Nghĩ về Khuynh Hướng Ái

Đã đọc: 4460           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Theo Phật giáo, tất cả chúng sinh chỉ là những diễn trình ngũ uẩn danh sắc, trong đó, có sự phối hợp của Sắc mạng quyền, Nam mạng quyền hay Nữ mạng quyền, chỉ là diễn trình Nhân-Quả-Báo của nghiệp quá khứ mà thôi . Xét về mặt Tâm quán, thân Nữ hay Nam, cũng là một ý niệm hay khái niệm hoặc chỉ là một phạm trù tồn tại trong tâm thức . Khái niệm nam hay nữ gợi lên một vọng tưởng (tướng, biệt tướng, cộng tướng) về hình sắc khác biệt, nó gợi lên căn bản Ái dục, mà đường tâm lộ đã khoét sâu rãnh vào nội tâm, nên dục vọng sinh khởi…., hãy biết tất cả là vọng niệm, vọng tâm, vô ngã … .

Theo Abhidamma, nội tâm hay tâm thức con người bị chi phối bởi hai khuynh hướng cơ bản : Ái (tanha) và Kiến (ditthi).

Ái ở đây dịch từ chữ Tanha (Paly), là sự yêu thích bám giữ đối tượng, do vì đối tượng mang lại thoả mãn giác quan, Ái cũng xuất phát từ trạng thái tinh thần căn bản Tham muốn , nhưng ái vừa là nguyên nhân của nội tâm, vừa là mục đích của hành vi .

Trong tận thâm sâu nội tâm, ái là cái cách mà mọi hành vi xuất phát nghiêng về sự dính mắc với cái “tôi” và “cái của tôi” , từ tôi mà ra, do tôi mà có, vì tôi mà hành động, giống như bản năng sinh vật . Phạm trù này gần gũi với “ái kỷ”, là Ngã ái. Khi Ngã ái bành trướng, phóng chiếu ra ngoài, con người yêu mến và dính mắc cái hình bóng tương hợp với hình bóng trong tâm trí , điều này gần gũi với “bản năng sinh tồn” của sinh học, nhưng bao quát hơn, vì con người có tư duy, có văn hoá .

Từ khuynh hướng chung nhất này, con người sẽ có hành vi thiên hướng về ba mục đích. Kinh Chuyển Pháp Luân nói : “Này các Tỳ Kheo, đây là Thánh Đế về nguồn gốc của Khổ : chính Khái Ái này đã đưa đến tái sinh, kết hợp với dục tham, tìm thấy lạc thú khi thì chỗ này, khi thì chỗ kia, đó là Dục ái, Hữu ái và Phi hữu ái”.  

  1. Dục ái : là những yêu thích thuộc về dục lạc giác quan, dục vọng trong nội tâm . Dục được dịch từ Karma (Sanskrit), là bản năng dục vọng, đây là bản năng thuộc về tính sinh vật nhiều .
  2. b.      Hữu ái : là những yêu thích thuộc về cái “tôi” , đây là sự yêu thích hình ảnh bản thân trong tâm trí, cái tôi hàng ngày hiện hữu trong cảm nhận, đời này, đời nữa, là khát vọng tái sinh . Phật giáo cũng gọi là Ngã ái.  
  3. c.      Phi-hữu ái : là khát vọng phi hữu, khát vọng tiêu diệt “tự ngã” , không tái sinh của hàng sa môn . Đây cũng là hình thức khát ái (của các sa môn), trói buộc họ vào vòng luân hồi .

Khi ái dục dẫn dắt, thì hữu ái và phi hữu ái cùng tồn tại như là 3 tính chất của một dòng sông Ái .  

Trong sinh giới, tiến hoá tự nhiên phải đi đến sự phân ly giới tính để bảo toàn , phát triển vốn gen và thúc đẩy sự tiến hoá của các chủng loài . Đây là một tiến trình của tự nhiên và hoàn toàn vô ngã .

Hãy xem xét con ngựa trời, khi đến tuổi phát dục, con cái tiết ra một pheromone dẫn dụ, và con đực tự động lần theo dấu vết. Khi giao hợp, con cái đã ăn thịt hết con đực, chỉ chừa lại bộ phận gieo tinh cho trứng mà thôi. Thiên nhiên đã cấu tạo, bộ phận ấy vẫn sống độc lập cho đến khi hết tác dụng, và con cái tiếp tục ăn phần còn lại cuối cùng này . Và việc giữ gìn vốn gen này vẫn lập lại suốt hàng tỷ năm qua, không con bọ đực nào thoát được .

Hãy xem xét con heo, khi con cái động dục, nó tiết ra hormone làm heo đực biết mà giao hợp. Trong bầy dê, con dê đực tự động giao hợp với con cái nào có hormone . Loài linh trưởng vẫn thế . Như vậy, Dục tính loài vật là một năng lực có tính điều khiển tự động, con vật không thể nào vùng vẫy thoát ra được . Bản năng dục vọng ấy, đến thời gian nào đó, sẽ được khơi dậy, có thể theo chu kỳ hoặc không, để con vật đi đến mục đích, bằng một hệ thống sinh hoá trong nội dịch cơ thể do một trật tự thiết lập sẵn trong hệ di truyền, để bảo toàn vốn gen .

Con người cũng không thoát khỏi qui luật thiên nhiên này, nhưng do con người đã tiến hoá cao, nên có thêm phần tư duy cho bản năng này . Tư duy ấy lệ thuộc vào nền văn minh, phong hoá nơi con người sống :

Bản năng dục vọng

Ái dục nơi loài người

Nền văn minh, phong hoá

Theo thời gian sinh trưởng

Theo hệ thống chuẩn mực xã hội, theo hệ thống tổ chức thân tộc học .

5

 

 

 

 

 

Dục tính thực sự là công việc trao truyền vốn gen (genofund) , là một khuynh hướng của tự nhiên, ngay đến loài cây cỏ cũng có phấn hoa và nhuỵ cái , đó là một thực tại như nó là, nhưng đối với loài người có tư duy, thì tư duy về nó lại là việc khác .

Nếu bản năng ái dục + Tư duy về ái dục (Phi Như lý Tác ý) và Tà tư duy (Tư tâm sở), thì con người sẽ xuôi theo khuynh hướng ái dục .

Nếu sử dụng Chánh tư duy (Như lý Tác ý) + Chánh Tri Kiến, thì hành giả sẽ đi từng bước cheo leo bên bờ vực khát ái cho đến khi Thắng trí và Tuệ giác phát sinh, thì sẽ đạt đến bến bờ  Vô Ái Dục . Dưới bờ vực ấy, đã có biết bao nhiêu người đã ngã xuống, bị cuốn trôi theo dòng sông của bản năng ái dục, sông nào bằng sông ái – PC .

Ngày xưa, Đức Phật nói rõ : “Này Bà-tất-tra, những điều trước kia người ta cho là quấy, thì bây giờ người ta cho là phải. Rồi chúng sanh kia tập quen với phi pháp, mặc tình buông thả theo tình dục, không kể gì thời tiết. Rồi vì sự hổ thẹn mới tạo lập phòng xá và từ đó thế gian khởi đầu có phòng xá. Đùa quen với điều quấy, dâm dục ngày càng tăng lên, mới có bào thai sanh ra từ bất tịnh, và thế gian mới bắt đầu có bào thai vậy.”

A Hàm - Kinh Tiểu Duyên .

Những khảo sát gần đây cho thấy sự thức tỉnh tình dục ở loài người đã sớm hơn ngày xưa rất nhiều, những nhà khoa học đã cho rằng, vì khoa học dinh dưỡng đã tiến bộ nhiều, sự phát triển kinh tế đã cho con người đầy đủ thực phẩm , và nền truyền thông đại chúng đã làm cho trẻ con tiếp cận đến vấn đề tình dục quá sớm, cộng với hệ thần kinh đáp ứng đã làm cho tình dục thức tỉnh sớm tại trẻ vị thành niên .

Mặt khác, thiên nhiên đã ban cho cấu trúc thân thể của phụ nữ cũng phải tương hợp với động lực bí ẩn trong vô thức người nam, để cho, khi hai bên nam nữ đến tuổi trưởng thành gặp nhau, chỉ nhìn dáng vẻ bề ngoài, thì sự thúc đẩy ái dục của tự nhiên sẽ tự hành hoạt :

Vậy đó bỗng nhiên mà họ lớn,

Tuổi hai mươi đến có ai ngờ.

Một hôm trận gió tình yêu lại,

Đứng ngẩn trông vời áo tiểu thư

Nhà thơ Huy Cận đã nói lên rất đúng trạng thái tâm-sinh-lý của đứa con trai tuổi mới lớn

Mây vẫn từng không, chim bay đi,

Khi trời u uất hận chia ly.

Ít nhiều thiếu nữ buồn không nói,

Tựa cửa nhìn xa nghĩ ngợi gì .

Và Cụ Xuân Diệu cũng nhìn về thiếu nữ cũng vậy . Vì vậy, khi Kim Dung hư cấu nhà sư vị thành niên Hư Trúc với cô gái mới lớn Mộng Cô trong kho nước đá, trong tiểu thuyết Lục Mạch Thần Kiếm, cũng không sai về tính logic .

Vào 2600 trước, lúc sắp nhập diệt, Đức Phật vẫn còn cực kỳ sáng suốt để trả lời cho Ananda :

“Ananda bạch Phật : “Sau khi Phật diệt độ, các hạng nữ nhân đến thọ giáo huấn, cần được đối xử như thế nào ? . - Phật dạy : Đừng gặp họ .

Ananda : Giả sử phải gặp, thì làm sao ? – Phật dạy : Chớ cùng nói chuyện

Ananda : Giả sử phải cùng nói chuyện, phải làm sao ? – Phật dạy : Hãy tự thu nhiếp

tâm ý” – Kinh Du hành .

Đức Phật biết rất rõ, lúc ấy Ananda là đàn ông trung niên đồng chân, mới khoảng 45 tuổi,  người lại đẹp và quyến rũ, tấm lòng tràn đầy từ tâm và lòng bi mẫn, nên Ngài đã dạy riêng cho Ananda về cách phòng hộ thân tâm khi Ngài sắp nhập diệt . Có lẽ Ngài thông cảm mối lo sợ tận trong thâm sâu của Ananda do sự cố mỹ nhân Ma Đăng Già và tai tiếng chia bánh ngày xưa, chứ không phải Ngài dạy phân biệt hay trọng nam khinh nữ (10 Đại Đệ Tử Phật). Bởi vì, Kinh Pháp Hoa đã dạy :

“Nếu vì người nữ nói pháp, thì chẳng hở răng cười, chẳng bày hông ngực. Dù vì pháp, mà chẳng còn thân sau này, huống lại là việc khác” .

Tính theo tuổi đời, con người hiện đại bình quân sống 100 năm, sự thức tỉnh tình dục xuất hiện khoảng 12-13 tuổi ở bé gái và 13-14 tuổi ở bé trai . Khả năng tình dục sẽ kéo dài đến bình quân khoảng 50-60 tuổi ở phụ nữ (do có những liệu pháp hormone) và 75 – 80 tuổi ở đàn ông (cũng do có những dược phẩm phấn dương) . Như vậy, tổng chiều dài lịch sử con người bị Ái dục thúc đẩy sẽ là gần 60 năm, nghĩa là hơn 60% chiều dài cuộc sống. Nếu so với độ tuổi nhận thức được về nhân cách, thì có sự lệch pha rất rõ nét , so với độ tuổi ý thức được bản thân và nhân cách thường từ 18 tuổi đến về già chưa lú lẫn, tổng cộng khoảng 70 năm, thì thời gian ái dục chiếm đến ….87% .  Như vậy, có thể kết luận, ái dục chi phối con người trong hầu hết quãng đời hoạt động, nhưng cường độ tắt dần, mặt dầu có những đợt bùng phát như ngọn đèn sắp tắt (giai đoạn hồi xuân) .

Có những nghiên cứu về sức mạnh tình dục ở người, đại khái, như có những người tình dục rất mạnh mẽ do hệ nội tiết hoạt động quá mạnh, và ngược lại, có những người hoạt động tình dục yếu do hệ nội tiết hoạt động yếu. Đó là do di truyền và đó cũng là Nghiệp Ái mang sang của mỗi người, kẻ nặng nghiệp ái, người nhẹ nghiệp ái, ai cũng có, thầy tu và cư sĩ đều có, nên phải hết sức giữ gìn giới luật, để không bị nghiệp ái cuốn trôi .

Sức cám dỗ mạnh đến như thế, nên Đức Phật dạy các Tỳ Kheo rằng :

1- Ta không thấy một sắc nào khác, này các Tỷ-kheo, xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn ông như sắc người đàn bà. Này các Tỷ-kheo sắc người đàn bà xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn ông.

2. Ta không thấy một tiếng nào khác, này các Tỷ-kheo, xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn ông, như tiếng người đàn bà. Này các Tỷ-kheo, tiếng người đàn bà xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn ông.

3-5.Ta không thấy một hương...một vị...một xúc nào khác, này các Tỷ-kheo, xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn ông, như hương...vị.. xúc người đàn bà. Này các Tỷ-kheo, xúc

người đàn bà xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn ông.

6. Ta không thấy một sắc nào khác, này các Tỷ-kheo, xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn bà như sắc người đàn ông. Này các Tỷ-kheo, sắc người đàn ông chiếm và ngự trị tâm người đàn bà.

7-10. Ta không thấy một tiếng... một hương...một vị...một xúc nào khác. Này các Tỷ-kheo, xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn bà, như tiếng... hương... vị... xúc người đàn ông. Này các Tỷ-kheo, xúc người đàn ông xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn bà. (Tăng Chi - Chương 1 Pháp – 1-10 Nữ sắc)

Nhận thức được như thế, để chúng ta là Phật tử, luôn luôn giữ chánh niệm trong đời thường, để phòng tránh những lỗi lầm phạm trọng giới . Và cũng nhận thức sâu sắc rằng, khuynh hướng ái dục tự nhiên như-nó-là, nên ta có thể cảm thông, với tâm buông xả, khi thấy những nhà sư chợt lỡ bước sa cơ trong tình trường, và hãy chúc cho họ xây dựng được hạnh phúc, đừng mang lại khổ luỵ cho người bạn đời của họ . Thứ hai, cũng phải thấy rằng, những nhà sư xả giới này cũng đã từng hy sinh một phần đời của họ để phấn đấu hết sức trên con đường đi theo chân Phật . Không phải ai đi xuất gia, cũng sẽ là những bậc cao nhân đắc quả . Phật giáo đầy từ bi không bắt buộc chúng hữu tình đi theo suốt đoạn đường, mà vì nghiệp lực trọng khinh, nên nhiều khi chỉ cần gieo trồng chủng tử mà thôi, nên kinh khuyến khích :

“Xá Lợi Phất, Nếu có Thiện nam tử, Thiện nữ nhân, nghe thuyết A Di Đà Phật, chấp trì danh hiệu, dù một ngày, dù hai ngày, dù ba ngày, dù bốn ngày, dù năm ngày, dù sáu ngày, dù bảy ngày, nhất tâm bất loạn. Khi nạn lâm chung, Phật A Di Đà cùng Thánh chúng sẽ hiện đến trước mặt …” – Kinh A Di Đà .

Cho nên ta mong rằng những nhà sư xuất giới này, thà là trở về, để làm một bậc thiện tri thức áo trắng trong đời, còn hơn là ở lại, làm ô danh Tăng đoàn .

Giáo lý chỉ răn dạy con đường tránh xa dâm dục , đó là con đường bất thiện , con đường đầy khổ đau phiền muộn : “Thế nào gọi là Tỳ-kheo được an ổn khoái lạc? Ở đây, Tỳ-kheo đoạn trừ dâm dục, xả bỏ pháp bất thiện, có giác có quán, có hỷ lạc phát sanh do viễn ly, chứng đệ nhất thiền…..” Thanh Tịnh Đạo

Theo Phật giáo, tất cả chúng sinh chỉ là những diễn trình ngũ uẩn danh sắc, trong đó, có sự phối hợp của Sắc mạng quyền, Nam mạng quyền hay Nữ mạng quyền, chỉ là diễn trình Nhân-Quả-Báo của nghiệp quá khứ mà thôi . Xét về mặt Tâm quán, thân Nữ hay Nam, cũng là một ý niệm hay khái niệm hoặc chỉ là một phạm trù tồn tại trong tâm thức . Khái niệm nam hay nữ gợi lên một vọng tưởng (tướng, biệt tướng, cộng tướng) về hình sắc khác biệt, nó gợi lên căn bản Ái dục, mà đường tâm lộ đã khoét sâu rãnh vào nội tâm,

nên dục vọng sinh khởi…., hãy biết tất cả là vọng niệm, vọng tâm, vô ngã … .

Chính vì Ái Dục là một năng lực ghê gớm, nên Phật giáo đã dạy cho Phật tử phương pháp Thiền Tứ Vô Lượng Tâm để dẫn dắt và chuyển hoá Ái dục thăng hoa thành một năng lượng cao thượng vô biên vô lượng, và Kim Cang Thừa cũng đã sử dụng Ái Dục như phương pháp tu tập đầy hiểm nguy, như đi trên vạc dầu sôi, như đi trên mũi gươm nhọn vậy, mà ai vượt qua được, là một thành tựu vĩ đại chói lọi . Ngược lại, xem như một kẻ phàm phu đã chết trong vạc dầu sôi của vòng ái dục luân hồi .

Ta hãy nhớ lại, vào một đêm của 2600 năm về trước, có một chàng sa môn Cồ Đàm với cơ thể suy kiệt vì khổ hạnh, đơn độc bên bờ sông Ni Liên Thuyền, đã chiến đấu quyết liệt để chiến thắng Ái Dục, lúc chàng mới 35 tuổi . (Đức Phật và Phật Pháp – đoạn chiến thắng Ma Vương –  Nãrada Mahã Thera).  Ngài đã nói lúc ấy : "Ðối với ta, chết trong cuộc chiến đấu chống dục vọng còn thập phần danh dự hơn là sống thất bại." – Thanh Tịnh Đạo .  Hãy nhớ, để thấy cái năng lượng Khát Ái trong mỗi con người là lớn lao như thế nào !

Vào thời đại ngày nay, với mạng internet, với kỹ thuật truyền thông đại chúng hiện đại, cùng sự va chạm giữa các nền văn hoá, trong đó nền văn hoá Tây phương với ái dục tự do, là một thách thức lớn hơn rất nhiều lần xưa kia . Xưa kia đã khó thế, thì nay lại còn khó hơn trăm bề…. nhưng không phải là không được, nếu nhiệt tâm theo lời Phật dạy.

Đức Phật hỏi Ananda 3 lần: Thầy nói tinh tấn giác ý ư ? “ và Ananda đáp 3 lần: “ Con nói tinh tấn giác ý “ .

Phật bảo A-nan: “Thầy ưa thích tu hành tinh tấn, thì không việc gì không được, được đến Phật đạo, trọn đời không hư dối”. - Thanh Tịnh Đạo .

Tâm Nhẫn

 

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

5.00

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Đăng nhập