớn.

            2/- Với những người hay ganh ghét đố kỵ với bạn, trường hợp này thường gặp ở nơi làm việc, bạn cứ Tonglen liên tục kể cả lúc Tọa Thiền, dù kết quả tốt hay xấu bạn đã có một khối lượng công đức rất lớn với Tâm thức vui vẻ nhẹ nhàng, còn đối tượng luôn sống với tâm thức rắn độc cấu xé, nhưng theo kinh nghiệm thường là tốt đẹp cho cả hai vì không ai có thể ghét người Tonglen dễ thương như vậy chỉ trừ định nghiệp.

            3/- Khi xem phim Đài loan, Hồng kông hễ bạn mà nghe câu: “Hỏi thế gian tình là gì? …!”, là bạn sẽ nghĩ ngay đến ái dục. Sau đây là đoạn Kinh Phật nhận xét về ái dục:

“Phật dạy: sự thèm muốn không gì hơn sắc đẹp, ngòai nó không gì lớn bằng. Cũng may chỉ có mình nó mà thôi, chứ nếu có cái thứ hai bằng nó, thì người khắp trong thiên hạ không ai có thể hành đạo được vậy.”

“Phật dạy rằng: Người bị ràng buộc bởi vợ con, nhà cửa còn quá hơn lao ngục, lao ngục còn có thời kỳ phóng thích, vợ con không một ý niệm xa lìa. Một khi Tâm thích về sắc đẹp thì đâu còn sợ gì đến gian nguy. Dẫu cho có sự họa họan nơi miệng hùm, lòng cũng đành chịu. Vì tự đắm mình nơi lầy lội, gọi là phàm phu, nếu hiểu được lẽ ấy, chính là bực xuất trần A-La-Hán”

(Trang 239, Trách về sắc dục, chương XXIII, XXIV, Kinh Tứ Thập Nhị Chương, Ngài Ca Diếp Ma Đằng và Trúc Pháp Lan đồng dịch, Phật Tổ Ngũ Kinh, Thích Hòan Quan, Nhà Xuất Bản Tp Hồ Chí Minh, năm 1998)

            Theo các nhà khoa học nhu cầu sinh lý của con người cũng giống như các nhu cầu khác: ăn, uống, ngủ, thở … được cho là nhu cầu tự nhiên, ẩn kín như một bàn năng sẵn có và là điều kiện cần thiết để duy trì nòi giống do đó mới hình thành tình yêu, gia đình, xã hội, dân tộc và quốc gia. Trừ những người căn cơ đến thời kỳ xuất gia còn người tại gia thì theo các bác sĩ và nhà tâm lý sự dồn nén sinh lý sẽ gây bệnh họan nơi thân tâm, và cắt dục cho tòan bộ mọi người là điều không tưởng, vậy đâu là giải pháp Trung Đạo cho vấn đề trên?

            Trong vô số Pháp môn thì Tonglen là giải pháp hữu hiệu:

-   Với người có năng lực tình dục mãnh liệt, khi thực hành Pháp môn Tonglen năng lực đó giảm dần và chuyển hóa thành sức khỏe (Khí lực), Tinh thần minh mẫn (Trí huệ), giũ gìn sắc đẹp và tăng tuổi thọ …

-   Với hai người yêu nhau, đã “Miệng hùm” còn không sợ thì Tonglen cho nhau có nghĩa lý gì! Pháp môn này sẽ giúp các bạn tăng trưởng tình yêu trong sáng nhất và tương lai “Đồng vợ đồng chồng tát biển đông cũng cạn” là điều khả thi, bạn đừng lo đối tượng “quất mã truy phong” vì kẻ phản bội lại người chịu thay tòan bộ đau khổ và tội lỗi và hồi hướng tòan bộ công đức đến hắn thì theo luật Nhân quả, hậu vận của hắn thê thảm thế nào cũng đã rõ!

            Xin có một góp ý nhỏ với các bạn đang yêu nhau, trước một khung cảnh thơ mộng nào đó; thay vì thề non hẹn biển, các bạn mắt nhìn nhau thật sâu và hãy trao Tonglen cho nhau bằng lời một cách tình tứ, đại khái như: “Em là tất cả của anh, hỡi tình yêu của anh, vì em anh nguyện xin nhận chịu tất cả mọi sai lầm tội lỗi của em và Pháp giới chúng sinh, có công phước đức gì anh xin hồi hướng tòan bộ cho em và Pháp giới chúng sinh, như thế mới biểu lộ được tình yêu bao la mà anh muốn nói với em” Dĩ nhiên đây chỉ là câu gợi ý, các bạn đừng cười!, xin đảm bảo mọi sự chẳng những tốt đẹp kiếp này mà cả về sau khi các bạn biết về câu chuyện này:

            Giải pháp này xuất phát từ truyện hai gốc cây khô cuộn xoắn lại với nhau được HT Tuyên Hóa cho đệ tử đào về để trước Tam Bảo, bằng Túc mạng thông của mình Hòa Thượng cho biết các tiền kiếp của đôi cây là cặp trai gái yêu nhau và phát lời thệ nguyện: “Nguyện đời đời kiếp kiếp xin như chim liền cánh, như cây liền cành”, do nghiệp báo của việc làm ác, sự việc đã xảy ra đúng như nguyện, có lẽ Hòa Thưởng để đôi gốc cây này trước Tam Bảo nghe Kinh để giải lời nguyện cho họ, các bạn còn dám thề theo kiểu đó không?.

            Còn khi lập gia đình, với Tonglen các thành viên sẽ sống hòa thuận và êm ấm (vì không ai dại gì làm giảm công đức của mình) sự an khang và thịnh vượng là điều nằm trong tầm tay, góp phần tạo dựng một xã hội văn hóa cao. Theo Giáo sử không hòan tòan chỉ là một cá nhân tự nguyện xuất gia mà còn có cả tòan bộ gia đình, thân quyến và người ăn kẻ ở cùng theo Phật xuất gia một lúc như gia đình ngài Ca Diếp, hoặc cả gia đình tu tại gia vẫn đạt trình độ tu chứng cao như gia đình Cư sĩ Bàng Long Uẩn.

            Tóm lại, Khi Tonglen ngày càng thuần thục, một thói quen tốt, bạn sẽ tự biết cách ứng phó với bất kỳ tình huống nào xảy ra vì không thể kể hết ra đây được, bạn sẽ thấy những bực dọc vì xếp rầy, đồng nghiệp kèn kựa, người yêu lơ là, kẹt xe … không còn quấy nhiễu và làm bạn mất ăn mất ngủ được nữa, Pháp môn Tonglen rất có ích cho các nhà Lãnh đạo, các Nghệ sĩ và nhiều ngành nghề khác …(Chịu thay đau khổ và hồi hướng công đức cho thính chúng mà khán thính giả không ái mộ mình mới là chuyện lạ), Pháp môn Tonglen là giải pháp tối ưu khi bạn lâm vào một tình thế nan giải hoặc gần như tuyệt vọng cho các bạn chẳng may: Chính mình hoặc người thân bệnh nặng hoặc mất, bản thân lâm vào vòng lao lý hoặc các lâm vào tình cảnh bi đát khác … , chí ít nó cũng giúp các bạn sáng suốt để tìm ra biện pháp giải quyết vấn đề không đi vào quyết định cực đoan như: Tự sát, tạt át xít, nghiện game, rượu chè, hút sách …, trong các tình huống đó càng làm cho các bạn dũng cảm thêm để thực hành Pháp môn này, và không hối hận vì đã không cố gắng hết sức mình.

            Nhiều người nhận định Pháp môn này giống chiêu “Gậy ông đập lưng ông” hay “Dĩ độc trị độc” của nhà Cô tô Mộ dung trong tác phẩm Thiên Long Bát Bộ, sáng tác của Kim Dung tiên sinh, nhà Mộ Dung này với mộng phục hồi vương triều của quá khứ, có chiêu thức rất độc đáo là dùng ngay chiêu thế của đối phương hòan trả lại đúng như vậy, chiêu ra càng tàn độc thì phản đòn cũng ác như thế theo kiểu “ăn miếng trả miếng”.

            Nhìn bề ngòai sự so sánh có vẻ đúng, nhưng thực sự rất ư là khác nhau: Nhà Mộ Dung trả đòn theo kiểu lấy “sát khí đáp lại sát khí” với Tâm thức ích kỷ lạnh lùng, tạo nghiệp chướng; còn Tonglen nhìn đối tượng đang sân như con bệnh và lấy tấm lòng từ bi hóa giải; xin chịu thay đau khổ và hồi hướng tòan bộ công đức cho đối phương mà không là Đại Từ bi mới là lạ, kết quả không ai tổn thương và đều có lợi ích, vì “Một câu nhịn chín câu lành” huống chi người Tonglen không hề có cảm giác nhịn hoặc nén chịu gì cả mà có một cảm giác hoan hỷ nhẹ nhàng vì biết chắc mình vừa hóa giải một tình thế tạo nghiệp và “công lực” càng tăng tiến.

Đến lúc này ta mới hiểu vì sao Đức Quán Âm Thị Kính lại tha thứ cho kẻ vũ phu và Đức Phật cũng khen Đề Bà Đạt Đa là Thiện tri thức của mình. Hòa Thượng Tuyên Hóa với đại nguyện thứ mười một: Nguyện đem tất cả phước lạc đều hồi hướng, phổ thí cho tất cả chúng sanh trong pháp giới. Đại nguyện thứ mười hai: Nguyện tất cả những khổ nạn của chúng sanh trong pháp giới, đều do một mình tôi nhận lấy; đều thể hiện tinh thần Tonglen; Người Tonglen sẽ thấy chung quanh mình không hề có kẻ thù và một niềm hạnh phúc nhẹ nhàng cứ chạy trong người bạn, chỉ khi nghe người thân hoặc bạn bè nhận xét bạn đã thay đổi tính tình lúc đó bạn mới chợt tỉnh ngộ và biết Pháp môn Tonglen đã có tác dụng, lúc đó hòan cảnh xung quanh cũng thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp của Tâm Tonglen ngày càng tăng trưởng.

 Sự vi diệu là như thế đó!

            Thật sự là điều kỳ diệu, các Pháp môn trong đó có Tonglen được cất giữ hàng nghìn năm tại vùng núi Hy Mã Lạp Sơn được sự bảo quản của Phật giáo Tây Tạng, đã du hành qua bao nước, cuối cùng đến được Việt nam làm ta liên tưởng đến dòng sông Mê-kông cũng phát xuất từ dãy núi thiêng liêng cao nhất thế giới, trải qua bao quốc gia cuối cùng cũng vậy đến Việt Nam với một tên gọi mới: sông Cửu Long trước khi đổ vào đại dương mênh mông có tên là Thái bình. (HTV có làm chương trình đặc biệt về dòng sông này)

Từ Tonglen, xin phép được chuyển đến đề tài khác:

            Có một nghi vấn mà tác giả đã trăn trở khá lâu mà không đủ khả năng và điều kiện để giải quyết, tạm gọi nó là một công án Thiền trong khoa học, nay nhân dịp đầu xuân xin mạo muội trình bày cùng độc giả biết đâu có vị thức giả nào đó có khả năng giải quyết nó trọn vẹn và rốt ráo, Công án này xuất phát từ những gợi ý sau:

            Trong cuốn Tạng Thư sống chết của Soyal Reponche (Ni sư Trí Hải chuyển ngữ) có so sánh sự tương đồng giữa Pháp Thân, Báo thân và Hóa thân với Ý nghĩa, Năng lượng và Vật chất của nhà khoa học David Bohm.

            Công án này cũng được gợi ý từ khi đọc bài: Duyên khởi & Tính Không được đồ giải qua phương trình E  =  Mc2  của nhà bác học Albert Einstein (Khải Thiên & GsTs Nguyễn Chung Tú, Tập 3, Phật học cơ bản, Ban Hoằng Pháp Trung Ương, Nhà xuất bản Tôn giáo qúy II/2003)

            Từ cách nhìn của nhà Thiền: Thời gian là niệm (Sát-na) của Tâm thức, theo Luật Tăng Kỳ: “Một khảy móng tay có 20 cái nháy mắt, một nháy mắt có 20 đại niệm; một Đại niệm có 90 sát-na nói Niệm Niệm là chỉ cho niệm trước chưa diệt, niệm sau lại sanh, từng niệm sanh diệt nối nhau không dứt, trạng thái rất nhanh chóng nếu chẳng có huệ nhãn thì không thể thấy được”

            Bằng sự suy luận lô-gic, rõ ràng có mối quan hệ tương tác giữa vật chất, năng lượng và ý thức mặc dù vật chất và ý thức độc lập tồn tại dựa vào nhau (Nhân duyên)

            Hiện nay, ai cũng gần như biết hoặc nghe nói về không gian bốn chiều của Ngài Einsten, gồm ba chiều không gian và chiều thứ tư là thời gian, gần đây còn nghe có chiều thứ 4 khác là âm thanh đã được ứng dụng trong Công nghệ 3D,

            Những ai đã từng học ĐH ngành KH-Kỹ thuật đều biết công thức cơ bản của Einstein:

E=mc2

            Từ công thức này, bằng các phép biến đổi các thứ nguyên, công thức này sẽ trở thành công thức bình thường của không gian ba chiều, ví dụ: Thế năng, Động năng …, ở đây nhằm giảm các phép tính và để mọi người dễ dàng theo dõi nên không trình bày các phép biến đổi phức tạp đó.

            Trong công thức này, E là năng lượng, m là khối lượng và c là tốc độ ánh sáng được tính đúng:  c = 300.000 Km/s = 3x105 Km/s, bằng Tam đọan luận: Tốc độ ánh sáng dựa trên cơ sở là giây mà giây dựa vào vòng quay của trái đất (Khi trái đất quay 1/86400 vòng được gọi là 1 giây) mà vòng quay trái đất dựa vào Tâm thức lưỡng cực của con người suy ra tốc độ ánh sáng cũng là nhận thức của Tâm thức lưỡng cực đó.

            Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng đã từng giải thích sự Tái sinh bằng sự liên tục của tâm thức: một niệm sinh ra là sự kế tục của niệm trước đó và là sự bắt đầu của niệm kế tiếp và cũng có nghĩa là chỉ một niệm bao hàm cả quá khứ lẫn tương lai!; tâm thức cũng có đủ các giai đọan sinh trụ dị diệt (Kinh Viên Giác), vậy có thể biểu diễn chu kỳ của một niệm theo biểu đồ hình sin như dạng sóng điện từ, cũng có tần số, biên độ và các thông số cơ bản khác.

            Như vậy cũng tạm đủ để chúng ta hãy thử xem xét E=mc2 với một chiều khác, đó là chiều của Tâm thức   

            Mỗi chúng sinh (x) tại một giây của trái đất sẽ có số niệm được quy ước là ∑ S  như vậy:  ∑ Sx = số niệm/giây của chúng sinh (x), thay vào thứ nguyên giây công thức trên, ta có:

c = 3x105 Km/∑ Sx

            Ứng dụng vào Công thức     E=mc  

Ta có

 Ex = mx. (3x10Km2/∑ Sx ) 2

Rút gọn ta được:

Ex = 9x1010  (mx. Km2)/∑ Sx2

            Từ phương trình của Einsten, chuyển thứ nguyên thời gian của tốc độ ánh sáng sang tần suất của Tâm thức ta đã có một phương trình mới, có thể tạm đặt tên phương trình Không gian-Tâm thức hay chính xác hơn Trường Không gian- Đa tâm thức vì mỗi chúng sinh có tần suất tâm thức khác nhau (biệt nghiệp) và mỗi chủng lọai ở các cảnh giới cũng có biên độ tần suất tâm thức khác biệt (Cộng nghiệp).

            Phương trình này thể hiện được mối quan hệ giữa năng lượng, vật chất và tâm thức xóa được ranh giới tách bạch giữa nghiên cứu vật chất và tinh thần, thể hiện được ý nghĩa Kinh Bát Nhã:  

“Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc.

Sắc bất dị Không, Không bất dị sắc.

Thọ, Tưởng, Hành, Thức diệc phục như thị …”

            Nhược điểm công thức này, là kết quả sáng tạo giữa không gian ba, bốn chiều và Tâm thức trong các không gian đó nên không thể hiện được tính chất A-Lại-da Thức lưu trữ nghiệp, hay nói theo ngôn ngữ hiện đại: bộ nhớ Vũ trụ (Universal Memory); cũng phải thôi, đem ánh sáng đom đóm mà đốt núi Tu Di thì đúng là lông rùa sừng thỏ, thế mới gọi là bất khả tư nghị.

            Trong cuốn Tạng Thư sống chết của Soyal Reponche (Ni sư Trí Hải chuyển ngữ) có so sánh sự tương đồng giữa Pháp Thân, Báo thân và Hóa thân với Ý nghĩa, Năng lượng và Vật chất của nhà khoa học David Bohm, căn cứ văn phong Kinh Bát Nhã nên công thức trên ta cũng có thể phát triển như sau:

            Pháp thân = Ýnghĩa    =  ∑ Sx

            Báo thân  =  Năng lượng        =  Ex

            Hóa thân  =  Vật chất             =  (mx. Km2)/∑

            Để giảm độ phức tạp ta giả sử (m.km2)là một hằng số. (thực chất m và km cũng chỉ là phóng ảnh của Tâm thức, xét cho cùng tòan bộ môn hình học không gian xây dựng nên từ một điểm được gọi là định đề, quy ước … chỉ là  tưởng tượng của tâm thức, hình thành đường thẳng bằng các h nối hai điểm được gọi là không gian một chiều cũng chỉ là tưởng tượng của tâm thức, thêm một chiều thành mặt phẳng đuợc gọi là không gian hai chiều cũng thế, chỉ cần một kích thước nhỏ cỡ nguyên tử các không gian trên thành 3 chiều ngay, ai làm trong ngành cơ khí chính xác đều biết điều này, một mặt phẳng dù mài với độ bóng, độ chính xác siêu cấp, đưa lên kính hiển vi điện tử cũng chí là bề mặt lồi lõm! )

            Tiếp tục, chúng ta giả thiết:

Một chúng sinh x1 nào đó tu đến mức chỉ còn một niệm/giây thì ∑ S1 =1 ; công thức trên sẽ là:

E1 = 9x1010  m1. Km2/(1)2

E1 = (9x1010  m1. Km2)

Một chúng sinh x2 nào đó tu đến mức 1niệm/1000 giây thì ∑ S2 =1/1000 ; công thức trên sẽ là:

E2 = 9x1010  m2. Km2/(1/1000)2

Hay:

E2 = (9x1010  m2. Km2)) . 103

Một chúng sinh x3 nào đó tu đến mức 1 niệm/1000.000giây thì ∑ S3 =1/1000.000 ; công thức trên sẽ là:

E3 = 9x1010  m3. Km2/(1/1000.000)2

Hay:

E3 = (9x1010  m2. Km)) . 1012

Như vậy đã quá đủ để so sánh, lấy E1 = (9x1010  m1. Km2)  làm đơn vị cơ bản ta có:

E3 >  E2  >  E1

hay :   E3  =   109 E2  =   1012E1

            Đẳng thức trên có thể phát biểu như sau: Năng lượng người x3(1niệm/106giây) bằng một tỷ lần năng lượng người x2 (niệm/1000 giây) và bằng một ngàn tỷ lần năng lượng người x1 (niệm/giây).

            Kết luận:

            Khi thời gian của một niệm (sát-na) càng tăng thì năng lượng càng lớn.

            Khi ∑ S1 < 1 năng lượng sẽ tăng theo cấp bình phương của mẫu số và ngược lại.

            Nếu điều này có cơ sở, thì việc Ngài Ca Diếp lưu lại kim thân, Ngài A-Nan dùng lửa Tam muội tự hỏa thiêu để chia xá lợi, Ngài La Hầu La đưa nhục thân lên trời hóa để tặng xá lợi cho Chư Thiên, ngài Duy Ma cật chỉ sau một co tay của lực sĩ đã đến nước Chúng Hương đem cơm về đãi khách, Đức Đạt lai Lạt Ma cho rằng tốc độ của tâm thức khi cần sẽ lớn hơn tốc độ ánh sáng!.. và …, không hẳn là một huyền thọai.

            Đúng là như thế, nếu con người có thể chế một vật thể bay với tốc độ ánh sáng thì chẳng ai dám bước lên vì với tốc độ đó, con người và vật thể bay phải chuyển thành ánh sáng, còn việc phục hồi lại hình dạng cũ chỉ là không tưởng, bộ phim khoa học viễn tưởng về một phi thuyền trước đây chuyển còn người thành sóng đến nơi mới ráp lại cũng tương tự ; sau  vụ nổ nguyên tử cần bao nhiêu năng lượng mới kết hợp lại được với chất thải nguyên tử để phục hồi lại lượng Uranium ban đầu? Hỏi cũng là trả lời. Cuối cùng giải pháp cũng chỉ là Tâm thức theo phương trình Trường Không gian-Đa tâm thức đã nêu trên.

            ∑ S1  có thể là một Hàm ẩn theo cách gọi của nhà khoa học David Bohm, vì khi nó tiến dần đến 0 thậm chí âm thì sẽ ra sao nhỉ?, chẳng lẽ lại dùng Đạo hàm (vi phân), Nguyên hàm (tích phân) để xử lý? Đến đây thật sự tác giả hết vốn! không dám “Múa rìu qua mắt thợ”, xin kính tặng món quà đầu xuân đến các Thầy, Cô có năng lực và chuyên môn thích hợp coi như coi như một gợi ý mới hay một bài tóan đố giải trí đầu xuân, bản thân tác giả cũng không đủ khả năng xác nhận tính đúng đắn của nó, xin chân thành cám ơn.

“Ngày xưa có gã từ quan, lên non tìm động hoa vàng ngủ say …”

(Bản nhạc Ngày xưa Hòang thị)

            Từ công thức trên chúng ta sẽ có bài tóan vui như sau để xem “gã” Từ Thức này đạt bao nhiêu niệm/giây (∑ S1) thì mới có diễm phúc lọt vào cảnh Tiên gặp người đẹp. Sau khi trở về trần gian, thời gian đã trôi qua mấy trăm năm, cứ cho một trăm năm cõi trần bằng một ngày cõi Tiên?

Để kết thúc xin có đôi lời tâm sự:

            Lịch sử cho đến nay chưa ai có thể so sánh về Võ công với Thành cát Tư Hãn, từ một bộ lạc nhỏ bé trên Sa mạc Gô-bi phát triển lên đánh như vũ bão, chiếm từ Đông sang Tây, từ Bắc xuống Nam gần như tòan thế giới theo bản đồ cổ (lúc đó chưa phát hiện ra Châu Mỹ) chỉ trừ một ít nước và Việt Nam là thất bại cay đắng nhất của Đế quốc Mông cổ; các vị Tướng ngày nay vẫn còn lắc đầu le lưỡi, xét về mặt tác chiến đưa một đội quân vượt qua sa mạc mênh mông, những vùng băng tuyết rét cắt thịt, vuợt qua những rặng núi chọc trời thì riêng vấn đề hậu cần, cơ động và thông tin cho một đội quân hùng mạnh trong một không gian rộng lớn cũng là bài tóan hóc búa so với điều kiện kỹ thuật hồi đó. Và những ngày cuối đời, Đại Hãn và các Triều đại kế tiếp đã tiếp thu và ủng hộ Phật giáo Tây Tạng để ngày nay góp phần phát triển Đạo Phật như vũ bão tại các nước Phương Tây.

            Hòang đế Võ Tắc Thiên, phụ giúp người chồng bệnh họan, điều hành việc nước, trừng trị bọn tham quan ô lại với thành kiến “Trọng nam, khinh nữ”, với trí tuệ trác tuyệt của mình đã xây dựng nên một Triều đại phát triển rực rỡ mọi mặt: kinh tế, văn hóa, giáo dục … đến mức các nước lân bang đều đến học tâp lưu lại dấu ấn cho đến ngày nay; một vị Hòang Đế nữ thể hiện quá khứ kiếp công phu tu luyện thâm hậu của mình và có lẽ là duy nhất trong lịch sử “dám” nghiên cứu Kinh Hoa Nghiêm, một bộ Kinh đến nay nhiều người vẫn chóang ngợp trước sự hòanh tráng, sự diễm lệ, quy mô ngòai sức tưởng tượng của các nhà văn giàu tưởng tượng nhất; với Bộ Kinh Hoa Nghiêm và Kinh Địa Tạng, Đức Phật đã cho “trình hiện” (từ dùng của Gs Nguyễn Tường Bách) hai cảnh giới cực đoan của Tâm thức và các Pháp môn vượt thóat khỏi nó.

            Và có một Dân tộc kỳ lạ, đã có những người con ưu tú với kỳ tích của mình lưu danh mãi không những trong lòng dân tộc mà cả tòan Thế giới, và cũng đã có một người con như thế ra đi với hai bàn tay trắng lưu lạc khắp bốn phương với một lý tưởng, một hòai bảo cháy bỏng; có lẽ chưa có vị lãnh tụ nào trong quá khứ có hành trạng như vậy, riêng bản lý lịch tại trường ĐH Phương Đông, mục ngọai ngữ: biết 11 thứ tiếng, trình độ VH: Tự học, đã đủ làm nhiều người phải kính nể; một vị lãnh tụ với hai bàn tay trắng đã trở về lãnh đạo một dân tộc “vô danh tiểu tốt” trên bản đồ thế giới giành lại vị trí xứng đáng của minh, sánh ngang các cường quốc năm châu bốn bể, để một dân tộc như là biểu tượng:

Ngỡ rằng châu chấu đá xe

Tưởng rằng chấu ngã ai dè xe nghiêng.

            Một nhân cách mà các đối thủ chân chính cũng phải ngã nón khâm phục. Là người Việt dù không cùng chính kiến, ai cũng có quyền tự hào về một người con ưu tú của Dân tộc như vậy

(Đó là lẽ thật, một sự thật “bất khả phủ bác”!, ngạn ngữ phương Tây: “Ai bắn vào quá khứ một phát súng lục thì tương lai sẽ bắn vào vào kẻ đó một phát đại bác” dĩ nhiên theo luật Nhân qủa)

            Có một cô bé mặc áo tù trắng đứng giữa không gian Thái bình Dương lộng gió, mặt biển vẫn xanh sóng vẫn vỗ, em đã ngã xuống dưới lọat đạn thù, hình ảnh này đã làm mềm biết bao trái tim chai đá sạn và để cho mùa hoa Lê-ki-Ma nở mãi trong lòng dân tộc (Ever and forever!, dùng câu này mới diễn đạt hết ý, chứ vạn tuế và muôn năm vẫn còn giới hạn)

            Đã có một Dân tộc như thế!!!

            “Về đây nghe em, về đây nghe em” tiếng hát trong trẻo của ca sĩ Lệ quyên đã làm xúc động biết bao tâm hồn trong cũng như ngòai nước; hãy về đây! về với nghìn năm Thăng Long-Hà Nội, hãy về “Như mặt trời gieo hạt nắng vô tư…” (Nghệ sĩ Ưu Tú Tạ Minh Tâm), và để được mặc “áo the đi guốc mộc”, để được tắm mình trong bầu không khí thiêng liêng và ấm áp của dân tộc, hãy đội lên đầu các em Nón Ba Tầm nhắc nhở một quá khứ oanh liệt và bi tráng của Tổ Tiên, nhằm khẳng định như lời thơ của vị Đại tướng lừng danh Lý Thường Kiệt:

           

        Nam Quốc sơn hà Nam Đế cư

        Tiệt nhiên định phận tại Thiên thư

        Như hà nghịch Lỗ lai xâm phạm

        Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.

Về đây và hãy về đây để quỳ trên bất cứ mảnh đất nào của quê hương và hãy bốc lên nắm đất để nghe những giọt máu đã thấm của tiền nhân tự tình về Hồn Thiêng dân tộc…

            Có lẽ Tác giả đã để tâm hồn bay bổng quá xa (chắc Bà nhập), xin trở lại với bài thơ đuợc tương truyền là của Hoá thân Phật Di Lặc xuống thế lưu lại cõi trần gian này:

        Bình bát cơm ngàn nhà

        Thân chơi muôn dặm xa

        Mắt xanh xem trần thế

        Mây trắng hỏi đường qua.

            Được khảo sát với nhà Thơ: cực kỳ lãng mạn; nhà Kinh doanh: “Kính nhi viễn chi”; nhà Thực dụng: còn lo kiếm tiền hay tệ hơn: ngu sao mà đi ăn xin; nhà tu hành: một cảm giác bâng khuâng …

            Đại Bồ Tát Di Lặc, còn có tên là Từ Thị, được Đức Phật ấn chứng là vị Phật tương lai, cũng được xem là Sư Tổ của Pháp môn Duy Thức, có thể để lại một bài thơ “lãng mạn”, “ăn xin” và “bâng khuâng” như vậy không?:

- Bình bát cơm ngàn nhà:

               Bình bát vật bất ly thân của Tu sĩ, hiểu thông tục dùng để khất thực, cao hơn là gieo ruộng Phước điền cho chúng sinh một cách bình đẳng, không kỳ thị phân biệt như trường hợp hai ngài: Đại Ca Diếp và Tu Bồ đề; Kết luận: Để bình bát của mình có đủ công lực gieo ruộng phước điền cho chúng sinh không cách nào khác là hòan thành các Thánh vị và thực hành lý tưởng Bồ Tát Đạo.

- Thân chơi muôn dặm xa:

               Đi du lịch hơn trăm km còn tốn bộn tiền chứ đừng nói là muôn dặm, rõ ràng đây là trạng thái: “Tự do đầu tiên và cuối cùng” mà Krisnamuti muốn nói, mà tự do đầu tiên và cuối cùng có nghĩa là tự do vĩnh viễn, chỉ có tu luyện đến mức giải thóat sinh tử luân hồi thực hành Bồ Tát đạo mới là tự do mãi mãi, muôn dặm cũng có nghĩa khắp Tam Thiên Đại Thiên thế giới. (Ôi! Ước mơ biết bao người)

- Mắt xanh xem trần thế:

               Câu này làm ta nhớ đến Đức Quán thế Âm: Từ nhãn thị chúng sanh, Từ là ban vui một trong Tứ vô lượng Tâm: Từ, Bi, Hỷ, Xả. Ban vui cho chúng sinh chứ không phải ngọai cuộc, bàng quan đứng nhìn chúng sinh như đã lầm tưởng. Mà ban vui cho tất cả chúng sanh Pháp môn Tonlen sẽ là phương tiện tốt nhất.

- Mây trắng hỏi đường qua.

               Kinh sách và các Hòa Thượng thường ví Vô minh như vọng tưởng, như mây che bầu trời, có vọng tưởng thô và vọng tưởng tinh cũng như có mây đen và mây trắng, câu này làm chúng ta nhớ ngày trước ở miền Nam có một tờ báo thường đăng câu:

“Thiên thượng phù vân như bạch y

Tu du hốt biến vi thương cẩu”.

Tạm dịch:

Mây quyện lưng trời tà áo trắng

Hốt nhiên uyển chuyển chú chó xanh.

Mây trắng, mây đen hay xích vàng xích bạc cũng phải hỏi đường qua, hỏi đường cũng có nghĩa Tầm Đạo, để qua có nghĩa “Đáo bỉ ngạn”, lâu lắm rồi trong một chương trình do VTV tổ chức kỷ niệm một buổi hòa nhạc của một nhạc sĩ, có biểu tượng con đường và vầng trăng, có thể hiểu: con đường đến chân lý bằng âm nhạc! “Mộc mạc thôi …” là như thế đó. Còn nhà Phật là vô luợng Pháp môn tùy chọn cho phù hợp với Cơ địa của mình để đến “Bờ bên kia”.

            Thật là phi thường! Chỉ một bài thơ mới coi thật dung dị, nhưng bao hàm cả ba tạng Thánh điển. Đến đây tác giả đã thực sự cạn vốn, một lần nữa kính chúc độc giả cùng thân quyến một năm mới an khang thịnh vượng. Rồi có một ngày với công lực Tong len hùng hậu các bạn sẽ:

Mắt xanh xem trần thế

Mây trắng hỏi đường qua.

Kính chào thân ái.

Trảng dài rực nắng, 03/2010

Thích Thông Kính

Ghi chú:

            Cả hai phần của bài viết này, để tỏ lòng tri ân đến Ni Sư Thích Nữ Trí Hải, Dịch giả cuốn Tử Thư Tây Tạng, tác giả Sogyal Rinpoche, Nhà xuất bản Phụ Nữ Tp Hồ Chí Minh ấn hành, với lời văn trang nhã, rõ ràng, sáng sủa và súc tích, đã giúp ích cho nhiều người trong thời kỳ đất nước đổi mới định hướng lại, có lẽ sống và lối sóng phù hợp với Đạo Pháp và Dân Tộc, nguyện có công đức gì xin kính dâng Ni sư và ước mong Ni sư sớm tái sinh tiếp tục Hạnh nguyện Bồ Tát Đạo của mình.

            Và cũng xin gởi lời cám ơn Ni sư Thích nữ Giới Hương tác giả sách: Luân hồi trong Kinh Lăng Nghiêm và Vòng Luân Hồi với kiến thức uyên bác và phong phú đã giúp ích rất nhiều trong việc bổ xung các thiếu sót bài: Vũ trụ quan và Nhân sinh quan Phật giáo, định hướng nghiên cứu mới trong ngành Sinh học.

   Nhất Chi Mai cũng là biệt danh của Nữ Phật tử Phan Thị Mai là sinh viên của ĐH Vạn Hạnh và ĐH Văn Khoa SG phát nguyện đem thân làm đèn, đốt lên làm lễ khai mạc tuần lễ cầu nguyện Hòa Bình, vào lúc 7:30 sáng ngày mùng 8.4 Đinh Mùi (nhằm ngày 16.5.1967) tại chùa từ Nghiêm đường Bà Hạt Chợ lớn, nhiều học trò nhỏ ở miền Nam trước 75, đều coi các tên: Nhất Chi Mai, Trần Văn Ơn, Nguyễn Thái Bình … là ai-đồ (Idol) của mình, có hai cây Nhất Chi Mai được trồng gần Thư Viện (Tàng Kinh Các) của Thiền Viện Trúc Lâm Đà Lạt.

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập