3. Tháng Năm Làm Điệu

Đã đọc: 3559           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Ở điệu hay làm điệu là thời gian tinh khôi, nhiều kỷ niệm nhất. Thiển nghĩ, bất cứ ai đã từng làm điệu đều có ít nhiều kỷ niệm nhớ đời!

Ở điệu hay làm điệu là thời gian tinh khôi, nhiều kỷ niệm nhất. Thiển nghĩ, bất cứ ai đã từng làm điệu đều có ít nhiều kỷ niệm nhớ đời!

 

Trước tôi, không biết không khí tu hành của quý điệu như thế nào, nhưng đợt của tôi, Chùa Kim Huê có trên dưới 10 điệu.Vì là thời kỳ khó khăn, ít ai có con trai lại cho đi tu, ở luôn trong Chùa.

Khi vào đây, trên có sư bác Trí Quang, tịnh tu ngoài cái thất nhỏ phía sau khu tháp. Nghe nói, khi xưa, sư bác còn tới lui ở Tuyền Lâm, quận 6 để giảng dạy kinh luật. Nhưng sau này, vì tuổi già, đi lại khó khăn, nên Ngài phát nguyện ở luôn tại Kim Huê cho đến khi viên tịch. Ngài đã dự báo trước 7 tháng với tôi rằng: “ông đạo, ông nói với Thầy ông, chuẩn bị làm đám, Rằm tháng 7 năm nay tôi về Phật đó”.

 

Tôi có thưa với sư phụ và Thầy Tri sự, nhưng vì quá sớm, hay nhiều công việc Phật sự, nên mọi người quên mất tiêu. Đến đúng ngày Rằm tháng bảy năm đó, như thường lệ, trưa tôi bưng cơm vô cho sư bác độ ngọ, thấy sư bác nằm nghiêng thế kiết tường, tôi tưởng Ngài ngơi nghỉ. Đến khoảng 40 phút sau trở lại dọn dẹp, cũng thấy Ngài nằm bất động như thế, tôi đánh bạo đến bên giường, khẻ gọi: ‘Sư bác, sư bác, kính thỉnh sư bác dùng cơm.’ Chẳng nghe động tịnh gì hết. Linh tính báo cho tôi biết là Ngài đã viên tịch. Tôi lạnh toát mồ hôi, hoảng hồn chạy lên nhà tổ, báo cho sư phụ và Thầy Tri Sự hay. Quý Ngài bảo lên chánh điện đánh trống bát nhã và dọng đại hồng chung để đưa sư bác đi. Tôi và huynh Trí Nguyên y lời, lên chánh điện gióng trống, dọng chuông, thành tâm cung tiễn sư bác về cõi Phật.

Có thể nói, đây là người tu đầu tiên trong đời, tôi chứng kiến biết trước ngày ra đi, y như trong kinh Di Đà: “Dự tri thời chí, thân vô bệnh khổ, ý bất tham luyến, như nhập thiền định…”.

 

Lúc nhỏ, vào chùa không bao lâu, tôi được duyên may làm thị giả cho sư bác đến ngày Người theo Phật. Phận sự tôi buổi sáng xách 2 thùng nước bằng lon sửa bò cho sư bác tưới cây, rửa tay; tới trưa bưng cơm cho Ngài độ ngọ, sau đó quét dọn sơ sơ trong phòng và phía ngoài hành lang.

Đáp lại, sư bác dạy chữ Nho, cầm tay tôi qua từng nét chấm phẩy. Sư bác viết chữ, tôi đồ theo trên tấm kiếng. Nét chữ của Người cứng các, nhưng không kém phần uyển chuyển, lã lướt. Sau này, khi làm thị giả cho sư bác Huệ Hưng, tôi có dịp so sánh nét chữ của hai Ngài, thật đẹp đẽ, giống nhau như khuôn.

 

Sinh hoạt ở chùa lúc nào cũng trang nghiêm, nề nếp. Ai công việc nấy. Buổi sáng, sau thời công phu, là phần học luật, do Thầy bổn sư trực tiếp giảng dạy. Học kiểu gia giáo, Thầy đọc trước trò đọc sau, ê a mà sáng cả gốc chùa. Gặp bửa đang học cúp điện, cũng phải đốt đèn cầy tiếp tục học. Tuy ánh sáng không đủ, nhưng tâm trí của người dạy lẫn kẻ học có thể soi sáng cả nẽo nhân gian.

 

Những ngày cận kề Tết, sau giờ công phu khuya, Thầy cho nghỉ xả hơi để sáng còn làm nhiều công việc khác. Có lần, tôi và huynh Thiện Lâm, Thiện Ý hợp đồng dụ Thiện Khuê ra cầu chùa, rồi hai người khiên quăng xuống sông. Báo hại Thiện Khuê ướt như chuột lột, lạnh lẽo khóc om xòm, chạy về nhà méc ba.

 

Ông già của Thiện Khuê là Trưởng Ấp, sáng sớm đi qua than phiền với sư phụ. Ngó lại, mấy huynh đệ bỏ chùa trốn đâu mất. Tới tối mới về, sư phụ bắt ra chúng sám hối và phạt quỳ hương. Vậy mà không ai thù ghét ai, gặp nhau cũng muốn giỡn nửa. Lớn lên, nhớ lại việc này, tôi ái ngại vô cùng, và rút ra được bài học: tuổi trẻ, không có việc gì làm, hay ngứa ngáy tay chân, hay phá phách dữ lắm.

 

Như một đạo luật bất thành văn, đệ tử Kim Huê phải rành 4 quyển luật: Tỳ Ni, Sa Di, Oai Nghi, Cảnh Sách. Ai học thuộc lòng, trả bài thông thấu, thì được Thầy thưởng luôn để làm của riêng. Ai không thuộc, khi học xong phải trả lại cho Thầy, cất lại trong tủ làm pháp bảo xài chung.

 

Ngoài hai thời công phu, trống tán, còn phải rành rẽ nghi thức cúng ngọ, cúng quá đường và những nghi thức tụng niệm khác. Thầy nói: “đó là nền tảng căn bản, là vốn liếng cho người xuất gia mạnh dạng dấn thân hành đạo, lợi ích cho mình, lợi lạc cho bá tánh chúng sanh”.

 

Thầy tôi dạy nhiều lắm, răn nhắc từng li từng tí, giảng dạy từng chữ từng lời. Những gì Người biết, đều truyền đạt hết cho đệ tử. Đến bây giờ, dù đi bất cứ phương trời nào, dù sống trong bất kỳ hoàn cảnh nào, lời di ngôn ngắn ngủi của Thầy vẫn mãi trong khối óc con tim: “Đệ tử Kim Huê, mỗi người phải luôn tự xét lại chính mình, nếu chưa đủ tài năng, đức độ, thì xin đừng nhận mình là đệ tử Kim Huê”. Không biết xưa kia sư Tổ, sư Ông có dạy kiểu này cho những thế hệ cha chú không, nhưng đến thời mình, bị ám ảnh bởi câu nói như đinh đóng cột này, lòng tôi lúc nào cũng hỗ thẹn.

 

Ngoài những thời khoá của đại chúng, Thầy tôi mỗi ngày hành trì 6 thời. Hết công phu Đại bi tâm pháp, bái sám Vạn Phật, đến thọ trì Kim Cang Bát Nhã, Diệu Pháp Liên Hoa. Hết Hồng Danh Bửu Sám, đến Hoa Nghiêm, Niết Bàn. Thầy chưa từng bỏ một thời kinh nào, dù những lúc giổ tổ hay những ngày rằm quan trọng, thậm chí cả lúc bệnh hoạn đi không nỗi.

Tiếng kinh Thầy tụng giữa đêm khuya, sao thanh thoát, như thức tĩnh chúng sinh đang trầm luân trong biển khổ. Tiếng chuông gia trì điểm nhẹ, như thoi thúc khách lữ hành mau giác ngộ quay đầu.

 

Mỗi năm đám giổ ở chùa nhiều lắm, nhưng cúng lớn vẫn là ngày giổ Sư tổ Chánh Quả, 13 tháng giêng và ngày giổ Sư Bác Huệ Hoà, 19 tháng sáu. Hai ngày này, chư tôn đức Tăng-Ni khắp nơi về thật đông. Đương nhiên, quý điệu cũng phó hội ăn theo không ít. Tối đến, phần mùng mền chiếu gối và đơn giường trong chùa đều ưu tiên cho khách phương xa. Mấy điệu có dịp tập trung ngủ trên chánh điện. Nói là ngủ chứ thức sáng đêm để hàn huyên tâm sự. Sức trẻ mà, thức hai ba đêm ăn thua gì. Miễn sao vui nhộn, hoà nhã là được. Đó là hạnh phúc, là niềm mong mỏi của thị giả!

 

Làm thị giả sướng thích nhất là được Thầy bổn sư cho theo hầu những lúc đi xa. Nhờ vậy mà tôi biết được nhiều chỗ, nhiều chùa trong cũng như ngoài tỉnh. Đi liên tục, có khi nghỉ học để đi đám nữa. Mỗi lần gặp Hoà thượng Phước Hưng, Ngài cứ la rầy hoài: “đạo, sao mầy không ở nhà lo học, đi theo tốn cơm chớ đâu làm được việc gì”. Tôi chỉ biết đỏ mặt mắc cở, im lặng chấp tay xá Ngài mà thôi.

Còn quý Hoà thượng khác, nhất là Hoà thượng Chùa Tổ, Sư bác Phổ Nguyện, Sư bác Long Hoà hoan hỷ nhìn tôi cười, rồi khéo léo kéo Hoà thượng đi nơi khác, hoặc bắt qua chuyện khác. Phải chăng, đây là hình thức thương con cháu của quý Ngài?

 

Hồi đó, những lúc sám hối nữa tháng và công phu chiều thật vô cùng rơm rả. Tiếng kệ lời kinh của người lớn, trẻ nhỏ hoà nhau, trong không khí thiêng liêng mầu nhiệm, chứa chan đạo tình, thấm sâu trong từng giọt máu con tim, đã trở thành sức mạnh tâm linh đến tận ngày nay.

Sư phụ luôn khuyên các đệ tử, ăn cháo cô hồn cho thông minh, học đâu nhớ đó. Thành thử, sau thời công phu chiều, những chén cháo cúng cô hồn hầu như hết sạch. Có bửa hết ráo trong lúc đi kinh hành. Vì mấy chú tiểu đâu ai muốn mình ngu, giành nhau ăn hết, ngay khi tiếng mỏ lời kinh vang rền trên chánh điện.

 

Vì là Tổ đình quy củ nghiêm ngặt, quý Thầy lớn chỉ ăn ngọ. Những ngày thọ Bát Quan Trai, tất cả đều phải y pháp trang nghiêm, thọ trai trên quá đường, sau đó kinh hành niệm Phật. Buổi chiều không được ăn. Ngoại trừ mấy chú tiểu, nhưng phải ăn trong im lặng, và luôn hổ thẹn trong lòng.

 

Thầy tôi được tiếng là người khó tánh. Ngài luôn khắc khe với chính mình, luôn nghiêm trì giới luật tuyệt đối, nên không kiêng nễ, hay ưu đãi bất cứ đệ tử nào, dù người đó là bà con huyết thống. Bằng chứng là huynh Quảng Thiện, cháu ruột của Thầy, thế mà Ngài chẳng chút ưu tiên gì.

Một lần, vào buổi chiều, huynh Quảng Thiện ăn cơm dưới bếp, chắc đồ ăn bửa đó không ngon, nên thay vì phải ăn hết chén cơm, huynh lại ăn có nữa chén, rồi đứng dậy bước ra sàng nước, đổ phần còn lại trong hủ đồ ăn cặn. Trời xui đất xụi đâu không biết, chẳng ai để ý việc gì, phía trên nhà tổ, Thầy nhìn xuống, bắt quả tang cháu mình ăn uống phung phí, huỹ của. Thầy đi xuống, bắt huynh Quảng Thiện phải múc phần cơm vừa đổ ăn lại, ăn cho hết trước mặt mọi người. Trong chúng ai nấy đều hoảng sợ, kinh hồn. Từ đó về sau, lớn nhỏ trong chùa, không ai dám lơ là, vung vẩy phí phạm thức ăn, dù thiêu đi nữa, cũng không dám vứt bỏ. Phải chăng, sư phụ đã dạy chúng con cách kiệm đức, tinh thần trân quý phẩm vật của đàn na tín thí?

 

Mấy điệu trong chùa, ngoài những thời khoá cố định, phần thời gian còn lại, hay tụ năm tụ ba đùa giởn. Quý Thầy lớn biết được, nên lúc nào cũng sai làm hết việc này tới việc khác. Được sai làm việc thích lắm. Làm quằng quặc tối ngày, mà khoẻ như trâu vậy đó. Tuổi trẻ mà, làm đâu chết, ở không mới dễ chết.

 

Hình như mấy điệu kiếp trước là con cháu thiên lôi, ai sai gì làm nấy, sai đâu đánh đó.  Nhiều khi làm trật, đánh trật, bị la rầy, quý Thầy lớn đổ thừa cho mấy điệu là hết sức chắc ăn.  

Giỏi quá bị phạt quỳ hương là cùng. Quỳ riết cũng quen. Có khi tội nặng, vừa quỳ hương trước trai đường, lại không cho ăn cơm mới mệt chớ. Nghĩ cũng ngộ, những hình phạt dầu nặng cở nào cũng không ngán, nhưng mấy điệu lại sợ hình phạt cho bao tử nhịn đói hay chỉ nhìn người khác ăn!

 

Người cũ đi qua, lớp mới không ngừng cất bước. Tất cả đều trở thành chứng nhân lịch sử. Một mái già lam, biết bao thế hệ, biết mấy con người, đầy ấp tình cảm thiêng liêng tuyệt đẹp!!

 

T.K.Thiện Hữu

 

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

5.00

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập