Tôi Đi Tìm Ý Nghĩa Của Hai Chữ “Vô Minh”!

Đã đọc: 895           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

phải mù mờ do sự tìm hiểu của mình hãy quá còn nông cạn. Tôi xin trích lại để Quý Vị đọc qua: “Vô Minh (avijja) - tức không nhận thức chân lý về đau khổ, nguồn gốc của đau khổ, sự chấm dứt đau khổ, và con đường dẫn đến sự chấm dứt đau khổ - là nguyên nhân chánh làm động lực thúc đẩy, chuyển động bánh xe đời sống. Nói cách khác, Vô Minh là không nhận thức thực tướng của vạn pháp, hay không thấu đáo hiểu biết chân tướng của chính mình. Chính màng Vô Minh như lớp mây mù bao phủ, che lấp mọi sự hiểu biết chân chánh (Chánh Kiến). Đức Ph

Không biết Quý Vị tìm hiểu hay nghiên cứu về Đạo Phật như thế nào? Chứ riêng tôi thì thật là vất vả vô cùng vì mình chỉ lần mò, không có thời gian để đi thọ giáo với các Thầy hay những người có trình độ về giáo lý. Cái số vốn nhỏ nhoi khi còn học trong nhà trường không đủ đâu vào đâu so với cái mênh mông của giáo pháp. Nhưng vì vài sự việc có vẽ “thuộc về tâm linh” xảy đến với tôi khi cố ổn định tinh thần trong lúc bệnh, cho nên cần quyết tâm phải tìm ra cho được lời giải đáp. Tôi dò dẫm đi vào Kinh Thánh từ Sáng Thế Ký, Xuất Ê-Díp-Tô ký sang vài sách trong Tân Ước, lẫn tìm hiểu về sự Khai Đạo của Mohamed bên Đạo Hồi, nhưng vẫn chưa tìm thấy được điều mình mong ước. Thế rồi, tôi lại nghĩ về Phật gíáo, mặc dù biết rằng đoạn đường sắp tới rất là gian nan.

Trải qua thời gian dài ấp ủ, tính cũng chừng khoảng trên 5 năm, tôi mới lần đến “cái chùa”. Hồi còn nhỏ hay những thời gian sau đó, tôi đến chùa giống như là dạo cảnh, tham quan chứ không phải là niềm tin. Nhưng sau khi đi tìm không được kết quả ở tôn giáo khác, tôi lại có ý đi tìm trong các kinh điển của Đạo Phật xem như thế nào, vì tôi nghĩ rằng với Thiền, Đức Thích Ca đã ngộ đạo thì tôi có thể thấy một chút gì trong đó. Ước muốn ấy chưa thực hiện được bởi còn bạn rộn với công việc làm ăn, cho đến khi có chị bạn vào chùa làm lễ tuần cho mẹ chị mất, rồi chị đến chùa thường xuyên và rủ vợ chồng tôi đi cùng. Lần nầy, tôi đi chùa với mục đích là cố mượn kinh sách để truy tìm lời giải thích cho những gì “thuộc về tâm linh” mình đã cảm nhận. Tuy vậy, việc mượn kinh điển thì giới hạn thời gian, mà mình giữ lâu quá thì trong lòng thấy ái ngại nên tôi không mượn nữa. Và chuyện gì gần như cũng có nhiều nhân duyên, thế rồi một ngày em trai đưa tôi đến chùa vùng nó ở, tôi đã thỉnh được quyển “Đức Phật và Phật Pháp” của Hòa Thượng Nerada Thera do Phạm Kim Khánh dịch, và quyển “Xuân Trong Cửa Thiền” số 4 của Hòa Thượng Thích Thanh Từ. Khi đọc bài “Đời Tu Của Tôi” của Hòa Thượng tôi đã thấy loé lên chút ánh sáng gì đó có thể giải đáp được điều ẩn khuất của mình khi Hòa Thượng viết “Tu chết bỏ”! Rồi khi đọc về tiểu sử Phật Thích Ca kiên quyết: “Nếu ta không thành đạo, thì dù thịt nát xương tan, ta cũng quyết không đứng dậy khỏi chỗ nầy”, sau đó tôi lại nhớ đến Mohamed phải trải qua thời gian khá lâu trên núi Hira, cũng như Jesus trong đồng vắng đến 40 ngày. Tôi nghĩ: “Không lẽ đấy là mẫu số chung của những người tìm ra đạo lý của họ đó chăng”?

Thú thật với Quý Vị, khi bắt đầu vào giáo pháp của Đức Phật, tôi không thể hiểu được gì nhiều vì tôi phải đối diện với “rừng” danh từ Hán Việt, mặc dù lúc còn đi học tôi cũng đưọc học chút ít về chữ Hán hay nghĩa của chúng. Ở đây lại là những chữ Hán chuyên môn nữa chứ, làm tôi như lọt vào “mê hồn trận”! Nhưng bỏ cuộc thì làm sao thỏa mãn được điều mình thắc mắc ôm ấp mấy năm nay. Thế rồi tôi phải vừa đọc sách, vừa đi nghe các sư thuyết pháp, hay nghe các băng giảng để có thể hiểu thêm giáo pháp phần nào. Tuy vậy vẫn chưa đủ, tôi phải tìm mua Phật Học Tự Điển của Đoàn Trung Còn để học thêm nhiều từ mới, đó là chưa kể đến các danh từ Hán Việt phiên âm từ Tiếng Phạn mà không có giải nghĩa. Quá mệt mỏi, tôi đành liều: “Thôi kệ, cứ đọc, tìm hiểu được đến đâu thì đến”!

Khi đến “Tứ Diệu Đế” tiến độ đọc của tôi trở nên chậm chạp vô cùng, vừa đọc để vừa nghiền ngẫm các danh từ, vừa hiểu lý thuyết, có khi phải đọc lại đôi ba lần mình mới hiểu nổi. Rồi lại tới “Nghiệp Báo”, “Tái sanh”, và “Thập Nhị Nhân Duyên”. Với “Thập Nhị Nhân Duyên” nầy tôi phải suy tư, vận động trí não khá nhiều để hiểu dù chỉ là hiểu được chút ít mà thôi!

Theo “Thập Nhị Nhân Duyên” thì khởi đầu là Vô Minh, từ Vô Minh mà Hành phát sinh, Hành phát sinh thì Thức phát sinh tức là chuỗi: Vô Minh sinh Hành, Hành sinh Thức, Thức sinh ra Danh Sắc, Danh Sắc sinh Lục Nhập, Lục Nhập sinh Xúc, Xúc sinh Thọ, Thọ sinh Ái, Ái sinh Thủ, Thủ sinh Hữu, Hữu sinh Sinh, Sinh sinh Lão Tử. Ôi, một chuỗi 12 thứ ấy làm đầu óc tôi lùng bùng, mà nếu không hiểu được phần nào thì khó mà tiến xa hơn để tìm hiểu về giáo pháp của Đạo Phật! Vì thế mà tôi phải loay hoay cố vượt qua. Cuối cùng thì cứ đi, đi để rồi quay lại sau, vì mình chỉ là ở bước đầu tất không thể hiểu rõ được! Nhưng cái điều mà tôi thắc mắc nhất là “Vô Minh”. Vô Minh là cái gì mà bắt đầu cho chuỗi Thập Nhị Nhân Duyên? Và tại sao lại là Vô Minh? Không lẽ nguồn gốc của vũ trụ, chúng sinh là Vô Minh? Tôi cố hiểu những gì mà Hòa Thượng Nerada Thera viết qua sự dịch thuật của Phạm Kim Khánh, nhưng vẫn phải mù mờ do sự tìm hiểu của mình hãy quá còn nông cạn. Tôi xin trích lại để Quý Vị đọc qua:

Vô Minh (avijja) - tức không nhận thức chân lý về đau khổ, nguồn gốc của đau khổ, sự chấm dứt đau khổ, và con đường dẫn đến sự chấm dứt đau khổ - là nguyên nhân chánh làm động lực thúc đẩy, chuyển động bánh xe đời sống. Nói cách khác, Vô Minh là không nhận thức thực tướng của vạn pháp, hay không thấu đáo hiểu biết chân tướng của chính mình. Chính màng Vô Minh như lớp mây mù bao phủ, che lấp mọi sự hiểu biết chân chánh (Chánh Kiến).

Đức Phật dạy rằng:

"Vô Minh là lớp ảo kiến mịt mù dày đặc trong ấy chúng sanh quây quần quanh lộn." [3] (Sutta Nikaya, câu 730).

Đến khi lớp Vô Minh bị phá tan để trở thành tri kiến, như trường hợp của chư Phật và chư vị A La Hán thì mọi vấn đề nhân và quả cũng chấm dứt.

Trong kinh Itivuttaka [4], Đức Phật dạy:

"Người đã tiêu trừ ảo kiến và phá tan lớp tối tăm dầy đặc sẽ không còn thênh thang đi mãi nữa. Đối với người ấy không còn vấn đề nhân và quả."(Sutta Nikaya, trang 14)

 

Quả thật, để hiểu được “Vô Minh” đối với tôi rất là khó khăn và chật vật trong rừng chữ nghĩa Hán Việt cùng các danh từ chuyên môn. Nhưng rồi tôi cũng đành lướt qua và cứ để hiểu loáng thoáng như thế đó đi, rồi sau nầy sẽ tính. Mặc dù an ủi mình như vậy, mà lòng tôi cứ luôn nhớ và thắc mắc. Sau nhờ duyên tôi lại gặp vị Thượng Tọa trong họ tặng cho bộ “Phật Học Phổ Thông” do Hòa Thượng Thích Thiện Hoa biên soạn. Tôi lại chú tâm vào bộ sách ấy. Thú thật do trí nhớ của mình vốn kém, dù không nhớ được nhiều nhưng không hiểu sao khi đọc đến những khóa giảng các Kinh như: Lăng Nghiêm, Viên Giác, Kim Cang thì tôi lại thấy dường như có vài sự nối kết gì đó, khiến mình phải đọc kỹ càng hơn và bắt đầu ghi chú, để rồi sau nầy ghi lại thành vài bài nhằm chia sẻ với những ai thích tìm hiểu vào Đạo Phật!

Cũng từ trong bộ sách nầy tôi cố tìm về hai chữ “Vô Minh”. Hoà Thượng Thích Thiện Hoa viết:

 

"Con người do đâu mà có?

Để giải đáp vấn đề này, đạo Phật có thuyết "mười hai nhân duyên".

Trong mười hai nhân duyên ấy, vô minh là căn bản. Vô minh là gì? Tức là đối với sự lý, không rõ biết được đúng như thật. Do đó mà sanh ra mê lầm, thật cho là giả, giả cho là thật, điên đảo hư vọng chấp ngã, chấp pháp, phân biệt mình, người; rồi theo cảnh thuận nghịch mà khởi phiền não, nên cũng gọi là "hoặc". Từ mê hoặc mà tạo tác ra các nghiệp, hoặc thiện hoặc ác. Sự tạo tác ấy gọi là "Hành", chi thứ hai trong mười hai nhân duyên”.

Còn trong Kinh Kiến Chính, Đức Phật thuyết:

"Phật bảo:

-Này các đệ tử! Sanh tử cũng như thế đấy, thần thức là pháp khởi đầu tiên, mà sanh ra pháp ấy lại chính là Si nghĩa là vì ngu si sinh ra say đắm. Vậy Si cũng như hạt giống của cây kia, hạt nó tuy nhỏ nhưng có đủ sức thành được cây rất lớn.

Do gốc ở ngu si mà sanh ra không biết bao nhiêu nhân duyên. Vậy tất cả nhân duyên đều bởi Si (Vô minh), Vô Minh sinh ra Hành (khởi ra hành vi tạo tác),…”

Như vậy: “Vô minh” đồng nghĩa với “Ngu si, không biết”. Nhưng cái gì ngu si, không biết để rồi khởi sinh ra con người, chúng sinh. Tôi lại đi tìm trong các tự điển để cho rõ ngọn nguồn”. Ở Từ Điển Phật Học Hán Việt của Viện Nghiên Cứu Phật Học của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam thì:

"Vô Minh là Avidya (Thuật ngữ) tiếng Phạn là A Vĩ Nễ. Chỉ cái tâm ám độn, không chiếu rọi được rõ ràng sự lý của các pháp. Là tên khác của Si".

Và ở một Từ Điển khác trên Internet, như sau:

無明; S: avidyā; P: avijjā; dịch theo âm là A-vĩ-di;
Chỉ sự u mê, không hiểu Tứ diệu đế, Tam bảo (s: triratna) và nguyên lí Nghiệp (s: karma). Vô minh là yếu tố đầu tiên trong Mười hai nhân duyên (s: pratītya-samutpāda), là những nguyên nhân làm con người vướng trong Luân hồi (s, p: saṃsāra). Vô minh cũng là một trong ba Ô nhiễm (s: āśrava), một trong ba Phiền não (s: kleśa) và khâu cuối cùng của mười Trói buộc (s: saṃyojana).

Vô minh được xem là gốc của mọi bất thiện trong thế gian và cũng là một đặc tính của Khổ (s: duḥkha). Ðó là tình trạng tâm thức không thấy sự vật “như nó là”, cho ảo giác là sự thật và vì vậy sinh ra Khổ. Vô minh sinh Ái (s: tṛṣṇā) và đó là yếu tố cơ bản sinh ra sự tái sinh. Theo quan điểm Ðại thừa, vì vô minh mà từ tính Không (s: śūnyatā) thoắt sinh ra hiện tượng, làm cho người còn mê lầm tưởng lầm đó là sự thật và không thấy tự tính (Si).
Trong các trường phái Ðại thừa, vô minh cũng được hiểu khác nhau. Trung quán tông (s: mā-dhyamika) cho rằng, vô minh xuất phát từ quan điểm chấp trước tiên thiên của ý thức, và từ đó mà xây dựng lên một thế giới của riêng mình, cho thế giới đó những tính chất của chính mình và ngăn trở không cho con người thấy thế giới đích thật. Vô minh cũng là không thấy thể tính thật sự, và thể tính đó là tính Không. Như thế vô minh có hai khía cạnh: một là nó che đậy thế giới đích thật, hai là nó xây dựng cái ảo, cái giả. Hai mặt này cứ luôn luôn dựa vào nhau. Ðối với Kinh lượng bộ (s: sautrāntika) và Tì-bà-sa bộ (s: vaibhāṣika) thì vô minh là cách nhìn thế giới sai lạc, cho thế giới là thường còn, mà thế giới có thật chất là vô thường. Vô minh làm cho con người tưởng lầm thế giới có một tự ngã. Theo Duy thức tông thì vô minh là Ðảo kiến, cho rằng, thế giới độc lập với ý thức (tâm) mặc dù thế giới và ý thức chỉ là một”.

Như vậy kết quả tôi chỉ biết Vô Minh là ngu si, không biết, u mê, ám độn mà thôi, nhưng “cái gì” “ngu si, không biết, u mê, ám độn” vẫn chưa tìm ra được! Sự thắc mắc mãi còn là vấn đề! Nhưng vì nhu cầu cần tìm kiếm để hiểu, và xác minh những điều mà tôi đã cảm nhận được trong thời gian cố ổn định tinh thần xem nó như thế nào? Chứ không lẽ một người bình thường không tu hành, không ăn chay, không Thiền như tôi mà lại thấy những sự kiện lạ lùng mà không thể giải thích? Sự tò mò, hiếu kỳ, tìm cho ra lẽ khiến tôi đi tìm hiểu trong Kinh Thánh, về cuộc đời Jesus lẫn Mohamed mà vẫn chưa thấy được chút ánh sáng giải đáp nào, bây giờ chỉ còn cách là tìm về Kinh điển của Đạo Phật mà thôi! Do vậy, tôi cố gắng bỏ qua những thắc mắc của mình để đọc, học tiếp tục những gì cần biết hầu tìm vào Kinh điển nhà Phật một các dễ dàng hơn. Tôi không còn chú tâm vào các danh từ Hán Việt, hay âm từ Tiếng Phạn ra nữa, mà cứ đọc và hiểu được bao nhiêu thì hiểu, đi nghe thuyết pháp, băng giảng nhiều hơn, thế mà ít lâu sau tôi hiểu được tương đối là kha khá.

Thế rồi đúng vào lúc tôi học trong bộ “Phật Học Phổ Thông” đến phần giảng về Kinh Lăng Nghiêm, tôi thấy có ánh sáng le lói phần nào. Xong đến Kinh Viên Giác, Kim Cang, qua các phần đó ánh sáng dần tỏ thêm chút nữa, khiến tôi phải quay đọc lại phần KInh Lăng Nghiêm và ghi chú kỹ hơn những phần cần lưu ý cùng Kinh Viên Giác, Kim Cang tiếp theo. Rồi tôi ghi nhận được vài điều làm cho mình lưu tâm:

Như trong Kinh Viên Giác Đức Phật thuyết:

"Vậy Vô Minh là gì? Nầy Thiện nam, tất cả chúng sanh từ hồi nào đến giờ, bị nhiều món điên đảo làm mê mờ tánh "Viên giác", như người lạc đường, lầm lộn bốn phương. Điên đảo vọng hiện ra thân và tâm, rồi lầm nhận thân tứ đại giả hợp này làm thân mình, chấp cái vọng niệm sanh diệt, theo bóng dáng của sáu trần cho là thật tâm của mình".   (Kinh Viên Giác, PHPT khóa VIII, trang 16);  

và:

"Nầy Thiện Nam! Cái "Vô Minh" này không có thực thể (thật vật). Như người ngủ chiêm bao, thấy các cảnh vật, đến khi thức rồi, thì cảnh vật kia không còn".   (Trang 17, Kinh Viên Giác, PHPT khóa VIII).

Từ các đoạn Kinh nầy cho phép tôi quay trở về trong phần Kinh Lăng Nghìêm:

“Này Ông Phú-Lâu-Na, thế giới, chúng sanh và nghiệp quả ba món điên đảo tương tục này đều ở trong chơn tâm, vì Vô Minh vọng động sanh ra “năng phân biệt” và “sở phân biệt” tương đối, nên vọng thấy có sơn hà đại địa, thế giới và chúng sanh, rồi lại tiếp tục sanh hóa, vô cùng hư vọng”.  (Kinh Lăng Nghiêm, PHPT Khóa VI, VII Trang 127)

Như vậy, Vô Minh đến đây được hiểu như là “Sự vọng động, điên đảo, không thật” để có sự “phân biệt, vọng tưởng” mà sinh ra “năng phân biệt” và “sở phân biệt”, “vọng thấy có sơn hà đại địa, thế giới và chúng sanh”, “rồi lại tiếp tục sanh hóa, vô cùng hư vọng”.

Và:

"Từ một thể chơn tâm không khác, vì vọng niệm phân biệt, có năng sở, bỉ thử sai khác, nên hiện ra có hư không và thế giới".   (Trang 121, PHPT khóa VI, VII).

Qua mấy đoạn trên tôi có thể hiểu khá hơn về “Vô Minh” mà có thể tóm tắt bằng các ý “vọng tưởng” và “tâm phân biệt”, nhưng nó vẫn khiến cho sự tò mò của tôi chưa có chỗ xác định rõ ràng “cái gì bị vô minh?”, thế là tôi lại càng phải chú ý hơn nữa khi mình cố đọc tiếp theo, hay ghi nhận các phần quan trọng. Đức Phật đã đề cập đến nhiều về “Chơn Tâm”. Chơn Tâm được diễn tả như là thể tính: “Thường trụ thanh tịnh, bất sinh bất diệt” (trang 88), “nhiệm mầu vắng lặng mà thường sáng suốt chiếu soi (Tánh giác diêu minh, bản giác minh diệu)” (trang 119). Chơn tâm còn bao gồm: “Tất cả các cảnh vật sum la vạn tượng trong thế gian nầy, đều ở trong chơn tâm; chơn tâm bao trùm khắp giáp cả mười phương thế giới” (trang 111).

Và nhất là đoạn sau làm tôi thấy rõ thêm:

“Các ông nên biết: Đất, nước, gió, lửa, hư không, cái thấy và thức tâm gọi chung là 7 đại, tánh của nó đều là chơn tâm viên mãn khắp giáp tất cả, vốn không sanh diệt. Các ông vì mê muội nên không biết”.  (Trang 110, PHPT khóa VI, VII)

Mà “cái thấy” ở trang 108 cho biết “Thấy, nghe, hay, biết, sáu giác quan kể là một” tức là gom góp lại chỉ là một “Đại”. Thế rồi qua một đoạn khác, nó cho tôi có một nhận thức tương đối được thỏa mãn phần nào:

“Từ một thể chơn tâm không khác, vì vọng niệm phân biệt năng sở, bỉ thử sai khác, nên hiện ra có hư không và thế giới. Nhơn có hư không thế giới nên mới có chúng sanh. Đã có thế giới và chúng sanh lăng xăng đối đãi nhau, nên khởi lên vô số vọng tưởng phân biệt: Tốt, xấu, phải, chẳng v..v.. Vì thế mà sanh ra đủ các phiền não trần lao nhiễm ô. Cái có hình tướng và sanh diệt là thế giới, cái không hình tướng và yên tịnh là hư không; khác với hư không, thế giới là chúng sanh vậy”. (Kinh Lăng Nghiêm, trang 121)

Tới đây tôi mới hiểu thế nào là thế giới, hư không và chúng sinh, nhưng còn chưa nhận định được rõ ràng đâu là yếu tố phát sinh ra Vô Minh, chắc không phải là hư không rồi! Còn lại là thế giới và chúng sinh. Vậy giữa hai yếu tố nầy cái nào đã phát sinh ra Vô Minh? Tôi quay lại vài đoạn Kinh trước:

“Này A-Nan, tất cả chúng sanh bị sanh tử luân hồi trong thế gian, đều do hai món điên đảo phân biệt vọng thấy, tức nơi đó phát sanh ra nghiệp, rồi theo nghiệp mà chịu khổ luân hồi”.   (Trang 84, Kinh Lăng Nghiêm)

“Tùy tâm của chúng sanh tạo nghiệp và phân biệt như thế nào, thì có ứng hiện ra như thế nấy”.  (Trang 94, Kinh Lăng Nghiêm)

“Vốn sẵn thanh tịnh khắp giáp cả pháp giới, tùy tâm của chúng sanh phân biệt như thế nào, thì nó ứng hiện như thế ấy”.   (Trang 98, Kinh Lăng Nghiêm)

Như vậy, chúng sinh mới là nhân tố chính của Vô Minh. Chúng sinh mới “mê muội, ngu si” sinh ra “vọng tưởng, tâm phân biệt”, rồi mới mượn Tứ Đại (đất, nước, lửa, gió) làm thân, để sau đó một chuỗi tiếp theo là Hành, Thức, Danh sắc, Lục Nhập, Xúc, Thọ, Ái, Thủ, Hữu, Sinh, Lão Tử mà ta đã học như là thuyết Thập Nhị Nhân Duyên.

Đến khi tôi học đến khóa về Kinh “Viên Giác” trong chương Phổ Nhãn ở phần 14 có ghi:

“Các thế giới của chư Phật, nhiều như số cát của sông Hằng, đều ở trong tánh “Viên Giác” này. Cũng như hoa đốm ở trong hư không, mặc tình lăng xăng khởi lên và lăng xăng diệt mất. Nó không phải “tức” là tánh Viên Giác, mà cũng không phải “ly” tánh Viên Giác; không triền phược và giải thoát. Bởi thế nên biết “Sanh tử và Niết Bàn” cũng đều như giấc mộng hôm qua, vì chúng sanh vốn đã thành Phật từ xưa đến giờ”.   (Trang 56)

Tới đây tôi cứ thắc mắc mãi câu: “Bởi thế nên biết “Sanh tử và Niết Bàn” cũng đều như giấc mộng hôm qua, vì chúng sanh vốn đã thành Phật từ xưa đến giờ”, tại sao “chúng sanh vốn đã thành Phật từ xưa tới giờ” thế nhỉ? Thực sự mà nói học về giáo pháp của Đức Phật đối với tôi đã khó giống như tôi gặp phải về vấn đề “Vô Minh”, thì trong Kinh lại càng có nhiều khó khăn hơn nữa vì vừa từ ngữ mà cũng vừa do ý nghĩa. Cho nên đầu óc tôi gần như “nặng trĩu” sự tìm hiểu và muốn biết. Thú thật, mãi đến khi tôi đọc đến hai quyển “Đại Bát Niết Bàn” thì những vấn đề tôi muốn tìm theo chủ đích ban đầu mới được giải tỏa dù phải trải qua nhiều cố gắng để hiểu.

Còn với câu Kinh nầy cũng là một vấn đề khác cho tôi suy tư, động não. Nhưng rồi đến một ngày kia khi thấy những con mối bay từ tổ ra, chúng rụng cánh, có vài cặp cắn đít dẫn nhau đi khiến cho tôi ngộ ra được một điều. Hình ảnh ấy từ nhỏ khi còn ở quê nhà tôi đã chứng kiến nhiều lắm rồi, và người ta kháo nhau: “Chúng nó rụng cánh, cắn đít dẫn nhau tìm về tổ, con nào về đến tổ sẽ làm mối chúa”, nghe nói là như vậy, nhưng biết có phải là sự thật hay không? Vì đó chỉ là lời của người trong dân gian nói, chứ có phải đâu là lời chứng minh của khoa học gia hay nhà nghiên cứu về côn trùng? Nhưng ít ra trong trường hợp nầy nó giúp tôi có thể hiểu: “Vì xưa kia, chúng sinh vốn nguyên thủy đã ở trong cõi Chơn Tâm (tên khác của cõi Phật, cõi Bồ đề, Niết Bàn, Chơn Như, Pháp Tánh, Không Như Lai Tạng, Đại Viên Cảnh Trí, Yêm Ma la Thức) thì cũng có thể xem là “Phật” rồi, nhưng vì các vị Phật nầy đã “Không Biết, còn Mê Muội” (Vô Minh) nên rời cõi Phật để nhận mọi sự việc xảy ra (Sự) và những nguyên tắc vận hành (Lý) mà “thành chúng sinh” trầm luân trong cõi Luân Hồi do có thân xác và tạo nghiệp để bị lôi cuốn theo luật Nhân Quả. Đến khi bình tâm “hồi đầu” tu hành, dứt nghiệp để trở về với cõi Phật ngày xưa, mà Đức Phật đã dụ rằng:

“Như quặng vàng đã được tôi luyện thành vàng ròng; đã là vàng ròng rồi thì không trở lại là quặng nữa”.

Hay:

“Này Thiện nam! Thí như chất kim khoáng, sau khi được nấu lọc, bỏ hết quặng rồi, thì chỉ còn vàng y, chất vàng này không phải do nấu lọc mới sanh, vì nó có sẵn từ trước kia rồi; và khi đã thành vàng y, cũng không bao giờ trở lại thành quặng nữa, dầu trải qua bao nhiêu năm, nó cũng không hư hoại.

Tánh viên giác thanh tịnh của Như Lai cũng thế”.  (VG, 70).

Như vậy, chúng sinh ngày trước ở trong “Cõi Phật” (Chơn Tâm) thì đã là Phật, nhưng chỉ là Phật chưa tinh luyện giống như “quặng vàng”, sau khi rời cõi đó do Vô Minh để rồi phải lăn lộn, trầm luân. Xong bằng đường tu hành, tìm về nơi cũ để trở thành vị Phật “được tinh luyện” (vàng ròng) và không bao giờ là “quặng” nữa. Do đó Đức Phật đã ví “Sanh Tử và Niết Bàn” với một người người ngủ trên giường trải qua, giống như một giấc mộng, khi giấc mộng qua đi thì họ vẫn ở trên giường, vì khi đi vào sinh tử luân hồi, tất cả đều bằng “cái không thật của mình” mà chỉ mượn vào Tứ Đại, cùng với Vọng Tưởng, Vọng Tâm, Tâm phân biệt.

Vậy chúng sinh trong cõi Chơn Tâm như thế nào?

“Thí như trăm ngàn ngọn đèn, đồng đốt trong một căn nhà, ánh sáng của mỗi ngọn đèn tuy đều chiếu khắp cả nhà, nhưng không có lộn lạo hay lấn diệt lẫn nhau”.   (Kinh Viên Giác, trang 52)

 

Nguyên Thảo,

31/10/2021.

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập