Sống Đạo: Từ Đám Tang Đến Bài Thơ Bất Hủ

Đã đọc: 2258           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Tiếng chuông chánh niệm còn có thể giúp chúng ta đạt được sự minh triết giác ngộ, không cần đến sự phân biệt, chia chẻ, trừu tượng hóa của đầu óc tư duy lý luận.

Anh Bảo, hàng xóm của tôi qua đời do tai biến mạch máu não ở tuổi năm chín. Hay tin anh mất, nhiều người thương tiếc buộc miệng than :“những người hiền hậu chết hoài, mấy thằng hung ác sống dai chật đời”! Người khác thì tỏ ra an phận: “không phải vậy đâu, giày dép còn có số, hễ tới số rồi thì hung dữ hay hiền từ gì cũng chết hết ráo”.

Anh Bảo tín đồ Phật giáo, tính tình nhân hậu, rộng rãi, ăn ở rất được lòng hàng xóm, ăn chay trường trên ba mươi năm nên gia đình tổ chức tang lễ theo nghi thức Phật giáo và đãi tiệc chay. Thân nhân, bạn bè, hàng xóm đến phúng điếu chia buồn cùng tang gia rất đông, khói nhang nghi ngút. Ngoài ra, còn có vài đoàn tăng ni phật tử ở các chùa trong vùng đến tụng kinh siêu độ vong linh anh Bảo do hồi còn sống anh có mối quan hệ thân mật với các chùa đó trong các công tác Phật sự và từ thiện.xã hội

Sau khi lễ Phật, lễ người quá cố, phúng điếu, chia buồn với tang gia xong, tôi được người nhà mời đến ngồi chung bàn với năm người đàn ông vừa quen vừa lạ, đến trước tôi.

Từ ngoài cổng, một ni sư già, trụ trì ngôi chùa trong ấp cùng bảy tám nữ phật tử đã đứng tuổi, trong ban hộ niệm của chùa, mặc quần áo màu lam đi vào. Thân nhân tang gia chạy ra tiếp đón ân cần, niềm nỡ. Anh bảy Quang nhìn họ lắc đầu, bĩu môi, nói: “Đúng là cù tu sấu tu chớ thằn lằn rắn mối hổng có tu?”.

Không chỉ riêng tôi mà nhiều người trong xóm ấp nầy đều biết thái độ khinh thường và những lời mỉa mai châm biếm của anh Quang xuất phát từ đâu. Trong số những nữ phật tử đó có vài bà trước kia làm nghề cho vay bạc ngày bạc tháng và buôn bán cá tôm rau quả ngoài chợ. Mà, theo tâm lý chung thì cho vay là ăn lời cắt cổ và buôn bán thì lúc nào cũng dối gian, không trung thực trong việc cân đong đo đếm!. Ý anh ấy muốn nói chỉ có những người gian ác mới tu còn những người hiền lành không tu!

Anh Sáu “méo” (do cái miệng anh hơi méo khi nói chuyện) mỉm cười, nói :”Đạo Phật rất bình đẳng, ai cũng có thể tu, có thể thành Phật, không phân biệt sang hèn, giàu nghèo, hiền từ hay hung dữ, sao anh lại phân biệt?”. Anh Quang nói:”Tại anh không biết chớ mấy con mẹ đó chuyên cắt cổ vặn họng người nghèo, ăn gian nói dối, mua già bán non, tội lỗi ngập đầu, tu muôn đời muôn kiếp còn chưa hết tội nói gì giải thoát?”. Anh Sáu nói:“Tu là làm lành lánh dữ, người hiền vun trồng thêm phước đức, người dữ giảm bớt  lỗi lầm, chuyển được nghiệp báo. Họ đã biết ăn năn sám hối hướng về chánh pháp là rất tốt, đáng hoan nghinh cho nên mình cần động viên khuyến khích họ chớ không nên bài bác, miệt thị. Họ muốn làm người lương thiện mà mình ngăn cản thì chính mình có lỗi với họ, với xã hội và với Phật pháp”. Anh Quang phản đối:“Nói như anh thì không còn luật nhân quả?”. Anh Sáu lắc đầu: “Không! Luật nhân quả không mất, anh hiểu lầm ý tôi rồi. Tôi nói giảm bớt chớ không phải hết hẳn. Thí dụ, anh mượn tôi mười đồng, nếu anh không mượn nữa thì anh chỉ nợ tôi mười đồng, còn anh tiếp tục mượn hoài thì số nợ lên đến hàng trăm, hàng ngàn đồng. Có vay phải có trả, vay ít trả ít, vay nhiều trả nhiều. Nợ ít, cuộc sống của anh sẽ dư giả dễ chịu, nợ nhiều anh sẽ bị nghèo túng khó khăn, đúng không?  Nói giảm bớt tội lỗi, chuyển được nghiệp báo và nhân quả vẫn còn là như vậy”. Anh Quang hiểu ra, gật đầu đồng ý.

Giải khát xong, vị ni sư cùng các nữ Phật tử tụng kinh. Họ đứng thành hai hàng chuông mõ, vị ni sư làm chủ lễ đứng giữa. Các nữ Phật tử tỏ ra khá chuyên nghiệp, tụng kinh không cần cầm bổn vẫn tụng theo vị ni sư nhuần nhuyễn, đều đặn, nhịp nhàng. Thân nhân tang gia ngồi nhiều hàng sau lưng vị ni sư, chắp tay cung kính và thành tâm bái lạy khi có tiếng gõ chuông. Anh ba Quýt hỏi anh Sáu “méo” về ý nghĩa của tiếng chuông.

Anh Sáu giải thích “Đạo Phật có hai loại chuông, loại lớn treo úp để dùng lúc công phu, phối hợp với trống chầu để bắt đầu và kết thúc các cuộc hành lễ. Chuông nhỏ đặt ngữa để dùng trong các khóa lễ nhật tụng cùng với mõ, khánh. Tiếng chuông nhỏ để báo hiệu dứt một đoạn kinh, báo hiệu cho người hành lễ phải lạy hay xá, và sau khi đọc tụng danh xưng chư Phật, Bồ tát. Về công dụng thì tiếng của hai loại chuông khác nhau nhưng thể tánh thì nó là tiếng chuông chánh niệm, nhắc nhở chúng ta tỉnh thức, quay về đối diện và an trú trong thực tại của mình. Chúng ta có một căn bệnh cố hữu là không chịu nhìn vào.bên trong mà chỉ lo nhìn ra bên ngoài, chạy theo nhu cầu ham muốn, chuốc lấy thất vọng khổ đau. Lúc đó, khi nghe tiếng chuông ngân nga vang vọng, chúng ta hãy mau bình tâm tỉnh trí, soi rọi lại chính mình, chiêm nghiệm lại cuộc sống và cuộc đời mình xem có thiếu sót, sai phạm gì không để khắc phục, sửa chữa. Tiếng chuông chánh niệm còn có thể giúp chúng ta đạt được sự minh triết giác ngộ, không cần đến sự phân biệt, chia chẻ, trừu tượng hóa của đầu óc tư duy lý luận. Tôi sẽ kể cho các anh nghe một chuyện vui như sau”.

“Trương Kế là một nhà thơ tài ba đời nhà Đường bên Trung Quốc. Vào một đêm thượng tuần, ông chơi thuyền tại bến Phong Kiều, tức cảnh sinh tình sáng tác bài thơ bất hủ “Phong Kiều Dạ Bạc” nghĩa là Đêm dưới bến Phong Kiều như sau ”Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên. Giang phong ngư hỏa đối sầu miên. Cô Tô thành ngoại Hàn Sơn tự. Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền”. Cụ Tản Đà dịch “Quạ kêu, trăng lặn, sương rơi. Lửa chày, cây bãi đối người nằm co. Con thuyền đậu bến Cô Tô. Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San”

“Có một giai thoại văn chương kể rằng, sau khi làm hai câu đầu, bỗng dưng hồn thơ của ông ngưng đọng, ý thơ tắt nghẽn khiến ông không làm được hai câu cuối. Ông buồn bã nằm co trong khoang thuyền đưa mắt nhìn vào trời đêm mông lung huyền ảo”.

“Cùng lúc đó, ngoài mái hiên chùa Hàn San ngoài thành Cô Tô, một vị sư già ngắm trăng thượng tuần và làm hai câu thơ “Sơ tam sơ tứ nguyệt mông lung. Bán tự ngân câu bán tự cung” nghĩa là mồng ba mồng bốn trăng mông lung, nửa như móc bạc nửa như cánh cung,  rồi cũng tắt tị như Trương Kế. Chú tiểu theo hầu bèn thưa với sư phụ xin được làm tiếp hai câu “Nhất phiến ngọc hồ phân lưỡng đoạn. Bán trầm thủy để bán phù không” nghĩa là một mảnh ngọc hồ chia làm hai đoạn, nửa chìm đáy nước nửa treo trên không. Ghép bốn câu lại thành bài thơ tuyệt tác, thầy trò vị sư vui mừng, vào chánh điện thỉnh chuông lễ bái, cảm tạ Phật tổ ban ơn. Tiếng chuông ngân nga vang vọng đến thuyền Trương Kế, khai thông hồn thơ ý thơ của ông, ông liền bật dậy lấy bút viết tiếp hai câu cuối thành một bài thơ để đời”..

Phật giáo gọi trường hợp của Trương Kế là sự thực chứng tâm linh bằng tri kiến tuyệt đối giống như Archimedes và Newton ở phương tây bất ngờ tìm ra sức đẩy của nước và lực hấp dẫn. Ranh giới giữa vô minh và giác ngộ không hơn đường tơ kẽ tóc, chỉ cần nghe một câu kinh, một bài kệ, thậm chí một tiếng chuông thôi thì bất cứ ai cũng có thể đạt được Phật quả bằng tri kiến tuyệt đối, không phân biệt thiện ác. Một người chuyên giết mổ heo đã chứng đắc bồ đề theo kiểu đó, ông viết bài kệ như sau “tạc nhật dạ xoa tâm, kim triêu Bồ tát diện, Bồ tát dữ dạ xoa, bất cách nhất điều tuyến” nghĩa là hôm qua tâm dạ xoa, sáng nay mặt Bồ tát, Bồ tát cùng dạ xoa, không cách một đường tơ./

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

1.00

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập