Người Bạn Cũ

Làm ăn phải biết nhìn xa trông rộng, phải biết quyền biến mới tồn tại và phát triển.
Cháu tôi là giám đốc một công ty xây dựng, nó chuẩn bị cưới vợ cho con trai. Sui gia của nó là con ông chủ doanh nghiệp tư nhân chuyên buôn bán vật liệu xây dựng, thế là “môn đăng hộ đối” quá rồi còn gì? Hôm rước dâu, ba nó già yếu không đi làm trưởng tộc được, nó nhờ tôi đi thay, chú như cha mà! Tại nhà gái tôi bất ngờ gặp lại Huỳnh, người bạn cũ, là ông nội cô dâu. Lần đầu gặp lại sau hơn ba mươi năm xa cách, chúng tôi không nhận ra nhau ngay mà cứ nhìn nhau ngờ ngợ. Vạn vật vô thường, hồi trước chúng tôi là thanh niên còn bây giờ đã lên lão nên không nhận ra nhau là lẽ đương nhiên.
Tôi và Huỳnh cùng làm chung trong một cơ quan công quyền chế độ cũ. Tuổi đời và trình độ học vấn suýt soát nhau, đều có gia đình. Tình bạn của chúng tôi không phải được gắn kết bằng một lý tưởng hay một hoài bão mà bằng sự tôn trọng, tin tưởng, hiểu biết lẫn nhau. Lúc rảnh rỗi hoặc sau giờ làm việc chúng tôi thường ngồi bên chung trà chén rượu trao đổi chuyện đời với nhau khá tâm đắc. Khi trao đổi, tôi để ý thấy Huỳnh thỉnh thoảng dùng Kinh Luận của Phật giáo Đại thừa, trong đó có Duy thức học để biện luận và giải thích vấn đề. Pháp môn nầy tương đương Tâm lý học ngoài đời nhưng khó học hơn do lời lẽ và ý nghĩa sâu xa và quá nhiều từ ngữ chuyên môn khó nhớ khó thuộc. Vậy mà, tôi nhớ lúc bấy giờ Huỳnh nói thao thao như một tu sĩ được đào tạo bài bản, tôi ngồi nghe như…vịt nghe sấm, chẳng hiểu mô tê gì ráo!. Tôi xin nói thêm điều nầy, hồi học trung học đệ nhị cấp (phổ thông bây giờ) tôi theo ban B (toán) còn Huỳnh ban C (văn chương) nên rành về các môn triết học. Ngay như việc chúng tôi lúc đầu không nhận ra nhau, sau mới nhận ra Huỳnh cũng dùng Duy thức học giải thích, “tất cả đều do thức biến”, anh nói.
Sau ngày 30.4.1975 không lâu chúng tôi chia tay,.tôi đưa vợ con về quê làm ruộng, Huỳnh bám trụ lại thành phố và làm đủ thứ nghề mưu sinh. Khuân vác mướn, bán cà rem và hàng la, mua ve chai lông vịt, làm phụ hồ… Và, chính nghề phụ hồ đã đưa Huỳnh đến tột đỉnh giàu sang. Anh kể:
-Đi làm phụ hồ khắp nơi, tôi nhận ra xây dựng là nhu cầu cần thiết và cấp bách cho cả nhà nước và nhân dân, nhất là ở nông thôn. Về phía nhà nước thì cần có trường học, trạm y tế và cầu đường, về phía nhân dân thì cần nhà ở. Hồi chiến tranh ác liệt, trường học trạm xá không có, cầu đường bị hư hỏng đứt đoạn, mạng sống của nhân dân đôi khi còn không giữ được huống gì nhà cửa? Cho nên bà con thường nói “khôn cất trại dại cất nhà”, là có ý bảo ở nhà tre lá tạm bợ khi chiến sự tràn tới thì tản cư lánh nạn. Nhà tre lá tạm bợ có bị bom đạn tàn phá cũng không sao, còn người còn của, mai mốt cất lại mấy hồi. Còn ở nhà kiên cố đẹp đẽ, có giá trị thì phải ở lại giữ gìn, lỡ bị bom rơi đạn lạc thương vong oan uổng. Nay đất nước hòa bình thì nhà nước phải xây trường học, trạm xá, cầu đường để phát triển kinh tế, văn hóa xã hội ở địa phương. Nhân dân không còn sợ đạn lạc bom rơi, hơn nữa, theo quan điểm dân gian “sống có cái nhà, thác có cái mồ” cho nên người ta đua nhau xây nhà kiên cố đẹp đẽ để hưởng thụ. Do đó, tôi cố gắng học hỏi, đúc kết kinh nghiệm, trao dồi tay nghề vững vàng tinh xảo để được lên thợ chánh, làm việc khỏe hơn lại lãnh lương nhiều hơn cu li. Làm thợ chánh được vài năm tôi tách khỏi nhà thầu, không làm công ăn lương nữa, nhận công trình cho riêng mình, tự làm nhà thầu.
-Việc làm mới có ổn, có thuận lợi không? Tôi hỏi.
-Rất tốt! Huỳnh phấn khởi đáp.
-Vậy sao không tiếp tục mà lại chuyển nghề?
Huỳnh tự tin:
-Làm ăn phải biết nhìn xa trông rộng, phải biết quyền biến mới tồn tại và phát triển. Nghề xây dựng như cái bánh thơm ngon, ai cũng muốn được chia phần. Thời gian đầu ít người làm, có khi tôi lãnh một lượt đôi ba công trình làm không xuể. Càng về sau càng nhiều người tham gia bởi vì tôi tách ra riêng được thì các thợ chánh khác cũng làm được. Như vậy, một cái bánh mà chia cho quá nhiều người thì lấy gì ăn? Hơn nữa, một công trình xây dựng mấy tháng mới xong và chỉ làm trong mùa nắng, mùa mưa treo giò, muốn có việc làm phải tìm kiếm, chạy chọt xin xỏ, được một hai công trình là giỏi lắm. Lại còn trả tiền công thợ, ăn uống và chi phí sửa chữa bồi thường nếu có sự cố xảy ra lúc thi công. Trong khi đó, tất cả các công trình lớn nhỏ đều cần cát đá, xi măng, sắt thép cũng như cái bánh không thể thiếu bột-đường-trứng-sữa. Làm nghề xây dựng là mình cần người ta, còn bán vật liệu là bán thứ người ta cần mình, theo anh thì chọn cái nào?. Vật liệu lại bán được quanh năm, ăn trọn gói, không chia chác cho ai, không sợ hao hụt, hư thúi và ế ẩm nên tôi quyết định chuyển nghề. Hơn nữa, làm nghề xây dựng bây giờ phải là Kiến trúc sư, Kỹ sư xây dựng, mình già rồi làm sao đáp ứng được.
Kể ra Huỳnh khá nhạy bén tình hình. Thân thế và hoàn cảnh của tôi và Huỳnh tương đối giống nhau, nếu Huỳnh cũng về quê làm ruộng chắc cuộc sống cũng loàng xoàng như tôi chứ không trở thành đại gia nổi tiếng trong ngành xây dựng, ở trong ngôi biệt thự hai tầng lộng lẫy, có ba bãi cát đá lớn phục vụ khách hàng tận nơi cả đường bộ lẫn đường sông. Đúng là thời thế tạo anh hùng!.
“Phú quí sanh lễ nghĩa”, sau khi giàu có, Huỳnh tham gia làm từ thiện xã hội, cất nhà tình thương cho gia đình nghèo, nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách, bắt cầu bồi lộ, xây chiếc cổng và bức tường rào dài vài chục thước cho một ngôi chùa. Có thể nói dấu ấn “DNTN Mỹ Huỳnh” luôn luôn hiện diện trong các công tác từ thiện xã hội ở địa phương.
X
Một hôm, một người đàn ông trung niên đến nhà gặp tôi, buồn bã nói với tôi là vợ anh ấy bệnh nặng nhưng gia đình quá nghèo không có tiền nằm viện chữa trị, chỉ ở nhà uống thuốc nam. Anh ấy nhờ tôi đến chụp hình vợ anh ấy và viết bài gởi báo đăng kêu gọi các nhà hảo tâm giúp đỡ. Tôi đồng ý ngay. Anh ấy đưa tôi về nhà. Bước vào buồng, tôi không tin nổi đó là sự thật nếu chưa thấy một hình ảnh hết sức đau lòng. Người phụ nữ bệnh tật chỉ còn là một bộ xương bọc da, dán chặt hình hài xuống chiếc giường ngủ, mắt nhắm nghiền, thở thoi thóp. Ôi! Một kiếp phù sinh mong manh như ngọn đèn gần hết dầu leo lét, có thể tắt ngúm bất cứ lúc nào. Mạng người chỉ dài bằng một hơi thở, vào mà không ra hoặc ra mà không vào đều kết liễu. Có lẽ nghiệp duyên chưa dứt nên chị ấy mới gắng gượng đến hôm nay, mở mắt nhìn tôi chứa chan niềm tin và hy vọng. Tác nghiệp xong, tôi không chỉ nhờ báo đăng mà còn đích thân vận động Huỳnh, vị mạnh thường quân giàu lòng nhân ái, mở rộng lòng từ bi giúp đỡ một sinh linh khốn khổ chỉ còn chút hơi tàn kéo dài sự sống.
Huỳnh không có nhà, tôi ngồi đợi trong phòng khách, trò chuyện với Mỹ, vợ anh ấy. Hôm rước dâu, do lu bu lễ lộc, chuyện trò với Huỳnh, tôi không có thì giờ quan sát căn phòng, bây giờ là dịp để tôi ngắm nghía. Đúng là nhà của một đại gia, tất cả đồ đạc trưng bày đều thuộc hàng cao cấp, đắt tiền. Phía trên bàn thờ tổ tiên có trang thờ Phật, nhỏ gọn trang nghiêm, treo khung ảnh Phật Thích Ca tỏa hào quang điện, bên phải có bình hoa, bên trái dĩa trái cây, tất cả đều còn tươi rói. Lư hương cắm ba cây nhang điện, cặp chân đèn cũng được gắn hai cây đèn cầy điện.
Huỳnh về. Sau khi nghe tôi trình bày mục đích cuộc viếng thăm, Huỳnh ngồi lặng thinh, suy tư nghĩ ngợi một hồi mới nói:
-Thú thật, không phải tả oán với anh chứ lúc nầy đang là mùa mưa nên không có công trình mới, các công trình cũ tạm nghỉ hoặc làm cầm chừng, ảnh hưởng khá nhiều đến việc buôn bán, tiêu thụ vật liệu. Tôi lại mới vừa trả vốn cho các công ty cung ứng, trong khi các công trình lớn chưa giải ngân, thanh toán cho tôi nên bị kẹt cứng không tháo gỡ được. Lại còn nợ trả chậm, nợ khó đòi, nợ không có khả năng trả nữa. Cho người đến nhắc nhở, họ viện đủ lý do vợ đẻ con đau nhà nước ngập để trì hoản, khất nợ. Bạn bè xúi tôi xiết nhà trừ nợ nhưng tôi thấy làm thế tàn nhẫn quá, không có nhà rồi họ ở đâu, ở gầm cầu hay đầu đường xó chợ?. Tuy nhiên, ông bà mình dạy “cứu một mạng người bằng xây năm bảy kiểng chùa” cho nên tôi sẽ xoay xở cách khác giúp chị ấy bằng tiền tương đương xây một căn nhà tình nghĩa..
Nhìn thái độ và nghe Huỳnh nói, cảm xúc của tôi thay đổi liên tục, khi lên khi xuống, nghiêng qua nghiêng lại như ngồi trên chiếc tàu lượn trong công viên. Lúc đầu nghe Huỳnh than vãn tôi vô cùng thất vọng, cảm thấy có lỗi và hổ thẹn với vợ chồng người nông dân nghèo nàn bệnh tật bởi sự bất lực của mình dù tôi không hứa hẹn, bảo đảm điều gì với họ. Nhưng, hồi kết lại có hậu, tôi thở phào nhẹ nhõm như trút được gánh nặng trên vai. Tôi cũng thầm cám ơn Huỳnh vẫn coi tôi là bạn, vẫn tôn trọng, tin tưởng và hiểu tôi như thưở trước! Tôi từ giã ra về với một niềm vui và…một nỗi lo. Đi vận động mà gặp trường hợp nầy hoài chắc có ngày tôi mắc chứng…đau tim!.
- Hoàng Tử và Các Nữ Quỷ Tâm Minh Ngô Tằng Giao
- Hoàng Tử Khéo Nói và Con Thủy Quái Tâm Minh Ngô Tằng Giao
- Truyện ngắn: Mắt Đỏ An Tường Anh
- Xuân với câu chuyện thiền môn Nguyễn Đức Sinh
- Trước Đèn Lần Giở Cảo thơm Thích Pháp Bảo
- Vực Thẳm Chuyển Ngữ: Nguyễn Văn Tiến
- Em ơi! đừng tránh vô thường Trương Hoàng Minh
- Con Thỏ (Truyện Tiền Thân Đức Phật Thích Ca) Chuyển Ngữ: Nguyễn Văn Tiến
- Thi Hóa Truyện Tiền Thân - Lòng Hiếu Chim Oanh Vũ Tuệ Quý
- Câu Chuyện Về Chiếc Ghế Tuệ Quý
- Câu Chuyện Về Chiếc Cầu Thang Tuệ Quý
- Sao các ngươi ai cũng thích làm Quan thế Giác Hạnh Hoa
- Con Dê Cười Và Khóc (Truyện Tiền Thân Đức Phật) Chuyển Ngữ: Nguyễn Văn Tiến
- Tìm người hạnh phúc Tuệ Thiền Lê Bá Bôn
- Chuyện về Nhân-Quả Chánh Bảo Trung
Đánh giá bài viết này
Cùng tác giả
Được quan tâm nhất


Gửi bình luận của bạn
BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)