Niết Bàn

Đã đọc: 5631           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Căn cứ trên tuyên bố Phật : “Sarvam śūnyam” (Mọi vật đều không), vấn đề Niết-bàn (Nirvāna), đã được các bộ phái nêu ra đặt vấn đề trở lại sau khi Ngài qua đời; theo đó Niết-bàn được trình bày theo dạng sở đắc của họ, và cũng từ đó mọi tranh luận về nó cũng như các giáo lý khác trở nên gay gắt hơn.

Niết-bàn, vấn đề hiện hữu hay không hiện hữu, có (bhāva) hay không (abhāva), tại thế gian (laukika) này hay vượt ra khỏi thế gian (lokottara) ; một vấn đề làm nảy sanh ra mọi sự tranh luận, càng ngày càng gay gắt giữa Hữu bộ hay còn gọi là Nhứt thiết hữu bộ (Sarvāsti-vādin) và Kinh bộ còn gọi là Kinh lượng bộ (Sautrāntika). Chính vì phương tiện đối trị căn cơ, nên giáo  pháp chữa bệnh của đức Phật được Ngài nói ra có đến vô lượng để chữa trị có ngằn ấy cơ bệnh do ba dộc phiền não sinh ra. Vì tính cách đa dạng và phức tạp của con bệnh, nên thuốc đối trị cũng tuỳ thuộc vào tính phức tạp đa dạng của con bệnh mà cho, giống như con bệnh thế gian (thế giới) chỉ cho năm thọ ấm chẳng hạn, nội trong cách chấp thủ năm thọ ấm bệnh và cách cho thuốc cũng đã là đa dạng rồi. Vì khi muốm chữa con bệnh chấp thủ vào năm thọ ấm, không hẳn là chỉ có một cách chữa trị mà trước hết phải xem đến cách chấp thủ đó liên hệ câu hữu đến độc nào nặng, đến độc nào nhẹ, trong ba độc hay những câu hữu khác ngoài ba độc, mà tuỳ theo đó đức Đạo sư cho thuốc chứ không phải chỉ có một phương thuốc duy nhất để trị chúng. Cho nên việc chữa lành bệnh, giải thoát mọi đau khổ cho bệnh nhân, cho bệnh nhân rất nhiều khía cạnh, sau khi ngài diệt độ, đã bị những người đi sau ngộ nhận ,   chỉ vì những người đi sau không hiểu được thâm ý của ngài , cho nên giáo nghĩa của những lời dạy đó bị xuyên tạc một cách triệt để và có hệ thống . Họ đã biến giáo lý phương tiện mà đức Đạo sư đã dùng để đối trị căn bệnh hữu lậu của chúng sanh , đáng lý sẽ bị vượt qua , thành giáo lý cứu cánh , và họ chấp chặt vào chúng coi như là một thực hữu cần  phải đạt đến để thủ đắc . Từ đó Hữu-Vô được họ biến thành những thứ nhãn hiệu tuyên truyền cho lập trường của họ. Qua đây , giáo lý của Ngài đã biến thành một thứ luận lý nhân quả . Từ đó, họ tự đặt nền tảng cho một cứu cánh ngoài ba cõi này, cần phải vươn tới , đó chính là một thứ Niết-bàn thực hữu không tưởng . Trong khi chính đức Phật chủ trương một Niết-bàn không ở ngoài ba cõi , như kinh Rohitassa[1] đã dạy : " Tại chỗ nào, bạch Thế tôn , không bị sanh , không bị già, không bị chết , không có từ bỏ (bất diệt), không có sanh khởi (bất sanh), chúng con có thể đến để thấy , để biết , để đạt đến chỗ tận cùng của thế giới không?". Đức Phật trả lời :

            " Này hiền giả , ta tuyên bố rằng : tại chỗ nào không bị sanh , không bị già , không bị chết , không có từ bỏ đời này , không có khởi đời khác, thời không có thể đi đến để thấy , để biết , để đạt đến chỗ tận cùng của thế giới . Nhưng này hiền giả , trong cái thân dài độ mấy tấc này , với những tưởng , những tư duy của nó , ta tuyên bố về thế giới tập khởi , thế giới đoạn diệt , về con đường đưa đến thế giới đoạn diệt. " thuộc Pāli tạng.

Và cũng trên lập trường này, trong kinh 1307[2] Tạp A Hàm thuộc Hán tạng, mà chúng tôi sẽ giới thiệu dưới đây qua bản dịch của người viết, cùng hiệu-chú của Thượng Toạ Thích Tuệ Sỹ, sẽ nói lên con đường đi đích thật của đức Phật đã từng đi, đã từng sống, để chỉ dạy lại cho chúng ta, những người đi sau noi theo.

 

“Tôi nghe như vầy:

“Một thời đức Phật ở vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có Thiên tử Xích Mã,[3] tướng mạo tuyệt vời, vào lúc cuối đêm, đến chỗ Phật, đảnh lễ sát chân Phật, ngồi lui qua một bên; từ thân toả ánh sáng chiếu khắp vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà. Lúc này Thiên tử Xích Mã kia bạch Phật:

“Thưa Thế tôn! Có thể vượt qua biên tế thế giới, đến chỗ không sinh, không già, không chết chăng?”

Phật đáp Xích Mã:

“Không thể vượt qua biên tế thế giới, đến chỗ không sinh, không già, không chết được.”

Thiên tử Xích Mã bạch Phật:

“Lạ thay! Thế tôn khéo nói nghĩa này! Như những gì Thế tôn đã nói: ‘Không thể vượt qua biên tế thế giới, đến chỗ không sinh, không già, không chết được.’ Vì sao thưa Thế tôn! Vì con tự nhớ kiếp trước tên là Xích Mã, làm Tiên nhơn ngoại đạo,[4] đắc thần thông, lìa các ái dục.[5] Lúc đó, con tự nghĩ: ‘Ta có thần túc nhanh chóng như vậy, giống như kiện sĩ, dùng mũi tên nhọn trong khoảnh khắc bắn xuyên qua cây đa-la, có thể lên một núi Tu-di và đến một núi Tu-di, cất bước nhẹ nhàng từ biển Đông đến biển Tây.’ Lúc ấy con tự nghĩ: ‘Nay ta đạt được thần lực nhanh chóng như vậy, hôm nay có thể tìm đến biên tế của thế giới được chăng?’ Nghĩ vậy rồi liền khởi hành, chỉ trừ khi ăn, nghỉ, đại tiểu tiện, và giảm bớt ngủ nghỉ, đi mãi đến một trăm năm, cho tới khi mạng chung, rốt cuộc không thể vượt qua biên tế thế giới, đến nơi  không sinh, không già, không chết.”

Phật bảo Xích Mã:

“Nay Ta chỉ dùng cái thân một tầm để nói về thế giới, về thế giới tập khởi , về  thế giới diệt tận, về con đường đưa đến thế giới diệt tận .

“Này Thiên tử Xích Mã! Thế nào là Thế giới? Là chỉ năm thọ ấm.[6] Những gì là năm? Là sắc thọ ấm, thọ thọ ấm, tưởng thọ ấm, hành thọ ấm, thức thọ ấm, đó gọi là thế giới.

“Thế nào là sắc tập khởi ? Là tham ái đối với hữu vị lai câu hữu với  tham, hỷ, mê đắm nơi này hay nơi kia.[7] Đó gọi là sự tập khởi của thế giới .

“Thế nào là thế giới diệt tận ? Là tham ái đối với hữu vị lai câu hữu với  tham, hỷ, mê đắm nơi này hay nơi kia, đều đoạn tận, xả ly không còn sót, vô dục, vắng lặng, dứt bặt, đó gọi là sự diệt tận thế giới .

“Thế nào là con đường đưa đến thế giới diệt tận ? Là tám Thánh đạo: Chánh kiến, chánh trí, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh phương tiện, chánh niệm, chánh định. Đó gọi là con đường đưa đến sự diệt tận thế giới.

“Này Xích Mã! Biết rõ thế giới, đoạn tận thế giới; biết rõ thế giới tập khởi, đoạn tận thế giới tập khởi; biết rõ thế giới diệt tận, chứng nhập thế giới diệt tận; biết rõ con đường đưa đến thế giới diệt tận, tu con đường đưa đến sự diệt tận thế giới. Này Xích Mã! Nếu Tỳ-kheo nào đối với khổ thế giới, hoặc biết hoặc đoạn; sự tập khởi thế giới, hoặc biết hoặc đoạn; sự diệt tận thế giới, hoặc biết hoặc chứng; con đường đưa đến sự diệt tận thế giới, hoặc biết hoặc tu, thì này Xích Mã! Đó gọi là đạt đến biên tế thế giới, qua khỏi ái thế giới.”

Bấy giờ Thế tôn nói kệ lập lại:

Chưa từng dạo đi xa,

Mà đến biên thế giới;

Chưa đến biên thế giới,

Trọn không hết biên khổ.

Vì vậy nên Mâu-ni,

Biết biên tế thế giới;

Khéo rõ biên thế giới,

Các phạm hạnh đã lập.

Đối biên thế giới kia,

Người giác tri bình đẳng;

Đó gọi hạnh Hiền thánh,

Qua bờ kia thế giới.

Sau khi Thiên tử xích Mã nghe những gì Phật nói, hoan hỷ, tuỳ hỷ, đảnh lễ sát chân Phật, liền biến mất.”

 

Qua bản kinh này đã cho chúng ta một cái nhìn đặc trưng về Niết-bàn, về thế giới của không sinh, không già, không chết, mà mỗi người trong chúng không ai là người không ước ao mong muốn đạt đến nơi đó. Nhưng nơi đó là nơi nào? Phải chăng là nơi ở ngoài thế giới ba cõi này? Như Thiên tử Xích Mã đã từng hỏi, và đã từng kinh nghiệm, đã từng kinh qua trong quá khứ khi hỏi về: ‘Có thể vượt qua biên tế thế giới, đến chỗ không sinh, không già, không chết chăng?’ Khi mà những thắc mắc về cuộc sống nhân sinh vũ trụ, lúc nào cũng ám ảnh sợ hãi bởi cái khổ trước mắt muốn tìm cách thoát ra nó; nhưng qua kinh nghiệm sống, qua kinh nghiệm đã từng trải, bế tắt vẫn hoàn bế tắt như Thiên tử Xích Mã đã từng bỏ ra một trăm năm chạy đôn chạy đáo cố vượt qua biên tế thế giới để tìm đến nơi không sinh, không già, không chết, lúc còn làm Tiên nhơn, cuối cùng vẫn không thoát khỏi biên tế thế giới này. Chúng ta ai lại không có những thắc mắc và những ước mong như Thiên tử Xích Mã, nhưng những thắc mắc và mong ước kia Thiên tử Xích Mã đã từng thực hiện nó bằng những hành động, nhưng những hành động này vẫn không thành tựu được chỉ vì phương pháp thực hành trên nền tảng cơ bản đã sai lầm như đức Phật đã dạy:

“Không thể vượt qua biên tế thế giới, đến chỗ không sinh, không già, không chết được.” Chỉ vì chính chúng ta đã quên ngay đến sự hiện hữu của chính chúng ta trên thế giới này, mà vong thân hướng ngoại tìm cầu; nhưng theo đức Phật thì:

“Nay Ta chỉ dùng cái thân một tầm để nói về thế giới, về sự tập khởi thế giới, về sự diệt tận thế giới, và con đường đưa đến sự diệt tận thế giới.” Ngay trong cuộc sống hiện tại này, ngay trong thế giới này, chứ không ở đâu xa hết. Ở đây, đức Phật chỉ giới hạn cái thân này để nói về nhân quả thế gian và xuất thế gian qua tứ Thánh đế, mà ở đó con người được đánh giá như là một hiện tượng đủ để có thể hoàn thành một thế giới qua năm thọ ấm; chúng được coi như là một kết quả, được hình thành bỡi những tập khởi của sắc được câu hữu với ái, tham, hỷ để phát sinh ra những hệ lụy nhiễm trước trói buộc trong quá khứ. Trong hiện tại, đối với vị lai nếu những tập khởi của sắc được câu hữu với ái, tham, hỷ để phát sinh ra những hệ luỵ nhiễm trước trói buộc và làm nhân tập khởi cho chúng trong vị lai, mà hình thành nhân quả thế gian, thì đó là cách hình thành nhân quả thế gian theo chiều lưu chuyển. Và ngược lại cũng trong cái thân này, đối vị lai, nếu sắc hiện tại không câu hữu với ái, tham, hỷ để phát sinh ra những hệ lụy nhiễm trước trói buộc, thì đã thoát khỏi mọi hệ luỵ nhiễm trước, đã dứt sạch hết mọi thứ vô minh phiền não, không còn ham muốn, dứt bặt mọi thứ, trở thành vắng lặng tịch tịnh, không còn có ái, tham, hỷ hiện hữu ở đây nữa, đó là sự diệt tận thế giới; và để đạt được trạng thái vắng lặng tịch tịnh của kết quả này, thì phương pháp để sắc không câu hữu với ái, tham, hỷ nữa là cần phải tu tập  tám Thánh đạo, con đường đưa đến sự diệt tận của thế giới, chúng là nhân hiện tại để đưa đến quả trong vị lai như đức Phật đã dạy. Đó chính là sự hình thành của nhân quả xuất thế gian theo chiều hoàn diệt.

Khi chúng ta đã biết rõ thế nào là thế giới, thế nào là thế giới tập khởi của nhân quả thế gian và, biết rõ thế nào là thế giới diệt tận, thế nào là con đường đến thế giới diệt tận của nhân quả xuất thế gian. Tiếp đến, trên nguyên tắc nhân quả nhằm loại bỏ đi những di hại của sắc khi câu hữu với ái, tham, hỷ để rồi phát sinh ra những hệ lụy nhiễm trước trói buộc sau đó. Trước hết phải đoạn tận thế giới và sự tập khởi của chúng, sau đó muốn chứng đạt đến trạng thái vô dục vắng lặng dứt bặt, dứt sạch không còn gì hết, thì phải tu tập theo con đường để đưa đến thế giới diệt tận. Nhưng đến đây cũng chỉ là những định nghĩa một cách lý thuyết về thế giới qua năm thọ ấm để nói lên cái nhân quả bất toàn có thể thay đổi được bỡi những nổ lực theo lưu chuyển hay hoàn diệt của nhị đế mà thôi. Đức Phật dạy tiếp:

“Này Xích Mã! Biết rõ thế giới, đoạn tận thế giới; biết rõ thế giới tập khởi, đoạn tận thế giới tập khởi; biết rõ thế giới diệt tận, chứng nhập thế giới diệt tận; biết rõ con đường đưa đến thế giới diệt tận, tu con đường đưa đến sự diệt tận thế giới.”

Biết rõ thế giới ở đây chính là biết như thật về năm thọ uẩn, biết rõ về năm thọ uẩn tập khởi, để đoạn tận chúng. Năm thọ uẩn hiện hữu của mỗi chúng ta trong hiện tại, nó là một kết quả tất yếu vừa mang hình thức biểu hiện của nhân quá khứ, vừa làm nhân tố   tích cực cho một cái quả nào đó trong tương lai. Như vậy khi chúng ta nói về hiện hữu của chúng là nói đến sự liên hệ nhân quả ba đời của quá khứ-hiện tại- tương lai (chúng thuộc dạng phân đoạn sinh tử). Trong sự hiện hữu sinh-tử này, chúng nói lên được liên hệ nhân quả từ sinh đến tử, giai đoạn này chúng ta vừa là người thọ quả của quá khứ, vừa là kẻ tạo nhân cho vị lai. Và cũng vì lẽ đó cho nên khi chúng ta biết rõ cái quả hiện tại của nhân quá khứ chúng là năm thọ uẩn, thì cũng trong hiện tại chúng ta tạo nhân cho vị lai bằng cách đoạn tận năm thọ uẩn vọng này để không có cái nhân vọng cho vị lai nữa, nghĩa là không sinh ra quả vọng cho vị lai; khi quả vọng vị lai không sinh, thì nhân vị lai cũng không sinh, và cứ như vậy vòng xích nhân quả vọng sẽ bị diệt. Đến đây năm thọ uẩn không sinh ra nữa, khi năm thọ uẩn đã không sinh, thì có gì để diệt, nên không diệt.

 

Vậy Niết-bàn chúng sẽ hiện hữu ngay trong cõi này , ngay trong xác thân này , nếu ai giải thóat được mọi trói buộc đau khổ của tập khởi , của đoạn diệt , bằng cách không khởi tâm điên đảo , phân biệt chấp trước đối với cuộc sống , thì người đó sẽ đạt được Niết bàn ngay trong cuộc sống này . Từ những ngộ nhận sai lầm như vậy , cho nên những gì đức Phật đã phương tiện dạy  cho chúng ta con đường  đi đến giải thoát , thì họ đã biến chúng  thành con đường nô lệ trói buộc .

Niết-bàn cùng thế gian

Không có tí phân biệt

Thế gian cùng Niết-bàn

Cũng không tí phân biệt .

                                               (Trung quán luận, phẩm quán Niết-bàn)

Về Năm uẩn nhân duyên , tướng của chúng đứng về mặt dụng mà nói, thì chúng là tướng sanh diệt biến đổi liên tục qua lại, và gọi chúng là thế gian. Nhưng đứng về mặt tánh mà nói, thì cứu cánh của chúng là Không, Tịch diệt, không chấp thủ, đó là Không tướng (nghĩa này đã nói ở trên). Ở đây, vì tất cả các pháp chẳng sanh chẳng diệt cho nên  thế gian cùng Niết-bàn không có sự phân biệt và ngược lại Niết-bàn cùng thế gian cũng không có sự phân biệt nào. Lại nữa ,

Thật tế của Niết-bàn,

Cùng thật tế thế gian;

Cả hai thật tế đó,

Không mảy may sai biệt . 

                                          (Trung quán luận, phẩm quán Niết-bàn)

Cả hai thật tế Niết-bàn và thế gian, không có bất cứ mảy may sai biệt nào cả. Vì sao ? Vì khi chúng ta tìm kiếm thật tế cứu cánh của chúng, thì cứu cánh của chúng là bình đẳng. Do đó, mọi tìm kiếm đều không thể đạt được, chỉ vì chúng không có bất cứ mảy may sai biệt nào .

 

Thật ra trong giáo pháp của Ngài , đức Phật đã phương tiện dùng hai hình thức Nhân quả và Duyên  khởi , để một mặc đối trị về nhân quả tội phước, và mặc khác giải phóng những phương tiện đó qua duyên khởi để hoàn thành  Trung đạo giả danh trở về Không tánh . Đó là con đường giải thoát thật sự như chính trong kinh Xà dụ , hệ Bali đã dạy :” Chánh pháp còn buông bỏ huống chi là phi pháp”. Nhưng đối với họ, điều này không quan trọng nên đã bị họ bỏ qua . Trong khi đó, họ không biết rằng chính họ đã phản bội lại đức Phật qua lập trường chấp thủ tà kiến thuộc nhân quả nhị nguyên . Họ quên đi pháp Trung đạo duyên khởi , mà trong suốt cuộc đời , đức Phật đã nổ lực xiển dương chúng . Đức Phật chưa bao giờ chủ trương lấy Hữu-Vô làm lập trường chính để đưa chúng sanh đến giải thoát cả , mà ngài chủ trương :” Mọi vật đều không”  ( Sarvam sùnyam) nhằm phủ định có và không của các pháp và xiển dương tự tánh Không , cũng là mở bày cho một hướng đi vượt thoát, đó là Trung đạo qua tướng giả danh . Chính vì Không này mà các nhà Tiểu thừa sau này , đã quan niệm sai lầm về nó, để đẻ ra một cái tự tánh thực hữu nào đó của các pháp , mà phản lại chính quan điểm của đức Phật . Cũng chính vì muốn khôi phục lại con đường đi của đức Phật , ngài Long Thọ Bồ tát mới viết ra bộ luận Trung quán , nhằm xiển dương con đường Trung đạo mà đức Phật đã từng đi , đã từng sống với  nó . Ngài Long Thọ bảo cái Không  ở đây không phải là cái không của không đối lập với cái có , mà là cái KHÔNG của :

           

            Các nhân duyên sanh pháp              

        Ta nói tức là Không

        Đó cũng là giả danh                               

        Cũng là nghĩa Trung  đạo .

                                                       (Trung quán luận, phẩm quán Tứ đế)

Ở đây , mọi vật đều Không , được quan niệm như là một cứu cánh để phá hủy tất cả mọi quan điểm sai lầm về các pháp . Qua đó Bát Bất được ngài sử dụng như là một phủ định tuyệt đối cho phương pháp luận của ngài , nhằm triệt tiêu mọi chấp thủ có-không ( nhị nguyên ), vừa xây dựng lý duyên khởi hiện tướng qua Trung đạo giả danh để hiển Thể duyên khởi Tánh Không của chúng như trong bài kệ trên đã nói .

 

Nguyên bản hán kinh 1307 Tạp A-hàm Quyển 49 Đại Chánh tân tu tập II

 

如是我聞

一時。佛住舍衛國祇樹給孤獨園

時。有赤馬天子。容色絕妙。於後夜時來詣佛所。稽首佛足。退坐一面。其身光明遍照祇樹給孤獨園

時。彼赤馬天子白佛言。世尊。頗有能行過世界邊。至不生.不老.不死處不

佛告赤馬。無有能過世界邊。至不生.不老.不死處者

赤 馬天子白佛言。奇哉。世尊。善說斯義。如世尊說言。無過世界邊。至不生.不老.不死處者。所以者何。世尊。我自憶宿命。名曰赤馬。作外道仙人。得神通。離 諸愛欲。我時。作是念。我有如是揵疾神足如健士夫。以利箭橫射過多羅樹影之頃。能登一須彌。至一須彌。足躡東海。越至西海。我時。作是念。我今成就如是揵 疾神力。今日寧可求世界邊。作是念已。即便發行。唯除食息便利。減節睡眠。常行百歲。於彼命終。竟不能得過世界邊。至不生.不老.不死之處

佛 告赤馬。我今但以一尋之身。說於世界.世界集.世界滅.世界滅道跡。赤馬天子。何等為世間。謂五受陰。何等為五。色受陰.受受陰.想受陰.行受陰.識受 陰。是名世間。何等為色集。謂當來有愛.貪.喜俱。彼彼染著。是名世間集。云何為世間滅。若彼當來有愛.貪.喜俱。彼彼染著。無餘斷.捨.離.盡.無欲. 滅.息沒。是名世間滅。何等為世間滅道跡。謂八聖道。正見.正志.正語.正業.正命.正方便.正念.正定。是名世間滅道跡

赤馬。了知世間。斷世間。了知世間集。斷世間集。了知世間滅。證世間滅。了知世間滅道跡。修彼滅道跡。赤馬。若比丘於世間苦若知.若斷。世間集若知.若斷。世間滅若知.若證。世間滅道跡若知.若修。赤馬。是名得世界邊。度世間愛

爾時。世尊重說偈言

未曾遠遊行   而得世界邊
無得世界邊   終不盡苦邊
以是故牟尼   能知世界邊
善解世界邊   諸梵行已立
於彼世界邊   平等覺知者
是名賢聖行   度世間彼岸

是時。赤馬天子聞佛所說。歡喜隨喜。稽首佛足。即沒不現

 


[1] Tăng chi 1 trang 406-408, bản dịch của H.T. Thích Minh Châu.

[2]  Tạp A-hàm 49,  kinh số 1307, Đại 2, tr. 259. Tham chiếu,  Biệt dịch Tạp A-hàm, Đại 2, No 100(306); Tăng nhất A-hàm 8, Đại 2, No 125(43.1), tr.756. Pāli, Aṅguttara, A. iv. 45. Rohita.

[3] Pāli: Rohitasso devaputto.

[4]  Pāli: Rohitasso nāma isi ahosi bhojaputta, có vị ẩn sỹ tên là Rohitassa, con trai của Bhoja.

[5] Pāli: vehāsaṅgamo, đi trong hư không.

[6]  Cũng nói là năm thủ uẩn. Pāli: pañca-upādānakkhandha.

[7]  Cf. M.i. tr. 48: taṇhā ponobhavikā nandīrāgasahagatā tatratatrābhinandinī,  khát vọng tồn tại trong đời vị lai, cùng có mặt với hỷ và tham; ước vọng tái sinh chỗ này hay chỗ kia.

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

3.00

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập