Niên đại lưu thông tập bản “Trung khoa du-già”?

Đã đọc: 1366           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Một số chùa hoặc những cư sĩ thuộc tông phái Tịnh Độ thỉnh thoảng lập đàn chẩn tế tại các nơi như: chùa, nhà, từ đường, đình làng và hàng Tăng-già thì hành trì theo quyển “Trung khoa du-già tập yếu” (sau đây gọi tắt là “Trung khoa”).

Nói đến trung khoa, tức còn có đại khoa và tiểu khoa. Trong nước hiện lưu hành bản này, còn Phật giáo Trung Quốc lưu hànhbản Du-già Diệm khẩu thí thực tập yếu của Luật tăng Đức Cơ thời nhà Thanh.

Tuy trước sau xuất hiện thêm vài bản mang nội dung này, nhưng bản Đức Cơ vẫn là đặc định trong Tăng đoàn Phật giáo Trung Quốc thời cận hiện đại. Những bản viết liên hệ đến nội dung Diệm khẩu, đều y cứ từ nghĩa lý trong kinh “Cứu Bạt Diệm Khẩu Ngạ Quỷ Đà-la-ni”. Mặc dù trải qua việc chỉnh sửa đôi chút, thêm thắt vài ý của người học sau, nhưng cốt lõi hai bản vẫn tương đồng, đại khái trình tự trên mời chư Phật, Bồ-tát, Đế thích Phạm vương và thần linh đến chứng giám, dưới ban bố cho chúng sinh đạo năm cõi ngục, u quỷ trệ phách trong đất rộng sông biển. Trong Kim Viên tập, quyển 4 của cao tăng Tuân Thức thời Tống có đoạn ghi: “Mời các vị tiên đến ăn ở dòng nước chảy, quỷ đến ăn ở đất sạch”.

“Trung khoa” được chép lại bằng chữ Hán trên giấy thơm mỏng vào năm Đồng Khánh thứ 3 (1888), hiện còn trong chùa Báo Quốc Huế, là một cổ bản được lưu hành rất sớm và mãi đến hôm nay. Nhưng chỉ là bản chép lại mà không ghi rõ tác giả, cũng không rõ nhân vật hành khoa thời kì ban sơ? Theo bộ cổ sử thư thiền học Việt Nam Thiền uyển tập anh ghi, Tăng thống Huệ Sinh có để đời cuốn Pháp sự trai nghi, nói đến nghi chẩn tế. Huệ Sinh viên tịch vào năm Gia Khánh thứ 6 (1064) thời Lý Thánh tông. Đến thời Nguyễn, các Chúa thường hay tổ chức đàn chẩn tế tại chùa Linh Mụ, Huế. Chúa Nguyễn Phúc Chu hỗ trợ tiền bạc trùng tu Linh Mụ hoàn thành rồi tổ chức chẩn tế lớn trong chùa này.

Năm Gia Long thứ 2 (1803) vua Nguyễn Ánh tổ chức đàn giải oan bạt độ cho các quan lính bị chết trận. Nhưng cuốn sử này chỉ ghi đại thể mà không ghi rõ hành trì theo bản khoa nào? Ai làm Sám chủ gia trì hiển mật? Quy cách bố đàn?...; đều chỉ là “Sợi tơ nhện dấu chân ngựa”, nguyên nhân chính cũng do từ thất thoát sử liệu. Chẳng hạn như, nguồn gốc Phật giáo là ở Ấn Độ, nhưng do tình huống tập tục người dân Ấn Độ không bảo tồn tốt tư liệu Phật học Đại thừa, do đó có nhiều luận điển Đại thừa nổi tiếng đều bị mất mát. Nguyên tác Phương tiện tâm luận (方便心論) là kết tập học thuyết nhân minh lúc đó, nhưng hiện nay vẫn không biết tác giả, hiện lưu tồn bản Hán dịch của ngài tam tạng Cát-già-dạ (吉迦夜) ở Tây Vực. Hoặc Tri thức luận tập thành (知識論集成Pramāṇasamuccaya) là đại biểu cho lý luận nhân minh ngài Trần-na viết vào lúc tuổi già, nhưng hiện chỉ còn bản dịch tiếng Tây Tạng mà không có bản Hán dịch.

Nghi Huế gọi trai đàn (gọi thuần Việt là đám chay, tức là đối lập với đám mặn; vì có những nghi thức thông tục cúng mặn) chẩn tế, người Trung Quốc gọi là pháp hội Thủy lục, còn gọi là Minh đạo (冥道). Tên gọi ‘Thủy lục’ được thấy rất sớm trong bản Thí thực chánh danh (施食正名) của cao tăng Tuân Thức (964-1032). Bộ Thích môn Chính thống quyển 4 của ngài Tông Giám thời Tống ghi: “Tên gọi thủy lục, do từ Lương Vũ đế đêm nọ nằm mộng thấy vị Tăng nói: ‘bốn loài sáu nẽo, chịu khổ vô cùng, sao không lập thủy lục (cứu độ rộng) để phổ tế quần linh’”. Nghi này kết hợp giữa Lương hoàng sám và Mật giáo thời Đường rồi phát triển mà hoàn chỉnh. Bên cạnh chẩn tế, thỉnh thoảng còn kèm theo các đàn như: Bạt độ giải oan, Trầm thủy (còn gọi đàn bạch thủy, gọi thuần Việt là Bạt vớt), Long trạch (thuần Việt là bạt đất), Trùng tang nam thương, Huyết hồ thai nhi.

Phật giáo thời Tống thịnh hành Thủy lục, giới tăng sĩ thời Tống chuyên tập nghi văn, thân chế sớ từ, như Thiền sư Phật Ấn viết Kim Sơn thủy lục, nhà thơ nổi tiếng Tô Đông Pha viết Thủy lục pháp tượng tán, ngài Từ Giác tập hợp và tu chỉnh những bản từ thời Đường đến thời Tống mang hàm nghĩa Thủy lục rồi viết hoàn chỉnh bộ Thủy lục nghi văn (水陸儀文) gồm 4 quyển (nhưng bộ này hiện không lưu tồn), Thiền sư Chí Bàn nối tiếp soạn thành bộ Thủy lục tân nghi (水陸新儀) gồm 6 quyển. Thời Minh có Pháp sư Châu Hoằng chú thích cặn kẽ nội dung Thủy lục và viết Khê Viên thủy lục thông luận gồm 9 quyển.

Mở đầu khoa chẩn tế là bài “Giới định chân hương” câu gần cuối là “Tích nhật Gia-du”, trong bài “Dương chi tịnh thủy”có câu “Hóa diệm hóa hồng liên” hoặc trong bài “Chiên đàn hải ngạn” có câu “Gia-du tử mẫu lưỡng vô ương, Hỏa nội đắc thanh lương” đều có liên hệ đến điển tích “Da-du tử mẫu”. ‘Tích nhật’ nghĩa là ngày xưa,‘Da-du’ là nói đến nàng Da-du-đà-la (vợ của Thái tử Tất-đạt-đa) và mẹ của tôn giả La-hầu-la. Tương truyền, và y cứ kinh Tạp Bảo Tạng quyển 10 có ghi việc Tất-đạt-đa rời khỏi cung điện đi đến rừng để tu khổ hạnh 6 năm, rồi nàng Da-du mới sinh La-hầu-la.

Do bị vua cha Tịnh Phạn nghi ngờ tấm lòng không son sắc của con dâu Da-du, nên nàng Da-du bèn bước lên trên đống củi, mặt hướng về Đức Phật (lúc đó Đức Phật đã đắc đạo) và hy vọng lửa cháy rụi thân mình sẽ chứng minh tấm lòng son sắc. Kết quả, lửa cháy một lúc rồi biến thành sen đỏ (hồng liên 紅蓮). Da-du chắp tay như búp sen rồi bước ra. Kinh Tạp Bảo Tạng gồm 10 quyển do ngài Cát-già-dạ và ngài Đàm Diệu cùng dịch vào thời kì Ngụy Tấn Nam Bắc triều.

Năm Thái Bình Chân Quân (thứ 7) thời Bắc Ngụy, đạo sĩ Thôi Hạo và Khiêm Chi lạm dụng quyền lực, còn Thái Võ đế lại “Thấy Phật giáo phát triển thì thật bất lợi cho chính quyền Bắc Ngụy, nên Thái Võ đế dùng biện pháp làm thay đổi nguyên thể”,[1] rồi họ cùng góp tay ra lệnh diệt Phật. “Khiêm Chi chủ trương tự nhiên sinh diệt, phản đối dùng võ lực diệt Phật; Thôi Hạo chủ trương lập tức tiêu diệt, tán thành việc dùng võ lực diệt Phật”.[2] Sau khi Thái Võ đế và hai đạo sĩ này chết đi, Phật giáo được phục hưng, ngài Đàm Diệu (không rõ năm mất) được Thác Bạc Hoảng kính trọng và mời làm Sa-môn thống. Thời nhà Nguyễn gọi Sa-môn thống là Tăng thống,[3] thời nay gọi là Pháp chủ.

Ngài Đức Cơ giải thích ý nghĩa chữ ‘du-già’ là “Tay kết mật ấn, miệng tụng chân ngôn, ý chuyên quán tưởng, thân kết hợp miệng, miệng nương với ý, ba nghiệp tương ứng, nên gọi du-già”. Từ căn chữ Du-già (瑜伽 yogācāna) là Yuj, ý gốc là tự giử “dụng cụ trang phục”, sau đó được diễn hóa thành nhiều ý nghĩa như: thống nhất tâm, thiền định. Du-già có thể chiết phân thành hai nghĩa rộng và hẹp, “Theo nghĩa hẹp thì du-già là một biệt phái của (sáu phái triết học) phái triết học chánh thống Ấn Độ giáo - Bà-la-môn giáo Ấn Độ. Theo nghĩa rộng thì du-già là một loại hệ thống lý luận và phương pháp thực tiễn để rèn luyện thân tâm”.

[4] Hán dịch Phật điển giải thích chữ du-già là “Thiền na, thiền định. Là một hình thái tĩnh tọa mặc tưởng, thăm thẳm cao xa”.[5] Phật giáo, Bà-la-môn giáo, Kì-na giáo đều “Dựa vào thuật thiền định mà đạt được liễu sinh thoát tử cảnh giới luân hồi, an trụ cảnh giới giải thoát niết-bàn”.[6] Lại nữa, thông qua pháp này mà mọi người “Điều chỉnh tự ngã thân tâm, rèn luyện ý chí, không chế cơ quan cảm giác, tình cảm, huấn luyện ký ức tư duy, sau đó hoặc đắc một lọai cảm thọ đặc thù tâm lý, sinh lý”.[7]Giới học thuật đương đại còn chia ra 8 giai đoạn (còn gọi là 8 chi phần) trong tiến trình tu luyện du-già: 1, cấm chế (như không trộm cắp, không dâm dật); 2, khuyến chế (như khổ hạnh, thanh tịnh, tụng đọc); 3, ngồi thiền (tinh thần buông lỏng); 4, điều hòa hơi thở; 5, chế cảm (làm chủ hoạt động các giác quan); 6, chấp trì (tâm chuyên chú một chỗ không để tâm buông tuồng như khỉ nhảy vượn hú); 7, thiền định (tịch mặc); 8, tam muội.

[8]  Bởi do yếu nghĩa ‘du-già’ sâu vời, từ đó có rất nhiều Luận sư Phật học Ấn Độ viết vô số luận điển uẩn áo. Như ngài Thế Thân viết bộ luận rất nổi tiếng Du-già sư địa luận gồm 100 quyển, Đại sư Huyền Trang thời Đường dịch Luậnnày ra tiếng Hán, ở trong nước có ngài Tuệ Sỹ dịch thẳng nguyên bản tiếng Phạn Luận này ra tiếng Việt và hiện đang lưu hành. Phạm vi học thuật của Luận này thuộc từ Phật học hậu kì. Y cứ mối liên hệ tương thừa thì Đại sư Tông-khách-ba cũng thuộc từ hệ thống Luận này, bởi vì Tông-khách-ba dựa vào Bồ-đề đạo đăng luận của tôn giả A-để-hiệp (Atisa 982 ~ 1054) rồi viết bản luận nổi tiếng Bồ-đề đạo thứ đệ quảng luận, mà A-để-hiệp lại căn cứ từ Luận này mà viết Bồ-đề đạo đăng luận, cho nên có thể xem Tông-khách-ba là người hậu học được ảnh hưởng gián tiếp từ tư tưởng triết học Thế Thân.

A-để-hiệp (còn gọi là Nhiên Đăng Cát Tường Trí) lúc trẻ học tập ở Đại học A-lan-đà và theo học với Luận sư nổi tiếng Du-già hành phái Đại thừa Ấn Độ ngài Giới Hiền. A-để-hiệp cũng từng theo nhà luận lý học nổi tiếng Đại sư Pháp Xứng 12 năm để học tập tư tưởng giống khác giữa Duy thức học phái và Trung quán phái. Giới học thuật hiện nay phán định Luận này và Đại Trí độ luận của ngài Long Thọ là hai bộ luận đại biểu cho khái luận Phật học Đại thừa Ấn Độ, còn Ma-ha chỉ quán của ngài Trí Khải và Tông cảnh lục gồm 100 quyển của ngài Vĩnh Minh Diên Thọ là đại biểu cho khái luận Phật học Trung Quốc. 

Pháp sư Thái Hư (1890-1947) dựa vào bài “Tam khể thủ” trong khoa, như câu “Chí tâm tín lễ Phật-đà-da.... tiêu diệt địa ngục khổ. Đạt-ma-da...phiên dịch truyền Đông Thổ, tổ sư hoằng, hiền triết phán, thành chương sớ... Tăng-già-da...lợi sinh vi sự nghiệp...thường yến tọa, tịch tịnh xứ...tiêu diệt bàng sinh khổ” rồi viết thành “Tam bảo ca” như “...Vũ trụ hắc ám....Chúng duyên tánh không duy thức hiện...Y tịnh luật nghi, thành diệu hòa hợp..., hoằng pháp lợi thế, diệm tục Phật đăng minh...”, đồng thời có Pháp sư Hoằng Nhất phổ âm luật và cư sĩ Lý Thúc Đồng phổ nhạc, trở thành cách tân âm giai tán tụng đầu tiên trên sử Phật giáo Trung Quốc thời gần đây. Hoằng Nhất là cao tăng nổi tiếng chuyên niệm Phật, đặc biệt Hoằng Nhất sáng kiến phương pháp tu trì “Nghe chuông niệm Phật”.

[9] Hoằng Nhất cho rằng “Ban đầu niệm Phật, nếu không trì niệm theo chuỗi hạt để nhớ thì rất dễ làm biếng và bị gián đoạn. Nếu thường lúc trong lòng nghe chuông, như có gián đoạn mà nghe một tiếng chuông thì sẽ sực tỉnh. Còn người tại gia niệm Phật, không tránh khỏi tiếng ồn áo gần nhà, thực không dễ gì nhiếp tâm niệm Phật. Nay để chuông gần bên người, dùng lỗ tai chuyên nghe tiếng chuông thì tự lỗ tai không dính mắc tiếng ồn ào bên ngoài. Và đến lúc thuần thục công phu nghe chuông, thì tít tắc tít tắc mà thấm nhuần, tức là nghe tiếng A-di-đà Phật, không khác không hai. Thường hướng thường hiện tiếng Phật.”    

Kinh Kim Quang Minh Tối Thắng Vương có đến 5 bài kệ khen ngợi về dung tướng Đức Phật, nhiều kinh điển Nam truyền cũng mô tả nhiều về diện tướng Đức Phật, như biệt dịch kinh Tạp A-hàm ca tụng khuôn mặt của Đức Phật như “Trăng sáng hoa sen nở, mặt trời hiện sen đỏ”, kinh Phật Bổn Hạnh ca tụng “Như trăng tròn đầy, nói lời trong trẻo, ngôn từ thanh lương” nhưng bài tứ cú “Phật diện do như tịnh mãn nguyệt...” trong khoa hiện nay vẫn chưa biết được trích từ bộ kinh nào hoặc ai là tác giả. 

Đại sư Đức Cơ (德基) thời Thanh là tác giả soạn tập Du-già Diệm khẩu thí thực tập yếu. Đức Cơtinh thông Phật học, Ngài đầu tư hơn 15 năm để nghiên cứu luật học, tinh trì giới luật, soạn viết rất nhiều tác phẩm về giới bổn, nên được giới Phật giáo thời Thanh tôn xưng là tổ thứ ba Thiên Hoa phái, nhưng ở cuối khoa lại tập phần “Văn thỉnh cô hồn” phần nhiều lời văn thỉnh sáo rỗng, toàn là những điển tích vô hồn; có lẽ do người đời sau thêm thắt vào, hoặc là pha trộn những điển ngữ cho thêm sinh động.

Trong cuốn sách mỏng “Lễ tháng bảy cho những oan hồn phiêu bạt” của ngài Tuệ Sỹ và bài viết “Một vài điển ngữ được lồng trong văn thỉnh cô hồn” của tôi, có điểm sơ qua những điển tích liên quan này. Cuộc đời Đức Cơ soạn viết rất nhiều yếu điển luật học như: bộ Yết-ma hội nghĩa gồm 14 quyển, Tỉ-khưu giới bản hội nghĩa gồm 12 quyển, Tỉ-khưu ni giới bản hội Nghĩa gồm 12 quyển, nhưng hiện nay bị mất mát. Cũng là một hình thái bảo tồn không tốt tư liệu Phật học. 

Bà Rịa – Vũng Tàu 

Trích từ: Chú giải nghi Huế (bản thảo)

***

[1] Huỳnh Hạ Niên, Thích Trung Nghĩa dịch, Lịch sử Phật giáo Trung Hoa cổ đại, phần “Khái luận quan hệ tam giáo Nho-Đạo-Thích thời Bắc Ngụy”, tr.90, 2014

[2] Sđd, tr.93

[3]Theo Thiền uyển tập anh

[4] Gs. Hoàng Tâm Xuyên, bài viết “Du-già Ấn Độ và võ công Thiếu Lâm”, đăng trên tạp chí “Nghiên cứu Phật học”, 2012

[5]Lịch sử Phật giáo Trung Hoa cổ đại, tr. 414

[6] Sđd

[7]Sđd

[8]Theo “Du-già Ấn Độ và võ công Thiếu Lâm”

[9] Huỳnh Hạ Niên (黃夏年), bài viết “Pháp sư Hoằng Nhất và pháp môn niệm Phật” (弘一法師与念佛法門), đăng trên tờ báo “Phật giáo Phúc Kiến”, kì 4, 1999, tr.18-25

 



Đại đức Thích Trung Nghĩa (Sám chủ trai đàn Giải oan bạt độ)


Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập