Phương diện kết cấu trong nghệ thuật kể chuyện - thuyết pháp của Jakata (Những câu chuyện tiền thân đức Phật)

Đã đọc: 7335           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image Những câu chuyện Jataka được chạm khắc ở đềnShweddagon Myanma

Jataka bao gồm 547 Jataka (theo bản Pali là 550), tức là 547 câu chuyện liên quan đến những kiếp trước (Jati) của Đức Phật, những kiếp trong vô số kiếp sống mà Người đã trải qua trước khi trở thành Buddha (Đấng Giác Ngộ).

Jataka, thuộc Tiểu bộ kinh, là một trong những tác phẩm tiêu biểu của kho tàng kinh điển Phật giáo đồng thời cũng là một trong những tuyển tập truyện cổ được truyền tụng rộng rãi ở các nước chịu ảnh hưởng Ấn Độ nói riêng, trên thế giới nói chung.

Ở Việt Nam, nhan đề Jataka đã được chuyển ngữ dưới nhiều hình thức khác nhau: Kinh Bản sinh (Kinh Bổn sanh), Bản sinh truyện (Bổn sanh truyện), Túc sinh truyện… Bản dịch Jataka của Thích Minh Châu và những người cộng sự sử dụng cái tên có lẽ dễ hiểu hơn cả với đông đảo quần chúng mà vẫn hoàn toàn chính xác: Những câu chuyện tiền thân Đức Phật.

Jataka bao gồm 547 Jataka (theo bản Pali là 550), tức là 547 câu chuyện liên quan đến những kiếp trước (Jati) của Đức Phật, những kiếp trong vô số kiếp sống mà Người đã trải qua trước khi trở thành Buddha (Đấng Giác Ngộ).

Sự gắn kết kể chuyện - thuyết pháp độc đáo trong Jataka, một mặt mở ra truyền thống kinh điển Phật giáo với khuynh hướng truyền giáo đặc sắc, mặt khác có những đóng góp riêng quan trọng cho di sản nghệ thuật của văn chương tự sự Phương Đông. Vấn đề như vậy cần được tiếp cận từ hướng nghiên cứu tự sự học kết hợp văn học - văn hóa. Trong bài viết nhỏ này, chúng tôi bước đầu thử nghiệm cách phân tích đó đối với phương diện kết cấu trong nghệ thuật kể chuyện - thuyết pháp của Jataka.

1. Kết cấu chuỗi truyện (Chain narrative) của toàn tác phẩm với tư tưởng Luân hồi

Toàn tác phẩm Jataka thực chất là một tuyển tập, theo kiểu chuỗi truyện, kết nối những câu chuyện như những mắt xích của một sợi dây chuỗi dài dằng dặc. Điểm chung gắn kết, móc nối những mắt xích nằm ở chỗ mỗi Jataka đều kể câu chuyện liên quan đến một kiếp trước của Đức Phật.

Gần cùng thời với Đức Phật, ở Hy Lạp cũng có Pythagore, Heracleides Ponticus  tuyên bố có năng lực nhớ và kể lại chuyện những kiếp trước của họ. Nhưng đó chỉ là một vài trường hợp vô cùng hiếm hoi. Chưa kể đó còn có thể chính là một vài trường hợp chịu ảnh hưởng Ấn Độ (như Pythagore, theo Iamblichus, người ghi chép tiểu sử của ông, trong đời đã đi nhiều nơi, nghiên cứu tư tưởng của các triết gia Ai Cập, Assyria…, thậm chí học với những tu sĩ Bà La Môn [Basham, A.L. 1998: 427]). Ở Ấn Độ thì sự hồi tưởng những kiếp sống trước là rất phổ biến. Theo Manu,  những bậc thánh nhân có được năng lực này nhờ sự từ bỏ ngã chấp và cuộc sống mộ đạo.  Trong truyền thống Phật giáo, Đức Phật chứng được Túc mạng minh, nhớ tất cả các kiếp sống trước khi Người thành Phật. Người nhớ một cách rành rẽ, không chỉ khái quát mà cụ thể đến từng chi tiết mỗi kiếp như nhớ chuyện mới xảy ra hôm qua. Người nhớ không chỉ các kiếp trước của mình mà còn các kiếp trước của những chúng sinh khác liên quan nữa.

Qua các Jataka trong đó nhân vật Đức Phật kể những câu chuyện Tiền thân của Người, thính giả / độc giả nhận ra rằng trước khi trở thành Đấng Giác Ngộ, Đức Phật đã trải qua muôn vàn kiếp sống, khi là thần linh, khi là con người, lúc là muông thú, chim chóc… Triết lý Luân hồi (Samsara) hiện ra hết sức sống động và thuyết phục, rằng: kiếp sống hiện tại của mỗi chúng sinh chỉ là nối tiếp vô vàn kiếp sống người ta đã trải qua trong quá khứ và sẽ còn được nối tiếp bởi vô vàn kiếp sống người ta sẽ trải qua trong tương lai.

“Nhớ lại tiền kiếp” là motif quen thuộc trong văn học Ấn Độ, cả văn học viết lẫn văn học dân gian, do ảnh hưởng của các tôn giáo bản địa (Hindu giáo, Phật giáo, đạo Jain, đạo Sikh). Điểm độc đáo trong Jataka là không chỉ dừng ở cấp motif mà “nhớ lại tiền kiếp” ở cấp type truyện đã trở thành hạt nhân tổ chức kết cấu “truyện chuỗi”. Duy nhất trong Jataka chúng ta có một tuyển tập đồ sộ đến 547 câu chuyện kiếp trước của chỉ một nhân vật. Sự gắn kết liên truyện (inter-connectedness of stories) trở nên hệ trọng trong chuyên chở chủ đề tư tưởng (giáo lý) của toàn bộ tác phẩm.

 2. Kết cấu truyện-trong-truyện (story-in-story) với quan hệ giữa folklore và kinh điển Phật giáo

Mỗi Jataka đều theo lối cấu trúc truyện-trong-truyện (Story-in-story).

Trong Truyện khung (Frame story) hay Truyện-chủ, Truyện-mẹ (Matrix narrative), tức là Tự sự cấp một (First-degree narrative), ta có người kể chuyện (A) vô danh, người nghe / người đọc ở mọi nơi, mọi thời. Trong Truyện khung này, phần mở đầu Đức Phật là một nhân vật. Tiếp đó, chính Đức Phật trở thành người kể chuyện (B), kể một câu chuyện cho các nhân vật khác nghe. Truyện-con được ôm trong lòng Truyện-mẹ đó, Truyện-khách đến trú ngụ trong ngôi nhà của Truyện-chủ đó, Truyện được lồng vào, đan cài vào Truyện-khung đó, là Embeded narrative / Hyponarrative narrative, Tiểu truyện (Sub-story), tạo thành Tự sự cấp hai (Second degree narrative). Khi Đức Phật kể xong câu chuyện của mình, Người lại trở về là nhân vật trong câu chuyện đầu tiên. Có thể hình dung cấu trúc Truyện-trong-truyện như những cái hộp Trung Hoa, hộp lớn chứa hộp nhỏ hay những con búp bê Marutska của Nga, con búp bê nhỏ trong bụng con búp bê lớn.

 

Những câu chuyện mà Đức Phật kể, tức là những Tiểu truyện (Sub-story), Truyện được lồng vào, đan cài vào Truyện-khung (Embeded narrative / Hyponarrative narrative), hầu hết từ kho tàng truyện cổ dân gian vô cùng phong phú của Ấn Độ. Những câu chuyện dân gian vốn có sẵn ấy được thu hút vào các Jataka, được chỉnh sửa, trau chuốt khéo léo cho phù hợp mục đích thuyết giảng Phật pháp.

Những câu chuyện dân gian đó đều được quy về một đề tài chung: trải bao kiếp trầm luân, Bồ Tát (Tiền thân Đức Phật) luôn phát nguyện mười hạnh Ba La Mật (bố thí, trì giới, xuất gia, trí tuệ, tinh tấn, kiên nhẫn, chân thật, cương quyết, tâm từ và tâm xả) mong mỏi đến một kiếp nào đó, hạnh Ba La Mật được tròn đầy, Người có thể tiếp độ chúng sinh ra khỏi luân hồi. Triết học đạo đức Phật giáo được trình bày không phải bằng những giáo lý trừu tượng, khô khan mà qua những câu chuyện cảm động về hình tượng Bồ Tát giữa bao cảnh ngộ trần ai, nỗ lực, kiên trì trên hành trình phấn đấu cả trí tuệ, đạo đức, kỷ luật tinh thần, trở thành con người toàn thiện toàn mỹ, 

Kể chuyện để thuyết pháp, thực ra, không phải tới thời Phật giáo mới xuất hiện cũng không phải sản phẩm riêng biệt của văn chương kinh điển Phật giáo mà có một truyền thống lâu dài, phong phú trong các nền văn chương tôn giáo của Ấn Độ. Từ khởi thủy, Rig Veda đã trình bày nguyên lý về trật tự vũ trụ (Rta) qua những tụng thi kể về các vị thần thiên nhiên như Surya (thần Mặt Trời), Indra (thần Mưa, Dông Tố), Agni (thần Lửa)…Các thần tích Purana, các sử thi Mahabharata, Ramayana thể hiện những cặp phạm trù cơ bản về Linh hồn vũ trụ và Linh hồn cá thể (Brahman-Atman), Nghiệp báo-Luân hồi (Karma-Samsara), Bổn phận xã hội và Giải thoát (Dharma-Moksha) qua chuyện những vị thần tối cao - Brahma (Đấng Sáng tạo), Visnu (Đấng Bảo vệ), Shiva (Đấng Hủy diệt)… hay những anh hùng huyền sử - Yudhisthira (con trai thần Dharma), Arjuna (con trai thần Indra), Rama (hóa thân của thần Visnu), Sita (hóa thân của nữ thần Laksmi)… Nét đặc trưng riêng biệt của văn chương kinh điển Phật giáo trong Jataka là những chuyện kể thuyết pháp ở đây không phải về các vị thần cao cả, các anh hùng linh thánh mà về những tiền thân của Đức Phật, khi Người chưa trở thành Đức Phật, khi qua muôn vàn kiếp sống Người đã trải muôn vàn cuộc đời của chúng sinh (không chỉ những thân phận con người mà cả chim chóc, muông thú…). Trong khi trú xứ của các kinh Veda, các sử thi, thần tích Hindu giáo, suy cho cùng, về cơ bản là trên những đỉnh cao uy nghi, huyền bí của Hymalaya thì Jataka chủ yếu lại thuộc về đất đai trần thế, bình dị. Đối với Hindu giáo, kinh điển viết bằng ngôn ngữ Sanskrit, ngôn ngữ đặc quyền của giới trí thức, và chỉ 3 đẳng cấp trên trong xã hội (những đẳng cấp “hai-lần-sinh”) mới được tiếp xúc, học hỏi những kinh điển ấy (nếu nô lệ Sudra nghe kinh thì bị đổ chì nóng vào lỗ tai, đọc kinh thì bị cắt lưỡi…). Kinh điển Phật giáo nguyên thủy lại chọn ngôn ngữ Prakrit của quần chúng làm phương tiện truyền đạt và sử dụng những truyện cổ dân gian cho thuyết pháp, Jataka rộng mở trước mọi đẳng cấp, kể cả những người cùng dân thất học cũng có thể hiểu mà làm theo.

Không quá lời khi nói rằng Jataka đã mở ra kỷ nguyên mới trong cung cách truyền bá Phật giáo cũng như phong cách văn chương Phật giáo. Trong số các kinh điển Phật giáo, Jataka chắc chắn là tác phẩm đã mang những tư tưởng Phật giáo căn cốt nhất, giản dị nhất đến với đông đảo quần chúng nhất, ở Ấn Độ cũng như khắp châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á (nơi nền văn hóa chủ yếu là văn hóa dân gian), qua nhiều hình thức đa dạng nhất: từ những câu chuyện được tụng kể (Jetaka ở Malay, Satok ở Lào, Xattakham ở Thailand…), những tranh tường, điêu khắc, phù điêu nơi đền đài, chùa chiền (Ấn Độ, Sri Lanka, Myanmar, Thailand, Cambodia, Laos, Việt Nam) đến những vở kịch múa, rối bóng (Cambodia, Thailand, Laos, Myanmar…)…

Được biên soạn khoảng thế kỷ III tr CN, Jataka cũng là hợp tuyển truyện cổ dân gian đồ sộ, cổ xưa nhất trong văn học thế giới còn lại đến ngày nay (“the oldest collection of folklore extant”, “an unrivalled collection of folklore” [Paniker, K.Ayyappa 2003: 99]). Được dịch ra nhiều thứ tiếng, vượt qua những barrier tôn giáo, Jataka đã đem những ảnh hưởng tốt đẹp tới nhiều nền văn chương: Trung Quốc, Ba Tư, A Rập (Ngàn lẻ một đêm), Ý (Boccacio), Hy Lạp (Aesop), Anh (Chaucer), Nhật…, vun bồi những giá trị chân - thiện - mỹ  trong tâm hồn con người bao xứ sở. Trong Lời Tựa cho tập Jataka tales (Retold by Ellen C.Babbitt), Felix Adler viết: “Từ lâu tôi bị đắm vào sức quyến rũ của những câu chuyện Jataka và nhận ra có thể dùng những câu chuyện ấy giáo dục trẻ thơ vô cùng hiệu quả. Những bài học đạo đức hiện ra thật sáng sủa, rõ ràng, phù hợp tuyệt vời với trẻ thơ, còn chiều sâu những ý nghĩa hiền minh, thâm trầm bên dưới thì người ta có thể càng lúc càng khám phá, thấu hiểu khi lớn lên sau này”.

Truyện-trong-truyện vốn là thủ pháp quen thuộc, đặc trưng cho tự sự Ấn Độ. Kể chuyện-thuyết pháp cũng là cách thức phổ biến, điển hình trong kinh điển của các tôn giáo Ấn Độ. Tuy nhiên, ở Jataka, tất cả vẫn hiện ra trong dáng vẻ riêng, với những sức mạnh mới. Không phải chỉ là dùng cố sự để giáo hóa, Jataka đã hòa nhập đến độ nhuần nhị đồng thoại và pháp thoại. Chắc chắn Jataka thuộc về số rất hiếm những tác phẩm là kinh điển của một tôn giáo nhất định lại được đón nhận như kho báu folklore của chung nhân loại.

3. Kết cấu “pa-ra-bol” với tư tưởng Nghiệp báo qua cặp đôi câu chuyện Quá khứ và câu chuyện Hiện tại (two-tier story)

Mỗi Jataka, cụ thể hơn, có kết cấu 3 phần:

(1)     Phần Cơ duyên / Duyên khởi, hay Câu chuyện Hiện tại (Paccuppanna Vatthu): trình bày nguyên cớ, nhân duyên khiến cho Đức Phật trong thời hiện tại, khi Người đã là Đấng Giác Ngộ, kể lại một câu chuyện nào đó trong một kiếp trước của Người.

(2)     Phần Câu chuyện Tiền thân, hay Câu chuyện Quá khứ (Atita Vatthu): câu chuyện xảy ra trong một kiếp trước được Đức Phật kể lại.

(3)     Phần Nhận diện Tiền thân, hay Gắn kết những câu chuyện Quá khứ và Hiện tại (Samodhàna): Đức Phật chỉ ra tương quan giữa những nhân vật trong Quá khứ và Hiện tại: “ai” trong kiếp Hiện tại đã từng chính là “ai” trong kiếp Quá khứ (“ai” ở đây, như đã nói trên, có thể là thần, người, muông thú chim chóc…).

Phân tích qua một thí dụ, chúng tôi xin chọn Jataka số 514 – “Jataka Chaddanta” (bản dịch của Nguyên Tâm Trần Phương Lan).

Phần (1) mở ra bối cảnh hiện tại: trong khi nghe Đức Phật thuyết giảng trên bảo tòa uy nghi, một Sadini (tín nữ mới xuất gia) chợt nhớ một trong những kiếp trước nàng đã là vợ của Người và hối hận vì những tội lỗi từng gây ra, nàng bật khóc nức nở. Điều đó đã trở thành duyên cớ khiến Đức Phật dừng thuyết giảng, kể lại cho hội chúng Tỉ kheo nghe câu chuyện Tiền thân của Người liên quan đến nàng Sadini ấy trong kiếp trước.

Phần (2), Đức Phật kể lại thời quá khứ, khi Người sinh trong kiếp voi, làm chúa đàn voi lớn an trú nơi hồ Chaddanta ở vùng núi Himalaya, nàng Sadini sinh làm Tiểu Hiền Phi Cullasubhaddà, một trong hai voi cái là vợ của Tượng Vương. Lòng đầy ganh ghét, tị hiềm, Tiểu Hiền Phi luôn nghĩ rằng Tượng Vương chỉ thiên ái Đại Hiền Phi mà cư xử không tốt với mình nên sinh lòng oán hận, chỉ mong sang kiếp sau trả thù. Kiếp sau, Tiểu Hiền Phi sinh làm một thiếu nữ xinh đẹp, trở thành Chánh cung hoàng hậu của đức vua xứ Benares. Thấy cơ hội đã đến, nàng bèn giả vờ ngã bệnh, tâu với vua căn bệnh chỉ có thể cứu chữa nhờ bộ ngà lục sắc của con voi chúa ở hồ Chaddanta. Được nhà vua cho phép, nàng giao nhiệm vụ giết Tượng Vương cho Sonuttara, gã thợ săn lực lưỡng, thô bạo trong tiền kiếp từng là cừu thù của Người. Sonuttara vào rừng rình phục, cuối cùng bắn tên tẩm thuốc độc vào Tượng Vương. Voi chúa trúng thương, hỏi gã thợ săn vì sao lại hãm hại Người trong khi hai bên không thù oán và khi nghe Sonuttara kể nguồn cơn, Người hiểu ra sự sắp đặt của bà hoàng chính là Tiểu Hiền Phi khi xưa. Voi chúa nhẫn nhục chịu đựng đau đớn, dập tắt oán hờn với gã thợ săn. Vì Người cao như một trái núi, thợ săn không sao leo lên cưa được đôi ngà, Tượng Vương cúi nằm phục xuống, lại còn chính mình dùng vòi cầm một đầu cưa. Người nói với Sonuttara: “Không phải ta không quý đôi ngà này, nhưng đôi ngà Chánh đẳng Chánh giác với ta còn đáng quý hơn gấp cả trăm ngàn lần”. Tượng Vương đã bố thí đến độ xả thân như thế. Khi nhận đôi ngà bảo tượng, bà hoàng hậu - “Tiểu Hiền Phi” vỡ tim mà chết.

Phần (3), quay trở về thời hiện tại, Đức Phật giải thích cho tăng chúng: Tượng Vương khi xưa chính là Người, nhờ kiên trì qua các kiếp sống buông bỏ ngã chấp, trừ diệt tham-sân-si, hành trì các phẩm hạnh, phấn đấu tinh tấn mà trở thành Đấng Giác Ngộ. Sadini hôm nay khóc vì hối hận chính là Tiểu Hiền Phi, bà hoàng hậu xứ Benares từng lầm lỗi thuở trước. Gã thợ săn Sonuttara không ai khác chính là Devaratta (Đề Bà Đạt Đa), không phải chỉ kiếp này mới luôn tìm cách hãm hại Đức Phật.

Ở phần (1), câu chuyện Hiện tại, Đức Phật là nhân vật Đại sư giác ngộ, đang thuyết pháp cho tăng chúng.

Sang phần (2), nhân vật Đức Phật ngừng thuyết pháp để kể chuyện. Nhân vật Sadini ở trong số những người nghe. Câu chuyện quá khứ liên quan đến những nhân vật chính là tiền thân của Đức Phật và tiền thân của Sadini. Người kể (Đức Phật), người nghe (Sadini), theo một cách nào đó, lại chính là người trong cuộc.

Đến phần (3), Đức Phật – người kể chuyện trở lại là nhân vật Đại sư giác ngộ, tiếp tục thuyết pháp. Người đặt hai câu chuyện quá khứ và hiện tại “soi vào nhau” soi tỏ chân lý. Câu chuyện quá khứ trở thành phương tiện giảng giải Chánh Pháp một cách cụ thể, sinh động, tự nhiên, thấm thía.

Kết cấu của mỗi Jataka với cặp đôi câu chuyện Quá khứ và câu chuyện Hiện tại (two-tier story) tương chiếu, đối ứng nhau như thế, chúng tôi tạm gọi là kết cấu pa-ra-bol. Kết cấu này góp phần thể hiện hùng hồn triết lý Nghiệp báo (Karma) về quan hệ nhân quả “gieo gì gặt nấy”, gieo hành động trong quá khứ thì gặt kết quả tương ứng trong hiện tại, gieo hành động trong hiện tại sẽ gặt kết quả tương ứng trong tương lai. Không hành động nào mất đi không tăm tích trong thời gian, kết quả của hành động cuối cùng quay trở về chính chủ thể hành động. Định mệnh, hóa ra, không phải do một Đấng Tối Cao nào đó sắp đặt mà do chính người ta tự quyết định. Triết lý sâu sắc ấy qua những câu chuyện Jatakas hấp dẫn đã tìm được con đường giản dị đến thẳng với trái tim quần chúng sẵn lòng khát khao “ở hiền gặp lành”, “ác giả ác báo”…

 

Bertol Brecht từng thẳng thắn thừa nhận đã học Phương Đông, học Ấn Độ trong thi pháp kịch tự sự của ông. Xin phân tích qua một trường hợp tiêu biểu: vở kịch Vòng phấn Kapkaz. Câu chuyện Hiện tại kể hai nông trang tranh nhau một khu đất, khu đất vốn cằn khô, hoang hóa mà nông trang B đã đổ công sức làm cho trở nên màu mỡ, trù phú. Nông trang A bấy giờ mới khởi kiện đòi lại khu đất mà A cho rằng thuộc sở hữu của họ dù họ đã bỏ mặc lâu nay. Trong phiên tòa xét xử, khi hai bên đều đưa ra những lý lẽ, chứng cớ của mình, chưa biết ngã ngũ ra sao thì câu chuyện Hiện tại tạm ngưng, nhường sân khấu cho câu chuyện Quá khứ kể về hai người phụ nữ cùng quyết liệt tranh chấp một đứa con. Quan tòa bèn vẽ vòng phấn tròn, đặt đứa bé đứng vào giữa, nói hai bà cùng ôm lấy đứa bé và giật về phía mình, ai giành được sẽ được quyền làm mẹ. Hai người phụ nữ kéo về hai phía khiến đứa bé khóc thét lên. Một trong hai người đành buông đứa bé và ôm mặt khóc nức nở. Đó chính là người tuy không mang nặng đẻ đau nhưng đã nuôi đứa bé bị bỏ rơi khôn lớn như con ruột của mình, vì yêu con hơn yêu chính bản thân mình mà không chịu đựng nổi việc làm con đau đớn. Quan tòa cuối cùng phán rằng chính người mẹ nuôi xứng đáng làm mẹ đứa bé – đứa con phải được thuộc về người mẹ thực sự là người yêu thương, chăm sóc, hy sinh cho hạnh phúc của nó. Quay trở lại câu chuyện Hiện tại, soi sáng từ câu chuyện Quá khứ, khu đất (như đứa con) đã được trao lại cho nông trang B (như người mẹ nuôi). Rõ ràng có thể cảm nhận dấu ấn của Jataka dù cấu trúc Kịch-trong-kịch và kết cấu pa-ra-bol Quá khứ - Hiện tại ở Bertol Brecht không còn gắn với triết lý Nghiệp báo - Luân hồi Phật giáo.

 

4. Kết cấu đan xen truyện kể và thi kệ

Nói cho thật đầy đủ thì mỗi Jataka có 4 phần. Ngoài 3 phần kể trên, trong mỗi Jataka đều có phần Thi kệ (Gatha), bao gồm một hay nhiều khổ thơ.

Số thi kệ trong mỗi Jataka là tiêu chí phân chia toàn bộ tác phẩm Jataka thành các Nipatas (cuốn sách). Bản Jataka tiếng Pali gồm 550 Jataka được tổ chức thành 22 cuốn: cuốn thứ nhất gồm 150 Jataka, mỗi Jataka có chỉ 1 thi kệ; cuốn thứ hai 100 Jataka, mỗi Jataka 2 thi kệ; cuốn thứ ba 50 Jataka, mỗi Jataka 3 thi kệ; cuốn thứ tư 50 Jataka, mỗi Jataka 4 thi kệ; số thi kệ trong mỗi Jataka cứ tăng dần như vậy đến cuốn 21 chứa 10 Jataka, mỗi Jataka 80 thi kệ và cuốn cuối cùng 10 Jataka, mỗi Jataka chứa số thi kệ còn nhiều hơn nữa. Câu chuyện tiền thân “Vessantara Jataka” chẳng hạn, chứa đến cả ngàn bài kệ. Tổng cộng toàn bộ tác phẩm Jataka có gần 5.000 thi kệ. 

Phần thi kệ là lớp cổ nhất trong Jataka bởi hạt nhân của một số Jataka ban đầu có thể chỉ gồm thi kệ. Một số những thi kệ do chính Đức Phật cảm tác, một số do các chư tăng đồ đệ của Người sáng tác thêm sau này.  

Jataka đan xen văn xuôi và thơ thành một chỉnh thể thống nhất. Xét trong “Chaddanta Jataka” mà chúng ta đã chọn làm mẫu phân tích, những thi kệ khi thì do nhân vật Bồ Tát – Tượng Vương (Tiền thân Đức Phật), khi thì do nhân vật Đức Phật nói / ngâm (trong trường hợp thứ hai, bài kệ được gọi là Abhisambuddha).

Thi kệ có thể đảm nhận nhiều chức năng khác nhau.

Tả cảnh (hồ Chaddanta):

                                    Gần đó, hồ kia nước tận bờ

                                    Xứng nơi Vương Tượng lội bơi qua,

                                    Đôi bờ xanh đẹp muôn hoa lá

                                    Ong lượn quanh đầy tiếng nhỏ to

Kể chuyện (thợ săn giết Tượng Vương):

                                    Che hố trước tiên đậy ván dày

                                    Bước vào, cung nắm ở trong tay

                                    Vừa khi Bạch tượng đi qua đó

                                    Gã khốn cho tên dữ vút bay

Ngôn ngữ đối thoại của nhân vật (hoàng hậu xứ Benares nói với thợ săn):

                                    Nung nấu lòng ta rẫy giận hờn

                                    Mỗi lần nhớ lại vết đau thương

                                    Cho ta, lạp hộ, điều ta ước,

                                    Làng đẹp năm ngôi, sẽ hưởng ơn

Ngôn ngữ nửa gián tiếp thể hiện suy nghĩ nội tâm của nhân vật (Vương Tượng khi trúng tên, định giết thợ săn, bỗng nhìn thấy chiếc hoàng y gã khoác trên người):

                                    Voi chúa đã gần giết địch nhân

                                    Vì chưng đau đớn hóa điên cuồng

                                    Nhưng kìa! Đôi mắt ngài vừa gặp

                                    Biểu tượng thanh cao chiếc áo vàng,

                                    Bộ áo tu hành bất khả phạm,

                                    Ấy điều suy nghĩ của hiền nhân.

Bình luận, triết lý:

                                    Người nào vấy phải tội đầy thân

                                    Chẳng chế ngự mình, thiếu thật chân

                                    Dù chiếc hoàng y, mình nó mặc

                                    Chẳng hòng mong đạt tịnh thanh tâm

 

                                    Còn kẻ thoát ra mọi lỗi lầm

                                    Đầy lòng chân thật, tự điều tâm

                                    Vững lòng cương quyết theo công chánh

                                    Xứng đáng y vàng khoác tấm thân.

Đúc kết tư tưởng chính của toàn bộ Jataka trong phần Nhận diện tiền thân:

                                    Phật Đà với trí tuệ riêng Ngài

                                    Kể lại chuyện xưa ấy thật dài

                                    Đủ mọi nỗi buồn đau thống thiết

                                    Song Ngài đã thoát hết bi ai:

 

                                    “Ngày xưa Bạch Tượng chính ta đây

                                    Làm chúa voi đông đảo cả bầy

                                    Như vậy, chư tăng, ta muốn bảo

                                    Các người hiểu rõ bổn sanh này”

Như vậy, thi kệ xuất hiện đan xen trong chuyện kể góp phần thay đổi tiết tấu, gia tăng đầy đặn yếu tố tả (phong cảnh, chân dung..), tạo điểm nhấn ở những khoảnh khắc kịch tính (trong hành động, tâm lý của nhân vật), và quan trọng nhất là tô đậm những châm ngôn xử thế, những bình luận triết lý, những bài học đạo đức. Ta biết rằng kết hợp thơ và văn xuôi vốn là một đặc điểm của tự sự Ấn Độ, nền văn học có truyền thống mạnh của thi ca. Đến Jataka, sự kết hợp ấy, một mặt, khiến câu chuyện thêm sinh động, hấp dẫn, giàu chất thơ, chất triết lý, mặt khác, những thi kệ ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thuộc cũng làm nổi bật nội dung thuyết giáo, khắc sâu Phật pháp trong lòng người. Có lẽ chính nhờ đặc điểm dễ thuộc ấy, nhiều thi kệ Đức Phật nói lúc còn tại thế vẫn được ghi nhớ để trở thành hạt nhân cho sự bồi đắp câu chuyện về sau và do đó, thi kệ không chỉ đem thêm sự trang điểm mà trở thành yếu tố tổ chức kết cấu mỗi Jataka cũng như phân chia các cuốn sách trong toàn bộ tác phẩm.

Trong phối cảnh cấu trúc giao tiếp tự sự

Thay lời kết luận, xin nhìn lại những đặc điểm kết cấu nói trên trong phối cảnh cấu trúc giao tiếp tự sự của Jataka.        

Theo các nhà lý luận tự sự học như  K. Hamburger (Die Logik der Dichtung. Stutgart, Klelt), G. Genette (Fiction and Diction. Ithaca, Cornell UP. 1991), M. Jahn (A Guide to the Theory of Narrative. University of Cologne, 2005)…, giao tiếp tự sự văn chương liên quan đến sự tương tác của ít nhất 3 cấp độ giao tiếp. Mỗi cấp độ giao tiếp có hệ thống người phát và người nhận (addressers - addressees / senders - receivers) riêng của nó.

Trước hết, về lớp ngoài cùng: Ngoại văn bản – Cấp độ giao tiếp giữa Tác giả và Độc giả. Có những bằng chứng xác đáng để đông đảo các học giả nhất trí rằng Jataka được biên soạn bắt đầu từ thời Đức Phật tại thế, tiếp tục mấy trăm năm sau đó và được đưa vào Tiểu Bộ Kinh ở kỳ kết tập thứ ba dưới thời Ashoka, khoảng thế kỷ III tr CN. Tác giả của Jataka là nhiều thế hệ đệ tử của Đức Phật, theo phong cách giáo hóa của Phật, nhân danh lời Phật dạy mà truyền bá Pháp.   

 

Ở cấp độ diễn ngôn hư cấu, trong các truyện khung của Jataka, bên cạnh nhân vật người kể và người nghe vô danh, ta có nhân vật Đức Phật với tư cách người kể chuyện - thuyết pháp và các nhân vật tăng chúng, tín đồ là người nghe. Quan hệ giữa họ là giao tiếp chốn thiền môn của giới xuất gia. Nhân vật Đức Phật giáo hóa tăng chúng, tín đồ bằng chính những câu chuyện tu tập công phu qua muôn ngàn kiếp sống của mình. Jataka lấy sự tự giác và nhân cách Phật, Bồ Tát làm trung tâm triển khai tư tưởng giáo lý, nói cách khác, dựa trên nền tảng Phật - Pháp nhất như.

Ở cấp độ hành động, nếu trong các truyện khung vẫn là giao tiếp thiền môn của giới xuất gia thì các tiểu truyện lại mở ra thế giới rộng lớn, trong đó, nhân vật Bồ Tát cũng như các nhân vật khác, có thể là muôn loài chúng sinh và thuộc về cuộc đời bình thường với đủ mọi quan hệ trần tục. Nhân vật Bồ Tát từng là người trong những đẳng cấp tầm thường, thậm chí từng chỉ là chim muông. Khác với Hindu giáo nhấn mạnh sự phân biệt đẳng cấp trên thành phần xuất thân, ở đây, tất cả đều có Phật tính, tất cả đều có thể Giác Ngộ. Mười hạnh Ba La Mật không cao xa mà thể hiện sống động qua suy nghĩ, hành động, lời nói đúng đắn của người ta trong những hoàn cảnh cụ thể. Phật, Pháp bất ly viễn thế gian.

Kinh Jataka do đó có tính cách ngụ ngôn, một thể loại tự sự mà Ấn Độ rất ưa dùng đồng thời cũng rất giỏi sáng tác. Nơi Jataka, ngụ ngôn Pháp thoại (thuyết giảng triết học Phật giáo) và ngụ ngôn thế thoại (trình bày những bài học xử thế) đã hòa nhập sâu sắc để có thể không chỉ có ích cho giới tu hành mà đến được với đông đảo độc giả / thính giả ở mọi nơi, mọi thời, bất chấp những khác biệt tôn giáo và văn hóa.

                             

TÀI LIỆU THAM KHẢO CHỦ YẾU

  1. Chuyện Tiền thân Đức Phật (Nguyên Tâm Trần Phương Lan dịch). Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam 1993.
  2. Genette, Gérard: Narrative Discourse Revisited. Trans. Jane E. Lewin. Ithaca: Cornell University Press, 1988 (1983).
  3. Jahn, Manfred: Narratology: A Guide to the Theory of Narrative. University of Cologne, 2005.
  4. Jataka tales (Retold by Ellen C.Babbitt with illustrations by Ellsworth Young). New York, The Century Co., 1912.
  5. More Jataka tales (by Ellen C.Babbitt). New York: D.Appleton-Century Company, 1922.
  6. Paniker, K.Ayyappa: Indian narratology. Indira Gandhi National Center for the Arts Sterling Publishers private limited, 2003.
  7. The Jataka or Stories of Buddha’s former births (Translated from the Pali by various hands under the editorship of Prof. E.B. Cowell). Oriel College, Oxford, 1895.

 

Tp.Hồ Chí Minh, Mùa Phật đản 2008

 

PGS. TS. PHAN THU HIỀN

Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn

Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh 

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

3.00

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập