Hạnh nguyện

Đã đọc: 639           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Những ngày cuối năm đọc HẠNH NGUYỆN của nhà thơ MINH ĐẠO
Sáng sớm những ngày cuối năm trời phương Nam se lạnh như tín hiệu của đất trời báo hiệu xuân đang đến thật gần. Buổi sáng thức dậy trời còn bãng lãng mù sương khoác thêm chiếc áo ấm bước ra sân nghe mùi hoa nguyệt quế thoang thoảng, chao ôi là nhớ quê nhà! Lại một mùa xuân xa xứ và có lẽ sẽ mãi hoài như thế cho đến lúc từ giả cõi đời!
Nhận tập thơ Hạnh Nguyện của thầy Minh Đạo tặng cũng khá lâu và đã đọc đi đọc lại mấy lần rồi, muốn viết đôi dòng cảm nhận nhưng cứ chần chừ mãi vì e rằng với tài trí hạn hẹp của mình bình luận đâu chẳng thấy mà chỉ thấy bình…loạn! Cho đến bây giờ những ngày cuối năm gác lại bao nhiêu công việc thế sự, ngồi tính lại sổ đời một năm đã qua chưa làm được gì thì năm mới đã cận kề, tuổi đời lại thêm chồng chất, nói như cụ Nguyễn Du thì đường đời đã “tà tà bóng ngả về tây” mất rồi!. Thôi thì để chọn cho mình một chút an nhiên, tỉnh lặng trong những giờ khắc cuối năm thì không có gì hơn là cầm tập thơ Hạnh Nguyện lên đọc lại và (liều) viết đôi điều cảm niệm.
Đây là một tập thơ Đường đa số được viết theo thể thất ngôn bát cú vốn là sở trường của thầy MĐ, nội dung cũng đã được tác giả thể hiện trong tựa đề và ngay dòng đầu tiên của lời ngỏ: “Sống ở đời những người sống có chí hướng thường sống có lý tưởng, có hoài bảo…”. Đối với thầy MĐ thì lý tưởng sống, hoài bảo sống là gì thì gần 150 bài thơ trong thi tập Hạnh Nguyện đã được tác giả thể hiện.
Xuân thời một thuở chốn mao am
Hạnh nguyện chuyên tu dạ vốn cần
……………………………………..
Tinh tấn công phu lòng nguyện gắng
Khoan hòa phổ độ huệ nguyền chăm
(Hạnh nguyện)
Chỉ vài dòng thôi, rất là kiệm lời nhưng chúng ta thấy tác giả đã mở ra một tâm phát nguyện rộng lớn cho chính mình và cho cả tha nhân.
Chúng ta vốn theo nghiệp tạo tác mà trôi lăn, sinh tử trong lục đạo, đến và đi là do nghiệp dẫn dắt vì thế nên muôn kiếp rồi vẫn cứ mải quẩn quanh… 
Dương trần trở lại kiếp nào vơi
Vẫn biết không đâu chẳng đặng rời
Nghiệp đã nhiều thời qua khắp nẻo.
Duyên còn vạn thưở đến nhiều nơi
(Lối cũ)
Vì mãi trôi lăn trong vòng lục đạo như thế cho nên đường về nguồn cội thì ngày càng xa, nhưng đối với người đã phát hạnh nguyện thì mặc dù xa thì xa nhưng có đi là có tới
Phật pháp đem đường lắng thiện duyên
Công phu tinh tấn thoát ưu phiền
Quần sinh thấm hiểu cần nương giáo
Vạn loại soi tìm phải rỏ nguyên.
(Đường về)
Sống giửa cõi trần thế nhị nguyên đối đãi với biết bao nhiêu là nhiễu nhương nào là: được-mất, hơn-thua, yêu-ghét, bại-thành, vinh-nhục… nó làm cho ta cứ xoay vần điên đảo. Đã thế còn bao nhiêu chuyện thị phi là thói thường của trần gian, nó đem đến cho ta bao nhiêu là lụy phiền
Chuyện thế xưa nay vẫn luận càn
Từ nơi phố thị đến buôn làng
Suy cùng vạn sự nào ra lẽ
Biết rỏ nhiều điều chỉ rối can!
(Thế gian)
Tất cả những thứ đó đã tạo nên tập khí nhiều đời nhiều kiếp, thế cho nên hành trình tìm đường về uyên nguyên nguồn cội, bản lai diện mục quả là xa diệu vợi. Lại nữa trong cuộc hành trình vạn lý đó ta vác theo hành trang nặng nhọc của nghiệp chiêu cảm cùng với tâm phàm phu chứa đầy tham ái nên đôi lúc thấy đuối sức mà dặm về chưa thấy đâu. Thế nên không còn cách gì hơn là bỏ bớt hành trang của trần thế đi, đó là BUÔNG XẢ
Tham ái càng nhiều chẳng đến đâu
Bình yên thanh thản sẽ vơi sầu
Hơn thua tính toán thì đau buộc
Được mất so bì chỉ khổ câu…
(Buông xả)
Đã quyết buông thì buông hết, mộng cũng buông mà thực cũng buông! Nói thực là tạm gọi thế thôi chứ cõi trần gian này chẳng có gì là thực cả thế nên mới có câu “Đời là cõi mộng” đó sao!
Xa rồi mộng ủ thói vờn hương
Rộn rã cuồng quay mỏi bước đường
Chẳng buộc sầu thêm về lối cũ
Đừng ôm thảm dệt dẫu đêm trường!
(Xả mộng)
Muốn buông xả để quay về thì chỉ còn cách là xa lìa tham ái và đoạn trừ vô minh vì ái dục và vô minh, tham, sân. si là cội nguồn khiến cho ta mãi trầm mình trong vòng sanh tử luân hồi
Trút bỏ vô minh tìm cõi lặng
Vun bồi trí tuệ uốn nguồn mơ
Tâm này đang vướng đâu là tĩnh
Cảnh ấy không màng thế rỏ trơ
(Sự duyên)
Trút bỏ vô minh để xa lìa phiền não chuyển hóa tâm, ý xa lìa bể khổ bờ mê tìm về bến giác là hạnh nguyện, còn giải pháp đoạn trừ thì phải hạ thủ công phu hành trì 
Chơn như ngộ thấu bền tu học
Bát nhã đèn thiền khổ xóa tan
(Thế gian)
Và đây là phương tiện để cho hành giả thực hiện hạnh nguyện của mình trên hành trình tìm về bến giác, như muốn qua sông thì phải có chiếc bè
Xướng tụng không lơi cầu bản giác
Tham thiền mãi gột thoát niềm si
Ngày đêm đạo lý xuôi vầng tuệ
Tháng lại tinh thần ánh nét bi
(Chuyên tu)
Có một triết lý sống rất hay là không có con đường dẫn hạnh phúc mà hạnh phúc chính là con đường. Đúng vậy phải thấy được sự an lạc, hạnh phúc ngay chính trên lộ trình tìm về nẻo đạo chứ không phải là mục tiêu thì luôn phía trước mà ta vẫn cứ nhọc nhằn sống trong khổ đau trong suốt cuộc hành trình
Chốn đạo không sân đâu luận biện
Nẻo tâm chớ đắm chẳng sinh ghiền
Thong dong thấy đủ người càng tiện
Rộn rã mong đầy dạ bổng yên…
(Thanh thản)
Tập thơ còn nhiều bài đề cập đến chân lý của cuộc đời là khổ và con đường diệt khổ, theo trình tự mà Đức Phật đã chỉ dạy trong bài pháp đầu tiên sau khi thành đạo về tứ đế đó là: KHỔ, TẬP, DIỆT, ĐẠO cho năm anh em ông Kiều-trần-như tại vườn Lộc uyển. Nhưng đến đây thì ta đã rỏ hạnh nguyện của tác giả là gì rồi nên không cần bàn tiếp làm gì nữa mà chỉ với bốn câu thơ sau cũng đã diễn tả hết sự phát tâm của tác giả trong bài Thiền tôn quy ngưỡng là quay về nương tựa Tam Bảo để tiếp bước trên lộ trình tìm về nguồn cội.
Già lam khai diễn ngời kinh pháp
Tứ chúng chuyên bàn sáng luật nghi
Lắng nẻo an nhiên tâm quảng khoát
Trau nguồn bát nhã huệ quang huy…
Trong tập Hạnh Nguyện ngoài chủ đề chính là sự phát tâm tu tập để thoát khỏi bờ mê tìm về bến giác, tác giả còn đề cập tới nhiều lảnh vực khác như nói về là công ơn của mẹ, tình yêu quê nhà..
Dưỡng dục sinh thành ai hiểu thấu
Muôn trùng cách biệt…nghĩa tình sâu…
(Nhớ mẹ)
Cảnh cũ vương hoài nao xứ lạ
Quê nghèo khắc mãi tận niềm xa
(Ngày xanh)
Hoặc là tức cảnh sinh tình, mượn cảnh để bày tỏ nỗi niềm riêng
Võng khói đìu hiu vờn cảnh lặn
Sương mù hối hả cuộn hè qua
Ngay người góc hẹn sầu xuân lả,
Dại nẻo vườn yêu lắng nỗi già..
(Chiều nghiêng)
Sắp nẽo thu về đơn phận rỗi
Qua mùa hạ đến não đời xiêu
Thế gian vật vả bày muôn lối
Ngẩm lại…người, ta chẳng khác nhiều
(Bóng chiều)
Mặc dầu hiểu được lý vô thường của vạn pháp nhưng đôi lúc tác giả cũng vương vấn thương tiếc cho một đời hoa sớm nở chóng tàn, thế mới biết tất cả mọi thứ đều bị luật vô thường chi phối không có gì là vĩnh cửu 
Thương tràn mãi tiếc một đời hoa
Mấy chốc tươi màu cũng chóng qua
Rộn buổi xum xoe bên liễu biếc
Rầy đêm thấp thỏm dưới trăng ngà
………………………………………
Vẫn biết theo thời rồi giã biệt
Sao hoài cứ lại xốn lòng ta…
(Đời hoa)
Hay là những lúc ngồi để tâm tỉnh lặng quay vào bên trong để phản quan tự kỷ, ngẫm cái sự đời hư ảo để mà biết vạn pháp do nhân duyên sanh thì cũng do nhân duyên mà diệt để rồi từ đó không tham đắm vào đó nữa.
Ngẫm lại ôm phiền chỉ khổ đau
Thân người bọt bòng sẽ về đâu
Vơ đầy cũng đặng bay sương khói
Nhét đầy nhưng rồi lộn bể dâu!
(Ngẫm)
Tác giả còn chạm tay tới nhiều điều khác nữa như chuyện tình cảm, chuyện thế sự, cũng đôi lúc có những câu thơ bay bổng hết sức phiêu bồng, lãng đãng
Đường xưa rộn rã bên người ấy
Phố cũ mơ màng cạnh kẻ đây
(Chiều thu) 
Đành thôi lỗi hẹn mối duyên nồng
Tận cõi tình mơ khó kiếm mong
Gởi nỗi em về xuôi gió lộng
Khai niềm kẻ đến hảm đời cong
(Ngày ấy)
Nhưng dù nói về điều gì đi nữa thì bàng bạc trong các ý thơ vẫn mang hơi thở thiền cùng với sự an nhiên, bình tâm khi đối cảnh như Phật Hoàng-Trần Nhân Tông đã nói “đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền!” cho nên không phải tu để biến mình thành gổ đá không tri giác, không cảm xúc mà con tim vẫn dạt dào tình thương nhưng “sống là thương mà lòng chẳng vấn vương” mới là sống thiền, sống đạo…
Thơ Đường luật với những quy tắc nghiêm nhặt về luật, niêm, vần đối và bố cục, với số chữ quy định không thêm bớt nên những nhà làm thơ Đường đều phải tuân thủ các quy tắc đó. Những một bài thơ tuy đã đáp ứng được những quy tắc nhưng đó không phải là tất cả để có một bài thơ hay. Muốn tạo được cảm xúc cho người đọc thì bài thơ phải biểu hiện được tính hàm xúc, ít lời nhiều ý, phải đạt được “ý tại ngôn ngoại”, cấu tứ phải chặt chẻ, sáng tạo trong ngôn ngữ, chẳng phải vì gó ép cho đúng niêm luật mà dùng chữ một cách gượng gạo. Ta thấy những bài thơ trong thi tập Hạnh Nguyện đều chỉn chu về quy tắc nhưng văn phong, ngôn ngữ vẫn biểu đạt được ý, tứ, chủ đề của bài thơ. 
Đặc biệt trong thi tập này có lẽ tác giả muốn “thể hiện” kỹ năng sáng tạo và bút pháp vững vàng của mình đối với thơ Đường nên dùng khá nhiều thể loại đắt địa và rất khó như “thuận nghịch độc”, “thủ vĩ ngâm”, “bát vĩ đồng âm”, “thập thủ liên hoàn”, xướng họa…Về điểm này chứng minh cho sự cao tay của tác giả trong sáng tác thơ Đường
Khép lại tập thơ Hạnh Nguyện trên tay, trong cái không gian tỉnh lặng, yên ắng của một buổi chiều cuối năm tôi như thấy được cái tâm an nhiên, tỉnh tại của tác giả khi viết những vần thơ cho thi tập, như trong lời ngỏ tác giả đã viết “… dòng đời mãi trôi, vạn vật biến chuyển không ngừng cũng bởi do duyên tạo tác. Cứ giử tùy duyên và tâm luôn bình mà làm việc, nương theo giáo pháp, hạnh tu mà đức Phật đã chỉ dạy. đó chính là “hạnh nguyện” vươn tới…”
Với một hạnh nguyện thiết tha như thế tôi chợt thấy phía trước một con đường đang rộng mở thênh thang cho hành giả bước vào mà tiếp tục cuộc hành trình xa lìa, đoạn trừ những khổ đau, phiền não của kiếp nhân sinh để tìm về bến bờ giải thoát…
Những ngày giáp tết Kỷ Hợi-2019
Tâm Lễ-Nguyễn Ngọc Luật


Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập