Vị tha

Đã đọc: 1886           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Tối ngày 28/10/2016 (nhằm ngày 28/09/năm Bính Thân), TT Thích Chân Quang - Phó ban Kinh tế Tài chính T.Ư GHPGVN đã quang lâm đến chùa Tương Mai (Trương Định, Hà Nội) thuyết Pháp cho các phật tử về chủ đề “VỊ THA”. Bài Pháp đã chỉ ra tầm quan trọng và những dấu hiệu của vị tha trong cuộc sống. Đồng thời, đưa ra một số phương pháp để các phật tử tu dưỡng, rèn luyện tâm vị tha. Buổi thuyết Pháp đã thu hút được sự tham gia của trên 4000 phật tử đến từ nhiều tỉnh phía Bắc.

Buổi thuyết Pháp có sự chứng minh tham dự của HT Thích Viên Giác - Trụ trì chùa Từ Tân (quận Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh).

Hòa thượng là người Sư huynh rất tuyệt vời đối với Thượng tọa Giảng sư đang trên Pháp tòa. Và còn là người Thầy mà các phật tử miền Nam vô cùng tôn quý yêu kính với danh xưng thường gọi là “Sư Bác”. Cái đạo hạnh, cái ân nghĩa, cái cốt cách của Sư Bác luôn mang lại cho Tăng Ni, phật tử chùa Phật Quang nhiều bài học trong cuộc đời này, đặc biệt là sự tỏa sáng tinh thần từ bi vô ngã vị tha của Người, khiến cho hàng hậu bối rất kính ngưỡng vị Sư huynh của Sư Phụ mình.

Thiết nghĩ, thế giới hôm nay có nhiều điểm tối, nhưng vẫn có những điểm sáng rực rỡ khi có những người được xem là “Hảo huynh đệ” như Sư Bác và Thượng tọa đây, luôn luôn yêu thương và tôn trọng nhau, cùng giúp đỡ nhau khi khó khăn hoạn nạn, cùng chia sẻ cho nhau những phút vui buồn trong cuộc sống tu hành.

Mở đầu bài Pháp, Thượng tọa khẳng định HT Thích Viên Giác (Sư Bác) là một người vị tha, luôn một lòng vì đạo Pháp. Không chỉ cố gắng tu tập cho tinh tấn, Sư Bác còn luôn hỗ trợ cho những người biết làm lợi cho đạo Phật.

Đối với Thượng tọa, ân nghĩa mà Sư Bác dành cho Người thật không sao kể siết. Nếu không có Sư Bác thì không có Người của ngày hôm nay. Dù đạo hạnh sâu dày nhưng lúc nào cũng khiêm hạ, đây mới thực sự là bài Pháp không lời mà Sư Bác dạy cho mọi người. Vậy nên, không cần giảng, Sư Bác chỉ cần bày tỏ đạo đức khiêm hạ của mình đã là chuyện thiết thực rất lớn đối với các phật tử xung quanh.

Thượng tọa cho rằng: Sự khác nhau giữa con người là vị tha nhiều hay ít. Sự vị tha tỉ lệ thuận với giá trị của con người. Nghĩa là người càng vị tha thì càng có giá trị, lúc nào cũng chỉ nghĩ đến việc đem lại lợi ích và niềm vui cho mọi người. Ngược lại, kẻ phàm phu, giá trị thấp thì ít vị tha, sống chỉ đem lại sự khổ đau cho người khác.

Tâm vị tha cực kì quan trọng. Nó là chất để liên kết những điều tạo nên phẩm chất của một bậc Thánh. Mở được tâm vị tha, ta sẽ mở được rất nhiều điều khác trong cuộc đời, trong đó có lòng yêu nước.

Theo Thượng tọa, chúng ta không thể yêu nước khi tâm còn vị kỉ, chỉ nghĩ đến bản thân mình. Người yêu nước phải là người hết sức vị tha. Ngoài lòng yêu nước, tâm vị tha còn liên quan đến rất nhiều phẩm hạnh tốt đẹp khác. Vậy nên, tu làm sao để ngày càng nâng được tâm vị tha của mình lên mới là tu đúng.

Vị tha là tâm bí mật bên trong, được thể hiện ra bên ngoài bằng sự giúp đỡ người khác. Do vậy, người có tâm vị tha thì luôn có tư tưởng giúp đỡ mọi người. Thường thì ta thương ai ta giúp ai hầu hết là vì duyên quá khứ chi phối. Cho nên nó là sự thúc đẩy và làm cho ta có tình cảm mà ta gọi là cảm tính cá nhân, ta cứ thương người đó, còn người khác mình không quan tâm lắm. Cái tình thương, sự tử tế đó không phải đạo đức vị tha, nên thấy người này giúp người kia ta khoan kết luận vì có khi chỉ là duyên nghiệp và cảm tính cá nhân.

Còn người có lòng vị tha thì chắc chắn phải giúp đỡ mọi người mà không bị chi phối bởi nghiệp duyên quá khứ hay tình cảm cá nhân. Suy nghĩ giúp người chỉ đơn giản là xuất phát từ lòng tốt. Có thể không giúp được nhiều nhưng được đến đâu hay đến đó là ta đã giữ được đạo đức trong lòng mình. Nên nhớ, suốt đời còn lại ta phải sống bằng phương trình: Không nghe không thấy thì thôi mà đã nghe đã thấy điều gì khổ trên cuộc đời này thì đừng có làm ngơ. Ta làm ngơ rồi mình chưa nói quả báo kiếp sau, chỉ nhớ một điều là đạo đức ta tan vỡ liền.

Trong kinh Phật có câu “Bố thí là để trang nghiêm tâm”. Ta nghe điều này thấy khó hiểu vì mình chưa đủ trí tuệ, nhưng thực sự là đạo Phật luôn đúng. Qua kinh nghiệm bao năm tu hành của mình, Thượng tọa khẳng định “Vị tha” là một sự hàm dưỡng, phải tích lũy rất lâu mới có được, và Người đã chứng minh điều này một cách kỹ càng hơn, có cơ sở lý luận xác thực cho vấn đề được nói đến. Nhờ vậy, đạo lý dễ dàng đi vào lòng người, có tác dụng hoàn thiện ở mỗi một con người.

Thật vậy, chúng ta thường nghe nói về lòng vị tha, nhưng tâm chưa thể vị tha ngay nếu ta không biết suy nghĩ cẩn trọng, kĩ lưỡng từng điều trong cuộc đời, không có hành động vào trong tâm, không biết ngồi thiền để nuôi dưỡng đạo đức vị tha cho nó lớn dậy. Nghĩa là ta có ý thức về vị tha nhưng tâm chưa vị tha.

Vị tha là một điều cần thiết để trang bị cho tâm hồn mình. Để có vị tha, ta phải tu hành rất vất vả trong nhiều năm. Bản thân lúc nào cũng phải tự nhắc nhở, tự rèn giũa một cách nghiêm túc, cẩn trọng.

Hôm nay, ta nhận thức về sự cao quý của lòng vị tha nhưng để tư duy về nó, ta mất rất nhiều năm. Thêm nữa, tư phải thực hành từng chút một, học cách tử tế với mọi người; hy sinh cái tôi để sống vì mọi người. Như thế, tâm vị tha mới xuất hiện và lớn dần trong ta. Lúc đó, tâm ta sẽ an lạc, nhẹ nhàng hơn.

Tâm vị tha của từng vùng miền, từng con người và từng thời điểm không giống nhau. Nó chịu sự tác động của rất nhiều yếu tố, và nơi chính chúng ta cái tâm vị tha có khi thì nhiều; khi thì ít. Chỉ khi chứng Thánh rồi, tâm vị tha của ta mới ổn định. Lúc đó, ta ngồi một mình tĩnh lặng trong thiền định, tâm lắng xuống thì không nói đến tâm vị tha. Nhưng khi người đó đối duyên tiếp cảnh thì tâm vị tha tăng lên liền. Còn chúng ta tâm vị tha nó tăng giảm bất chợt lắm, nó luôn dao động theo trạng thái và khi tâm vị tha của ta nó thuần từng chút… từng chút trong cuộc sống thì nó sẽ hiển bày ra trong lời nói, trong ánh mắt của ta.

Ngoài việc giúp đỡ người khác, những việc liên quan đến bảo vệ môi trường cũng thể hiện tâm vị tha. Tuy nhiên, nó vướng lời nguyện từ kiếp trước, nên ta chỉ tập trung được vào một lĩnh vực mà cưu mang, chứ không chan hòa, rộng khắp được. Ví dụ, có người nghĩ có loài thú sắp tuyệt chủng, cho nên mở một trang trại đem gấu trúc về nuôi.

Tại sao người này thương con gấu trúc, trong khi rất nhiều loại khác tuyệt chủng mà không thương, vì họ hướng đến lời nguyện từ kiếp trước, có khi kiếp trước họ cũng chính từ loài gấu trúc đó đi ra, nhưng họ may mắn được thành người. Do vậy, có một số trường hợp người ta hoạt động từ thiện xã hội chuyên sâu vất vả, họ làm lợi cho cuộc đời, cho môi trường, cho thế giới cũng là tốt đẹp đó, là tâm vị tha đấy, nhưng mà phảng phất cái dấu vết của nghiệp ngày xưa trở lại, vì đó là duyên nghiệp.

Nhân đây, Thượng tọa cũng phân biệt nhân quả của tâm vị tha. Kiếp này ai không có tâm vị tha thì kiếp sau chắc chắn sẽ đọa súc sinh; ai ít tâm vị tha sẽ trở lại thành người, nhưng cuộc sống sẽ rủi nhiều hơn may; còn ai nhiều tâm vị tha thì hoặc được sinh lên cõi trời, hoặc trở lại làm người có cuộc sống may mắn, hạnh phúc hơn người khác.

Ta phải nhớ tâm vị tha khác hoàn toàn với tâm vị kỉ. Một người mới sinh ra, tâm vị kỉ sẽ mạnh hơn nên lúc nào cũng muốn chiến thắng, muốn giành giật, muốn chiếm hữu đồ của người khác. Tâm vị kỉ làm phát sinh ra một loại cảm thọ mà ta quen gọi là thích thú, khoái trá. Chính cái cảm thọ này đã nuôi dưỡng và làm cho tâm vị kỉ ngày càng trở nên mạnh mẽ.

Người nhấn mạnh rằng đã là phàm phu thì đều bị tâm lí thích thú, khoái trá chi phối. Vậy nên, ta thường động lòng sung sướng khi hơn người khác. Riêng chỉ có bậc Thánh mới đủ bản lĩnh, đủ trí tuệ để không bị cái cảm thọ ràng buộc. Dù trí tuệ, đạo đức hơn người, nhưng lúc nào các Ngài cũng tỉnh bơ, không động lòng trước những lời khen ngợi. Đây mới thực sự là vị tha. Nhờ vị tha mà ta mới biết cố gắng cống hiến, phụng sự có hiệu quả, không bao giờ nhận vào tâm mình những lời khen. Do đó, tâm rất bình an, thanh tịnh.

Cảm thọ khiến ta sung sướng, khoái trá nhưng cái cảm giác này không duy trì được lâu. Nó mang lại cho ta hai cái kết thúc đều bi đát: hoặc là nhàm chán, hoặc là cuộc đời tan vỡ, đầy khổ đau. Thế nên, vị kỉ rất nguy hiểm.

Ngược lại, vị tha không sinh ra cảm thọ, không đem lại cảm giác thích thú khoái trá. Niềm vui ta có được sau khi giúp đỡ ai đó khác hoàn toàn với cảm giác thích thú khi chiến thắng người khác. Nếu cái khoái trá kia mạnh mẽ thì niềm vui này lại thoang thoảng, nhẹ nhàng. Nếu cái khoái trá làm tâm ta thấp hèn thì niềm vui này lại nâng tâm ta lên ngày càng cao thượng.

Mặc khác, người vị kỉ luôn tự cao vì hơn người khác, nhưng trong sâu thẳm tâm hồn lại không có sự tự tin. Họ thực sự rất mong manh, dễ buồn chán. Ngược lại, người biết sống vị tha lại luôn tự tin và không bao giờ sợ hãi trước mọi hoàn cảnh sống. Đây vừa là công thức, vừa là quy luật của cuộc sống.

Ta thấy, giá trị của vị tha không lớn, cũng không mạnh mẽ nhưng nó lâu dài, bền bỉ. nếu biết tích lũy, rèn luyện thường xuyên thì nó tạo thành tâm tự tin, mang lại những niềm hạnh phúc thực sự.

Hướng về các phật tử, Người chỉ dạy rằng: Chúng ta tu theo đạo Phật là hướng về vô ngã. Người nào đạt được vô ngã thì chắc chắn vị tha, ta gọi là bậc A La Hán. Tuy nhiên, người vị tha chưa chắc đã vô ngã, vì nó là đạo đức của một bậc Thánh. Người chứng Tu Đà Hoàn, diệt trừ được thân kiến (tức ích kỉ) là vị tha đã tràn ngập, luôn biết nghĩ cho người khác dù chưa phải là bậc Thánh.

Người vị tha thì sống một đời sống rất hoàn hảo. Có thể mới chứng Tu Đà Hoàn, chưa đạt vô ngã nhưng họ đã là một bậc tri thức, xứng đáng làm thầy của ta trong cuộc đời này. Thế nên, vô ngã của một bậc A La Hán không phải là vị tha nữa mà nó là tâm từ bi siêu việt, phủ trùm rộng khắp, không thể tượng tượng được.

Là đệ tử Phật, đang trên đường tu tập thì cái vị tha của ta chưa phải là hoàn hảo. Nhờ đi trên con đường giác ngộ mà lòng vị tha của ta được nuôi dưỡng, tăng trưởng dần. Một ngày nào đó, khi chứng được Tu Đà Hoàn (quả Thánh đầu tiên trong 4 quả vị Thánh) thì ta thoát hoàn toàn khỏi cái vị kỉ.

Người vị tha không sợ bất kì một nghịch cảnh nào trong cuộc sống, nhưng lại sợ người khác khó khăn, không vui. Thế nên khi nói chuyện với nhau, người vị tha thường tìm cách nói khéo léo để đẹp lòng mọi người, không bao giờ nói thẳng hay nặng lời. Đây vừa là dấu hiệu của một người vị tha, vừa là tiêu chuẩn của một xã hội văn minh.

Từ đây, Người rút ra định nghĩa văn minh, lịch sự chính là cố gắng làm đẹp lòng người khác để họ không buồn khổ. Sự văn minh, lịch sự đúng nghĩa, xuất phát từ lòng vị tha chính là chuẩn mực của văn minh thế giới.

Vị tha chính là điều tốt đẹp của thế giới. Để nước ta trở thành nước văn minh, lịch sự - một nơi đáng ghé thăm của du khách nước ngoài - thì mọi người phải tu dưỡng được tâm vị tha. Ta không bắt chước kiểu văn minh, lịch sự khuôn mẫu, khách sáo mà phải là văn minh, lịch sự theo chuẩn mực thế giới, xuất phát từ tâm vị tha.

Tu dưỡng tâm vị tha không chỉ để xây dựng đất nước mà còn là cách để xây dựng chính con người ta. Mở được tâm vị tha là ta bắt đầu mở được trí tuệ mình, biết lo lắng cho những điều hay dở của cộng đồng từ rất sớm, biết nhìn thấy vấn đề từ điều nhỏ nhất.

Khi thấy những điều xấu dở, người vị tha bắt đầu chủ động gắn vào cuộc đời mình để suy nghĩ, tìm cách loại bỏ nó. Nếu là một cán bộ thì họ xử lí sớm. Nếu không phải cán bộ, họ tìm cách vận động, giáo dục mọi người trong phạm vi nào đó để họ cùng biết lo xa, chung tay bảo vệ cộng đồng, bảo vệ lợi ích chung.

Lại thêm, người có tâm vị tha thì lúc nào cũng muốn chia sẻ cái hay cho người khác. Việc làm này đã giúp nhiều quốc gia, nhiều tập đoàn kinh tế ngày càng phát triển và trở nên lớn mạnh.

Việt Nam ta có rất nhiều yếu tố tự nhiên và con người để phát triển kinh tế, nhưng sự thực là kinh tế nước ta không đủ mạnh để cạnh tranh với một nước có điều kiện tự nhiên kém hơn. Ví dụ, kinh tế nước ta thua nước Nhật dù nước họ diện tích nhỏ hơn, ít khoáng sản hơn, chịu nhiều thiên tai hơn. Đây là hệ quả từ việc ta giấu kĩ năng, bí quyết mà không chịu chia sẻ cho người khác.

Ngoài ra, người vị tha nhiều lúc chịu thiệt mình để người khác có lợi. Thậm chí, họ chịu hy sinh cả mạng sống để giúp đời, giúp người. Đây là mức độ cao nhất của tâm vị tha.

Tóm lại, có 5 dấu hiệu để biết một người có vị tha hay không. Đó là: Luôn sợ người khác buồn; sợ người khác khổ; lúc nào cũng biết lo lắng trước những điều hay dở của cộng đồng; có gì hay cũng muốn chia sẻ cho người khác và chịu thiệt mình để lợi người.

Kết thúc bài Pháp, Thượng tọa nhắc nhở rằng: Đạo đức của một người con Phật buộc ta phải yêu thương tất cả chúng sinh. Nhưng để làm được điều này, ta phải tu dưỡng tâm vị tha, phải yêu được Tổ quốc, yêu được nhân loại thì mới nguyện lòng yêu được tất cả chúng sinh. Lúc nào, ta cũng phải tâm niệm về đó để chiến đấu, làm sao loại cái vị kỉ, làm cho cái vị tha được nảy mầm và phát triển.

Trước sự chia sẻ đạo lý của TT Thích Chân Quang, Sư Bác rất xúc động. Người nói rằng: Được nghe Thượng tọa giảng Pháp là niềm hạnh phúc thực sự với mọi người. Đây là một cách học giáo lí Phật nhanh, trực tiếp và độc đáo. Dù không thể hiểu trọn vẹn hết ngay những điều Phật dạy cao siêu, nhưng cái quý là các phật tử biết được niềm vui do vị kỉ đem lại là một thảm họa. Nhờ đó, ta biết tìm cách loại bỏ nó ra khỏi cuộc đời mình để đi tìm cái niềm vui bền bỉ, đặc biệt hơn do tâm vị tha mang lại. Đây là điều mà Sư Bác rất tâm đắc.

Để đạt được niềm vui đó, Người nhắc nhở các phật tử phải cẩn thận trong từng bước đi, không để bị lọt vào cạm bẫy hay chìm sâu ở các vũng sình của lạc thú ô nhiễm. Đây là cách để cứu vớt chúng ta ra khỏi sự khổ đau, xây dựng một cuộc sống hạnh phúc.

Cuối cùng, Sư Bác gửi lời cảm ơn Thượng tọa đã không ngại đường xa, đến ban bố những lời Pháp nhũ quý giá cho các phật tử. Người khẳng định buổi thuyết Pháp đã mang lại lợi ích và niềm vui cho rất nhiều người. Vui trong sự giác ngộ của Phật pháp chính là niềm vui tối thượng, phải là người có duyên mới được trải qua.

Bằng những ngôn từ đơn giản, những
ví dụ thực tế, bài Pháp đã chỉ rõ tầm quan trọng và các dấu hiệu của lòng vị tha. Nhờ vậy, các phật tử có thêm phương pháp để tu dưỡng tâm hồn mình, dần dần từ bỏ cái chất thú trong con người để đàng hoàng bước lên một con người hoàn toàn, hơn nữa còn có một chút phẩm chất của bậc Thánh. Đồng thời, biết giúp đỡ, nhắc nhở người khác để cùng nhau xây dựng một đất nước thực sự văn minh, lịch sự từ chính tâm vị tha của mình.

Bên cạnh đó, bài Pháp cũng chạm đến một hiện tượng đang rất phổ biến trong xã hội, đó là đi tìm sự khoái cảm bằng nhiều cách, bất chấp việc vi phạm pháp luật hay tự hủy hoại bản thân. Hy vọng, những đạo lý mà bài Pháp mang lại sẽ chỉ lối cho những ai đang bị cái vị kỉ chi phối, biết tìm lối đi đúng đắn để xây dựng cuộc sống yên vui thực sự cho mình./.
















Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

3.50

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập