Những suy nghĩ về tu tập theo Phật pháp

Đã đọc: 6728           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Chúng ta đang có Chánh pháp là nơi nương tựa vững chắc nhất, chúng ta đang có Tam Bảo là chổ dựa an toàn nhất. Thì sao chúng ta còn thất vọng, lo lắng, sợ hãi điều gì nữa ! thì sao chúng ta lại không hạnh phúc, yên bình ! Không phải Thế Tôn đã dạy chúng ta rằng thất vọng, lo lắng, sợ hãi chỉ khởi lên cho ngưởi ngu rồi hay sao!

                                                     Phần III

 

Nguyên Nghĩa

 

  I/  Về nguyện lực tu tập:

Chúng ta thực hành việc tu tập dù theo bất cứ tôn giáo nào, bất cứ pháp môn nào, và dù là tha lực hay tự lực, thì điều cơ bản là phải nổ lực tự thân, sự nổ lực này có được nhiều hay ít là tùy theo mỗi người, nhưng tất yếu là phải có.

 

 Không gì là cố định, không gì là không thể tự nổ lực được, tất cả đều đang thay đồi, tất cả đều đã, đang và sẽ chuyển động theo hướng xấu hay tốt là do chính mình. Không gì là trể hay sớm cả, nếu ta không khởi hành, không chuyển động thì mãi mãi là trể, mãi mãi là sớm và mãi mãi là lý thuyết, là lời nói suông.

 

Mỗi người đều có khả năng trí tuệ, mỗi người đều có khả năng giải thoát và mỗi người đều có khả năng biến hai điều này thành sự thật:   

 

                                “Bần tiện không vì sanh                    Phạm chí không vì sanh

                                  Do hành, thành bần tiện,                 Do hành, thành Phạm chí”

                                                                                                                        (Kinh Suttanipatà)

 

  II/ Về những kết quả:

 Khi có sự thành tâm, quyết tâm, nổ lực, kiên trì, bền chí trong sự thực hành tu tập, thì kết quả mang lại cho dù có nhỏ đến mức không thể cảm nhận được, đến độ gây thất vọng, chán nản, thối chuyển, nhưng chắc chắn rằng nó vẫn không mất đi, vẫn được huân tập, tích lũy từng giờ, từng ngày để trở thành thiện duyên cho những thành quả kế tiếp ngày càng tốt đẹp hơn.

 Trong bài kinh “ Cán búa “, Đức Phật chỉ dạy rất rỏ:

 

                                     “ Này các Tỷ-kheo, một người thợ đá hay đệ tử người thợ đá, khi nhìn vào cán búa thấy dấu các ngón tay, dấu các ngón tay cái. Vị ấy không thể biết được như sau: “Hôm nay, từng ấy cán búa của ta bị hao mòn; hôm nay từng ấy, các ngày khác từng ấy”. Nhưng vị ấy biết được cán búa bị hao mòn trên sự hao mòn của cán búa.

                                       Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo sống chí tâm trong sự tu tập, các kiết sử rất dể bị yếu dần và hư nát ”

                                                                                                                    (Kinh Tương Ưng Bộ)

 

  III/ Về nương tựa:

 Hãy mạnh mẻ lên, hãy tự tin, dũng mảnh lên, vững tin, vững bước trước những  nghịch cảnh, tai ương khổ đau của cuộc sống trên thế gian này, có rồi mất, đến rồi đi, vui rồi buồn, thỏa mãn như ý rồi bất mãn bất như ý, yên ổn yên bình rồi lại rơi vào những nghịch cảnh, chướng ngại đầy âu lo sầu khổ.

   Hãy nhận ra đời sống thế tục ấy vốn bản chất là như vậy, vốn tính chất là như thế, không thể khác được.

 

                                           “ Sinh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, cũng vậy, sầu, bi, khổ, ưu, não là khổ. Gặp gở, chung đụng người ghét là khổ, chia lìa, xa cách người thương là khổ, trái ngược ý  muốn, không đạt ước mong là khổ. Tóm lại, hướng đến chấp thủ năm yếu tố hiện hữu là khổ.”

                                                                                                       (Kinh chuyển Pháp Luân)

 

                                           “ Cái này nhiều hơn, này các Tỷ-kheo, tức là dòng nước mắt tuôn chảy do các Ông than van, khóc lóc, phải hội ngộ với những gì không ưa, phải biệt ly với những gì mình thích, khi các Ông phải lưu chuyển luân hồi trong thời gian dài này chớ  không phải nước trong bốn biển”

                                                                                                             (Kinh Tương Ưng Bộ)

                 

Hơn thế nữa, những cảm thọ thế tục, không chỉ riêng khổ thọ, hay không khổ không lạc mà ngay cả cảm giác lạc thọ thuộc năm giác quan mà người thế gian ngày đêm luôn đeo đuổi, luôn mong cầu, tất cả đều là hữu vỉ, vô thường, khổ.

 

Khổ và nguyên nhân của nổi khổ thế gian đã được Thế Tôn chỉ dạy rất rỏ ràng, rất cụ thể, thấy rỏ trong hiện tại. Đây là khổ, đây là khổ tập thuộc tùy quán thứ nhất.

Đây là khổ diệt, và con đường đưa đến khổ diệt là tùy quán thứ hai.

Yếm ly lạc thọ, yếm ly khổ thọ, yếm ly bất khổ bất lạc thọ. Do yếm ly, vị ấy không có tham dục, không có chấp thủ, do không có tham dục, không có chấp thủ, vị ấy giải thoát.

 

                                           “  Này Aggivessana, lạc thọ là vô thường, hữu vi, do duyên sinh, bị đoạn diệt, bị hủy hoại, bị suy tàn, bị tiêu diệt. Này Aggivessana, khổ thọ là vô thường, hữu vi, do duyên sinh, bị đoạn diệt, bị hủy hoại, bị suy tàn, bị tiêu diệt. Này Aggivessana, bất khổ bất lạc thọ là vô thường, hữu vi, do duyên sinh, bị đoạn diệt, bị hủy hoại, bị suy tàn, bị tiêu diệt.

                                                  Thấy vậy, này Aggivessana, vị Đa văn Thánh đệ tử yếm ly lạc thọ, yếm ly khổ thọ, yếm ly bất khổ bất lạc thọ. Do yếm ly, vị ấy không có tham dục, do không có tham dục, vị ấy giải thoát.”

                                                                                                                  (Kinh Trung Bộ)

 

                                        “   Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, vị Đa văn Thánh đệ tử nhàm chán đối với mắt, nhàm chán đối với sắc, nhàm chán đối với nhãn thức, nhàm chán đối với nhãn xúc. Do duyên nhãn xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ, hay bất khổ bất lạc; vị ấy nhàm chán đối với cảm thọ ấy . . . nhàm chán với thinh . . . với hương . . . với vị . . . với xúc . . . với pháp . . .  Do nhàm chán nên vị ấy ly tham. Do ly tham nên vị ấy giải thoát.”     

                                                            Kinh Tương Ưng Bộ) 

                                           “ Do liễu tri tất cả pháp, phàm có cảm thọ gì được cảm giác, lạc, khổ, hay không khổ, không lạc, vị ấy trú tùy quán vô thường đối với các cảm thọ ấy, vị ấy trú tùy quán ly tham, vị ấy trú tùy quán đoạn diệt, vị ấy trú tùy quán từ bỏ. Do vị ấy trú tùy quán vô thường trong các cảm thọ, do vị ấy trú tùy quán ly tham, do vị ấy trú tùy quán đoạn diệt, do vị ấy trú tùy quán từ bỏ, nên không chấp thủ một cái gì ở đời, do không chấp thủ, nên không lo âu, do không tham đắm, nên tự mình nhập Niết bàn.”

                                                                                                               (Kinh Bộ Tăng Chi)

 

                                        “ Với lạc thọ, khổ thọ                      Hay bất khổ, bất lạc

                                           Nội thọ và ngoại thọ                     Phàm có cảm thọ gì

                                           Biết được đây là khổ                     Giả dối bị hủy hoại

                                           Thấy các xúc hoại diệt                   Như vậy, đây ly tham

                                           Tỷ kheo diệt các thọ                      Không dục ái, tịch tịnh”

                                                                                                                          (Kinh tập)

 

 Trong kinh Ví Dụ Con Rắn Đức Phật chỉ dạy thêm, rất rỏ ràng, không chỉ thọ là vô thường, khổ mà cả sắc, tưởng, hành, thức là vô thường, khổ. Do đó bất cứ sắc pháp nào, bất cứ cảm thọ nào, bất cứ tưởng nào, bất cứ hành nào, bất cứ thức nào cần phải như thật quán với chánh trí tuệ:        ” Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi “.

 

                                           “ Chư Tỷ-kheo, nhờ thấy vậy, vị Đa văn Thánh đệ tử yếm ly đối với sắc, yếm ly đối với thọ, yếm ly đối với tưởng, yếm ly đối với hành, yếm ly đối với thức, do yểm ly nên ly tham, do ly tham nên được giải thoát”

                                                                                                           (Kinh Ví Dụ Con Rắn)

 

 Nhận biết rỏ như vậy nên không còn khởi lên phẩn nộ, sân hận khi bị nhiếc mắng, phỉ báng, cũng không có sung sướng, hoan hỷ, sanh tâm thích thú khi được cung kính, tôn trọng, lễ bái.

 

Không còn lo lắng, sợ hải, than van sầu khổ, thống khổ, chán nản, tuyệt vọng trước các khó khăn trở ngại, thất bại, tai ách, khổ nạn, hay quá mừng rở, phấn khích, tự mãn, đắc chí, kiêu mạn trước các thuận lợi, thành công, thành đạt nơi cuộc sống thế tục.

 

 Nhận biết rỏ các pháp hữu vỉ là vô thường, khổ, vô ngã thời yếm ly, xả ly, xả bỏ, từ bỏ, không chấp thủ, không dính mắc, không nhiểm ô; không còn phóng dật, luôn nhiệt tâm, tinh cần, tỉnh giác, chánh niệm, vượt qua, tiến lên phía trước với lòng kiên cố, kiên định, vững vàng, vững chắc, vững chải, định tỉnh, an tịnh.

 

                                             “ Này các Tỷ-kheo, nay ta khuyên dạy các Ngươi: “ Các pháp hữu vi là vô thường, hãy tinh tấn, chớ có phóng dật ”

                                                                                                                  (Kinh Trường Bộ)

 

                                               “ Cái gì không phải của các Ông, các Ông hãy từ bỏ, từ bỏ sẽ mang     lại hạnh phúc lâu dài, sắc, thọ, tường, hành, thức không phải của các Ông, hãy từ bỏ”

                                                                                                                    (Kinh Trung Bộ)

    

Chúng ta đang có Chánh pháp là nơi nương tựa vững chắc nhất, chúng ta đang có Tam Bảo là chổ dựa an toàn nhất. Thì sao chúng ta còn thất vọng, lo lắng, sợ hãi điều gì nữa ! thì sao chúng ta lại không hạnh phúc, yên bình ! Không phải Thế Tôn đã dạy chúng ta rằng thất vọng, lo lắng, sợ hãi chỉ khởi lên cho ngưởi  ngu rồi hay sao!

 

                                           “ Phàm có những sợ hãi gì khởi lên, chỉ khởi lên cho người ngu, không khởi lên cho người trí; Phàm có những thất vọng gì khởi lên, thất vọng ấy khởi lên cho người ngu, không khởi lên cho người trí; Phàm có những hoạn nạn gì khởi lên, những hoạn nạn ấy khởi lên cho người ngu, không khởi lên cho người trí”

                                                                                                                      (Kinh Đa Giới)

 

                                           “ Hoan hỷ chỉ có đến,                 Với người tâm sầu muộn,

                                             Sầu muộn chỉ có đến,               Với người tâm hoan hỷ,

                                             Do vậy, vị Tỷ-kheo,                 Không hoan hỷ, sầu muộn.

                                             Vị Tỷ-kheo không sầu,             Cũng không có hoan hỷ,

                                             Đã an toàn vượt khỏi,               Chổ người đời đắm say.

                                                                                                                       (Phẩm cấp Cô Độc )

 

                             

  IV/  Về Chánh tín:

Chúng ta là một Phật tử, có thể chúng ta tin tưởng, quy y một vị Phật, hay tin tưởng quy y nhiều vị Phật là do quan điểm, nhận thức và tín ngưỡng riêng của từng cá nhân.

 

Các tín ngưỡng đều được tìm hiểu với trí tuệ để tôn trọng, kính trọng, tôn kính, thành kính, thành tâm cúng dường.

 

Khi chúng ta tin tưởng và quy y Đức Phật Thích Ca Mâu Ni ( Đức Phật Gotama, Gautama ) hay những vị Phật khác thì cần phải sống theo đúng những gì đã được Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, hay những vị Phật khác giảng dạy, thực hành theo đúng Chánh pháp, suốt đời phải một lòng một dạ, bền chí không thối chuyển, với lòng tin tuyệt đối, tịnh tín bất động nơi Tam Bảo, chắc chắn chúng ta sẽ có được sự an tỉnh, an lạc, sâu lắng, vi diệu, bền vững lâu dài.

 

                                             “ Vị ấy tự nghĩ: “Ta thành tựu lòng tin tuyệt đối, đối với Thế Tôn . . . đối với Pháp . . . đối với Tăng”, và ta chứng được nghĩa tín thọ, chứng được pháp tín thọ, chứng được hân hoan liên hệ đến pháp, từ hân hoan, hỷ sanh, từ hỷ, thân được khinh an, thân khinh an, cảm giác được lạc thọ; với lạc thọ, tâm được thiền định.”

                                                                                                          (Kinh Ví Dụ Tấm Vải)

 

 V/ Về sai lầm và sám hối:

Thời gian qua, gần đây hay đã lâu rồi, và trong quá khứ xa xôi nữa, chắc chắn rằng chúng ta đã có lần vấp ngả, rất nhiều lần, với rất nhiều sai lầm, nhiều lổi lầm rất nghiêm trọng, khiến ta vô cùng hối hận, ta bị mặc cảm tội lỗi, nó khiến tâm ta đau khổ, chán nản, thối chí trong tu tập.

 

Đức Phật đại từ, đại bi luôn thương yêu tất cả chúng sanh, luôn thương xót muôn loài hữu tình, luôn muốn chúng ta dù là người giàu hay nghèo, dù là người có trí cao hay người có trí thấp, dù là người đang tham đắm dục lạc, bị nhiễm thế tục, tánh khó hành xả, hay là người không tham đắm dục lạc, không bị nhiễm thế tục, tánh dể hành xả, dù là người có tội ít, có tội nhiều, hay không có tội, và chí đến hạng người vô tình hay cố tình hủy báng Phật pháp, tất cả đều được lợi ích, đều được giải thoát khỏi nổi khổ nơi thế gian này, đều được an lạc bền vững ngay trong đời sống hiện tại này.

 

Đức Phật chỉ ra rằng, nguyên nhân của sai lầm, đau khổ là do vô minh và tham ái. Thế nên là người Phật tử, chúng ta phải thực hành việc đoạn trừ vô minh và tham ái ngay trong hiện tại, không phải trong tương lai, càng không phải trong kiếp sống kế tiếp, không thể để cho  vô minh và tham ái chi phối, sai khiến chúng ta thêm nữa, đã quá đủ rồi không thể để lặp lại  nữa, dù chỉ một lần.

 

Có rất nhiều bài kinh trong Kinh tạng ghi lại trường hợp các vị Tỷ-kheo, cư sĩ, gia chủ, ngoại đạo . . . phạm sai lầm rất nặng nề, nhưng khi các vị ấy nhận ra sai lầm của mình và chân thành hối  lổi trước mọi người, Đức Phật chấp nhận sự hối lổi, đồng thời  khích lệ, sách tấn, làm cho hoan hỷ, chỉ dạy chánh pháp cho các vị ấy.

 Như trường hợp du sĩ Susima trà trộn vào tăng đoàn không vì mục đích cầu đạo, nhưng khi nhận ra sai lầm thành tâm nhận lỗi được Thế Tôn chấp nhận.

 

                                         “ Rồi Tôn giả Susima cuối đầu đảnh lễ chân Thế Tôn và bạch Thế Tôn:

                                          _Một tội lỗi con đã vi phạm, bạch Thế Tôn, vi ngu đần, vì si mê, vì bất thiện. Con đã xuất gia như một người ăn trộm pháp trong Pháp và Luật khéo giảng này. Bạch Thế Tôn, mong Thế Tôn chấp nhận cho con tội lỗi này là một tội lỗi để con ngăn ngừa trong tương lai !

                                       _Này Susima, ông thấy phạm tội là phạm tội và như pháp phát lộ, nên chúng ta chấp nhận tội ấy cho Ông. Này Susima, như vậy Luật của bậc Thánh được tăng trưởng, khi thấy được phạm tội là phạm tội và như pháp phát lộ để ngăn giữ trong tương lai ”

                                                                                                                      (Kinh Susima)

 

Bên cạnh đó, có không ít vị phạm tội, sau lần vấp ngã đó, đã quyết tâm tu tập và chỉ sau thời gian ngắn đắc các quả vị từ Sơ quả đến A-la-hán ngay lúc còn sống.

Thì cũng vậy, khi chúng ta vấp ngả, lầm lổi, nếu chúng ta thành thật, thành tâm nhận ra lổi lầm của mình là một lổi lầm mà sám hối ăn năn hướng thiện, chúng ta sẽ được Đức Phật thương yêu chấp nhận sự sám hối chân thành ấy, muốn thấy chúng ta vượt qua lần vấp ngã đó, không còn vô minh, tham ái  như vậy nữa.

                               

                                          “ Nếu trong khi phản tỉnh, này Rahula, ông biết như sau: “Khẩu nghiệp, (thân nghiệp, ý nghiệp) này ta đã làm. Khầu nghiệp, (thân nghiệp, ý nghiệp) này đưa đến tự hại, đưa đến hại người, đưa đến hại cả hai, Khầu nghiệp, (thân nghiệp, ý nghiệp) này là bất thiện, đưa đến đau khổ, đem đến quả báo đau khổ.” Một khầu nghiệp, (thân nghiệp, ý nghiệp) như vậy, này Rahula, Ông cần phải thưa lên, cần phải tỏ lộ, cần phải trình bày trước vị Đạo sư, hay trước các vị đồng Phạm hạnh có trí. Sau khi đã thưa lên, tỏ lộ, trình bày, cần phải phòng hộ trong tương lai.”

                                                                              (Kinh Giáo Giới La-Hầu-La ở rừng Am-Bà-La)

 

                                          “ Này các Tỷ-kheo, hai Tỷ-kheo này là sáng suốt: một vị thấy phạm tội, một vị chấp nhận phát lộ tội phạm đúng pháp. Này các Tỷ-kheo, hai Tỷ-kheo này là sáng suốt ”

                                                                                                  (Kinh Tội lỗi-Tương Ưng Bộ)

 

                                       (Thế Tôn )

                                            “ Ai không chịu chấp nhận,

                                              Tội lỗi được phát lộ,

                                              Nội phẫn, ưa sân hận,

                                              Hận thù càng kiên chặt.

                                              Ta không thích hận thù,

                                              Ta nhận tội các Ông

                                                                                   (Phẩm Quần Tiên)

 

Sám hối là nền tảng của giới luật, là nền tảng của thiền định. Sám hối  để  một lần dứt khoát chặt bỏ tất cả, xả bỏ những vướng bận, những phiền não đeo níu bấy lâu nay, quá khứ đã chết rồi, con người phạm sai lầm đã chết rồi, tất cả đã được bàn giao cho luật nhân quả xong rồi. Từ nay  có một con người mới, với lòng chân thành, với ý chí và lòng quyết tâm để không còn tái phạm, để trở nên hoàn toàn mới từ hành động, lời nói cho đến ý nghĩ.

Bây giờ, tâm thức đã được chuyển hóa với thân, khẩu, ý mới. Hãy bước chân lên con đường thực hành tu tập, con đường dẫn đến chân trời mới, mở ra thế giới mới, thế giới bên trên thiện ác, thế giới vượt  khỏi ý niệm có tội và không có tội, sám hối và không sám hối, thế giới của an lạc và giải thoát, thế giới mang lại an lạc và giải thoát cho mình và cho người.

 

  VI/ Về thọ nghiệp:

Có thể chúng ta chưa đủ trí tuệ để biết được cái mà mình đang thọ nhận có phải là nghiệp hay không, nhưng có điều chắc chắn rằng trong khoảng thời gian rất xa xôi trong quá khứ chúng ta đã có những sai lầm, đã tạo nghiệp để đưa đến những quả tốt hay xấu mà chúng ta phải nhận lấy trong cuộc sống hiện tại. Đây là quy luật tự nhiên không ai có thể né tránh được.

 

                                            “ Con người là chủ nhân của nghiệp, là kẻ thừa tự của nghiệp ”

                                                                                                                        (Kinh Trung Bộ)

 

                                            “ Không trên trời, giữa biển                 Không lánh vào động núi

                                                    Không chổ nào trên đời                      Trốn được quả của nghiệp”

                                                                                                                          (Kinh Pháp Cú)    

 

                                              “ Cái này nhiều hơn, này các Tỷ-kheo, tức là dòng máu tuôn chảy do đầu bị thương tích khi các Ông làm đạo tặc, ăn cướp đường . . ., tư thông vợ người . . . làm trâu . . .làm bò . . . làm heo . . . trong thời gian dài, chớ không phải là nước trong bốn biển lớn.”

                                                                                                (Phẩm thứ hai-Tương Ưng Bộ)

 

Giáo lý của Đức Phật thật vô cùng vĩ đại, vô cùng cao quý, vô cùng nhân bản, vô cùng siêu nhân bản, vô cùng siêu thoát mà không một tôn giáo nào sánh được. Con người có khả năng làm chủ lấy mình, hạnh phúc hay đau khổ, bị trói buột hay không là tự nơi mình, tâm là hoàn toàn tự do.

 

Khi một nghịch cảnh, một khổ cảnh đến với mình, cho dù đó là nghiệp quả đi nữa, thì nếu chúng ta có tu tập về thân, có tu tập về tâm, chúng ta sẽ được giải thoát khỏi sự chi phối của các cảm thọ sinh khời từ nghịch cảnh, khổ cảnh nơi nghiệp quả xấu ấy.

 

                                           “ Người ngu si nghe ít, khi cảm xúc khổ thọ, thời sầu muộn, than van,  khóc lóc, đập ngực, đi đến bất tỉnh. Như vậy cảm thọ hai loại cảm thọ, cảm thọ về thân và cảm thọ về tâm. Đức Phật ví như người bị bắn trúng hai mũi tên, vừa đau khồ về thân, vừa đau khồ về tâm.

                                          Đối với bậc Thánh đệ tử nghe nhiều, khi cảm xúc khổ thọ, không có sầu muộn, . . . đi đến bất tỉnh. Vị ấy chỉ cảm giác một cảm thọ về thân, không cảm thọ về tâm. Đức Phật ví người ấy bị bắn bởi một mũi tên, chỉ đau khổ về thân, không đau khổ về tâm”

                                                                                                          (Hãy tự mình thấp đuốc mà đi)

 

Đức Phật luôn khuyên dạy chúng ta tu tập thân tâm để được an tỉnh, định tỉnh, tự tại khi phải đối diện với sanh, lão, bệnh, tử, sầu, bi, khổ, ưu, não của kiếp người trong chuổi nhân duyên, nghiệp quả trùng trùng điệp điệp vô tận.

 

                                            “ Ai mang cái thân này, này Gia chủ, lại tự cho là không bệnh, dầu chỉ trong một giây phút; người ấy phải là người ngu! Do vậy, này Gia chủ, Gia chủ cần phải học tập như sau: Dầu cho thân tôi có bệnh, tâm sẽ không bệnh. Như vậy, này Gia chủ, Gia chủ cần phải học tập ”

                                                                                                                      (Kinh Tương Ưng Bộ)

 

Trong Kinh Anuruddha ghi lại trường hợp Ngài Anuruddha do khéo tu tập Bốn niệm xứ nên dù mang trọng bệnh, khổ đau nhưng tâm vẫn được an lạc định tỉnh.

 

                                            “ Tôn giả Anuruddha an trú với sự an trú gì, khiến cho khổ thọ về thân khởi lên, lại không có ảnh hưởng gì đến tâm?

                                             _Thưa chư Hiền, do tôi trú với tâm khéo an trú trên Bốn niệm xứ, nên các khổ thọ về thân khởi lên không có ảnh hưởng gì đến tâm ”

                                                                                                              (Kinh Anuruddha)

                                                                                                    

Không ai có thể tránh được những cảm thọ về thân do tác động của nhiệp lực, nhưng các cảm thọ về tâm thì không bị chí phối bởi chúng. Thế nên, tâm không bị chi phối, bị chi phối ít hay nhiều là do mức độ thành tựu thực hành tu tập của mỗi người.

 

Người Phật tử  hiểu và sống theo luật nhân quả, tu tập theo chánh pháp, có thân tu tập và tâm tu tập, vị ấy kham nhẫn thọ nghiệp với trí tuệ, để đạt thành tựu “Nhẫn nhục tùy thuận”, hướng đến chứng đắc “Vô sanh pháp nhẫn”.

 

Không gì thanh thản hơn khi trả xong món nợ do chính mình tạo nên, tâm hồn được thanh thản nên hoan hỷ sanh, từ đó lạc sanh, định sanh, tuệ sanh, đi đến giải thoát; ngược lại khi phản ứng với lòng sân hận, chán nản, thất vọng, bi quan, thân tâm sẽ bị đau khổ, tâm bị tán loạn nên liệt tuệ sanh, các tùy miên bất thiện tùy tăng nên thân, khẩu, ý bất thiện sanh, các bất thiện nghiệp tăng trưởng, đi đến các khổ thú, đọa xứ.

 

 Do nhận biết bản chất đời sống vốn là vô thường, khổ, vô ngã; do hiểu biết về quy luật nhân quả là như vậy, nên khi các tai ương, hoạn nạn xảy đến với mình, cho dù đó có phải là  nghiệp quả từ quá khứ hay không phải thì điều này không còn là vấn đề, không còn là điều đáng để bận tâm nữa, tất cả là hai mặt thuận nghịch của đời sống hữu vi. Chỉ có sự khởi lên sức mạnh kiên trì, kham nhẫn trong thời gian lâu dài với sự chú tâm, bình tỉnh, tỉnh táo với trí tuệ, không phải với liệt tuệ.

 

                                            “ Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người cảm thọ bà con [người thân] bị ách nạn, cảm thọ tài sản bị ách nạn, cảm thọ sức khỏe bị ách nạn, suy nghĩ như sau: “ Bản chất như vậy là sự an trú thế giới này; bản chất như vậy là bản tánh tự ngã có được này “; Bản chất như vậy là sự an trú thế giới. Bản chất như vậy là có được bản tánh tự ngã, tám thế giới pháp này vận chuyển thế giới, và thế giới vận chuyển tám pháp. Tức là, lợi và thất lợi, không danh tiếng và danh tiếng, chê và khen, lạc và khổ. Người ấy cảm thọ bà con bị ách nạn, cảm thọ tài sản bị ách nạn, cảm thọ sức khỏe bị ách nạn, sầu muộn, than van, khóc lóc, đập ngực, rơi vào bất tỉnh. “

                                              Nhưng ở đây, này các Tỷ-kheo, có người cảm thọ bà con [người thân] bị ách nạn, cảm thọ tài sản bị ách nạn, cảm thọ sức khỏe bị ách nạn, cũng suy nghĩ như sau: “ Bản chất như vậy là sự an trú thế giới . . . lạc và khổ. Người ấy cảm thọ bà con  bị ách nạn, cảm thọ tài sản bị ách nạn, cảm thọ sức khỏe bị ách nạn, nhưng không có sầu muộn, không có than van, không có khóc lóc, không có đập ngực, không có rơi vào bất tỉnh. “

                                            “ Này các Tỷ-kheo, trong các hoạn nạn, sức mạnh kiên trì cần phải được hiểu biết. Như vậy trong một thời gian dài, không thể khác được, có tác ý, không có không tác ý, với trí tuệ, không phải với liệt tuệ.” Như vậy được nói đến. Do duyên này được nói đến như vậy”

                                                                                            (Đại Phẩm – Kinh Bộ Tăng Chi)

 

                                                “ Này Rahula, hãy tu tập sự tu tập như đất. Này Rahula, do tu tập sự tu tập như đất, các xúc khả ái, không khả ái được khởi lên, không nắm giữ tâm, không có tồn tại. Này Rahula, ví như trên đất người ta quăng đồ tịnh, quăng đồ không tịnh, quăng phân uế, quăng nước tiểu, nhổ nước miếng, quăng mủ và quăng máu; tuy vậy đất không lo âu, không dao động, hay không nhàm chán; cũng vậy, này Rahula, hãy tu tập như đất. Này Rahala, do tu tập sự tu tập như đất, các xúc khả ái, không khả ái được khởi lên, không nắm giữ tâm, không có tồn tại”

                                                                                              (Đại kinh Giáo giới La-Hầu-La)

                                                   

Trong suốt quãng đường tu tập, có thể ngắn hay dài, có thể rất  dài, hay rất rất . . . rất dài, thì mỗi nghịch cảnh, mỗi lần vấp ngã là mỗi bài học thử thách giúp chúng ta nhìn lại để suy nghiệm về hiện trạng tâm thức mình, đang là tốt hay xấu, đang ở mức độ nào, cấp độ nào, để thấy được kết quả của thời gian thực hành tu tập lâu nay.

 

Bên cạnh đó, sám hối và phản tỉnh  thường xuyên nhằm để nhận ra những lỗi lầm, ngăn ngừa và phòng hộ trong tương lai. Sám hối và phản tỉnh thường xuyên nhằm để khởi lên sức mạnh kiên trì với lòng quyết tâm sắt đá không dời đổi, nhất quán và xuyên suốt, quên đi chính mình  trong lý tưởng tu tập theo Phật pháp, mà trước hết là thực hành nghiêm trì giới luật, cụ túc giới luật, tăng thượng giới luật, sống không phóng dật, năng làm các điều thiện về thân, khẩu, ý, tiến đến các thành tựu về định và tuệ, mở ra cuộc sống mới, lạc quan yêu đời, yêu mình và yêu người, tự giác và giác tha.

 

                                            “ Này Rahula, Ông nghĩ thế nào ? Mục đích của cái gương là gì ?

                                            _ Bạch Thế Tôn, mục đích là để phản tỉnh.

                                             _ Cũng vậy, này Rahula, sau khi phản tỉnh nhiều lần, hãy hành thân nghiệp. Sau khi phản tỉnh nhiều lần, hãy hành khẩu nghiệp. Sau khi phản tỉnh nhiều lần, hãy hành ý nghiệp”

                                             “ Do vậy, này Rahula: Sau khi phản tỉnh nhiều lần, tôi sẽ tịnh hóa thân nghiệp; khi phản tỉnh nhiều lần, tôi sẽ tịnh hóa khẩu nghiệp; khi phản tỉnh nhiều lần, tôi sẽ tịnh hóa ý nghiệp. Như vậy này Rahula, Ông cần phải tu học”

                                                                                                     (Kinh giáo giới La-Hầu-la)

 

                                               “ Dù chỉ còn da, gân và xương; dù thịt và máu trên thân bị khô héo, mong rằng sẽ có tinh tấn lực để chứng đắc những gì chưa chứng đắc. Nhờ trượng phu nhẫn nại, nhờ trượng phu tinh tấn, nhờ trượng phu cần dõng”

                                                                                                                    (Kinh Kitagiri)

 

Sám hối, phản tỉnh, hành thiện, tu tập giới, định, tuệ với các thành tựu dù là hết sức nhỏ nhoi đi nữa, cũng giúp cuộc sống hiện nay có ý nghĩa hơn, để từ hạng phàm phu hạ liệt vươn lên đời sống Phạm hạnh cao đẹp, thánh thiện hơn, để những ngày còn lại nơi thế gian này, mà do một đại thiện nhân duyên nên mới được sống trong kiếp người, không bị uổng phí.

 

                                          “ Thật vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nào thấy bất cứ hành nào là vô thường, thấy bất cứ hành nào là khổ, thấy bất cứ hành nào là vô ngã, sẽ thành tựu được nhẫn nhục tùy thuận, sự kiện này có xảy ra. Thành tựu nhẫn nhục tùy thuận, sẽ nhập vào chánh tánh quyết định, sự kiện này có xảy ra. Nhập vào chánh tánh quyết định, sẽ chứng ngộ Dự lưu quả, Nhất Lai quả, Bất lai quả, hay A-la-hán, Sự kiện này có xảy ra”.

                                                                                            (Phẩm Lợi Ích – Kinh Bộ tăng Chi)

 

                                            “ Hãy thân với người lành,                 Hãy gần gũi người thiện,

                                              Biết diệu pháp người hiền,               Giải thoát mọi đau khổ “

                                                                                           (Kinh người thiện-Tương Ưng Bộ)

 

 

   VII/ Về tìm kiếm hạnh phúc:

Tìm kiếm niềm vui trong năm dục trưởng dưỡng (thỏa mãn năm giác quan), tìm cách truy cầu hạnh phúc bằng các phương tiện vật chất đời thường, sẽ có được được hỷ lạc, hỷ lạc này là khả ái, khả lạc, khả ý, khả hỷ, tương ứng với dục, hấp dẫn, và tất cả là dục lạc.

 

 Hưởng thụ dục lạc là đích phấn đấu suốt cả đời của phàm phu, đây là điều bình thường, thuộc đời sống phàm tục.

Nhưng người Phật tử lại có cái nhìn khác về dục lạc thế gian.

 

                                               “ Các dục vui ít, khổ nhiều, não nhiều. Sự nguy hiểm ở đây lại nhiều hơn”

                                                                                                                        (Kinh Trung Bộ)

 

Do có cái nhìn với tuệ quán  hay nhìn sự vật theo đúng  sự thật, nhìn sự vật đúng với bản chất nó là. Người Phật tử biết rằng các dục lạc thế gian là tầm thường, là thấp hèn, là uế lạc, lợi dưỡng lạc, bản năng lạc, phàm phu lạc, phi thánh lạc, không xứng đáng với đời sống phạm hạnh, luôn đi đôi với sầu, bi, khổ, não, ưu như bóng không rời hình.

 

Khi dục lạc bị hoại diệt, khổ thọ khởi lên và chi phối thân, chi phối tâm; sân tùy miên sinh khởi, để xuất ly khỏi các khổ thọ, sẽ tìm đến các cảm thọ từ các nguồn dục lạc, thú vui mới với cường độ cao hơn, mãnh liệt hơn, tham dục sinh khởi và được huân tập thành thói quen hay nghiện, si tùy miên sinh khởi. Chu trình cứ như thế lập đi, lập lại. Các bất thiện pháp hướng tâm và an trú.

 

                                       “ Này Ananda, Ta không quán thấy một sắc pháp nào trong ấy có hoan hỷ, trong ấy có hoan lạc, chịu sự biến dịch, chịu sự đổi khác mà không khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não”

                                                                                                                              (Kinh Trung Bộ)

 

                                       “ Lành thay, này Magandiya ! Này Magandiya, Ta cũng không thấy, cũng không nghe một vị vua hay đại thần của vua hưởng thụ một cách đầy đủ, một cách sung mãn năm dục trưởng dưỡng, dục ái chưa được đoạn tận, dục nhiệt não chưa được trừ diệt, đã trú, đang trú hay sẽ trú với khát ái được đoạn trừ, với nội tâm an tịnh.”

                                                                                                                             (Kinh Magandiya)

                 

                                         “Loài người bị đắm say,             Trong tài sản, trong dục,

                                           Họ tham lam điên dại,              Trong các dục ở đời,

                                           Không ý thức rõ ràng,              Đã quá độ say mê,

                                           Chẳng khác gì con cá,               không thấy đặt bẩy sập.

                                                                                                 (Phẩm thứ nhất-Tương Ưng bộ)

 

Người thế gian tìm hạnh phúc trong dục lạc bằng việc “tham lam, tích lũy” tài sản, danh lợi, quyền lực, sắc dục, ăn ngủ (tài, sắc, danh, thực, thụy)

                                

                                                 “ Người chủ các con bò           Hoan hỷ với con bò

                                                   Con người thời hoan hỷ,        Đối với sự sanh y

                                                   Ai không có sanh y,              Không thể có hoan hỷ”

                                                                             

Người Phật tử tìm hạnh phúc ngoài dục lạc bằng việc “nhàm chán, từ bỏ” tài sản, danh lợi, quyền lực, sắc dục, ăn ngủ để đến với “Hiện tại lac trú” vô cùng cao quý.

 

                                                  “ Người chủ các con bò            Sầu muộn với con bò

                                                    Sầu muộn của con người        Chính do sự sanh y

                                                    Ai không có sanh y                Không thể có sầu muộn “

                                                                                                                      (Kinh Tập)

                                                          

Bên cạnh các cảm thọ thế tục, còn có loại cảm thọ cao quý hơn, không bị chi phối, không bị lệ thuộc bởi các điều kiện có không, còn mất của thế gian, không bị sầu, bi, khổ, não, ưu đeo bám như hình với bóng.

 

Cảm thọ cao quý đó hướng tới đoạn diệt tham, sân, si, để bước vào thế giới huyền diệu, huyền nhiệm của đời sống Phạm hạnh, của đời sống xứng đáng với Bậc Thánh, là cảm thọ hỷ lạc do ly dục sanh, do yếm ly dục, viễn ly dục, đoạn diệt dục, xả ly dục sanh; là yếm ly lạc, viễn ly lạc, xả ly lạc, an ổn lạc, an tịnh lạc, tịch tỉnh lạc, một cảm giác lạc thọ không còn bóng dáng của ngã chấp, ngã dục hướng tới an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết bàn giải thoát.

 

                                                 “ Này Ananda, ai nói như sau: “ Lạc và hỷ mà các chúng sanh có thể cảm thọ, này là tối thượng ? Ta không thể chấp nhận như vậy. Vì sao vậy ? Vì có một lạc khác với lạc kia, vi diệu và thù thắng hơn.”

                                                                                                                      (Kinh Nhiều Cảm Thọ)

 

                                               “ Cũng vậy, này Aggvessana, vương tử Jayasena sống giữa các dục, thọ hưởng các dục, bị tư tưởng dục nhai nghiến, bị nhiệt não dục thiêu đốt, lại có thể biết, có thể thấy, hay có thể chứng quả vị, sự kiện như vậy không xảy ra. Chỉ có ly dục mới biết được, chỉ có ly dục mới đạt được, chỉ có ly dục mới chứng được,”

                                                                                                                         (Kinh Điều Ngự Địa)

 

                                                  “  Sát-đế-ly giàu lớn,                        Tài sản, quốc độ lớn

                                                      Luôn ganh tỵ nhau,                       Hưởng dục không biết ngán,

                                                      Giữa người sống giao động          Trôi theo dòng tái sanh

                                                      Ai bỏ tật và ái                                Không giao động giữa đời

                                                                                                       (Kinh Giàu lớn- Tương Ưng Bộ)

                                                 

 Có sự phân biệt quá rỏ giữa hai loại lạc thọ, nhưng nếu như chúng ta chỉ nhận biết thứ lạc thọ cao quý trên qua sách vở, qua kiến thức, tri thức, qua lý luận suông hay thậm chí nhận biết với chánh quán, mà  không nổ lực  kiên trì thực hành tu tập với thành tựu, thì vẫn còn bị các dục chi phối, vẫn còn bị tham sân si trói buột, sai sử, do năm triền cái (năm sự trói buột) tùy miên  vẫn còn tồn tại.

 

Chỉ  khi nào chúng ta  biết được với trí tuệ  vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của dục, đồng thời phải thực hành tu tập thiền định để chứng được hỷ lạc do ly dục, ly các bất thiện pháp sanh, thì khi ấy chúng ta mới không còn bị các dục chi phối, không còn bị  năm sự  trói buột sai sử, chi phối tâm, điều khiển tâm.

 

                                           “  Các dục vui ít, khổ nhiều, não nhiều. Sự nguy hiểm ở đây lại nhiều hơn. Này Mahanama, nếu một vị Thánh đệ tử khéo thấy như vậy   với như thật chánh quán, nhưng nếu vị ấy chưa chứng được hỷ lạc do ly dục, ly các bất thiện pháp hay một pháp nào cao thượng hơn, như vậy vị ấy chưa khỏi bị các dục chi phối ”

                                                                                                                               (Kinh  Trung Bộ)

  

                                             “ Không những chúng ta cần như thật biết vị ngọt, sự nguy hiểm và   sự xuất ly của dục, chúng ta còn phải hành thiền, chứng cho được sơ thiền, nhị thiền, tam thiền và tứ thiền, có vậy mới có khả năng vượt thoát khỏi sự chi phối của dục. Đây là một minh chứng rất hùng hồn về pháp môn định tuệ, chỉ quán song tu trong Đạo phật giúp chúng ta thoát ly sự chi phối của các dục, tức thoát ly được sự đau khổ “.

                                                                             (Hãy tự mình thấp đuốc mà đi)       

 

 

                “ Ở đời, tài sản gì,                         Tối thắng cho con người ?

 

                  Cái gì khéo thực hành                 Đem lại chơn an lạc ?

 

                 Cái gì trong các vị                       Là vị ngọt tối thượng ?

 

                 Nếp sống như thế nào                 Gọi nếp sống tối thắng ?

 

                 Ở đời này, lòng tin                      Tối thắng cho con người,

 

                 Chánh pháp khéo thực hiện,        Đem lại chơn an lạc !

 

                 Sự thật trong các vị,                     Là vị ngọt tối thượng,

 

                 Nếp sống với trí tuệ,                    Là nếp sống tối thắng ! ”

 

                                                                                 (Kinh Alavaka-Kinh Tập)

 

 

 VIII/ Về Hoa sen:

 Hoa sen sinh trưởng và lớn lên từ ao hồ dơ bẩn, nhưng vẫn không bị ô nhiễm bùn đất nơi ấy, phẩm chất thật cao quý, phi phàm.

Một loài hoa  không phải là hoa sen, không thực hành tu tập nên bị ô nhiểm, nhưng ý thức mình không phải là hoa sen.

Một loài hoa khác không phải là hoa sen, không thực hành tu tập nên  bị ô nhiểm, nhưng lại không ý thức mình không phải là hoa sen, nghĩ mình là hoa sen, đứng trên các loài hoa khác.

Trong cả hai trường hợp, hai loài hoa trên bị ô nhiểm bùn đất như nhau, vì sao ? vì cả hai đều không phải là hoa sen.

 Nhưng loài hoa ý thức  mình không phải là hoa sen sẽ phấn đấu nổ lực rèn luyện thực hành tu tập theo chánh pháp, sẽ có được những phẩm chất cao quý của hoa sen, sẽ không bị ô nhiểm.

Trong khi loài hoa tự cho mình là hoa sen, nên không tự mình, không nổ lực thực hành tu tập theo chánh pháp, nên càng ngày càng bị ô nhiễm, không còn phẩm chất của loài hoa nữa. 

 

  

  IX/  Sống trong hiện tại:

Trong bài kinh Nhất Dạ Hiền Giả, Đức Phật dạy chúng ta đừng lãng phí thời gian và công sức vào những tưởng tri điên đảo, hư vọng nơi quá khứ đã không còn, hay những tưởng tượng, suy diễn mông lung, ảo huyền về tương lai không có thật, để có cái nhìn đúng: sợi dây là sợi dây, con rắn là con rắn.

 

 Tâm bất động, không còn rung động, không còn giao động trước thuận cảnh, nghịch cảnh thịnh suy của tám cơn gió thế gian (Bát phong xuy bất động).

Thời gian cứ qua đi rất nhanh, mà thần chết thì không chờ đợi một ai. Biết vậy nên nổ lực, quyết tâm, kiên trì, bền chí thực hành tu tập, nhiệt tâm tinh cần, chánh niệm tỉnh giác hành trì Tứ niệm xứ ngày đêm không mệt mỏi.   

              

                                   Quá khứ không truy tìm                       Tương lai không ước vọng

                                   Quá khứ đã đoạn tận                            Tương lai lại chưa đến

                                   Chỉ có pháp hiện tại                             Tuệ quán chính là đây

                                   Không động, không rung chuyển           Biết vậy nên tu tập

                                   Hôm nay nhiệt tâm làm                        Ai biết chết ngày mai ?

                                   Không ai điều đình được                      Với đại quân thần chết        

                                   Trú như vậy nhiệt tâm                          Đêm ngày không mệt mỏi

                                   Xứng gọi nhất dạ Hiền                          Bậc an tịnh, trầm lặng

                                                                                                                    (Kinh Nhất dạ hiền giả)

 

 

   X/ Ăn và ngủ:

 Có người, tết còn là những ngày ăn uống thỏa thuê, ngủ vùi thỏa chí để nạp lại năng lượng sau khoảng thời gian dài lao động vất vả. Nhưng lại có người không những vào dịp tết mà cả những ngày còn lại trong năm thích ăn nhiều, thu nạp vị ngon nhiều, ngủ nhiều, tiện nghi nhiều, đến độ thân thể rất đầy đặn, tròn trịa, nhưng có điều  dung sắc lại thường khi lộ vẻ bất an, lạnh lùng, căng thẳng, héo mòn, xa cách, khó gần gủi.

 

Trong khi các vị Tỷ-kheo, suốt cả những tháng năm ròng rả, ngủ rất ít, ăn rất ít, chỉ một ngày một buổi, không tiện nghi, tài sản, tiền bạc, các Ngài chỉ lo thực hành tu tập để giúp đở người khác bằng kinh nghiệm tâm linh thực chứng của mình, nhưng sao các Ngài  lại luôn tỉnh thức, các căn thanh tịnh và trong sáng, dung sắc lúc nào cũng tươi vui đầy hạnh phúc siêu thoát mà gần gủi nơi chốn dân dã đời thường.

Thực tế này khiến cho một vị Thiên lấy làm lạ nên thưa hỏi Thế Tôn:

 

                                  “Thường sống trong rừng núi,        Bậc Thánh sống Phạm hạnh,

                                    Một ngày ăn một buổi,                 Sao sắc họ thù diệu ?

                         (Thế Tôn):

                                    Không than việc đã qua,              Không mong việc sắp tới,

                                    Sống ngay với hiện tại,                Do vậy, sắc thù diệu.

                                    Do mong việc sắp tới                   Do than việc đã qua

                                    Nên kẻ ngu héo mòn,                  Như lau xanh rời cành

                                                                                                           (Kinh Tương Ưng Bộ)

 

    XI/ Công việc đồng án:

Hãy nổ lực cày xới, vun trồng thửa  ruộng của chính mình để  mỗi lần lao động là mỗi lần vô minh và tham ái đang vùi sâu nơi tâm ta bị cày lật lên trên ánh sáng của ý thức, để chúng bị thiêu đốt, để chúng bị đoạn diệt và  niềm an lạc thật sự trong ta ngày được tăng trưởng bền vững thêm lên.

 

Trong bài.kinh Người cày ruộng, Đức Phật giảng dạy cho Bà la môn Kasibharadvaja về thực hành công việc đồng án, cày xới, vun trồng để diệt trừ cỏ rác vô minh tham ái, để gặt hái những hạt lúa an lạc, bình yên hạnh phúc, thu hoạch vụ mùa giải thoát khổ đau cho mình và cho người:

 

                                               “ Lòng tin là hột giống               Khổ hạnh là cơn mưa

                                                 Trí tuệ đối với ta                     Là ách và lưỡi cày

                                                 Xấu hổ là cán cày                    Ý là sợi dây buộc

                                                 Và niệm đối với ta                   Là lưỡi cày, gậy thúc

                                                 Với thân khéo phòng hộ           Với lời khéo phòng hộ

                                                 Với món ăn trong bụng            Biết tiết độ chế ngự

                                                 Ta tác thành chơn thực              Để cắt dọn cỏ rác

                                                 Sự giải thoát của ta                   Thật hiền lành nhu thuận”

                                                                (Kinh Bharadvaja, Người cày ruộng)   

 

 

                                                                                                          Xuân Tân Mảo.  2011

 

                                                                                         Nguyên Nghĩa

 

 

Sách trích dẫn:

Kinh Trung Bộ, Trường Bộ, HT Thích Minh Châu, 1991

Kinh Tương Ưng Bộ, Kinh Bộ tăng Chi HT Thích Minh Châu, 2000

Kinh Tập, Tỷ-kheo Thích Minh Châu, 1982

Hãy tự Mình thắp Đuốc lên Mà đi, Thích Minh Châu, 1990

Đức Phật lịch sử, Trần Phương Lan dịch, 2000

 

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (1 đã gửi)

avatar
07/04/2011 01:34:20
Cảm ơn cư sỹ Nguyên Nghĩa đã có một bài viết hay và lợi ích.
tổng số: 1 | đang hiển thị: 1 - 1

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

2.00

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập