Đại lễ cầu siêu anh linh các anh hùng liệt sĩ

Đã đọc: 3372           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Sáng ngày 10/12/2016 (nhằm ngày 12/11/ năm Bính Thân), hưởng ứng lời kêu gọi của Ban Tuyên giáo Trung ương, Trung ương GHPGVN phối hợp với Ban Kinh tế Tài chính Trung ương cùng chùa Phật Quang (Bà Rịa- Vũng Tàu) đã trọng thể tổ chức Lễ tưởng niệm và cầu siêu các anh linh liệt sĩ đã hy sinh trong các cuộc kháng chiến vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, độc lập và thống nhất đất nước. Buổi lễ nhằm thể hiện trọn vẹn nghĩa tình và lòng tri ân với những anh hùng, liệt sĩ đã anh dũng hy sinh để bảo vệ Tổ Quốc. Đồng thời, kỉ niệm 70 năm ngày toàn quốc kháng chiến 19/12/1946 - 19/12/2016.

Tham dự và chứng minh Đại lễ, về phía Giáo hội Phật giáo có: HT Thích Trí Quảng - Phó Pháp chủ HĐCM, Phó Chủ tịch HĐTS T.Ư GHPGVN, Trưởng ban Phật giáo Quốc tế T.Ư GHPGVN, Trưởng BTS GHPGVN TP HCM, Viện trưởng Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM, Tổng Biên tập Báo Giác Ngộ; HT. Thích Giác Cầu - Thành viên Hội đồng Chứng Minh T.Ư GHPGVN, Phó trưởng BTS GHPGVN tỉnh BR – VT; HT. Thích Thiện Nhơn – Chủ tịch HĐTS GHPGVN; HT Thích Thiện Pháp - Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS, Trưởng Ban Tăng Sự T.Ư GHPGVN; HT Thích Thiện Tánh - Phó chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban Kiểm Soát T.Ư GHPGVN, Phó Ban thường trực GHPGVN TPHCM; HT Thích Huệ Trí - Ủy viên Thường trực HĐTS, Trưởng Ban Pháp chế T.Ư GHPGVN; cùng Chư tôn đức Giáo phẩm VPI, VPII; các Ban,Viện T.Ư GHPGVN; BTS GHPGVN tỉnh BR-VT; Chư tôn đức Ban Trị Sự Phật giáo các tỉnh, thành lân cận; Chư tôn đức Tăng Ni Trụ trì các Tự Viện, Tịnh Xá ở các tỉnh ghành lân cận.

Về phía lãnh đạo Đảng, nhà nước có: Ông Nguyễn Thiện Nhân – UV Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQVN, Ban Tôn giáo Chính phủ.

Về phía Cán bộ Bộ đội cùng chính quyền địa phương có: Trung Tướng Phạm Xuân Thệ - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Nguyên Tư lệnh Quân Đoàn 2, Nguyên Tư lệnh Quân Khu 1; Thiếu Tướng Lê Mã Lương - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam; ông Phạm Quang Đồng – Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng Ban Tôn giáo tp. HCM; ông Lê Trung Dũng – Phó Cục trưởng Cục An ninh Xã hội thuộc Tổng Cục An ninh Bộ Công An; ông Trần Thanh Hà – Trưởng Phòng Dân tộc Tôn giáo Ban Dân vận tỉnh BR-VT; ông Nguyễn Văn Đẳng – Trưởng phòng PA38 Công an tp.HCM.

Ngoài ra, nhiều phóng viên của các báo, đài truyền An Viên cũng đến tham dự và đưa tin cho buổi Lễ. Và còn có khoảng 6000 đồng bào phật tử xa gần, trong có có hơn 1000 Chúng thanh niên Phật tử Phật Quang và sinh viên đồng tham dự và phục vụ cho đại lễ.

Đúng 8h30”, nghi thức hành chính ( Đại lễ Cầu Siêu) chính thức bắt đầu. 
Tại buổi Lễ, TT Thích Trí Chơn – Trưởng BTS GHPGVN quận 12, TP HCM điều phối chương trình.

Sau phần nghi thức chào quốc kỳ, đạo kỳ, mặc niệm, HT Thích Thiện Nhơn – Chủ tịch HĐTS GHPGVN phát biểu khai mạc. Hòa thượng đã gửi đến quý vị đại biểu tham dự lời chào mừng trân trọng nhất. Người khẳng định, trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, biết bao lần nhân dân Việt Nam đã phải đứng lên, chống lại giặc ngoại xâm để bảo vệ Tổ Quốc. Mặc dù thiếu thốn về phương tiện, vũ khí, lương thực nhưng với tinh thần “không có gì quý hơn độc lập tự do”, nhân dân ta không ngại gian khó, không ngại hi sinh, vẫn kiên cường, anh dũng chiến đấu.

Trong gian khó đó đã tạo nên biết bao nhiêu anh hùng, bao nhiêu nhà lãnh đạo kiệt xuất. Tiêu biểu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người đã khéo léo chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua bao nhiêu ghềnh thác, thu về biết bao thắng lợi vẻ vang. Một trong những dấu mốc quan trọng nhất là ngày 19/12/1946 - ngày toàn quốc kháng chiến. Ngay sau diễn văn kêu gọi toàn quốc kháng chiến, cả nước bước vào trận chiến ác liệt, gay go.

Tinh thần bất khuất, kiên trung cùng những nỗ lực của nhân dân ta đã được đền đáp xứng đáng. Cách mạng thắng lợi, ta giành lại chính quyền, tiến hành cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên trên cả nước. Đồng thời, bắt tay vào việc khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng nền kinh tế, chính trị, cải thiện đời sống cho nhân dân.

Để đổi lấy độc lập tự do cho dân tộc bằng chiến thắng mùa xuân năm 1975, biết bao người con ưu tú trên khắp mọi miền đã ngã xuống. Trong đó, có sự hi sinh xương máu của nhiều Tăng Ni, phật tử.

Kỷ niệm 70 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến là dịp để chúng ta ôn lại và phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, khơi dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc, quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới đất nước vì mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Buổi lễ cầu siêu này là cách thể hiện tinh thần tri ân và báo ân của đạo Phật. Quả thật, “Người đang sống nhớ thương người đã khuất/ Khắc đá làm bia dựng giữa đất trời”. Tăng Ni, phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam mãi mãi nhớ ơn những anh linh anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cho sự nghiệp thống nhất Tổ quốc Việt Nam. Giáo hội Phật giáo Việt Nam với 35 năm thành lập đã không ngừng phát triển trang nghiêm, vững mạnh trong khối đại đoàn kết dân tộc, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn hóa, văn minh.

Hòa thượng tin rằng trong ý nghĩa duyên khởi của Pháp giới, âm có siêu thì dương mới thới và tinh thần tri ân, báo ân của Đạo Phật, đạo lí “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, anh linh của những người đã mất sẽ vô cùng tự hào vì Tổ quốc mãi mãi ghi công, nhân dân Việt Nam luôn tưởng nhớ và báo ân bằng hành động cụ thể, lợi đạo ích đời, góp phần xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Đồng thời, cầu nguyện cho những người còn sống luôn được hạnh phúc, an lạc trong một xã hội chan chứa tình người, một đất nước độc lập tự do.

Với lòng tưởng niệm vô biên, biết ân vô hạn, đồng cảm vô tận, lòng từ bi chan hòa pháp giới, sẽ giao cảm với anh linh các anh hùng liệt sỹ trong thế giới vô hình. Bằng Phật lực gia trì, năng lực chú nguyện của chư tôn đức Tăng Ni, tiếng kinh siêu độ, một dạ chí thành, lắng lòng thanh tịnh, xin cầu nguyện anh linh các anh hùng chiến sĩ, đồng bào tử nạn đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, luôn được thảnh thơi trong cõi tịnh.

Sau lời diễn văn khai mạc, tại buổi Lễ, ông Nguyễn Thiện Nhân – UV Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQVN khẳng định đại lễ cầu siêu này là một việc làm, một nghĩa cử cao đẹp, một hành động thiết thực thể hiện tinh thần tri ân đối với các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống cho Tổ quốc mãi trường tồn.
Ông chia sẻ sự mong mỏi được một lần được đặt chân đến chùa Phật Quang. Một trong những nơi ông từng đặt chân đến, thì nơi làm ông xúc động và day dứt nhất chính là Côn Đảo, nơi có nhà tù cách mạng lớn nhất cả nước, nơi chứng kiến bao nhiêu sự hi sinh anh dũng, một lòng vì Tổ quốc thân yêu của những người chiến sĩ cách mạng.

Bên cạnh những bia mộ có tên tuổi, vẫn còn những bia mộ vô danh. Sự hi sinh thầm lặng của những người chiến sĩ ấy đã làm nên mùa xuân của đất nước ngày hôm nay. Vậy nên, mỗi người dân Việt Nam nên một lần đến Côn Đảo, nên một lần tham dự lễ cầu siêu để vong linh các anh hùng liệt sĩ tiếp thêm sức mạnh, giúp ta đương đầu được với những thử thách của hiện tại, làm cho nước giàu hơn, dân mạnh hơn, dân chủ hơn, công bằng hơn, và văn minh hơn.

Đất nước Việt Nam chúng ta có nhiều dân tộc, có nhiều tôn giáo. Mỗi tôn giáo, mỗi dân tộc, mỗi gia đình đều có thể bằng cách của mình tri ân các liệt sĩ, nhưng riêng Phật giáo Việt Nam, với truyền thống gần 1000 năm đồng hành cùng dân tộc, mà lâu hơn là gần 2000 năm, có một cách đặc biệt là tổ chức các đại lễ trai đàn cầu siêu. Lễ này là từ tấm lòng của người Việt Nam, từ ý thức dân tộc của các vị Hoà Thượng, của các Thượng toạ, và Tăng Ni phật tử.

Sau cùng, Ông cám ơn GHPGVN, chùa Phật Quang cùng các Tăng Ni, phật tử đã có tấm lòng, tổ chức lên một đại lễ vô cùng ý nghĩa và xúc động này. Mong linh hồn các anh hùng liệt sĩ được siêu thoát, tiếp tục độ trì cho Việt Nam ngày càng phát triển.

Xúc động trước những lời phát biểu của ông Nguyễn Thiện Nhân, trong lời đạo từ, HT. Thích Trí Quảng - Phó Pháp chủ HĐCM, Phó Chủ tịch HĐTS T.Ư GHPGVN cho rằng: Người còn biết ông Nguyễn Thiện Nhân cùng phu nhân đúc một quả chuông tiêu biểu cho âm thanh của Phật giáo nhằm tác đông đến tất cả các ân nhân liệt sĩ. Ông đã gợi ý đến liệt sĩ Võ Thị Sáu. Trong cái nhìn của Hòa thượng, chị Võ Thị Sáu là hiện thân của Bà Trưng Bà Triệu ở thế kỉ XX này, vì theo Phật giáo chúng ta có niềm tin về thuyết tái sinh luân hồi. Không phải chết là hết, không phải chết là lên thiên đàng, ở một nơi nào khác của thế giới chúng ta, mà những người đó vẫn hiện hữu ở trong cuộc sống, trong suy nghĩ và trong việc làm của chúng ta hôm nay.

Cho nên hàng triệu các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống đó, có những người mà chúng ta gọi là siêu thoát có nghĩa là đã trở lại cuộc đời này và hiện hữu có mặt hôm nay với chúng ta đây. Cho nên, ngôi chùa Phật Quang này, tôi chưa tới đây lần nào, nhưng mà trong suy nghĩ, trong thế giới tâm linh hay nói một cách khác là trong tâm khảm, tôi luôn luôn hình dung đây là một ngôi chùa tâm linh có sức thu hút tất cả các anh linh liệt sĩ.

Vì lí do đó tuy chùa Phật Quang chưa phải là một ngôi chùa lớn, nhưng mà những ngày lễ lớn thì đồng bào phật tử đã tập hợp về đây hàng ngàn, hàng vạn người. Có thể nói, đó là có một sức hút về tâm linh rất lớn, đó là nơi mà trước đây có những nhà tu đắc đạo và trước đây có những anh lính cụ Hồ đã sẵn sàng xả thân vì nghĩa, cho nên tạo thành 1 linh khí của núi này. Thế nên hôm nay, vong linh của các anh chắc cũng đã về đây để cùng chứng kiến buổi lễ.

Lời dạy của Hòa thượng rất xúc tích, thật ý nghĩa, nêu rõ chữ “ân” chữ “tình” theo Phật môn nên đã lấy đi nước mắt của nhiều người. Chỉ từ câu nói rất từ bi của Hòa thượng mà ai nấy đều lần lượt trải qua đủ mọi cung bậc cảm xúc từ hạnh phúc, đến biết ơn, kỳ vọng...

Dịp này, HT Thích Thiện Nhơn thay mặt T.Ư GHPGVN trao một phần quà trị giá 500 triệu đồng cho 10 gia đình chính sách còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống.
Kến đến, sau nghi thức hành chánh, Chư tôn Giáo phẩm đã niêm hương, toàn thể Chư tôn đức Tăng Ni cùng đông đảo phật tử nhất tâm hiệp lực hướng về Đức Phật thực hiện khóa lễ cầu nguyện và thực hiện khóa tụng kinh cầu siêu.

Trước khi kết thúc buổi Lễ, TT Thích Chân Quang nói lời thành kính tri ân Trung ương Giáo Hội đã chọn chùa Phật Quang để cử hành đại lễ cầu siêu cho anh linh của chư vị anh hùng liệt sĩ nhân kỷ niệm ngày thành lập quân đội nhân dân Việt Nam và 70 năm ngày toàn quốc kháng chiến.

Nhờ vậy nơi núi rừng trầm mặc nhỏ bé này bỗng bừng lên cảm xúc lớn lao khi đại chúng được thắp lại niềm tự hào của lịch sử đấu tranh giành lại độc lập thống nhất hòa bình cho dân tộc Việt Nam. Ngày hôm nay quê hương đã tìm thấy hòa bình độc lập thống nhất như mong ước của cha ông, và còn phải tích cực dựng xây đất nước giàu mạnh để không chịu thua kém bạn bè thế giới, thì niềm thương nhớ biết ơn các anh hùng liệt sĩ chính là sức mạnh để toàn dân tộc đoàn kết chung vai gắng sức nhiều hơn nữa.

Thượng tọa cũng gửi lời tri ân đến Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Trung ương Mặt Trận tổ quốc Việt Nam đã cho quần chúng phật tử nơi chùa Phật Quang cái cảm xúc thiêng liêng cao cả mà không phải ai trong cuộc đời cũng dễ có.

Cầu xin trên mười phương Chư Phật gia hộ các ngài thân tâm thường an lạc, ánh hào quang tỏa rạng, đại nghiệp vì chúng sinh không ngưng nghỉ, để quê hương này, để Địa cầu này còn mãi tình yêu thương tử tế mênh mông.

Và Người cũng đã gửi lời cảm ơn chân thành, sâu sắc đến các đại biểu, dù bận rất nhiều công việc nhưng vẫn bớt chút thời gian, không quản đường xá xa xôi, đã đến tham dự và chứng minh cho buổi lễ; cám ơn các nhà hảo tâm đã cúng dường, đóng góp để buổi lễ được đầy đủ, vẹn toàn; cám ơn phóng viên các báo đài đã về đưa tin, để những thông điệp tốt đẹp của buổi lễ được lan tỏa rộng khắp. Đặc biệt, cám ơn các phật tử, các tình nguyện viên đã đến giúp sức, làm các công tác từ chuẩn bị, tổ chức đến hậu cần. Nhờ những sự giúp đỡ nhiệt tình, chân thành ấy mà buổi lễ mới thành công viên mãn như vậy.

Ngay sau Đại lễ cầu siêu, tại chùa Phật Quang đã diễn ra Lễ khai Đại hồng chung do gia đình ông Nguyễn Thiện Nhân phát tâm cúng. Chuông nặng 1,5 tấn. Và vào ngày 25/11/2016, khi chuông đã đúc xong, cô Hòa Bình – Phu nhân của ông Nguyễn Thiện Nhân đích thân đến làm lễ Tạ Chung tại lò xưởng./.

 















































































Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập