(Đứng vững ngàn năm): Sức mạnh bành trướng của Hoa Hạ

Đã đọc: 627           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Người Việt Nam đã phải đối đầu với sức mạnh của nền văn minh Hán tộc suốt một ngàn năm. Tổ tiên chúng ta đã bảo vệ được tiếng nói, nuôi dưỡng ý thức tự chủ, và cuối cùng đã xây dựng một quốc gia độc lập. Trong cuộc tranh đấu đó, các tín ngưỡng đã góp phần tác động tinh thần dân tộc Việt. Tiếng nói bảo vệ bản sắc khi người ta hát những bài ca dao, kể cho nhau nghe những chuyện truyền kỳ. Nhờ giữ được bản sắc văn hóa, với tánh cang cường, dân Việt đã khiến những người Trung Hoa sang nước ta trong mười thế kỷ dần dần biến thành người Việt.

Chúng ta nói người Việt không bị đồng hóa thành người Trung Hoa, nhưng “đồng hóa” là thế nào? Gây ảnh hưởng để thay đổi lối sống, tín ngưỡng, phong tục tập quán của một giống dân khác cũng chưa đủ gọi là đồng hóa. Chỉ có thể nói một sắc dân hoàn toàn bị đồng hóa khi họ tự nhận mình thuộc một dân tộc khác, nằm trong một quốc gia khác.

Như vậy thì hiện nay người Tây Tạng chưa bị đồng hóa mặc dù Trung Quốc đã chiếm đóng nước họ từ đời nhà Thanh. Người Uyghur (Hồi Hột) ở Tân Cương cũng chưa bị đồng hóa. Trong một, vài thế kỷ nữa, biết đâu, người Uyghur và Tây Tạng sẽ giành lại độc lập, như người Việt trước đây!

Vũ lực không mạnh bằng tôn giáo

Các đế quốc muốn đồng hóa các sắc dân bị chinh phục trước hết là để dễ cai trị. Nếu chỉ dựa vào vũ lực sẽ không đứng được bao lâu. Tại Á Châu, những dân tộc miền Trung Á đã cải thiện “kỹ thuật chiến tranh” sớm nhất. Họ thuần hóa ngựa, rồi dùng ngựa kéo chiến xa. Họ chế ra yên ngựa, làm loại cung bằng cách ghép nhiều lớp gỗ với xương thú, nhẹ và mạnh hơn. Nhờ sáng kiến chế ra cái bàn đạp chân khi cưỡi ngựa, các kỵ sĩ có thể đứng lên, rút cung tên ra bắn trong khi ngựa vẫn chạy. Họ chinh phục từ châu Á sang châu Âu, từ đời Thành Cát Tư Hãn đến thời Tamerlane (Timurilang, thế kỷ 14). Cuối cùng các đế quốc đó đều tiêu vong. Những kẻ giỏi nghề chiếm đất đai, cướp thành trì, cuối cùng thất bại trên mặt văn hóa.

Đế quốc Mông Cổ chỉ sau một trăm năm đã tan rã. Tôn giáo cổ truyền của người Mông Cổ chỉ giới hạn trong phạm vi bộ lạc, không thể hấp dẫn để cải đạo các giống dân bị chinh phục. Thành Cát Tư Hãn chủ trương công nhận tôn giáo của các sắc dân quy phục. Một người cháu nội của Thành Cát Tư Hãn, đã cải theo đạo Hồi và liên kết với đạo quân Ai Cập chống lại anh em mình; người khác thì cưới công chúa Byzantine và cải theo đạo vợ. Một vị đại hãn thống trị ở Kiev sau này, từng được tất cả các lãnh chúa ở Motscovy,  Tver, Novgorod triều cống, chính ông ta tự cải đạo theo Chính Thống Giáo. Những người mạnh nhất chiếm được cả nước Tầu thì sau đó phải nhờ phương pháp cai trị của các cố vấn Trung Hoa, cuối cùng trở thành một phần của nước Trung Hoa!

Người Mông Cổ du mục cũng không có những định chế xã hội có thể áp dụng cho các đám dân định cư sống bằng nông nghiệp. Một định chế đặc biệt của người Mông Cổ là các hội đồng bầu thủ lãnh (kuriltai, cũng viết quriltai); mà sắc dân Samartiankhi di cư sang miền Hắc Hải vẫn giữ. Khi quân Samartian chạy sang chinh phục Đông Âu vào thế kỷ thứ ba, họ vẫn giữ tập tục đó. Vào thế kỷ 16 nhiều nhà văn Ba Lan bắt đầu tìm hiểu và thấy các nhà quý tộc Ba Lan cũng theo lối các thủ lãnh Samartian khi hội họp để lại suy cử quốc vương. Nhưng định chế kuriltai thích hợp cho một nền kinh tế dựa trên nghề chăn nuôi, với một tổ chức tản quyền, khó dùng cho một đế quốc tập quyền. Cũng giống như chế độ “dân chủ” hạn chế của các thành thị Hy Lạp, không thể dùng để củng cố một đế quốc đã lan rộng.

Các đạo quân viễn chinh của đế quốc La Mã mang theo thần thánh của họ. Tôn giáo của người La Mã đa thần, hỗn tạp, không đủ chiều sâu, khó tồn tại sau khi đội quân bảo trợ nó rút đi. Trong cùng thời gian đó, một làn sóng tín ngưỡng phát khởi từ miền Đông Địa Trung Hải; trong vài thế kỷ đã dâng lên tràn ngập các vùng đất của đế quốc La Mã cũ. Lão Tử nói: “Nhu thắng cương, nhược thắng cường.”

Ngược lại với trường hợp Mông Cổ, một đế quốc đã tan nhưng tôn giáo mà họ truyền bá vẫn ở lại và tiếp tục phát triển. Đó là Hồi Giáo.

Đế quốc Hồi Giáo được người Á Rập lập ra từ thế kỷ thứ bẩy,  đánh chiếm tới đâu là cải đạo người dân ở đó, không như các đạo quân Mông Cổ chỉ phá tan thành trì, cướp bóc của cải. Hồi Giáo trên nguyên tắc đối xử bình đẳng với các tôn giáo khác nhưng chính sách thuế khóa ưu đãi các người theo đạo Hồi.

Các Ca Líp, vừa cầm đầu tôn giáo vừa chỉ huy guồng máy cai trị và quân đội, lúc đầu là người Á Rập; rồi sang người Ba Tư. Người Thổ từ miền Trung và phía Tây châu Á là các chiến binh chuyên nghiệp, dần dần nắm trọn quyền. Các thủ lãnh thay đổi, kinh đô cũng thay đổi, ở Baghdad, ở Cairo, Cordoba, Delhi, hay Istanbul.

Dù các đế quốc Hồi Giáo lần lượt tan rã nhưng họ vẫn để lại một nền văn minh thuần nhất, kéo dài từ Maroc, Phi châu, và Bosnia, Âu châu, sang tới Mã Lai, Indonesia. Tới cuối thế kỷ 20, nhiều quốc gia thành hình vì dân chúng cùng theo Hồi Giáo, như Bosnia, Kosovo ở Âu châu. Tại Á châu, ngày nay còn nhiều quốc gia Hồi Giáo, như ở vùng Trung Á, ở Pakistan, Bangladesh, Malaysia, Indonesia.

Tôn giáo bị các đoàn quân viễn chinh lợi dụng, nhưng chính tôn giáo cũng nhân các cuộc chinh phục đó mà tạo cơ hội truyền đạo. Trong hai hiện tượng song hành quấn quít lẫn nhau này, rất khó phân biệt đâu là nhân, đâu là quả, bên nào lợi dụng bên nào.

Nhưng tôn giáo không phải là phương tiện văn hóa duy nhất được các đế quốc sử dụng khi bành trướng, củng cố quyền lực, để lại ảnh hưởng lâu dài. Nhiều đế quốc sử dụng những hình thức văn hóa hoàn toàn thế tục đạt những mục đích đó. Họ dùng một hệ thống xã hội và tổ chức chính trị, được đạo quân chinh phục đem từ chính quốc tới áp đặt những sắc dân khác.

Văn minh Hồi Giáo mang theo một tín ngưỡng duy thần nhưng không thiết lập các định chế thư lại để quản lý, cho nên đế quốc không lâu dài. Kinh Kuran Hồi Giáo có thể coi là bản kinh thánh đưa ra nhiều quy luật cho cuộc sống thuờng ngày nhất, nhưng cũng không gây được ảnh hưởng trên cơ cấu xã hội như các bài bản Lễ Nghĩa, Cương Thường của Khổng Giáo. Văn minh Trung Hoa dựa trên một lý thuyết tổ chức xã hội phù hợp với kinh tế nông nghiệp; cho nên họ tiến tới đâu là bám rễ, khó bứt đi được.

Các lý thuyết tổ chức xã hội mạnh hơn các tín ngưỡng vì tính chất thực tế; mục tiêu chỉ nhằm tổ chức việc cai trị mà thôi. Các lý thuyết chính trị được sử dụng để giải thích và biện minh một điều: Trong xã hội ai được quyền ra lệnh và ai phải nghe lệnh. Tóm lại, ai được phép sai bảo người khác và bắt họ đóng thuế cho mình. Các tôn giáo có khi không quan tâm đến những chi tiết “thế tục” như vậy. Ngay bây giờ các tôn giáo vẫn còn phải thanh minh rằng họ tuyệt nhiên không muốn can thiệp vào chuyện chính trị.

Định chế xã hội kiên cố hơn

Các đế quốc sử dụng tôn giáo để củng cố quyền hành và đồng hóa các giống dân bị trị không lâu dài bằng các đế quốc sử dụng các định chế xã hội và chính trị.

Người Á Rập đi chinh phục và truyền bá đạo Hồi, nhưng các đế quốc không tồn tại lâu. Vì họ không áp dụng những định chế quản lý xã hội chặt chẽ như người La Mã hay người Hán. Hồi Giáo không duy trì một quyền bính tập trung, vì mỗi tín đồ đều có thể tiếp xúc thẳng với Đấng Tối Cao, không cần qua trung gian. Giáo sĩ Hồi Giáo là những chuyên gia giải thích Kinh, Luật, nhưng không được coi là đại diện cho Thượng Đế. Một đế quốc Ottoman kéo dài được mấy thế kỷ; nhưng căn bản của quyền hành đặt trong tay Ca Líp, một thủ lãnh tôn giáo. Bị cường quốc kinh tế đang lên ở Âu châu tấn công, Đế quốc Ottoman tan rã, ngoài tín ngưỡng không còn để lại vết tích nào nữa.

Quân La Mã xâm chiếm tới đâu là xếp đặt ngay một guồng máy cai trị dựa trên tổ chức hành chánh và mạng lưới thu thuế của họ, dù vẫn để cho những thủ lãnh địa phương cầm đầu; tín ngưỡng của dân địa phương vẫn được tự do. Sau này, người Anh cũng theo chính sách tương tự. Đế quốc Anh được xây dựng trên nền tảng các định chế hành chánh, luật pháp, các tập quán lâu đời của xã hội Anh.

Sau khi giành được độc lập, các cựu thuộc địa của Anh quốc, như nước Mỹ, Canada, Úc châu, Ấn Độ, vẫn còn áp dụng nhiều định chế chính trị của Anh, nhất là tinh thần trọng pháp luật và tính độc lập của quyền tư pháp. Trừ nước Mỹ, các nước kia vẫn dùng thể chế đại nghị, hệ thống luật căn cứ trên tập quán và án lệ, kinh tế thị trường, các đại học theo mẫu Anh; và phong cách của hệ thống hành chánh độc lập cũng theo truyền thống Anh quốc.

Khi bành trướng lãnh thổ xuống miền Nam Trường Giang, người Hán sử dụng các định chế cai trị có sẵn từ nhiều thế kỷ. Đế quốc Trung Hoa tiến tới đâu là bám rễ tới đó, bằng cách đào tạo thêm lớp “sĩ” ở địa phương. Tất cả đều học cùng một thứ sách, theo cùng một phương pháp tập huấn. Guồng máy đó chạy đều nhờ một hệ thống tư tưởng để huấn luyện các cán bộ và giáo dục dân chúng. Khi dân đói quá, chính quyền sụp đổ vì xã hội tao loạn; một chính quyền mới ra đời nhưng hệ thống cai trị cũ được tái lập.

Ở Trung Quốc, hiện tượng gom góp các lãnh địa nhỏ vào thành nước lớn diễn ra trong năm thế kỷ. Đầu đời Xuân Thu (722-464 TCN) có 172 “nước chư hầu” còn được ghi nhận. Mỗi nước vẫn có những gia đình quý tộc nắm quyền. Thí dụ, ba họ gọi là Tam Hoàn (Quý, Mạnh, Thúc) lấn áp vua nước Lỗ. Khổng Tử phải bực mình khi đề nghị một chính sách nhưng ông vua nói phải hỏi ý kiến các nhà quý tộc. Ông Khổng chủ trương phải tập trung quyền hành nhưng thất bại. Phải chờ tới lúc những ông vua mạnh dẹp các nhà quý tộc mới thâu tóm quyền hành.

Đến cuối thời Xuân Thu thì 110 nước đã biến mất. Trong số còn lại, trong những năm từ 662 đến 543 TCN44 nước bị diệt vong. Còn lại 13 nước lớn và 8 nước nhỏ, đến cuối thời Chiến Quốc (463-221) bẩy nước lớn nhất thôn tính các nước khác, cho tới khi tất cả thu vào một mối.

Hiện tượng gom thu các nước nhỏ vào nước lớn diễn ra qua các cuộc chiến tranh không ngừng. Hứa Trác Vân làm thống kê các cuộc chiến đời Xuân Thu, dựa theo Tả Truyện; và đời Chiến Quốc, dựa vào Sử Ký của Tư Mã Thiên. Trong gần 300 năm đời Xuân Thu chỉ 38 năm hòa bình. Còn trong gần 250 năm đời Chiến Quốc chỉ có được 89 năm không chiến tranh.

Các cuộc chiến tranh liên miên làm đảo lộn các tầng lớp xã hội. Các tướng soái chuyên nghiệp củng cố uy quyền, chiếm địa vị của các nhà quý tộc. Thứ hai là xã hội đảo lộn khi các nông dân bị bắt lính, di chuyển từ miền này tới miền khác, đặc biệt vào thời Chiến Quốc khi số bộ binh gia tăng. Họ dần dần biến thành một lực lượng xã hội mới, lưu động và phức tạp. Đây là một cơ hội cho đám thường dân “tham dự” vào các biến cố chính trị; những người có khả năng được đưa vào bộ tham mưu của các tướng lãnh và vương hầu. Nhiều người trong đám này leo lên hàng tể tướng; người giỏi du thuyết được trọng dụng trong việc ngoại giao. Giới quý tộc tan rã khi nước họ bị tiêu diệt, xuống làm thứ dân. Trong khi đó các “chuyên gia” quân sự, hành chánh và ngoại giao leo lên hàng lãnh đạo. Tầng lớp gọi là Sĩ tự phát triển, là kho nhân lực chính của bộ máy hành chánh.

Biến động xã hội trong mấy thế kỷ đời Chiến Quốc đưa tới những lý thuyết về tổ chức chính quyền. Bao nhiêu nhà trí thức tìm phương pháp cai trị cho “dân giầu, nước mạnh;” những người đưa ra ý kiến hay được các vương hầu trọng dụng. Nho gia chủ trương giáo dục Lễ Nghĩa, Pháp gia đề cao Hình Pháp. Nước Tần đã thắng thế, sau mấy đời tể tướng chuyên sử dụng hình pháp khắc nghiệt; chứng tỏ Pháp Gia có hiệu quả hơn trong ngắn hạn. Khi nhà Hán lên thay nhà Tần, bề ngoài họ tuyên dương Nho giáo nhưng bên trong vẫn sử dụng các thuật cai trị của Pháp gia.”Mô hình” pha trộn Nho và Pháp thành định chế kéo dài hơn hai ngàn năm. Các hoàng đế Trung Quốc cũng sử dụng mô hình đó trong việc quản lý các vùng đất mới chiếm được.

Đế quốc nhà Hán bành trướng từ miền Hoa Bắc xuống Hoa Nam và mở rộng về phía Tây, bây giờ vẫn còn là một quốc gia. Sức mạnh của họ dựa trên định chế chính trị. Chúng ta thấy rõ sức mạnh này hơn khi so sánh với sự bành trướng của hai nền văn minh Trung Hoa và Hy Lạp; người Hy Lạp không thiết lập các định chế chính trị lâu dài; người Hán thì ngược lại.

Thành công hơn Hy Lạp

Hy Lạp từ gốc vẫn là một nền văn minh của các thành thị tự trị, với những định chế dân chủ giới hạn cho một số nhỏ. Mô hình chính trị đó không thể áp dụng ở các vùng mới chiếm đóng. Tới thế kỷ thứ tư trước Công Nguyên mới có hoàng đế Philip từ nước Macedonia chinh phục các thành thị gộp lại thành một vương quốc. Nhưng chính ông vua xứ Macedonia cũng không nắm toàn quyền, vì họ phải được đa số suy cử và ủng hộ. Alexander kế vị Philip mở cuộc chinh phục thế giới, từ phía Bắc châu Phi sang đến phía Đông Ấn Độ. Nhưng ông không có một “khuôn mẫu chính trị” nào để cai quản một đế quốc rộng lớn như vậy. Khác với ở Trung Quốc, một trăm năm sau, khi nhà Hán bành trướng họ thừa hưởng mô hình Pháp Gia nhà Tần đã bày sẵn. Còn Alexander, ông phải mời các “chuyên gia quản lý hành chánh” người Ba Tư vào lấp đầy khoảng trống đó; vì Ba Tư đã từng cai trị các đế quốc lớn rộng. Sau khi ông chết các tướng lãnh tranh quyền, tạo ra những vương quốc riêng, họ đuổi các thư lại người Ba Tư. Những ông vua mới này cũng phải mô phỏng các truyền thống cai trị có sẵn ở địa phương. Dòng họ Ptolemy ở Alexandria thì bắt chước các Pharaoh Ai Cập, dòng Seleucid ở vùng Lưỡng Hà thì cai trị theo nền nếp của các hoàng đế Babylon trước họ. Vì từ gốc ở Hy Lạp và Macedonia họ khôngcó sẵn các quy củ giúp thống trị một đế quốc, như nhà Tần, nhà Hán.

Văn minh Hy Lạp để lại cho chúng ta thể chế bỏ phiếu (hoặc bốc thăm) chọn người cầm quyền, nhưng quyền lựa chọn chỉ dành cho một thiểu số trong các thành thị, được coi là công dân, “người ngoài” không được tham dự. Những công dân này rất tự hào về chế độ của họ, các ông vua không thể bắt buộc họ dùng một thứ tiền chung, họ từ chối cả việc dùng một đơn vị đo lường chung, như Tần Thủy Hoàng đã áp dụng ở Trung Quốc. Cho tới khi các vương quốc trên và tất cả các nước trong xứ Hy Lạp bị Đế quốc La Mã thu vào một mối, nền văn minh, tư tưởng, ngôn ngữ Hy Lạp vẫn phát triển trong miền đất di sản của Alexander. Văn minh Hy Lạp tràn lan, nhưng họ không lập thành một hệ thống chính trị thống nhất cho một đế quốc, như người Hán đã làm.

Thế giới ngày nay còn thừa hưởng nhiều thành quả của văn minh Hy Lạp. Triết học Tây phương, chế độ Cộng Hòa, đều bắt rễ từ các thành thị Hy Lạp. Họ để lại hai di sản giúp nhân loại tiến bộ; một là dùng Toán học làm dụng cụ nghiên cứu khoa học; hai là phương pháp thực nghiệm để kiểm chứng các hiểu biết. Thế Vận Hội do người Hy Lạp bầy ra trước nhất. Khái niệm trái đất là một quả cầu đã được người Hy Lạp nêu ra; Eratosthenes (275-194 TCN) ở Alexandria (nay thuộc Ai Cập) đã tính được chu vi trái đất khoảng 46, 250 km, chỉ sai hơn 6 ngàn cây số. Eratosthenes cũng là một nhà toán học, một triết gia, một người nghiên cứu địa lý, và nhiều ngành khao học khác. Người đầu tiên phát minh ra vặn đinh ốc là Archimedes (287-212) ở Syracuse. Archimedes thì ai cũng biết, là một nhà toán học, nghiên cứu vật lý học, thiên văn với nhiều sáng chế kỹ thuật. Mà Syracuse bây giờ là thành phố Siracusa ở đảo Sicily trong nước Ý; còn Alexandria nằm trong nước Ai Cập. Điều này cho thấy văn minh Hy Lạp đã tràn khắp nơi, với các triết gia và thương gia đi khắp vùng Địa Trung Hải, sang tới vùng Hắc Hải. Các đạo quân Hy Lạp từng chiếm đóng từ bờ biển nước Ý sang tới miền Bắc Pakistan, Afghanistan; xuống phía Nam tới Libya bây giờ. Chữ Hy Lạp là ngôn ngữ của giới trí thức trong hàng chục thế kỷ.

Sau khi đế quốc La Mã lên, nhiều sử gia, triết gia vẫn viết bằng chữ Hy Lạp. Bản gốc các sách Phúc Âm kể chuyện Chúa Giêsu cũng viết chữ Hy Lạp. Đại đế Alexander (336-323 TCN) bắt đầu giai đoạn bành trướng mạnh nhất của văn minh Hy Lạp; đạo quân của ông đem theo cả các triết gia, thương gia, các thầy giáo, và tới đâu thiết lập các gymnasia (trường học) tại đó. Alexandria và Pergamum (phía Bắc Pergama trong nước Thổ Nhĩ Kỳ bây giờ) đã trở thành các trung tâm phát triển văn hóa, khoa học, với các thư viện, viện bảo tàng, nhà hát, vân vân. Ai đi thăm Thổ Nhĩ Kỳ đều được thấy di tích các thành thị và đền đài Hy Lạp. Năm 1966, giới khảo cổ Pháp tìm thấy di tích một cây cột dựng lên ở Ay Khanum, một thành phố thành hình sau khi đạo quân của Alexander đi qua, nằm bên con sông Amu Darya. Đây là một trung tâm thương mại quốc tế trên con đường Tơ Lụa, người Hy Lạp gọi tên sông là Oxus; thương nhân Trung Hoa xưa gọi là A Mẫu Hà (阿姆河). Trên cây cột này khắc 140 châm ngôn về đạo làm người. Nội dung hầu như chép nguyên văn những châm ngôn ghi trên một cây cột dựng gần đền thờ Thần Apollo tại Delphi ở Hy Lạp, cách xa đó hơn 4, 500 cây số. Lời văn bằng chữ Hy Lạp cũng nhuần nhã như ở bản gốc. Năm 1954, người ta cũng tìm ra hai bản khắc trên đá ở Kandahar (nay thuộc Afghanistan), một trung tâp Phật giáo vào thời Vasubandhu, thế kỷ thứ tư. Điều đặc biệt là các bản văn này viết bằng hai thứ chữ, Hy Lạp và Aramaic, nhưng nội dung lại là các huấn dụ của Hoàng đế Ashoka (304-232 TCN), vị vua Ấn Độ. Sự kiện vua Ashoka dùng chữ Hy Lạp và chữ Aramaic, hai thứ chữ thông dụng trong đế quốc Ba Tư, chứng tỏ ảnh hưởng Hy Lạp trong vùng này vẫn còn rất mạnh sau cuộc chinh phục của Alexander.

Nền văn minh của dân Athens tạo nên một Thế giới Hy Lạp từ miền Trung Á xuống tới Bắc châu Phi trong 300 năm sau Alexander; nhưng họ không duy trì được một đế quốc. Một mặt, vì chữ Hy Lạp dùng mẫu tự ABC, không “tượng hình, hội ý” như chữa Hán. Mặt khác vì tư tưởng Hy Lạp chuyên khảo thế giới như một đề tài thiên văn, địa lý và triết học; không đề nói tới nhiệm vụ “bình thiên hạ.”

Văn minh Hán tộc thua văn minh Hy Lạp về tư tưởng duy lý và khoa học thực nghiệm, nhưng lại mạnh hơn về các định chế chính trị, trên lý thuyết cũng như trong phương pháp thực hiện. Người Hán mở mang một đế quốc, cai trị, rồi đồng hóa nhiều sắc dân khác, mà không dùng tôn giáo. Họ quen suy nghĩ như Khổng Tử: “Đối với quỷ thần thì kính trọng, nhưng không tới gần” (quỷ thần kính nhi viễn chi). Họ đặt trọng tâm vào cuộc đời thực tế, trong xã hội loài người. Để hiểu mối đe dọa trên dân Việt trước bộ máy đồng hóa của nền văn minh Trung Hoa, phải nhìn rõ sức mạnh của những lợi khí mà họ đã dùng để đồng hóa các sắc dân khác ở phía Nam Trường Giang.

 Văn minh Hán tộc vừa đặt ra một hệ thống tư tưởng về quản trị quốc gia, xã hội; vừa đào tạo một hàng ngũ thư lại để thực hiện các lý thuyết đó. Hai lợi khí này giúp đế quốc Hán, Đường đồng hóa dân những miền đất họ đã chiếm được, sau cùng dựng thành một quốc gia đông dân nhất thế giới.

Các chuyên gia quản lý

 Cuối đời Xuân Thu, từ thế kỷ thứ 6 trước Công Nguyên, một giai cấp thư lại xuất hiện ở Trung Hoa, họ được phong tước Sĩ, dần dần thành lớp người gọi chung là Sĩ, trong đó Nho sĩ ngày càng đông. Nhu cầu của các vương hầu cần cai trị một dân số gia tăng khiến địa vị xã hội của Nho sĩ lên cao. Tư tưởng Khổng, Mạnh thành hình khi tầng lớp kẻ sĩ đông và chiếm địa vị cao hơn. Theo Phùng Hữu Lan trong Trung Quốc Triết học Sử cương, Khổng Tử là lý thuyết gia đại biểu của “giai cấp Nho sĩ đang lên.”

Đầu đời Xuân Thu, chỉ con cháu các nhà quý tộc mới được làm quan trong triều đình, chỉ huy quân đội, và cai quản các địa phương. Các nhà quý tộc đều là dòng dõi các vị thiên tử nhà Chu, nhà Thương, hoặc là con cháu các vua chư hầu, cha truyền con nối. Giai cấp quý tộc bắt đầu xuống từ thế kỷ thứ bẩy, trước Công Nguyên. Các nước nhỏ thu vào trong một số nước lớn; nhu cầu cai trị “nhà nước mới thành hình” vượt trên khả năng của con cháu các gia đình quyền quý, họ còn người bị nghi ngờ có tham vọng chiếm lại uy quyền. Giai cấp Nho sĩ nổi lên vì việc quản trị cần chuyên môn hóa.

Đến thế kỷ thứ 6 TCN thì lớp người gọi là “sĩ” bắt đầu lấn quyền các nhà quý tộc, về hành chánh và quân sự. Ở nước Lỗ chẳng hạn, trước kia chỉ con cháu của một trong ba gia đình quý tộc (Quý, Mạnh, Thúc) mới được bổ làm các chức lớn trong triều. Quyền hành là do thỏa hiệp xếp đặt giữa ba dòng họ. Một gia đình quý tộc nắm triều đình có thể vượt quyền ông vua, nhưng không can thiệp vào nội bộ các nhà quý tộc khác. Thời Khổng Tử (551-479 TCN) nhiều kẻ sĩ gốc thường dân bắt đầu được làm quan, có người lên tới chức tể tướng.

Trong giai cấp “sĩ,” người nắm những đạo quân chuyên nghiệp, dám thách thức giới quý tộc. Năm 500 TCN, ở nước Lỗ một người thuộc lớp sĩ là Hầu Phạm được họ Thúc Tôn đưa ra làm chức Mã Chính ở ấp Phí. Hầu Phạm dám chống cả gia đình chủ nhân, âm mưu với hai họ Mạnh Tôn và Thúc Tôn chiếm lấy ấp Phí, một ấp đông dân, giầu có. Khi có loạn, vua Định Công chạy tới đó tị nạn rồi bị vây hãm. Khổng Tử đã đóng vai trò một nhà ngoại giao, dùng lời lẽ giảng “nghĩa thuận, nghịch” kêu gọi dân ấp Phí quy phục theo ông vua, những người nổi loạn bỏ chạy sang nước Ngô. Trong biến cố này, Khổng Tử ủng hộ việc tập trung quyền hành cho ông vua chư hầu, để giảm bớt quyền các gia đình quý tộc. Có lúc Khổng Tử đã dám ra lệnh chém Thiếu Chính Mão, một nhà quý tộc, chứng tỏ ngôi thứ trong xã hội đã “đảo lộn.”

Khi bẩy nước lớn thôn tính hết các nước nhỏ, các gia đình quý tộc hoặc bị giết, hoặc bị đuổi đi, hoặc xuống làm dân thường, uy quyền chuyển qua các chuyên gia. Phần lớn kẻ sĩ là những thường dân có khả năng và được đào tạo chuyên môn. Những người gọi là “sĩ” không chỉ gồm những thư lại cầm bút, giữ sổ sách mà họ cũng cầm quân, quản trị kinh tế, tài chánh, hoặc làm ngoại giao (du thuyết). Nghề chuyên môn chính của họ là chỉ huy, quản trị; có thể coi đó là một tầng lớp “quản lý chuyên nghiệp” đáp ứng nhu cầu thành lập các “nhà nước quân chủ” mới. Danh nghĩa và chức vụ “sĩ” không được truyền cho con cháu, khác các nhà quý tộc hay các Samurai ở Nhật Bản sau này.

Kẻ sĩ được trọng dụng, cho nên việc huấn luyện cũng phát triển thành quy củ. Số trường học gia tăng, những vị thầy giỏi thu hút rất đông học trò. Nhiều kẻ sĩ có nhiều cơ hội được các vương hầu mời làm quan nhờ đã học ông thầy nổi tiếng. Tình trạng không khác gì các đại học lớn trên thế giới chạy đua mở những lớp MBA trong thế kỷ 20, 21; vì các công ty liên quốc cần chuyên viên quản lý kinh doanh. Trong sách “Tiên Tần Xã hội Sử luận” của Hứa Trác Vân (Cho-Yun Hsu, Ancient China in Transition, Stanford University, 1965), ông tìm thấy trong Luận Ngữ nhắc đến tên 22 người học trò của Khổng Tử, trong số đó chín người từng làm việc cho các nhà quý tộc hay vua chúa. Nhan Hồi là một trường hợp hiếm, đi học mà không có ý làm quan! Trong số học trò của Mặc Tử, một vị thầy lớn khác có tư tưởng ngược với Khổng Tử, cũng có 15 người làm quan, trong đó 6 người do chính ông thầy tiến cử với các vua chư hầu; hai người trong số đó làm đến các chức vụ khanh tướng. Nhiều người đi học nghề sĩ chỉ cốt để được tiến cử làm quan, họ được trả lương bằng thóc gạo.

Có lúc Khổng Tử đã than, “Ít thấy người nào học ba năm mà không nghĩ tới chuyện thóc gạo” (Tam niên học bất chí ư cốc, bất dị đắc dã! 三年學,不至於穀,不易得也; Luận Ngữ VIII Thái Bá, đoạn 12).

Tử Cống là một học trò của Khổng Tử làm công việc ngoại giao, từng theo lời thầy đi du thuyết mấy nước để cứu nước Lỗ khỏi bị nước Tề tấn công. Một học trò khác, Tử Lộ là một võ tướng đứng đầu đám gia thần của họ Quý trong nước Lỗ. Có lần Tử Lộ muốn đề nghị đưa đàn em là Tử Cao đi làm chức tể ở ấp Phí, bị thầy Khổng khuyên ngăn. Ông thầy chê Tử Cao còn trẻ quá, sức học chưa bồi dưỡng đủ. Nhưng Tử Lộ dám cãi lại thầy, nói rằng công việc cai trị không cần phải đọc sách nhiều mới làm được. Khổng Tử nghe rồi trách học trò, nói: “Ta ghét mấy đứa giỏi biện luận!” (Thị cố ố phu nịnh giả, 是故惡夫佞者, Luận Ngữ, XI Tiên Tiến, đoạn 25). Một môn đồ được tín cẩn như Tử Lộ vẫn suy nghĩ độc lập, dám quyết định ngược lại ý kiến của ông thầy. Nhưng sau đó quan hệ giữa thầy trò vẫn tốt, chứng tỏ học phong, sĩ khí thời đó rất lành mạnh, không mang thói trên bảo dưới nghe như sau này.

Kẻ sĩ nắm quyền

Trước đời Tần giới “chuyên gia” gọi chung là sĩ đã chiếm địa quản lý trong guồng máy cai trị của các nước chư hầu. Vai trò của họ càng lên cao với những người thuộc phái Pháp Gia; lên cao đến cực điểm khi nhà Tần thống nhất Trung Quốc. Hiện tượng những người thuộc hàng thứ dân mà có học như Bách Lý Hề, Ngô Khởi, Tôn Vũ được đưa lên chỉ huy hoặc một đạo quân, hoặc cả một nước, cho thấy thời Chiến Quốc có một cuộc “cách mạng xã hội” giống như cuộc cách mạng Pháp. Trước năm 1789 ở Pháp chỉ có giới quý tộc nắm chức sĩ quan. Sau cách mạng, thường dân cũng được dùng; Napoleon nhờ thế ngoi lên, sau ông đã lập một ngôi trường chuyên đào tạo sĩ quan cho nhà nước sử dụng. Ở Châu Âu, người ta coi Napoleon là người sáng chế ra guồng máy hành chánh (bureaucracy). Nhưng sau này, Max Weber đã công nhận chính người Trung Hoa đã chế ra “bureaucracy” sớm nhất, từ cuối thời Chiến Quốc.

Người xây nền tảng một “hệ thống quản trị” (bureaucracy) đầu tiên từ thời Chiến Quốc là Thân Bất Hại (申不害), làm việc cho vua nước Hàn. Thân Bất Hại (mất năm 337 TCN) đã thiết lập một “guồng máy hành chánh” với các thủ tục giấy tờ, đặt ra một bộ phận giám sát các quan lại. Những ý kiến của Thân Bất Hại được trích thuật và phân tích trong sách của Hàn Phi Tử, vẫn còn ảnh hưởng tới hệ thống hành chánh Trung Quốc sau đời Tần, Hán, tiếp tục nhiều thế kỷ sau. Thân Bất Hại cũng là người sáng chế ra tập tục “viết báo cáo.” Ông đặt quy chế bắt các quan cấp nhỏ hàng năm phải viết báo cáo nộp lên cấp trên; theo hệ thống từ dưới lên các cấp cao hơn, sau cùng đến tay tể tướng và ông vua.

Hệ thống thư lại ra đời đóng vai trò lịch sử. Các ông vua mới chiếm thêm đất mới thấy rằng việc sử dụng các “chuyên gia quản lý” có lợi hơn là dùng con cháu giới quý tộc đã thua trận. Các chuyên gia này hoàn toàn tùy thuộc ân sủng của ông chủ. Nhà vua có thể bãi miễn họ bất cứ lúc nào, và không được truyền chức vụ cho con cháu.

Các “chuyên viên quản lý” sau khi “tốt nghiệp” với các ông thầy Khổng, Mặc, vân vân, vẫn đổi chủ luôn luôn, nước này không trọng dụng thì sang nước khác. Họ không cần nhắm mắt thờ một ông vua suốt đời. Hiện tượng đổi chủ của họ cũng không khác gì đời nay; các chuyên viên được tiếng quản trị giỏi được mời làm CEO, hết công ty này đến công ty khác hoặc các ngân hàng, các cơ sở tài chánh lớn, cũng vào làm trong chính phủ.

Điều này cũng cho thấy quan niệm “Trung thần bất sự nhị quân” được gán cho Nho giáo không phải là một quy tắc quan trọng thời Khổng Tử, Mạnh Tử. Trong luân lý Khổng Giáo, hai chữ “Trung Tín” phải hiểu là làm việc cho ai thì phải hết lòng với người đó, chứ không phải là nhắm mắt vâng lệnh và không được tìm chủ mới. Công việc của kẻ sĩ có tính cách hợp đồng. Nếu chủ nhân không tôn trọng hợp đồng thì người làm công có quyền đi tìm việc nơi khác. Có thể nhớ lại lời giải thích của Dự Nhượng: “Vì Trí Bá đối đãi tôi như kẻ sĩ cho nên tôi cũng lấy tư cách của kẻ sĩ mà đáp lại.”

 Trong thế kỷ 20, người ta hay nói đến những người có khả năng quản trị có thể được dùng trong nhiều lãnh vực khác nhau, như ông Robert S. McNamara từng làm chủ tịch công ty xe hơi Ford, rồi làm bộ trưởng quốc phòng, sau lại làm chủ tịch Ngân hàng Thế giới. Sang thế kỷ 21, ông Rex Tillerson, chủ tịch công ty dầu lửa Exxon Mobil trở thành bộ trưởng ngoại giao.

Thời Chiến Quốc ở Trung Hoa cũng có tình trạng như vậy. Ngô Khởi (440-381 TCN) đúng là một nhà quản lý chuyên nghiệp, một tướng cầm quân thắng trận mà cũng giỏi kinh tế, chính trị. Khởi đã xin học đạo Nho với Tăng Tử, một môn đệ lớn của Khổng Tử; nhưng sau ba năm bị thầy đuổi vì không về nhà để tang mẹ, vi phạm lễ nghĩa. Ngô Khởi tìm thầy khác, học binh pháp. Khởi lấy vợ người nước Tề; nhưng muốn được vua Lỗ dùng làm tướng, giết vợ để tỏ lòng trung thành rồi đem quân đánh Tề. Khởi lại bị vua Lỗ nghi ngờ, trốn đi, xin việc với Ngụy Văn Hầu (446-397 TCN). Ở nước Ngụy, Ngô Khởi lại bị ông vua sau nghi ngờ nữa, bèn trốn sang nước Sở, và được trọng dụng.

Trong thời gian làm tướng quốc ở Sở, Ngô Khởi đã táo bạo đề nghị giảm bớt quyền lợi của giới quý tộc. Cuộc “cải cách hành chánh” của ông cất chức các nhà quý tộc đang có chức tước mà không làm công việc gì thực sự. Con cháu các quan và giới quý tộc, sau năm đời thì phải lo làm lấy mà ăn, không được hưởng bổng lộc của tổ tiên nữa. Biện pháp này cũng không khác gì các công ty lớn đời nay sa thải bớt người để “cắt giảm chi phí.” Nhờ chính sách của Ngô Khởi, ngân sách nước Sở tăng, dư tiền nuôi và huấn luyện thêm binh sĩ. Trong việc cai trị và chỉ huy quân sự, Ngô Khởi đều theo chế độ thăng thưởng theo khả năng làm việc, người giỏi hơn thì được lên chức và tăng lương; như bây giờ gọi là “meritocracy.” Ngô Khởi còn thi hành chính sách khẩn hoang, sản xuất lương thực nhiều hơn và thâu được tiền thuế cao hơn. Con cháu các gia đình quý tộc không có việc gì làm được đưa đi “kinh tế mới.” Sau khi Niệu Vương chết, con cái những gia đình quý tộc nổi loạn, kéo nhau đến giết Ngô Khởi.

Một chuyên gia quản trị tiêu biểu cho Pháp Gia là Thương Ưởng (390-338 TCN), cùng thời với Thân Bất Hại. Người nước Vệ, thấy nước mình nhỏ quá, Ưởng sang nước Ngụy tìm việc. Được quan tướng quốc tiến cử nhưng vua nước Ngụy không dùng (mà ông vua cũng “dại” không nghe lời khuyên đem giết ngay), Thương Ưởng lại tìm qua nước Tần, được Tần Hiếu Công tin tưởng, Ưởng đã thay đổi tất cả chế độ: Thiên đô (đổi kinh đô); Kiến huyện (đặt mạng lưới cai trị); Tịch thổ (cải cách ruộng đất); Định phú (cải tổ thuế vụ); Bản phú (động viên toàn dân vào mục đích kinh tế); Cấm gian (lập chế độ hộ khẩu); Khuyến chiến (quy chế tưởng lệ theo khả năng để chuyên nghiệp hóa quân đội). Lý Tư sau kế nghiệp đã hoàn chỉnh các quy tắc quản trị này.

Sau khi nhà Tần sụp đổ, tổ chức hành chánh đời Hán vẫn mô phỏng mà áp dụng những định chế của Thương Ưởng. Có những định chế đến thế kỷ 20 còn được Mao Trạch Đông tái lập, như chế độ hộ khẩu, liên gia, công an khu vực. Mao không cần phải học các kỹ thuật mà Stalin từng áp dụng tại Liên Xô; chỉ cần rút kinh nghiệm ngay trong 24 cuốn sử Trung Quốc, đọc nhiều hơn cả sách vở của Marx hay Lenin. Chính sách suy tôn lãnh tụ như thần thánh là một chủ trương của Hàn Phi Tử (韓非子), đã áp dụng ở nước Tần.

Dương Nho, Âm Pháp

Sau khi nhà Tần tàn bạo bị tiêu diệt, Pháp Gia bị ghét vì đã chủ trương dùng hình pháp khắc nghiệt. Đời Tiền Hán (202 TCN đến năm 9 Công Nguyên) chính thức suy tôn Khổng Giáo thành “ý thức hệ” chính thống, cấm không cho người nào theo Pháp Gia được làm qua. Nhưng trong thực tế, nhà Hán vẫn sử dụng các định chế do Pháp Gia xây dựng. Vì nhu cầu của một chính quyền tập trung cai quản một nước rộng lớn, họ không thể nào thiếu những phương pháp dùng để kiểm soát bộ máy quan lại và dân chúng.

Trong đời Hán, các nhà Nho cầm quyền vẫn sử dụng các kỹ thuật Pháp Gia. Thỏa hiệp giữa hai trường phái không khó. Nho Gia và Pháp Gia đều không dựa trên một lý thuyết siêu hình hay niềm tin tôn giáo nào. Cho nên trên căn bản không có mâu thuẫn nào lớn giữa hai phái đến mức khó thỏa hiệp. Cả hai đều nhắm vào một mục tiêu thực tế là ổn định xã hội; tuy các phương pháp khác nhau. Pháp Gia chỉ nhắm đến mục tiêu chính trị, họ đề cao quyền vua, và dùng hình phạt nặng nề kiểm soát dân chúng. Khổng Mạnh không coi trọng biện pháp hình luật mà nhấn mạnh các quy tắc luân lý, do đó lấy việc giáo dục cá nhân làm căn bản. Dùng kỹ thuật Pháp Gia nhưng vẫn đề cao các giá trị của Khổng Giáo, các nhà Nho đời Hán chỉ nhượng bộ một điểm: Thay vì chỉ dùng Lễ, Nhạc để giáo hóa dân, họ chấp nhận phải thiết định những luật lệ và hình phạt chặt chẽ. Trên lý thuyết họ vẫn có thể nói giáo dục tốt hơn dùng hình pháp và hệ thống kiểm soát. Trên thực tế thỏa hiệp giữa hai trường phái này có tính cách co giãn. Trong thời kinh tế phồn thịnh, xã hội bình yên, vua, quan nhân từ nghiêng về giáo huấn. Khi thóc gạo thiếu thốn, loạn lạc bắt đầu, hoặc gặp những ông vua độc ác, thì dùng hình phạt. Thỏa hiệp này được các triều đại theo nhau sử dụng suốt trong lịch sử Trung Hoa, mặc dù trên danh nghĩa Khổng Giáo vẫn được đề cao. Mặt nổi là Nho giáo bên trong là Pháp gia, Dương Nho, Âm Pháp, phải có đủ cả âm và dương. Vào thế kỷ 17, học giả Cố Viêm Võ đã than rằng những người tự nhận là Nho Gia đả kích Pháp Gia không biết rằng trong thực tế chính họ vẫn dùng thuật cai trị theo Pháp Gia.

Những ông vua Mông Cổ hay Mãn Châu xâm chiếm rồi cai trị nước Tàu cũng cần một guồng máy thư lại hữu hiệu, một guồng máy có sẵn mẫu rồi, họ chỉ tái lập để sử dụng.

Truyện cổ Trung Hoa kể có người từ chối không dùng “máy móc,” ông giải thích rằng: “Cơ khí sinh ra cơ tâm, cơ tâm đưa tới cơ sự.” (Dùng máy sẽ khiến lòng suy nghĩ như máy; lòng hóa thành máy rồi thì sẽ thờ phụng máy móc). Những giống người “di địch” chiếm được nước Trung Hoa cũng dùng bộ máy quản lý xã hội của văn minh Hoa Hạ, sau quen dần cũng thờ phụng bộ máy và cả hệ thống tư tưởng đứng đằng sau, và bị đồng hóa.

Quân Mông Cổ chinh phụ thế giới, khi chiếm đóng Trung Hoa, sử dụng phương pháp cai trị của người Hán, trong vòng một thế kỷ, con cháu các đại hãn đã thành người Trung Hoa. Nhà Minh lên được thừa hưởng một đế quốc rộng lớn do các chiến sĩ Mông Cổ mở rộng trong hai thế kỷ. Người Mông Cổ đã tạo “hình thể” một đế quốc, người Trung Hoa làm cho nó sống. Sức sống gồm một bộ máy thư lại để thu thuế và cống phẩm, kiểm soát dân; cộng thêm một “ý thức hệ chỉ đạo”  biện minh cho cách tổ chức xã hội, và ấn định các hành vi cho vua, quan, và dân. Người Mãn Châu giúp mở mang biên giới nước Trung Hoa, để chính họ hoàn toàn bị Hán hóa. Trong thế kỷ 20 giới lãnh đạo Trung Quốc cũng bành trướng với môt chủ nghĩa đại đồng và một hệ thống nhà nước kiểu Lenin; theo gót nhà Hán, nhà Đường đã dùng Khổng Giáo và kỹ thuật quản lý của Pháp Gia.

Người Việt Nam đã phải đối đầu với sức mạnh của nền văn minh Hán tộc suốt một ngàn năm. Tổ tiên chúng ta đã bảo vệ được tiếng nói, nuôi dưỡng ý thức tự chủ, và cuối cùng đã xây dựng một quốc gia độc lập. Trong cuộc tranh đấu đó, các tín ngưỡng đã góp phần tác động tinh thần dân tộc Việt. Tiếng nói bảo vệ bản sắc khi người ta hát những bài ca dao, kể cho nhau nghe những chuyện truyền kỳ. Nhờ giữ được bản sắc văn hóa, với tánh cang cường, dân Việt đã khiến những người Trung Hoa sang nước ta trong mười thế kỷ dần dần biến thành người Việt. Hơn nữa, người Việt học được văn minh Trung Hoa để sau này áp dụng để quản trị nước và bành trướng về phía Nam.

________________________


Nguồn: https://thuvienphatviet.com/

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập