Tôi Đọc: “Sáng Thế Ký”

Đã đọc: 2060           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

(Sách Thứ Nhất của Môi-Se)

 

Lời Thưa Đầu:

Khởi từ trong cơn bệnh, tôi đã cố gắng “Định Tâm” của mình để chống chọi với “sự khủng hoảng tinh thần”. Không ngờ sau đó tôi lại “nhận được” các sự kiện lạ lùng trong những lúc Định Tâm ấy. Với thời gian dài, qua nhiều năm trăn trở, ôm ấp sự kiện trong lòng. Cuối cùng tôi quyết định đi tìm “sự giải thích” của nó trong các Kinh điển của Đạo Phật và Kinh Thánh của Đạo Thiên Chúa. Qua quá trình “truy tầm”, tôi đã ghi lại một số bài viết về Đạo Phật khi đọc qua Kinh điển và “cảm nhận” được, để đóng góp thêm ý kiến với người tìm hiểu vào Đạo Phật. Điều ấy tôi có “giải bày” trong bài “Sự Huyền Nhiệm Của Tâm Linh” (Phiên bản cũ Tháng 02/2008 Trang nhà ĐPNN), và bài “Nhân Một Câu Chuyện…(Hay: Phiền Não Thị Bồ Đề)” (Phiên bản mới ĐPNN). Nay tôi xin “trình bày” thêm những điều tôi đã ghi nhận được khi đọc “Kinh Thánh” (2 bài của Sách Cựu Ước, 4 bài của Tân Ước) của Đạo Thiên Chúa để độc giả “Rộng đường tìm hiểu về Tôn giáo”. Mong các điều ghi lại nầy sẽ giúp ích được cho quý độc giả một phần nào. Thành kính cám ơn! Nguyên Thảo.

                                                         

                                                                          X

 

Khởi đầu, Sáng Thế Ký viết:

"1Ban đầu Ðức Chúa Trời dựng nên trời đất. 2Vả, đất là vô hình và trống không, sự mờ tối ở trên mặt vực; Thần Ðức Chúa Trời vận hành trên mặt nước (And the earth was without form and void; and darkness was upon the face of the deep. And the Spirit of God moved upon the face of the waters). 3Ðức Chúa Trời phán rằng: Phải có sự sáng; thì có sự sáng. 4Ðức Chúa Trời thấy sáng là tốt lành, bèn phân sáng ra cùng tối. 5Ðức Chúa Trời đặt tên sự sáng là ngày; sự tối là đêm. Vậy có buổi chiều và buổi mai; ấy là ngày thứ nhứt".

Ngay trong đoạn đầu này, tôi cảm thấy hơi là lạ và khó hiểu thế nào ấy: "Đất vô hình, trống không" nhưng ta thấy được "mặt vực"? Rồi bỗng dưng "có nước" ở đâu đó để cho Ðức Chúa Trời "bay bay" trên mặt nước nữa. Thật là "mầu nhiệm" (!) và "quyền năng" của Ðức Chúa Trời thật vô song, vì Ngài chỉ "phán" thế nào thôi, thì có như thế ấy!

Ngày thứ nhứt, Ngài tạo nên "sáng (ngày), tối (đêm)". Ngày thứ nhì, Ngài tạo nên "khoảng không" để "phân rẽ nước ở dưới khoảng không cách với nước ở trên khoảng không". Ngày thứ ba, Ngài tạo nên "đất, biển, và cây cỏ mọc trên đất". Ngày thứ tư, Ngài tạo nên "mặt trời, mặt trăng và các vì sao, "đặt các vì sao đó trong khoảng không trên trời, đặng soi sáng đất, 18đặng cai trị ban ngày và ban đêm, đặng phân ra sự sáng với tối". Ngày thứ năm, Ngài "phán" có "cá dưới nước, có chim bay trên mặt đất trong khoảng không trên trời", rồi ban phước cho các loài đó. Ngày thứ sáu, Ngài "lại phán" "đất phải sanh các vật sống tùy theo loại, tức súc vật, côn trùng, và thú rừng, đều tùy theo loại, thì có như vậy"; và quan trọng nhất là Ngài tạo ra con người: "27Ðức Chúa Trời dựng nên loài người như hình Ngài; Ngài dựng nên loài người giống như hình Ðức Chúa Trời; Ngài dựng nên người nam cùng người nữ (So God created man in his own image, in the image of God created he him, male and female created he them). 28Ðức Chúa Trời ban phước cho loài người và phán rằng: Hãy sanh sản thêm nhiều, làm cho đầy dẫy đất; hãy làm cho đất phục tùng, hãy quản trị loài cá dưới biển, loài chim trên trời cùng các vật sống hành động trên mặt đất"; và Ngài "phán" về thức ăn của các loài.

Trong đoạn 1 này, hễ cứ xong công việc trong một ngày thì thường kết luận bằng một câu "Vậy, có buổi chiều và buổi mai". Tôi chẳng hiểu được nghĩa của câu ấy là gì? Tại sao nó vô nghĩa như vậy, đôi khi chẳng "ăn nhập" gì đến nghĩa trong đoạn đó, hay là "thâm ý" của người viết Kinh Thánh tạo điều "mù mờ, huyền ảo" để có vẻ kỳ diệu của một đấng "không phải người phàm" này nhằm để về sau dễ tôn vinh nhân vật Ðức Chúa Trời này hơn.

Chúng ta cùng nhau đọc tiếp đoạn 2 để thấy sự mâu thuẫn với những việc Chúa làm trong đoạn thứ nhất. Tôi thấy có nhiều không ổn, hay là do lỗi của người viết ra Kinh Thánh bị "lẩn thẩn" đi chăng?

Trong đoạn 2

Sách Sáng Thế Ký viết rằng:

"2 1Ấy vậy, trời đất và muôn vật đã dựng nên xong rồi. 2Ngày thứ bảy, Ðức Chúa Trời làm xong các công việc Ngài đã làm, và ngày thứ bảy, Ngài nghỉ các công việc Ngài đã làm. 3Rồi Ngài ban phước cho ngày thứ bảy, đặt là ngày thánh; vì trong ngày đó, Ngài nghỉ các công việc đã dựng nên và đã làm xong rồi.

4Ấy là gốc tích trời và đất khi đã dựng nên, trong lúc Giê-hô-va Ðức Chúa Trời dựng nên trời và đất.

5Vả, lúc đó, chưa có một cây nhỏ nào mọc ngoài đồng, và cũng chưa có một ngọn cỏ nào mọc ngoài ruộng, vì Giê-hô-va Ðức Chúa Trời chưa có cho mưa xuống trên đất, và cũng chẳng có một người nào cày cấy đất nữa. 6Song có hơi nước dưới đất bay lên tưới khắp cùng mặt đất.

7Giê-hô-va Ðức Chúa Trời bèn lấy bụi đất nắn nên hình người, hà sanh khí vào lỗ mũi; thì người trở nên một loài sanh linh" (And the LORD God formed man of the dust of the ground, and breathed into his nostrils the breath of life; and man became a living soul).

Ở đoạn trước, trong ngày thứ ba Ðức Chúa Trời đã tạo nên đất, biển và cây cỏ trên mặt đất "thì có như vậy", thế mà trong đoạn này lại chưa có cây nhỏ mọc ngoài đồng, chưa có ngọn cỏ nào mọc ngoài ruộng. Vả, Ðức Chúa Trời trong ngày thứ sáu đã "dựng nên người namcùng người nữ" rồi, tại sao ở đây Ðức Chúa Trời lại phải "lấy bụi đất nắn nên hình người, hà sanh khí vào lỗ mũi; thì người trở nên một loài sanh linh"; và tại sao Ðức Chúa Trời phải "nắn" khi Ðức Chúa Trời chỉ "phán rằng" thì " có như vậy"? Ðiều này làm tôi nhớ lại đoạn trên, Ðức Chúa Trời đầy đủ "quyền năng" chỉ cần "phán" thôi thì có mọi sự, thế mà Ðức Chúa Trời phải cần đến "một ngày" để làm một ít công việc, cần sáu ngày để làm xong công việc của Ngài, rồi ngày thứ bảy "Ngài nghỉ" và lấy đó làm "ngày thánh" và ban phước cho ngày này.

Quả thật tôi không thể hiểu nỗi điều Kinh Thánh đã viết; và đã viết như vậy thì sao người ta lại gọi là Kinh Thánh để cho hàng tỉ tín đồ đem Kinh Thánh làm sách "gối đầu giường" nhằm củng cố một "Ðức Tin". Chúng ta thử đọc tiếp:

"8Ðoạn, Giê-hô-va Ðức Chúa Trời lập một cảnh vườn tại Ê-đen, ở về hương Ðông, và đặt người mà Ngài vừa dựng nên ở đó. 9Giê-hô-va Ðức Chúa Trời khiến đất mọc lên các thứ cây đẹp mắt, và trái thì ăn ngon; giữa vườn lại có cây sự sống cùng cây biết điều thiện và ác."

"15Giê-hô-va Ðức Chúa Trời đem người ở vào cảnh vườn Ê-đen để trồng và giữ vườn. 16Rồi, Giê-hô-va Ðức Chú Trời phán dạy rằng: Người được tự do ăn hoa quả các thứ cây trong vườn; 17nhưng về cây biết điều thiện và điều ác thì chớ hề ăn đến; vì một mai ngươi ăn, chắc sẽ chết (But of the tree of the knowledge of good and evil, thou shalt not eat of it: for in the day that thou eatest thereof thou shalt surely die)."

"21Giê-hô-va Ðức Chúa Trời làm cho A-đam ngủ mê, bèn lấy một xương sườn, rồi lấp thịt thế vào. 22Giê-hô-va dùng xương sườn đã lấy nơi A-đam làm nên một người nữ, đưa đến cùng A-đam"

Trong đoạn 3,

Kinh Thánh kể về con rắn dụ dỗ loài người ăn trái cấm và loài người:

"6Người nữ thấy trái của cây đó bộ ăn ngon, lại đẹp mắt và quí vì để mở trí khôn, bèn hái ăn, rồi trao cho chồng đứng gần mình, chồng cũng ăn nữa. 7Ðoạn, mắt hai người đều mở ra, biết rằng mình lỏa lồ, bèn lấy lá cây vả đóng khố che thân. 8Lối chiều, nghe tiếng Giê-hô-va Ðức Chúa Trời đi ngang qua vườn, A-đam và vợ ẩn mình giữa bụi cây, để tránh mặt Giê-hô-va Ðức Chúa Trời."

"14Giê-hô-va Ðức Chúa Trời bèn phán cùng rắn rằng: Vì mầy đã làm điều như vậy, mầy sẽ bị rủa sả trong vòng các loài súc vật, các loài thú đồng, mầy sẽ bò bằng bụng và ăn bụi đất trọn cả đời. 15Ta sẽ làm cho mầy cùng người nữ, dòng dõi mầy cùng dòng dõi người nữ nghịch thù nhau. Người sẽ giày đạp đầu mầy, còn mầy sẽ cắn gót chơn người. 16Ngài phán cùng người nữ rằng: Ta sẽ thêm điều cực khổ bội phần trong cơn thai nghén; ngươi sẽ chịu đau đớn mỗi khi sanh con; sự dục vọng ngươi phải xu hướng về chồng, và chồng sẽ cai trị ngươi. 17Ngài lại phán cùng A-đam rằng: Vì ngươi nghe theo lời vợ mà ăn trái cây ta đã dặn không nên ăn, vậy, đất sẽ bị rủa sả vì ngươi; trọn đời ngươi phải chịu khó nhọc mới có vật đất sanh ra mà ăn. 18Ðất sẽ sanh chông gai và cây tật lê, và ngươi sẽ ăn rau của đồng ruộng; 19ngươi sẽ làm đổ mồ hôi trán mới có mà ăn, cho đến ngày nào ngươi trở về với đất, là nơi mà có ngươi ra; vì ngươi là bụi, ngươi sẽ trở về bụi."

Ðọc trong đoạn này, tôi cảm thấy Ðức Chúa Trời Giê-hô-va đã làm cho tôi "Không cảm nhận" được Ngài là một "Ðấng Toàn Thiện" vì Ngài đã "bày" ra một "cạm bẫy" để bắt loài người "sụp" vào đó. Tại sao? Ngài đã tạo ra vườn Ê-đen có nhiều cây đẹp, trái ngon; thế mà Ngài lại tạo ra "cây sự sống cùng cây biết điều thiện và điều ác" ở giữa vườn nhằm để "quyến rũ, cám dỗ" loài người; rồi Ngài lại dọa "vì một mai ngươi ăn, chắc sẽ chết". Không những thế Ngài lại tạo thêm con rắn "quỉ quyệt" để gia tăng sự cám dỗ.

Con rắn ấy là ai? Nó không ăn trái cấm tại sao nó lại biết rành rẽ về trái cấm ấy. Nó có phải là hiện thân của Ðức Chúa Trời để cám dỗ loài người hay không? Có một điều đáng buồn cười hơn là trong câu "3:8 Lối chiều, nghe tiếng Giê-hô-va Ðức Chúa Trời đi (walking) ngang qua vườn, A-đam và vợ ẩn mình giữa bụi cây, để tránh mặt Giê-hô-va Ðức Chúa Trời" (And they heard the voice of the LORD God walking in the garden in the cool of the day; and Adam and his wife hid themselves from the presence of the LORD God amongst the trees of the garden)"; Ðức Chúa Trời xuất hiện đi như một con người dạo qua vườn và phải hỏi "Ngươi ở đâu? (Where art thou?)" để tìm A-đam và vợ A-đam. Ðiều này không thể là chuyện của một Ðấng Tối Cao đầy quyền năng mà chỉ là những hành động của một con người không hơn không kém. Hay nói khác đi, chuyện Giê-hô-va Ðức Chúa Trời ở trong Kinh Thánh chỉ là một câu chuyện thần thoại được đặt ra để kể cho nhau nghe chơi, cũng nhằm để giải thích một số hiện tượng thiên nhiên cùng các vấn đề có liên quan đến cuộc sống đầy "đau khổ, lam lụ" của con người.

Chúng ta sẽ nhận định tiếp tục. Sau khi, A-đam và vợ thú nhận "đã ăn trái cấm" Ðức Chúa Trời "thẳng thừng" nguyền rủa, rủa sả con rắn, người nữ luôn cả đất lẫn A-đam; tất cả họ phải chịu những hình phạt nặng nề chỉ vì "ăn trái cấm" để biết điều thiện điều ác. Thế, Ðức Chúa Trời "nhân từ" ở chỗ nào? Tôi không thể tìm thấy được điều ấy! Lại "độc ác" hơn nữa, tội ấy còn được truyền mãi dài dài cho muôn ngàn đời sau và được gọi là "Tội tổ tông truyền". Tội ấy phải đợi "Ngôi Hai xuống thế mà cứu chuộc". Ðó là chưa nói đến điều Ðức Chúa Trời "nói láo" khi "nhưng về cây biết điều thiện và điều ác thì chớ hề ăn đến; vì một mai ngươi ăn, chắc sẽ chết"

Rồi ở các câu kế tiếp:

"22Giê-hô-va Ðức Chúa Trời phán rằng: Nầy, về sự phân biệt điều thiện và điều ác, loài người đã thành một bực như chúng ta; vậy bây giờ, ta hãy coi chừng, e loài người giơ tay lên cũng hái trái cây sự sống mà ăn và được sống đời đời chăng. 23Giê-hô-va Ðức Chúa Trời bèn đuổi loài người ra khỏi vười Ê-đen đặng cày cấy đất, là nơi có người ra. 24Vậy, Ngài đuổi loài người ra khỏi vườn, rồi đặt tại phía đông vườn Ê-đen các thần chê-ru-bin với gươm lưỡi chói lòa, để giữ con đường đi đến cây sự sống."

Trong các câu đó đã chứng minh rõ ràng sự "ích kỷ, nhỏ mọn, không quyền năng" của Ðức Chúa Trời. Nếu Ngài thật sự "toàn năng" thì có cần gì thần Chê-ru-bin giữ, và Ngài cũng chẳng cần sợ loài người ăn trái của cây sự sống để được sống đời đời! Vả lại, Ngài cũng cần gì phải giữ sự sống riêng cho mình đến đỗi phải đuổi loài người ra khỏi vườn địa đàng?

Trong đoạn 4,

Chúng ta hãy đọc đoạn này:

"2Ê va lại sanh em Ca-in, là A-bên; A-bên làm nghề chăn chiên, còn Ca-in thì nghề làm ruộng.

3Vả, cách ít lâu, Ca-in dùng thổ sản làm của lễ dâng cho Ðức Giê-hô-va. 4A-bên cũng dâng chiên đầu lòng trong bầy mình cùng mỡ nó. Ðức Giê-hô-va đoái xem A-bên và nhận lễ vật của người; 5nhưng chẳng đoái đến Ca-in và cũng chẳng nhận lễ vật của người; cho nên Ca-in giận lắm mà gằm nét mặt"

Ở đây, Ðức Chúa Trời chứng tỏ mình là Ðấng "không công bình" vì Ngài "thích ăn chiên đầu lòng cùng mỡ nó" của A-bên, mà không thích sản phẩm làm ruộng của Ca-in khiến cho Ca-in ganh tị mà giết chết em mình. Lỗi ấy, tất không phải của Ca-in mà chính là do nơi Ðức Chúa Trời "không công bình" mà ra. Thế mà Ngài lại rủa sả Ca-in. Ðó là "Ðức Chúa Trời trong Kinh Thánh!" Rồi đến câu:

"17Ðoạn, Ca-in ăn ở cùng vợ mình, nàng thọ thai và sanh được Hê nóc; Ca-in xây một cái thành đặt tên là Hê nóc, tùy theo tên con trai mình".

Thành thật mà nói, tôi không biết vợ Ca-in từ đâu sanh ra? Tôi ráng lật lại từ đầu nhưng không thể tìm thấy xuất xứ của cô nàng! Ðức Chúa Trời chỉ tạo có A-đam, rồi Ê va. Ê va sanh Ca-in và A-bên. Ðiểm nầy chắc có lẽ những vị thần học sẽ "ngụy biện" ra được để giải thích Kinh Thánh một cách "trơn tru" cả lời lẫn ý. Cũng thế ta khó tìm được căn nguyên của vợ Y-rát, Mê-hu-da-ên, Sết, vv...

Và sau đây, tôi sẽ liệt kê gia phổ A-đam, về dòng Sết cho đến Nô ê cùng số tuổi của họ theo Kinh Thánh để quý vị xem họ sống đến đời con cháu nào: A-đam (sanh Sết lúc 130 tuổi, sống đến 930 tuổi), Sết (sanh Ê nót lúc 105- chết lúc 912), Ê nót (90- 905), Kê nan (70- 910), Ma ha la le (65- 895), Giê rệt (162- 962), Hê nóc (65- 365), Mê tu sê la (187- 969), Lê méc (182- 777), Nô ê (100- 950), Nô ê lúc 100 tuổi sanh Sem, Cham, Gia phết.

Ở đoạn sáu,

1Vả, khi loài người khởi thêm nhiều trên mặt đất, và khi loài người đã sanh được con gái rồi, 2các con trai của Ðức Chúa Trời thấy con gái loài người tốt đẹp, bèn cưới người nào vừa lòng mình mà làm vợ. 3Ðức Giê-hô-va phán rằng: Thần ta sẽ chẳng hằng ở trong loài người luôn; trong điều lầm lạc, loài người chỉ là xác thịt; đời người sẽ là một trăm hai mươi năm mà thôi (yet his days shall be an hundred and twenty years)."

Thật là Kinh Thánh có nhiều "mầu nhiệm" thật, Ðức Chúa Trời thấy loài người sanh được con gái rồi, nên Ngài cũng lật đật sanh những đứa con trai, nhưng sanh như thế nào đây. Sanh ra như kiểu nắn A-đam, hay cần đến bà Ðức Chúa Trời, hoặc Ngài "chỉ phán" "thì có như vậy". Ðiểm nầy tuy đơn giản mà cũng hơi khó hiểu! Ráng "vận dụng" đầu óc kiểu "thần học" thử xem sao? Không khéo Ðức Chúa Trời lại rủa sả, hoặc "các vị Giáo Hoàng buộc thì trên trời cũng buộc" thì khổ! Tuy nhiên, đôi khi Ðức Chúa Trời cũng nói chơi cho vui thôi, vì "đời người sẽ là một trăm hai mươi năm mà thôi", nhưng ở các đoạn sau thì Sem (sanh A-bác-sát lúc 100 tuổi- sống đến 600 tuổi), A-bác-sát (35- 438), Sê-lách (30- 433), Hê-be (34- 464), Bê-léc (30- 239), Rê-hu (32- 239), Sê-rúc (30- 230), Na-cô (29- 148), Tha-rê (70- 205), Áp-ra-ham (100- 175), Y-sắc (60- 180), Gia-cốp (trên 40-147).

Cũng trong đoạn này có các câu sau:

5Ðức Giê-hô-va thấy sự hung ác của loài người trên mặt đất rất nhiều, và các ý tưởng của lòng họ chỉ là xấu luôn; 6thì tự trách đã dựng nên loài người trên mặt đất, và buồn rầu trong lòng. 7Ðức Giê-hô-va phán rằng: Ta sẽ hủy diệt khỏi mặt đất loài người mà ta đã dựng nên, từ loài người cho đến loài súc vật, loài côn trùng, loài chim trời; vì ta tự trách đã dựng nên các loài đó".

Quý vị thấy Ðức Chúa Trời ghê gớm chưa? Ngài cũng hối hận, buồn rầu vì đã tạo nên loài người và đòi hủy diệt tất cả loài người cùng các loài vật khác khỏi mặt đất. Ôi! Ðó là sự "Thánh thiện"(!) của Ðức Chúa Trời! Lại còn thêm các câu sau:

(6:13) Ðức Chúa Trời bèn phán cùng Nô ê rằng: Kỳ cuối cùng của mọi xác thịt đã đưa đến trước mặt ta; vì cớ loài người mà đất phải đầy dẫy điều hung hăng; vậy, ta sẽ diệt trừ họ cùng đất

(6:17) Còn ta đây, ta sẽ dẫn nước lụt khắp trên mặt đất, đặng diệt tuyệt các xác thịt có sanh khí ở dưới trời; hết thảy vật chi ở trên mặt đất đều sẽ chết hết.

Dù chứng tỏ "hiểm ác" như vậy! Nhưng Ðức Chúa Trời cũng "xạo" thôi! Ngài vẫn còn "giao ước" cùng Nô ê để giữ giống mọi loài ở trên thế gian này bằng một chiếc tàu không lớn lắm, nhưng có thể "chứa quá nhiều" các loài vật từ người cho đến côn trùng và kể cả thức ăn trong thời gian bắt đầu ngập lụt 17 tháng 2 năm Nô ê 600 tuổi đến ngày 27 tháng 2 năm Nô ê 601 tuổi. Hơn cả năm trời mà họ không đói và cũng không ăn thịt lẫn nhau. Ấy là chuyện chỉ có trong Kinh Thánh!

Mời quý vị đọc đoạn sau của Kinh Thánh mà nghiền ngẫm về sự "háo ăn" của Ðức Chúa Trời:

820Nô ê lập một bàn thờ cho Ðức Giê-hô-va. Người bắt các súc vật thanh sạch, các loài chim thanh sạch, bày của lễ thiêu dâng lên bàn thờ. 21Ðức Giê-hô-va hưởng lấy mùi thơm và nghĩ thầm rằng: Ta chẳng vì loài người mà rủa sả đất nữa, vì tâm tính loài người vốn vẫn xấu xa từ khi còn tuổi trẻ; ta cũng sẽ chẳng hành các vật sống như ta đã làm.

Cũng ở trong các đoạn trên đây, tôi đã ngạc nhiên hơn khi Ðức Chúa Trời không còn "toàn năng" như lúc đầu, không còn "phán" thì "thì có như vậy", mà Ngài cũng phải lao tâm suy nghĩ, buồn rầu, hối hận, giận dữ đến độ hiểm độc phải diệt hết mọi loài, tuy thế hành động của Ngài cũng bất nhất, đôi khi lại mâu thuẫn lẫn nhau. Không hiểu Ðức Chúa Trời muốn như vậy, hay người viết ra Kinh Thánh thiếu "sự thông minh" để biến Ðức Chúa Trời như một "tên hề" đóng nhiều vai từ nhân từ, hung hiểm, háo ăn, và hối hận chẳng khác chi một con người (đó là đặc điểm của những câu chuyện thần thoại). Điều đó khiến cho tôi nghĩ rằng: Ðức Chúa Trời chỉ là một nhân vật trong câu chuyện thần thoại của dân Y sơ ra ên mà thôi! Và cũng trong đoạn ấy cho ta thấy sự sáng tác của Sáng Thế Ký vì "Ðức Giê-hô-va nghĩ thầm rằng" (the LORD said in his heart) đã là nghĩ thầm thì người "ghi lại" tại sao lại biết để ghi ra? Thật là điều lạ!

"Câu 9:11 Vậy, ta lập giao ước cùng các ngươi, và các loài xác thịt chẳng bao giờ lại bị nước lụt hủy diệt, và cũng chẳng có nước lụt để huỷ hoại đất nữa".

Ðiều này đã không đúng rồi! Nước lụt, sóng thần đã làm cho bao nhiêu người và súc vật trên mặt đất này phải bỏ mạng và tiêu tan sự nghiệp. Ðức Chúa Trời chỉ nói để mà chơi!

Có một điều tôi không thể hiểu khi Kinh Thánh viết về Nô ê rủa sả Ca-na-an:

"9 20Vả, Nô ê khởi cày đất và trồng nho. 21Người uống rượu say, rồi lõa thể ở giữa trại mình. 22Cham, là cha Ca-na-an, thấy sự trần truồng của cha, thì ra ngoài thuật lại cùng hai anh em mình. 23Nhưng Sem và Gia phết đều lấy áo choàng vắt trên vai mình, đi thùi lui đến đắp khuất thân cho cha; và bởi họ xây mặt qua phía khác, nên chẳng thấy sự trần truồng của cha chút nào. 24Khi Nô ê tỉnh rượu rồi, hay được điều con thứ hai đã làm cho mình, 25bèn nói rằng: Ca-na-an đáng rủa sả! Nó sẽ làm mọi cho các tôi tớ của anh em nó."

27Cầu xin Ðức Chúa Trời mở rộng đất cho Gia phết, cho người ở nơi trại của Sem; còn Ca-na-an phải làm tôi của họ"

Cham là cha của Ca-na-an thấy sự trần truồng của Nô ê mà không đắp che cho cha mà đi nói cho hai em, tôi nghĩ cũng chẳng là tội tình gì, thế mà trong Kinh thánh xem đó là một cái tội lớn để viết lên sự rủa sả của Nô-ê, nhưng không phải rủa sả Cham mà lại rủa sả con của Cham là Ca-na-an vốn vô tội vạ trong chuyện này. Thật là lạ! một người được Ðức Chúa Trời khen là công bình lại làm như thế (7:1 Ðức Giê-hô-va phán cùng Nô ê rằng: Ngươi và cả nhà ngươi hãy vào tàu, vì về đời nầy ta thấy ngươi là công bình ở trước mặt ta)!

Trong đoạn 11

Ðấng "Toàn năng, nhân từ" lại tỏ thêm tính năng "sợ", sợ loài người cướp bớt đi cái khả năng của mình, do đó Ngài phải làm ngôn ngữ con người bị lộn xộn và phân tán họ đi khắp nơi trên mặt đất, thêm một lần nữa sự ích kỷ, lòng ganh tị của Ngài được chứng minh qua Kinh Thánh một cách rõ ràng:

"1Vả, cả thiên hạ đều có một giọng nói và một thứ tiếng."

"4Lại nói rằng: Nào! Chúng ta hãy xây một cái thành và dựng lên một cái tháp, chót cao đến tận trời; ta hãy lo làm cho rạng danh, e khi phải tản lạc khắp trên mặt đất. 5Ðức Giê-hô-va ngự xuống đặng xem cái thành và tháp của con cái loài người xây nên. 6Ðức Giê-hô-va phán rằng: Nầy, chỉ có một thứ dân, cùng đồng một thứ tiếng; và kia kìa công việc chúng nó đương khởi làm; bây giờ chẳng còn chi ngăn chúng nó làm các điều đã quyết định được. 7Thôi! chúng ta hãy xuống, làm lộn xộn tiếng nói của chúng nó, cho họ nghe không được tiếng nói của người nầy với người kia. 8Rồi, từ đó Ðức Giê-hô-va làm cho loài người tản ra khắp trên mặt đất, và họ thôi công việc xây cất thành. 9Bởi cớ đó đặt tên thành là BA-bên, vì nơi đó Ðức Giê-hô-va làm lộn xộn tiếng nói của cả thế gian, và từ đây Ngài làm cho loài người tản ra khắp trên mặt đất".

Tội nghiệp cho Ðức Chúa Trời, khởi đầu với những công việc lớn: Ngài chỉ phán thôi "thì có như vậy", nhưng đến bây giờ Ngài phải "thân chinh" ngự xuống xem và tỏ ý "sợ", để rồi phải hành động "không nhân từ" chút nào! Kinh Thánh viết như thế không sợ những tín hữu "buồn" lắm sao!

121Vả, Ðức Giê-hô-va có phán cùng Áp-ra-ham rằng: Ngươi hãy ra khỏi quê hương, vòng bà con và nhà cha ngươi, mà đi đến xứ ta sẽ chỉ cho. 2Ta sẽ làm cho ngươi nên một dân lớn; ta sẽ ban phước cho ngươi, cùng làm nổi danh ngươi, và ngươi sẽ thành một nguồn phước. 3Ta sẽ ban phước cho người nào chúc phước ngươi, rủa sả kẻ nào rủa sả ngươi; và các chi tộc nơi thế gian sẽ nhờ ngươi mà được phước".

Áp-ra-ham được ơn Chúa chọn và ban phước. Nhưng cho đến ngày nay dân hậu duệ của Áp-ra-ham cũng chẳng là "một dân lớn" như Ngài đã ban, hay Ngài "nói dóc" để lấy lòng Áp-ra-ham đó chăng? Còn Áp-ra-ham ranh mảnh như thế nào, thì các câu sau sẽ chứng minh điều ấy:

"12: 11 Khi hầu vào đất Ê díp tô, Áp-ra-ham bèn nói cùng Sa rai, vợ mình, rằng: Nầy, ta biết ngươi là một người đàn bà đẹp. 12Khi nào gặp dân Ê díp tô thấy ngươi, họ sẽ nói rằng: Ấy là vợ hắn đó; họ sẽ giết ta, nhưng để cho ngươi sống. 13Ta xin hãy xưng ngươi là em gái ta, hầu cho sẽ vì ngươi mà ta được trọng đãi và giữ toàn mạng ta."

"12: 15Các triều thần của Pha-ra-ôn cũng thấy người và trầm trồ trước mặt vua; đoạn người đàn bà bị dẫn vào cung Pha-ra-ôn. 16Vì cớ người, nên Pha-ra-ôn hậu đãi Áp-ra-ham, và Áp-ra-ham được nhiều chiên, bò, lừa đực, lừa cái, lạc đà, tôi trai và tớ gái. 17 Song vì Sa rai, vợ Áp-ra-ham, nên Ðức Giê-hô-va hành phạt Pha-ra-ôn cùng nhà người bị tai họa lớn."

Như vậy, Ðức Chúa Trời đã đồng lõa với Áp-ra-ham để gạt Pha-ra-ôn, và Áp-ra-ham trở nên giàu có; quả thật xứng đáng là "Ðức Chúa Trời" và "người được Chúa chọn" vậy!

"15: 5Ðoạn, Ngài dẫn người ra ngoài và phán rằng: Ngươi hãy ngó lên trời, và nếu ngươi đếm được các ngôi sao thì hãy đếm đi. Ngài lại phán rằng: Dòng dõi ngươi cũng sẽ như vậy. 6Áp-ra-ham tin Ðức Giê-hô-va, thì Ngài kể sự đó là công bình cho người".

"15: 7Ðức Giê-hô-va lại phán cùng Áp-ra-ham rằng: Ta là Ðức Giê-hô-va, Ðấng đã dẫn ngươi ra khỏi U rơ, thuộc về xứ Canh đê, để ban cho ngươi xứ nầy làm sản nghiệp. 8Áp-ra-ham thưa rằng: Lạy Chúa Giê-hô-va, bởi cớ chi tôi biết tôi sẽ được xứ nầy làm sản nghiệp? 9Ðức Giê-hô-va đáp rằng: Ngươi hãy bắt đem cho ta một con bò cái ba tuổi, một con dê cái ba tuổi, một con chiên đực ba tuổi, một con cu rừng và một con bồ câu con. 10Áp-ra-ham bắt đủ các loài vật đó, mổ làm hai, để mỗi nửa con mỗi bên đối với nhau, nhưng không mổ các loài chim ra làm hai"

Chắc chắn Ðức Chúa Trời "không phải nhân từ" vì chỉ để chứng cho Áp-ra-ham mà 5 con vật phải bị phanh thây, và lại thêm một lần nữa Áp-ra-ham bị Ðức Chúa Trời gạt cho đến ngày nay, tức là đến năm 2010 sau Công nguyên vì dân của Áp-ra-ham vẫn là một dân tộc nhỏ mà thôi! Còn những vì sao trên trời vẫn là "những vì sao trên trời" và bụi vẫn là "bụi trên mặt đất". Thế thì Ðức Giáo Hoàng và những giáo sĩ nghĩ sao về Kinh Thánh? Riêng tôi thì quả thật "đáng ngờ" cho "tri thức" của con người!

Trong đoạn 17,

Ðức Chúa Trời có vài thay đổi. Sự thay đổi đó như sau:

"1Khi Áp-ra-ham được chín mươi chín tuổi, thì Ðức Giê-hô-va hiện đến cùng ngươi và phán rằng: Ta là Ðức Chúa Trời toàn năng; ngươi hãy đi ở trước mặt ta làm một người trọn vẹn. 2Ta sẽ lập giao ước cùng ngươi, làm cho dòng dõi ngươi thêm nhiều quá bội.

3Áp-ra-ham bèn sấp mình xuống đất; Ðức Chúa Trời phán cùng người rằng: 4Nầy, phần ta đây, ta đã lập giao ước cùng ngươi; vậy ngươi sẽ trở nên tổ phụ của nhiều dân tộc. 5Thiên hạ chẳng còn gọi ngươi là Áp-ra-ham nữa, nhưng tên ngươi sẽ là Áp-ra-ham, vì ta đặt ngươi làm tổ phụ của nhiều dân tộc. 6Ta sẽ làm cho ngươi sanh sản rất nhiều, làm cho ngươi thành nhiều nước; và các vua sẽ do nơi ngươi mà ra. 7Ta sẽ lập giao ước cùng ngươi, và cùng hậu tự ngươi trải qua các đời; ấy là giao ước đời đời, hầu cho ta làm Ðức Chúa Trời của ngươi và của dòng dõi ngươi. 8Ta sẽ cho ngươi cùng dòng dõi ngươi xứ mà ngươi đương kiều ngụ, tức toàn xứ Ca-na-an, làm cơ nghiệp đời đời. Vậy, ta sẽ làm Ðức Chúa Trời của họ."

Thì ra, Ðức Chúa Trời ban phước cho Áp-ra-ham đủ mọi thứ chẳng qua là Ngài muốn "hầu cho ta làm Ðức Chúa Trời của ngươi, và cùng hậu tự ngươi trải qua các đời" (to be a God unto thee, and to thy seed after thee), "Ta sẽ cho ngươi cùng dòng dõi ngươi xứ mà ngươi đương kiều ngụ, tức toàn xứ Ca-na-an, làm cơ nghiệp đời đời. Vậy, ta sẽ làm Ðức Chúa Trời của họ"(And I will give unto thee, and to thy seed after thee, the land wherein thou art a stranger, all the land of Canaan, for an everlasting possession; and I will be their God). Tôi tưởng người nhân thế ham mê chức quyền, nhưng không ngờ Ðức Chúa Trời cũng "khoái" làm Ðức chúa Trời của dòng họ Áp-ra-ham quá đỗi như vậy. Hay là những người viết Kinh Thánh có ý "xuyên tạc", nhằm hạ thấp giá trị của Ðức Chúa Trời đó chăng? Không lẽ, Ðức Chúa Trời tệ đến như thế sao? Chuyện này, ta phải xét lại cho chính chắn vậy!

Và đối với Sa rai cũng được Ðức Chúa Trời thay đổi như sau:

"15Ðức Chúa Trời phán cùng Áp-ra-ham rằng: Còn Sa rai, vợ ngươi, chớ gọi là Sa rai nữa; nhưng Sa ra là tên người đó. 16Ta sẽ ban phước cho nàng, lại do nơi nàng ta sẽ cho ngươi một con trai. Ta sẽ ban phước cho nàng, nàng sẽ làm mẹ các dân tộc; những vua của các dân tộc sẽ do nơi nàng mà ra".

Ðó là những ưu đãi của Ðức Chúa Trời đối với gia đình và dòng họ của Áp-ra-ham và bù lại (trao đổi) để Ngài chỉ được làm Ðức Chúa trời của họ. Ðúng là một câu chuyện chỉ có trong Kinh Thánh mà thôi!

Chưa hết, Ðức Chúa Trời trong cách để hủy diệt thành Sô đôm và Gô mô rơ được diễn tả thật tàn nhẫn như sau:

19: 24 Ðoạn, Ðức Giê-hô-va giáng mưa diêm sanh và lửa từ nơi Ngài trên trời sa xuống Sô đôm và Gô mô rơ, 25hủy diệt hai thành nầy, cả đồng bằng, hết thảy dân sự cùng các cây cỏ ở nơi đất đó.

 Và sau đây là một câu chuyện độc đáo khác mà tôi cam đoan, quý vị không thể tìm thấy được ở bất cứ nơi nào khác ngoài Kinh Thánh, một câu chuyện làm tình khá lạ lùng về tính đạo đức, sinh lý lẫn khoa học cùng biện chứng:

"19: 30Lót ở Xoa thì sợ hãi, nên cùng hai con gái mình bỏ đó mà lên núi, ở trong một hang đá kia. 31Cô lớn nói cùng em mình rằng: Cha ta đã già, mà không còn ai trên mặt đất đến sánh duyên cùng ta theo như thế thường thiên hạ. 32Hè! chúng ta hãy phục rượu cho cha, và lại nằm cùng người, để lưu truyền dòng giống cha lại. 33Ðêm đó, hai nàng phục rượu cho cha mình; nàng lớn đến nằm cùng cha; nhưng người chẳng hay lúc nào nàng nằm, lúc nào nàng dậy hết. 34Qua ngày mai, chị nói cùng em rằng: Nầy, đêm hôm qua ta đã nằm cùng cha rồi; hôm nay chúng ta hãy phục rượu cho cha nữa, rồi em hãy lại nằm cùng người, để lưu truyền dòng giống cha lại. 35Ðêm đó, hai nàng lại phục rượu cho cha mình nữa, rồi nàng nhỏ thức dây mà nằm cùng cha; nhưng người chẳng hay lúc nào nàng nằm, lúc nào nàng dậy hết. 36Vậy, hai con gái của Lót do nơi cha mình mà thọ thai. 37Nàng lớn sanh được một con trai, đặt tên là Mô áp; ấy là tổ phụ của dân Mô áp đến bây giờ. 38Người em cũng sanh đặng một con trai, đặt tên là Bên am mi; ấy là tổ phụ của dân Am môn đến bây giờ".

Không biết người viết đoạn Kinh Thánh nầy có phải là tu sĩ hay không mà chẳng biết gì về vấn đề làm tình cả, tôi cho rằng ý nghĩ lưu truyền dòng giống của cha là hợp lý tức là gạt bỏ phương diện "đạo đức" ra, nhưng chuyện này vẫn có những vấn đề không ổn:

-thứ nhất: Lót đã già, sinh lý trở nên không còn "sung sức" như thời thanh niên,

-thứ hai: Các nơi khác vẫn có chỗ để cho Lót và hai nàng con gái sống đâu nhất thiết phải      ở trong hang núi.

-thứ ba: Kinh Thánh viết "không còn ai trên mặt đất đến sánh duyên cùng ta theo như thế thường thiên hạ" là một điều hết sức phi lý. Vậy thì chắc nơi ở của Áp-ra-ham cũng chẳng còn ai, và Áp-ra-ham cũng bị tiêu diệt rồi chăng?

-thứ tư: Lót "say mèm" đến con gái của mình đến làm tình với mình mà cũng chẳng hay biết gì, ngay cả lúc đến cũng như lúc đi. Say như vậy, thì "xin lỗi" dương vật của Lót cũng không thể đủ sức cương cứng cho đến tàn cuộc hoặc xuất tinh.

-thứ năm: Chưa chắc một lần làm tình mà đã thọ thai.

Ðề nghị Giáo hội nên sửa đổi Kinh Thánh lại để cho hợp lý hơn (nếu có thể).

Và rồi lại thêm một lần nữa Ðức Chúa Trời "đồng lõa" với Áp-ra-ham để gạt vua A-bi-mê-léc, vua bắt bà già Sa ra (chắc còn đẹp lắm!) về làm vợ. Nhưng trong chiêm bao, Ðức Chúa Trời hiện đến "hăm" vua A-bi-mê-léc: "Nầy, ngươi sẽ chết bởi cớ người đàn bà mà ngươi đã bắt đến; vì nàng có chồng rồi" (20:3); và trong câu 20:7 "Bây giờ, hãy giao người đàn bà đó lại cho chồng nó, vì chồng nó là một đấng tiên tri, sẽ cầu nguyện cho ngươi, thì ngươi mới được sống. Còn như không giao lại, thì phải biết rằng ngươi và hết thảy ai thuộc về ngươi quả hẳn sẽ chết".

Và, chỉ vì sự dối trá của Áp-ra-ham mà vua A-bi-mê-léc mới bắt Sa ra, nhưng Ðức Chúa Trời đã hành động "không nhân từ" như sau:

Sau khi vua A-bi-mê-léc đem chiên, bò, tôi trai cùng tớ gái và trả Sa ra cho Áp-ra-ham, lại cho một ngàn miếng bạc, thì:

"20: 17Áp-ra-ham cầu xin Ðức Chúa Trời, thì Ngài chữa bịnh cho vua A-bi-mê-léc, vợ cùng các con đòi người; vậy, họ đều có con. 18Vả, lúc trước, vì vụ Sa ra, vợ Áp-ra-ham, nên Ðức Giê-hô-va làm cho cả nhà vua A-bi-mê-léc đều son sẻ".

Và trong những đoạn sau cho ta thấy Ðức Chúa Trời trong Sáng Thế Ký chỉ là Ðức Chúa Trời của Áp-ra-ham và dân Y sơ ra ên về sau mà thôi. Biến Ðức Chúa Trời ấy thành Ðức Tin của nhân loại là "chuyện" của những người tạo ra Kinh Thánh và Giáo sĩ lẫn Giáo hội không khác:

"24: 6Áp-ra-ham nói rằng: Hãy cẩn thận, đừng dẫn con ta về xứ đó! 7Giê-hô-va là Ðức Chúa Trời trên trời, là Ðấng đã đem ta ra khỏi nhà cha ta và xứ sở ta, có phán và thề rằng: Ta sẽ cho dòng dõi ngươi xứ nầy!"

Ngay cả Ê li ê se "người đầy tớ ở lâu hơn hết, có quyền quản trị các gia tài" của Áp-ra-ham vẫn hai lần buộc miệng:

"24:12 Người nói rằng: Hỡi Giê-hô-va, Ðức Chúa Trời của chủ Áp-ra-ham tôi ơi! xin ngày nay cho tôi gặp điều mà tôi tìm kiếm, và hãy làm ơn cho chủ Áp-ra-ham tôi!"

"24: 26Ngưòi bèn cúi đầu và sấp mình xuống trước mặt Ðức Giê-hô-va, 27mà nói rằng: Ðáng ngợi khen thay Giê-hô-va, là Ðức Chúa Trời của chủ Áp-ra-ham tôi! Ngài chẳng ngớt thương xót và thành thực đối cùng chủ tôi".

Có điều đáng buồn cười hơn là Giê-hô-va Ðức Chúa Trời trong Kinh Thánh đã "cướp" đất của các sắc dân khác mà "hứa" cho dòng dõi của Áp-ra-ham, nên được gọi là "Ðất hứa", vì "Ðất hứa" ấy mà ngày nay đã đưa đến "nạn khủng bố" khiến thế giới, nhân loại luôn trong tình trạng hồi hộp, lo sợ không yên:

"26: 2Ðức Giê-hô-va hiện đến cùng người và phán rằng: Chớ xuống xứ Ê díp tô; hãy ở lại xứ mà ta sẽ chỉ cho. 3Hãy ngụ trong xứ nầy, ta sẽ ở cùng ngươi và ban phước cho ngươi; vì ta sẽ cho ngươi cùng dòng dõi ngươi các xứ nầy và ta sẽ làm thành lời ta đã thề cùng Áp-ra-ham, cha ngươi. 4Ta sẽ thêm dòng dõi ngươi nhiều như sao trên trời, sẽ cho họ các xứ nầy; hết thảy dân thế gian đều sẽ nhờ dòng dõi ngươi mà được phước; 5vì Áp-ra-ham đã vâng lời ta và đã giữ điều ta phán dạy, lịnh, luật và lệ của ta."

Và trong câu sau đây, Ðức Chúa Trời xác định Ngài là Ðức Chúa Trời của Áp-ra-ham:

"26: 24 Ðêm đó Ðức Giê-hô-va hiện đến cùng người và phán rằng: Ta là Ðức Chúa Trời của Áp-ra-ham, cha ngươi, chớ sợ chi, ta ở cùng ngươi, sẽ ban phước cho và thêm dòng dõi ngươi, vì cớ Áp-ra-ham là tôi tớ ta".

Những người viết Kinh Thánh đôi khi làm cho chúng ta trở nên khó hiểu một cách kỳ lạ, hay là họ "quá thông minh" (có phải vậy không?) khi viết như sau:

"27:41 Ê-sau trở lòng ganh ghét Gia-cốp vì cớ cha mình chúc phước cho người, bèn nói thầm trong lòng rằng: Ngày tang của cha đã hầu gần; vậy ta sẽ giết Gia-cốp, em ta đi." (And Esau hated Jacob because of the blessing wherewith his father blessed him: and Esau said in his heart, The days of mourning for my father are at hand, then will I slay my brother Jacob).

Ê-sau chỉ "nói thầm trong lòng", thế nhưng "họ đem lời Ê-sau thuật lại cùng Rê be ca":

"27:42 Họ đem lời Ê-sau, con lớn, thuật lại cùng Rê be ca, thì người sai Gia-cốp, con út mình, mà nói rằng: Nầy, Ê-sau, anh con, toan giết con để báo thù." (And these words of Esau her elder son were told to Rebekah: and she sent and called Jacob her younger son, and said unto him, Behold, thy brother Esau, as touching thee, doth comfort himself, purposing to kill thee).

Những người viết Kinh Thánh cũng khá khéo léo để cho Ðức Chúa Trời lúc đầu xuất hiện tạo ra mọi thứ, đầy quyền uy và "chỉ phán" "thì có như vậy", nhưng rồi đưa Ðức Chúa Trời dần rời xa con người để "ngự trị" ở trên trời. Lúc thì từ trên trời hiện ra, lúc thì xuất hiện trong chiêm bao, và không còn "phán" như trước kia mà chỉ là ban phước hay chúc phúc. Ðức Chúa Trời bây giờ "kém" quyền năng như thuở trước:

"28: 13Nầy Ðức Giê-hô-va ngự trên đầu thang mà phán rằng: Ta là Giê-hô-va Ðức Chúa Trời của Áp-ra-ham, tổ phụ ngươi, cùng là Ðức Chúa Trời của Y sác. Ta sẽ cho ngươi và dòng dõi ngươi đất mà ngươi đương nằm ngủ đây. 14Dòng dõi ngươi sẽ đông như cát bụi trên mặt đất, tràn ra đến đông tây nam bắc, và các chi họ thế gian sẽ nhờ ngươi và dòng dõi ngươi mà được phước. 15Nầy, ta ở cùng ngươi, ngươi đi đâu, sẽ theo gìn giữ đó, và đem ngươi về xứ nầy; vì ta không bao giờ bỏ ngươi cho đến khi ta làm xong những điều ta đã hứa cùng ngươi".

Ôi! Không ngờ Ðức Chúa Trời mê dòng họ của Áp-ra-ham đến thế! Ông ta tự hứa, rồi ông ta xác định nhiệm vụ mình phải làm, nhưng cả mấy ngàn năm nay ông không thể làm cho dòng dõi của Áp-ra-ham trở thành một dân tộc lớn, dẫy đầy như bụi trên mặt đất hoặc như sao trên trời hay "như cát bãi biển, người ta sẽ không sao đếm được, vì đông đúc quá!" (32:12). Thế là Ðức Chúa Trời trong Kinh Thánh cũng "xạo" quá đi thôi! Thế mà cũng có hàng khối người tin! Ðáng buồn cho nhân thế!!!

"32:28 Người lại nói: Tên ngươi sẽ chẳng là Gia-cốp nữa, nhưng tên là Y sơ ra ên, vì ngươi đã có vật lộn cùng Ðức Chúa Trời và người ta, ngươi đều được thắng".

Gia cốp vật lộn với một người đến rạng đông, mà người đó không thắng nỗi. chỉ có thế thôi mà được đổi tên là Y sơ ra ên và lại tuyên bố "láo khoét" như sau:

"32:30 Gia-cốp đặt tên chỗ đó là Phê ni ên, vì nói rằng: Tôi đã thấy Ðức Chúa Trời đối mặt cùng tôi và linh hồn tôi được giải cứu".

Nhưng trước đó, Kinh Thánh viết như sau:

"32:21Vậy, lễ nầy đem đi trước, còn người, đêm đó ở lại trại.

"32: 22Ban đêm, người thức dậy, dẫn hai vợ, hai tên đòi và mười một đứa con mình đi qua rạch Gia bốc. 23Người đem họ qua rạch, và hết thảy của cải mình qua nữa.

"32:24 Vả, một mình Gia-cốp ở lại; thì có một người vật lộn với mình đến rạng đông".

Quả thật tôi không thể hiểu Gia-cốp ở lại hay qua rạch, hay đưa mọi người, của cải qua rạch rồi trở lại để vật lộn với Ðức Chúa Trời mà "linh hồn tôi được giải cứu". Kinh Thánh thật là mù mờ khó hiểu, chắc để "lập lờ đánh lận con đen" như người Việt chúng ta thường nói, hầu cho có vẻ "thần thánh" của câu chuyện được gọi là Kinh Thánh.

Quý vị hãy xem "lòng nhân từ" của Ðức Chúa Trời:

"35:5 Ðoạn, chúng khởi hành. Ðức Chúa Trời bèn giáng sự kinh hãi cho các thành chung quanh đó, nên họ chẳng dám đuổi theo các con trai của Gia-cốp".

"35: 9 Khi ở xứ Pha đan A ram đến, Ðức Chúa Trời lại hiện ra cùng Gia-cốp nữa, ban phước cho người, 10và phán rằng: Tên ngươi là Gia-cốp, sau nầy sẽ chẳng gọi là Gia-cốp nữa, nhưng sẽ đặt là Y sơ ra ên. Rồi người đặt tên người là Y sơ ra ên. 11Ðức Chúa Trời lại phán rằng: Ta là Ðức Chúa Trời toàn năng; ngươi hãy sanh sản và thêm nhiều, một dân cho đến nhiều dân đều sẽ do nơi ngươi mà sanh, cùng các vua sẽ do nơi mình ngươi mà ra. 12Xứ ta đã cho Áp-ra-ham và Y sác thì ta sẽ cho ngươi cùng dòng dõi ngươi."

Ðức Chúa Trời trong Kinh Thánh không những không nhân từ mà hãy còn độc đoán, giết người không gớm, thế nhưng không hiểu sao Giáo hội luôn dạy tín hữu rằng: Ðức Chúa Trời là Ðấng Toàn Năng, Nhân Từ, Thương người đến đổi cho "Con một" của Người xuống thế để cứu chuộc ("Ðức Chúa Trời là Ðấng Tự Hữu, thiêng liêng, hằng có đời đời, quyền phép, thánh thiện, tốt lành, nhân từ, công bằng và chân thật vô cùng"- Theo giáo lý). Chắc chắn điều ấy là không đúng; không thể tin cậy được, chúng ta hãy đọc đoạn sau:

"38: 6Giu đa cưới cho Ê rơ, con trưởng nam, một người vợ, tên là Ta ma. 7Nhưng Ê rơ độc ác trước mặt Ðức Giê-hô-va, nên Ngài giết người đi. 8Giu đa bèn biểu Ô nan rằng: Con hãy lại gần vợ anh con, kết bạn cùng nàng như em chồng, đặng nối dòng dõi cho anh. 9Ô nan biết rằng dòng dõi nầy sẽ chẳng thuộc về mình, nên đương khi đến cùng nàng, thì làm rơi rớt xuống đất, để đừng sanh dòng dõi cho anh. 10Nhưng điều người làm vậy không làm đẹp lòng Ðức Giê-hô-va, nên Ngài cũng giết người luôn đi".

Ô nan làm rơi rớt "tinh dịch" xuống đất, không để Ta ma có thai mà Ðức Chúa Trời cũng không đẹp lòng, đành giết người luôn đi. Ðó là lòng "nhân từ" của Ðức Chúa Trời trong Kinh Thánh!

Ðức Chúa Trời lúc nào, trong Kinh Thánh, cũng muốn cho dòng dõi của Áp-ra-ham trở thành một dân tộc lớn của một nước lớn, nhưng điều đó đến mãi tận ngày nay vẫn là điều chưa thành hiện thực. Có lần Ðức Chúa Trời hiện thấy trong ban đêm (chắc Ðức Chúa Trời cảm thấy xấu hỗ vì nhiều lần hứa "cuội"!):

"46: 2Trong một sự hiện thấy ban đêm kia, Ðức Chúa Trời có phán cùng Y sơ ra ên rằng Hỡi Gia-cốp, Gia-cốp! Y sơ ra ên đáp rằng: Có tôi đây. 3Ðức Chúa Trời phán: Ta là Ðức Chúa Trời, Ðức Chúa Trời của cha ngươi. Hãy xuống Ê díp tô, đừng sợ chi, vì tại đó ta sẽ làm cho ngươi thành một nước lớn, 4Chánh ta sẽ xuống đến đó với ngươi, và chánh ta cũng sẽ dẫn ngươi về chẳng sai. Giô sép sẽ vuốt mắt ngươi nhắm lại".

Và Ðức Chúa Trời đã "thực hiện" đúng lời hứa là "dẫn Gia-cốp về", nhưng về với đất; hay nói theo kiểu của Tôn giáo Ki Tô là "dẫn Gia-cốp về cùng Chúa". Ðó là "sự thực hiện đúng đắn" lời hứa của Ðức Chúa Trời trong Kinh Thánh!

"Sách thứ nhứt của Môi-se gọi là Sáng Thế Ký" được chấm dứt bằng "Giô sép" già và chết vào lúc 110 tuổi và chôn ở Ai-Cập.

 

Nguyên Thảo.

 

Tài liệu tham khảo và trích dẫn:

 -Kinh Thánh, Cựu ước và Tân ước; United Bible Societies; bản in 1990 tại Korea.

 -The Holy Bible, The Old and New Testament; King James Version; World Bible Publishers; Iowa Falls, IA 50126 U.S.A; bản in Canada.

 

 

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập