Một thời để nhớ

Đã đọc: 2333           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Ai cũng có một thời để nhớ, người thì vàng son, người thì hiu hẩm. Không sao, sống trong hiện tại, đôi lúc chúng ta cũng cần phải vậy. Hãy thử một lần đi tìm dĩ vãng, vui hay buồn cũng đều đọng lại trong ta một kinh nghiệm sống nhất định hữu ích, miễn sao ta biết dùng trí quan sát, sắp xếp để bước chân của mình trên đường đời càng vững chải hơn.

Tôi cũng có một thời để nhớ. Nhớ về ngày xuân nơi một làng nhỏ xa xôi nơi tôi lớn lên. Tôi nhớ mọi người cùng nhau đón xuân dọc bên bờ sông vào những ngày trước Tết. Ghe xuồng tấp nập đủ các sắc màu, nào dưa nào bánh, xa xa vàng rực những cánh Mai vàng. Chị hai, con út hối hả chia nhau bưng về những chậu hoa, Cúc vàng, Cúc đại đóa, Vạn Thọ bông to, cứ thế mà đem về vui ba ngày Tết. Cây nêu cũ kỹ cũng được cắm lên ngay trước sân nhà.

Mẹ thì khi ngồi khi đứng, mắt cứ trông vào nồi bánh Tét thơm phức nếp hương. Có lẽ Ba khéo tay hơn trang trí lại ban thờ, cắt chữ mừng xuân dán ngay trước cửa. Tôi chạy nhanh đến chỗ mấy anh phụ quét mạng nhện, tưới mấy cây bông. Còn bà ngoại thì miệng cứ đầy cả trầu, chỉ đông chỉ tây để hướng dẫn cả nhà cùng nhau đón Tết.

Nhà nào nhà nấy, người tạt người quét khiến cái phố nghèo cũng phải sạch trơn. Đường làng thẳng tắp những lũy tre già, thỉnh thoảng lấm chấm vài chiếc lồng đèn người Hoa, trông thật sinh động. Thằng Út nhà bên là bạn thân nhất của tôi, mới chạng vạng chiều 30 thì nó đã bảnh trai hơn ai hết, áo bỏ vào thùng trông rất lịch sự. Trong khi tôi thì vẫn còn lem luốt mình mẩy với mấy ông anh. Và rồi tôi cũng tranh thủ tắm gội sạch sẽ để mặc chiếc áo thật mới mà Ba tôi đã may sẳn hơn tháng qua. Nhưng cũng không bảnh trai bằng nó, vì vải mình thuộc loại Katê thường thôi. Không sao, nhờ có mái tóc chải bảy ba coi cũng tạm được. Hai đứa nắm tay nhau đi khoe áo mới với các đứa bạn trong làng.

Nghe tiếng Mẹ gọi từ xa, tôi mau chạy về, cả nhà sum vầy ăn tối, một buổi tối thật ấm cúng trong những giờ phút cuối năm. Anh hai có tính hay đùa nói vài ba câu cả nhà vui cười ầm ĩ, một niềm vui thật khó thể quên. Bàn thờ tổ tiên bắt đầu nhang khói nghi ngút, hoa quả trang nghiêm, cả nhà đều lạy, chúc cho ông bà về bên cõi Phật, phù hộ con cháu cuộc sống an nhàn, sự sự được hanh thông. Mẹ tôi có tài khấn, năm nào Mẹ cũng đại diện làm cái việc thiêng liêng ấy. Tiếng trống chùa bắt đầu giòn giã, hồi đổ hồi ngưng, lòng tôi cảm thấy xôn xao, ai nấy hối thúc cùng trở về chùa cung đón Giao Thừa, chúc mừng năm mới.

Làng trên xóm dưới cũng đều về chùa. Thằng Út và mẹ nó không biết có mặt tự bao giờ!.. Vẫn chiếc áo xanh da trời ấy có cái túi thiệt to, chắc là có “mưu đồ” gì đấy. Tôi hiểu nó nhất, năm nào qua mồng hai cũng móc tiền lì xì ra khoe, rồi xếp thẳng băng bỏ ngay vào túi. Chỉ được lịch sự đôi chút mời tôi mấy viên thèo lèo, ị chuột, hì hì…là đủ rồi. Khi về nó ghé sang nhà chúc Tết Ba Mẹ tôi, rồi chạy tuốt về nhà. Chúng tôi còn lại, tất cả anh chị em bắt đầu xếp ba cái ghế cho bà Ngoại, cho Ba và cho Mẹ, rồi cùng đứng ngay ngắn, anh hai là người đại diện phát lời chúc Tết đầu năm. Ba tôi thay lời Mẹ và Ngoại đáp lại vài câu, chúc cho chúng tôi ráng học hành, lo giúp gia đình, phụng sự xã hội thật tốt.

Con Út được lì xì nhiều nhất vì nó còn nhỏ, kế đó là tôi. Tội nghiệp Mẹ, số tiền có được là phần dành dụm từ những cái bánh bán rong, gói lại thật kỷ, giờ thì phải mở ra làm quà Tết cho 2 đứa nhỏ của Mẹ. Phần Ba thì giải quyết cho mấy ông anh bà chị vì số lượng nhiều. Cầm cái hồng bao, tôi vui lắm, chạy thiệt nhanh đến nhà thằng Út để khoe với nó, rồi sẳn làm tuổi Dì năm (Mẹ nó) luôn. Thế là tôi được thêm một hồng bao nữa.

Sáng mồng một là ngày tôi “bận rộn” nhất. Lượt thượt chạy theo Ba mẹ xuống làng dưới thăm chú thím Tư, Bác ba và một số chùa lân cận. Chiều về miệng cứ nhạt tẻo, không buồn ăn một thứ gì dù chỉ cọng mứt miếng kẹo. Trong tâm tưởng cứ mong cho ngày Tết đứng lại để được vui cùng. Có lẽ trẻ con thích màu sắc hơn, ra ra vào vào mãi ngắm những cành Mai, phong bì, thiệp Tết. Nhìn đức Di Lặc bụng bự lấm tấm những xác pháo trông thật ấn tượng ngày xuân. Đặc biệt tôi thấy nụ cười của ngài lẩn trong khói nhang, mùi pháo vừa đốt bên cạnh nhà, thiệt là ý vị ngày Tết.

Nói tới pháo, thoạt đầu tôi cũng mê lắm. Nhưng từ cái dạo tôi cầm nó để đốt thay vì quăng nó cho nổ thì tôi lại quăng nhầm cây nhang, “đùng” mặt mài tái mét và phỏng cái tay, cứ khóc dỗ hoài không nín. Từ dạo ấy bặt luôn không dám chơi pháo nữa. Vậy mà Phật Di Lặc vẫn cứ cười, ba ngày Tết rầm rầm tiếng pháo mà nụ cười của Ngài không hề nhạt phai. Đùng ..đùng ..đùng , pháo lại nổ… lần này nhà một ông Tàu treo dài từ lầu một xuống, toàn pháo, có mấy tụi nhí hơn mình tranh nhau lụm pháo, làm tôi càng dễ sợ hơn.

“ Xuân đã về, xuân rất huy hoàng “ hình như vậy. Một bài hát bất hủ, cứ vang lên xa xa gần gần, bên lũy tre, cạnh bờ sông, khắp cái phố quê, làm cho mồng hai Tết càng thêm vị Tết. Phải, xuân là thế, là những ngày, những giờ mà tất cả mọi người đều dừng lại hết mọi bận rộn lo toan để tận hưởng. Người ta ăn, người ta uống và hát dù hát không hay. Cứ làm như ai nấy đều dư dả cả, bao nhiêu tiền bạc có được thì mang ra xài hết ba ngày Tết để đến mồng 4 thì bắt đầu “xẹp” dần dần, hì hì. Tôi thì khác, cứ bó thật kỷ những bao lì xì để dành sắm tập vở đi học 

Tùng tùng xèng xèng, ông Lân đầu phố múa dài từng nhà một. Người treo cọng cải kẹp với bao lì xì, người thì họp bánh lon kẹo cứ thế mà cho  Lân ăn. Trống lân dường như đã thắm vào ký ức tôi, tôi nghỉ có lẽ đứa trẻ nào cũng biết chơi Lân và đánh trống. Có ông Địa ( tục truyền là ngài Di Lặc ) thuyết phục được Lân và dắt nó xuống làng chúc mừng mọi nhà, ra mắt mọi người, sẳn tiện xin hàng xóm vài cọng rau xanh cho nó ăn. Vì nó là đệ tử phật Di lặc nên chỉ ăn chay  mà không giết vật. Ngài phẩy quạt và thể hiện cử chỉ vuốt ve, ru cho nó ngủ là nêu cao đức Từ Bi yêu thương muôn loài. Đó là lời kể của bà Ngoại tôi. Tùng tùng xèng xèng…tùng xèng tùng xèng..làng quê tràn ngập mùa xuân.

Thức dậy mồng ba, lòng buồn rười rượi, dường như xuân sắp đi rồi. Phố không rộn rã nữa,  chỉ lác đác một vài tiếng pháo thôi. Chợ bắt đầu nhóm, mọi người cũng mặc lại áo cũ như thường lệ để tiếp tục lo toan. Thằng Út và tôi cố mặc thêm chiếc áo mồng ba mới chịu, dù có hơi nhạt nhẽo. Hoa Mai trên bàn cũng rụng dần dần. Mẹ và Ba tuy chưa khai trương, nhưng tôi vẫn nhận ra được rằng Tết không còn nữa. Tôi chạy ra ngoài nhìn lên đầu làng cuối phố để xem có còn giống mồng 1 không, chí ít mồng 2 cũng được. Thế là mọi sự đều không phải vậy. Có lẽ cuộc sống khi đầy đủ thì người ta ăn Tết lâu hơn, tôi nghỉ vậy; mà cũng có khi sự đời hể cái gì vui quá thì sẽ chóng tàn trong khoảnh khắc.

Thật ra thì Tết chỉ đến trọn vẹn trong lòng trẻ con thôi, còn người lớn thì không mong lắm. Vì ai cũng cho rằng tuổi đã lớn, đã vậy cònï phải lo đủ thứ cho con cái nào áo nào quần nào giày dép. Về sau tôi cũng thấy rõ điều nầy, và khái niệm Tết trong tôi cũng hoàn toàn khác đi. Không phải chỉ nô đùa vui nhộn là Tết, không phải cái hồng bao, bánh mứt cộng thêm vài lời chúc là Tết, cũng không phải ba ngày đầu năm ta mặc vào những chiếc áo đẹp la cà khắp xóm là Tết, mà Tết đúng nghĩa là chỗ con người biết thay đổi mọi thứ từ trong lòng, thay đổi cách nghĩ , cách sống và hành sự sao cho mới hơn. Không bám víu cái cũ nữa mà phải tự thích nghi trong mọi hoàn  cảnh như biểu tượng cành Mai vậy. Tết như vậy dù có đôi chút trầm lắng thật, nhưng đó là Tết.

Chuông đồng hồ gõ nhịp 7 giờ AM, đứng dậy tôi nhìn quanh thực tại, chỉ là mùa đông tuyết trắng. Thực sự xuân đã về nơi quê nhà, nhưng Hoa Kỳ xứ lạnh thì không một chiếc lá xanh huống hồ chi hoa cỏ. Có lẽ ký ức vừa rồi đã làm lòng tôi ấm lại đôi chút. “Xuân này con không về” vâng, Mẹ ơi con xin lỗi không về được xuân này để mừng tuổi Mẹ và sum vầy với anh chị em. Ngày xưa thì còn trông Tết đến, đếm từng ngày giờ. Còn nay thì lòng hơi sợ, sợ rằng mỗi năm đến là thời gian đã cướp đi của Mẹ một tuổi đời. Con không dám nhìn thân Mẹ càng lụm cụm hơn. Trước Phật trời con chỉ mong thời gian đứng lại để Mẹ được khỏe mạnh hoài. Mẹ không cần làm gì hết, chỉ cần trường thọ để tụi con được thấy Mẹ cười, Mẹ vuốt ve âu yếm, thế thôi.

Nhân dịp xuân về, con tạm lấy cành khô gắn vài hoa Mai giả để làm ngày Tết. Ước gì có Mẹ bên con, con không cần Mai mốc làm gì. Có Mẹ là có tất cả, có Mẹ là con có Tết trọn vẹn nơi cõi lòng rồi. Mẹ là biểu tượng cho tất cả những thay đổi trong con. Lời khuyên của Mẹ, nụ cười của Mẹ, cách Mẹ đi, Mẹ đứng và cuộc đời của Mẹ chính là hơi thở của con là trái tim ban cho con sự sống !

“ Dù đi khắp mọi chân trời

Cũng không ra khỏi vòng tay Mẹ hiền .”

Xin được ngâm tặng Mẹ bài thơ

“Con chính là mùa Xuân của Mẹ

Mẹ chính là sự sống của con

Dù cho sông cạn đá mòn

Lòng con vẫn giữ cho tròn Đạo tâm”

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập