Người đầy đủ đạo đức là người có tài sản lớn

Đã đọc: 4778           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Theo quan điểm được lưu truyền trong những năm gần đây, người có đạo đức thì khó làm ăn buôn bán và giàu có. Trong phim ảnh của ta hiện thời, những người sống tử tế luôn luôn thấy bị khó khăn, tiền bạc không dư dả và tự cho rằng ta nghèo nhưng sống thanh bạch. Điều này trái với điều tuyên bố của Đức Phật “người giữ giới, người đầy đủ giới do nhân duyên không phóng dật được tài sản lớn”…

Lời tuyên bố trên của Đức Phật được ghi lại trong kinh Udàna, còn gọi là Vô vấn tự thuyết hay Cảm hứng ngư. Đức Phật đã giảng bài này tại làng Patali (nay là Patna, Ấn Độ), nơi đang chuẩn bị xây dựng nên kinh thành Pataliputta. Khi đó ngài đã là một ông già tám mươi tuổi, chuẩn bị sang sông Hằng để đi đến Kusinara, nơi ngài nhập Niết bàn. Ngài nói với Anan rằng Pataliputta sẽ trở thành “một thành phố tối thượng, nơi các kiện hàng  được mở ra”. Hai thế kỷ sau, dưới triều đại của vua Ashoka, nơi này đã trở thành kinh đô của toàn Ấn Độ. Như vậy, với bài giảng vĩnh biệt người Patali, Đức Phật với cảm xúc của mình phải chọn lựa trong vô vàn điều mà ngài biết một đề tài thích hợp và hữu ích. Điều đó cần phải là điều cốt lõi quan trọng nhất, đặt nền móng và định hướng cho những người tại gia trong giai đoạn bắt đầu xây dựng trung tâm Pataliputta của cõi Tây Trúc. Bài giảng được chọn đã bắt đầu như sau: “Này các gia chủ, có năm điều nguy hiểm này cho người ác giới, người phạm giới. Thế nào là năm? Ở đây, này các gia chủ, người ác giới, phạm giới, do nhân duyên phóng dật, nên hao mất tài sản lớn…”. Udàna thuật lại rằng Đức Phật đã thuyết giảng đến tận khuya và làm cho mọi người hoan hỷ. Có lẽ họ không biết rằng đấy là bài nói cuối cùng ngài dành cho họ.

Trong các bản tiếng Anh, sự  phóng dật  được dịch là carelessness, nghĩa là không cẩn thận. Sự không phóng dật (appamada) được dịch thành chữ vigilance, nghĩa là cảnh giác thận trọng. Trong ngôn ngữ hiện đại, trạng thái này được gọi là có ý thức. Đây là một trong các thành phần ý nghĩ vi tế, nghĩa của từ Hán Việt này chính là “không buông lỏng” và “không bỏ sót”. Nghĩa “không buông lỏng” thể hiện  khía cạnh phòng ngừa của giới. Nó cùng nghĩa với “cẩn thận” tránh không làm các việc tiêu cực. Nghĩa “không bỏ sót” thể hiện được khía cạnh làm các việc tích cực của giới. Điều này được Đức Phật nói rõ thêm “không thụ động và hăng hái là món ăn cho tài sản”, nghĩa là tài sản được nuôi dưỡng và lớn mạnh  nhờ tạo điều kiện và không bỏ qua bất kỳ  yếu tố  nào làm tăng trưởng nó (dĩ nhiên là theo một cách lành mạnh, hay còn được gọi là đúng pháp). Cũng cần nói thêm rằng “tài sản” mà Đức Phật đề cập tới không chỉ là tiền bạc mà còn là  năng lực tạo ra hạnh phúc cho mình và cho người khác.

Nói một cách thô thiển, ở mặt hoạt động xã hội, sự không phóng dật có thể ví như trạng thái của các công ty, họ vừa khắc phục các mặt yếu kém, loại bỏ các hoạt động không có lợi ích cho công ty và khách hàng (không buông lỏng), vừa tìm hiểu thị trường, đa dạng hoá các sản phẩm, cải tiến chất lượng không ngừng, không bỏ qua cơ hội nào để công ty lớn mạnh (không bỏ sót). Sự không phóng dật cũng ví như trạng thái của người đi học, làm bài, học bài thật cẩn thận, không quên các điều đã học, phát hiện các sai sót dù nhỏ đến đâu (không buông lỏng), đồng thời rút kinh nghiệm các lỗi đã vấp phải, lưu ý tất cả các lời thầy dặn, suy xét cẩn thận, thảo luận với bạn bè, nêu lên các câu hỏi sau khi đã suy nghĩ kỹ, tham khảo các tài liệu liên quan và liên hệ với các vấn đề khác (không bỏ sót). 

Hai mặt “không buông lỏng” và “không bỏ sót” của sự không phóng dật được nói tới trong nhiều đoạn kệ thuộc Kinh Pháp Cú. Chẳng hạn:

Không làm mọi điều ác,
Thành tựu các hạnh lành
Giữ tâm ý trong sạch
Chính lời chư Phật dạy.
(Pháp Cú, đoạn 183)

Hay

Nỗ lực, giữ chánh niệm
Tịnh hạnh, hành thận trọng
Tự điều sống theo pháp
Ai sống không phóng dật,
Tiếng lành ngày tăng trưởng.
(Pháp Cú, đoạn 24)

Trạng thái phóng dật để tâm trôi dạt, suy nghĩ về quá khứ, hồi hộp ở tương lai, quên lãng hiện tại, làm cho các hành động, lời nói, suy nghĩ trở nên tiêu cực. Đối với các việc có lợi ích cho bản thân, đáng để thực hiện, trạng thái này có biểu hiện là không quan tâm đến. Nó làm cho chúng ta miễn cưỡng, không chú tâm, không để hết khả năng vào công việc. Các công việc được thực hiện không kiên trì, không sốt sắng, không có sáng kiến. Chúng ta để thì giờ tiêu tốn vào các việc không có lợi ích cho bản thân, không đáng thực hiện như chuyện phiếm, giải trí, tiệc tùng… rồi sau đó lại than vãn về cuộc đời, về gia đình… Thiền sư Bankei (Nhật Bản, thế kỷ XVII) trong thời gian sống chung với nhóm người ăn xin ở Tokyo, khi thấy một con ngựa  bứt dây bỏ chạy ra khỏi tầm kiểm soát của một sĩ quan, Thiền sư đã bình luận rằng “điều này xảy ra chỉ vì người và ngựa rời nhau”, ý Thiền sư muốn nói đến việc suy nghĩ (ví như con ngựa) trong khi để tâm bị phân tán (ví như người giữ ngựa). Một điều thú vị là viên lãnh chúa khi nghe được kể lại lời bình luận này đã lập tức nói “Tôi nghe Yotaku (tức Bankei) đã tới vùng này. Còn ai khác ngoài Thiền sư có thể thốt ra những lời như thế” và ông cho người đi thăm dò để mời Thiền sư về. 

Sự không phóng dật cần được thể hiện trong những việc rất nhỏ. Trong cuốn sách Đời sống trong thiền viện, Daisetz Teitaro Suzuki viết như sau: “Về việc sử dụng những tư liệu, thiên nhiên hay nhân tạo, tức là tài sản chung của thiền viện, tăng chúng phải được dạy là hết sức cẩn trọng, đừng phí phạm hay lạm dụng”. Nước luôn luôn sẵn có, nhất là ở các tự viện miền núi, thế nhưng tăng chúng được chỉ thị là không được sử dụng nước một cách bừa bãi, nghĩa là nếu không tuyệt đối cần thiết. Một vị thị giả của một thiền sư một hôm được bảo thay nước trong chậu rửa mặt vì nước đó đã lâu quá rồi. Thị giả vô ý hất nước trên mặt đất. Thiền sư nói “ông không biết dùng nó một cách hữu ích sao?”. Ông tăng thú nhận không biết, Thiền sư mới dạy ông đổ nước xung quanh một gốc cây đang cần nước”. Truyền thống này đã có từ lâu đời, chẳng hạn trong tác phẩm nổi tiếng Nhập Bồ tát hạnh của ngài Santideva (thế kỷ thứ VII sau Tây lịch), ta thấy đoạn sau: “Khi nhổ nước bọt và vứt tăm xỉa răng phải lấy đất che lấp, không đổ phế thải lên đất sạch và nước trong”. Đoạn văn của ông Suzuki mô tả một việc sâu xa hơn nhiều so với việc giáo dục về tiết kiệm nước. Vị thiền sư muốn mượn chuyện tiết kiệm nước để trực tiếp chỉ rõ sự phóng dật  của vị thị giả, đồng thời huấn luyện vị này về việc phải làm các việc có lợi ích dù nhỏ nhặt đến đâu. Còn những ý nghĩa sâu xa hơn, khó mà nói hết được. 

Đức Phật trong đoạn 121, 122 của Kinh Pháp Cú đã nói về việc ngăn ngừa các hành động buông thả và về việc không bỏ sót điều thiện nhỏ nhặt như sau: 

Chớ chê khinh điều ác 
cho rằng chưa tới mình
Như nước nhỏ từng giọt,
Rồi bình cũng đầy tràn.
Người ngu chứa đầy ác,
Do chất chứa dần dần.

Chớ chê khinh điều thiện 
cho rằng chưa tới mình
Như nước nhỏ từng giọt,
Rồi bình cũng đầy tràn.
Người trí chứa đầy thiện,
Do chất chứa dần dần.

Trạng thái tâm không phóng dật theo nghĩa tiếng Pali(appamada) là trạng thái tâm đi cùng với niệm (sati). Đó là trạng thái tâm không bềnh bồng trôi dạt, không quên lãng hiện tại, rõ biết các sự việc đang diễn ra. Sati được kể là một trong các thành phần ý nghĩ vi tế xuất hiện và biến mất trong từng sát-na (khoảng thời gian rất nhỏ). Sự mô tả tâm thức trong trường hợp này ở mức độ vi mô. Như chúng ta đã biết, toàn bộ nền tảng của máy vi tính đều dựa trên hoạt động của vô số các mạch điện tử đơn giản nhất chỉ thể hiện hai trạng thái “có” và “không”. Tương tự như vậy, ở mức độ vi mô, các trạng thái tâm chỉ có hai trạng thái “tiêu cực” và “tích cực”, nếu bạn không tích cực, có nghĩa là bạn đang tiêu cực.  Đức Phật dạy:

Hãy gấp làm điều lành
Ngăn tâm làm điều ác
Ai chậm làm việc lành,
Ý ưa thích việc ác. 
(Pháp Cu, đoạn 116)

Với sự kiểm soát của niệm, chúng ta tránh được thói quen làm các việc tiêu cực, bất thiện. Ta trở nên cẩn thận và không bỏ qua việc thực hiện các điều tích cực. Do tính phổ biến, dễ dàng xuất hiện của sự tiêu cực, những điều tích cực cần phải được thực hiện nỗ lực. Đoạn kệ 313 ( Pháp Cú ) nói rõ điều đó:

Cần phải làm, nên làm
Làm cùng tận khả năng.

Như vậy việc thực hiện điều thiện được đưa vào trong từng ý nghĩ hành động nhỏ, dễ thực hiện. Con người có thể tự điều chỉnh các hành vi của mình để có được sự an bình trong tâm thức: 

Bậc trí theo tuần tự
Từng sát-na trừ dần
Như thợ vàng lọc bụi
Trừ cấu uế nơi mình.
(Pháp Cú, đoạn 239)

Ngày nay đạo đức ở trong buôn bán, kinh doanh không ngoài hai trong năm giới của người tại gia: không nói dối và không trộm cắp. Ông Chung Yu Yung, Chủ tịch tập đoàn Huyndai của Hàn Quốc, người từng được xem là giàu nhất Hàn quốc,  ý thức rất rõ điều này. Ông viết trong cuốn tự truyện Không bao giờ là thất bại, tất cả là thử thách như sau: “Tôi bắt đầu kinh doanh với nguồn vốn  duy nhất là người đáng tin cậy, đáng tin về sản phẩm, đáng tin về quan hệ tiền bạc, đáng tin về hợp đồng cung cấp, về thời hạn, về chất lượng công trình. Chúng tôi không cần nhờ chính phủ bảo lãnh, chỉ cần một tờ hứa chi trả của công ty xây dựng Huyndai và không cần thế chấp, chúng tôi cũng có thể mượn được 2 tỷ, 3 tỷ USD”. Ông nói về sự không phóng dật: “Ngày mai phụ thuộc vào cuộc sống ngày hôm nay. Chúng ta tin rằng người nào nhiệt tình làm những việc nhỏ thì những việc lớn họ cũng làm như vậy. Những người ngay cả việc nhỏ không thất hứa và thực hiện thì việc lớn cũng đáng tin cậy”.

Nguồn: Văn hóa Phật giáo

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập