Mùa xuân trong cõi thơ Bùi Giáng

Đã đọc: 11271           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Bước vào cõi thơ Bùi Giáng là bước vào cảnh rừng khuya tịch mịch, sơn cùng thủy tận. Người đứng lạc lõng nhìn khối đen mờ hỗn độn chưa biết về đâu, thì vầng trăng khuya cô tịch bỗng hé chút niềm riêng, rạng chiếu cả một thời xuân sắc

Đã qua đã tới đã về
Tết từ bao bận tết đề huề đi
Đi về đi ở đi đi
Đi là đi biệt từ khi chưa về[01] 

Một bài thơ Xuân lạ lùng! Người làm thơ cứ như nhảy chân sáo trong thơ. Rất bông đùa, hóm hỉnh mà lại triết lý đến không ngờ. Qua tới đi về, cứ như mùa Xuân đang lượn lờ trước mắt chúng ta. Thế mà nó đã đi, đi biệt khi tất cả chúng ta chưa kịp thấy nó về. Hay nói cách khác, mùa Xuân vẫn mãi đi về giữa đất trời lớn rộng, trong khi lòng người quá nhiều bận rộn nên chưa kịp thấy hết nhịp điệu đến đi phiêu bồng của một cõi Nguyên Xuân.

Những nhành mai sớm sương bên lá
Những nhành liễu chiều gió bên cây
Cũng lay lắt bởi đời xuân em ạ
Thế nên chi anh cũng viết dòng này.

(Những nhành mai)

...

Mùa Xuân hẹn giữa ngàn mai
Nguyên hình nữ chúa trên ngày phù du

(Nausicaa)

Đang choáng ngợp giữa cỏ cây kỳ ảo, chợt nghe ra một lời chào thân thiết và thanh tân đến lạ thường:

Xin chào nhau giữa con đường
Mùa Xuân phía trước miên trường phía sau.

(Chào Nguyên Xuân)

Xin chào nhau? Lạ! Ai quen biết đâu mà chào? Ồ không! Chẳng phải chúng ta đang cùng đi trên bước đường gập ghềnh sỏi đá “Lộ trường nhơn khốn kiểng lô tê” (Tô Đông Pha) đó sao? Chẳng phải cuộc trăm năm là cuộc giã từ cõi mộng miên trường để tìm về bến bờ chân phúc đó sao? Lời lẽ nào khơi mở nguồn cơn giúp người tỉnh mộng? Dấu hỏi nào ngấn tích chiêu sa để gọi mời chúa Xuân về ngự yên bình trên ánh chiều vàng vọt Đông phương?

Thưa rằng nói nữa là sai
Mùa Xuân đang đợi bước ai đi vào
Hỏi rằng: đất trích chiêm bao
Sá gì ngẫu nhĩ mà chào đón nhau.

(Chào Nguyên Xuân)

Bùi Giáng xé nát trang thơ triết lý, Bùi Giáng thổi tan lớp mây mờ hý luận, xốc tay người hỏi dắt đến bên mép rìa thực tại, dõng dạc thưa:

Thưa rằng: ly biệt mai sau
Là trùng ngộ giữa hương màu Nguyên Xuân.

***

Đọc thơ của Bùi Giáng là bước vào một thế giới kỳ lạ trong nền thi ca Việt Nam – đặc biệt là tập Mưa nguồn. Ở trong đó dù nói gì, nói với ai và ở đâu, ta cũng thấy ngàn ngập một cõi miền kỳ diệu, linh thánh, đa âm sắc và lộng lẫy đến kỳ cùng. Có thể nói Nguyên Xuân là suối nguồn chảy mãi và nhuần thắm cả hơn 60 tác phẩm viết và dịch sau đó của Bùi Giáng. Và đặc biệt hơn nữa, nó cũng là chất liệu làm nên một “huyền thoại Bùi Giáng” – kẻ tự hủy toàn triệt để sống trọn vẹn với thi ca, với hương màu Nguyên Xuân chất ngất giữa cuộc bình sinh hãn hữu này.

Bùi Giáng là kẻ lữ hành cô độc suốt cả xưa sau. Từ một kẻ mục tử lùa bò vào rừng sim trái chín, như một hài nhi hồn nhiên nhìn đất trời cây cỏ, sông núi trăng sao, người chợt thấy:

Cũng vô lý như lần kia dưới lá
Con chim bay bỏ lại nhánh khô cành
Đời đã mất tự bao giờ giữa dạ
Khi lỡ nhìn viễn tượng lúc đầu xanh.

(Hư vô và vĩnh viễn)

Từ sự ngỡ ngàng phiêu hốt, thi nhân bỗng nhận ra, bỗng nhớ lại, như tự một kiếp xa xưa nào, con người đã ở trong thế giới này ra đi, đi mãi, tưởng chừng đã hun hút miền xa, thì chợt nhận ra thế giới ấy vẫn hiện hữu giữa cỏ hoa hồn du mục, giữa cô thôn sớm tối đi về:

Sực nhớ rằng đây rừng rú thẳm
Là quê thân thiết biết bao chừng

(Người về)

Như đứa cùng tử trong kinh Pháp Hoa được trở về nơi cố quận, thi nhân loáng thoáng thấy:

Xưa kia tôi đã có lần 
Và bây giờ đã đôi phần tôi quên
Viết thơ là trở lại bên
Con người thôn nữ răng đen hai hàng

(Ca dao)

Như một sự nuối tiếc, một sự phản tỉnh hồn nhiên đến lạ lẫm, thi nhân kể:

Rồi tôi lớn đi vào đời chân bước
Cỏ mùa Xuân bị dẫm nát không hay
Chợt có lúc hai chân dừng một lượt
Người đi đâu, xưa chính ở chỗ này.

(Chỗ này)

Bắt đầu từ đó, thi nhân choáng ngợp giữa trời Xuân huyền ảo. Thì ra, thế giới ba ngàn này vẫn lung linh lấp lánh như tự bao giờ vẫn vậy. Chỉ ở đây thôi, khi con người nhận ra được “Nhất thiết hữu vi pháp, như mộng huyễn bào ảnh” (Kinh Kim Cang) thì sẽ trực nhận được hương màu Nguyên Xuân dào dạt. Trời đất tụ về chung một góc. Một năm nào đời đứng lại nghe Xuân. Về trong thu sương huyễn ải vô chừng (…) Đứng một mình thơ dại ngó mông lung. Em nghe không, em nghe nhé, nghe cùng (Trời Nam Việt). Thi nhân hoàn toàn không dắt ta vào mộng, thi nhân chỉ kể lại những gì chính mình thấy. Vẫn những hình ảnh trời mây lá cỏ, nhưng kỳ lạ vô cùng: Ánh sáng xa đâu gió cây mù mịt trăng trời vòng cửa khép tiếng sóng vỗ ngoài linh hồn lạc bước người em người chị người bạn người thù ngồi lại  bên nhau (…) Mùa Xuân bữa trước Mùa Xuân bữa sau Mùa Xuân bốn bên trong hiện tại vây hãm tấn công đời hạnh phúc lạnh như băng không làm sao nhúc nhích. Nắm hai bàn tay lại khi một trời sao đỏ lấm tấm đập cánh bay qua… (Bờ Xuân).

Nhìn thấy đó, cũng chỉ là giây phút cảm ngộ tuyệt vời của vô thức. Thi nhân quyết không làm kẻ đứng ngoài. Đây là phút giây quan trọng nhất của lộ trình đi về cõi trực tâm. Hố thẳm gọi mời một bước nhảy – một bước nhảy nghìn trùng diệu tưởng sẽ thu về trong gang tấc nếu không có sự lưỡng lự của ý thức nhị nguyên. Thi nhân nhìn lại:

Bờ cõi dựng xuân xanh em còn đó
Bến đào nguyên anh khoác áo khinh cừu

(Những nhành mai)

Thế giới bây giờ không còn xa cách nữa. Thi nhân tắm mình trong một nguồn sáng ảo hiệu. Thấp thoáng những bàn tay, với vòng tay của, mười ngón tay măng; thấp thoáng những bước chân, một dấu chân bước của, một bàn chân bé con. Lạ lẫm quá! Cát xa bờ tơ chỉ rối chiêm bao. Tiên thiên quá! Vòm nguyên tiêu rơi rụng giữa trăng rằm. Lãng đãng quá! Múa vi vu vì hẹn với trăng ngàn. Ngôn từ không còn đủ dung tích để ôm trọn nguồn ánh sáng tinh diệu. Thi nhân phải mượn những ngôn từ đại thể, uyên mặc, như Nguyên hình nữa chúa, Bờ cõi thanh tân, Đài vũ trụ… để xin mở một lần màu thiên thanh của (Màu thiên thanh) Rừng cô tịch ngóng nội đồng trổ hoa. Hồn bỏ lại mộng thừa trong thớ đất, anh nhìn em trong suốt giữa xương da (Màu Xuân). Những cảnh vật của thi nhân nhìn thấy chẳng xa lạ gì với thế giới chúng ta. Cũng những hình ảnh ấy, nhưng ánh sáng và màu sắc lại lộng lẫy, sang trọng vô ngần. Ai là người dự được bữa tiệc của đất trời xuân sắc? Ai nhấm nháp được chút rượu “pha màu bình nguyên” của trời trăng bữa nọ?

Biển dâu sực tỉnh giang hà
Còn sơ nguyện mộng sau tà áo xanh.

***

Thơ không đủ gọi, lời không đủ gọi. Mỗi ngôn từ đã được nhân lên rất nhiều lần ý nghĩa ban sơ của nó để giao hòa cùng thực tại, thì việc phân tích, chẻ chia là một trò hề đối với thơ Bùi Giáng. Hỏi tên rằng biển xanh dâu, hỏi quê rằng mộng ban đầu đã xa, gọi tên rằng một hai ba, đếm là diệu tưởng đo là nghi tâm. Máu lệ và xương da, hình hài và thân thể, tất cả được phụng hiến một cách trọn vẹn, đầm đìa sương khói, lãng đãng chiêm bao nhưng vẫn tĩnh tại vô ngần, nguyên tuyền rất mực. Muốn thấy nó một cách thường hằng thì phải sống thường trực từ cội nguồn căn để. Mạnh tử nói: “Dục thường thường kiến chi cố nguyên nguyên nhi lai” là vậy! Bùi Giáng đã hớp tận ngụm suổi đầu nguồn, lẫm liệt và tàn khốc từ đời sống phiêu bồng tận hiến; đã rong chơi ngoài vạn dặm, bầu bạn với cỏ hoa, thương hết thảy dế giun sâu bọ, cánh bướm, cánh chuồn chuồn. Ông sống thực, thực đến nỗi xót xa, bi tráng. Xin chào nhau giữa con đường, con đường của tóc tơ lau lách, máu lệ xương da, của cảo thơm lần giở, của phong tình cổ lục xưa sau. Kể từ Socrate đến Heidegger, văn hóa phương Tây chẳng biết có cõi nào kỳ dị như cõi thơ Bùi Giáng không? Kể từ thời đại sử thi Mahabharata, Ramayana đến Rabindranath Tagore, từ Lý Bạch, Tô Đông Pha đến Nguyễn Du, Tản Đà, Hàn Mặc Tử, Quách Thoại, thi ca phương Đông không biết đã có thế giới nào đìu hiu phiêu hốt đến dường ấy chưa? Đã có những oic thơ nào ngời những nhịp cầu tương ứng luân lưu như vậy chưa? Điều đặc biệt là thế giới ấy không hề siêu thực, mà trái lại rất hiện thực. Một thứ hiện thực ảo (Realistic vision), không phải dạng “mặt trời cắt cổ” của Apolinaire, không phải kiểu “xử thế nhước đại mộng, hà vi lao kỳ sinh” của Lý Bạch. Xuân là Xuân của Ngày trống rỗng không gian trôi vào cõi, nghe mùa Xuân không đổ lục bên hường (Xuân giữa ngọ); Xuân là Xuân của Đồng ruộng cũ màu trôi trong cỏ nhặt, dưới bình minh rạ xám gốc trơ phơi (Người đi đâu). Bùi Giáng cùng nường Thúy du xuân trong hội Đạp thanh, nhưng thi nhân đã khóc ngang ngửa mộng, đã xót xa thân sầu chảy máu bên xương, đã chấp nhận ngàn lần trong thổn thức, đã bàng hoàng hốt hoảng những đêm đêm, đã cam chịu cuồng si để sáng suốt, và đui mù cho thỏa dạ yêu em. Tận hiến đến hơi thở cuối cùng, để ngắm được hoa đào của Linh Vân[02] , ngắm được nhành mai sân trước của Mãn Giác[03] , nghe được tiếng sỏi vang bờ trúc của Hương Nghiêm[04] , nghe được tiếng vượn trầm của Tuệ Trung Thượng sĩ[05] , “tiếng nước ôi chao” của Basho[06] … Mùa Xuân đã hiện về trọn vẹn, uyên nguyên trên từng giọt trăng hòa tan giữa biển lòng bát ngát.

Và đó cũng là sứ mệnh của thi ca. “Sa mạc hồi khan thanh cấm nguyệt” – Nguyễn Du đã mở trang hồng phạm; “Hồng sơn sơn hạ quế giang thâm – Bùi Giáng vẫn còn trang thơ thắm lại cõi trời hồng. Thi ca Việt Nam sẽ vút lên tiếng sáo diều thánh thót giữa đất trời lồng lộng Đông Tây, du dương trước thềm thế kỷ XXI. Riêng Bùi Giáng vẫn cứ lặng lẽ, thủy chung và ẩn mật tuyệt trù:

Gió lay lắt bốn phương về dồn tụ
Bụi thu mờ ai phủi với hai tay. n

Đà Lạt mùa hoa dã quỳ
 
 

Thơ Bùi Giáng

Xuân

Chểnh mảng mùa Xuân vẫn tới gần
Muôn nghìn hồng tía quá thanh tân
Sắp về lũ lượt thân cùng thể
Sẽ đến huy hoàng mỹ với nhân
Thân thiết như hồn thanh thiếu nữ
Thuần nhiên tợ mộng tuyết băng tâm
Người từ xa lắc về thăm viếng
Xuân sắc quê hương đẹp quá chừng.

Bao giờ

Bằng bút chì đen
Tôi chép bài thơ
Trên tường vôi trắng

Bằng bút chì trắng
Tôi chép bài thơ
Trên lá lục hồng

Bằng cục than hồng
Tôi đốt bài thơ
Từng phút từng giờ

Tôi cười tôi khóc bâng quơ
Người nghe cười khóc có ngờ chi không?

[01] Tất cả những chữ in nghiêng không nằm trong ngoặc kép trong bài này đều là thơ trích từ tập Mưa nguồn của Bùi Giáng.

[02] Linh Vân (?-?), Thiền sư Trung Quốc, sống vào đời Đường,nhân thấy hoa đào nở mà ngộ đạo
[03] Mãn Giác (1052-1069), Thiền sư Việt Nam, sống vào đời Lý, nổi tiếng với bài kệ Cáo tật thị chúng.
[04] Hương Nghiêm (?-898), Thiền sư Trung Quốc, nhân nghe tiếng sỏi văng vào bụi trúc mà hốt nhiên đại ngộ.
[05] Tuệ Trung Thượng sĩ, Thiền sư Việt Nam, sống vào đời Trần. Bùi Giáng từng dịch hai câu thơ của Tuệ Trung “Nhân gian tận kiến thiên sơn điểu. Thùy thính cô viên đề xứ thâm” thành “Nhân gian đều thấy ngàn non sáng, ai lắng nghe ra tiếng vượn trầm”.
[06] Basho, Thiền sư thi sĩ nổi tiếng của Nhật Bản, chuyên làm thơ Hài cú (Haiku), trong đó có bài “Con ếch”: Một vũng lầy hiu hắt, một con ếch nhảy vào, và tiếng nước ôi chao! (Tuệ Sỹ dịch).

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

5.00

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập