Ngôi nhà hoa nắng

Đã đọc: 2493           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Tối nay, cũng như bao ngày, mình lên mạng học bài thì bất ngờ gặp người bạn thân cũng hiện là một kiến trúc sư ở Việt Nam. Lâu lắm rồi mình mới nói chuyện với bạn. Vẫn như câu hỏi thăm thường ngày, công việc làm ăn và học hành. Bạn lắc đầu hỏi mình học hành gì mà cứ học suốt, năm này tháng nọ, từ trong nước ra đến nước ngoài đến giờ vẫn chưa xong. Chọc bạn bảo tại mình học giỏi quá nên học hoài học mãi mà trường vẫn chưa cho ra nên đành ở thêm một năm nữa. Và như một câu hỏi thông lệ bạn cũng như các bạn khác ở Việt Nam của mình đều hỏi là chừng nào mình về Việt Nam, chừng nào về ở hẳn ở quê nhà để bạn còn có thể thiết kế xây dựng nhà cho mình ở. Câu hỏi nghe đơn giản, bình thường nhưng câu trả lời thì khó vô cùng do không biết đến chừng nào. Năm nay gặp nhau thì hẹn năm sau và cứ thế mà đến giờ hơn tám năm ở đây mình chỉ về Việt Nam một lần duy nhất. Thời gian thấm thoát thoi đưa để đến khi ngoảnh lại không còn kịp nhận ra mình đã lưu lạc phuơng người với hành trình tính bằng mười năm hay hai mươi năm như trong phim hay cải luơng mình vẫn thường hay xem.

Nói về bạn mình là nói đến những kỷ niệm cũng như những nhân duyên vô cùng thù thắng màu nhiệm mà mình làm quen với bạn. Để mình nhớ lại xem, cách đây hơn 13 năm, cũng vào những ngày cuối tháng ba, đầu tháng tư, mình biết bạn trên trang báo Tuổi Trẻ. Bạn là một trong những học sinh được nhận giải thưởng Liên Hoan Học  Trò Giỏi Hiếu Thảo được tổ chức lần đầu tiên.Dù lúc đó báo đăng rất nhiều guơng học trò giỏi hiếu thảo nhưng khi đọc câu chuyện về bạn mình đã cảm động bật khóc nghẹn ngào. Lúc đó, bạn cũng học cùng lớp 11 như mình và những năm cấp ba mình đã xa gia đình ở quê để về thành phố trọ học ở nhà của dì mình. So với bản thân mình thì hoàn cảnh của bạn khác nhau một trời một vực, tội nghiệp vô cùng nhưng cũng học giỏi vô cùng. Theo như báo mô tả thì bạn và mẹ phải ở nhờ nhà ngoại bạn ở đằng phía sau mái nhà tranh và từ nhỏ đến lớn bạn chưa bao giờ có chiếc bàn học nào cả. Ba bạn đã bỏ mẹ con bạn từ khi bạn ba tuổi còn mẹ bạn thì bán hàng rong, bán sữa đậu nành để nuôi bạn nên người. Khó khăn như vậy nên bữa đói bữa no diễn ra với bạn là thường xuyên. Vậy mà bạn lại học giỏi vô cùng và lúc đó lại học ở trường chuyên giỏi nhất của tỉnh bạn.

 

Tối hôm đó, trong lúc học bài,  người mình cứ bồn chồn và buồn buồn khi nghĩ về bạn. Lúc khoảng nữa đêm, mình lén xuống nhà dưới lấy tờ báo có đăng địa chỉ của bạn rồi viết thư làm quen với bạn. Từ nhỏ đến lớn mình chưa bao giờ viết thư cho bất cứ ai trừ nhỏ bạn của mình ở Sài Gòn và chuyện viết thư làm quen một người chưa gặp mặt là điều không thể. Thật ra, mình chỉ muốn viết thư bày tỏ lòng kính phục, ngưỡng mộ bạn và chúc bạn sớm thành danh với con đường học tập của mình. Ở ngoài bì thư gởi đi, mình để cả địa chỉ của nhà bạn và địa chỉ của trường bạn học. Mình không hề nghĩ bạn sẽ trả lời thư mình nhưng mình vẫn cứ viết.

 

Gần một tháng sau, mình nhận được thư bạn. Thật ra lúc dượng đưa thư cho mình thì mình cũng không nghĩ đó là thư của bạn, tưởng là của ai vì lâu quá mình nghĩ là chắc bạn không hồi âm. Vừa mở thư ra đọc thì mình quá ngạc nhiên và mừng quá nên vội chạy lên lầu trốn vào phòng đọc thư một mình. Theo như bạn nói là bạn gởi thư trả lời chậm bởi vì thư mình không có để số nhà bạn vì trong báo không để nên thư phải gởi đến trường. Thế là bạn lại kể thêm cho mình nghe một chút về gia cảnh của bạn, nổ lực và nguyện vọng của bạn càng làm mình thuơng và cảm phục bạn hơn.Bạn kể rằng điều buồn nhất là từ nhỏ đến giờ bạn không có ba bạn. Ba bạn đã bỏ mẹ con bạn đi từ lúc bạn ba tuổi và lúc đó ba bạn đã có ba người con với vợ khác. Nhà bạn chỉ có một chiếc xe đạp nên những khi mẹ bạn đi bán xa bạn phải đi bộ hay đi ké bạn gần nhà. Món quà quý giá nhất hồi giờ bạn nhận được là một chiếc áo được bạn bè trong lớp mua tặng cho. Vì biết hoàn cảnh khó khăn của bạn nên các thầy cô cũng hay giúp đỡ bạn, cho bạn học thêm miễn phí. Nghe bạn nói mà mình cảm động vô cùng. Chẳng biết làm gì nên mình chỉ biết kể chuyện cho bạn nghe và động viên bạn hãy cố gắng học hành vì mẹ bạn, để chứng tỏ cho ba bạn thấy rằng dù không có ba bạn thì mẹ bạn vẫn nuôi bạn ăn học nên người.

 

Thế là từ đó, mình và bạn làm quen với nhau. Những chuyện kể cho nhau nghe vẫn là chuyện học, chuyện lớp chuyện trường và người viết thư nhiều nhất vẫn là mình. Bạn bảo bạn thích nhận thư mình lắm nhưng không có thời gian viết thư trả lại cũng như rất khó biết viết gì. Mình bảo bạn đừng lo, bạn cứ việc đọc và nhận thư chỉ trừ khi bạn không thích nhận mà thôi. Đôi khi mình sợ viết thư nhiều sẽ làm cho bạn lo nghĩ tốn thời gian, làm phiền bạn thì bạn bảo dù không tận mặt nhìn nhau nhưng qua thư chính là tình cảm bạn bè trao gởi. Ngoài ra, mỗi lần nhận được thư mình thì mẹ bạn cũng rất vui nên cứ rãnh là mình hay viết thư cho bạn.

 

Cuối năm lớp 11, bạn hỏi mình sẽ chọn trường gì để thi đại học. Mình thật sự cũng không biết chọn trường gì cho hợp với khả năng vì mình đâu có học giỏi như bạn. Mình rất sợ rớt đại học vì như thế là một điều khủng khiếp với gia đình của mình, nhất là với má của mình vì dù sao ở nhà mình cũng là người học khá nhất và được học ở trường tốt nhất. Còn bạn bảo thích học kiến trúc nên đã bắt đầu đi học vẽ để thi. Nghe tới đó mình cũng vui và hết hồn vì không biết nếu bạn đậu thì làm sao mà mẹ bạn lo cho bạn học nổi ở một trường tốn kém như kiến trúc. Tuy nhiên, mình vẫn viết thư động viên bạn cố gắng học để hoàn thành ước nguyện của mình vì biết đâu chừng sẽ có sự nhiệm  màu nào đó xảy ra.

 

Cũng trong năm đó, kỳ World Cup 1998 diễn ra nên hè tranh thủ vừa đi học thêm vừa xem bóng đá. Cả mình và bạn đều mê bóng đá và chẳng biết làm sao hồi ở Việt Nam mình mê bóng đã điên cuồng còn giờ thì chẳng còn thích thú hay hào hứng với bất cứ môn thể thao nào trừ đi bộ ngắm cảnh. Những năm cấp ba năm nào mình cũng tham gia vào đội đá bóng nữ của lớp tranh hạng ở trường và mình cũng nổi tiếng vì những trận đấu bóng này, không phải mình đá giỏi mà là hậu vệ thép theo lời của mấy thằng bạn hướng dẫn cho mình. Năm lớp 11 đó đội bóng đá nữ lớp mình bị thua trong trận chung kết loạt sút luân lưu nhưng không có mình tham gia sút phạt. Mấy thằng bạn chọc là không để mình sút vì nếu để bạn nữ nào đỡ bóng thì chắc sẽ vỡ ngực mà chết. Thế là mình lại có chuyện bóng đá kể bạn nghe làm bạn cũng cười rồi bạn với mình cùng bình luận dự đoán xem đội nào vào chung kết. Bạn kể là bạn chỉ được xem mấy trận vào buổi chiều ké nhà người quen chứ các trận tối và khuya thì không có xem vì nhà không có ti vi còn mình thì chỉ bỏ duy nhất ba trận ở vòng loại  nên thay vì viết thư kể chuyện học thì mình viết thư kể chuyện bình luận bóng đá cho bạn nghe. Mùa World Cup năm đó với bao nuối tiếc đi qua thì nữa kỳ hè cũng đã bay vèo vèo trong sự lo sợ của mình vì năm cuối cấp tử sinh đang đến.

 

Tháng tám là sinh nhật của bạn nên từ tháng bảy mình đã chuẩn bị một số thứ làm quà tặng cho bạn. Ngày đó phong trào thắt giấy làm hình cũng phổ biến nên mình quyết định thắt tặng bạn một con thiên nga rồi gởi tặng cho bạn một ít sách luyện thi và tấm thiệp nhạc nghe cho vui. Mình còn nhớ lá thư viết cho bạn là trên một tờ lịch theo ngày rất to đúng vào ngày sinh nhật của bạn. Khoảng hai tuần sau đó, mình nhận được thư bạn. Bạn bảo đáng lẽ bạn định viết thư cho mình sớm hơn từ lúc nhận được quà nhưng bạn muốn chờ đến "sinh nhật đầu tiên trong cuộc đời" bạn mới viết thư cho mình. Đó là lần đầu tiên trong cuộc đời bạn mới biết thế nào là sinh nhật nhờ món quà mình gởi. Nghe bạn nói vậy mình vui và cảm động lắm.

 

Rồi cuối cùng thì cũng đến lúc mình phải chọn trường để thi đại học. Thật ra hồi đó mình cũng chẳng biết là nên chọn trường gì, chỉ muốn chọn trường mà mình có khả năng thi đậu trong khi bạn đã xác định từ rất lâu. Thư nào bạn cũng hỏi việc chọn trường của mình càng làm mình lo. Mình nói bạn nếu mà mình thi rớt chắc mình không dám viết thư nói chuyện với bạn nữa đâu. Bạn bảo mình đừng có lo lắng quá, tất cả rồi sẽ qua, bạn và mình và nhiều bạn khác sẽ đậu thôi. Bạn hỏi biết đâu người không may mắn là bạn thì sao còn mình thì đâu bao giờ tin chuyện đó xảy ra nên bảo bạn đừng có nghĩ vậy. Rồi vô Sài Gòn thi xong, mình cũng viết thư cho bạn, thật ra là cũng muốn gặp bạn ở Sài Gòn nhưng không thể được. Cả mùa hè mình thấp thỏm còn bạn có viết thư cho mình hỏi việc thi đại học và đưa mã số báo danh để nhờ mình tìm ở hai trường Bách Khoa và Kiến Trúc bạn dự thi. Bạn cũng kể chuyện đi thi đại học cho mình nghe. Mình cũng viết thư cho bạn mấy lá nhưng không gởi, viết xong thì xé đi mất vì mình dự định chỉ viết thư cho bạn khi mình đậu đại học. Rồi chắc ông trời cũng thuơng nên cuối cùng mình đã đậu vào tất cả các trường mình dự thi. Mừng quá nên mình cũng vội lật tìm tra tên bạn thì thấy bạn đều đậu cả. Niềm vui nối tiếp niềm vui nên mình vội viết thư cho bạn bảo rằng chúng mình sẽ hội ngộ nhau ở Sài Gòn. Trong hai trường bạn đậu thì mình cũng thích bạn học trường Kiến Trúc hơn. Lúc đó lo chuẩn bị giấy tờ nhập học rồi vào Sài Gòn nên mình cũng không nhận được thư trả lời của bạn.

 

Đến tháng 10 năm đó, chị Hai mình mới gởi thư bạn vào cho mình thì mình mới biết bạn đã vào ký túc xá kiến trúc. Mình viết thư cho bạn đưa địa chỉ và số điện thoại của mình. Bạn cũng mừng là hai đứa sẽ diện kiến nhau ở Sài Gòn và bạn cũng muốn gặp mình, một người bạn quen biết khá lâu nhưng chưa có dịp gặp. Rồi bạn đến nhà mình lần đầu không gặp nên bạn để lại số điện thoại của ký túc xá. Mình mừng quá gọi điện cho bạn và cả hai đều ngạc nhiên cười lên. Một tuần sau đó, bạn đến thăm mình lần đầu tiên. Thật ra trong tâm mình đã dự định chọc bạn nhưng thấy bạn đi vào mình tội quá đành thôi. Đúng là quá tội vì chiếc xe đạp bạn tới nhà mình quá tồi tàng như không còn gì có thể tồi tàng hơn. Đó là chiếc xe đạp duy nhất ở nhà giờ bạn mang xuống đây đi học không biết mẹ bạn sẽ như thế nào. Khác với vẻ tinh nghịch, hài hước và nói cũng nhiều trong thư, ở ngoài bạn nói ít vô cùng, chỉ ngồi đó nghe mình nói thì đúng hơn. Thấy bạn không nói thì mình kiếm chuyện chọc cho bạn nói để phá tan sự nghi ngại nhưng bạn chỉ trả lời nhấp chừng rồi ngồi cười làm mình càng cảm thấy tội lỗi hơn.Một tuần sau đó thì mình cũng đến ký túc xá thăm bạn. Bạn cũng ít nói, chỉ cười, dẫn mình vào phòng rồi mình ngồi nói chuyện với các bạn trong phòng của bạn còn bạn thì ngồi nghe. Vì thế, vô tình chung mình quen biết hết với cả phòng của bạn chỉ trong một buổi chiều.

 

Từ đó, cứ hễ có thời gian rãnh mình hay đến ký túc xá hay gọi điện hỏi thăm bạn. Thư từ bạn còn dám nói dám kể chứ gặp nhau ở ngoài bạn hiếm khi dám nói về chuyện ở nhà chỉ trừ khi mình hỏi. Sợ bạn buồn và sợ đụng chạm đến lòng tự trọng của bạn nên mình rất ít khi hỏi, muốn giúp bạn mà không biết phải như thế nào trừ một ít quà tặng vào các dịp đặc biệt. Bạn cũng thi thoảng đến thăm mình, thường là mang bạn của bạn đi theo. Do đó, nói là mình đến thăm bạn hay bạn đến thăm mình chứ người mình nói chuyện nhiều nhất cũng là bạn của bạn. Có đôi khi, mình rất sợ các bạn trong phòng hiểu lầm và sợ bạn hiểu lầm càng nguy hiểm nên mình hỏi bạn nếu như bạn thấy ngại và khó chịu khi mình đến thì nói cho mình biết còn bằng không lần sau mình đến bạn cứ làm gì tự nhiên để mình nói chuyện với bạn của bạn cũng không thành vấn đề. Bạn chỉ cười và bảo đừng có hiểu lầm vì bạn cũng thích nghe mình kể chuyện.

 

Rồi mùa hè khi biết là mình sẽ cùng gia đình định cư sang Mỹ, mình cũng buồn lắm và chỉ nói cho bạn biết nhưng cũng không chắc là có đi không. Bạn bảo mẹ bạn muốn mời mình lên nhà chơi cho mẹ gặp mặt và mình đồng ý. Ngày mình theo bạn lên nhà bạn ở Tây Ninh, mình không thể nào tin vào mắt mình khi nhìn ngôi nhà của bạn vì nó còn tồi tệ hơn báo Tuổi Trẻ mô tả. Nhà dột nát, siêu vẹo, mục rách, mái tranh rách tả tơi và có thể sập bất cứ lúc nào. Vừa gặp mẹ bạn, mình có cảm giác thân thiết, gần gũi vô cùng. Mẹ bạn hiền hậu nhưng cuơng nghị, ý chí vô cùng. Mẹ bạn cũng rất vui khi thấy mình và kể bao nhiêu chuyện từ ngày bạn quen mình. Lúc đó mình mới biết tất cả thư từ hay quà tặng gì mình gởi bạn đều cho mẹ xem và mẹ bạn giữ tất cả. Do đó, mẹ bạn đã biết tất cả về mình mà không cần mình nói thêm điều gì. Mẹ bạn vẫn ở nhà bà ngoại của bạn. Cả mẹ bạn và bà ngoại đều theo đạo Cao Đài, nói chuyện đạo lý hiền lành nhân hậu vô cùng làm mình cảm động.

 

Rồi bạn chở mình và mẹ bạn ra tòa thánh chơi. Đến nơi thấy những bức tranh nhân quả và địa ngục mẹ bạn lại giải thích cho mình. Thật ra mình đều biết cả nhưng mẹ bạn là người lớn tuổi đầu tiên gieo vào trong mình những suy nghĩ về đạo pháp, nói chuyện nhân quả luân hồi, làm lành lánh dữ đầu tiên trong cuộc đời cho mình nghe làm mình quý mẹ bạn lắm. Thế mới thấy trong sự nghèo khó còn là cả một tấm lòng mẹ bạn dạy bạn "đói  cho sạch rách cho thơm." Trong khi họ hàng của mình toàn giàu có thì chỉ biết có tiền bạc và đối xử với người thân cũng dùng đồng tiền mà đối nhân. Đến ba má mình cũng chưa bao giờ nói những điều về tu hành nhân quả như thế với mình vì nhà mình cả dòng họ ở Việt Nam chẳng ai biết tu trừ hai người bà của mình. Vì thế, mình thích gần mẹ bạn lắm và cảm thấy thân lắm.

 

Đến tháng 10, khi biết chắc là sẽ phải rời Việt Nam nên mình viện cớ muốn lên Tây Ninh thăm núi Bà Đen nên muốn bạn đi cùng với mình. Bạn lúc đó cũng rất bận với rất nhiều đồ án nhưng cũng đành chìu ý mình chở mình đi. Thật ra đó chỉ là cái cớ vì mình muốn lên thăm mẹ bạn và tặng mẹ bạn quà vì biết chắc nếu đưa bạn sẽ từ chối do bạn rất tự trọng. Hai đứa cũng lên đỉnh núi Bà Đen ngắm cảnh và chùa. Lên đến nơi thì trời mưa tầm tả nên chỉ còn biết ngồi ngắm mưa rồi về. Mình mang theo máy ảnh nên chụp ảnh cho bà ngoại, cho mẹ của bạn và cả ngôi nhà của bạn. Tuy nhiên, mình không tìm đâu được thời gian nói chuyện riêng với mẹ bạn để tặng quà trừ một ít bánh kẹo và thuốc men mình mang theo. Mẹ bạn bảo ước có một đứa con gái như mình, tính tình vui vẻ như mình làm mình cười. Mình nói mẹ bạn cứ xem mình như con cái trong nhà. Tuy nhiên, mình không còn ỏ Việt Nam bao lâu nữa để mà có thể trò chuyện.

 

Một tuần sau đó, mình sang thăm bạn lần cuối và đưa ảnh chụp để bạn gởi về cho mẹ của bạn. Mình cũng đùa rằng để bạn lưu giữ những tấm ảnh về chính ngôi nhà của mình và nếu sau này có thành danh cũng không quên ngôi nhà ngày xưa đã một thời nuôi mình nên người. Đâu ngờ bạn đã nói cho bạn của bạn biết mình sẽ đi nên mình vừa đến thì tất cả đã la lên hỏi chuyện. Mình chối tất cả và bảo là nói giỡn thôi chứ không đi đâu cả. Chuyện mình đi là một bí mật và mình không nói cho ai biết hết, kể cả bạn bè học đại học, mấy chị từng trọ học với mình và cả mấy phòng mình ở trong ký túc xã Bách Khoa vì ghét cảnh chia ly đau buồn. Trong số bạn của bạn thì mình cũng thân với một người. Mình gọi điện hỏi thăm bạn đó khi mình đến thăm không thấy, bạn đã la mình vì đến lúc này còn dám nói xạo chuyện đi nước ngoài làm mình buồn buồn. Tuy nhiên, mình không nói cho ai biết khi nào mình đi.

 

Ngày cuối cùng rời Sài Gòn về Nha Trang chuẩn bị đi, mình gọi điện cho bạn tới gặp mình. Bạn tưởng mình nhờ bạn chở mình ra ga xe lửa nhưng không phải. Lúc này mình mới nói cảm ơn bạn, chúc bạn và mong bạn nhận dùm món quà  hiện kim và chiếc máy  cassette về cho mẹ bạn vì mình sắp đi, không có gì giúp bạn. Bạn từ chối không nhận quà trừ chiếc máy cassette nên mình vội nhét vào túi bạn rồi chạy vào ký túc xá Bách Khoa. Đâu ngờ bạn đã nhờ bạn của bạn ở gần phòng mình trả lại và chuyện mình đi bị lộ hết ra. Tuy nhiên, chiều hôm đó mình đã về Nha Trang nên  không ai có thời gian tra hỏi mình về bất cứ điều gì hết.Một tuần sau đó mình vô Sài Gòn theo gia đình đi định cư. Trước  khi ra sân bay,mình gọi điện cho tất cả bạn bè thầy cô mình có số điện thoại chào tạm biệt. Đến lúc gọi cho bạn thì đúng là vừa khóc vừa nói chuyện. Sau đó, mình cũng gọi điện cho mẹ của bạn chào tạm biệt. Mình rời Việt Nam vào lúc nữa đêm.

 

Sang đến Mỹ, giữa trăm ngàn lo lắng, bận rộn, mình vẫn dành thời gian rãnh rỗi viết thư cho bạn và mẹ của bạn dù bạn rất ít khi liên lạc với mình. Hằng năm cứ đến sinh nhật bạn mình đều gởi thư, gởi quà như một thói quen bao năm vẫn làm dù bạn rất hiếm và hầu như không liên lạc với mình, kể cả qua email. Cho đến khi quen bạn đúng 10 năm  và vào sinh nhật của bạn thì mình viết thư lần cuối xin dừng khi bạn đã thành danh. Mình vẫn gọi điện hay email hỏi thăm bạn. Tuy nhiên, người mình nói chuyện, gọi điện hỏi thăm nhiều nhất là mẹ của bạn. Mình rất thuơng mẹ của bạn mình, xem mẹ bạn như má của mình và đến khi vào con đường tu hành của Phật pháp, mình lại trò chuyện với mẹ của bạn nhiều hơn. Mẹ bạn bao năm rồi vẫn như vậy, suốt ngày  nhắc mình, nhớ mình và mong mình có về Việt Nam lên nhà chơi với mẹ. Mẹ bạn bảo tất cả thư từ, quà tặng của mình, đặt biệt là chiếc máy cassette mình tặng đều giữ đầy đủ, đôi khi nhìn nó để đỡ nhớ mình làm mình cũng cảm động, thấy mẹ bạn hợp với mình quá. Mình hứa về Việt Nam sẽ lên thăm gia đình bạn vậy mà khi về thì mình không thể lên thăm, chỉ gọi điện hỏi thăm như mọi lần làm mẹ bạn cũng buồn. Mẹ bạn cũng đôi  khi hỏi mình chuyện lập gia đình và mình bảo không thích lập gia đình, thích tu thì mẹ bạn cười bảo thôi thì duyên nợ. Thế mới thấy mẹ bạn mình hiểu mình còn hơn chính người thân của mình nữa. Thế là lâu lâu, dù không nói chuyện với bạn nhưng mình vẫn thường xuyên gọi điện trò chuyện, tâm sự với mẹ bạn, thấy nói chuyện với mẹ của bạn còn có chuyện hơn nói với bạn luôn. Mình mừng khi đời sống đã  khá hơn và bạn đã quyết định từ bỏ công việc thuận lợi ở Sài Gòn về sống với mẹ và lập gia đình ở quê nhà, báo hiếu mẹ bạn. Nghe mà mình mừng lắm.

 

Bạn bảo mình về dự đám cưới của bạn nhưng mình không thể về được dù muốn lắm. Mà đúng là cái số của mình không có duyên đi dự đám cưới của ai và không bao giờ thích đến đám tiệc. Từ nhỏ đến giờ mình chưa đi dự đám cưới của ai hết, kể cả đám cưới chị Hai mình và cũng chẳng có ham trừ khi bị bắt buộc phải đi. Ngày vui của bạn mình định gọi điện thoại về hỏi thăm nhưng sợ bạn và gia đình bận rộn nên đành thôi chờ dịp khác.

 

Tối nay, ngồi nói chuyện với bạn làm bao nhiêu kỷ niệm ngày xưa tràn về. Mới đó mà đã hơn 13 năm từ lá thư ngày xưa mình biết bạn. Mình vẫn rất nâng niu trân trọng quyển sách bé nhỏ ngày xưa bạn tặng mình nhân dịp sinh nhật của mình. Đó là món quà mình quý nhất ngày còn ở Việt Nam vì bạn là người tặng sách cho mình đầu tiên lại đúng là quyển sách mình thích nhất. Quyển sách có tên “Hãy can đảm và tốt bụng,” tập hợp những câu chuyện đầy nhân ái trong cửa sổ tâm hồn. Tập sách này đã giúp nâng đỡ tinh thần mình rất nhiều trong những ngày đầu mình ở nước ngoài, nâng đỡ tinh thần cho mình vững bước để vững tâm làm việc thiện nguyện, sống đúng với cái tâm của người bạn mà bao nhiêu năm nay bạn quen biết.  Tất cả thư từ bạn gởi mình đều còn giữ đầy đủ, lâu lâu mang ra đọc tự nhiên thấy vui và hạnh phúc lắm. Bạn giờ vẫn nói chuyện hiền lành như xưa nhưng có phần dạn dĩ hơn đôi chút chứ không còn im lặng, ngập ngừng suốt ngày. Suốt ngày bạn vẫn cứ hỏi mình chừng nào về để bạn có công chuyện mà làm, mà thiết kế xây nhà cho mình như ngày xưa lần đầu tiên gặp mình bạn đã hứa.

 

Bạn hiền à, giờ mình sợ nói ra ý tưởng về ngôi nhà của mình sợ bạn không chịu nhận thiết kế vì quá nhỏ bé với tầm của bạn thì đúng hơn. Mình chưa bao giờ thích nhà lớn và tiêu chí nhà cửa của mình càng nhỏ gọn, đơn giản, bài trí đơn sơ, không tô vẻ, cầu kỳ hay trang trí nội thất gì đắt tiền cả. Trong nhà chỉ hai ba phòng ngủ là tối đa, mọi thứ phải trang hoàng thanh nhẹ theo phong cách nhà Phật. Điều duy nhất mình thích là phải có một gian rộng để mình thờ Phật, ngày ngày vào đó tụng kinh, niệm Phật, đọc kinh sách còn ngoài ra không cần gì hết. Nhà của mình phải xa khói bụi của thành phố, không ở đường lộ, đường mặt tiền, trong thôn quê càng tốt. Xung quanh mình chỉ muốn có một mảnh đất rộng để trồng rau trái, hoa cỏ theo sở thích của mình và một hồ trồng sen. Tất cả chỉ có vậy, đơn giản, bình thường, không tốn kém, không cầu kỳ hoa lá cành gì cả, càng đơn giản nhỏ gọn chừng nào thì mình càng thích. Nhà mình bé nhỏ đơn giản vậy thì chỉ cần sinh viên kiến trúc năm nhất cũng có thể thiết kế được đâu cần người tài giỏi như bạn thiết kế, sợ bạn nhọc công thì đúng hơn. Ngôi nhà đó sẽ là của riêng mình, chỉ có một mình mình, thuộc về mình để ngày ngày mệt nhọc ở ngoài, bước vào cổng nhà, mình biết rằng nơi ấy chính là của mình. Ngôi nhà của mình sẽ đầy nắng và hoa, đầy cây xanh hoa nở bốn mùa, đầy tiếng kinh kệ sớm hôm thay cho những chuyện thế sự đau đầu. Về đến nhà, mình muốn được yên tịnh một mình, không thích tiếp xúc nói chuyện hay phải bị sống chung, bị hành hạ thân tâm lo chuyện cơm áo gạo tiền, bị nghe người trong nhà bàn tính bao nhiêu chuyện thế sự hơn thua.

 

Mình sẽ biến ngôi nhà ấy thành ngôi chùa cho chính mình, ốc đảo tự tu cho riêng mình, chỉ muốn tiếp chuyện bạn tu chứ không muốn biến thành một nơi tụ tập, ồn ào thế sự khác. Nơi đó sẽ giúp mình nghĩ ngơi, nâng đỡ tâm hồn cho mình, vực mình đứng dậy, làm cho mình được sống với chính bản thân mình, con người của mình và mình sẽ là chủ thật sự của ngôi nhà ấy. Mình thật sự đã quán chán nản, quá sợ sự ồn ào, náo nhiệt bên ngoài, quá sợ bị biến thành những nhân vật ngay cả chính trong ngôi nhà của mình. Ngôi nhà ấy chính là bạn che chở, tâm sự, nói chuyện với mình. Bước ra ngoài vườn, hoa nở bốn mùa nuôi tâm mình lớn mạnh để minh có thể ôm cả ngôi nhà trong vòng tay mình. Để rồi khi nghiệp đã tan, duyên đã hết, mình sẽ bình yên nhắm mắt trong ngôi nhà này và từ từ vãng sanh về với mái nhà thật sự của mình ở Tịnh Độ Tây Phuơng.

 

Nam Mô A Di  Đà Phật!

Ngọc Hằng

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập